Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 17
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, A Di Đà Phật! Chúng ta học chương ba “Cẩn” trong Đệ Tử Quy thì phải cẩn trọng lời nói và hành vi. Một đời này muốn có thành tựu, nhất định luôn phải cẩn thận, gia đình muốn được hạnh phúc mỹ mãn cũng phải luôn cẩn thận. Chúng ta xem câu đầu tiên, chúng ta cùng nhau đọc:
“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian; Sáng rửa mặt, phải đánh răng. Tiểu tiện xong – rửa tay sạch”
“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”, buổi sáng phải dậy sớm, buổi tối đi ngủ trễ một chút, như vậy thì mỗi ngày sẽ có thêm nhiều thời gian hơn, có thể dùng để học tập và làm việc. Rất nhiều phụ huynh nói, vậy thì liệu con trẻ ngủ có đủ giấc không? Cho nên thời xưa, “Sáng dậy sớm – tối ngủ trễ” là chỉ người con hiếu thảo, mỗi ngày họ đều dậy rất sớm để dọn dẹp nhà cửa, giống như trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nhắc tới: “Mờ sáng dậy ngay, vảy nước quét sân, trong ngoài gọn sạch”, vô cùng chăm chỉ. “Đêm đến đi ngủ, đóng rào khóa cửa, phải tự kiểm tra”. Buổi tối để con trẻ đi kiểm tra cửa nẻo, cửa nào cần đóng mà chưa đóng thì phải đóng lại; mà đến buổi tối, con cái phải hầu hạ cha mẹ đi ngủ trước, sau đó con cái mới đi ngủ, đây là “tối ngủ trễ”. Người thời xưa tại vì sao mới mười mấy tuổi mà năng lực làm việc lại tốt như vậy, thậm chí còn làm đến chức huyện trưởng? Đó là do từ nhỏ đã trải qua rất nhiều rèn luyện, ngoài ra còn đọc kinh điển của Thánh Hiền.
“Lúc chưa già – quý thời gian”, câu này cũng nhắc nhở chúng ta cuộc đời rất ngắn ngủi, từ khi sanh ra, chỉ có một chuyện chúng ta luôn dũng mãnh tinh tấn, mọi người biết đó là chuyện gì không? Tiến dần đến cái chết. Con người không ai tránh khỏi cái chết, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nên sống làm sao cho cuộc đời có giá trị, có ý nghĩa. Cho nên Thánh Hiền xưa để lại rất nhiều lời dạy bảo có liên quan đến sự quý trọng thời gian, trong đó thời nhà Minh có một họa sĩ tên là Văn Gia, ông từng nói là “ngày mai rồi ngày mai, ngày mai sao nhiều vậy, ngày ngày đợi ngày mai”, đời này của chúng ta nếu như mỗi ngày đều mong chờ tới ngày mai, “mọi chuyện thành vô ích”, không làm được chuyện gì rồi.
Nhan Chân Khanh thời nhà Đường cũng từng viết là, “Canh ba dậy thắp đèn, canh năm gà mới gáy; Chính là lúc nam nhi phải lập chí học hành; Con trẻ không biết chăm chỉ dậy sớm học tập; Lúc về già mới hối hận đọc sách đã quá muộn rồi”. Chúng ta cũng thường gặp nhiều người khoảng hơn 40 tuổi nói là, nếu như cuộc đời có thể quay lại, tôi sẽ không làm như thế này. Nhưng mà cuộc đời có thể quay lại được không? Không thể nào rồi. Cho nên hối hận cũng đã muộn! Hối hận, hối hận, đó là sau này mới tiếc nuối. Nhưng mà đời này chỉ cần có cơ duyên được nghe lời dạy bảo của Thánh Hiền, được nghe Phật Pháp, chúng ta phải trân trọng nhân duyên này, cho dù là bây giờ chúng ta đã lớn tuổi cũng không sao. Cho nên Khổng Lão Phu Tử từng nói là “Sáng nghe đạo, tối chết cũng cam lòng”, có cơ duyên nghe được pháp môn niệm Phật vãng sanh, chúng ta chỉ cần nắm lấy, đời này có thể vô lượng quang, vô lượng thọ. Cho nên gặp được cơ duyên vô lượng kiếp khó tìm này, chúng ta nhất định phải dũng mãnh tinh tấn, nhất định phải nỗ lực hơn Vương Vĩnh Khánh, không thể thua ông ấy được, có thái độ như vậy, tin là đạo nghiệp sẽ không trở thành vô ích.
Người thời xưa nhắc nhở chúng ta nhiều như vậy, chúng ta nhất định phải lĩnh hội sự dụng tâm của họ, không thể lãng phí thời gian. Chúng ta suy ngẫm mà xem, con người tại vì sao lại lãng phí thời gian? Nguyên nhân là gì? Thời của cha tôi, mỗi ngày trôi qua rất sung túc, lúc học hành rất nghiêm túc, thời của chúng tôi không nghiêm túc bằng. Nguyên nhân là do có chí hướng, họ muốn nhanh chóng trưởng thành, làm tốt công việc, hiếu thuận cha mẹ. Chú ba của tôi là tiến sĩ, chú nói thời xưa đi làm ruộng, trong lúc cấy lúa thường ngẩng đầu lên nhìn thấy xe cộ đi qua đi lại, trong lòng chú nghĩ là sau này nhất định phải có thành tựu, không thể để cha mẹ phải cực khổ nữa. Người có chí hướng thì cuộc đời mới sung túc, nếu như từ nhỏ không có chí hướng, có thể sẽ mặc kệ không quan tâm, mỗi ngày cứ trôi qua như vậy. Cho nên hiện nay câu cửa miệng của con trẻ là gì? Thật chán quá! cuộc đời mỗi ngày đều là ăn uống chơi bời, không biết phải đi đâu! Nếu người thực sự hiểu thấu thì nhìn ra được phước báo của thanh thiếu niên hiện nay sớm muộn gì cũng tiêu xài hết, trung niên và về già sẽ rất thê thảm rồi.
Cho nên con người nhất định phải lập chí hướng, phải từ nhỏ lập chí thì mới có thành tựu. Lúc nhỏ tiên sinh Phạm Trọng Yêm gặp được một thầy bói, ông liền hỏi: ông xem giúp con xem sau này con có thể làm tể tướng không? Thầy bói có thể là chưa từng gặp qua đứa trẻ nào có khẩu khí lớn như vậy, liền hỏi tiên sinh Phạm Trọng Yêm: khẩu khí của con cũng lớn quá vậy! Tiên sinh Phạm Trọng Yêm có chút ngượng ngùng, tiếp đó lại hỏi thầy bói: Vậy ông xem giúp con, con có thể làm thầy thuốc hay không? Thầy bói rất là hiếu kì, tại vì sao hai chí hướng lại khác nhau xa vậy? Liền hỏi tiên sinh Phạm Trọng Yêm. Ông trả lời là: Chỉ có tể tướng tốt và lương y có thể cứu người; tể tướng tốt có thể cứu người của một nước; lương y có thể tùy sức tùy duyên mà cứu tính mạng người khác, khi cứu tính mạng của một người, có thể sẽ cứu cả vận mệnh gia đình người ấy. Thầy bói nghe xong rất cảm động, bởi vì trong lòng tiên sinh Phạm Trọng Yêm luôn nghĩ tới làm sao phải cứu người, cho nên thầy bói nói với ông là: Con có cái tâm như vậy, thật sự là tâm của tể tướng, sau này con nhất định sẽ làm tể tướng. Thầy bói cũng rất biết cách khích lệ trẻ nhỏ, sau đó tiên sinh Phạm Trọng Yêm có làm tể tướng hay không? Thực sự là làm đến tể tướng.
Mà chúng ta suy nghĩ xem, khi Phạm Trọng Yêm còn nhỏ, thái độ của ông khi học Tứ Thư Ngũ Kinh là gì? Là làm sao học được phương pháp tu thân, tề gia, trị quốc. Còn những người khác thì muốn học để được điều gì? Chỉ muốn mưu cầu công danh lợi lộc. Cho nên sự lãnh hội đối với kinh điển có giống nhau hay không? Chắc chắc sẽ khác xa nhau rồi. Phạm Trọng Yêm học mười năm hai mươi năm như vậy, văn chương ông viết ra nhất định là vô cùng hay, hơn nữa còn nhắm đến các vấn đề của đất nước, nhờ đó ông cũng thuận lợi bước vào quan trường, ngày một thăng quan tiến chức. Cho nên phải tranh thủ sớm mà lập chí.
Chúng ta cũng nhớ đến, Văn Thiên Tường cũng có một câu nói, “Con người xưa nay ai mà không chết; Hãy để lòng son chiếu sử xanh”. Đây cũng là chí hướng, chí hướng là đời này phải lưu giữ lòng son, lòng son là chỉ tâm chí thành, tâm chân thành của một người; chiếu sử xanh, sử xanh là chỉ sách sử, lịch sử. Mọi người cho rằng chiếu sáng cuốn lịch sử nào? Dùng chân tâm của chúng ta chiếu sáng cuốn lịch sử nào vậy? Ai biết? “Lịch sử dân tộc”, chí hướng của bạn đồng tu này rất cao xa, ngay lập tức nghĩ đến lịch sử của dân tộc. Đích thực trong lịch sử truyền thừa mấy nghìn năm của dân tộc, lần đầu tiên xuất hiện nguy cơ diệt chủng, diệt Thánh Hiền chủng. Bởi vì truyền thừa của dân tộc, hai nguồn sức mạnh quan trọng nhất đó là hiếu đạo và sư đạo. Kết quả là hiện nay còn hiếu đạo hay không? Hết sức nguy cấp; mà sư đạo được xây dựng trên nền tảng hiếu đạo, cho nên chúng ta có trách nhiệm làm tốt hiếu đạo và học vấn của Thánh Hiền, phải truyền thừa cho đời sau, như vậy mới kế thừa và truyền lại cho đời sau, mới xứng đáng với sự từ ái mà tổ tiên dành đã cho chúng ta.
Mấy năm gần đây sau khi tôi tiếp xúc với học vấn Thánh Hiền, cuộc đời mới có sự thay đổi lớn, nếu không thì trước đây cũng sống không có mục tiêu gì cả. Đặc biệt là khả năng ngữ văn học không được giỏi, cũng rất ít đọc văn ngôn văn. Có một lần tôi nghe sư trưởng giảng kinh trên tivi, ngài có nói là, bốn nền văn minh thời cổ đại hiện nay tại v sao chỉ còn lại Trung Quốc, nguyên nhân là gì? Có phải là tổ tiên của bốn nền văn minh cổ đại đứng trước thần linh rút thăm hay không, ai rút được thăm không diệt vong thì sẽ không bị diệt vong hay không? Có phải như vậy không? Chắc chắn không phải là chuyện ngẫu nhiên! Nhất định là do tổ tiên có trí tuệ siêu phàm mới có thể khiến văn hóa truyền thừa mấy ngàn năm không bị suy bại. Bởi vì tổ tiên hiểu được là, ngôn ngữ và chữ viết nếu như không tách ra, trải qua một hai trăm năm sau, lời nói thay đổi nhưng văn chương viết ra cũng vẫn như vậy. Thời gian càng lâu, một ngàn năm, hai ngàn năm sau, ngôn ngữ biến hóa càng lớn, nếu như chữ viết cũng giống như ngôn ngữ, vậy thì người đời sau không thể đọc hiểu được văn chương của người đời trước rồi.
Tôi có một người bạn rời quê hương hai mươi năm, sau khi trở về gặp mặt nói chuyện với người thân bạn bè thì có một số từ phải giải thích thì anh mới nghe hiểu được. Cho nên văn chương nếu như giống với ngôn ngữ thì hai mươi năm xảy ra chút thay đổi nhỏ, hai trăm năm thì sẽ xảy ra biến hóa lớn rồi, hai ngàn năm sau thì càng không thể nào mà đọc hiểu được văn chương của người hai ngàn năm trước viết. Cho nên tổ tiên hiểu được điểm này nên đã tách ngôn ngữ và chữ viết ra, cho dù là ngôn ngữ thay đổi như thế nào, viết văn đều phải dùng văn ngôn văn. Chỉ cần chúng ta hiểu được văn ngôn văn thì có thể thâm nhập vào trí tuệ mấy ngàn năm, bạn có thể tự mình mà lãnh hội, tự mình thọ giáo. Chúng ta hiểu văn ngôn văn thì có thể đọc Luận Ngữ, có thể học theo Khổng Lão Phu Tử, Mạnh Phu Tử, không có chút chướng ngại nào. Cho nên việc tạo ra văn ngôn văn là ân trạch lớn nhất mà tổ tiên để lại cho con cháu đời sau.
Tôi nghe sư trưởng nói như vậy, trong lòng rất hổ thẹn. Bình thường người khác bưng một ly nước đưa cho chúng ta uống, chúng ta đã rất cảm ơn họ, mà tổ tiên để lại ân trạch lớn như vậy cho chúng ta mà chúng ta lại không nhìn thấy, còn ném lời dạy bảo của Thánh Hiền sang một bên, cho nên trong lòng vô cùng hổ thẹn, cũng rơi nước mắt. Chúng ta thường nói “biết hổ thẹn là gần với dũng” vậy, càng phải trân trọng ân trạch của tổ tiên, từ lúc đó tôi bắt đầu học văn ngôn văn. Nói ra cũng khá kì lạ, từ đó trở đi, lật văn ngôn văn ra, hình như cũng không cảm thấy khó như vậy nữa, cảm thấy rất là thân thiết, từ đó cũng hiểu được là “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”. Trước đây tại sao đọc văn ngôn văn chướng ngại lớn như vậy? Bởi vì chính mình cảm thấy nó khó, tâm mình chướng ngại chính mình; bây giờ suy nghĩ xoay chuyển, không bài xích, thậm chí còn trân trọng, cảm ân, tự nhiên chướng ngại liền tiêu trừ.
Sư trưởng cũng dạy chúng ta, chỉ cần chúng ta có thể học thuộc năm mươi bài văn ngôn văn thì có thể đọc được văn ngôn văn rồi; chúng ta có thể học thuộc một trăm bài văn ngôn văn thì chúng ta có thể viết văn ngôn văn. Các vị đồng học, mấy ngày nay mọi người học thuộc được mấy chương rồi? Đệ Tử Quy có thể tính là sáu bài văn ngôn văn, “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn, tín”, “Ái chúng” và “Thân nhân” làm thành một bài, thêm “Dư lực học văn” nữa, tính ra là sáu bài, còn lại hơn bốn mươi bài nữa, mọi người dũng mãnh tinh tấn không được bỏ cuộc giữa chừng. Tiếp theo có thể học thuộc Hiếu Kinh, Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, bởi vì Tứ Thư là cương lĩnh của văn hóa truyền thống, là nền tảng quan trọng nhất. Sư trưởng cũng hi vọng chúng ta, một tuần học thuộc ba trăm chữ, một năm có thể học được bao nhiêu? Có thể học được khoảng năm mươi bài văn ngôn văn, tới đó năng lực văn ngôn văn của chúng ta có thể nâng cao rất nhanh, chỉ cần có quyết tâm nhất định có thể làm được thôi. Các vị đồng học, moi người phải dùng chân tâm của mình viết ra lịch sử, để truyền thừa lại văn hóa truyền thống.
Còn phải chiếu sáng quyển lịch sử nào? Sáng sử sanh. Chúng ta phải tu thân, tề gia; tề gia, trị quốc, cho nên phải chiếu sáng lịch sử của ai? Tu thân phải bắt đầu từ chính bản thân mình, con người nhất định phải không có lỗi với chính mình, không thể lừa mình dối người. Chúng ta quay đầu nhìn lại, cuộc đời mấy mươi năm này, chính mình có cảm thấy thoải mái, sung túc hay không? Nếu như cảm nhận được đã lãng phí quá nhiều thời gian, vậy thì phải nhanh chóng sửa đổi thái độ, nhanh chóng trân quý thời gian học tập cho tốt, khai mở trí tuệ, không nên đợi đến khi về già, “Còn trẻ không biết chăm chỉ dậy sớm học tập; Lúc về già mới hối hận đọc sách quá muộn rồi”.
Chúng ta muốn tề gia thì phải dùng sự nỗ lực cả một đời để mà chiếu sáng lịch sử của ai? Lịch sử của cha mẹ chúng ta. Để một đời này của cha mẹ lưu lại một trang, bởi vì sanh được những đứa con như chúng ta mà cảm thấy rất xứng đáng, cảm thấy rất là an ủi. Nếu như một đời này của cha mẹ, bạn có thể làm cho họ cảm nhận như vậy, phận làm con của chúng ta đã thực sự làm trọn bổn phận rồi. Ngoài việc chiếu sáng lịch sử của cha mẹ, còn phải chiếu sáng lịch sử của ai? Con cái của chúng ta; hi vọng là sau khi con cái trưởng thành, bước ra xã hội chung sống với người khác, chúng đột nhiên cảm nhận được là chúng có được cha mẹ dạy bảo tốt như vậy, có nhân cách đúng đắn, có thái độ cuộc đời đúng đắn, nhờ vậy mà đời này của chúng không thể nào thất bại. Khi con cái có cảm nhận như vậy về cha mẹ, cảm ân cha mẹ, vậy thì đời này trong quyển lịch sử của con cái, chúng ta cũng viết xuống trách nhiệm và ân nghĩa của chúng ta.
Ngoài con cái, cha mẹ, chúng ta còn phải viết lịch sử của ai? Người bạn đời của chúng ta. Để cho lịch sử người bạn đời của chúng ta sẽ ghi lại những gì? Mọi người có từng nghĩ qua muốn ghi lại điều gì không? Có từng nghĩ qua chưa? Nếu không thì thời gian trôi qua rất nhanh, khi chúng ta về già, muốn làm một số chuyện thì đã không còn kịp nữa rồi. Cho nên hiện tại phải tận tâm tận lực yêu thương bảo hộ đối phương, để đối phương cảm nhận được là một đời này họ có thể kết hôn với một người như chúng ta mà gia nghiệp, sự nghiệp của họ mới có được sự phát triển tốt như vậy. Khi người chồng đánh giá về người vợ như vậy, có sự thể hội như vậy, người làm vợ cũng đã làm được một cách viên mãn.
Giá trị cuộc đời là thành tựu cuộc đời của tất cả những người bên cạnh chúng ta, thậm chí là có một bạn đồng tu trong chúng ta nói là, thành tựu sự truyền thừa văn hóa truyền thống. Chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta cũng phải dùng tâm chân thành của mình để chiếu sáng quyển lịch sử nào? Chiếu sáng quyển lịch sử Phật giáo. Trong thời đại này, Phật pháp suy yếu, tà ma mạnh mẽ, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, nhưng mà chúng ta không thể đứng bên ngoài nhìn, bởi vì chúng ta tin tưởng là “chánh hiển vọng tự tiêu”, chỉ cần chánh pháp có thể sáng tỏ, tà pháp tự nhiên sẽ biến mất. Cho nên chúng ta không nên bởi vì tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng mà chùn bước, chỉ cần có quyết tâm, nhất định có thể cứu vãn được tình thế. Cho nên khi con người có chí hướng như vậy, sau khi lập chí, tự nhiên sẽ tăng cường chính mình, quy hoạch thời gian, sẽ không lãng phí thời gian nữa rồi.
Con trẻ nếu như không hiểu được phải trân quý thời gian, chúng ta phải dẫn dắt chúng như thế nào? Có một người cha nhìn thấy con mình cả ngày chơi bời lêu lổng, ông liền lấy một cây gậy dài khoảng 80cm đến trước mặt con rồi nói: Con à, cuộc đời của một người cũng giống như cái cây gậy này vậy, khoảng tám mươi năm; hai mươi năm đầu còn đang học hành, không có giúp ích lớn cho gia đình, cho xã hội, cho nên khoảng thời gian này không có cống hiến, chúng ta loại bỏ nó đi. Nói xong liền cầm rìu chặt bỏ 20cm đầu tiên. Tiếp theo ông nói: Đời người từ 60 tuổi trở đi bắt đầu già yếu, cũng không có sức lực để làm việc, cho nên 20 năm sau cũng phải loại bỏ đi. Nói xong liền chặt bỏ. Ông nói tiếp: Đoạn còn lại, có một phần ba thời gian là để ngủ ngỉ cũng phải bị loại bỏ, cho nên đoạn này cũng không tính, cầm rìu chặt bỏ. Trong quá trình ông chặt cây gậy đó, trong lòng con trai ông rất chấn động. Tiếp theo người cha nói: Mỗi ngày con phải ăn cơm, còn phải làm một số chuyện vụn vặt, cũng lãng phí rất nhiều thời gian, cho nên lại chặt thêm một đoạn. Vừa chặt xuống thì người con nói: Cha ơi, cha đừng chặt nữa, con đã biết rồi. Người cha nói: Con chưa biết đâu, con không hiểu được, một đời này của con còn sanh bệnh biết bao nhiêu lần, bệnh rồi phải nằm trên giường, khoảng thời gian này cũng không tính. Lại tiếp tục chặt bỏ. Đứa trẻ lãnh ngộ được, lập tức quỳ xuống. Người cha nói với con, con xem đời người ngắn như vậy, có thể làm chuyện thực sự có ý nghĩa, có thể thực sự hiếu thuận cha mẹ, cống hiến cho xã hội, cho đất nước; thời gian đã ngắn như vậy mà con còn lãng phí thì thật là không nên.
Khi trẻ nhỏ lãng phí thời gian, chúng ta cũng phải phương tiện thiện xảo, đương nhiên lúc đầu phải để chúng lập chí hướng. Cho nên rất nhiều đứa trẻ học tập kinh điển, huân tập học vấn Thánh Hiền, bạn hỏi chúng: Vì sao phải đọc sách? Chúng sẽ trả lời như thế nào? Chúng sẽ nói con muốn làm Thánh nhân, bởi vì đọc sách chí tại Thánh Hiền. Thầy cô quy định cho chúng mỗi ngày bảy giờ sáng phải đọc Đệ Tử Quy, cho nên sáu giờ rưỡi là chúng ngủ dậy, mỗi ngày cố định bảy giờ bắt đầu đọc tụng. Đúng lúc nghỉ Tết nên chúng đi ngủ hơi trễ, mẹ chúng lo lắng con cái ngủ không đủ nên chỉnh lại đồng hồ chạy chậm một giờ so với bình thường. Em nhỏ này ngủ đến sáu bảy giờ tỉnh dậy, nhìn thấy đồng hồ mới hơn năm giờ, lại tiếp tục ngủ. Sau đó cảm thấy không đúng lắm, bởi vì con người đều có một chiếc đồng hồ sinh học, em bước ra ngoài nhìn thì thấy đã tám giờ, ngay lập tức em nhỏ liền khóc lớn, nói sao lại tám giờ rồi, em còn chưa đọc Đệ Tử Quy nữa. Bạn xem con trẻ từ nhỏ đã tạo thành thói quen tốt như vậy, hơn nữa đây còn là sự cung kính của em dành cho thầy cô, lời hứa mà em đã tự mình nói ra, em không dám quên. Cho nên cha mẹ làm như vậy có tốt không? Đây là phản giáo dục. Mặc dù ngủ ít đi một tiếng, nhưng con trẻ đã hình thành thói quen sinh hoạt rất có quy luật, thậm chí là thái độ cung kính với thầy cô, cung kính với học vấn.
Có một em nhỏ buổi sáng thức dậy, sau đó rửa mặt đánh răng, lề mề làm trễ nải thời gian, bởi vì bàn chải đánh răng bây giờ có rất nhiều hình thù, vỏ tuýp kem đánh răng cũng có nhiều hình đẹp, cho nên em nhỏ vừa đánh răng vừa nghịch. Mẹ em thấy là nếu tiếp tục như vậy nhất định sẽ trễ giờ, thế nhưng vẫn là án binh bất động. Kết quả lúc đến trường thật sự là bị muộn, mẹ em nhìn em đi lên lầu. Em nhỏ này không tham gia lễ chào cờ, bởi vì các em học sinh khác đều đi tham gia, người mẹ nghĩ là con mình nhất định sẽ bị thầy giáo phê bình. Cho nên buổi trưa em về nhà, nhìn vẻ mặt em không thấy có chút nào là hổ thẹn, người mẹ cũng cảnh giác được thầy giáo không trừng phạt, không phê bình con mình. Chiều hôm đó người mẹ gọi điện cho thầy giáo, nói với thầy là: Con trai của tôi hôm nay đi học trễ. Thầy giáo nghe xong liền nói: Không sao, không sao. Kết quả là người mẹ trả lời: Làm sao mà lại không sao được chứ! Rất có vấn đề, học sinh đi học trễ, nếu như không nhắc chúng, chúng sẽ tạo thành thói quen xấu. Thầy giáo này nói: tôi còn tưởng chị gọi điện thoại đến để giải thích vì sao con mình đi học trễ. Tiếp theo người mẹ nói với thầy: Thầy phải phê bình và xử phạt nó, để nó biết sợ chứ. Thầy giáo trả lời: Thời buổi bây giờ mà còn có phụ huynh gọi điện đến để muốn phê bình, xử phạt con mình, thật sự là rất hiếm. Thầy vừa cười vừa nói: Đồng ý, được rồi, buổi chiều tôi sẽ phê bình nó.
Buổi chiều tan học về, đứa trẻ vừa bước vô nhà liền đi tìm cái đồng hồ báo thức. Vì sao lại đi tìm đồng hồ báo thức vậy? Ngày mai không được đến lớp muộn nữa. Chỉnh giờ báo thức thành sáu giờ rưỡi, trong lòng mới cảm thấy yên tâm, sau đó để đồng hồ xuống. Người mẹ nhìn thấy liền đi đến nói với con, bây giờ con chỉnh giờ báo thức thành sáu giờ rưỡi, đợi chút nữa lúc ăn cơm đồng hồ sẽ reo, con ăn xong cơm, đợi qua sáu rưỡi rồi hãy chỉnh giờ báo thức thì ngày mai nó mới reo, bởi vì đồng hồ này chỉ có 12 giờ đồng hồ mà thôi, một ngày có hai lần sáu giờ rưỡi. Đứa trẻ cũng học được, ăn cơm xong mới đi đặt báo thức. Sau này tự mình thức dậy, tự mình sắp xếp thời gian, không đi trễ nữa. Mà cho dù đi đến đâu, em cũng mang theo đồng hồ báo thức của mình, tự mình đặt thời gian để mà thức dậy. Cho nên trong quá trình giáo dục, cẩn trọng lúc ban đầu rất là quan trọng, lần đầu tiên phạm sai lầm, bạn có thể sửa cho chúng, cho nên một đời này chúng sẽ có được lợi ích, đối với việc con trẻ trân trọng thời gian chúng ta cũng phải nắm lấy cơ hội mà dạy bảo.
Tăng Quốc Phiên tiên sinh từng nói là, nhìn một gia tộc hưng thịnh hay suy bại, có thể nhìn từ ba góc độ. Thứ nhất đó là con cháu đời sau ngủ tới mấy giờ? Nếu như ngủ tới lúc mặt trời lên cao, vậy thì gia phong của gia tộc này nhất định sẽ suy bại, bởi vì tham ngủ thì sẽ như thế nào? Sẽ rất lờ đờ, lười biếng, nếu như con trẻ lười biếng, chúng sẽ không chăm chỉ; không chăm chỉ thì chúng sẽ không trân trọng lao động cống hiến của người khác; không trân trọng cống hiến của người khác thì chúng sẽ không biết cảm ân. Rất nhiều tập tánh có quan hệ liên đới, ảnh hưởng liên đới. Góc độ thứ hai đó là con cháu đời sau có giúp đỡ làm việc nhà, có siêng năng chăm chỉ hay không? Góc độ thứ ba đó là nhìn xem con cháu đời sau có đọc kinh điển Thánh Hiền hay không? Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn cũng có câu “con cháu dù ngu muội, kinh sách không thể không đọc”, bởi vì không đọc kinh thư thì sẽ không hiểu đạo lý; không hiểu đạo lý thì không biết phân biệt thị phi thiện ác.
Đời này chúng ta có thể nghe được Phật Pháp, chúng ta cũng phải trân trọng thời gian mà tu học, cho nên “thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó nghe nay đã nghe”. Thân người khó có được hay không? Phật trên kinh điển cũng từng nhắc nhở chúng ta, Phật cầm lên một nắm đất rồi thả xuống, nói với đệ tử là, đất trên đại địa nhiều, hay là đất dính lại trong móng tay chúng ta nhiều? Đương nhiên là đất trên đại địa nhiều hơn rồi. Phật nói là “mất thân người giống như đất trên đại địa, mà có được thân người giống như là đất dính trong móng tay vậy”, cho nên được làm người cũng là nhân duyên rất thù thắng. Chúng ta suy ngẫm mà xem, một loại kiến trong khu rừng nguyên sinh, số lượng của chúng đều vượt qua số lượng người trên trái đất này, có khả năng hay không? Rất có khả năng. Chỉ một loài kiến ở trong rừng nguyên sinh đã nhiều hơn loài người, cho nên số lượng động vật nhiều hơn con người biết bao nhiêu lần? Không cách gì tính đếm được. Lại thêm chúng sanh ở địa ngục, ngạ quỷ, chúng ta có thể sâu sắc hiểu được thân người khó có được.
Phật pháp khó được nghe, Phật trên kinh điển từng lấy ví dụ, gặp được Phật pháp cũng giống như “rùa mù gặp bọng cây trôi nổi trên biển”, bọng cây này có một cái lỗ, phải làm sao khi con rùa thò đầu lên liền chui vào đúng cái lỗ này, mà con rùa mù này bơi tới bơi lui trong biển lớn, không hề nhìn thấy phương hướng. Tỉ lệ nghe được Phật pháp cũng giống như khi con rùa mù này đột nhiên thò đầu lên để hít thở đúng lúc gặp được cái bọng cây này, lại chui đúng vào cái lỗ trong bọng cây. Tỉ lệ này là bao nhiêu? Thật sự là tỉ lệ này rất nhỏ. Cho nên cư sĩ Bành Tế Thanh nói là: Chúng ta có thể gặp được pháp môn niệm Phật, là một ngày khó có được từ vô lượng kiếp cho đến nay. Nếu như có nhân duyên thù thắng như vậy, chúng ta càng phải thận trọng, dũng mãnh tinh tấn; nếu không cơ duyên này một khi đánh mất, lần sau muốn gặp được thì phải mất bao lâu? Vô lượng kiếp. Sư trưởng cũng nói là, đời này phải cắn chặt răng mà chứng vô lượng thọ. Mỗi ngày chúng ta đều đọc bài kệ cảnh tỉnh của Bồ Tát Phổ Hiền, cũng phải nhắc nhở chính mình: “Hôm nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui chi; Phải siêng tinh tấn, như cứu lửa cháy, nhớ nghĩ vô thường, chớ nên chậm trễ”. Lúc nào cũng phải tinh tấn mà niệm Phật, “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”.
Chúng ta cùng nhau xem tiếp, “Sáng rửa mặt – phải đánh răng”. Buổi sáng thức dậy phải rửa mặt chải đầu gọn gàng, chính mình sạch sẽ cũng có lợi đối với sức khỏe, cũng là tôn trọng chính mình. Khi bạn sạch sẽ cũng là tôn trọng người khác; nếu như chúng ta đầu bù tóc rối, người khác ở cùng chúng ta cũng cảm thấy không thoải mái. Cho nên “Cẩn” mặc dù là yêu cầu đối với chính mình, đồng thời cũng là tôn trọng đối với người khác. Súc miệng là bảo vệ răng lợi, nếu như răng lợi không được bảo vệ tốt, lúc đau đớn sẽ vô cùng khó chịu. Nếu không bảo vệ răng lợi, không biết còn phải tốn bao nhiêu tiền để chữa răng, khá là lãng phí.
Con người hiện nay cũng có bệnh hôi miệng, mọi người cảm thấy vì sao con người lại bị hôi miệng vậy? Đương nhiên là có liên quan đến thực phẩm họ ăn. Mọi người không biết có từng trải qua chưa? Nếu như chúng ta đi leo núi, có rất nhiều bạn đi leo núi hơi thở vô cùng là nặng nề, đặc biệt là những người ăn thịt thì mùi rất nặng, người ăn chay sẽ ngửi thấy ngay lập tức. Con người hiện nay thường ăn khuya, ăn khuya dễ bị hôi miệng, bởi vì nửa đêm mà ăn thịt vào trong bụng, qua một hai giờ sau thì đi ngủ. Khi người này đi ngủ thì chỉ còn hai cơ quan làm việc, là hai cơ quan nào vậy? Chính là hô hấp, phổi vẫn đang hoạt động, còn một cơ quan khác là tim đang đập. Cho nên dạ dày cũng nói với họ, “chủ nhân à, hôm nay tôi nghỉ ngơi đây, ngày mai tiếp tục làm việc”, dạ dày ngưng hoạt động, tất cả những gì ăn vào đều nằm trong dạ dày. Chúng ta nghĩ mà xem, cầm một miếng thịt trên tay, bao lâu thì phát ra mùi hôi? Khoảng hai ba giờ đồng hồ liền trở nên hôi thối rồi, hơn nữa đó là trong điều kiện nhiệt độ bình thường. Thực phẩm ăn vào trong dạ dày là ở trong nhiệt độ cao, còn là môi trường có tính axít cho nên càng thối rữa nhanh hơn, mà những độc tố này sẽ tuần hoàn trong cơ thể.
Cho nên rất nhiều người ăn khuya, ngủ dậy cứ cảm thấy ngủ không đủ giấc, bởi vì trong cơ thể chứa quá nhiều độc tố; độc tố này phát ra ngoài thì hơi thở vô cùng không tốt, cho nên buổi tối nên ăn ít một chút. Ba bữa ăn của con người, buổi sáng ăn ngon, buổi trưa ăn no, buổi tối ăn ít, để dạ dày có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, cũng có lợi đối với cơ thể. Ngoài việc đề phòng bệnh hôi miệng, khi chúng ta ngáp, hắt xì hơi cũng phải chú ý lễ nghi. Hắt xì nhất định phải che miệng, nếu không sẽ thất lễ với người khác; tương tự như vậy, khi ngáp cũng phải dùng tay che miệng, như vậy mới là lịch sự.
Câu tiếp theo “tiểu tiện xong – rửa tay sạch”. Đi vệ sinh xong phải rửa tay, tương tự như vậy, khi tay dơ cũng nên chủ động đi rửa tay. Thí dụ như mới đi ra ngoài làm việc trở về, nhìn thấy đứa con muốn bế nó lên, lúc này vi khuẩn ở trong tay có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái, cho nên vừa vào cửa, tốt nhất nên làm gì trước tiên? Rửa tay, như vậy cũng có lợi cho sức khỏe của chính mình và sức khỏe của người thân. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều người đang đếm tiền, vừa đếm tay vừa làm gì? Vừa liếm nước bọt. Sao mọi người có kinh nghiệm vậy. Bạn xem vi khuẩn đều đi về đâu? Đi vào trong dạ dày. Chúng ta phải nhạy bén đối với sức khỏe, bởi vì “Thân bị thương – cha mẹ lo”, chúng ta bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng là đang thực hành hiếu đạo. Chúng ta cùng xem câu tiếp theo, chúng ta cùng nhau đọc:
“Mũ phải ngay, nút phải gài. Vớ và giày, mang chỉnh tề; Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn”
“Mũ phải ngay – nút phải gài – vớ và giày – mang chỉnh tề”, hôm nay nếu như quần áo của chúng ta rất tùy tiện, để lại ấn tượng đầu tiên không tốt đối với người khác, thậm chí là khiến người khác xem thường chúng ta, cho nên chúng ta phải tự trọng, sau đó sẽ được người kính trọng. Người đọc sách thời xưa có tam chánh, mũ phải đội ngay ngắn, thắt lưng phải ngay ngắn, dây giày phải buộc chặt, buộc ngay ngắn, gọi là tam chánh. Cho nên trước khi chúng ta ra khỏi nhà phải soi gương, xem mặt mũi, quần áo đã chỉnh tề, sạch sẽ hay chưa, như vậy mới không để mất mặt.
Vào thời Xuân Thu có một người tên là Triệu Tuyên Tử, ông là đại thần nước Tấn. Lúc đó Tấn Linh Công là quân vương vô đạo, bởi vì ông là đại thần cho nên luôn phải khuyên nhủ nhắc nhở Tấn Linh Công, Tấn Linh Công sau đó cảm thấy không thoải mái liền thuê sát thủ đến giết ông. Sát thủ đến trước cửa nhà Triệu Tuyên Tử, sát thủ tên là Sừ Nghê, nhìn thấy Triệu Tuyên Tử chưa vào triều nhưng đã ăn mặc chỉnh tề, đang nhắm mắt dưỡng thần một chút. Bởi vì ông vô cùng cung kính, cho nên Sừ Nghê nhìn thấy rất cảm động, trong lòng tôn kính ông. Sừ Nghê nghĩ là, đến chi tiết nhỏ nhặt mà còn cẩn thận như vậy, cung kính khiêm nhường như vậy, người này nhất định là rường cột của đất nước, là chủ nhân của đất nước, nếu như mình giết ông ấy sẽ có lỗi với đất nước rồi. Nhưng mà mình đã đồng ý nhận lệnh của Vua, nếu như không giết Triệu Tuyên Tử, mình sẽ thất hứa, cho nên Sừ Nghê đã đập đầu vào cây hòe mà tự sát. Triệu Tuyên Tử đã làm được “Mũ phải ngay – nút phải gài”, quần áo vô cùng chỉnh tề, nhờ đó mà được Sừ Nghê tôn trọng, cũng thoát được một kiếp nạn. Cho nên chúng ta không nên xem thường việc mặc quần áo chỉnh tề, có ảnh hưởng rất lớn đối với hình tượng của chính mình, đối với vận mệnh của chính mình.
“Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn”, câu này nói là, phải đặt mũ, quần áo ở chỗ cố định. Đương nhiên có phải chỉ nói đến mũ và quần áo thôi phải không? Câu này chúng ta phải hiểu theo cái nghĩa rộng, đó là tất cả đồ vật đều phải có vị trí cố định của nó. Khi tất cả mọi thứ đều có vị trí cố định rồi thì cuộc sống mới có trật tự, đồ đạc mới không hỗn loạn, đồ đạc cũng không bị dơ bẩn, cũng không gặp phải chuyện muốn tìm đồ mà không tìm thấy, hoặc là không cẩn thận làm hỏng đồ đạc; cho nên chúng ta phải sắp xếp sao cho cuộc sống gọn gàng ngăn nắp, như vậy thì tâm cũng không tán loạn. Cho nên người cầu học vấn, người tu đạo, trước tiên nhất định phải để cho gia đình gọn gàng sạch sẽ, như vậy tâm của mình mới không loạn, cũng trở thành tấm gương tốt cho con cái.
Chú Lư từng nói với tôi, mỗi lần chú đến công ty chi nhánh kiểm tra tình hình kinh doanh, trước tiên chú sẽ đi xem bàn của trưởng chi nhánh, nhìn xem bàn của họ có sạch sẽ gọn gàng không; sau đó xem tài liệu có sắp xếp gọn gàng không. Chú nói là, nếu như chuyện nhỏ như vậy cũng không làm được thì chú không tin là người này có thể làm chuyện lớn. Cho nên năng lực làm việc của con trẻ nhất định phải cắm rễ từ khi còn nhỏ. Ngoài đồ đạc phải để vị trí cố định, thực ra ở trong gia đình, thí dụ như bật tắt thiết bị, nhất định phải kiểm tra xem đã tắt hết chưa? Nếu không có thể sẽ lãng phí, nghiêm trọng hơn là sẽ xảy ra nguy hiểm. Cho nên trước khi chúng ta ra khỏi nhà nên kiểm tra một chút, bếp gas đã khóa lại chưa? Điện đã tắt hết chưa? Từ nhỏ con trẻ đã có thói quen kiểm tra thì chúng càng ngày sẽ càng tỉ mỉ hơn. Có một lần chỗ tôi ở bị mất điện, khi mất điện thì chúng tôi bật một số thiết bị thì mới biết là mất điện rồi. Nhưng mà lại không tắt đi, lúc đó đang mở máy nước nóng, sau đó có điện trở lại, nước nóng cứ chảy ra mãi. Lúc tôi đi giảng về, vừa vào nhà thì thấy không biết nước đã chảy bao lâu rồi, như vậy thì rất là lãng phí rồi. Cho nên trải qua chuyện này cũng nhắc nhở chính mình, sau khi bật thiết bị nhất định không được vội vàng, phải trả chúng về trạng thái ban đầu, nếu không thì hành vi nho nhỏ lại tạo thành tổn thất rất lớn. Chúng ta cùng xem câu tiếp theo:
“Áo quý sạch, không quý đắt. Hợp thân phận, hợp gia đình. Với ăn uống, chớ kén chọn. Ăn vừa đủ, chớ quá no. Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu, Uống say rồi, rất là xấu”
“Áo quý sạch – không quý đắt – hợp thân phận – hợp gia đình; Với ăn uống – chớ kén chọn – ăn vừa đủ – chớ quá no”. Có câu “dân xem thực phẩm là trời”, mỗi ngày chúng ta đều phải ăn cơm, mặc quần áo, hai chuyện này khá là quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Có một vị trưởng bối từng nói với tôi, trước khi lấy vợ, nhìn thấy phái nữ đều ăn rất ít, cho nên chú cảm thấy nuôi một bà vợ rất là dễ dàng. Sau khi lấy vợ chú mới biết là, ăn thì rất là tiết kiệm, nhưng mà quần áo rất đắt tiền, tủ quần áo của phụ nữ luôn cảm thấy lúc nào cũng thiếu một bộ, cho nên “Áo quý sạch – không quý đắt”. Nếu như mua một đống quần áo không mặc đến, vậy thì sẽ tạo thành gánh nặng rất lớn cho gia đình rồi. Hơn nữa người vợ nếu như thường mua quần áo đắt tiền, vậy thì con cháu đời sau cũng sẽ học theo, như vậy thì sinh hoạt của gia đình sẽ rất là khó khăn. Thực ra mục đích thực sự của quần áo là đoan trang, che đậy thân thể, giữ ấm, chúng ta nên hiểu bản chất của quần áo chứ không nên chạy theo cái hư vinh, bởi vì dục vọng là cái vực sâu không có đáy. Được rồi, tiết học hôm nay giảng đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người.