Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 11
Sư phụ thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người!
A Di Đà Phật!
Buổi trưa hôm nay mọi người biểu hiện vô cùng tốt, cũng là thực hành câu “cha mẹ thích, dốc lòng làm” trong “Đệ Tử Quy”. Sư trưởng dặn dò chúng ta phải cố gắng học tập, chúng ta thật sự cũng làm được rồi. “Cha mẹ thích” là trong tâm cha mẹ rốt cuộc muốn chúng ta quan tâm như thế nào trên phương diện thân và tâm thì chúng ta cũng cần phải nhạy cảm. Các vị đồng học có biết cha mẹ thích ăn món nào nhất không? Dường như những người tương đối lớn tuổi đều luôn gật đầu, còn những người trẻ tuổi thì có thể không biết. Tôi cũng từng hỏi học trò như vậy “các em có biết cha mẹ thích ăn gì không?”. Các bạn nhỏ đều ngồi suy nghĩ mãi. Chúng tôi lại đổi sang vấn đề khác hỏi chúng “mẹ có biết các em muốn ăn món gì không?”. Chúng không cần suy nghĩ liền nói mẹ biết em thích ăn món này, em thích ăn món kia. Tiếp theo chúng tôi nói với học sinh rằng “các em xem, mẹ lúc nào cũng biết các em thích ăn món này món kia còn các em lại không biết mẹ thích ăn món gì. Chúng ta thật sự không công bằng, không quan tâm tới cha mẹ rồi”.
Thời nhà Hán có một người đọc sách tên là Thái Thuận. Một hôm ông ra ngoài hái quả dâu. Mẹ ông thích ăn quả dâu. Ông liền lấy hai chiếc giỏ, một giỏ đựng dâu màu đen, màu tím, còn một giỏ thì đựng những trái màu đỏ. Các vị đồng học vì sao phải chia thành hai giỏ? Kết quả tôi kể câu chuyện này ở Hải Khẩu nhưng Hải Khẩu không có quả dâu, học sinh chưa từng nhìn thấy quả dâu, cho nên trong khi dạy học chúng ta cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh sinh sống của học trò xem chúng có biết những thứ này không? Bởi vì quả dâu tương đối chín thì có màu đen, màu tím, còn tương đối đỏ là vẫn chưa chín. Đúng lúc trên đường trở về nhà thì Thái Thuận gặp phải bọn cướp. Bọn cướp thấy rất khó hiểu liền bắt ông lại rồi hỏi ông “ngươi hái dâu vì sao phải chia thành hai giỏ?”. Ông liền nói “bởi vì quả chín sẽ tương đối ngọt, cho nên tôi muốn giữ lại cho mẹ tôi ăn, còn giỏ bên này chưa chín lắm thì tôi giữ lại để mình ăn”. Cho nên Thái Thuận đã làm được “cha mẹ thích, dốc lòng làm” rồi. Bọn cướp nghe xong cảm thấy rất cảm động liền thả ông đi.
Các em à, bọn cướp đều giết người không chớp mắt tại sao lại thả ông đi? Vì sao vậy? Bởi vì hiếu tâm của Thái Thuận đã thức tỉnh hiếu tâm của bọn cướp. Cho nên chúng ta phải tin rằng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Chỉ cần chúng ta có đức hạnh tốt, người dù ác đến đâu cũng sẽ được cảm hóa. Cho nên khi chúng ta đối diện với người xấu có cần chỉ trích họ không? Có cần mắng họ không? Không cần, quan trọng nhất là bản thân phải làm tốt để ảnh hưởng họ, để ảnh hưởng xã hội này.
Bọn cướp vì rất cảm động nên đã đem gạo và một số thứ tặng cho ông. Các vị đồng học, có được lấy không? Bọn cướp nói “mang những thứ này về phụng dưỡng mẹ ngươi đi”, có được lấy hay không? Việc này cũng phải dạy cho trẻ sức phán đoán. Nếu như Thái Thuận nói “vâng, tôi xin nhận”. Ông mang về nhà vừa đặt xuống, vừa ngồi xuống thì đột nhiên quan viên trong quan phủ đến, vừa vào cửa liền thấy gạo nhà Trương Tam tại sao ở nhà ông? Rau nhà Lý Tứ vì sao ở nhà ông? Lúc này thì nhân chứng vật chứng như thế nào đều đầy đủ, dù có một trăm cái miệng cũng không biện bạch được. Cho nên muốn lấy đồ của bất kỳ người nào nhất định phải nghĩ xem nguồn gốc của những vật này có rõ ràng không? Nên Khổng Phu Tử đã nói “Quân tử có chín điều phải suy nghĩ”. Có chín phương diện mà người quân tử lúc nào cũng phải quán chiếu, phải suy xét. Trong chín điều này có nhắc đến “được lợi phải xem có đáng nhận không”. Bạn nhận được bất cứ đồ vật gì trước tiên phải nghĩ xem nguồn gốc của nó có phù hợp đạo nghĩa không? Nếu không phù hợp với đạo nghĩa thì tuyệt đối không được lấy, gọi là “quân tử thích tiền tài nhưng đều dùng những cách chính đáng để đạt được”.
Cho nên khi chúng ta kể chuyện cho trẻ nghe bên trong lồng ghép bao nhiêu đạo lý? Thứ nhất “cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Đạo lý thứ hai là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, chúng ta nên dùng đức hạnh để cảm hóa họ. Đạo lý thứ ba là “được lợi phải xem có đáng nhận không”, quân tử thích tiền tài nhưng đều dùng những cách chính đáng để đạt được. Khi chúng ta kể chuyện cho học trò nếu không làm rõ những đạo lý này thì học trò chỉ lưu lại ấn tượng là cảm thấy mình đã từng nghe câu chuyện này rồi. Nhưng nếu chỉ nói đạo lý không kể những câu chuyện thì người thông thường nghe đạo lý lâu rồi rất có thể sẽ bị hôn trầm, không thể tiếp thu được. Cho nên chúng ta phải dung hợp lý và sự lại với nhau. Nếu kể chuyện mà lý sự viên dung thì người nghe, học sinh sẽ tiếp thu được rất tốt, cho nên “cha mẹ thích, dốc lòng làm”.
Buổi sáng chúng ta cũng nhắc đến “thân bị thương, cha mẹ lo”. Đời người có một nỗi bi thương rất lớn, chính là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, cho nên chúng ta phải cố gắng giữ gìn thân thể, thậm chí đời người đều sẽ xuất hiện 1 số nguy hiểm tai họa. Các vị đồng học, có chắc chắn khi bạn gặp tai họa bạn đều có thể gặp dữ hóa lành được không? Vị nào chắc chắn xin giơ tay? Các vị vẫn giữ được đức tánh khiêm hư. Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu đời này chúng ta vì gặp tai nạn mà qua đời thì đó là điều cha mẹ đau lòng nhất. Chúng ta phải tích công lũy đức thì tự nhiên có thể gặp dữ hóa lành.
Trong “Trung Dung” có nhắc đến “họa phước khi sắp đến, là thiện nhất định sẽ có điềm báo trước, là bất thiện cũng nhất định sẽ có điềm báo trước”. Một người nếu nơi nơi đều hành thiện thì tự nhiên có thể “mọi phước đức đều đến, tất cả điềm lành đều tụ hội”, các vị thần hộ pháp đều sẽ phù hộ cho bạn. Cho nên thời xưa có rất nhiều tấm gương hiếu cảm động trời đất. Có rất nhiều ví dụ nhờ hiếu hạnh mà có thể hóa giải tai nạn.
Thời nhà Nguyên, đúng lúc xảy ra một trận động đất lớn, khiến mười ngàn tám trăm khu vực đều bị sập đổ hết. Nơi đó có một người con hiếu tên là Lý Trung. Tất cả nhà cửa trong tâm chấn đều bị sập đổ hết, kết quả khi đến nhà của ông thì đột nhiên tâm chấn chia làm hai đường, sau khi đi qua nhà ông thì tâm chấn lại hợp thành một đường, tất cả nhà cửa đều sập hết chỉ có nhà của ông không bị sập đổ, thật sự là cảm ứng bất khả tư nghì. Cho nên chúng ta hành thiện phải rất có lòng tin.
Buổi sáng chúng ta cũng nhắc đến “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi, mặt ta vui, lời ta dịu”. Khuyên can cha mẹ cũng là bổn phận của người làm con. Có một số bạn nói là văn hóa truyền thống nói phải hiếu thuận hiếu thuận, vậy cái gì cũng phải hiếu thuận, đó có phải là hiếu mù quáng không? Kỳ thực khi họ nói quan điểm này rất có thể ngay đến một bộ kinh điển họ cũng chưa từng xem qua. Cho nên hiện nay có rất nhiều người phê bình văn hóa truyền thống, trên thực tế ngay đến một bộ kinh điển họ cũng chưa xem một cách hoàn chỉnh. Kỳ thực nếu đọc qua “Đệ Tử Quy” thì có thể giải quyết được vấn đề này của họ không? Làm gì có chuyện cái gì cũng phải thuận, “cha mẹ lỗi phải khuyên thay đổi”. Cho nên thuận này là chỉ khi cha mẹ kiến nghị chúng ta, kỳ vọng chúng ta là những điều chính xác thì chúng ta nhất định phải tận tâm tận lực làm. Khi cha mẹ đưa ra những việc không đúng đắn, cách làm không đúng đắn thì chúng ta phải thuận theo tình thế để khuyên ngăn họ, đừng gây xung đột trước mặt họ.
Buổi sáng chúng ta nói khuyên can phải kiến lập trên sự tín nhiệm, mà khuyên can cũng phải nhìn từ mấy phương diện xem chúng ta khuyên can có thỏa đáng không? Thứ nhất phải xem từ dụng tâm của chúng ta. Thứ hai phải xem từ thái độ của chúng ta. Thứ ba là dùng đúng phương pháp, dùng đúng thời cơ. Thứ tư là phải thật có tâm nhẫn nại. Kỳ thực bốn thái độ này đều được thể hiện rõ trong câu giáo huấn này của “Đệ Tử Quy” rồi. Cho nên “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi” là một tấm lòng hiếu thuận, thái độ là “mặt ta vui, lời ta dịu”. Khi chúng ta khuyên cha mẹ thái độ có thể giống như nói chuyện với trẻ nhỏ được không? Vậy thì cha mẹ nhất định không thể tiếp nhận, cho nên phải “mặt ta vui, lời ta dịu”. “Khuyên không nghe”, nếu như sau khi khuyên cha mẹ không nghe thì chúng ta không được ngại phiền hà, chữ “phục” chính là nhẫn nại không ngại phiền phức. “Duyệt” chính là thời cơ, phương pháp. Phải đợi đến khi nào mới khuyên tiếp? Đợi khi tâm tình của cha mẹ tương đối tốt thì khuyên tiếp.
Nếu như vậy vẫn không nghe thì phải sử dụng toàn bộ bản lãnh cuối cùng, bắt đầu “dùng khóc khuyên”. Chuyện này có một điển cố, bởi vì lúc đầu trong quá trình Đường Thái Tông giúp cha ông bình định thiên hạ. Có một lần cha ông nhất quyết muốn đi con đường này nhưng Đường Thái Tông có thể đã dự đoán được đi như vậy rất có thể sẽ bị mai phục, toàn quân sẽ bị tiêu diệt. Khuyên rất nhiều lần nhưng cha ông vẫn không nghe. Hôm đó khi sắp xuất phát, đột nhiên nghe bên ngoài doanh trại có người lớn tiếng kêu khóc. Cha ông rất ngạc nhiên liền chạy ra ngoài xem thì thấy Đường Thái Tông Lý Thế Dân đang ngồi trên đất gào khóc. Cha ông thấy vậy cũng rất cảm động, ông đã cố gắng hết sức để khuyên can cha mình, sau đó cha ông mới đổi tuyến đường hành quân nên không bị mai phục. Lý Thế Dân khóc lóc như vậy nên đã chuyển đổi toàn bộ vận mệnh của triều Đường. Cho nên chúng ta phải dùng đúng phương pháp để khuyên can.
Trước tiên chúng ta xem dụng tâm. Nếu chúng ta khuyên người khác mà họ không thể tiếp nhận thì chúng ta phải xem lại tâm mình có phải là thành tâm thành ý hy vọng họ tốt hay là chúng ta có dục vọng khống chế hay không? Anh nhất định phải nghe tôi, nếu không nghe tôi thì họ rất tức giận. Khi chúng ta dùng thái độ khống chế để yêu cầu người khác thay đổi thì họ nhất định sẽ rất khó tiếp nhận. Trong lúc chúng tôi dạy học cũng thường có học sinh đến tố cáo là bạn này thế này, bạn kia thế kia. Khi học sinh đến tố cáo chúng tôi sẽ hỏi em ấy là “hôm nay em đến nói bạn học này làm sai chỗ này, vậy em hy vọng bạn ấy sửa lỗi hay là vui sướng khi thấy người khác sai? Nếu em thật sự hy vọng bạn ấy sửa lỗi vậy thì em trực tiếp nói với bạn đó là được rồi”. Cho nên em học sinh này cũng sẽ xem lại thái độ, dụng tâm của chính mình. Ý niệm này chuyển lại thì thường chúng sẽ rất khách khí đi khuyên bạn học đó. Đương nhiên, chúng tôi cũng sẽ dạy trẻ một số thái độ đúng đắn. Khi người khác khuyên nhủ em thì em nên trả lời như thế nào? Phía sau “Đệ Tử Quy” cũng dạy “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi”. Cho nên hướng dẫn trẻ khi bạn học nói ra khuyết điểm của chúng ta thì chúng ta nên cảm ơn họ, nên nói với họ rằng “cảm ơn bạn đã chỉ ra khuyết điểm của mình”. Khi trẻ đều có thái độ như vậy thì có thể chung sống hòa thuận. Cho nên sau khi đứa trẻ này đi khuyên bạn học khác thì hai người đều rất vui vẻ đến trước mặt thầy cô.
Cho nên thứ nhất trước tiên chúng ta phải xem dụng ý của mình, thứ hai là thái độ thường có thể từ tốn, sắc mặt có thể ôn hòa một chút, ngôn từ cũng đừng quá gay gắt, “mặt ta vui, lời ta dịu”. Tiếp theo cũng phải chú ý phương pháp và thời cơ, gọi là “nói tốt nơi đông người, khuyên lỗi nơi phòng riêng”. Khi khuyên nhủ người khác tốt nhất là nên nói chuyện riêng với họ. Bởi vì người lớn quý nhất là gì? Người trưởng thành quý nhất là cái gì? Quý nhất là thể diện, đều không bán thể diện đi được. Cho nên chúng ta tu hành thứ nhất phải bán cái gì đi? Trước tiên phải bán thể diện đi. Đương nhiên khi chúng ta khuyên người khác cũng phải chú ý đến cảm nhận, vấn đề thể diện của người khác. Cho nên việc tốt có thể tuyên bố trước công chúng khiến người khác “thấy người tốt, nên sửa mình”. Muốn khuyên người khác sửa lỗi thì phải khuyên nơi phòng riêng. Khi bạn làm ra động tác này thì họ cũng cảm nhận được bạn mọi nơi đều để đường lui cho họ.
Trong “Luận Ngữ” cũng có nhắc đến “gặp người không thể nói mà bạn nói là phí lời”, tức là khi giao tình giữa bạn và họ chưa đủ sâu, gọi là “giao tình mỏng không nói lời sâu”, người không nên nói mà bạn nói vậy thì bạn nói phí lời rồi, nhưng “người đáng nói mà bạn không nói”, tức là giao tình của chúng ta với họ đã sâu rồi, khi họ có lỗi lầm mà chúng ta không nói cho họ vậy là bỏ qua mất người đáng nói, chúng ta có lỗi với người bạn này rồi, gọi là “cùng khuyên thiện, cùng lập đức, lỗi không ngăn”, chúng ta chẳng phải vừa đọc tụng đó sao? “Lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Chúng ta đã tổn mất đạo nghĩa bạn bè rồi, cho nên chúng ta cũng phải nắm bắt đúng thời cơ.
Cuối cùng là tâm nhẫn nại, có một số người bạn phải khuyên ba lần, năm lần. Có một số người bạn có thể phải khuyên họ hai năm, ba năm. Có một số người phải khuyên 20 năm, 30 năm, còn có người nhất định phải khuyên cả đời mới có kết quả. Cho nên chúng ta đôn luân tận phận là chúng ta tận tâm tận lực làm tròn bổn phận của mình chứ không phải yêu cầu đối phương phải lập tức sửa đổi. Cho nên chúng ta phải vô trụ sanh tâm, vô trụ là không chấp trước đối phương nhất định phải lập tức báo đáp, nhưng luôn luôn phải đề khởi tâm chân thành của chúng ta. Khi chúng ta dùng tâm vô cầu, tâm chân thành khuyên nhủ họ thì thường tốc độ quay đầu của họ vô cùng nhanh, gọi là chí thành như thần. Khuyên can cha mẹ hoặc là lãnh đạo, kỳ thực trong quan hệ ngũ luân đều có bổn phận khuyên can, cho nên con cái nên khuyên can cha, cha mẹ cũng phải khuyên nhủ khi con có sai lầm.
Có một người cha, con của ông vừa tròn 16 tuổi, biết lái xe rồi. Ông hẹn con lái xe ra ngoài đến một nơi phong cảnh đẹp. Con của ông phải đến trạm xăng để đổ xăng. Ông đã hẹn với con trai 4 giờ chiều sẽ gặp nhau ở đây. Kết quả con trai ông lái xe đến trạm xăng, đổ xăng xong rồi, vẫn còn một khoảng thời gian nữa mới đến 4 giờ, cho nên cậu đã đến một nơi gần đó mà xem phim, tính xem phim xong sẽ nhanh chóng trở lại đón cha. Kết quả vừa xem thì quên mất thời gian, trong lòng cũng rất lo lắng nên nghĩ sẽ nói với cha là: do xe có chút vấn đề nên cậu phải đi sửa xe. Bởi vì cậu cũng chưa học qua “Đệ Tử Quy”, lẽ ra nên “Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”. Sau khi cậu trở lại đã xin lỗi cha nói là “cha à, xe bị hỏng con đi sửa nên về muộn ạ”. Cha nói với cậu rằng “tại sao con lại nói dối cha?”. Đứa con nói tiếp “cha à, xe bị hỏng thật mà”. Cha liền nói với cậu rằng “cha đã gọi điện đến trạm xăng, họ nói cả buổi chiều xe con đều để ở trạm xăng, căn bản là con không đi sửa”. Con trai ông nghe xong rất hổ thẹn, việc đã bị bại lộ, bị cha biết rồi. Người cha nói tiếp “cha rất tức giận, cũng rất buồn. Không phải cha giận con, cũng không phải cha buồn vì con mà cha giận chính mình. Đứa con cha đã dạy dỗ 16 năm lại có thể lừa cha như vậy. Đó là do cha giáo dục thất bại rồi, cho nên cha phải cố gắng kiểm điểm lại việc giáo dục con trong 16 năm qua. Hôm nay cha phải đi bộ về nhà”. Con đường đó cách nhà họ 18 dặm Anh, đi bộ về đến nhà có lẽ là nửa đêm rồi. Người cha rất kiên trì, đã bước từng bước như vậy về nhà. Bản thân ở đó phản tỉnh, con trai lái xe theo sau từng bước từng bước như vậy. Tôi tin là trong lòng cậu xúc động vô cùng lớn, cậu cũng vô cùng áy náy.
Các vị đồng học con của ông sẽ nhớ chuyện này bao lâu? Cả đời sẽ không quên. Tin là chặng đường này là chặng đường dài nhất mà cậu từng đi qua, cũng là sự giáo dục thành công nhất mà cha dành cho cậu. Cho nên cha mẹ dạy con cái cũng phải thường dùng thái độ phản tỉnh để cảm hóa con cái.
Có một người đọc sách tên là Tôn Nguyên Giác. Khu vực của họ có một phong tục không tốt, tức là nếu cha mẹ già, sanh bệnh rồi thì cõng họ lên núi để ở đó không quan tâm họ nữa. Người con Tôn Nguyên Giác này khuyên cha nhưng cha không nghe. Ông liền cùng cha cõng ông nội lên núi. Sau khi để ông nội xuống cha của ông chuẩn bị trở về thì Tôn Nguyên Giác liền nhặt chiếc sọt tre về, do phải dùng chiếc sọt tre này để cõng ông lên núi. Cha ông liền nói không cần nhặt chiếc sọt đó về, để đó là được rồi. Ông liền nói với cha rằng không được, con phải mang chiếc sọt này về, sau này cha già rồi con cũng lại cõng cha lên núi. Kết quả cha ông vừa nghe xong liền nhanh chóng đón ông nội trở về. Ông cũng rất là khéo léo phương tiện khuyên cha mình, cho nên chúng ta cũng phải thường quán cơ để làm việc, dùng ngôn từ rất hòa nhã để khuyên nhủ cha mẹ.
Mẹ tôi nghe Phật Pháp sớm hơn tôi. Bà cũng thường niệm Phật. Trong việc tu hành tôi thường khích lệ mẹ một số chuyện. Có một lần tôi nói với mẹ là “mẹ à, chúng ta vừa nghe được pháp môn niệm Phật tâm đều rất hoan hỷ, cho nên nhất định không phải đời này chúng ta mới nghe được pháp môn niệm Phật, nhất định là đời trước cũng từng nghe rồi. Vì sao đời trước đã nghe qua rồi mà hiện nay hai mẹ con mình vẫn mê mờ ở đây? Nhất định có thứ gì đó chúng ta chưa buông xả được, cho nên A Di Đà Phật mới không tiếp dẫn được. Tôi nói với mẹ rằng mẹ à mẹ không buông được thứ gì nhất? Mẹ tôi liền cười hiểu ý. Thứ không buông được nhất là gì? Là con trai. Cho nên chúng ta nói chuyện phải chỉ ra điểm trọng yếu. Sau đó tôi đến Hải Khẩu hơn bốn tháng, lần đầu tiên trở về, vừa vào cửa tôi liền nói với mẹ là “mẹ à, mẹ tu hành rất tốt”. Kết quả bà mơ hồ không hiểu, không biết tôi đang nói gì. Tôi nói “mẹ à, hơn bốn tháng này con làm việc trong tâm không có lo lắng, cũng không bất an. Mẹ ở nhà nhất định cũng không bận tâm vì con nên con mới thoải mái như vậy”. Mẹ tôi nghe vậy cũng cười rất vui vẻ.
Kỳ thực mẹ con liền tâm. Khi chúng ta càng buông xuống được thì trong lòng con cái càng không có gánh nặng. Bởi vì có một đêm khoảng 12 giờ, tôi lên giường đi ngủ thì tim có chút không thoải mái, tôi lại không bị bệnh tim nên cảm thấy kỳ lạ nhưng đã nửa đêm rồi cũng không tiện gọi điện về nhà hỏi. Hôm sau tôi gọi một cuộc điện thoại cho mẹ. Mẹ tôi nói nửa đêm hôm qua bà thức dậy vốn dĩ là muốn uống thuốc ngủ để ngủ ngon một chút, kết quả uống nhầm thuốc giãn mạch, cho nên rất khó chịu, tôi liền cảm nhận được.
Tôi nói với mẹ, bởi vì bà có thể buông tôi xuống được nên tôi mới có thể tự tại làm việc như vậy. Tôi cũng nói với mẹ là “mẹ xem Vương Vĩnh Khánh là thánh kinh doanh. Sự nghiệp ông kinh doanh vô cùng lớn. Ông đã 80 tuổi rồi nhưng mỗi ngày ông vẫn làm việc bao nhiêu giờ? Rất nhiều giờ. Sự nghiệp của chúng ta làm còn lớn hơn Vương Vĩnh Khánh không biết bao nhiêu lần. Tiền ông kiếm được là có hạn, còn chúng ta phải hoàn thành việc sanh tử luân hồi từ vô thủy kiếp đến nay. Số lần chúng ta luân hồi còn nhiều hơn số tiền của ông, cho nên sự nghiệp của chúng ta có lớn hơn ông không? Mẹ tôi nói ừ có, lớn hơn ông. Cho nên chúng ta không được lười biếng hơn ông, chúng ta phải chăm chỉ hơn ông mới được, nên phải dũng mãnh tinh tấn. Khi chúng ta thấy tâm tình của mẹ rất tốt, tâm tình của cha rất tốt thì mọi người có thể từng chút một nhắc nhở lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm. Đây cũng là chỗ mà chúng ta có thể mọi lúc mọi nơi mà dụng tâm, cho nên giữa cha con nên khuyên nhủ lẫn nhau.
Tiếp theo, quan hệ quân thần cũng phải khuyên nhủ lẫn nhau. Thời xưa tất cả quân vương có thể kiến công lập nghiệp đều do bên cạnh họ có những thần tử vô cùng tốt, biết thẳng thắn khuyên can họ. Trong tất cả những vị thần can gián nổi tiếng nhất là ai? Là Ngụy Trưng triều Đường. Một hôm Ngụy Trưng nói với Đường Thái Tông là “thần không muốn làm trung thần mà thần muốn làm lương thần, làm hiền thần”. Đường Thái Tông cảm thấy rất khó hiểu, “vì sao khanh không làm trung thần?”. Ngụy Trưng liền nói “bởi vì trung thần đều bị chém đầu, thần làm lương thần là được rồi”. Đường Thái Tông nghe xong ở đó bật cười. Nhưng Đường Thái Tông là người thông minh, ông vừa cười vừa nghĩ trung thần đều bị ai giết? Bị bạo chúa giết. Nguy Trưng đã nhắc nhở rất khéo léo, Đường Thái Tông nhất định không muốn làm bạo chúa. Cho nên lời lẽ của Ngụy Trưng vô cùng nghệ thuật. Ông nói như vậy nên đã bảo toàn được tính mạng của mình.
Có một lần ông khuyên Đường Thái Tông vô cùng quyết liệt. Đường Thái Tông rất tức giận đi về tẩm cung, vừa đi vừa mắng “tức chết đi được, ta nhất định phải giết ông ta”, ông nổi trận lôi đình. Kết quả về đến tẩm cung, đúng lúc Hoàng Hậu nhìn thấy, thấy Đường Thái Tông giận như vậy nhất định là kiệt tác của ai? Là kiệt tác của Ngụy Trưng. Cho nên Hoàng Hậu lập tức đi thay y phục rất chỉnh tề, sau đó đến trước mặt Đường Thái Tông quỳ xuống rồi nói “chúc mừng Hoàng Thượng, chúc mừng Hoàng Thượng!”. Đường Thái Tông mơ hồ không hiểu, “trẫm đang tức muốn chết, Hoàng Hậu còn chúc mừng trẫm cái gì? Hoàng Hậu liền nói là “nhất định có minh chủ xuất hiện nên thần tử mới dám thẳng thắn khuyên can như vậy”. Đường Thái Tông vừa nghe mình là minh chủ, cơn giận liền biến mất. Cho nên một vị quân chủ có thể lập nghiệp thành công, ở bên cạnh họ không biết có bao nhiêu người giúp đỡ. Bạn xem ông có một người vợ tốt như vậy, lại có một thần tử tốt như vậy nên mới có thể thành tựu.
Cho nên trong cuộc đời của chúng ta khi có một chút thành tựu nhỏ thì tuyệt đối đừng dương dương tự đắc, phải lập tức nghĩ là trong quá trình này có bao nhiêu người quan tâm, dìu dắt chúng ta, điều này phải niệm niệm không quên. Khi người có thể thường tưởng nhớ ân đức của người khác thì tuyệt đối sẽ không cống cao ngã mạn mà sẽ dùng tâm khiêm tốn, cảm ơn để đối người xử sự, cũng do họ hiểu được khiêm tốn, cảm ơn nên sự nghiệp của họ mới không bị thất bại. Khi Ngụy Trưng qua đời Đường Thái Tông khóc rất thương tâm. Ông nói “ta có ba tấm gương, lấy đồng làm gương có thể chỉnh dung mạo, y phục”, ta dùng gương để soi chính mình có thể nhìn thấy mình có chỗ nào không chỉnh tề. “Dùng lịch sử làm gương” là dùng lịch sử để tự soi, soi hành vi của chính mình thì “có thể biết được hưng vong”, có thể biết được cách làm này của ta sẽ hưng thịnh hay là suy bại. “Lấy người làm gương có thể biết được được mất”, bên cạnh có những đại thần này khuyên can ta mới biết hành vi động tác của ta là tốt hay là xấu. Ba tấm gương này của ta đã vỡ một tấm rồi, cho nên ông rất đau lòng, mà tấm gương này chính là chỉ Ngụy Trưng.
Thời Xuân Thu có một vị vua tên là Trịnh Trang Công, đúng lúc ông có xung đột với em trai. Bởi vì mẹ ông rất nuông chiều em trai của ông, nuông chiều đến cuối cùng em trai ông đã nổi lên tạo phản. Cho nên các vị đồng học chúng ta yêu thương trẻ có thể để chúng kiêu căng hỗn láo được không? Có thể vô cùng nuông chiều một người nào đó được không? Điều này tuyệt đối không được mà phải dùng tâm bình đẳng để đối đãi với thế hệ sau, đối đãi với người trong nhà. Chỉ cần có sự thiên vị thì nhất định sẽ xảy ra tai họa. Cho nên yêu thương con trẻ không được dùng tình cảm mà phải dùng trí huệ. Trong lịch sử có rất nhiều cha mẹ do đặc biệt thương yêu một người con nào đó nên kết quả đều là anh em bất hòa.
Chúng ta hết mực yêu thương đứa con này, đối với chúng có lợi không? Là có hại, chúng ỷ được cưng chiều nên kiêu ngạo. Đứa con bị thờ ơ, chúng không được quan tâm, lớn lên nhân cách của chúng sẽ có sự lệch lạc, cho nên đều là hại tất cả các con. Trịnh Trang Công xung đột với em trai, sau đó em trai ông còn vì sợ tội mà tự sát. Trịnh Trang Công rất tức giận đã nói một câu rằng “ta và mẹ ta không đến Hoàng Tuyền thì không gặp mặt”. Lời này nói ra vô cùng tuyệt tình. Cho nên những lời tuyệt tình chúng ta tuyệt đối không được tùy tiện nói ra, gọi là “đừng vì hiềm khích nhỏ mà oán trách người thân, đừng vì giận mới mà quên ân cũ”, đừng vì chút hiềm khích nhỏ xuất hiện mà có khoảng cách với những người thân nhất, đừng vì mâu thuẫn mới mà quên hết tất cả ân đức của đối phương. Thái độ như vậy khiến âm đức của chúng ta bị tổn giảm nhiều nhất. Phải ghi nhớ ân huệ của người khác “ân phải báo, oán phải quên”.
Khi giảng bài ở Bắc Kinh có một cô gái khi nghe giảng xong. Chúng tôi giảng đến anh thương em kính, bởi vì “anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”. Khi anh em có xung đột thì cha mẹ là người buồn nhất. Chúng ta phải trân quý nhân duyên anh em này, đừng vì xung đột mà cả đời không qua lại với nhau nữa. Kết quả cô vừa trở về lập tức liền gọi điện thoại cho em gái. Bởi vì hai năm trước họ vì mấy lời nói xung đột nên hai năm nay chưa từng liên lạc, cũng không hề gọi điện thoại với nhau. Cô nhanh chóng gọi điện thoại cho em gái nói là “em gái à, chị xin lỗi, việc này chị sai rồi”. Cô vừa nói xong thì em gái cô ở đầu dây bên kia bật khóc thút thít. Cho nên thân tình trong nhà đều là nhân duyên rất khó được, đừng tranh cãi nhau, đừng hành động theo cảm tình. Việc này làm tổn thương chính mình mà cũng làm tổn thương đối phương. May là hai năm thì được hóa giải rồi. Nếu 5 năm, 10 năm vẫn chưa được hóa giải thì sẽ như thế nào? Thường ôm lòng oán hận, huyết mạch đều không bình thường, tế bào đều sẽ biến thành bệnh, cho nên rất có thể sẽ bị ung thư.
Các vị đồng học nguyên nhân thật sự bị ung thư là gì? Ăn uống chỉ là trợ duyên, nguyên nhân thật sự là cảm xúc có sự chướng ngại. Rất nhiều tiến sĩ y học đã nghiên cứu ra kết quả đều là do trong cuộc đời xảy ra những sự việc mà họ không thể chấp nhận. Phiền muộn trong thời gian dài đến cuối cùng biến thành ung thư. Các vị đồng học nếu người nhà thân nhất của chúng ta bị ung thư thì chúng ta phải kiểm điểm lại rất có thể không khí trong gia đình thường bực bội, bực bội trong thời gian dài, tâm trạng rất không tốt nên thân thể rất dễ bị bệnh.
Cho nên Trịnh Trang Công nói ra lời này rất đáng sợ. Ông là quân vương, nhất ngôn cửu đỉnh, không thể nói không giữ lời. Bên dưới của ông có một người con hiếu tên là Dĩnh Khảo Thúc. Là một người con hiếu, khi nghe quân vương của mình nói không đến hoàng tuyền thì không gặp mẹ, người con hiếu này nghe xong sẽ như thế nào? Rất buồn. Bởi vì ông chắc chắn hiểu được mẹ của Trịnh Trang Công không biết đau buồn đến cỡ nào. Quả thực tâm hiếu của một người con hiếu thật sự tương ưng với chân tâm, cho nên hiếu tâm cũng sẽ mở rộng thành tâm từ bi, tâm đồng cảm. Trong “Hiếu Kinh” có dạy “dạy hiếu là tôn kính tất cả bậc làm cha mẹ trong thiên hạ”. Hơn nữa Dĩnh Khảo Thúc còn nhìn thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn là nếu một vị quân vương có thái độ như vậy với mẹ thì nhân dân toàn quốc sẽ học tập theo, ngay đến vua cũng bất hiếu thì tôi làm gì phải hiếu thuận chứ. Điều này ảnh hưởng quá lớn, cho nên Dĩnh Khảo Thúc luôn muốn tìm cơ hội, tìm thời cơ khuyên can quân vương của ông. Từ những câu chuyện này chúng ta cũng học tập được sự phương tiện khéo léo của những bậc Thánh Triết này.
Cho nên Dĩnh Khảo Thúc đã tặng lễ vật cho Trịnh Trang Công. Lễ nghi lúc đó là chỉ cần thần dân tặng lễ vật cho quân vương thì quân vương phải đáp lễ, cho nên ông đã mời Dĩnh Khảo Thúc ăn cơm. Trong lúc ăn cơm Dĩnh Khảo Thúc đã để rất nhiều thức ăn sang một bên mà không ăn. Đây là tạo thời cơ. Cho nên Trịnh Trang Công liền hỏi Dĩnh Khảo Thúc “vì sao khanh không ăn những món này?”. Dĩnh Khảo Thúc trả lời “thần từ nhỏ đến lớn tất cả những đồ ăn ngon đều dâng cho mẹ thần ăn trước, mà mẹ thần chưa bao giờ được ăn những món do đức vua ngài ban tặng nên những món này thần muốn gói mang về cho mẹ thần ăn”. Trịnh Trang Công nghe xong cũng rất cảm động, rất tiếc nuối nói là “khanh còn có mẹ để phụng dưỡng, trẫm không còn mẹ nữa rồi”. Kết quả Dĩnh Khảo Thúc liền nói “thưa bệ hạ, ngài đừng lo lắng, bởi vì thần đã giúp ngài tìm được một nơi, nơi đó gọi là Hoàng Tuyền. Ở nơi Hoàng Tuyền đó thần đã đào một căn hầm, chỉ cần ngài và mẹ ngài gặp mặt ở tầng hầm này thì ngài xem như là đến Hoàng Tuyền gặp mặt rồi”. Tiễn Phật phải tiễn đến tận Tây Thiên, ông đã giúp vua nghĩ chu toàn mọi phương pháp rồi. Trịnh Trang Công rất vui vẻ tiếp nhận liền đến nơi Hoàng Tuyền đó, ở dưới tầng hầm gặp mẹ của ông và đón mẹ ông về kinh đô. Khi mẹ ông vào đến kinh đô thì tất cả nhân dân đều xếp hàng hai bên đường để nghênh đón. Cho nên bất hiếu và hiếu sanh ra ảnh hưởng khác nhau một trời một vực, mà thần tử lúc nào cũng nghĩ làm sao để khuyên can quân chủ, cũng vô cùng trung thành, cho nên giữa quân thần phải biết được khuyên can.
Tiếp theo giữa vợ chồng cũng phải biết khuyên can nhau. Có một người bạn trong quá trình nghe chúng tôi giảng bài hiểu được ăn chay có lợi ích rất lớn, cho nên sau khi cô nghe giảng xong trở về. Hôm đó nói với chồng rằng “bắt đầu từ hôm nay em sẽ không nấu thịt cho anh ăn nữa”, nói rất dõng dạc hùng hồn, tiếp theo lại nói “em hoàn toàn muốn tốt cho anh nên anh phải tiếp nhận”. Kết quả sau một tuần lễ, cô rất chán nản đến trung tâm tìm tôi. Cô nói “chồng tôi thật sự không có thiện căn, không nghe lời khuyên. Tôi muốn tốt cho anh ấy nên không nấu thịt cho anh ăn, luôn muốn anh ấy khỏe mạnh mà anh ấy còn không chấp nhận, không cảm kích”. Cô ấy nói xong, tôi cũng rót một ly nước cho cô uống, tiếp theo tôi nói với cô là “nếu chồng cô có nhân tình thì cô phải chịu trách nhiệm. Nếu chồng cô bị bệnh cao huyết áp, bị bệnh tim thì cô cũng phải chịu trách nhiệm”. Cô càng nghe càng cảm thấy rất là oan ức. Tôi lại nói với cô “con trai cô càng ngày càng lạnh nhạt với cha, cô cũng phải chịu trách nhiệm”. Tôi nói tiếp với cô “cô không nấu thịt cho chồng cô ăn vậy anh ấy có ăn không?”. Cô nói “có, anh ấy đều ra ngoài ăn”. Tôi nói “đúng, vậy cô đã đạt được mục đích của mình chưa? Cho nên con người muốn làm bất cứ việc gì nhất định phải rất rõ ràng mục đích của mình, nếu không làm đến giữa chừng sẽ bị toàn bộ cảm xúc chi phối mà quên mất cái tâm lúc đầu. Hiện nay tâm trạng của cô đặt ở đâu? Đặt ở việc chồng không chịu nghe khuyên bảo, mà cái tâm lo nghĩ cho chồng đã để ở phía sau rồi. Cho nên cô chưa đạt được mục đích mà cô muốn, hơn nữa bởi vì chồng đều ra ngoài ăn cơm, nếu không cẩn thận trêu hoa ghẹo nguyệt vậy thì cô phải chịu trách nhiệm. Tiếp theo ăn đồ ở bên ngoài vừa mặn vừa nhiều dầu, ăn thời gian dài cholesterol sẽ tăng cao, sẽ bị cao huyết áp. Còn nữa cha thường ra ngoài ăn cơm sẽ không cách nào ăn cùng các con, chúng ta thường khích lệ cha về nhà ăn cơm tối nhưng cô lại đuổi anh ấy đi. Cho nên chúng ta phải suy nghĩ kỹ rồi mới làm, phải hướng dẫn để chồng tiếp nhận, phải tiến dần từng bước, đừng nên áp đặt người khác. Việc đó kỳ thực là khống chế và chiếm hữu. Khi thái độ của chúng ta là khống chế và chiếm hữu thì rất kỳ quặc, đối phương nhất định sẽ như thế nào? Tôi không muốn thì sẽ bỏ chạy cho bạn đuổi.
Cho nên tôi nói với cô rằng “cô nên làm một cách lặng lẽ, khiến chồng cô không phát hiện ra. Trước đây nấu ba món thịt cho anh ấy ăn, qua một tuần thì giảm thành mấy món? hai món, qua mấy tuần sau thì giảm còn mấy món? Một món, nhưng còn một điểm rất quan trọng là cô phải nấu món rau càng ngày càng ngon. Người chồng đang ăn nói món rau này sao lại ngon như vậy? Cô nói đây mà món chay. Anh ấy nói món chay mà ngon như vậy sao. Nếu bạn bỏ hết món thịt, nấu đều là rau xanh đậu hũ, ngay đến tỏi cũng không cho họ nấu, họ ăn nhất định sẽ vô cùng khó chịu. Chúng ta phải mọi lúc mọi nơi nghĩ thay cho đối phương, họ liền có thể vui vẻ tiếp nhận, dần dần bỏ hết món thịt. Cô cũng có thể thường dẫn chồng đến trung tâm cùng ăn cơm. Tất cả thầy cô ở trung tâm đều ăn chay, khi vừa ăn các thầy cô chúng ta sẽ nói với chồng cô là: “Anh xem, món chay cũng ngon nhỉ”. Chồng cô nói “ồ, vâng, rất ngon”. Anh ấy sẽ cảm thấy nhiều người như vậy đều ăn chay, hơn nữa một điểm rất quan trọng là người ăn chay chúng ta tuyệt đối đừng ăn thành mặt mày xanh xao mà phải ăn thành mặt mày sáng sủa thì người ta mới nói ăn chay rất tốt. Rất nhiều người ăn chay sắc mặt thật rất xấu. Bởi vì ăn quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn, không tự nhiên, chúng ta phải ăn cho khỏe mạnh. Sau đó chồng cô cũng thường đến trung tâm của chúng tôi, quan hệ với mọi người rất tốt, sau đó ở nhà anh cũng ăn chay, cho nên phương tiện khéo léo rất quan trọng.
Còn có một người vợ, chồng của cô hút thuốc. Cô muốn khuyên chồng cô cai thuốc nên đã dùng “mặt ta vui, lời ta dịu” ngôn từ dịu dàng, giọng điệu hòa nhã để khuyên. Cô nói với chồng rằng “em mua hạt dưa cho anh cắn, để anh dần dần cai thuốc”. Kết quả chồng cô cắn hạt dưa được một thời gian nhưng sau đó vẫn không thành công. Cô không ngại tốn nhiều tiền lại mua sô cô la cho anh ăn. Khi thèm hút thuốc thì nhanh chóng ăn sô cô la. Đúng lúc đang cai thuốc lần hai thì có người bạn đến tìm. Người bạn này thấy anh đang cai thuốc nên nói “không phải cai nữa, nào, hút một điếu đi”. Lúc này người vợ ở bên cạnh sẽ làm như thế nào? Nếu bạn bước đến giật ngay điếu thuốc của người bạn đó thì người chồng sẽ như thế nào? Người chồng sẽ cảm thấy mất hết thể diện. Thật sự có người vợ đã làm như vậy, đúng lúc người bạn đó lấy thuốc cho chồng thì người vợ chặn ngang lập tức giật lấy điếu thuốc. Không khí lúc đó vô cùng lúng túng khó xử, như vậy sẽ phản tác dụng. Cho nên người vợ này lập tức đi đến nói với người bạn của chồng là “Xin anh thông cảm cho tôi, tôi đã không tiếc tiền để anh ấy cai thuốc, hiện nay giá sô cô la rất đắt, lần này nếu lại cai thất bại nữa thì tôi không biết phải mua cái gì cho anh ấy ăn đây?”. Kết quả bạn anh vừa nghe liền cất thuốc đi, chồng cô cũng cảm thấy rất có thể diện, không để cho bạn phải khó xử. Chúng ta nên nơi nơi lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa.
Hiện nay vợ chồng thường có hiện tượng ngoại tình. Lúc này cũng nhất định phải khuyên can với đối phương, khuyên như thế nào? Khi cuộc đời gặp phải chướng ngại lớn như vậy chúng ta cũng phải bình tĩnh để đối diện. Có một lần đúng lúc tôi đang đến lớp để giảng bài, vừa lên xe tắc xi thì có một người bạn gọi điện đến nói với tôi rằng “tôi có một đồng nghiệp chồng của cô đi ngoại tình, thầy Thái à phải làm sao đây?”. Chúng ta thúc đẩy văn hóa truyền thống nên chuyện gì cũng phải lo, ngay đến việc người ta đi ngoại tình cũng phải lo. Kết quả tôi liền nói với người bạn này rằng “anh nhất định phải nói với bạn anh rằng đối diện với thử thách lớn như vậy, trước tiên phải có một thái độ là bất luận người chồng sai như thế nào thì cô ấy cũng phải nghĩ xem việc này rốt cuộc mình sai ở đâu? Bởi vì một bàn tay không thể vỗ ra tiếng. Giữa vợ chồng xuất hiện vấn đề tuyệt đối không thể chỉ trách một bên. Nếu người chồng sai 80 phần, bạn sai 20 phần trăm thì bạn cũng phải tĩnh tâm lại nghĩ điều gì? Nghĩ 20 phần trăm sai này, bởi vì con người nhất định phải trở về lúc phản tỉnh thì cô ấy mới có lý trí. Khi cô ấy lúc nào cũng nghĩ đến đối phương không đúng thì cảm xúc của cô ấy sẽ vô cùng rối bời, đến cuối cùng nhất định là một kết cục bi thảm rồi. Đây là điểm quan trọng thứ nhất.
Thứ hai cô ấy nhất định phải hiểu tuyệt đối không được đẩy trách nhiệm cho người thứ ba. Rất nhiều người nói đều là do người đàn ông đó hại, đều là do người phụ nữ đó hại. Tục ngữ nói “vợ chồng hòa thuận thì bên ngoài không chia rẽ được”, trong nhà nếu vợ chồng không có xung đột thì người bên ngoài không thể phá hoại gia đình chúng ta được rồi, cho nên căn nguyên vẫn ở bản thân hai vợ chồng. Mạnh phu tử có một đoạn văn khiến tôi ấn tượng rất sâu. Mạnh phu tử nói “người tự khinh mình thì người khác mới khinh mình, trong nhà bất hòa thì bên ngoài mới phá hoại được, nội bộ trong nước tranh giành thì nước ngoài mới xâm chiếm được”. Ý tức là nói một người nhất định là xem thường chính mình trước thì người khác mới sỉ nhục bạn, một gia đình nhất định là nội bộ bất hòa trước thì người khác mới có thể phá hoại, một quốc gia nhất định là nội bộ tranh giành nên nước khác mới thừa cơ lợi dụng, cho nên căn nguyên của vấn đề vẫn là ở nơi mình, phải trở lại điểm này thì mới có thể hóa giải được vấn đề. Khi một nửa kia có vấn đề thì chúng ta phải phản tỉnh, phải tâm bình khí hòa để xử lý.
Tiếp theo tôi nói với cô gái ấy là khi chồng cô làm đúng cô phải xem anh ấy như cha, cô phải ở bên cạnh vỗ tay khen ngợi “anh làm thật tốt”, anh ấy sẽ rất nỗ lực để làm. Lúc bình thường xem chồng như bạn bè thì hai bên đều có chút không gian, sẽ không cảm thấy rất có áp lực, nên bình thường xem chồng là bạn. Khi chồng phạm sai lầm, phải xem là gì? Xem như con cái, con cái vẫn chưa đủ phải xem như con trai. Khi con trai bạn phạm lỗi bạn có nói đời này mẹ sẽ không bỏ qua cho con đâu. Có như vậy không? Không có, cho nên bạn khoan dung với con trai bạn như vậy nhưng đối với chồng vì sao không khoan dung? Như vậy không công bằng rồi. Rất nhiều cô gái nói họ đã lớn như vậy rồi phải hiểu cách làm người chứ. Câu này có đúng không? Từ “Phải” này còn phải chờ thảo luận đã, họ chưa được học mà. Cho nên Cô Dương đã từng hướng dẫn một trường hợp chồng đi ngoại tình. Vợ của anh đến tìm cô Dương. Cô Dương nói với cô ấy rằng “cô nhất định phải hạ quyết tâm thì tôi mới dạy cô phương pháp”. Kết quả cô ấy nói “tôi nhất định sẽ toàn tâm toàn ý để xoay chuyển chồng tôi”. Cô Dương nói tiếp với cô ấy là “cô phải lấy năng lực mạnh nhất của phụ nữ ra, gọi là gì? Ôn nhu”. Cho nên bắt đầu từ hôm đó cô ấy cũng ăn mặc rất chỉnh tề, giúp con làm bài tập xong thì cho con đi ngủ, còn cô ngồi trên ghế đợi chồng về. Kết quả nhìn thấy hơn 11 giờ, hơn 12 giờ, hơn một giờ rồi, lúc này nội tâm sẽ như thế nào? Sao anh vẫn còn chưa về? Đột nhiên lúc này thể hội được câu hết thảy pháp thành tựu từ cái gì? Từ nhẫn. Đột nhiên chồng bước vào cửa, cô ấy lập tức mặt mày vui vẻ chạy lại “anh vất vả rồi”, xách cặp cho chồng “anh nhất định đói rồi, em nấu giúp anh bát mì nhé”, liền vào trong bếp nấu mì. Chồng cô còn chưa hoàn hồn, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì vậy? Kết quả cô ấy làm như vậy liên tục mấy tháng. Đột nhiên có một hôm chồng cô về rất sớm, vừa vào cửa vẫn chưa nói lời nào liền quỳ xuống. Chồng cô nói “xin em tha thứ cho anh, anh xin nhận tội, mấy tháng nay lòng anh cảm thấy bị lương tâm lên án, giày vò”. Cho nên khi chồng có lỗi thật sự phải dùng tâm chân thành của chúng ta để cảm hóa họ, vẫn phải làm tốt bổn phận của mình khiến đối phương cảm thấy hổ thẹn, thức tỉnh tâm mà phản tỉnh, tâm hổ thẹn của họ.
Được rồi, tiết giảng hôm nay chỉ giảng đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người.!