Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 04)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 4

Xin chào các vị pháp sư, các bạn đồng học!

A DI ĐÀ PHẬT.

Một bữa cơm, một ngụm nước đều được định sẵn”, lúc nãy tôi bị phạt đứng cũng là có nguyên nhân, bởi vì trước đây làm sai rất nhiều chuyện nên phải phạt đứng. Hôm qua chúng ta có nói tới, làm việc nhà có thể nuôi dưỡng rất nhiều thái độ nhân sinh đúng đắn của một người. Có thể biết cảm ân, cũng giúp nuôi dưỡng thói quen siêng năng, có mối quan hệ tốt với mọi người. Từ nhỏ tôi rất ít khi làm việc nhà, mọi người có nhìn ra được không? Bởi vì tôi là con trai duy nhất, nếu tôi đi rửa chén thì bà nội nhất định sẽ đi tới, bà nội vừa đi tới là mẹ tôi cũng đi tới, mẹ tôi vừa đi tới thì hai người chị của tôi cũng sẽ đi tới, thế nên người trong giang hồ thì như thế nào, không thể làm theo ý của mình. Đây là viện cớ! Cho nên việc mà trong đời này phải làm thì sẽ phải làm thôi, không chạy thoát được. Nếu như lúc còn trẻ không làm thì khi nào mới làm? Khi về già phải làm, về già mà làm thì sẽ rất khổ. Cho nên chúng ta phải tranh thủ lúc còn trẻ làm nhiều hơn, tích lũy phước báu nhiều hơn, để dành phước báu để hưởng khi về già.

Tại vì sao lại có thể hội này? Bởi vì khi tôi đến học viện học tập, cuối cùng cũng rửa bù lại khoảng thời gian hai mươi mấy năm trước ít khi rửa chén rửa nồi của tôi. Cứ mấy tuần chúng tôi phải luân phiên một lần, nồi dùng để nấu canh rất lớn, phải đưa cả cánh tay với vào trong mới có thể chà rửa được. Rửa khay cơm thì một lần phải rửa khay cơm của mấy mươi người, đến làm bánh màn thầu cũng phải làm 800 đến 1000 cái. Cho nên mỗi lần tôi đi giúp đỡ làm bánh màn thầu đều cảm thấy rất ngại, rất nhiều chị làm từ đầu tới cuối mà không hề ngồi xuống nghỉ ngơi, tôi thì phải nghỉ ngơi mấy lượt. Mà mỗi lần ngồi nghỉ thì phải đi sang một bên, không để họ nhìn thấy, tuổi còn trẻ mà thể lực lại kém nhất. Nên làm việc nhà nhiều hơn thì thân thể mới khỏe mạnh được. Lúc tôi còn ở nhà với cha mẹ, rất nhiều bạn bè nói với tôi là: “bạn thật là hiếu thuận, ở nhà chăm sóc cha mẹ”. Tôi nghe xong thì thấy rất xấu hổ ngượng ngùng, thực ra đâu phải tôi chăm sóc cha mẹ, mà là cha mẹ chăm sóc cho tôi đó. Bởi vì cha tôi làm việc từ nhỏ, giúp gia đình làm ruộng nên khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Khi đi du lịch cùng cha mẹ, cha tôi thường hỏi tôi: con mệt chưa? Cha tôi lái xe chưa từng biết mệt. Cho nên thời trước mọi người đều làm lụng từ nhỏ nên thân thể khỏe mạnh; thời nay chúng ta từ nhỏ sống trong nhung lụa, thể chất đều không bằng người thời trước. Cho nên Lão Tử có câu “trong phước có họa”, thế hệ này của chúng ta nhìn thì hình như rất có phước, trên thực tế nếu nhìn theo một góc độ khác thì đều đang tổn phước, thân thể không khỏe, cũng không xây dựng được thái độ nhân sanh đúng đắn. Tuổi già của thế hệ chúng ta thực sự rất đáng lo.

Lúc tôi đang rửa chén thì chú Lư đi ngang qua, đột nhiên chú dừng chân lại nói với tôi: Nhìn con rửa chén liền biết số con rất sướng. Các vị đồng học, mọi người xem đến rửa chén cũng bị người khác nhìn ra nội tình, cho nên người thật sự có trí huệ, họ chỉ cần nhìn hành động của bạn, lời nói cử chỉ của bạn thì có thể đánh giá được bạn là người như thế nào?. Cho nên con cái của chúng ta nếu như siêng năng, nếu như đối đáp tiến thoái đều có chừng mực, khi chúng đến công ty làm, nhất định sẽ được cấp trên có tầm nhìn, có trí huệ mà đề bạt. Cho nên từ lời nói hành vi của chúng thể hiện ra, người có kinh nghiệm cũng có thể đoán ra được phần nào. Vậy nên chúng ta hi vọng sau này con cái có quý nhân giúp đỡ, quan trọng nhất là chúng phải làm việc chăm chỉ, chúng ta cũng từng nhắc đến nhất định phải nuôi dưỡng thái độ lễ phép. Có những tố chất tốt đẹp này, đảm bảo chúng đi đến đâu cũng có người đề bạt chúng.

Làm việc nhà cũng giúp rèn luyện ý chí của một người, mọi người có cảm nhận được là thanh niên hiện nay không thể gánh vác trách nhiệm không? Hình như một chút áp lực cũng như thế nào? không chịu được. Bởi vì từ nhỏ không làm việc nhà, từ nhỏ không gánh vác một số việc nên đã quen thói lười biếng. Tôi nhớ có lần chú Lư nói với tôi, năm 29 tuổi chú ấy đã làm Tổng giám đốc, đương nhiên không phải tự mình gọi mình là tổng giám đốc. Nghe nói hiện nay nếu như có bão lớn làm đổ biển quảng cáo ngoài đường cũng có thể đổ trúng mấy tổng giám đốc lận, ý muốn nói tổng giám đốc bây giờ rất nhiều. Chức vụ tổng giám đốc của chú là do đại hội cổ đông trực tiếp mà chất vấn, đưa ra rất nhiều vấn đề mà doanh nghiệp có thể gặp phải như nhân sự, tài chính và những vấn đề thực tế khác, yêu cầu chú phải trả lời ngay lập tức. Khi trả lời xong tất cả mọi vấn đề, đại hội cổ đông đồng ý là năng lực của chú không có vấn đề, mới tuyển chú vào làm tổng giám đốc. Chức vụ tổng giám đốc của chú là chuyên giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, cũng được xem là bác sĩ của doanh nghiệp.

Chú nói là, mỗi lần chú gặp phải áp lực lớn, đột nhiên nhớ đến lúc còn nhỏ, mẹ chú bảo chú đi gánh nước đổ đầy lu cho dì hàng xóm. Các bạn hiện nay có bảo con mình đi gánh nước đổ đầy lu giúp cho nhà hàng xóm hay không? Có khả năng này không? Cho nên khi đó chú Lư rất tôn kính cha mẹ mình, cha mẹ yêu cầu thì đương nhiên chú không dám nói hai lời, ngay lập tức gánh thùng đi ra suối mà lấy nước. Đi một vòng như vậy phải mất hơn một giờ đồng hồ, không phải đi một lần là có thể đổ đầy nước, phải đi hai lần, hai lần gộp lại phải mất khoảng ba giờ đồng hồ. Lúc đó đã khoảng bốn, năm giờ chiều, gánh xong về đến nhà đã hơn tám giờ tối, gánh nước xong trở về nhà ăn cơm thừa, cơm nguội. Mà quá trình chú gánh nước cũng rất là vất vả cực khổ. Nhưng mỗi khi gặp phải áp lực lớn trong công việc, trong đầu chú lại nhớ đến một cảnh, đó là lúc chú gánh nước. Lúc chú muốn bỏ cuộc thì chú sẽ cảm nhận được giống như mình đang gánh nước vậy, từng bước từng bước mà đi tới, không thể ngừng lại. Trong quá trình lao động này, ý chí của chú không ngừng được nâng lên. Cho nên rèn luyện ý chí cho con cái cũng phải bắt đầu xây dựng từ việc lao động, phục vụ người khác. Cho nên để con cái làm việc nhà từ nhỏ cũng có khá nhiều lợi ích.

Chúng tôi phải nói chuyện như vậy với phụ huynh thì họ mới nhìn thẳng vào vấn đề, bởi vì trong quá trình giảng dậy tôi từng gặp một em học sinh, từ lớp 1 đến lớp 6, thành tích của em luôn đứng đầu lớp, mọi người cảm thấy như vậy ưu tú không? Ưu tú à! Nhưng khi phân công cho em quét lớp thì em thường trốn tránh không làm. Các bạn học khác thường đến tố cáo với tôi, gặp phải tình huống như vậy thì không thể không xử lý, không thể không xử lý . Hôm đó tôi gọi điện thoại cho mẹ em, mẹ nó nghe điện thoại. Khi chúng ta gọi điện thoại, có nên ngay lập tức nói với cô ấy: con trai của cô không chịu nghiêm túc làm công việc quét dọn được phân công, có nên nói như vậy không? Nếu như nói vậy thì đã phạm phải cấm kị của nhà binh. Mới bắt đầu đã nói cái không tốt của con cô, cô ấy sẽ cảm thấy không thoải mái. Cho nên chúng ta dạy học hay đối nhân xử thế, quan trọng là nhìn thấy người khác phải khen, trước tiên phải khen ngợi, khẳng định con của họ trước, vậy thì bậc cha mẹ mới cảm thấy hoan hỉ.

Tôi nhớ có một em học sinh, bởi vì hành vi của em ở trường có chút vấn đề, tôi mời phụ huynh của em đến trường để mà gặp mặt. Phụ huynh vừa bước vào cửa, thực ra trong lòng phụ huynh cũng có chút lo lắng, bởi vì không có chuyện thì không bị mời tới, trong lòng người cha có thể đang cảm thấy con mình có vấn đề nên thầy giáo mới tìm mình. Đợi cha em ngồi xuống, đầu tiên tôi khen ngợi con trai của anh, nói là tuần trước tôi giao cho em ấy làm một số việc, em ấy đã làm rất tốt; hôm qua em ấy cùng bạn học đi làm những việc gì, cũng làm rất tận tâm tận lực, nói ra những chuyện thực tế mà em ấy làm trong thời gian gần đây. Anh nghe xong rất là hoan hỉ. Khi tôi nói mấy chuyện tốt của em ấy, đột nhiên vị phụ huynh này nói: thầy ơi, con trai tôi đâu có giỏi như vậy chứ? Con trai tôi ở nhà không chịu làm bài tập, ở nhà thế này, ở nhà thế kia. Cho nên phụ huynh tự mình nói ra vấn đề của con mình. Mọi người cảm thấy vấn đề của trẻ từ miệng chúng ta nói ra và từ miệng phụ huynh nói ra có giống nhau hay không? Không giống nhau.

Khi anh ấy nói ra một số vấn đề của con mình, tôi liền nói với anh: Con của anh rất là thiện lương, chỉ cần chúng ta dẫn dắt đúng, em ấy nhất định sẽ thay đổi. Cho nên hai chúng ta phải phối hợp cho tốt, ở nhà em có vấn đề gì, anh phải liên hệ với tôi qua sổ liên lạc, chúng ta cùng nhau dạy tốt cho em ấy. Cho nên khi chúng ta nói chuyện như vậy với phụ huynh, họ sẽ cảm thấy hai bên cùng nhau giúp đỡ con của họ, giúp đỡ gia đình họ. Lúc phụ huynh rời đi cũng rất vui vẻ, mà biết ơn. Cho nên thứ tự nói chuyện của chúng ta cũng rất quan trọng.

Khi tôi gọi điện thoại cho mẹ em học sinh này, trước tiên tôi khen ngợi biểu hiện tốt của em ở trường. Sau khi khen ngợi xong, tôi cũng không nói thẳng ra là con trai cô ấy không chịu quét dọn ở trường, tôi chỉ nói tầm quan trọng của làm việc nhà. Sau khi nói xong tầm quan trọng của làm việc nhà, người mẹ này cũng nói: thầy Thái à, quan niệm giáo dục của thầy rất hay. Kết quả là ngày hôm sau, em học sinh này đến trường nói với tôi: đều là do thầy hại em! Tôi nói có chuyện gì vậy? Em ấy nói là do thầy hại em, mẹ bắt em từ hôm nay trở đi phải làm việc nhà, nếu em không làm thì mẹ sẽ phạt em. Tôi nói: nên là như vậy! ở nhà mỗi người đều phải làm trọn bổn phận của mình, phải đóng góp nhiều hơn, giúp đỡ cha mẹ làm một số việc. Khi quan niệm của một người thay đổi, tự nhiên sẽ dùng phương pháp đúng đắn để dạy dỗ con cái, để sinh sống.

Hôm qua chúng ta có nhắc đến giáo dục là nuôi dưỡng điều thiện, sửa đổi lỗi lầm, trong quá trình sửa đổi lỗi lầm, hôm qua chúng ta cũng nói đến tại vì sao con trẻ lại ích kỉ? Con trẻ tại vì sao lại lười biếng? Còn có rất nhiều vấn đề khác, chúng ta phải bắt đầu từ nguyên nhân thì mới hốt thuốc đúng bệnh. Hôm qua chúng ta có nhắc tới những vấn đề nào cần phải sửa đổi cho con trẻ? Có nhắc đến con trẻ không lễ phép. Tôi gặp rất nhiều phụ huynh, họ nói là con tôi sinh ra đã không lễ phép, sinh ra đã không biết hỏi thăm đến người lớn. Câu này có đạo lý không? Cho nên chỉ một câu nói mà phủi sạch hết trách nhiệm.

Có một bé trai hơn hai tuổi đến trung tâm của chúng tôi, mẹ nó nói, đứa trẻ này không biết chào hỏi thầy. Sau đó tôi nói với cô ấy, nếu như cô cảm thấy con trẻ từ nhỏ lễ phép rất quan trọng, vậy thì hôm nay chúng ta phối hợp một chút, cô ở bên ngoài ngồi đợi, tôi nói chuyện với đứa trẻ này một chút. Tôi nói với con trai cô ấy: hôm nay nếu con không chào thầy thì không được về nhà. Nó bắt đầu khóc lóc, tôi nhanh chóng ra hiệu cho mẹ nó rời đi, nó càng khóc lớn tiếng hơn. Tôi bế nó vào trong phòng, đóng cửa lại, sau đó thả nó xuống, tôi nói: hôm nay nếu con không chào thầy, thì không được về nhà. Nó thấy tôi khẳng định như vậy, càng khóc to hơn, lúc này bạn không nên tức giận, tôi tìm một cái ghế rồi ngồi xuống: nào, con khóc tiếp đi, không ai tới cứu con đâu. Lúc này nó không chỉ khóc mà còn dậm chân, đang kiểm tra sự nhẫn nại của chúng ta, khóc lóc ầm ỹ là đang thử xem giới hạn của bạn đến đâu. Kết quả đứa trẻ đó khóc lóc ầm ỹ, sau đó chạy tới chạy lui. Đột nhiên từ miệng nó nói ra một câu: tạm biệt thầy Thái! Lúc đó tôi suýt phì cười nhưng mà không thể cười được, vẫn phải nghiêm túc nói là: con xem, làm một đứa trẻ ngoan thì không thiệt thòi chút nào, những gì vừa học thì phải làm ngay lập tức làm, phải chào hỏi người lớn. Tiếp đó tôi bế nó ra ngoài để nó trở về nhà với mẹ.

Đứa trẻ này lần thứ hai đến trung tâm, vừa nhìn thấy tôi thì đến chào, đi đến nơi nào thì ánh mắt cũng dõi theo xem thái độ của tôi. Cho nên tại sao dạy con trẻ phải dùng ân đức và uy nghiêm? Nhất định phải uy nghiêm thì con trẻ mới không dám làm càn, mới không xem ai ra gì. Cho nên chúng ta nhớ lại lúc nhỏ, người cha rất có uy nghiêm, khi hành vi của chúng ta không đúng, cha vẫn chưa mở miệng nói gì, chỉ cần trừng mắt là chúng ta biết phải thu liễm lại. Nguyên nhân hiện nay con trẻ không dễ dạy, là bởi vì ở nhà không có ai đóng vai phản diện, trước đây chúng ta đều là người cha đóng vai phản diện, bởi vì nam thuộc dương, nữ thuộc âm, cho nên người nam thường kiên cường.

Hiện nay người cha không đóng vai nghiêm nghị nữa, bởi vì công việc khá là bận rộn nên luôn cảm thấy có lỗi với con mình. Lại không thường có thời gian gặp con, vừa nhìn thấy con là hi vọng chúng tươi cười với mình. Cho nên khi về nhà thường mua đồ chơi cho con: con à, lại đây ba mua đồ chơi cho con nè. Đều đóng vai hiền từ, đứa trẻ vừa nhìn thấy đồ chơi liền vui vẻ, chạy tới nói: con cảm ơn ba, cầm đồ chơi đi. Sau đó mỗi lần đi công tác, trở về đều mua đồ chơi cho nó, mua được mấy tháng, đứa con khi thấy cha nó về sẽ chạy đến: Ồ ba về rồi mắt không nhìn cha mà nhìn cái gì? Tìm đồ chơi! Ba về rồi, lấy được đồ chơi liền mang đi. Đột nhiên có một ngày bạn quên mua đồ chơi, nó chạy ra nói: sao ba lại tay không trở về như vậy chứ? Nếu như dùng vật chất để giao lưu với trẻ, sau cùng chúng sẽ bị vật chất hóa, điều này chúng ta phải rất thận trọng. Bởi vì người cha đóng vai hiền từ, không có ai đóng vai nghiêm nghị, cho nên có thể đứa trẻ sẽ cưỡi lên đầu lên cổ cha mẹ. Cho nên người mẹ hiện nay không chỉ đóng vai hiền từ, còn phải đóng vai nghiêm nghị, có lúc phải tức giận, có lúc lại phải yêu thương đứa trẻ, cảm xúc phải thay đổi đến thay đổi lui nên khá vất vả. Phụ nữ bây giờ có một loại bệnh khá phổ biến, gọi là rối loạn nội tiết, đó là bởi vì cảm xúc của họ lên xuống thất thường.

Bởi vì cháu tôi thường về nhà ngoại chơi, lúc còn trong tháng cũng ở nhà tôi, nếu như hành vi của cháu có chút sai lệch, bởi vì anh rể tôi không có đó, tôi liền đóng vai nghiêm nghị. Mọi người thấy tôi đóng vai phản diện có phù hợp không? Không phù hợp à! Đời người như một vở kịch, diễn vai gì thì phải giống vai đó. Năm đầu tiên tôi dạy học, học sinh khá là nghịch, tôi mắng chúng một trận. Từ lớp học đi đến phòng làm việc, vừa bước vào, tất cả đồng nghiệp đều nhìn tôi rồi nói: anh cũng biết tức giận à? Tất cả mọi người đều rất kinh ngạc. Thực ra đối với học sinh hay là thế hệ sau, lúc cần hung dữ mà chúng ta không hung dữ thì không từ bi; từ bi là luôn nghĩ cho chúng. Khi chúng ta nghiêm khắc cũng là giúp đỡ chúng, lúc này cần phải thị hiện tướng thần Kim Cang đang tức giận.

Có một lần đang ăn cơm, cháu trai của tôi cầm đũa sát ở phía dưới, cầm thấp như vậy thì rất bẩn, cho nên tôi liền nói với cháu: Vĩ Vĩ à, cầm đũa phải cầm lên bên trên nếu không tay của con sẽ làm dơ đũa, ăn như vậy không được vệ sinh. Sau khi tôi nói xong thì vẫn tiếp tục ăn, đứa trẻ này nhìn tôi xong thì vẫn cầm đũa ở bên dưới, tôi cũng không tức giận mà nói tiếp; như vậy sẽ làm dơ đũa, chúng ta phải cầm đũa lên bên trên. Vĩ Vĩ tiếp tục nhìn tôi nhưng vẫn cầm ở phía dưới, cứ như vậy ba lần, phải làm thế nào? Con trẻ ngang nhiên khiêu chiến với bạn, không chịu nghe lời. Lúc này tôi cũng không nói tiếp nữa mà bế nó lên đi về phòng tôi. Mẹ tôi nói: đang Tết mà đừng có đánh cháu nó! Tại vì sao phải bế vào trong phòng? Để nó không có viện binh, cái này tôi học từ ông nội tôi.

Vừa bế vào phòng thì nó khóc càng lớn hơn, tôi nói với nó, con có khóc lớn hơn nữa cũng không có tác dụng gì, tuyệt đối không thể dùng cảm xúc để uy hiếp người khác. Sau khi nói xong, tôi lấy roi đánh xuống, thực ra nó có đau không? Không đau bởi vì còn mặc tã mà, thế nhưng quan trọng nhất là khí thế của bạn phải đè ép chúng xuống. Tôi nghiêm khắc đánh nó hai cái, cháu tôi cũng biết hảo hán không chịu thiệt trước mắt, ngay lập tức không dám làm như vậy nữa. Khi sự uy nghiêm của bạn đã ép chúng xuống thì chúng sẽ từ từ thu liễm lại, lúc này chúng ta cũng không cần hung dữ như vậy nữa, nhanh chóng mà ôn tồn dạy bảo chúng, hướng dẫn cho chúng, để chúng xây dựng thái độ đúng đắn. Giọng nói của tôi bắt đầu nhẹ nhàng trở lại, nó cũng không còn căng thẳng như vậy nữa. Kết quả là vừa thoải mái một chút, nó liền tè ra quần. Tè ra quần là bởi vì lúc đầu quá căng thẳng, sau đó thì tè ướt quần, đang ở trong phòng của tôi, nếu tè ra quần thì sẽ ướt chỗ nào? Ướt giường của tôi, đột nhiên tôi hiểu ra câu “ác có ác báo, thiện có thiện báo”.

Trong tình huống này, sau khi tôi dạy bảo xong cháu thì rời khỏi phòng. Chị gái tôi cũng khá phối hợp, ngay lập tức bước vào, cho nên diễn vai nghiêm khắc và hiền từ phải phối hợp mật thiết với nhau. Chị tôi vừa bước vào, cháu tôi vừa bị phạt nên khá nhõng nhẽo, ngay lập tức ôm lấy mẹ của nó. Chị tôi nắm lấy nó rồi nói: khi nãy con làm sai chuyện gì, tự mình nói xem! Để cảm xúc của con trẻ không chỉ dừng ở chỗ bị phạt, mà phải thấy rõ chính mình làm sai chuyện gì? Tuy chị tôi làm như vậy nhưng cháu tôi vẫn nhõng nhẽo, lại lao tới, chị tôi rất kiên trì, lại nắm lấy bé: con sai ở chỗ nào? Tự mình nói xem! Đợi cháu tôi nói xong mình sai ở chỗ nào, chị tôi liền nói: đi xin lỗi cậu nhanh! Xử phạt xong thì hồi kết cũng rất quan trọng, để tâm của nó biết được sai lầm của chính mình, hơn nữa còn phải để chúng nhận sai với người lớn.

Cho nên ở trong nhà, sự phối hợp của người lớn khi dạy bảo trẻ nhỏ vô cùng quan trọng. Hôm sau tôi dắt cháu, còn có cha mẹ tôi đi leo núi, tôi đi phía trước, cháu tôi ở phía sau bước đến nắm tay tôi. Tôi vẫn còn chưa hết tức giận nhưng cháu tôi vốn không để trong lòng; còn một điểm rất là quan trọng, đó là khi bạn có lý do chính đáng đánh chúng, phạt chúng, thực tế là trong lòng chúng có biết rõ không? Chúng biết rất rõ, chúng biết là chúng làm sai. Con trẻ mới hơn hai tuổi đã làm theo cảm tính là do tập khí của chúng dẫn dắt. Cho nên chúng ta làm trưởng bối nhất định phải giúp đỡ chúng, từ nhỏ sửa đổi thói quen xấu. Nếu như không sửa đổi thì một đời này chúng sẽ trở thành nô lệ của cái gì? Trở thành nô lệ của tập khí, cuộc đời chúng không thể tự chủ, không thể sống theo tánh đức của chính mình, cho nên rất quan trọng.

Chúng ta nói đến lễ phép, hôm qua cũng có nhắc đến con trẻ không có chí hướng. Chúng ta cũng phải phản tỉnh lại, thân làm trưởng bối chúng ta có thể hiện ra thái độ có chí hướng hay không? Mà con trẻ muốn có chí hướng, cũng phải có sự huân tập của môi trường mới được. Tôi còn nhớ thời đi học cấp ba, rất sợ môn ngữ văn. Bởi vì lúc học cấp 2, có một lần được phát một cuốn văn mẫu, cuốn văn mẫu này để cho các em học sinh lớp 7 của chúng tôi tham khảo, cuốn văn mẫu này do các anh chị lớp 9 viết. Đột nhiên thầy tôi xem cuốn văn mẫu này xong, trên đó có ghi người viết là Thái Dung Thanh, sau khi xem xong thầy tôi nói cùng là con cái trong một gia đình, tại sao trình độ làm văn lại cách xa như vậy? Thái Dung Thanh là chị ba của tôi. Lời của thầy nói khiến nội tâm của tôi bị đả kích rất lớn. Từ đó trở đi mỗi lần học môn văn là tôi không dám ngẩng đầu lên, luôn cúi đầu xuống. Cho nên làm giáo viên không thể dùng những lời nói như vậy đối với học sinh, sẽ làm tổn thương sự tự tin của chúng.

Từ lúc học cấp hai tôi đều không tự tin với môn ngữ văn. Lên cấp ba, có một buổi học, thầy giáo gọi tên tôi, thầy nói: Thái Lễ Húc, em đứng dậy, nếu như em còn ngủ gật trong tiết văn thì tôi sẽ ghi em là vắng mặt. Thực sự là thành tích môn văn của tôi luôn không tốt. Nhưng khi học cổ văn, trong đó có hai đoạn tôi có ấn tượng rất sâu sắc, một đoạn nằm trong “Nhạc Dương Lầu Ký” của Phạm Trọng Yêm tiên sinh, đó là “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Vốn không được sáng suốt cho lắm, nghe xong câu này cảm thấy trước mắt sáng lạn. Mà ánh sáng này chỉ duy trì được mười mấy giây liền biến mất. Sau đó đọc “Xuất Sư Biểu” của Khổng Minh tiên sinh, trong đó có câu “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, đọc xong câu này trước mắt tôi cũng phát ra ánh sáng, nhưng mà mười mấy giây sau lại biến mất. Ánh sáng này không được duy trì, mười mấy năm sau mới lại tiếp xúc học vấn của Thánh Hiền. Cho nên có cơ hội nhất định phải để cho con trẻ được huân tập phong phạm của các vị Thánh Hiền thì chúng mới có chí hướng to lớn.

Tôi đang nghĩ, nếu như từ nhỏ thầy cô đã kể câu chuyện của Phạm Trọng Yêm tiên sinh, của Khổng Minh tiên sinh, vậy thì tôi hiện nay đã khác rất nhiều. Bởi vì chúng tôi đều là trưởng thành từ chủ nghĩa học vị, đối phó thi cử mà ra, cho nên càng học thì tâm lượng như thế nào? càng nhỏ hẹp. Tôi nhớ lại thời đi học, thấy bạn học thi điểm cao hơn thì trong lòng rất khó chịu. Trong môi trường cạnh tranh như vậy khiến cho tâm lượng của chúng tôi càng ngày càng nhỏ. Ở Thẩm Quyến có một số em từ nhỏ đã học kinh điển, để chúng được huân tập tâm lượng của các vị Thánh Hiền. Có một hôm, thầy giáo hỏi chúng, nếu như có một trăm triệu thì con sẽ làm gì? Em nhỏ trả lời, đầu tiên con sẽ xây trường học, để càng nhiều người có thể tiếp nhận được lời dạy bảo của Thánh Hiền, thứ hai con sẽ xây một bệnh viện, để có thể nhiều người bệnh khổ được chữa trị, thứ ba con muốn thành lập một kênh truyền hình phát sóng về giáo dục, có thể ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa. Còn thứ tư là sau này con muốn trở thành thầy Thái. Bởi vì khi đứa trẻ mới hơn sáu tuổi thì tôi đến Thẩm Quyến, em ấy thường đến nghe giảng.

Các bạn đồng học, con cái của các bạn có chí hướng như vậy không? Tại vì sao em nhỏ này lại có chí hướng như vậy? Do sự hun đúc, giáo dục môi trường. Bởi vì cha mẹ của em , cho em ấy tiếp xúc đều là các vị trưởng bối học tập học vấn của Thánh Hiền, còn có các bạn nhỏ khác, tự nhiên nó sẽ có chí hướng như vậy. Cho nên giáo dục có ngôn giáo, có thân giáo, còn có hoàn cảnh giáo dục, hiệu quả hun đúc của môi trường. Kết quả Mẹ em nghe được nó nói như vậy, cũng không quá vui mừng, cô ấy rất là nhạy bén, ngay lập tức hỏi con: con nhất định phải có một trăm triệu mới làm được những việc này sao? Để cho đứa trẻ suy ngẫm, những chuyện này nhất định phải đợi đến khi có tiền mới có thể làm sao? Tiếp đó mẹ em ấy lại nói, thầy Thái có một trăm triệu không? Đương nhiên đứa trẻ hiểu được, rất nhiều chuyện bạn cảm thấy lúc này có thể làm thì phải làm ngay lập tức. Chúng ta phải dẫn dắt con trẻ lập chí, tuyệt đối không để chúng có chí hướng quá xa vời. Chúng ta nói với chúng, con có thể lập chí làm một đứa con hiếu thảo, làm một học sinh ngoan, làm một người công dân tốt, những điều này là để cho con trẻ có mục tiêu của cuộc đời, chúng sẽ tích cực học tập.

Có một lần, tôi dắt mấy em nhỏ đi trên đường, các em vừa đi vừa tranh nhau nhặt rác ở trên đường, cảm thấy rất hoan hỉ. Phía trước có mấy em học sinh cấp 2 đi tới, trên tay còn cầm một ly hồng trà, tay còn lại thì cầm mấy đồ ăn như gà rán, vừa ăn như thế nào? vừa xả rác. Mấy em nhỏ đang nhặt rác đi tới, mấy anh lớp trên nhìn thấy, đột nhiên đáng lẽ đang tính vứt đi thì dừng lại, sau đó một em nói với bạn mình, các em nhỏ như vậy mà còn đang nhặt rác, tụi mình đừng xả rác nữa. Nói với các bạn học khác, dùng tiếng Quảng Đông, đúng lúc thì mấy em nhỏ nghe được, trong nhóm có một em là người Quảng Đông. Khi trở về trường, em nhỏ người Quảng Đông đã dịch lại cho các bạn học nghe, nói với các bạn là bởi vì họ thấy chúng ta nhặt rác cho nên họ không xả rác nữa. Khi nói ra câu đó xong, em cảm nhận được điều gì? Hành vi của chúng ta như thế nào? có thể ảnh hưởng người khác, có thể ảnh hưởng xã hội, khiến cho các em cảm thấy những gì mình học được có thể đi thực hành ngay lập tức, có thể “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” ngay lập tức. Khi con cái từ nhỏ đã định vị như vậy, có chí hướng như vậy, tin tưởng là quá trình cầu học của chúng sẽ vô cùng tích cực, vô cùng chắc chắn. Chúng ta có nói đến muốn con trẻ từ nhỏ có chí hướng thì người lớn chúng ta phải dẫn dắt, phải tạo ra môi trường cho chúng.

Ngoài việc sửa đổi sai lầm, còn có một điểm rất quan trọng, đó là phải trưởng dưỡng điều thiện, khai mở sự thiện lương của con trẻ. Về phương diện trưởng dưỡng điều thiện, các bạn cảm thấy điều thiện nào phải nhanh chóng cắm rễ, nhanh chóng bồi dưỡng? Là điều nào? Thực hành hiếu đạo. Chúng ta có thể suy nghĩ một vấn đề, trong mấy mươi năm cuộc đời này, những người có thành tựu về phương diện gia đình, sự nghiệp mà chúng ta gặp được, rốt cuộc là họ có những đặc điểm gì? Bây giờ phải nhanh chóng mà dạy. Trưởng dưỡng điều thiện, dạy hiếu đạo. Còn gì nữa không? Cần kiệm, tôn trọng thầy cô, hòa ái với anh chị em là tôn kính trưởng bối. Còn gì nữa? Lễ phép, nhường nhịn, khiêm tốn, còn như Tự mãn sẽ chuốc lấy tổn thất, người khiêm nhường sẽ đạt được ích lợi.

Khi tôi tham dự buổi họp phụ huynh, tôi sẽ nói với họ, dạy con cái thái độ, quan niệm đúng đắn quan trọng hơn, hay là làm sao từ 98 điểm đạt đến 100 điểm quan trọng hơn? Là vấn đề phía trước hay vấn đề phía sau quan trọng hơn? Mọi người đều nói là vấn đề trước quan trọng hơn, bởi vì thái độ, quan niệm đúng đắn sẽ ảnh hưởng một đời. Nhưng hiện nay đa phần các bậc phụ huynh đều đang làm công việc phía trước hay là công việc phía sau? Phía sau. Tại vì sao lại như vậy? Quan niệm cũng đúng? Quan niệm này là đang biết, nhưng chưa ngộ được, vẫn chưa làm được, điều thật sự làm được chỉ là hiểu biết về bề ngoài mà thôi. Nhưng bởi vì trào lưu đang đẩy các con trẻ đi về đâu? Nhanh vào học được ở các trường đại học danh tiếng, học thạc sĩ, có thể học cao bao nhiêu thì cứ học. Hình như nhận thức đang nói là, có học vị rồi thì đời người sẽ có sự phát triển, nhận thức như vậy khá là thâm căn cố đế. Mặc dù cảm thấy làm người cũng quan trọng, nhưng mà không đặt nó ở vị trí quan trọng nhất. 

Chúng ta phải suy ngẫm một vấn đề, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp thạc sĩ, sau khi tốt nghiệp có tìm được công việc như ý không? Hiện tại tỉ lệ thất nghiệp cao đều thuộc về những người học vấn cao. Mỗi một năm sinh viên tốt nghiệp đại học nhiều như vậy, nhân tài có đủ hay không? Có đủ không? Nhân tài có đủ hay không? Sản phẩm nhiều như vậy, tại sao kinh doanh lại kém như vậy? Sản xuất ra món đồ không thật sự cần thiết. Chúng tôi tiếp xúc một số doanh nghiệp, họ đều cảm thấy không tìm được người tài, bởi vì nhân tài là người thực sự biết cách làm người, biết được thái độ đúng đắn. Thí dụ như thành tín, có thể gánh vác trách nhiệm, những điều này đều phải cắm rễ từ khi còn nhỏ. Cho nên doanh nghiệp muốn tìm nhân tài biết cách làm người. Chúng tôi nghe được một tin, có một số doanh nghiệp đến Liên xã Đài Trung tuyển người, bởi vì Liên xã Đài Trung dạy đạo lý nhà Phật, nhà Nho trong thời gian dài.

Cho nên mấy mười năm nay, ngành quản lý coi trọng nhất là quản lý chất lượng toàn diện của sản phẩm (TQM), họ cảm thấy là chỉ cần làm tốt sản phẩm, doanh nghiệp sẽ quản lý tốt, sẽ kiếm ra tiền. thí dụ như cái ly này, sản xuất cái ly xong thì họ cảm thấy sự nghiệp của mình đã thành công rồi. Nhưng trong mười hai mươi năm nay đã xảy ra một số chuyện khiến cho doanh nghiệp bắt đầu suy ngẫm nghiêm túc. Năm 1995, một nhân viên giao dịch của ngân hàng Barings ở Singapore lạm dụng công quỹ, khiến cho tài chính của ngân hàng gặp phải nguy cơ. Ngân hàng Barings này đã có hơn 200 năm lịch sử, bởi vì sự thao túng lạm dụng công quỹ của một nhân viên mà xảy ra vấn đề, ngân hàng hơn 200 năm lịch sử tuyên bố phá sản. Năm 2001, công ty lớn thứ bảy thế giới – tập đoàn Enron, mỗi năm doanh thu hàng trăm tỷ Đô, cũng bởi vì hai người lãnh đạo làm giả chứng từ kế toán mà công ty lớn như vậy cũng là như thế nào? Cũng là tuyên bố phá sản. Cho nên khiến cho giới doanh nghiệp phải chú ý đến điều còn quan trọng hơn cả sản phẩm, đó là thái độ luân lý, đạo đức, phẩm đức của nhân viên còn quan trọng hơn cả sản phẩm.

Cho nên hiện nay rất nhiều công ty lớn có chi nhánh trên toàn thế giới, nhân viên được tuyển dụng vào phải tham gia bồi dưỡng một thời gian. Dạy họ điều gì? Dạy thái độ làm người, làm việc, dạy xong còn phải quan sát một thời gian, có thể dùng được mới nhận vô làm. Các doanh nghiệp trong tương lai cần là nhân tài thực sự biết cách làm người, biết cách làm việc. Các vị đồng học. nếu như từ nhỏ chúng ta đã dạy con trẻ, xây dựng nền tảng làm người làm việc cho chúng, thực ra đã khiến cho cuộc sống về sau của con trẻ sẽ không bị thất bại, bạn không phải lo lắng sau này chúng không tìm được việc làm. Chúng ta quy hoạch cuộc đời của chúng, phải biết nhìn xa trông rộng, nếu không chỉ lo giúp chúng nỗ lực trong học tập, mà lơ là học tập cách làm người làm việc, sau cùng chúng cũng không cách nào khiến cuộc đời được viên mãn, điều này chúng ta phải chú ý.

Tôi diễn giảng ở Đài Nam, có một người bạn mang đến cho tôi một bức thư, anh ấy nói trong buổi diễn giảng có nhắc đến tầm quan trọng của làm việc nhà. Bởi vì bạn học của anh là câu chuyện thực tế, rất tương ứng với quan niệm này, cho nên anh mang bức thư đến cho tôi, hi vọng tôi có thể kể ra câu chuyện này cho mọi người nghe. Bởi vì bạn của anh từ nhỏ thành tích học tập luôn ưu tú, đều là đứng đầu lớp, nghỉ giữa tiết cũng không đi chơi, thường ngồi tại chỗ đọc sách. Sau đó thi đỗ đại học, năm nguyện vọng đều đậu, rất ưu tú, thi vào khoa tiếng Anh của trường đại học sư phạm. Học xong đại học, năm đầu tiên đi thực tập thì gả cho một vị bác sĩ, mọi người cảm thấy cuộc đời như vậy có tốt không? Có tốt không? Tôi tin là lúc cô ấy kết hôn, cha mẹ rất là vui mừng.

Sau đó bởi vì rất ít khi làm việc nhà, chồng của cô cũng âm thầm làm nốt những công việc nhà mà cô chưa làm. Thế nhưng trải qua một thời gian dài, trong lòng người chồng bắt đầu bất mãn. Bởi vì từ nhỏ chỉ biết học, cũng không biết cách giao lưu với người khác, cho nên giữa cô và mẹ chồng và người thân, dần dần xảy ra va chạm. Sau cùng chồng cô đệ đơn lên tòa xin li hôn, chồng cô thắng kiện, sau đó hai người li hôn. Trong quá trình giằng co của hai vợ chồng cô, cha mẹ cô cũng rất là bất lực, thường gọi điện thoại khuyên con gái mình, nhưng mà con gái không chịu nghe. Mẹ cô cũng kể, lúc nhỏ mỗi khi đi học, buổi trưa cha cô đều mang cơm đến trường cho cô ăn, buổi tối cha cô lái xe đến đón cô về nhà; từ nhỏ tới lớn chưa từng bắt cô lau nhà cho dù chỉ một lần. “Vợ chồng tôi chăm sóc con bé như vậy”, cha cô vừa khóc vừa nói: “tôi đối xử với nó không đủ tốt hay sao? Sao nó lại đối xử với chúng tôi như vậy”.

Cho nên vấn đề là đối xử với cô quá tốt mới tạo thành kết quả này. Mặc dù cô có thành tựu về mặt học tập, nhưng mà cuộc đời không thể nào chỉ dựa vào sự nỗ lực của một mặt, mà phải học tập toàn diện, toàn diện viên mãn. Đây là thái độ làm người làm việc nên học, con trẻ không được học thì trên đường đời sẽ gặp khá nhiều trắc trở rồi. Cho nên đối với cuộc đời của con trẻ nên có sự quy hoạch lâu dài. Cho nên cuộc đời nếu như giống một bàn cờ, nếu chúng ta đi một bước tính một bước thì thường do dự khi hạ cờ. Nhưng trong quá trình đánh cờ như vậy, có thể nhìn trước ba mươi bước, năm mươi bước, cuộc đời như vậy mới có thể bước đi thong dong.

Cho nên khi chúng ta hiểu được, để con trẻ có được thái độ đúng đắn này thì thành tựu sau này của chúng sẽ rất tốt. Chúng ta hồi tưởng một chút, những vấn đề phải sửa đổi mà trước đây có nhắc tới, con trẻ ích kỷ, lười biếng. Trên thực tế chỉ cần con trẻ có tâm hiếu thảo, những vấn đề này sẽ được giải quyết dễ dàng. Chúng có tâm hiếu thảo thì liệu có ích kỷ không? Sẽ không, chúng biết suy nghĩ cho cha mẹ. Khi chúng suy nghĩ cho cha mẹ, chúng sẽ hiểu được cha mẹ người khác cũng rất vất vả, chúng sẽ biết suy nghĩ cho cha mẹ người khác. Cho nên hiếu là điểm khởi đầu của tâm nhân từ, từ điểm khởi đầu này sẽ mở rộng thành yêu kính hết thảy mọi người. Trong Hiếu Kinh có câu “Giáo dĩ hiếu” bạn dạy chúng hiếu thảo, “thì chúng sẽ kính trọng hết thảy những bậc cha mẹ trong thiên hạ”; “giáo dĩ đễ”, bạn dạy chúng tôn kính trưởng bối, “thì chúng sẽ kính tất cả huynh trưởng trong thiên hạ, chúng sẽ kính trọng hết thảy trưởng bối; “giáo dĩ thần”, bạn dạy chúng thái độ làm cấp dưới, chúng sẽ “kính trọng tất cả lãnh đạo trong thiên hạ”. Cho nên thái độ đối đãi với người đúng đắn đều được bồi dưỡng từ trong gia đình. Cho nên Mạnh Tử có nói “thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật”. Từ yêu thương cha mẹ, người thân, mở rộng thành biết suy nghĩ cho mọi người; chúng có tâm nhân từ với người khác, tiến thêm một bước nữa là trân trọng hết thảy thiên địa vạn vật. Được rồi, đây là thứ tự đức hạnh của một người chúng ta phải nắm vững.

Ngoài hiếu đạo ra còn có cần kiệm, khi chúng có tâm hiếu thảo cha mẹ, từ nhỏ đã biết giúp đỡ thì chúng sẽ chăm chỉ. Chúng hiểu được cha mẹ làm việc vất vả thì liệu chúng có xa xỉ hay không? Sẽ không, chúng sẽ tiết kiệm. Cho nên những người thế hệ cha của tôi đều cảm nhận được sự khó khăn của cuộc sống, cha mẹ kiếm tiền rất vất vả, cho nên người lớn đều rất tiết kiệm, mỗi lần ăn cơm đều ăn cho hết chứ không để thừa.

Tiếp theo là tôn sư. Tôn sư cũng phải thông qua sự dạy bảo của cha mẹ, điều này rất quan trọng, bởi vì căn bản đức hạnh của một đứa trẻ là ở chỗ hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Bậc làm cha mẹ phải dạy con trẻ tôn kính thầy cô, mà chức trách quan trọng của thầy cô đó là dạy học sinh hiếu thuận cha mẹ. Con trẻ hiện nay có hiểu được tôn sư không? Hiểu hay không? Vấn đề ở chỗ nào? Cha mẹ có dạy hay không? Hiện nay còn có chuyện như thế này, ở trường thầy cô phê bình học sinh vài lời, học sinh trở về nói với cha mẹ, ngày hôm sau cha mẹ đưa luật sư đến gặp hiệu trưởng. Sau khi làm như vậy thì ai sẽ bị ảnh hưởng không tốt? Trẻ nhỏ! Đời này chúng sẽ không có tâm cung kính với thầy cô, nếu như không có tâm cung kính với thầy cô thì liệu có được thành tựu về học vấn không? Không thể nào! Khi tôi còn nhỏ, nếu như bị thầy cô phạt ở trường, về nhà có dám nói với cha mẹ không? Không dám nói. Nhưng mà cha mẹ thân thiết với con cái nhất, vừa nhìn sắc mặt con cái đã biết có chuyện, liền hỏi cho ra lẽ. Sau đó biết được bị thầy cô phạt, cha mẹ sẽ làm gì? Mắng thêm một trận, đánh thêm một trận, hôm sau còn mang quà đến để cảm ơn thầy cô, cảm ơn thầy cô đã nghiêm khắc dạy dỗ con mình. Cha mẹ và thầy cô phối hợp như vậy, con trẻ ở trường học không dám làm bừa. Cho nên thái độ của cha mẹ đối với thầy cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ, cho nên từng lời nói cử chỉ của cha mẹ đối với thầy cô không thể không cẩn thận.

Tiếp theo “Tôn kính trưởng bối”, điều này từ nhỏ cũng phải nuôi dưỡng cái thói quen lễ phép chào hỏi người lớn, thậm chí là trong cuộc sống, “Hoặc ăn uống – hoặc đi đứng – người lớn trước – người nhỏ sau”. Khi đã thành thói quen, trong quá trình thực hành những lời dạy bảo này, chúng sẽ từ từ nội hóa. Cho nên mọi người không nên xem thường, để con trẻ cúi đầu, mặc dù chỉ là hành vi bên ngoài, cúi đầu lâu ngày, sau khi nội hóa thì tâm cung kính lúc nào cũng hiện hữu.

Được rồi, tiết học hôm này chúng ta chỉ học đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người.