Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 6
Sư trưởng thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu xin chào mọi người.
A Di Đà Phật!
Chúng ta vừa mới nhắc đến:
“Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe”.
Vừa rồi có đồng tu nào đi mua dao cạo râu chưa?
“Cha mẹ trách, phải thừa nhận”.
Khi cha mẹ trách phạt chúng ta thì chúng ta nên khiêm tốn tiếp nhận, nghiêm túc kiểm điểm, nghiêm túc phản tỉnh, sửa đổi. Bởi vì suy cho cùng cha mẹ đều là dùng tâm yêu thương chúng ta, hy vọng đức hạnh của chúng ta có thể tăng trưởng nên mới giáo dục chúng ta, trách phạt chúng ta. Tôi từng hỏi các bạn nhỏ là: nếu con bị cha mẹ trách phạt thì trong tâm con nghĩ như thế nào? Các vị đồng học, con của bạn bị bạn xử phạt xong chúng sẽ nghĩ như thế nào? Các vị đã từng nghĩ đến vấn đề này chưa? Đáp án nhiều nhất của trẻ là: thật xui xẻo! Chúng nói bị cha mẹ mắng thật là xui xẻo, lần sau làm việc sai đừng để cha mẹ nhìn thấy thì sẽ không bị mắng nữa. Như vậy có tốt không? Không tốt. Đúng vậy, cho nên chúng ta phải nhạy bén để quan sát trạng thái tâm lý của chúng thì bạn mới có thể hướng dẫn chúng có thái độ chính xác. Cho nên chúng ta làm thầy phải nói giúp cha mẹ, phải để trẻ hiểu cha mẹ dạy dỗ chúng ta cũng là tâm yêu thương đối với chúng ta. Tôi đã nói với học trò là một người sau khi nổi giận liệu họ có cảm thấy tinh thần thật sảng khoái, rất có tinh thần không? Bạn đã bao giờ thấy một người nổi giận xong nói rằng: Wa! Tôi tràn đầy năng lượng, có không? Chưa từng thấy qua. Sau khi nổi giận phần lớn thân thể sẽ cảm thấy như thế nào? Rất mệt, vì sao vậy? Bởi vì vừa nổi giận thì thân thể sẽ sanh ra một lượng độc tố lớn. Cho nên một lần nổi giận phải mất mấy ngày mới có thể hồi phục lại? Ba ngày, cho nên nổi giận tổn hại rất lớn đối với thân thể.
Vì sao cha mẹ biết nổi giận sẽ không tốt cho thân thể của mình nhưng họ vẫn phải dạy dỗ bạn? Bởi vì sợ bạn không học tốt, sợ cuộc đời của bạn không xây dựng được nhân cách, thái độ đúng đắn. Vì muốn tốt cho bạn nên dù thân thể mình có bị tổn thương thì cũng phải dạy dỗ bạn, cho nên bạn phải hiểu dụng tâm của cha mẹ. Chúng ta phải xứng đáng với sự dạy dỗ của cha mẹ, tuyệt đối không được nói thật xui xẻo mà thông qua sự giáo huấn này sau đó phải hiểu được mình sai phạm ở đâu, sau này tuyệt đối như thế nào? Không được tái phạm. Như vậy mới xứng đáng với sự dạy dỗ của cha mẹ. Phải học tập đức hạnh của Nhan Uyên. Nhan Uyên có thể làm được “không phạm lỗi lần hai”, cho nên lần sau không được tái phạm. Chúng ta nên giữ thái độ bị mắng để đổi lấy sự tiến bộ. Mỗi lần được dạy bảo xong nhất định mình có thể tiến bộ hơn, nhanh chóng sửa đổi lỗi lầm. Khi trẻ được dạy bảo xong mà chúng có tâm thái như vậy thì chúng cũng có thể trân quý cơ hội này để nâng cao bản thân. Chúng không bị tình cảm làm chủ mà có thể dùng lí trí để đối diện với sự việc, cho nên “cha mẹ trách, phải thừa nhận”.
Thời Xuân Thu có một hiếu tử tên là Tăng Sâm. Có một lần cha ông rất tức giận, xử phạt ông. Thuận tay lấy cây gậy ở bên cạnh, rất to, kết quả vừa đánh, ông rất ngoan không bỏ chạy. Cha mẹ trách thì như thế nào? Phải thừa nhận nên ông ngoan ngoãn ở đó cho cha đánh. Kết quả vì cơn giận của cha tương đối lớn cho nên mất kiểm soát đã đánh ông ngất đi. Tin này truyền đến tai Khổng phu tử, phu tử liền nói: “con làm như vậy là bất hiếu”. Tăng Sâm cảm thấy: con rất ngoan mà, “cha mẹ trách, phải thừa nhận”, ngay đến chạy con cũng không chạy, làm sao bất hiếu được chứ?”. Phu tử nói: “nếu cha lỡ tay đánh chết con thì ai là người đau lòng nhất? Là cha mẹ, như vậy là đẩy cha mẹ vào chỗ bất nghĩa rồi”. Cho nên học đạo lý thì nên linh hoạt một chút. Phu tử nói với Tăng Sâm là “gậy nhỏ thì chịu phạt”, gậy nhỏ có thể chịu đánh, gậy lớn thì nên bỏ chạy thật nhanh, gậy to nên bỏ chạy, nhanh chóng chạy đi. Do vậy, chúng ta cầu học vấn thì nên học linh hoạt, hiểu được tùy cơ ứng biến. Sau khi chúng ta học xong, ví dụ hôm nay đúng lúc phạm phải lỗi lầm, cha mắng bạn, lúc này bạn phải “cha mẹ dạy, phải kính nghe”, nhưng nếu cha bạn bị bệnh tim, càng nhìn bạn càng tức giận thì lúc này bạn không được đứng ở đó nữa mà phải nhanh chóng như thế nào? Nhanh chóng rời đi. Do vậy việc này chúng ta phải biết quan sát tình hình, mọi nơi nghĩ thay cho cha mẹ.
Ngoài “cha mẹ gọi, trả lời ngay” ra thì ai gọi cũng phải trả lời ngay vậy? Chúng ta xem quan hệ ngũ luân. Ví dụ quan hệ quân thần “lãnh đạo gọi” thì như thế nào? “Trả lời ngay, lãnh đạo bảo, chớ làm biếng”. Bạn thật sự có thể làm được thái độ này thì cấp trên của bạn nhất định là vô cùng hài lòng về bạn rồi. Họ đi công tác mà muốn đưa cấp dưới đi cùng thì nhất định sẽ đưa ai đi? Nhất định sẽ đưa bạn đi, đều đưa những người rất lễ phép, biết giúp người khác gắp thức ăn, giúp người khác rót trà. Do vậy thái độ này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của trẻ. Chúng tôi nhớ có một lần ở Quảng Đông đã gặp một vị hiệu trưởng trường mầm non. Ông có kể một lần ông đi gặp một vị khách Quảng Đông, cũng dẫn theo một số vị thầy trong trường của họ cùng đi ăn cơm. Ông dẫn theo hai, ba vị thầy này đi ăn cơm có dụng ý gì? Trọng điểm là mời khách ăn cơm, dẫn theo mấy vị thầy trẻ tuổi này đi để làm gì? Đương nhiên là phải giúp ông chào hỏi, không thể để ông chủ ngồi ở cửa bưng đồ ăn được. Do vậy phải hiểu được những lễ nghi, phép lịch sự này thì mới có thể giúp đỡ lãnh đạo mà không phải là gây rắc rối cho lãnh đạo.
Kết quả những vị thầy này chưa học “Đệ Tử Quy”, cho nên khi chọn món ăn. Vì là khách Quảng Đông nên nhất định phải chọn món cho ai ăn? Chọn món Quảng Đông cho khách ăn rồi. Những vị thầy đó có người Hồ Nam, người Hồ Nam thích ăn cay, cho nên đối với một số món ăn những vị thầy này ở đó nói thật là khó ăn. Họ ngồi đó bình luận nên vị lãnh đạo này rất là khó chịu. Thật không dễ dọn lên được một, hai món tương đối cay, vị lãnh đạo này đương nhiên sẽ chuyển món ăn đến trước mặt khách trước. Người khách này mới gắp được một miếng thì những vị thầy trẻ tuổi này lập tức liền chuyển đi, nhanh chóng gắp ăn. Ông lại chuyển lại, chuyển đến trước mặt khách, không bao lâu họ lại chuyển đi. Cho nên, thật là không học lễ thì không thể lập thân. Ngay đến chuẩn mực làm người họ cũng không hiểu thì sự nghiệp rất khó đứng vững, rất có khả năng sẽ gây thêm phiền phức cho người khác. Cho nên đối với trưởng bối, đối với lãnh đạo chúng ta đều phải có thái độ cung kính, phải biết nhìn mặt đoán ý. Cho nên “Lãnh đạo dạy, phải kính nghe. Lãnh đạo trách, phải thừa nhận”. Một đứa trẻ biết tiếp thu lời dạy bảo thì chúng đến công ty mới có thể thật sự được các lãnh đạo và các trưởng bối trong công ty yêu thương. Do vậy trong quan hệ ngũ luân thì quan hệ quân thần cũng phải làm được điều này.
Tiếp theo là quan hệ vợ chồng, bà xã gọi thì như thế nào? Phải tôn trọng lẫn nhau. Bà xã gọi cũng phải trả lời ngay, bà xã bảo cũng phải chớ làm biếng. Những việc đã hứa thì phải làm, không được dây dưa lề mề. Ví dụ bà xã dạy cũng phải là kính nghe. Tiếng Mân Nam nói là “nghe lời vợ sẽ đại phú đại quý” là nghe lời vợ mới được phú quý. Đương nhiên nghe lời vợ thì phải nghe lời nói đúng. Vợ của bạn cho bạn kiến nghị rất hay thì bạn cũng có thể tiếp nhận, vì suy cho cùng thì người trong cuộc mê người ngoài cuộc thì tỏ. Bạn có một người vợ tốt, lúc nào cũng ở bên cạnh nhắc nhở bạn, đó là phước phần rất lớn của bạn. Trong quá trình sống có rất nhiều thử thách và cám dỗ, ví dụ bạn không cẩn thận té ngã có thể rất khó đứng dậy. Người vợ là giúp chồng dạy con, cho nên bà xã trách cũng phải thừa nhận.
Tiếp theo chúng ta xem quan hệ anh em, bạn bè. Trên thực tế cũng nên áp dụng trong câu giáo huấn này. Mà con trai gọi cũng phải như thế nào? Con trai gọi thì không thể trả lời ngay được. Con trai bạn gọi cha ơi, bạn lập tức rất ngoan chạy lại nói “con trai có việc gì không?”. Vậy thì điên đảo rồi, việc này không được. Bởi vì chúng ta phải trưởng dưỡng tâm hiếu và tâm cung kính của trẻ. Cho nên trẻ phải tuân thủ lời giáo huấn này.
Ngoài quan hệ ngũ luân ra thì còn một luân vô cùng quan trọng. Nếu quan hệ ngũ luân không có luân này thì quan hệ ngũ luân cũng không cách gì rõ ràng được. Luân này là luân nào vậy? Quan hệ thầy trò. Các vị đồng học đạo lý của ngũ luân nhất định phải nhờ thầy cô dạy dỗ thì con người mới biết để làm người. Cho nên “Thầy cô gọi, trả lời ngay. Thầy cô bảo, chớ làm biếng”. Quá trình tôi theo sư trưởng Ngài học tập, tôi tình cờ thấy sư trưởng giảng kinh trên truyền hình, vừa nghe thấy rất ưa thích, chưa bao giờ tôi nghe được đạo lý hay như vậy, cho nên con người quả thực không phải không học mà là không gặp được nhân duyên tốt.
Chúng tôi có một đồng tu, đúng lúc anh ấy xem được tiết mục trao thưởng cho giáo viên xuất sắc trên truyền hình. Anh ngồi đó vừa xem vừa rơi nước mắt, một người đàn ông ngồi khóc thút thít. Vì sao anh khóc? Anh nói cả đời tôi vì sao không gặp được những vị thầy tốt như vậy? Kết quả sau này anh cũng nghe được sư trưởng giảng kinh, trong lòng rất vui mừng. Trước đây anh làm kinh doanh rất lớn, anh làm bất động sản. Anh lập tức trân quý cơ duyên học đạo này nên đã đóng cửa toàn bộ công ty, không làm nữa, tôi phải cố gắng học đạo. Tất cả nhân viên đồng nghiệp đều cảm thấy anh như thế nào? Đầu anh có vấn đề, nhiều tiền như vậy không kiếm lại muốn đi tu học Phật Pháp. Kết quả rất là thú vị, bởi vì anh đã dừng tất cả công việc, không lâu sau thì bất động sản rớt giá mạnh, tất cả đồng nghiệp đều bị thua thiệt rất nhiều, cho nên đồng nghiệp nhân viên đều nói anh biết tính toán. (Cười) Các vị đồng học, nhờ tâm cầu đạo, tâm hiếu học nên tai nạn của anh như thế nào? Đã được hóa giải. Anh nói mới đầu anh nghe kinh, nghe tám giờ đồng hồ thì ngủ gật khoảng năm, sáu giờ nhưng anh rất kiên trì, gặp được một vị thầy tốt như vậy nên anh nhất định phải cố gắng học tiếp. Sau đó dần dần hiện tượng hôn trầm này cũng giảm đi. Cho nên chúng tôi gặp được cơ hội tốt như vậy tôi cũng rất trân quý liền bắt đầu tu học Phật Pháp.
Các vị đồng học, các vị có lẽ rất có phước, vừa bắt đầu đã nghe được giáo pháp của lão hòa thượng. Tôi từng tham gia huấn luyện trong ngành giáo dục, cũng tiếp xúc với rất nhiều diễn giảng, kỳ thực điều nghe được phần lớn đều là tà tri tà kiến. Bạn xem hiện nay xã hội nói “thành công, tôi nhất định phải thành công”. Họ hiểu thành công là gì? Cuộc đời làm sao kiếm được mười triệu tệ? Cuộc đời làm sao kiếm được nhiều của cải hơn? Nhận thức như vậy có đúng không? Đã có sự sai lệch rồi. Bởi vì cuộc đời cần trù tính trên mọi phương diện, tuyệt đối không phải chỉ kinh doanh trên của cải, mà của cải có phải là do kiếm được hay không? Cũng không phải. Kỳ thực khi họ tiếp nhận những tri kiến như vậy thì cuộc đời của họ đã rơi vào hoàn cảnh rất nguy hiểm rồi. Trong quá trình tôi làm những công việc này. Họ lên lớp diễn giảng rất đắt. ba ngày diễn giảng, tiền Đài Loan phải mất hơn ba mươi nghìn tệ, còn diễn giảng mười ngày thì phải năm, sáu mươi ngàn tệ. Giá này là giá thị trường năm, sáu năm trước. Hiện nay thì càng đắt hơn rồi. Kết quả tôi cảm thấy mình thật ngu si. Phật Pháp tốt như vậy, người ta tặng chúng ta kinh điển mà chúng ta không thèm quan tâm, còn chính mình thì bỏ ra một đống tiền làm gì? Đem tặng người ta. Tôi tin rằng đó cũng là khoản tiền nợ họ trước đây, một miếng ăn một ngụm nước đều đã được định sẵn. Do vậy chúng ta có thể nghe được lời dạy bảo của sư trưởng thì trong lòng vô cùng vui sướng.
“Sư trưởng dạy, phải kính nghe”, trong tất cả lời giáo huấn của sư trưởng có sáu chữ lúc nào chúng ta cũng phải nhớ trong lòng là: phải vì Phật Pháp, vì chúng sanh. Sau này sư trưởng lại nói chỉ cần bạn phát tâm những việc khác đều để Phật Bồ Tát sắp xếp. Tôi nghe xong cũng rất vui sướng, bởi vì tập khí đời trước tương đối nặng thích làm kinh doanh. Các vị có nhận ra không? Mẹ tôi thường nói đến điều này, mỗi lẫn tôi trở về nhà ngoại đều đi mua những thứ như là khoai lang, mua khoai lang, tức là người ta lấy năm xu cho tôi rút, rút được thăm thì tôi sẽ đưa đồ cho họ. Tôi nhớ lần đầu tiên tám mươi thẻ rút thăm có thể kiếm được bốn mươi tệ, tiền vốn là hai mươi tám tệ, cho nên từ bé tôi đã bắt đầu làm kinh doanh nhỏ, một lần có thể kiếm được mười hai tệ, sau này thì dần dần tăng lên. Cho nên mẹ tôi nói đời trước tôi nhất định làm buôn bán, kết quả thật sự lúc nhỏ tôi viết nhật ký, tôi viết chí nguyện của tôi là muốn làm kinh doanh hơn nữa, còn viết rằng làm kinh doanh không gian trá thì không phải thương nhân. Câu này sai rồi, tôi phải sửa lại. Cho nên tôi luôn mang theo tập khí này không hề sửa đổi.
Sau này tư tưởng cũng rất hỗn loạn, luôn muốn kiếm được nhiều tiền, luôn cho rằng kiếm được tiền rồi thì sau này tôi có thể giúp đỡ người khác. Sau đó vì nghe được lời dạy bảo của sư trưởng nên quan niệm này dần dần chuyển trở lại. Giúp một người thật sự triệt để nhất là khiến họ chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh. Khi họ hiểu rõ đạo lý thì họ mới có thể thật sự thoát khổ, mới có thể thật sự kinh doanh tiền tài, kinh doanh tốt cuộc sống gia đình. Khi tôi buông bỏ những thói quen lộn xộn này xuống, tôi cũng không mong cầu mà cơ hội liền đến. Khi đó tôi không có công việc nên đến Đài Đông sinh sống, đúng lúc một ngôi trường có một cô giáo sanh con, sanh xong cần một giáo viên dạy thay. Năm đó vừa hay pháp luật lại quy định phải tốt nghiệp đại học thì mới có thể làm giáo viên dạy thay. Cả trấn nhỏ đó không tìm được một sinh viên tốt nghiệp, kết quả đã tìm đến tôi. Tôi vừa nghe phải dạy các em nhỏ lớp một, có em người còn chưa cao đến eo của tôi nên tôi hết sức lo lợ. Tôi nói: “thôi, làm ơn đi, tôi chưa bao giờ dạy học, tôi không làm đâu”. Kết quả một tuần sau họ lại đến nói thật sự không tìm được người. Lúc này lời giáo huấn của Phật là bảo chúng ta nên hằng thuận chúng sanh, không được từ chối thẳng thừng, cho nên tôi đã nhận lời dạy học hai tháng.
Dạy được một tuần thì tôi rất vui, cuối cùng đã tìm được một việc có thể rất là đơn thuần phục vụ người khác, phục vụ học sinh mà không phải là vì cái gì? Vì tiền mà phục vụ, cho nên càng dạy càng vui, liền hạ quyết tâm phải đi trên con đường giáo dục này. Do vậy tôi vừa xuống núi là lập tức đi học thêm bổ túc. Kết quả ngay đến tiền học bổ túc Phật Bồ Tát cũng như thế nào? Giúp tôi sắp xếp ổn thỏa. hai tháng dạy thay là tôi đã có tiền để nộp học bổ túc rồi. Trong quá trình học bổ túc, tôi cũng rất có lòng tin, bởi vì Phật Bồ Tát sẽ gia trì. Tôi nhớ có một lần sư trưởng đã nói trong thời mạt pháp này, nếu bạn phát tâm vì Phật Pháp, vì chúng sanh thì bạn chính là con một của chư Phật Bồ Tát. Bởi vì chư Phật Bồ Tát không tìm được người để gia trì, không có người phát tâm, chỉ cần phát tâm thì bạn nhất định biến thành con một rồi, cho nên chúng tôi rất có lòng tin chư Phật Bồ Tát sẽ gia trì. Trong cả quá trình học bổ túc cũng rất là yên ổn, cũng rất may mắn thuận lợi thi đỗ.
Phật Bồ Tát rất từ bi, các ngài giao nhiệm vụ cho bạn sẽ không đè chết bạn đâu. Bởi vì tôi vẫn chưa có kinh nghiệm dạy học, cho nên năm đầu tiên cho tôi làm giáo viên bộ môn, đến khi tôi quen công việc dạy học thì năm thứ hai để tôi chủ nhiệm một lớp mà lớp này lại không dễ dạy. Lần thứ ba tôi lại chủ nhiệm một lớp không dễ dạy nhất trường, tôi cũng vượt qua được. Năng lực cũng nhờ sự sắp xếp của Phật Bồ Tát mà từng chút dần dần nâng cao. Sau khi dạy xong lớp này thì tôi đến Hải Khẩu, trở thành người đảm nhận công việc phát triển trung tâm hiếu liêm Hải Khẩu. Do vậy chúng tôi cũng khắc ghi lời “Sư trưởng bảo, chớ làm biếng”.
Tôi nhớ đầu năm nay, đúng lúc tôi bận việc ở bên ngoài. Có một đứa trẻ hơn mười tuổi, tôi dặn dò nó ở trung tâm nghe sư trưởng giảng kinh. Khi nghe xong, khi tôi trở về nó phải báo cáo cho tôi. Buổi trưa hôm đó lúc ăn cơm tôi hỏi em “hôm nay con nghe lão hòa thượng giảng gì vậy?”. Đứa trẻ nói “hôm nay lão hòa thượng nói tuổi tác của ngài sắp tám mươi rồi vẫn vì thế giới hòa bình, chánh pháp cửu trụ mà thường bay tới bay lui khắp nơi trên thế giới. Có người trẻ tuổi nào cũng nguyện phát tâm làm những việc này thì lão hòa thượng sẽ xin cúi lạy họ”. Lúc đó, đây là lời từ miệng của đứa trẻ hơn mười tuổi nói ra nhưng chúng ta là đệ tử, nghe xong thì vô cùng hổ thẹn, cho nên cũng ôm ấp việc lấy chí nguyện của thầy làm chí nguyện của mình. Lấy chí hướng của sư trưởng làm chí hướng của mình để cố gắng, mà năng cảm là tâm của chúng ta, sở cảm là cảnh giới. Khi chúng tôi khởi ý niệm này thì cảm ứng lập tức liền hiện ra. Không bao lâu sau thì kết nối nhân duyên với Thẩm Quyến. Từ lúc đó tôi cũng bắt đầu ngồi máy bay bay tới bay lui. Cho nên “Sư trưởng bảo, chớ làm biếng. Sư trưởng dạy, phải kính nghe”.
Đối với lời dạy bảo của sư trưởng tuyệt đối không được bớt xén. Sư trưởng nói mười câu chúng ta phải làm mấy câu? Cả mười câu. Thí dụ sư trưởng nói mười câu, chúng ta chỉ làm năm câu, năm câu còn lại không làm. Đó là dùng tâm phân biệt, chấp trước để tiếp nhận giáo huấn, như vậy sẽ không được thọ dụng. Cho nên chỉ cần là lời dạy bảo của sư trưởng thì chúng ta nhất định phải theo phương hướng đó mà không ngừng nỗ lực, như vậy thì có thể được lợi ích. Do vậy thành thật là thái độ tu đạo rất quan trọng.
Tiếp theo “chúng sanh gọi, trả lời ngay”. Chúng ta đều thấy người hiện nay bởi vì không tiếp xúc với học vấn Thánh Hiền nên có rất nhiều tư tưởng, quan niệm sai lầm. Sau khi sai lầm thì tạo ra rất nhiều lỗi lầm, cho nên bản thân khổ không nói lên lời. Trong “Kinh Địa Tạng” chúng ta cũng thấy Phật xoa đầu Ngài Địa Tạng Bồ Tát, nói với Bồ tát Địa Tạng “sau khi ta diệt độ và trước khi Phật Di Lặc xuất thế, con nhất định đừng để những chúng sanh trong khoảng thời gian này đọa vào ba đường ác”. Các vị đồng học ai là Địa Tạng Bồ Tát vậy? Mọi người à, Thích Ca Mâu Ni Phật đang xoa đầu ai vậy? Chúng ta đều là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta đều có trách nhiệm và sứ mạng phải tiếp nối huệ mạng Phật, mà Địa Tạng Bồ Tát là đại diện cho hiếu và kính. Chỉ cần bây giờ chúng ta hiểu được tầm quan trọng của hiếu và kính, chúng ta phải đem thái độ chính xác này phổ biến rộng khắp với những người có duyên với chúng ta.
Tôi nhớ có một lần nghe sư trưởng giảng đến mười nguyện Phổ Hiền, trong đó có một nguyện là thỉnh Phật trụ thế. Sư trưởng Ngài có nhắc đến Phật Pháp khó được nghe, trong một vạn người, chỉ có một, hai người có thể nghe được Phật Pháp. Hơn nữa người có thể nghe được Phật Pháp lại là chánh pháp thì tương đối ít. Có thể nghe được chánh pháp lại có thể nghe pháp môn trì danh niệm Phật, có thể thành tựu ngay trong đời này lại là khó càng thêm khó, không gì khó hơn. Mà hiện nay chúng ta đã gặp được nhân duyên như vậy, bạn không thỉnh chính mình trụ thế, vậy bạn muốn thỉnh ai trụ thế bây giờ? Lời giáo huấn của sư trưởng lúc đó đã đánh tan phân biệt, chấp trước của chúng tôi. Chúng ta phải có một phần sứ mạng, có thể nghe được nhu cầu của chúng sanh, cho nên “chúng sanh gọi, trả lời ngay”. Chúng ta tiếp tục xem câu kinh văn tiếp theo, chúng ta cùng đọc qua một lần. Nào chuẩn bị:
“Đông phải ấm, hạ phải mát. Sáng phải thăm, tối phải viếng. Đi phải thưa, về phải trình. Ở ổn định, nghề không đổi”
“Đông phải ấm, hạ phải mát”, đây là thời Đông Hán có một người đọc sách tên là Hoàng Hương. Lúc đó cậu mới chín tuổi đã biết vào mùa đông phải giúp cha ủ ấm mền trước. Bởi vì thân thể của cha cậu không tốt lắm, mẹ đã qua đời, cho nên cậu có trách nhiệm tận tâm tận lực chăm sóc cha thật tốt. Vào mùa hè tương đối nóng, cậu lấy quạt quạt cho giường mát trước rồi mới mời cha đi ngủ. Các vị đồng học, Hoàng Hương mới chín tuổi, cậu đã biết hiếu đạo như vậy. Sau đó Hoàng Đế biết được việc này lập tức ban tặng cho cậu một lời tán thán rất cao, viết tám chữ là “Giang Hạ Hoàng Hương, cử thế vô song”. Kỳ thực Hoàng Đế làm như vậy cũng rất là có trí huệ. Ông biết phải dương thiện khiến tất cả nhân dân đều noi gương Hoàng Hương. Sau này Hoàng Hương cũng làm quan lớn, phục vụ rất nhiều cho nhân dân.
Có phụ huynh nói mùa đông nếu để con trẻ ủ ấm mền liệu chúng có bị cảm không? Cho nên bạn xem, chúng ta làm thay con cái càng nhiều việc thì ngược lại khiến cơ hội học tập của chúng càng ngày càng ít. Làm gì có chuyện bị cảm như vậy? Đó là thân thể thật sự quá yếu rồi, vậy thì phải làm nhiều việc hơn. Bởi vì trong khi làm việc nhiều thì kinh lạc của chúng mới phát triển tốt, sức khỏe mới cường tráng, hệ thống miễn dịch mới được hình thành. Đông ấm hạ mát là cậu dưỡng thân của cha mẹ, cũng là dưỡng tâm của cha mẹ. Bởi vì khi chúng ta làm như vậy thì trong lòng cha mẹ vô cùng thoải mái. Ngoài đông ấm hạ mát ra, mọi việc trong cuộc sống hàng ngày của cha mẹ chúng ta cũng phải thỏa mãn các nhu cầu của cha mẹ. Thí dụ, tối qua bạn thấy gió lạnh thổi, cũng cảm thấy thời tiết hôm nay nhất định sẽ tương đối lạnh nên nhanh chóng gọi điện thoại về hỏi thăm cha mẹ, sau đó nhắc cha mẹ ngày mai mặc thêm quần áo. Đây cũng là quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ. Khi bạn gọi cuộc điện thoại này, mặc dù con của bạn có thể đang chơi đùa bên cạnh nhưng có ảnh hưởng đến chúng không? Ảnh hưởng rất lớn. Trẻ nhỏ học tập không giống người lớn chúng ta nhất định phải rất chuyên chú. Trẻ nhỏ là mắt nhìn bốn phương, tai nghe thế nào? Tám hướng. Tai mắt của chúng rất lanh lợi. Chúng ta làm những việc rất nhỏ nhưng chúng đều học tập. Rất nhiều người nói hiện nay đều là gia đình nhỏ, làm sao dạy con cái hiếu đạo được? Quan trọng nhất là bạn có tâm hay không? Khi chúng ta đoán được nhà cha mẹ có thể đã hết gạo rồi thì nhanh chóng “con trai, chúng ta đi biếu gạo cho ông nội nhé”, dẫn con cái cùng làm. Mỗi tháng bạn gửi tiền cho cha mẹ, bạn hãy dẫn con trai theo, “nào con trai, nào con viết đi, viết phiếu gửi tiền cho ông bà nội”. Đây đều là cơ hội giáo dục rất tốt.
Dưỡng tâm của cha mẹ quan trọng nhất là nơi nơi phải có thể thấu hiểu tâm tình của cha mẹ, cảm nhận của cha mẹ. Nhớ là sau khi tôi nghe được Phật Pháp, cảm thấy bản thân nhận được lợi ích rất lớn, cũng hy vọng có nhiều người hơn nữa có thể đạt được lợi ích của Phật Pháp, cho nên trong lòng tôi có một suy nghĩ là có thể sau này tôi phải rời xa cha mẹ để làm việc, tận hết một phần tâm lực. Do vậy, trong quá trình học Phật, hai, ba năm trước tôi đã nói với mẹ tôi là “mẹ ơi, chúng ta có cơ hội tốt như vậy đều nghe được Phật Pháp, đều nghe được lợi ích của Phật Pháp, chúng ta cũng hy vọng càng có nhiều người có thể nghe pháp, cho nên con trai của mẹ rất là may mắn. Chúng ta phải đem phần may mắn này giúp nhiều người hơn nữa để được lợi ích, cho nên mẹ nhất định phải đem con trai của mẹ quyên tặng đi”. Hai, ba năm trước tôi đã thông báo cho cha mẹ trước. Qua thời gian này, đúng lúc tháng chín năm trước thì đúng lúc sư trưởng phái cô Dương Thục Phương đến Hải Khẩu để tìm hiểu một cơ hội phát triển văn hóa truyền thống. Cô Dương đã dẫn hậu học như tôi cùng đi. Khi mẹ tôi nghe được tin này thì bà không hề cảm thấy đường đột, bà cũng rất là vui để tôi đi, ngược lại mẹ tôi còn khuyên cha tôi là “ông phải buông xuống, mỗi người có nhân duyên riêng, đừng miễn cưỡng”, mẹ tôi còn khuyên cha tôi như vậy. Cho nên rất nhiều đồng nghiệp của mẹ tôi đều nói “chẳng có người nào làm mẹ như chị cả, mẹ người khác đều không nỡ để con trai mình đi còn chị thì như thế nào? Tiễn con trai đi.
Cho nên chúng ta phải thấu hiểu tâm của cha mẹ khiến cha mẹ lúc nào cũng có sự chuẩn bị tâm lý mà không cảm thấy rất đường đột. Đương nhiên bởi vì khi mới bắt đầu cha tôi cũng có lo lắng nên trước khi tôi đi, ông đã nói với tôi là “việc này rất khó, dường như một nghìn người làm công tác giáo dục cũng chẳng thấy một, hai người làm được”. Tôi đã nói với cha rằng: nếu một nghìn người mà làm chỉ có một người thành công thì chúng ta phải đi tìm hiểu chín trăm chín mươi chín người tại vì sao thất bại hay là đi tìm hiểu một người tại sao thành công? Phải đi tìm hiểu phần nào? Làm sao thành công. Bạn học tại sao họ thất bại làm gì? Nhưng hiện nay chúng ta thường có một quán tính là trước tiên đều nhìn thấy rất nhiều người không làm được, cho nên mình đã bị chính mình đánh bại rồi, đều nghĩ đến chỗ xấu mà. Kỳ thực một người muốn tìm lý do, muốn tìm một nghìn, mười nghìn lý do đều không vấn đề gì, nhưng nếu muốn làm, thì hạ quyết tâm thì vẫn có thể dũng mãnh tiến lên.
Do vậy tôi nói với cha là “nếu một người thành công mà họ nhất định phải có rất nhiều tiền bạc, rất có địa vị, gia đình quyến thuộc của họ còn phải làm quan to thì mới có thể làm được, vậy thì con nhất định không làm được. Bởi vì con không có những thứ đó. Nhưng nếu một người phát triển thành công mà họ không cần những điều kiện đó, mà điều kiện họ cần chúng ta cũng có, vậy việc này con phải suy nghĩ”. Sau đó tôi nói với cha là “lão hòa thượng một mình đến Đài Loan cũng không có tiền của, bên cạnh cũng không có người thân nhưng chỉ dựa vào một cái tâm hiếu học, một tấm lòng từ bi hy vọng thành tựu mọi người. Nhờ có tấm lòng chân thành này nên đã cảm được rất nhiều vị thầy tốt dạy bảo ngài, cũng cảm được rất nhiều hộ pháp tốt đến hộ trì ngài, đến giúp đỡ ngài. Do vậy một mình ngài hoằng truyền Phật Pháp, chánh pháp đến toàn thế giới. Cho nên Lão hòa thượng có tâm chân thành, chúng ta cũng có tâm chân thành”. Cho nên cha tôi nghe xong thì không tiếp tục khuyên tôi nữa. Sau đó tôi nói tiếp với cha “Cha ạ, con không hề ước vọng quá cao là văn hóa truyền thống sẽ khai hoa kết quả trước mặt con, bởi vì mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Nền giáo dục này đã bị đoạn mất gốc nên nhất định phải có sự nỗ lực của cả mấy thế hệ mới được. Trí huệ mấy ngàn năm của tổ tiên truyền thừa đến tay chúng ta, nếu bị đứt đoạn trên tay chúng ta vậy chúng ta có lỗi với liệt tổ liệt tông, chúng ta cũng có lỗi với con cháu của đời sau”.
Thâm Quyến có một từ đường vạn họ xây dựng vô cùng trang nghiêm. Lần đầu tiên tôi đến lễ bái từ đường vạn họ này. Vào bên trong, mỗi bức tường tôi lễ ba lạy, trong lòng nghĩ chúng con đến trợ giúp chậm trễ không biết đã khiến tổ tiên rơi bao nhiêu nước mắt. Do vậy mỗi bức tường tôi lễ ba lạy là đại diện cho tâm rất sám hối, hy vọng sau này con có thể tận một chút trách nhiệm của bậc con cháu. Cho nên tôi nói với cha tôi rằng: “Văn hóa truyền thống không đứt gốc ở thế hệ chúng con thì con đã hài lòng vừa ý rồi”.
Sau đó tôi đến Hải Khẩu thời gian hơn ba tháng, đến Tết tôi cũng trở về nhà. Về đến nhà vừa đặt hành lý xuống chúng tôi liền nhanh chóng theo cha cùng đi thăm ông bà nội. Bởi vì khi chúng ta rất cung kính ông bà nội thì cha mẹ nhất định rất vui. Tối hôm đó trở về tôi cùng cha ngồi trên ghế. Tôi cũng học tập người bạn tốt của tôi và bắt đầu đem những việc đã làm trong ba tháng qua báo cáo từng việc cho cha nghe. Trong quá trình báo cáo chúng tôi đã nhắc đến rất nhiều đứa trẻ đã hiếu thuận cha mẹ như thế nào? Trong quá trình nghe tôi nói tôi thấy cha ba lần rơi nước mắt. Cho nên kỳ thực tôi cũng có thể cảm nhận được cha rất lương thiện. Ông cũng hy vọng gia đình người khác, xã hội người khác có thể tốt hơn. Hôm nay chúng ta có cơ hội như vậy, chúng ta tận tâm tận lực đi làm là dưỡng tâm của cha mẹ, cũng là dưỡng chí của cha mẹ, làm viên mãn chí hướng phục vụ xã hội của cha mẹ. Bởi vì cha mẹ đã dùng mấy mươi năm cuộc đời để thành tựu cho chúng ta. Chúng ta nhất định phải lập thân hành đạo, như vậy mới có thể lưu danh hậu thế để cha mẹ được hiển vinh, gọi là đại hiếu là khiến cha mẹ được vinh hiển.
Chúng tôi có một cô giáo, đúng Tết Nguyên Tiêu năm ngoái cô ấy đến nghe giảng. Hôm đó cô ấy ngồi ở chính giữa, tôi rất ấn tượng với cô ấy. Hôm đó thầy cô ở trung tâm còn gọi điện cho tôi nói là “Thầy Thái ơi! Hôm nay là Tết Nguyên Tiêu có cần nghỉ học một ngày không?”. Các vị đồng học, có cần nghỉ học một ngày không? Học tập làm gì có chuyện nghỉ ngơi. Chúng ta làm cha liệu có chuyện hôm nay chúng ta nói với con trai rằng: “Con trai à, hôm nay cha xin nghỉ một ngày nhé. Hôm nay cha không làm cha nữa”. Chúng ta làm thầy cô giáo có thể nói với học trò là: “Hôm nay thầy xin nghỉ một ngày không làm thầy nữa?”. Mọi lúc mọi nơi chúng ta đều đang làm tấm gương tốt cho trẻ, cho nên đức hạnh không thể tạm nghỉ được rồi. Khi bạn trì hoãn việc học một ngày thì con của bạn có thể sẽ tiếp thu những giáo huấn chính xác chậm một ngày. Cho nên ngày hôm đó vẫn lên lớp như dự kiến, rất an ủi là số lượng phụ huynh không bị giảm đi.
Kết quả trong quá trình học tập cô ấy chỉ cần nghe thấy câu chuyện hay là lập tức bắt đầu ghi chép thật nhanh, cho nên tôi rất ấn tượng với cô ấy. Sau ba tháng, lần đầu tiên cô đến trước bục giảng nói chuyện với tôi. Cô nói mỗi lần thầy giảng bài xong rất vất vả. Cho nên cô ấy cảm thấy không tiện tăng thêm gánh nặng cho tôi, nhưng vì hôm nay cô ấy muốn bước ra giảng bài. Cô ấy cảm thấy giáo huấn hay như vậy không thể chỉ gia đình mình được lợi ích mà cần lợi ích nhiều người hơn nữa, cho nên cô ấy dự định trở về quê hương Văn Xương của mình để dạy “Đệ Tử Quy”. Cô làm việc ở sân bay cũng không phải tốt nghiệp trường sư phạm nhưng do sự dụng tâm này của cô nên tôi tin là cô ấy sẽ tiến bộ rất nhanh. Do vậy phát tâm là trọng điểm, dụng tâm chính là chuyên nghiệp. Chỉ cần dụng tâm chúng ta có thể trong thời gian rất ngắn học tốt ngành giáo dục, chuẩn bị đầy đủ một số năng lực.
Tục ngữ nói “người có thiện nguyện, trời sẽ phù hộ”. Cho nên cô ấy phát ra tâm nguyện này, khi cô ấy cất bước chân đầu tiên có thể sẽ nghiêng ngả nhưng những đồng học bên cạnh sẽ như thế nào? Nhanh chóng dìu đỡ cô ấy, rất sợ cô đứng không vững. Do vậy cô giáo này vừa nói muốn về quê nhà dạy học tôi lập tức tặng cô ấy một bộ “Những câu chuyện giáo dục đức hạnh”, cô ấy nhận được vô cùng vui mừng. Tôi nói sau này cô không cần phải viết nữa, những câu chuyện đó đều có ở trong này. Một số thầy cô giáo khác ở trung tâm cũng rất cảm động lập tức đem kinh nghiệm dạy học của họ chia sẻ với cô ấy, cho nên cô giáo này càng dạy càng tốt, trẻ đi học càng ngày càng nhiều. Có một lần đúng lúc cô ấy dạy đến câu “Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”. Khi dạy đến câu này cô mua một giỏ vải trở về quê nhà dạy câu này. Sau khi dạy xong, bởi vì học rồi thì phải làm. Cô ấy đương nhiên hướng dẫn trẻ hiểu được tất cả cha mẹ, trưởng bối đều có cống hiến cho xã hội và gia đình, đều đáng được chúng ta tôn kính. Sau khi giảng xong, đám trẻ cũng rất có thiện căn lập tức đem những trái vải chạy quanh thôn xóm của mình, vừa thấy người lớn là lập tức tặng vải cho họ ăn. Các vị đồng học, hôm đó trong thôn của họ được bao trùm bầu không khí gì vậy? Là không khí kính già yêu trẻ, kính lão tôn hiền.
Buổi tối hôm đó, rất nhiều trưởng bối trong thôn của họ gọi điện cho cha của cô nói là “chưa bao giờ có đứa con gái nào lấy chồng rồi còn về báo đáp quê hương mình như vậy”. Câu nói này do chính cha của cô nói cho cô nghe. Bản thân cô ở đầu dây bên kia cũng rất cảm động đến rơi nước mắt. Cho nên khi một người con gái làm như vậy thật sự khiến tâm của người cha vô cùng dễ chịu, vô cùng hoan hỷ. Cha cũng có chí hướng lợi ích xã hội như vậy và con gái đã giúp ông hoàn thành, cũng là dưỡng chí của cha mẹ rồi. Các vị đồng học niềm vui như vậy có thể duy trì được bao lâu? Có thể cha của cô sẽ cảm thấy đời này tôi nuôi được đứa con gái như vậy là vô cùng xứng đáng. Việc này so với việc tặng phong bì cho cha mẹ, mua chút đồ cho cha mẹ thì niềm vui đó khác nhau rất lớn rồi. Do vậy từ câu “đông phải ấm, hạ phải mát” chúng ta thể hội được phải dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ còn phải dưỡng chí của cha mẹ nữa.
Tiếp theo “sáng phải thăm, tối phải viếng” là sớm tối thăm hỏi cha mẹ. Có vị thầy giáo đến nghe xong bài giảng cũng trở về dạy “Đệ Tử Quy”. Đúng lúc ông gọi điện thoại đến trung tâm của chúng tôi, vị thầy này nói trong “Đệ Tử Quy” có sạn. Sạn là phần bỏ đi, không ăn được. Tiếp theo tôi thỉnh giáo vị thầy này. Chúng ta đừng biện luận với họ ngay lúc đó, như vậy sẽ hoàn toàn phản tác dụng. Thí dụ bạn nói “anh sai rồi, làm sao có thể có vỏ trấu được chứ?”. Bạn vừa nói họ sai thì họ sẽ lập tức vũ trang đầy đủ để làm gì? Bắt đầu tranh luận với bạn. Chúng tôi cũng rất khách khí nói với vị thầy đó: “Xin hỏi thầy cảm thấy câu nào là sạn?”. Vị thầy đó nói “sáng phải thăm, tối phải viếng” là sạn, vì sao vậy? Ông nói một ngày phải thăm hỏi hai lần quá phiền phức. Tiếp theo tôi nói với vị thầy này là: cha mẹ quan tâm, thương nhớ con cái một ngày mấy lần? Từng giây từng phút. Có một cô giáo nói với tôi rằng vào mùa xuân thu nhiệt độ thay đổi rất lớn, cho nên con trẻ nửa đêm thường hay đạp mền, cho nên mùa xuân thu họ đắp mền rất mỏng, nửa đêm cơ thể lạnh nên tỉnh dậy, sau đó trước tiên là đi giúp con làm gì? Đắp lại mền rồi mới an tâm trở về ngủ. Người làm cha mẹ ngay đến lúc ngủ cũng đều nhớ đến con cái huống hồ là ban ngày.
Buổi sáng khi chúng ta, các em nhỏ đi thăm hỏi cha mẹ “con chào cha mẹ buổi sáng, hôm qua cha mẹ ngủ có ngon không ạ?”. Khi bạn cúi đầu xuống, tục ngữ nói: “Người gặp việc vui tinh thần sảng khoái”, có việc gì vui hơn con cái hiếu thuận chứ? Cho nên cha mẹ cả ngày tâm trạng sẽ rất tốt, sau đó thấy trán của bạn phát sáng chứng tỏ tối qua như thế nào? Ngủ rất ngon, họ cũng rất là an tâm. Buổi tối sau khi tan học về nhà cha mẹ cũng không biết tình hình của bạn hôm nay như thế nào? Chúng ta lại chủ động đi hỏi thăm cha mẹ. Cha mẹ vừa thấy khí sắc rất tốt chắc là ở trường không đánh nhau, không xung đột với thầy cô, bạn học, cho nên cha mẹ cũng rất an lòng. Do vậy một ngày hai lần thăm hỏi có thể giảm thiểu cho cha mẹ rất nhiều lo lắng.
Sau khi tôi nói xong thì vị thầy này tương đối có thể tiếp nhận. Ông nói “Thầy Thái à, thầy học văn hóa truyền thống không tệ, thầy học với ai vậy?”. Chúng tôi nghe rồi thì “nghe khen sợ”, vô cùng lo sợ. Tôi nói “tôi học cô Dương Thục Phương”. Kết quả đột nhiên vị thầy này giáng cho tôi một đòn bất ngờ, ông nói “Thầy Thái à, câu này bản thân thầy cũng không làm được”. Bởi vì tôi rời xa quê nhà nên không thể nào “sáng phải thăm, tối phải viếng” cha mẹ được rồi. Làm thầy giáo sợ nhất là học trò nói “thưa thầy thầy cũng không làm được”, toàn thân như thế nào? Toát mồ hôi lạnh. Lúc đó tôi nói với vị thầy này là “thí dụ hôm nay buổi sáng tôi gọi một cuộc điện thoại, buổi tối lại gọi một cuộc điện thoại về nhà thì mẹ tôi sẽ mắng tôi. Bà sẽ nói con không biết điện thoại đường dài rất đắt sao? Không cần phải thường gọi về như vậy, chỉ cần tối thứ bảy hàng tuần cố định gọi về là được. Do vậy chúng ta phải thuận theo ý của cha mẹ, hơn nữa sẽ tạo thành sự hiểu ngầm, là cứ thứ bảy điện thoại vừa reo lên là mẹ tôi liền nói con trai gọi điện về rồi. Lúc đó tôi sẽ báo cáo với bà những việc trong tuần này. Trong nhà có những việc gì chúng ta cũng quan tâm một chút.
Cho nên “sáng phải thăm, tối phải viếng” bản chất quan trọng nhất của nó là đừng để cha mẹ lo lắng. Điều này mới là quan trọng nhất. Thí dụ đức hạnh của chúng ta không tốt, mỗi ngày dù một ngày gọi mười cuộc điện thoại thì cha mẹ sẽ an tâm sao? Vẫn là lo lắng như cũ. Do vậy bản chất của câu này phải nắm được là nâng cao đức hạnh của bản thân, khiến cha mẹ rất yên tâm, không lo lắng về chúng ta. Đây mới là thực hành bản chất của câu này.
Tiếp theo “Đi phải thưa, về phải trình”. Khi sắp ra ngoài trước tiên phải nói với cha mẹ chúng ta đi đâu thì họ mới yên tâm. Thậm chí thí dụ bạn ra ngoài đi học, tốt nhất có thể để cha mẹ đích thân đi thăm trường và nơi ở của bạn một chuyến. Họ nhìn thấy hoàn cảnh trường học và nơi ở đều rất tốt thì họ mới không quá lo lắng. Những việc này chúng ta là phận làm con nên thấu hiểu tâm lý của cha mẹ, phải làm những việc này. Sau khi ra ngoài cũng phải nhất định cho cha mẹ biết điện thoại, địa chỉ để có thể liên lạc, đến lúc có việc cũng lập tức có thể liên lạc được với bạn. Khi chúng ta trở về phải chủ động chào hỏi cha mẹ, cha mẹ cũng biết chúng ta đã trở về rồi thì họ sẽ rất an tâm.
Có một vị thầy trước khi thầy học “Đệ Tử Quy”, thầy cảm thấy mình có căn tánh đại thừa. Kết quả sau khi học “Đệ Tử Quy”, thầy tỉ mỉ đọc qua “Đệ Tử Quy” một lần. Thầy nói thầy chỉ làm được một điều, điều nào vậy? “Tiểu tiện xong, rửa tay sạch”. Thầy nói biết hổ thẹn là gần với dũng. Thầy phải cố gắng thực hành, trước tiên thầy chọn một câu có thể lập tức làm được. Thầy đã chọn câu này “đi phải thưa, về phải trình”. Có lúc thầy quả thật là trở về tương đối muộn, mẹ đã đi ngủ rồi, thầy đều nhẹ nhàng đi đến trước mẹ nói với mẹ con về rồi, nhưng nói rất nhỏ chỉ có mình nghe thấy. Thầy cảm thấy nếu thầy không làm thì lòng mình bất an. Cho nên thầy có thái độ chân thành thực hành lời giáo huấn trong kinh điển như vậy tin rằng thầy học tập nhất định “Đức tiến dẫn, lỗi ngày giảm”.
Tôi từng dạy một đứa trẻ, nó trở về nhà không nói lời nào lập tức chạy vào phòng ngồi đó chơi trò chơi điện tử. Thứ đó rất là dễ bị mê hoặc người. Hiện nay không biết bao nhiêu phụ huynh rất đau đầu, bởi vì vừa bị mê muốn kéo chúng ra sẽ như thế nào? Rất khó, cho nên vẫn là phải cẩn thận ngay từ lúc đầu. Thí dụ hiện nay con cái đã lớn rồi mà chúng lại chìm đắm trong trong những trò chơi đó thì bạn phải dẫn dắt chúng từng một. Bạn không thể ngay hôm đó trở về liền thu tất cả đồ lại, không được xem truyền hình, thu lại. Nếu con của bạn thân đã cao bằng bạn vậy thì có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm rồi. Cho nên từ từ giảm bớt thời gian của chúng lại khiến chúng có thể tiếp nhận được. Bạn lại bắt đầu làm tấm gương tốt cho chúng noi theo dần dần sẽ đánh thức được thiện căn của chúng. Nhưng nếu trẻ chỉ mới năm, sáu tuổi thậm chí nhỏ hơn thì không nói lời nào, truyền hình như thế nào? Thu lại, như vậy có lợi ích rất lớn.
Kết quả đứa trẻ này không nói lời nào đi vào phòng. Phụ huynh của nó nói vì sao nó vẫn chưa về? Phụ huynh còn gọi điện thoại đến trường nói là đã hơn một tiếng rồi nó vẫn chưa về nhà. Phụ huynh rất lo lắng. Lúc này chúng ta cũng nên định tâm lại nói với họ: “Trước tiên anh hãy bình tĩnh, bởi vì ở trường không có hoạt động, chắc chắn là đã tan học rồi, trước tiên anh hãy vào phòng xem thử rốt cuộc nó đã về chưa”? Kết quả vào xem thì nó đã ở trong phòng chơi điện tử lâu rồi. Bạn xem, trẻ nhỏ về không trình báo khiến cha mẹ lo lắng biết bao.
Được rồi, tiết học này chúng ta chỉ học đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người.