Buông bỏ dính mắc vào người và sự vật mà mình yêu thích

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Buông bỏ dính mắc vào người và sự vật mà mình yêu thích thì mới có thể thành tựu: Đây là cửa ải thử thách mà người tu hành phải vượt qua, không dễ nhưng cũng không khó. Chỉ xem ở chỗ mình có Nhìn Thấu hay không mà thôi…

Khi bạn phải từ bỏ ngôi nhà thân yêu của mình, những tiện nghi của mình, mình ở một môi trường khác năm bữa bảy ngày, 1 tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng xem coi mình có nhớ ngôi nhà cũ không? có nhớ hoàn cảnh cũ không? Có nhớ người cũ không?

Mình có khởi vọng tưởng đó không? Mình có khởi sự dính mắc đó không? Đó chính là mình đang thực sự trải nghiệm, chứ không phải kiểu nói trên miệng hay tự suy nghĩ là: Ừm, tôi ở trong nhà tôi, tôi cũng nghe Pháp Niệm Phật nhưng mà tôi cứ vẫn muốn trong nhà này, vẫn muốn ở gần người này. Đó chính là Ái.

Đây là nói rõ trên thực tế mình chưa chịu buông bỏ, mình chỉ dùng Phật pháp và những công phu mà mình nghĩ là công phu để bao biện cho sự dính mắc của bản thân mà thôi.

Mình chưa thật sự buông bỏ. Nếu mình thực sự buông bỏ, mình phải chứng minh là cho dù có hay không có người đó, có hay không có cái nhà đó, có hay không có cái công việc đó thì mình vẫn ổn, tâm mình vẫn là A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật.

Còn bây giờ, mình ở xa ngôi nhà này, xa người mà mình yêu thương, mình niệm A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật mà sao vẫn nhớ nhà, vẫn nhớ nghĩ về vợ con, về cha mẹ, về những người mà mình yêu thương, rồi nghĩ nhớ đến công việc của mình…

Bao nhiêu cái cảm giác, bao nhiêu sự cảm xúc nó lại ùa về, mình không có chống cự được, không niệm Phật được thì thua rồi, xem như phải xây lại từ đầu. Phải tìm ra được cốt lõi, tại sao mình lại không vượt qua được cái chuyện này? Vì nếu mình không vượt qua được chuyện này thì làm sao vãng sanh được?

Đây là điều mấu chốt quan trọng, gốc bệnh của mình chính là bản thân mình, mình có thấy cái bệnh chưa? Thấy gốc bệnh chưa? Nếu bạn không trải nghiệm giống như con báo cáo nãy giờ bạn sẽ không thấy được sự dính mắc của bạn. Bạn đều nghĩ mọi chuyện vẫn ổn, ngày qua ngày vẫn ổn, mọi thứ đều thuận lợi như ý, ở trong căn nhà như ý, được gặp những người như ý, được niệm câu Phật hiệu như ý.

Nhưng mà thực ra trong đó là cái kén đang trói chặt tâm bạn vào những thứ như ý, cho đến khi bạn phải xa lìa những thứ như ý của bạn, bạn lại sanh phiền não, bạn lại không chịu nổi với môi trường mới.

Cho nên chúng ta thấy hình ảnh của Ân Sư có lần Ngài nói : Tôi để ý những bức hình tôi chụp, đa số là không chụp nguyên người, chỉ chụp khoảng 3/4 người nên thường phần chân của Ngài không có chụp. Hoặc chụp nửa người gì đó. Bởi Ngài nói cái chân Ngài là chân đi. Ngài không có cái gì là cố định, không có vướng bận với bất kỳ nơi nào, bất kỳ người nào.

Ngài đi suốt, cả cuộc đời Ngài là đi. Đó là Ngài dạy cho chúng ta không có sự dính mắc, chứ không phải bảo chúng ta cũng đi giống Ngài đâu ạ. Cho nên mình học là học theo cái tâm chứ không phải mình học theo hành vi bên ngoài, học theo hành vi bên ngoài mà tâm không giống thì đó chỉ là giả thôi, chỉ là mang tính biểu diễn.

Cho nên miệng có Niệm Phật mà tâm không chịu buông bỏ sự dính mắc vào cái nhà, vào cái danh ,vào cái tiền, vào cái nghề nghiệp, vào những con người thân yêu,  vào những thứ mình yêu thích, thì con nói vứt đi hết.

Công phu tu hành niệm Phật đổ sông đổ biển, chả được gì. Tới lúc lâm chung là quờ quạng, mê mờ, những cảnh mình yêu thích rất có thể sẽ hiện ra, vậy là mình lại đi vào trong những đường mê mờ này. Câu Phật hiệu chỉ là bề nổi phía trên thì mình làm sao mà Vãng Sanh được? 

Phần chìm của tảng băng trong tâm mình quá lớn, mình chưa có phá, mình chỉ phá bề nổi của tảng băng: Đó là nhìn bề ngoài, bạn có ăn chay, bạn có Niệm Phật, có nghe Pháp, nhưng phần chìm trong nội tâm của bạn vẫn là sự dính mắc, đeo mang mấy chục năm nay, cho đến những ngày gần đây vẫn y nguyên, thậm chí dính mắc còn nặng hơn trước.

Mình chưa đột phá được, chưa buông bỏ được sự dính mắc vào người và sự vật mà mình yêu thích thì  mình đừng có nói gì đến Pháp thân, tự tánh rồi thanh tịnh gì hết…Niệm Phật chẳng qua cũng chỉ là kết duyên với Phật A Mi Đà trong đời này mà thôi, chứ chẳng thể thành tựu.
 

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *