Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 7
Sư phụ thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người!
A Di Đà Phật!
Vừa rồi ở bên ngoài nhìn thấy các vị đồng tu vô cùng dũng mãnh tinh tấn, đã đánh tan cơn buồn ngủ rồi, buổi trưa cũng không nghỉ ngơi mà đều ở đó đọc tụng “Đệ Tử Quy”. Chúng tôi xin tùy hỷ công đức. Tục ngữ nói “sơ phát tâm thành Phật có thừa”. Chúng ta dũng mãnh tinh tấn như vậy nhất định phải kiên trì bền bỉ. Buổi sáng chúng ta nhắc đến “Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Lời giáo huấn này quan trọng nhất là phải trưởng dưỡng tâm hiếu và tâm cung kính của trẻ. Mà tâm chí thành cung kính tương ưng với tự tánh, cho nên làm tất cả mọi việc đều từ tâm chân thành. Trong quá trình chúng ta thực hành lời giáo huấn này, trên thực tế cũng là đang thực hành tam phước, lục hòa, tam học, lục độ, thập nguyện Phổ Hiền. Chúng ta xem lời giáo huấn này có phải là thực hành “hiếu dưỡng cha mẹ”, cũng thực hành “phụng sự sư trưởng” hay không? Bởi vì sư trưởng cũng dạy chúng ta phải hiếu thuận cha mẹ. Tiếp theo là “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Khi chúng ta dùng tâm cung kính như vậy đối với cha mẹ thì cha mẹ sẽ vui vẻ. Khi chúng ta dùng tâm khó chịu, dùng tâm sân hận đối với cha mẹ thì chúng ta không làm được từ tâm bất sát rồi. Cho nên khi chúng ta dùng tâm cung kính thì đã làm được lời giáo huấn không sát sanh và không sân hận rồi.
Tiếp theo “Lục Độ”, chúng ta đối với cha mẹ đều có thể một mực cung kính như vậy kỳ thực là đang bố thí nội tài rồi, bởi vì chúng ta biết phụng dưỡng cha mẹ. Tiếp theo, vì hành vi chúng ta biểu hiện ra là tùy thuận lời dạy bảo của Phật Bồ Tát nên cũng là đang bố thí pháp. Chúng ta khiến người khác nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ thì cũng là đang bố thí vô úy, bởi vì cha mẹ hoan hỷ, người thân cũng hoan hỷ. Đó cũng là đang trì giới, vì đây là lời dạy bảo của Phật. Tiếp theo có cần nhẫn nhục không? Khi cha mẹ hiểu lầm chúng ta mà chúng ta có thể tâm bình khí hòa để đối diện thì đã làm được nhẫn nhục rồi. Các vị đồng học sau khi học xong câu này chúng ta trở về nhà từ nay về sau có phải sẽ đối xử với cha mẹ ôn hòa nhã nhặn hay không? Đương nhiên cũng cần một quá trình trải sự luyện tâm, cho nên cũng cần làm được tinh tấn. Khi thái độ của cha mẹ tương đối mâu thuẫn với chúng ta mà chúng ta có thể tạm thời nhẫn được, có thể lùi một bước thì đây cũng là công phu thiền định. Quá trình chúng ta thực hành “Đệ Tử Quy”, đều hiểu rõ ràng mình đang tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, sống rất tường tận thì chính là trí huệ bát nhã.
Chúng ta cũng đang thực hành “Lục Hòa Kính”, gọi là kiến hòa đồng giải. Chúng ta lấy “Đệ Tử Quy” làm gia quy, gia đình chính là một Tăng đoàn. Tiếp theo là khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt. Chúng ta dùng thái độ như vậy đối với cha mẹ thì lúc nào cha mẹ cũng vô cùng là vui vẻ. Chúng ta cũng làm được nguyện đầu tiên trong thập nguyện Phổ Hiền là lễ kính chư Phật, cũng làm được nguyện quảng tu cúng dường. Cho nên mỗi giây mỗi phút chúng ta nên quán chiếu tâm của mình, quán tâm là trọng yếu. Khi tâm của chúng ta luôn tương ưng với cung kính, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì đã đầy đủ lời giáo huấn của Phật rồi. Buổi sáng chúng ta nhắc đến:
“Đi phải thưa, về phải trình”
Một điểm rất quan trọng chính là khiến cha mẹ bớt lo lắng về chúng ta. Tiếp theo mở rộng ra là khiến người nhà bớt lo lắng về chúng ta. Thí dụ như chúng ta là một gia đình nhỏ, “đi phải thưa”, vậy khi ra ngoài phải nói với ai? Phải thông báo cho ai trước? Gia đình nhỏ là không ở cùng cha mẹ. Phải thông báo cho vợ biết, phải nói với vợ chúng ta đi đâu để vợ an tâm. Khi có việc gấp cô ấy cũng biết làm sao để liên lạc với chúng ta.
Thí dụ như hôm nay chúng ta ở bên ngoài đúng lúc quyết định không về nhà ăn cơm thì quan trọng là trước tiên nhất định phải gọi điện về nhà. Bạn thấy đã hơn 12 giờ rồi mới gọi điện cho vợ nói là mình không về nhà ăn cơm trưa được. Có thể làm như vậy được không? Như vậy thì bạn đã cô phụ tấm lòng của vợ đã nấu xong đồ ăn cho chúng ta từ lâu, chúng ta đã phụ tâm ý của vợ rồi. Mọi lúc mọi nơi chúng ta nên nghĩ thay cho đối phương, biết là mình không về ăn cơm thì 10 giờ hơn đã phải nhanh chóng gọi điện thoại về dặn dò rồi. Mọi lúc mọi nơi bạn đều nghĩ thay cho đối phương thì có thể chung sống vui vẻ hòa thuận, gọi là “mình tôn kính người thì người sẽ thường tôn kính mình”. Mà sự tôn kính này bất luận là người thân như thế nào cũng nên phải tôn kính, thí dụ người với người quá thân thiết mà không có sự tôn kính và lễ phép như vậy thì sớm muộn cũng sẽ có va chạm, sẽ có xung đột.
Ngoài gia đình “đi phải thưa, về phải trình” ra thì ở công ty, xí nghiệp cũng phải làm được “đi phải thưa, về phải trình”. Bởi vì chúng ta mỗi người đều phụ trách một công việc riêng. Khi chúng ta có việc gấp ra ngoài thì nên làm thế nào? Nhất định phải dặn dò, thí dụ công việc của bạn có người dự bị có thể làm thay hoặc cho dù không có người làm thay thì nhất định phải để lại cho họ địa chỉ mà bạn đến và số điện thoại của bạn, thí dụ đúng lúc công ty phải xử lý việc này thì bạn cũng có thể lập tức trở về. Đây cũng là thực hành câu “đi phải thưa, về phải trình”. Chúng ta xem lời giáo huấn tiếp theo:
“Ở ổn định, nghề không đổi”
Khi cư trú, cuộc sống phải có quy luật, như vậy thì thân thể mới khỏe mạnh, tuyệt đối không được đảo ngược ngày và đêm, khiến cha mẹ nhìn thấy sẽ lo lắng cho chúng ta. “Nghề không đổi”, nghề là thời học sinh thì chúng ta có thể làm học nghiệp, trong tu đạo thì có thể làm đạo nghiệp, trưởng thành rồi có thể làm gia nghiệp, sự nghiệp. Do vậy kinh doanh học nghiệp, đạo nghiệp, gia nghiệp, sự nghiệp đều nhất định phải nỗ lực mà không ngừng nghỉ, tuyệt đối không được đổi tới đổi lui. Chúng ta thấy hiện nay thấy rất nhiều người thường xuyên thay đổi tình trạng công việc. Ngày nay hiện tượng này rất phổ biến. Các vị đồng tu, vì sao họ thường thay đổi công việc? Vì sao? Giả như bạn của các vị thường xuyên thay đổi công việc, các vị suy nghĩ xem nội tâm của họ như thế nào? Trong tâm họ rất nóng vội, đều hy vọng nhanh chóng kiếm được nhiều tiền. Tục ngữ nói “trên đời không có bữa cơm trưa nào miễn phí”. Người trẻ tuổi chúng ta thường thay đổi công việc. Lúc đi phỏng vấn, quan trọng nhất là một tháng tôi có thể được bao nhiêu tiền? Khi tầm nhìn của một người hạn hẹp như vậy thì rất khó làm được sự nghiệp lớn.
Cho nên khi họ thường thay đổi công việc, trong quá trình chuyển đổi công việc này cũng là một sự tổn thất đối với tín nhiệm xã hội của họ. Khi tâm một người thường nóng vội muốn nhanh chóng kiếm được nhiều tiền thì trước khi thời cơ vẫn chưa chín muồi có thể họ đã nhảy việc, thậm chí tự mình lại mở một công ty riêng cạnh tranh với công ty trước của mình. Kỳ thực làm như vậy có tốt hay không? Gia hòa vạn sự hưng, mọi việc đều phải dĩ hòa vi quý. Khi chúng ta trưởng thành trong một công ty như vậy, cấp trên của công ty này đều có ân đức với chúng ta, đều có ân dìu dắt chúng ta, tuyệt đối đừng vì kiếm tiền mà làm tổn hại đến tình người, như vậy thì thật không sáng suốt. Khi họ làm tổn thương tình người, làm tổn hại những ân tình này kỳ thực trong quá trình này phước báo của họ như thế nào? Đã bị hao tổn rồi. Thậm chí còn có người còn dẫn theo một số người ở công ty cũ đi cùng. Kỳ thực những đồng nghiệp bị họ dẫn đi đều là dùng phương thức gì mới có thể bị họ lôi kéo đi? Đều là dùng cách gì? Có thể đều là dùng đãi ngộ, dùng thu nhập, nhưng bạn dùng đãi ngộ, dùng thu nhập để lôi kéo đồng nghiệp thì ngày khác họ cũng sẽ vì thu nhập cao hơn rồi bỏ bạn mà đi. Do vậy nếu bạn không lấy đức phục người thì sự nghiệp này cũng không làm dài lâu được rồi.
Một người muốn kinh doanh sự nghiệp, trước tiên phải hiểu một điều quan trọng chính là tiền tài rốt cuộc phải kinh doanh như thế nào mới có thể lâu dài được đây? Thần tài của chúng ta là Phạm Lãi. Vì sao chúng ta lại xem ông là thần tài vậy? Bởi vì ông hiểu nguyên nhân đích thực của tiền tài, làm sao mới có thể giàu có mãi mãi dài lâu. Thời Xuân Thu, Phạm Lãi và Văn Chủng giúp đỡ Việt Vương Câu Tiễn phục quốc. Sau khi Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai thì Phạm Lãi nói với Văn Chủng là “Câu Tiễn con người này có thể cùng hoạn nạn nhưng không thể cùng phú quý. Bởi vì tài hoa của ngài vượt hơn ông ấy nên ông ấy sẽ đố kị với ngài, cho nên chúng ta hãy nhanh chóng đi thôi”. Kết quả Văn Chủng không nghe, ông nói “Phú quý đã ở trước mắt tôi rồi, tôi làm sao có thể vứt bỏ như vậy được chứ?”. Do đó Phạm Lãi đã dẫn theo Tây Thi đến vùng Giang Nam. Sau đó, đúng như dự đoán Việt Vương Câu Tiễn đã ban cho Văn Chủng tự sát. Các vị đồng học, nhìn người có quan trọng hay không? Rất quan trọng. Chúng ta nhìn sai người rất có thể cả đời sẽ bị tổn hại rất lớn.
Phạm Lãi đến vùng Giang Nam liền bắt đầu làm kinh doanh nhỏ, chưa được mấy năm ông đã phát tài to. Ông lập tức đem tất cả tiền bạc đi bố thí rồi lại bắt đầu làm từ kinh doanh nhỏ, qua không bao lâu thì ông lại phát tài to, ông lại đem tiền đi bố thí. Trên lịch sử ghi chép 3 lần tụ tài, 3 lần tán tài. Ông thật sự hiểu rõ tiền tài giống như nước vậy, phải để nó lưu thông, tích tài sẽ tổn đạo, cho nên tiền vừa cho đi liền lập tức quay trở lại. Cho nên trong sách “Đại Học” nói là “tán tài thì người tụ”. Khi chúng ta bố thí cho đi, đều là thành tâm thành ý giúp đỡ người nghèo khổ, số tiền này mặc dù đã cho đi rồi, các vị đồng tu số tiền này không thấy nữa sao? Tiền đi đâu rồi? Số tiền này đã trở thành ân đức đối với người, lúc nào cũng ở trong tâm của tất cả những người đã được nhận bố thí, mà những người này từng giờ từng phút đều nghĩ phải nhanh chóng báo đáp. Thí dụ bạn làm kinh doanh thì họ sẽ mua của ai? Chắc chắn ở nơi rất xa cũng phải đến mua đồ của bạn.
Cho nên tán tài nhưng trên thực tế nó là tài sản vô hình, lúc nào cũng có. Đợi khi cơ duyên của bạn chín muồi, muốn kiếm tiền thì số tiền này lại quay trở về với bạn. Cho nên vạn pháp do nhân duyên sanh, nhân thật sự của tài phú là bố thí tài. Duyên ở đâu? Duyên là khi cơ hội xuất hiện, chúng ta có cơ hội làm việc, duyên là có quý nhân giúp đỡ, mọi thứ nhỏ nhặt đều là duyên. Nhân thật sự là ở bố thí tài. Từ đạo lý này chúng ta có thể tự nghĩ lại xem, rất nhiều người cả đời mấy mươi năm cũng rất nỗ lực làm việc, rốt cuộc có giữ được tiền không? Chưa chắc đã có. Có một số người công việc của họ mặc dù không ổn định nhưng đối với người thì rất hào phóng, thường khi họ cần tiền thì liền có công việc rất tốt có thể kiếm được tiền. Cho nên rất nhiều chân tướng của vũ trụ nhân sanh cũng phải nhờ vào sự quan sát thấu đáo của chúng ta, như vậy bạn mới có thể thật sự giữ được tiền bạc.
Cháu ngoại của tiên sinh Tăng Quốc Phiên là tiên sinh Nhiếp Vân Đài đã viết một quyển sách là “Bảo Phú Pháp”. Nhiếp tiên sinh sống thời gian dài ở Thượng Hải. Các vị đồng học, Thượng Hải có cuộc sống như thế nào? Cuộc sống phồn hoa nhất, cũng dễ nhìn thấy hiện tượng giàu có thăng trầm nhất. Nhiếp tiên sinh đã viết ra rất nhiều câu chuyện mà cả đời ông nhìn thấy. Trong sách có nhắc đến những gia đình rất có gia giáo như tiên sinh Tăng Quốc Phiên, tiên sinh Lâm Tắc Từ, những gia tộc có truyền thừa gia đạo như vậy đến nay gia phong đều vẫn rất tốt, gia tộc cũng rất hưng vượng. Rất nhiều gia đình thương nhân thường đến đời thứ hai, thứ ba thì đã suy bại rồi. Trong sách cũng có nhắc đến một vị thương nhân họ Chu, ông mở ngân hàng tư giống như ngân hàng hiện nay vậy. Lần nọ có một nơi xảy ra tai nạn. Chủ quản ngân hàng ở địa phương đó đã quyên góp 500 lượng, 500 lượng Tài sản của ông đã có mấy triệu lượng, kết quả ông rất tức giận vị chủ quản ở công ty chi nhánh đã quyên góp 500 lượng này, còn mắng vị chủ quản này. Bạn bè hỏi ông, ông giữ tiền tài bằng cách nào? Câu trả lời của ông chính là “tích không cho tán”, chỉ cần tiền vào tay của tôi rồi thì ai muốn lấy đi cũng rất khó. Cho nên ông này tương đối keo kiệt.
Đến khi ông chết rồi, số tiền tài mà ông tích lũy được là 30 triệu tệ. Đầu Dân Quốc một tệ là rất nhiều. Ông đem 30 triệu tệ đã tích lũy chia làm mười phần, mỗi người con cháu được 3 triệu tệ. Kết quả tiên sinh Nhiếp Vân Đài quan sát thấy, mấy mươi năm sau, mười người con cháu này của ông đã tiêu hết toàn bộ số tiền đó. Trong đó có một hai người đối nhân xử thế cũng không tệ, nhưng tiền tài vẫn kiệt quệ hết rồi, còn những người tiêu xài hoang phí khác thì không cần nói đến. Từ sự việc này chúng ta cũng có thể thấy được gia đình tích ác ắt thừa tai ương. Bạn xem ngay đến những con cháu đời sau đối nhân xử thế cũng không tệ nhưng vì đời trước không tích đức, vô cùng keo kiệt nên tai ương này đã giáng xuống con cháu đời sau. Chúng ta hiểu được điều này thì nên tùy sức tùy phận cố gắng tu bố thí tài.
Rất nhiều người đều nói là tôi không có tiền thì làm sao bố thí tài được? Chúng ta phải tiến thêm một bước nói với họ là bố thí tài có hai loại, một loại là bố thí nội tài, một loại là bố thí ngoại tài. Ngoại tài là chỉ những thứ như tiền bạc và tài vật, nội tài là chỉ sức lực, kinh nghiệm, trí huệ của chúng ta. Xã hội hiện nay có một phong khí rất tốt chính là làm tình nguyện. Làm tình nguyện chính là thực hành bố thí nội tài. Kỳ thực từng giờ từng phút chúng ta có thể tu bố thí nội tài. Chúng ta trong công việc chỉ cần đồng nghiệp có chỗ không hiểu chúng ta liền lập tức thành tâm thành ý mà giúp đỡ họ, nói cho họ biết. Đây cũng là đang tu bố thí nội tài. Cho dù là ngoại tài bố thí, chỉ cần bạn thành tâm thành ý đi bố thí thì công đức cũng là vô lượng. Cho nên sư trưởng cũng thường nói Phật Bồ Tát bố thí một đồng nhưng công đức còn nhiều hơn chúng ta bố thí mười triệu đồng. Bởi vì một đồng của Phật Bồ Tát là “tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”, không có biên giới, còn mười triệu của chúng ta có biên giới, rất có thể còn vì danh tiếng của mình nên mới quyên góp, cho nên công đức có hạn lượng.
Có một cô gái, có một lần đi ngang qua một ngôi chùa. Cô vô cùng cung kính vào chùa mà lễ Phật. Lễ Phật xong cô đi bố thí hết hai xu tiền hiện mình đang có. Phương Trượng Trụ Trì đích thân ra giúp cô tụng kinh cầu phước, giúp cô cầu sám hối. Sau đó phước báo của cô hiện tiền, vào cung được phú quý. Cô đã mang mấy ngàn lượng đến chùa, kết quả là Phương Trượng không ra mà là phái đồ đệ của ngài ra giúp cô tụng kinh, giúp cô hồi hướng. Cô gái này cảm thấy rất ngạc nhiên, trước đây cúng dường hai xu tiền thì Phương Trượng Trụ Trì đích thân giúp cô cầu phước, hiện nay cô cúng số tiền lớn như vậy mà chỉ gọi đồ đệ ra giúp cô tụng kinh. Cô gái này cũng rất có tâm hiếu học đã chủ động đến thưa hỏi Phương Trượng vì sao lại như vậy? Phương Trượng nói với cô “trước đây cô cúng dường hai xu tiền là thành tâm thành ý, cho nên nếu tôi không ra giúp cô sám hối thì trong tâm rất áy náy. Hiện nay mặc dù cô cúng dường nhiều tiền như vậy nhưng tâm của cô đã không chân thành như trước nữa, cho nên gọi đồ đệ của tôi ra là được rồi, gọi là ruộng phước quan trọng nhất là nhờ tâm cày xới. Mọi nơi trong tâm chúng ta đều hy vọng chúng sanh được lìa khổ được vui, đều có thể tùy sức tùy phận giúp đỡ họ thì tin là phước báu của bạn tu được cũng vô cùng rộng lớn. Đó là trên phương diện sự nghiệp, chúng ta phải biết vững vàng chắc chắn để kinh doanh.
Tiếp theo là gia nghiệp, khi chúng ta có thể vun vén tốt gia đình thì cha mẹ sẽ rất yên tâm. Nhưng nếu gia đình của chúng ta không xây đắp tốt, vợ chồng cãi nhau, giáo dục con cái cũng không được như ý thì cha mẹ có thể phải lo lắng mấy mươi năm cũng không hết. Chúng ta phải xây đắp tốt gia đình, trước tiên phải cẩn trọng ngay từ ban đầu. Gia nghiệp khi mới bắt đầu cần chú ý việc gì? Phải chọn đối tượng, phải chọn đúng đối tượng, nếu không gia đình sẽ rất khó xây đắp. Cho nên nữ sợ gả nhầm chồng, đương nhiên người nam cũng sợ tìm phải đối tượng không tốt. Trong kinh điển nhà Nho của chúng ta bộ kinh điển đầu tiên là “Thi Kinh”, chương thứ nhất là “Quan thư”. Bộ kinh điển quan trọng như vậy tại sao chương thứ nhất là “Quan thư”? Bởi vì giáo huấn của nhà Nho rất chú trọng luân thường đại đạo, quan hệ ngũ luân, gọi là: phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín. Các vị đồng học, trong ngũ luân, luân nào là quan trọng nhất? Vợ chồng là quan trọng nhất. Vợ chồng là nòng cốt của một gia đình mà gia đình lại là một đơn vị nhỏ, một tế bào của xã hội. Cho nên vợ chồng hòa thì gia đình sẽ hòa, gia đình hòa thì xã hội liền an định.
Vì sao chương đầu tiên phải dùng “Quan thư”? Nó đã chỉ ra đạo vợ chồng là quan trọng nhất trong ngũ luân, cho nên vừa mở đầu là “quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Chương đầu tiên nói với chúng ta người nam theo đuổi đối tượng thì cần tìm người như thế nào? Yểu điệu thục nữ mới đúng. Yểu điệu là gì? Tôi từng diễn giảng ở trường trung học, học sinh trung học ngồi phía dưới trả lời thẳng với tôi ý nghĩa của yểu điệu là cô gái có vóc dáng đẹp. Bạn xem trẻ hiện nay đã hoàn toàn hiểu lệch lạc lời giáo huấn của Thánh Hiền rồi, cho nên giáo dục xã hội này phải chịu trách nhiệm rất lớn, đều hướng dẫn sai rồi. Yểu điệu quan trọng nhất là người phụ nữ có đức hạnh tốt mới đúng.
Chúng ta mới hiểu được đạo vợ chồng này có ảnh hưởng rất quan trọng đối với quan hệ ngũ luân. Khi vợ chồng có thể chung sống hòa thuận thì không khí gia đình sẽ vô cùng tốt, cho nên cha con tự nhiên thân thiết. Bạn lớn lên trong một môi trường có tình yêu thương thì trẻ sẽ trưởng dưỡng được nhân cách rất lành mạnh, anh em cũng sẽ yêu thương lẫn nhau. Do vậy vợ chồng không được cãi nhau. Cãi nhau thì không khí gia đình sẽ rất quái lạ. Nếu thường cãi nhau thì ảnh hưởng rất xấu đến toàn bộ sự hình thành nhân cách của trẻ.
Chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều đồng học. Nếu cha mẹ chung sống không tốt thì trong lòng họ luôn muốn rời xa ngôi nhà này, rời xa càng sớm càng tốt. Những bạn nữ có hoàn cảnh như vậy thường kết hôn rất sớm, vì sao vậy? Họ nghĩ sau khi lấy chồng rồi thì có thể rời khỏi cái gia đình khiến cô khó chịu này. Những cô gái như vậy có thể tìm được đối tượng tốt không? Thường thì không thể rồi, bởi vì họ không biết làm thế nào phán đoán đối tượng tốt. Cho nên nếu vợ chồng có thể thương kính lẫn nhau thì sẽ tạo ra không khí gia đình rất tốt.
Dù vợ chồng muốn cãi nhau thì như thế nào? Cũng phải nhẫn nại. Điểm này mẹ tôi làm rất tốt. Trong suốt quá trình chúng tôi trưởng thành cha mẹ chưa bao giờ cãi nhau trước mặt chúng tôi. Đương nhiên lúc riêng tư cũng không có, bởi vì tôi cũng tương đối hiểu mẹ tôi, gọi là không ai hiểu mẹ bằng con. Bởi vì mẹ tôi có công phu tu học rất tốt. Công phu gì vậy? Công phu nhẫn nại. Các vị đồng học chúng ta nhìn chữ nhẫn này, bên trên là chữ đao, một con dao, phía dưới là chữ tâm. Do vậy phải nhẫn đến mức nào mới đạt? Khi kề dao lên tim của bạn mà bạn vẫn có thể như như bất động. Ở đây không nhất định là kề dao thật lên tim mà khi đối phương dùng những lời rất sắc bén nói với bạn nhưng bạn vẫn có thể tâm bình khí hòa, không bị họ chọc cho nổi giận thì đây chính là công phu nhẫn nại. Cho nên nhẫn phải nhẫn cho rõ ràng, phải nghĩ cho đại cục mà nhẫn, nhẫn phải tường tận. Chúng ta phải hiểu được vợ chồng đến từ hai gia đình hoàn toàn khác nhau, cho nên thói quen được dưỡng thành cũng sẽ có sự khác biệt rất lớn. Sự khác biệt này phải thông qua sự bao dung, thông cảm trong thời gian dài mới dần dần có thể phối hợp được tốt. Lúc này không thể yêu cầu đối phương quá hà khắc. Đây là nhẫn cho tường tận. Tiếp theo chúng ta phải thành tựu sự hòa thuận của gia đình, phải nghĩ cho đại cục, cho con cái một tấm gương tốt để học tập, cho nên cũng phải nhẫn nại. Cho nên nhẫn phải tường tận, phải nghĩ cho đại cục.
Có một người bạn sau khi nghe xong khóa học trở về có sự thay đổi rất lớn. Trước đây thường cãi nhau với chồng. Sau khi trở về cô cũng rất dũng mãnh bắt đầu chủ động làm rất nhiều việc trong nhà, nhưng lúc làm trong tâm cô không phải rất thành tâm thành ý. Bởi vì lúc làm cô có mục đích là hy vọng chồng có thể nhìn thấy sự cống hiến của cô, cho nên cô vừa lau nhà ánh mắt vừa nhìn đi đâu vậy? Nhìn xem chồng mình có nhìn thấy từng chút việc nhỏ mà cô cống hiến không? Kết quả làm được một tuần lễ nhưng chồng cô vẫn như mọi ngày ngồi đó đọc báo, cô không kìm được nỗi bực tức trong lòng lập tức nói với chồng cô là “anh không nhìn thấy tôi làm nhiều việc như vậy sao? Tại sao anh không ra giúp đỡ chứ?”. Chồng Cô nhìn liền nói “hay nổi nóng như vậy mà còn nói đang học “Đệ Tử Quy””. Vậy thì sự nhẫn này của bạn đã phí công nhọc sức rồi. Cho nên chúng ta làm tốt bổn phận của mình, tuyệt đối đừng hy vọng ai sẽ khẳng định, ai sẽ nhìn mình. Bởi vì đó là việc chúng ta vốn dĩ phải làm, nếu bạn luôn giữ thái độ như vậy thì ngược lại người bên cạnh sẽ vô cùng tôn kính bạn.
Do đó vợ chồng hòa thuận thì cha con tự nhiên sẽ thân thiết, anh em cũng sẽ hòa thuận. Từ nhỏ hai người chị của tôi vô cùng yêu thương tôi. Tôi nhớ sau khi tôi quyết định từ bỏ công việc, muốn phát triển văn hóa truyền thống, thì chị hai của tôi liền nói “em cứ an tâm mà đi làm, mỗi tháng chị sẽ cho em 10.000 tệ ủng hộ em”. Lúc đó chúng tôi có thể hội sâu sắc là cả đời người có hai nguồn sức mạnh hoàn toàn không mong báo đáp, một là cha mẹ yêu thương chúng ta, thứ hai chính là sự giúp đỡ của anh chị em đối với chúng ta. Cho nên đi trên con đường nhân sanh có hai nguồn sức mạnh này thì trong lòng vô cùng ấm áp, vô cùng hạnh phúc. Các vị đồng học tôi có lấy 10.000 đó không? Có không? Quan trọng nhất là tấm lòng này từng giây từng phút luôn ở bên cạnh chúng ta.
Cho nên cha con có tình thân thì con cái sẽ hình thành được tâm cảm ân đối với cha mẹ. Sau khi thái độ này được nội hóa thì sau này khi ra xã hội họ thường sẽ gặp được lãnh đạo tốt, lãnh đạo dìu dắt họ. Họ cũng tự nhiên sanh ra thái độ tri ân báo ân đối với mọi người. Cho nên người hiếu thuận cha mẹ thì quân thần cũng sẽ có nghĩa. Tục ngữ nói “trung thần xuất thân từ người con có hiếu”. Điều này có đạo lý tuyệt đối ở trong đó.
Tiếp theo, anh chị em đều hiểu được chăm sóc lẫn nhau. Ở trong gia đình họ đã dưỡng thành thói quen và thái độ như vậy rồi nên khi ra ngoài cùng bạn học, đồng nghiệp thì tâm lo nghĩ thay cho người của họ sẽ tự nhiên đề khởi lên, đều có thể làm được người trong bốn biển đều là anh em. Cho nên luân vợ chồng chánh thì thái độ chính xác này mở rộng ra là quan hệ ngũ luân đều sẽ rất chính xác. Trong “Trung Dung” cũng nhắc đến “đạo của người quân tử phải bắt đầu từ vợ chồng”. Cho nên vợ chồng chung sống chính là học vấn rất lớn, cũng là mấu chốt quan trọng trong ngũ luân.
Vừa rồi chúng ta nhắc đến việc chọn đối tượng là một sự bắt đầu quan trọng. Nam nữ chung sống trên thực tế cũng cần đạo pháp tự nhiên, có một sự phát triển bình thường, tuyệt đối không giống tình trạng trong những bài tình ca hay hát trên phố như hiện nay. Nhưng hiện nay con trẻ của chúng ta hiểu về quan hệ nam nữ từ đâu? Rất nhiều người đều hiểu từ những bài tình ca này, dường như cảm thấy người không cuồng loạn thì phí tuổi thiếu niên, có vẻ như không yêu đến chết thì không phải tuổi trẻ. Những quan niệm sai mà như đúng này đều đang ảnh hưởng đến trẻ. Cho nên chúng tôi dạy lớp 5, lớp 6 đều vô cùng thận trọng đối với việc này. Cũng rất trùng hợp, tôi cũng không cố ý muốn nói với học trò việc nam nữ chung sống với nhau. Bởi vì vừa đúng lúc một hôm trong lớp chúng tôi có một học sinh nữ chạy lên nói với tôi là “hôm qua một học sinh nam ở lớp bên đã theo em về đến cửa nhà em”. Em ấy rất tức giận, cảm thấy bạn kia lén la lén lút, cho nên em ấy bảo tôi phải đi xử phạt bạn nam kia.
Các vị đồng học phải làm sao đây? Chúng tôi làm giáo viên tiểu học thật sự là việc gì cũng phải quản. Tôi liền đi sang lớp bên thấy giáo viên không có ở lớp tôi mới bước vào. Đừng làm sự việc thành quá phức tạp. Vừa bước vào tôi liền gọi học sinh nam đó đến. Tôi nói “vì sao em ngốc như vậy chứ?”. Kỳ thực khi em đó nhìn thấy tôi trong tâm có lo lắng không? Có. Em nghĩ có thể tôi sẽ mắng em, nhưng tôi không mắng mà nói với nó là “vì sao em lại ngốc như vậy”. Em nghe xong mơ hồ không hiểu. Tôi nói tiếp với nó “có người nào theo đuổi bạn gái như em không? Em xem em làm như vậy thì bạn đó càng ngày càng ghét em hay càng ngày càng thích em chứ?”. Nó nghe xong dường như đã hiểu gật đầu lia lịa, cho nên tôi liền trở về, vấn đề này đã được giải quyết rồi. Sau này bạn nam này từ xa nhìn thấy tôi đều giơ tay lên chào “em chào thầy ạ”. Tôi vẫn giữ được thiện duyên rất tốt với em đó.
Nhưng thông qua câu chuyện này, bởi vì những bạn học khác cũng đều biết việc này rồi nên tôi thuận nước đẩy thuyền nói với học trò: nam nữ chung sống cần trải qua một thời gian, gọi là quen nhau, hiểu nhau, quý nhau, yêu nhau rồi đến kết hôn. Sau khi kết hôn có phải là kết thúc không? Mà là một sự bắt đầu quan trọng khác, cho nên phải hiểu được để vun bồi. Có nhiều cách nói là kết hôn là nấm mồ của tình yêu. Bạn xem những lời này đều là sai lầm, hướng dẫn sai rất nhiều người. Kỳ thực vợ chồng chung sống có phải thật sự thương yêu không thì khi nào sẽ nhìn thấy? Xem sự vun đắp trong tương lai. Tôi thường nói “cái gì gọi là thật lòng yêu thương?” Chính là ông lão bảy mươi, tám mươi tuổi dắt tay bà vợ đi tản bộ trên bờ biển, sau đó bà lão nói với chồng là “Ông à, ngày mai là 15, ngày mai phải ăn chay đấy”. Đây là thật lòng yêu thương, rượu càng lâu thì càng thơm.
Vì sao phải nói cho học trò biết quá trình này vậy? Bởi vì hiện nay rất nhiều người vừa quen biết, học sinh nam sẽ nói với bạn gái là “anh rất yêu em”. Điều này trái với tự nhiên, nhất định là lừa bạn rồi. Bởi vì họ căn bản không hiểu bạn thì làm sao có thể yêu bạn được chứ? Còn có người vừa gặp liền nói “đời này ngoài em ra anh sẽ không lấy ai, em không gả cho ai”. Đây đều là những ngôn từ sai lầm. Do vậy chúng tôi nói với học trò: yêu là có thể dùng tâm để cảm nhận nhu cầu của đối phương. Mà muốn cảm nhận được nhu cầu của đối phương thì nhất định phải bắt đầu từ hiểu rõ trước, bắt đầu từ hiểu biết lẫn nhau. Hiểu nhau cũng phải có trí huệ. Bạn không thể vừa bắt đầu quen anh ấy thì hai người thường đi ra ngoài. hai người đi ra ngoài thì bạn sẽ nhìn thấy anh ấy không chính xác. Bởi vì họ nhất định sẽ dốc hết sức phô trương tất cả ưu điểm và che giấu tất cả nhược điểm, cho nên bạn sẽ nhìn không chính xác. Khi bạn cảm thấy đối phương rất tốt thì phải lặng lẽ ở bên cạnh quan sát, đừng để lại dấu tích, xem anh ấy đối với bạn học, bạn bè có tâm yêu thương hay không? Như vậy mới chính xác được. Chứng tỏ anh ấy đối với người khác đều biết quan tâm, biết giúp đỡ người khác. Cho nên hiểu nhau rồi sẽ sanh ra quý mến duyên phận, quý trọng nhau. Bước tiếp theo sẽ nâng cao lên yêu thương nhau, đến cuối cùng có thể xây dựng nhận thức chung, cùng nhau bước đến hôn nhân. Tiếp theo là xây đắp một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Cho nên quá trình này cũng khiến trẻ hình thành năng lực phán đoán chính xác.
Chữ yêu này rất trừu tượng. Tiếp theo chúng tôi dùng bốn tiêu chuẩn để trẻ cảm nhận. Đầu tiên cảm giác của yêu là ấm áp. Bởi vì từng giây từng phút đối phương đều lo nghĩ cho bạn nên tâm bạn sẽ cảm thấy rất ấm áp. Chúng ta xem nam nữ thế gian hiện nay khi họ chung sống với nhau có cảm thấy ấm áp hay không? Có thể sau khi qua thời kỳ yêu nhau tha thiết thì thường xảy ra xung đột. Có khi xung đột quá nghiêm trọng còn làm tổn thương lẫn nhau. Đây có phải là yêu không? Đó tuyệt đối không phải là yêu mà là dục vọng muốn khống chế đối phương, muốn thao túng, chiếm hữu đối phương. Sau đó đem chữ yêu này để uy hiếp, em xem anh yêu em như vậy cho nên em phải thế này thế kia. Kỳ thực chúng ta phải nhìn cho rõ việc này. Đó không phải là yêu mà là dục vọng. Khi bạn đã hiểu rõ thì phải nhanh chóng rời xa mối nhân duyên này. Hiện nay rất nhiều nam nữ trẻ tuổi đều nói tôi đã quen anh ấy hai, ba năm rồi, mặc dù rất đau khổ nhưng vẫn nhất định phải lấy. Nói như vậy có đạo lý không? Đã đau khổ hai, ba năm rồi, nếu gả cho họ thì sẽ đau khổ bao lâu? Hơn nữa không những bạn đau khổ mà đối phương có đau khổ không? Cũng rất đau khổ “đáng đoạn mà không đoạn thì về sau sẽ loạn”, hơn nữa cuộc hôn nhân này đã rõ ràng không hạnh phúc rồi. Làm như vậy không chỉ hai người chịu nạn mà còn ai cũng sẽ đau khổ? Cha mẹ của bạn, người thân của bạn cũng sẽ bị cuốn vào cuộc, cho nên con người phải lý trí một chút.
Thứ hai ngôn ngữ của tình yêu là chánh trực, tâm địa của tình yêu là vô tư, hành vi của tình yêu là thành toàn. Điểm thứ hai vô cùng quan trọng. Ngôn ngữ phải chánh trực, bởi vì rất nhiều người nam biết nói lời hoa mỹ. Nghe nói hiện nay không những nam giới rất biết nói mà phụ nữ cũng biết nói lời hoa mỹ. Vì vậy cánh đàn ông cũng phải cẩn thận một chút, bởi vì hiện nay tài ăn nói của mọi người đều rất tốt. Có một cô gái rất thú vị, sau khi tôi giảng bài xong, cô đến nói với tôi là “Thầy Thái à! Thầy nói rất chính xác, người nói lời chánh trực mới thành thực, mới đáng tin. Lần đầu tiên khi chồng tôi gặp tôi, lần đầu quen biết anh ấy đã nói với tôi là “răng của em không tốt lắm”. Câu thứ hai lại nói với cô ấy là “bởi vì răng của em không tốt cho nên đường ruột cũng không tốt”. Bạn xem chồng của cô rất có năng lực tư duy. Bởi vì răng không tốt nên nhai không kỹ làm tăng thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa, cho nên bao tử cũng không tốt. Đột nhiên cô ấy cảm thấy người đàn ông này rất thành thực, sau đó cô đã lấy anh ấy, cho nên cũng vô cùng chính xác. Khi bạn tìm đối tượng mà chỉ biết nói lời đường mật với bạn, ngay khi cùng mọi người ra ngoài ăn cơm, trong mắt họ chỉ có ai? Chỉ có đôi ta quấn quýt, người nam như vậy có nên lấy không? Người nam không biết đại cục thì tuyệt đối không gánh vác được trọng trách lớn.
Cho nên phụ nữ chúng ta chọn đối tượng phải nhìn được sâu, nhìn cho xa. Phải tìm người chánh trực, trung hậu, đáng tin, còn phải tìm người hiếu thuận. Bởi vì người hiếu thuận thì tâm của họ tương đối rộng lượng, hiểu được yêu thương người khác, sẽ không tự tư tự lợi. Có một người bạn đã phản ánh với tôi là lấy một người con hiếu cũng rất vất vả. Rất nhiều bạn nữ cũng đều gật đầu. Kỳ thực chúng ta phải giữ tâm vô tư, hành vi này là thành toàn. Chúng ta thành toàn tâm hiếu của đối phương, cũng như tùy hỷ công đức của anh ấy, đối đãi rất tốt với cha mẹ chồng. Tấm lòng này của bạn anh ấy đều sẽ để ở trong tâm, dần dần thông qua sự hài hước của bạn thì có thể cải thiện được quan hệ của đôi bên.
Vì sao cô ấy cảm thấy lấy một người con hiếu rất khó chịu? Bởi vì trong tâm cô ấy thường nghĩ đối với người con hiếu thì thứ nhất chính là cha mẹ. Thứ hai là ai? Thứ hai lại là anh em. Thứ ba là ai? Thứ ba lại là bạn bè. Thứ tư lại là ai? Thứ tư là con cái. Thứ năm mới là tôi. Mỗi ngày nghĩ như vậy thì thế nào? Rất khó chịu. Bởi vì tâm yêu thương này không thành toàn thái độ của đối phương, cho nên thường ở đó lo được lo mất. Khi chúng ta biết cảm kích tình nghĩa, đạo nghĩa của đối phương thì lâu dần ngược lại tình cảm đôi bên sẽ càng ngày càng nồng hậu, từng ly từng tí, chúng ta nói sống lâu mới biết lòng người. Người chồng sẽ càng ngày càng cảm thấy trong gia đình, trong sự nghiệp của mình đều có sự tùy hỷ công đức của vợ nên vô cùng thuận lợi. Dần dần, anh ấy sẽ càng ngày càng trân trọng, càng ngày càng yêu thương bạn. Cho nên hành vi phải thành toàn cho đối phương.
Chúng tôi có một cô giáo, em gái của chồng cô sinh sống ở Hawaii, đúng lúc tình hình tương đối không tốt. Kết quả sau khi chồng cô biết nên muốn đem toàn bộ số tiền tích lũy trong hai năm gửi qua cho em gái của anh. Nếu bạn là vợ thì bạn sẽ làm như thế nào? Có gửi không? Sau khi người chồng nói muốn gửi đi, vừa nói xong thì cô giáo này nói “em rất khâm phục khi anh làm như vậy. Bởi vì anh biết anh em đùm bọc lẫn nhau, mà anh làm như vậy thì cha mẹ anh nhất định sẽ rất an ủi, rất vui. Khoản tiền này em sẽ giúp anh đi gửi cho”. Cô thành toàn tâm hiếu của chồng. Khi vợ chồng cô có thể đối đãi với nhau như vậy thì gọi là gia hòa vạn sự hưng. Làm như vậy là tùy thuận tánh đức, nhất định có phước báu rất lớn, sau này cuối đời sẽ vô cùng hạnh phúc. Có thể buông xả, có thể xả thì có thể được. Cho nên yêu thương thì nên thành toàn việc thiện của đối phương, thành toàn việc tốt của đối phương. Khi chúng ta quan sát một người từ bốn góc độ này thì có thể biết được họ có phải thật sự biết yêu thương người hay không?
Có người bạn nói là trong bốn điều này nên thêm một điều nữa là thích đọc sách Thánh Hiền, thích đọc sách thiện, vì sao vậy? Vì đọc sách thiện mới hiểu được luôn luôn lo nghĩ thay cho người. Vì người không học thì không biết đạo, nên anh ấy nói như vậy cũng rất có đạo lý, nên chúng ta cũng phải xem đối phương có thường huân tập lời giáo huấn của Thánh Hiền hay không? Các vị đồng học, tiêu chuẩn này tuyệt đối không phải chỉ để phán đoán trong việc nam nữ chung sống. Kỳ thực chúng ta chung sống với tất cả người thân bạn bè, chúng ta cũng phải thường quán chiếu bản thân mình xem có làm được những tiêu chuẩn này không? Thí dụ khi chúng ta chung sống với đối phương họ có phải rất ấm áp, rất thân thiết hay không? Chúng ta có thể thường thành toàn cho đối phương, bao dung đối phương hay không? Khi chúng ta thường nhắc nhở bản thân thì tin là mỗi người thân bạn bè chung sống với bạn đều sẽ cảm thấy bạn rất dễ chung sống, đều sẽ rất thích kết thiện duyên với bạn.
Khi chúng ta tìm được đối tượng tốt thì cũng phải xây dựng nhận thức chung mới có thể đi đến hôn nhân. Mà trong nhận thức chung có một điều rất quan trọng là phu phụ hữu biệt. Phu phụ hữu biệt, chữ biệt này là khác biệt về chức trách. Bởi vì xây đắp một gia đình có hai trọng điểm rất quan trọng. Một là trụ cột kinh tế gia đình, không có trụ cột kinh tế thì gia đình không cách gì sinh sống được. Một điểm quan trọng khác là vấn đề giáo dục, đời sống tinh thần. Do vậy thời xưa đều là nam lo việc bên ngoài, nữ quản việc trong nhà. Bởi vì có sự phối hợp như vậy nên người chồng ở bên ngoài cố gắng làm việc, còn người vợ ở nhà thay chồng dạy con, giúp chồng không có nỗi lo phía sau. Chúng ta xem tình hình xã hội hiện nay có phải nam lo việc bên ngoài, nữ quản việc trong nhà không? Không phải rồi. Hiện nay nam nữ đều ở bên ngoài, còn ở nhà thì thế nào? Trống vắng. Thế hệ sau bởi vì không có giáo dục tốt cho nên thanh thiếu niên xuất hiện rất nhiều vấn đề nghiêm trọng?
Làm sao để xây đắp gia đình được tốt đây? Nhất định phải có nhận thức chung tốt. Chung quy thì đời người không thể nào làm lại được. Giáo dục con trẻ cũng không thể quay lại dạy được, cho nên lúc này cũng phải hiểu được lấy bỏ. Làm sao mới có thể giúp con trẻ có được thành tựu? Nếu không cho dù trong xã hội hai vợ chồng rất có tiền của, rất có địa vị nhưng con cái lại không dạy tốt, tin là cuộc đời này của chúng ta cũng không được hạnh phúc. Rất có thể mình đang làm việc lại nghĩ hôm nay không biết con mình lại xảy ra chuyện gì rồi? Dù bạn có nhiều tiền hơn nữa, có quyền hơn nữa thì thân tâm cũng không được an lạc. Vâng, vợ chồng làm sao để xây dựng nhận thức chung?
Tiết học sau chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận. Xin cảm ơn mọi người.