Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 09)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 9

Kính thưa sư phụ, kính thưa các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người! A Di Đà Phật!

Chúng ta khi nãy có nói thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau ở một niệm. Có một người có cơ duyên gặp được thiên sứ, thiên sứ nói với anh là, để tôi dắt anh đi xem địa ngục và thiên đường, vậy anh muốn xem nơi nào trước? Anh nói cho tôi xem địa ngục trước. Tới địa ngục, đúng lúc dùng bữa trưa, có một dãy bàn dài, mọi người ngồi đối diện hai bên bàn, những đôi đũa đều dài cả mét, trên bàn bày rất nhiều món ăn. Vừa xướng lên bắt đầu ăn thì tất cả mọi người cầm lấy đôi đũa dài một mét tranh nhau gắp đồ ăn, vừa gắp được thì vội vàng muốn bỏ vào miệng mình. Nhưng mà đũa quá dài, còn chưa gắp bỏ vô miệng thì đã tranh giành nhau ở giữa chừng, đũa va phải nhau, đồ ăn thì vương đầy đất. Đồ ăn bị rơi xong còn mắng chửi lẫn nhau: Đều là do anh hại tôi! Đều là do anh hại tôi! Làm cho bầu không khí vô cùng không tốt, anh này không muốn xem tiếp nữa: Thôi bỏ đi, tôi muốn đến thiên đường.

Thiên sứ liền đưa anh đến thiên đường, vừa nhìn thì thấy cũng là những dãy bàn dài đó, mọi người cũng ngồi hai bên bàn, cũng là những món ăn đó, đến thì đũa cũng dài một mét, anh cảm thấy rất khó hiểu. Vừa xướng lên bắt đầu ăn thì tất cả mọi người đều gắp đồ ăn đút cho đối phương ăn trước, vừa gắp vừa nói: Nào, cho anh nè! Cho anh! Có một người nhân duyên khá tốt, có ba người cũng gắp cho người đó ăn, người đó nói: Đợi một chút, tôi sắp bị nghẹn rồi! Cho nên nhân duyên rất quan trọng. Từ chỗ này cũng có thể thấy ra, khi chúng ta luôn suy nghĩ cho người khác thì chúng ta đang sống trên thiên đường; khi chúng ta tự tư tự lợi, tranh giành lẫn nhau, tính toán với nhau thì là đang sống dưới địa ngục rồi.

Có một lần tôi đến vùng quê Hải Khẩu thuyết giảng, cũng kể câu chuyện này cho mọi người nghe, sau đó buổi tối vẫn còn một buổi học cho các giáo viên địa phương. Lúc ăn cơm tối, trưởng thôn và phó trưởng thôn mời chúng tôi cùng ăn cơm, trong lúc ăn cơm trưởng thôn và phó trưởng thôn cứ gắp đồ ăn liên tục cho mấy giáo viên chúng tôi. Giáo viên của trung tâm chúng tôi liền nói: Chúng ta tới thiên đường rồi! Cũng là một hồi ức đẹp. Cho nên chúng ta phải biến gia đình trở thành thiên đường, thì mọi người trong nhà mới có thể sống lâu trăm tuổi; nếu như bầu không khí trong gia đình giống như địa ngục thì sẽ như thế nào? Vậy thì trở thành nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Cho nên bầu không khí trong gia đình là nhờ vào mỗi một thành viên đóng góp, cống hiến.

Tôi sống ở nhà cô Dương bảy tháng, trong khoảng thời gian này, mặc dù tôi chưa kết hôn, nhưng cũng học được một số kinh nghiệm hay từ vợ chồng cô. Cô Dương vừa bước vào cửa hoặc là chồng cô vừa bước vào cửa, nhất định sẽ lên tiếng với mọi người ở trong nhà trước: Em trở về rồi! Người trong nhà cho dù là bận việc gì đi nữa cũng phải bỏ dở công việc, bước ra đón người: Chào mừng em về nhà! Gia đình vị nào có làm như vậy xin mời giơ tay? Hôm nay bạn trở về nói: Ồ, em về nhà rồi! Chồng bạn đang xem báo, nhìn bạn một chút, bạn không được nản lòng, bởi vì băng đóng ba thước không phải do cái lạnh một ngày. Chúng ta bây giờ muốn xoay chuyển bầu không khí của gia đình thì phải tiến hành từ từ, bạn nói như vậy lần thứ nhất, lần thứ hai, đến lần thứ mười, nhất định sẽ có phản ứng. Phải kiên trì làm chuyện đúng.

Khi cô Dương bước ra cửa, nhìn thấy chồng mình đi vào, xách túi lớn túi nhỏ trong tay, cô Dương nhất định sẽ đón lấy, sau đó nói với chồng mình: Về là được rồi, khách sáo làm gì, mang về túi lớn túi nhỏ chứ. Sau đó cô mang vào nhà, cho dù là chồng cô muốn mua cái gì cô cũng đều vui vẻ đón nhận, dù sao cũng là tấm lòng của chồng. Bạn không thể đứng ở cửa, chồng còn chưa bước vào đã nói: Anh lại mua đồ linh tinh gì vậy? Sự nhiệt tình của chồng đã bị bạn tạt cho một gáo nước lạnh rồi! Bạn có nghe thấy âm thanh lòng nhiệt tình của chồng bị chúng ta dập tắt không? Cho nên bầu không khí nhà cô Dương rất hài hòa.

Chồng cô rất biết pha trà, mỗi lần pha trà xong, cô Dương nhận ly trà đều đưa lên ngang chân mày, cô ấy thực hành tương kính như tân. Lúc uống trà cô ấy sẽ nói: Sao lại có người pha trà thơm như vậy chứ, uống ngon như vậy! Chồng cô sẽ nói: Được, để anh pha tiếp. Nhìn nhiều một chút vào ưu điểm của đối phương, đối phương sẽ rất hoan hỉ, tục ngữ có câu: “Một lời nói hay, làm trâu làm ngựa cũng bằng lòng”, cho nên chúng ta không nên keo kiệt, hãy chân thành khen ngợi, xưng tán, như vậy sẽ khiến cho ưu điểm của đối phương càng ngày càng phát huy. Đột nhiên hôm nay chồng bạn nhiệt huyết dâng trào, giúp bạn rửa chén, sau khi rửa xong, bạn bước lại xem thì thấy còn rất nhiều bọt nước rửa chén bám trên đĩa, làm thế nào đây? Sao lại rửa chén như vậy? Lần sau chồng bạn sẽ không rửa nữa rồi. Bạn nhất định phải chọn ra cái chén nào được rửa sạch nhất rồi nói: Cái chén này rửa sạch quá đi! Lần đầu tiên em rửa chén cũng không thể nào rửa sạch được như anh! Chồng bạn sẽ có cảm giác rất thành tựu, lần sau lại giúp bạn rửa chén tiếp. Không chỉ khen ngợi con trẻ, bất kỳ ai cũng cần được khích lệ, cần được khen ngợi, như vậy thì tiềm năng của họ sẽ từ từ được phát huy.

Nếu như bầu không khí gia đình không tốt thì sẽ ảnh hưởng sâu xa. Chúng ta đều biết tiến sĩ Giang Bổn Thắng đã nghiên cứu ra, nơi nào có môi trường không tốt thì người và vật chất ở trong môi trường đó đều nhận được ảnh hưởng không tốt. Trong gia đình bạn nói lời ái ngữ, quan tâm lẫn nhau, sức khỏe mọi người sẽ rất tốt; nếu như trong nhà toàn là cãi nhau, tế bào trong cơ thể đều biến đổi thành bệnh lý. Bởi vì tôi đã từng xem qua một thí nghiệm, dùng cơm làm thí nghiệm; khen ngợi chén cơm đầu tiên, mắng nhiếc chén cơm thứ hai, không quan tâm đến chén cơm thứ ba. Sau một tuần, chén cơm đầu tiên hơi lên men, khá thơm; chén cơm thứ hai bốc mùi rất hôi, biến thành màu đen; chén cơm thứ ba, mọi người cảm thấy kết quả như thế nào? Còn tệ hơn chén cơm thứ hai. Cho nên chiến tranh lạnh còn tệ hại hơn chiến tranh bình thường. Bạn đừng nên nói rằng, tôi lười cãi nhau với chồng tôi, thái độ này càng ác liệt hơn, quan hệ vợ chồng càng trở nên không tốt. Có đôi khi cãi cọ một chút, tình cảm còn được bộc phát ra; chiến tranh lạnh không chỉ khiến hai vợ chồng cảm thấy khó chịu, đến con cái ở bên cạnh cũng cảm thấy phải nhanh chóng tránh mặt đi.

Có một lần tôi kể ra cuộc thí nghiệm này, có một đôi vợ chồng dẫn theo con cái đến nghe, người chồng ngồi ở bên trái, người vợ ngồi ở bên phải. Người chồng nghe được chiến tranh lạnh còn lợi hại hơn chiến tranh nóng, ngay lập tức đưa tay phải vòng ra sau lưng con trai, vỗ vỗ vợ mình, dùng ánh mắt nói với vợ là: “Thầy đang nói em đó”. Tôi đứng trên bục giảng mà thấy toát mồ hôi lạnh thay cho người chồng, đột nhiên nhìn thấy người vợ trừng mắt với ông chồng. Rất nhiều người đàn ông, cho đến khi vợ rời xa mình vẫn không thể hiểu được, vấn đề xảy ra ở chỗ nào? Kì thực chắc chắn là do người vợ đã cống hiến rất nhiều, đến một câu khẳng định người chồng cũng không nói ra, người vợ càng làm càng cảm thấy khó chịu, trong lòng thấy ngột ngạt. Người chồng lại không biết thức thời mà an ủi, tâm sự, dần dà tình cảm trở nên không tốt. Cho nên chúng ta làm đàn ông không chỉ phải hiểu được tấm lòng của cha mẹ, còn phải hiểu được tâm cảnh của người vợ, như vậy mới có thể xoay chuyển bầu không khí không tốt trong gia đình.

Hơn nữa, thực tình mà nói, đau khổ hay vui vẻ đều ở trong tâm của chúng ta. Một đời này có thể biết được pháp môn niệm Phật, một đời này có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, có nhân duyên như vậy, nội tâm sẽ cảm thấy không uổng một đời này! Cuộc đời về sau, lúc nào cũng suy nghĩ cho người khác, không có bất kỳ tính toán gì với ai; bởi vì chúng ta đã sống một đời xứng đáng, biết được có nơi tốt để đi đến, nên những gì chúng ta cống hiến về sau, chúng ta đều không mong cầu báo đáp. Đã không mong cầu báo đáp thì làm gì có đau khổ chứ? Tôi từng nói chuyện với bạn mình về một quan điểm, tôi nói theo logic, không có một ai thực sự chạm đến được nội tâm của chúng ta, không có một ai thực sự đi vào nội tâm của chúng ta. Mà kẻ thực sự tổn thương chúng ta là ai? Thí dụ như nói, hôm nay chúng ta đi ngoài đường, đột nhiên có một người không quen đi đến, tát bạn một cái. Sau khi đánh xong thì họ rời đi. Bạn còn chưa kịp tỉnh táo lại, còn đứng đó xoa mặt, trong lòng nghĩ chắc là tâm tình họ không tốt, bỏ đi, bỏ đi, không tính toán với họ làm gì. Vừa trở về nhà gặp chồng mình uống chút rượu, không được tỉnh táo lắm, lại đánh mình một cái. Cùng là một cái tát, hiệu quả không như nhau, bạn liền nói, đời này ông không xong với tôi rồi!

Cho nên cùng là một cái tát, tại vì sao lại sanh ra hiệu quả không như nhau? Là do ai tạo thành? Cho nên khổ là do tự mình chuốc lấy! Trên Kinh Vô Lượng Thọ có một câu khiến tôi rất xúc động, “Trong ái dục, con người sanh một mình, chết một mình. Một mình đến, một mình đi, khổ vui tự chịu lấy, chẳng ai thay thế cho”, đây là chân tướng sự thật. Chúng ta hà tất lại tạo ra nhiều đau khổ như thế cho mình? Cho nên dùng tâm bao dung thì sẽ không khổ. Bạn nói thái độ của chồng như vậy, anh ấy phải biết làm cha như thế nào, phải biết làm người chồng tốt như thế nào. Mọi người xem, chúng ta đi học hơn mười năm, vậy bạn nói xem có tiết học nào dạy bạn vợ chồng chung sống như thế nào không? Có hay không? Có tiết học nào dạy bạn làm sao dạy dỗ con cái? Đúng vậy, mặc dù chồng bạn đã hơn ba mươi tuổi, anh ấy có trí huệ của người ba mươi tuổi không? Không có! Cho nên cái “phải biết” mà chúng ta nói đến có đúng hay không? Cũng không đúng. Cho nên: “Người xưa bất thiện, không biết đạo đức, không có ai dạy, nên không thể trách”, chúng ta phải thương xót họ, không có cách nào học được lời dạy bảo của Thánh Hiền. Hôm nay chúng ta học được, phải nên dùng đức hạnh của chúng ta cảm hóa mỗi một người trong gia đình, như vậy mới là thái độ đúng đắn, tư duy đúng đắn.

Trong thời gian đi dạy, tôi có gặp một em học sinh, hành vi của em có chút lệch lạc, có một lần lấy trộm tiền của giáo viên bị bắt được. Vì muốn cảnh tỉnh đứa trẻ này nên có mời công an đến ghi lời khai, để em ấy biết lỗi lầm này rất là nghiêm trọng. Sau khi ghi lời khai xong, đứa trẻ này ngồi ở cầu thang, rất cô độc. Đúng lúc đó tôi cũng không có tiết dạy, đi ngang qua nhìn thấy bóng lưng của em, cũng cảm nhận được tâm tình của em, tôi bước đến ngồi xuống cạnh em. Khi tâm tình của ai đó không tốt, chúng ta không nên chủ động nói chuyện, “người bất an – không quấy nhiễu”, đợi khi họ muốn nói với bạn thì tự nhiên họ sẽ nói. Tôi ngồi xuống, khoảng một hai phút sau, em ấy nói với tôi: Thầy ơi, em rất muốn chết. Chúng tôi làm giáo viên phải rất là bình tĩnh, học sinh nói muốn chết thì bạn không thể trả lời: Không được đâu em! Phải tìm ra nguyên nhân. Phải rất bình tĩnh mà hỏi em: Tại vì sao em lại muốn chết? Em liền trả lời: “Thưa thầy, không có ai thích em”. Khi một người không nhận được sự quan tâm của bất kỳ ai, nội tâm của họ rất trống rỗng, vô cùng bất an.

Tôi bắt đầu an ủi em: Thầy giáo phụ đạo có ghét em không? Bởi vì trường chúng tôi có thầy đó thì rất quan tâm em, em nghe xong cũng không nói gì. Tiếp đó tôi nói, thầy Thái có ghét em không? Em lắc đầu: Dạ không! Vỗ về tâm tình của em, tiếp đó dẫn dắt cho em suy ngẫm lại, tìm ra nguyên nhân mới có thể giải quyết vấn đề. Tôi nói với em, tại sao người khác lại ghét em, không thích em, nguyên nhân là gì? Em học sinh này trả lời: Thưa thầy, là do em đánh người, mắng người. Em ấy biết không? Biết rất rõ. Tôi nói: Vậy sau này em đừng đánh người, đừng mắng người, mọi người sẽ không ghét em nữa. Đứa trẻ này chau mày lại nói với tôi: Thưa thầy em cũng rất muốn sửa nhưng mà em không sửa được! Chúng tôi làm giáo viên, nghe học sinh nói ra sự giằng xé trong nội tâm của em, thật sự là vô cùng cảm khái. Cho nên tại sao giáo dục phải cắm rễ từ khi còn nhỏ? Trưởng thành rồi rất khó sửa đổi tập khí, vô cùng khó. Thực ra khi em ấy tùy thuận theo tập khí, chính em cũng rất đau khổ; cho nên người lớn khi làm chuyện ác, nội tâm của họ cũng rất đau khổ, họ cũng mong muốn người khác bao dung họ. Khi chúng ta dùng tâm chân chành, chí thành bao dung họ, thì mới có thể thức tỉnh sự giác ngộ của họ; nếu chúng ta không thể thức tỉnh đối phương thì phải quán chiếu lại xem có phải là do chúng ta chưa đủ chân thành hay không!

Tôi nhớ có một lần đọc được một câu chuyện về đức Phật, thời đó tại Ấn Độ có một tên ác ma giết người, là tội phạm truy nã của rất nhiều quốc gia, còn phái quân đội đi bắt người này. Kẻ ác nhân này nghe nói có một vị Thánh giả gọi là Phật Đà liền sanh ra suy nghĩ bất hảo, muốn đến xem xem đức Phật có thực sự là vạn đức vạn năng hay không? Thế là ông đứng ở con đường mà đức Phật thường đi qua, vừa nhìn thấy đức Phật, ông liền rút đao hướng về phía đức Phật xông tới, ý định khảo nghiệm đức Phật xem. Nhưng khi ông bước nhanh tới, càng chạy nhanh thì đức Phật lại càng cách xa ông, càng chạy càng mệt, sau cùng chạy tới sức cùng lực kiệt. Đột nhiên đức Phật quay đầu nhìn ông nói: Nhân giả à, ông hãy dừng bước! Trong tiếng Ấn Độ dừng bước cũng gần như đồng âm với dừng làm việc ác, cho nên câu nói chân thành của Phật đã đánh động nội tâm của ông, đột nhiên ông quỳ xuống khóc lóc rơi lệ. Tâm chí thành của Phật đã thức tỉnh ông, bởi vì làm ác thì trong lòng cảm thấy rất là đau khổ. Mà Phật xưng hô với ông như thế nào? “Nhân giả, ông hãy dừng bước”. Phật bình đẳng đối đãi với hết thảy chúng sanh, thậm chí là xem tất cả chúng sanh đều là Phật mà cung kính. Bởi vì sự chí thành này đã thức tỉnh người mà không việc ác nào không làm, sau đó ông xuất gia tu hành. Khi ông đi ra ngoài đường, rất nhiều người dân cầm đá ném ông, ông cũng biết đó là tội ác của chính mình, phải hoan hỉ mà tiếp nhận.

Có một hôm, quân đội của các nước biết được ông ở chỗ đức Phật, liền phái quân đến bắt ông. Bởi vì đức Phật rất có uy vọng, quân vương các nước đều rất tôn trọng đức Phật, đức Phật nói với quân đội các nước là: Mọi người xem vị tu hành này xem, không lẽ đây là kẻ giết người? Mọi người vừa nhìn, ông tu hành rất tốt, sắc mặt hoàn toàn khác với trước đây, quân lính liền quay trở về. Cho nên đích thực là không ai muốn làm ác, chúng ta thông qua duyên phận với đối phương, hãy tận tâm tận lực mà giúp đỡ đối phương. Tôi liền hẹn với em học sinh này, cầm một quyển tập, bên phải ghi việc thiện, bên trái ghi việc ác, mỗi ngày đều đến chỗ tôi, hôm nay làm việc thiện nào, làm việc ác gì, tự mình phải rõ ràng; mỗi ngày kì vọng bản thân làm nhiều việc thiện hơn, làm ít việc ác đi.

Bởi vì em học sinh này muốn tự sát, tôi cũng rất cảnh giác, bởi vì sau khi tự sát sẽ rất khổ. Vừa đúng lúc trong tay tôi có cuốn “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, sau khi dạy xong mấy tiết học, tôi hẹn em ấy ra cầu thang bộ ngồi, bắt đầu nói với em, làm việc ác sau này sẽ xuống địa ngục, hình phạt ở địa ngục như thế nào. Đứa trẻ này xem xong, mắt mở thật lớn, chúng ta hy vọng em ấy hiểu được phải nhanh chóng đoạn ác tu thiện. Qua mấy ngày sau, em ấy đi đi lại lại trước cửa phòng làm việc của tôi. Mặc dù em ấy không nói muốn tìm tôi, nhưng từ cử chỉ, từ ánh mắt liền biết được em ấy đang muốn tìm tôi. Tôi liền bước ra hỏi em có chuyện gì không? Em ấy dùng tay trái che tay phải, sau đó lại có chút xấu hổ nên buông ra, đứa trẻ này vẽ một bức hình Thích Ca Mâu Ni Phật lên cánh tay. Các vị đồng học đứa trẻ này vẽ hình Phật, cũng phải mất một khoảng thời gian, mà trong thời gian đó, trong lòng em có suy nghĩ gì? Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho nên, “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, chúng ta phải tận tâm tận lực mà giúp đỡ.

Cho nên vợ chồng chỉ cần bao dung lẫn nhau, khích lệ, khen ngợi lẫn nhau thì bầu không khí gia đình sẽ tốt. Phật dạy chúng ta phải thực hành tứ nhiếp pháp, tứ nhiếp pháp là “bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”. Cho nên chúng ta nếu như đi công tác hoặc đi du lịch đâu đó, thuận tiện mua vài món đồ lưu niệm, món quà nhỏ về cho bạn đời của mình. Sư trưởng thường dặn dò chúng ta, muốn quan hệ tốt với người khác, phải thường mời khách, tặng quà. Vợ nhìn thấy quà, chồng mình đi đến đâu trong lòng cũng nghĩ đến mình, cô ấy nhất định sẽ nói: Chắc là anh đói rồi, em đi nấu bát mì cho anh nhé. Cô ấy sẽ rất là hoan hỉ. Ngoài việc bố thí, còn phải ái ngữ, thường xuyên khích lệ, khẳng định đối phương. Đương nhiên, khi chồng có lỗi lầm, chúng ta cũng phải nắm bắt cơ hội để khuyên bảo, dẫn dắt, đây cũng thuộc về ái ngữ.

Tiếp đó là lợi hành. Sự nghiệp của chồng, việc chăm lo cha mẹ chồng, chúng ta cũng phải luôn tận tâm làm, nhắc nhở chồng mình, chúng ta đã lâu rồi không về thăm cha mẹ, nhắc nhở chồng mình cũng là lợi hành. Có một số việc có thể chồng hay quên, chúng ta cũng có thể ở bên cạnh mà ghi nhớ giúp, nhắc nhở giúp, đây cũng là lợi hành. Cuối cùng là đồng sự, chuyện quan trọng nhất giữa hai vợ chồng là phải dạy dỗ con cái cho tốt. Vợ chồng nếu như có thể cùng tu hành, tu đạo, trở thành bạn đạo, vậy thì vô cùng viên mãn. Có rất nhiều người cảm thấy rất khó dẫn dắt bạn đời của mình vào cửa Phật. Thực ra chúng ta không nên bị chướng ngại bởi suy nghĩ của chính mình, bởi vì người càng thân với chúng ta thì họ sẽ không nghe chúng ta nói, mà chỉ nhìn vào những gì chúng ta làm, thành tựu của bạn càng tốt, đối phương càng khẳng định sự thù thắng của Phật pháp. Chúng ta phải an trụ tâm lại, làm tốt tu thân thì có thể khiến cho nhân duyên vợ chồng một đời này hướng tới viên mãn.

Cho nên “ở ổn định – nghề không đổi”, hãy làm tốt chuyện gia đình. Đối với con cái mà nói, chúng đang trong quá trình học tập, việc học cũng phải tuân theo quy luật thông thường. Rất nhiều em nhỏ đi học vào thứ hai, vẻ mặt đều không tốt, từ sắc mặt của các em mà biết được, hai ngày nghỉ cuối tuần đều ngủ rất trễ, có một đề toán gọi là năm cộng hai bằng bao nhiêu? Năm cộng hai bằng không, bằng không cũng còn đỡ, có khi năm cộng hai còn nhỏ hơn không. Năm tức là năm ngày đi học ở trường, hai là hai ngày nghỉ cuối tuần tự do thoải mái, kết quả là năm ngày học tập đều bị hai ngày nghỉ ngơi thoải mái này triệt tiêu hết rồi. Trẻ em bây giờ càng lớn càng khó dạy, cho nên không phải bằng không, mà là nhỏ hơn không, mỗi ngày đức hạnh đều đang xuống dốc. Cho nên không có quy luật thì không thể thành tựu, tuyệt đối không thể để con trẻ có thói quen sinh hoạt hay học tập không có quy luật, bởi vì con người ai cũng ham chơi lười làm, nếu như chúng biết ngày nghỉ không phải học tập thì chúng sẽ rất thích được nghỉ.

Tôi từng nhắc nhở chị mình, cho dù là đưa con đi dã ngoại cũng phải cố định bắt con đọc kinh điển trong một hay hai giờ đồng hồ. Để cháu hiểu được cho dù là đi đến đâu, cho dù là đi du lịch thì mỗi ngày cũng phải đọc sách, chúng sẽ cảm thấy đó là việc chúng phải làm hàng ngày, sẽ không trốn tránh. Thái độ của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất quan trọng đến con cái. Phụ huynh thường nói con cái không thích học, các bạn đồng học con trẻ không thích học hành là kết quả, nguyên nhân là gì? Một gia đình có phong khí hiếu học hay không sẽ ảnh hướng rất lớn. Trong ký ức của tôi, cha mẹ chưa từng dặn dò: Mau đi học bài đi con. Không có ký ức này. Nhưng từ nhỏ, ăn cơm xong, nghỉ ngơi một chút, cha mẹ thì đều vào phòng đọc sách rồi. Lúc đó chị em tôi còn nhỏ, không thể nào mà cha mẹ ở trong phòng đọc sách, mấy chị em tôi lại nghênh ngang ngồi đó xem ti vi. Có dám làm vậy không? Không dám rồi! Tự nhiên hai chị sẽ đưa tôi lên lầu đọc sách, cho nên quen rồi thì sẽ thành tự nhiên.

Lúc tôi học cấp hai, cấp ba, buổi tối mẹ tôi lên lầu đều là nhắc nhở chúng tôi: Mau đi ngủ đi, đừng học nữa. Sau đó mẹ tôi còn chưa lên đến phòng, chỉ cần nghe tiếng bước chân, chị gái tôi sẽ truyền đạt lại lời của mẹ: Mau đi ngủ thôi, đừng học nữa. Mẹ tôi đứng nơi đó cười, cảm thấy khá thú vị. Tôi nói với các vị phụ huynh hiện nay, nếu như bạn bảo con mình đi học bài mà bạn lại ở đó xem ti vi, sau đó nói với chúng: Con mau lên lầu học bài đi! Vậy thì đứa trẻ sẽ không muốn rời đi, từ từ bước đi, vừa đi mà vừa nhìn, sau đó còn ôm lấy cây cột cầu thang, rất lâu không nỡ rời đi. Đột nhiên bạn nói: Ba đếm đến ba, còn không lên lầu thì sẽ ăn đòn đó! Chúng mới miễn cưỡng mà lên lầu. Vừa lên lầu ngồi xuống, người ngồi trước bàn học nhưng tâm hồn để ở đâu? Có một lần tôi kể thí dụ này, phía dưới có một em nhỏ trả lời là: “Tâm hồn đặt ở ti vi”, con trẻ hiểu rất rõ mà. Cho nên trên làm dưới noi theo, nếu như cha mẹ không hiếu học, muốn con cái hiếu học sẽ rất khó. Bạn không hiếu học, lại muốn bắt chúng học bài, trong lòng chúng rất bất mãn, lâu ngày sẽ không nghe lời bạn nữa.

Tôi nhớ năm ba tôi ngoài năm mươi tuổi, công ty cần thi lấy chứng chỉ sàn giao dịch chứng khoán, cần thi lấy chứng nhận này thì mới có thể mở sàn giao dịch chứng khoán, công ty sắp xếp rất nhiều người cùng nhau đi thi. Cha tôi lớn tuổi nhất, những người khác cùng thi đều còn trẻ, khoảng ba mươi tuổi. Kết quả là thi xong, chỉ có một người thi đậu, đó là ba tôi. Ba tôi ngoài năm mươi tuổi nhưng mỗi ngày đều đọc sách, trong lòng tôi rất là kính phục ông. Cho nên hôm nay trở về nhà, mọi người không nên bắt con trẻ làm trước, mà chính mình mỗi ngày đều đọc Đệ Tử Quy, đọc kinh điển, tôi tin là con của bạn khi đi ngang qua bạn cũng cảm thấy kính phục. Cho nên từng chút việc nhỏ nhặt trong gia đình đều phải dựa vào người lớn, dựa vào cha mẹ làm cho thật tốt. Chúng ta cùng xem câu kinh văn tiếp theo, cùng nhau đọc:

“Việc tuy nhỏ – chớ tự làm – nếu đã làm – thiếu đạo con; Vật tuy nhỏ – chớ cất riêng – nếu cất riêng – cha mẹ buồn”

Sự việc tuy nhỏ, nhưng cũng không thể tự ý làm, bởi vì điều thiện nhất định bắt đầu từ một việc nhỏ, từ từ mới trở thành việc thiện lớn. Cho nên Lưu Bị để lại một câu giáo huấn rất quan trọng cho con trai của mình: “Chớ nên chê việc thiện nhỏ mà không làm, chớ xem thường việc ác nhỏ mà phạm vào”, việc ác nhỏ tích lũy lâu ngày sẽ thành việc ác lớn. Tục ngữ có câu: “Lúc nhỏ ăn trộm cây kim, lớn lên ăn trộm vàng bạc”, đối với hành vi của con trẻ phải bắt đầu sửa từ những chỗ nhỏ nhặt. Thí dụ như tôi từng nghe một câu chuyện, có một em nhỏ, lúc bạn học của em ấy ngồi xuống, em ấy đột nhiên kéo cái ghế ra chỗ khác, định trêu chọc bạn học. Không ngờ là bạn học không để ý, ngồi thẳng xuống, cột sống chạm xuống sàn, cả đời bị liệt. “Việc tuy nhỏ – chớ tự làm”, tiếp đó chúng ta phải dẫn dắt con trẻ, bạn học này phải nằm trên giường cả đời, bạn ấy rất là đau khổ. Không chỉ là bạn ấy đau khổ, còn có ai đau khổ nữa? Cha mẹ bạn ấy! Nuôi con lớn như vậy, đột nhiên trở thành liệt nửa người, cha mẹ còn đau khổ hơn bạn ấy, còn phải chăm sóc bạn, mỗi ngày nhìn thấy bạn nước mắt đều không ngừng rơi. Chúng ta hỏi các em nhỏ: Có bao nhiêu người quan tâm đến các em? Chúng ngồi tính toán một chút, bạn bè người thân khoảng mấy mươi người. Cho nên lỗi lầm nho nhỏ của các em có thể tạo thành đau khổ cho mấy mươi người đó.

Chỉ cần làm hại đến an toàn của người khác, chuyện như vậy tuyệt đối không được làm. Con trẻ cần phải đặc biệt nhạy bén với an toàn, thứ nhất là phải chú ý đến sự an toàn của người khác, không được đùa nghịch lung tung; thứ hai là phải chú ý đến an toàn của chính mình, phải nói với con trẻ, không được nghịch lửa, nghịch điện và nghịch nước. Vào mùa hè, chúng ta cũng thường thấy những tin tức, trẻ nhỏ bị chết đuối có nhiều hay không? Rất nhiều, đây cũng là do không dạy chúng thái độ an toàn. Trẻ em ở Trung Quốc có ý thức khá kém về an toàn, đều là do thiếu sự nhắc nhở, cho nên chỉ cần có liên quan đến an toàn thì đều phải “Việc tuy nhỏ – chớ tự làm”.

   Tiếp theo, có liên quan đến lễ phép cũng phải là “Việc tuy nhỏ – chớ tự làm”, không được tự tiện chạm vào đồ đạc của người khác. Tôi từng nghe một người bạn kể, anh ấy có thói xấu là khi đến nhà ai cũng đều táy máy vào đồ nhà của người ta. Có một hôm anh đến nhà bạn học chơi, đi vào phòng cha mẹ bạn, hôm sau bạn học tới trường nói là: Bạn ăn trộm tiền nhà mình! Cả lớp đều nghe thấy, anh ấy rất buồn. Bởi vì anh ấy không có lấy trộm tiền, nhưng bởi vì thói xấu này mà người khác khẳng định do anh làm, cũng không cách nào mà biện bạch được. Cho nên chuyện này canh cánh trong lòng anh mấy mươi năm.

Thời gian trước ở Bắc Kinh có một công ty thương mại tuyển nhân viên, tới ứng tuyển đều là những người rất ưu tú, hơn nữa còn phải trải qua mấy vòng phỏng vấn, kiểm tra, còn phải kiểm tra ngoại ngữ, kiểm tra kiến thức chuyên ngành. Sau khi kiểm tra xong chỉ còn lại mấy người được tham gia phỏng vấn vòng cuối cùng. Sau khi mấy người còn lại đi đến phòng họp, trưởng phòng nói với họ là: Tôi có chút việc gấp phải đi ra ngoài, mười phút sau tôi quay lại chúng ta sẽ tiếp tục phỏng vấn nhé. Sau khi trưởng phòng rời đi, trong mười phút này, mấy người trẻ tuổi đứng dậy sờ tới sờ lui, nhìn thấy tài liệu ở trên bàn lấy lên xem, còn thuận tiện truyền cho mấy người khác xem. Mười phút sau, vị trưởng phòng này bước vào, ông nói xin lỗi, không ai trong số các bạn được tuyển dụng cả, bởi vì trong phòng họp có gắn camera, ngay đến “Việc tuy nhỏ – chớ tự làm” mà mọi người cũng không làm được. Những người này cũng không phục, họ nói: Từ nhỏ đến lớn, không có ai dạy chúng tôi không được phép chạm vào đồ của người khác. Cho nên đích thực là con người hiện nay thiếu sót thái độ làm người làm việc đúng đắn, cho dù năng lực của họ rất giỏi, học lực cao, nhưng những chuyện nhỏ nhặt này lại không để ý tới. Chuyện nhỏ làm không tốt thì có thể làm chuyện lớn hay không? Không thể nào. Cho nên phải “Việc tuy nhỏ – chớ tự làm”.

Chúng ta yêu cầu con trẻ chớ tự làm, người lớn cũng phải chớ tự làm. Thí dụ như vừa bước vào cửa, cởi tất ra nhất định phải cất cho gọn, không được vứt lung tung. Nếu không con của bạn có đọc qua Đệ Tử Quy rồi, chúng sẽ nói là: “Nón quần áo – để cố định – chớ để bừa – tránh dơ bẩn”. Nếu chúng ta cùng con cái học tập, con cái chỉ ra lỗi lầm của chúng ta, chúng ta nên dùng thái độ gì? Bạn phải nói với chúng là: “Biết sửa lỗi – không còn lỗi – nếu che giấu”, ba nói với con: Xin lỗi, cảm ơn con đã chỉ ra lỗi của ba. Người lớn thường không quen nói xin lỗi, hình như cảm thấy nói ra câu xin lỗi thì như thế nào? Cảm thấy mình như thế nào? Thực ra là ngược lại, làm cha mẹ, làm trưởng bối có thể thành khẩn nói xin lỗi trước lỗi lầm của mình, con trẻ sẽ càng kính trọng bạn hơn. Bởi vì trong quá trình dạy học tôi cũng khó mà tránh được phạm phải sai lầm, tôi nhớ có một lần tôi nói xin lỗi với học sinh, khi tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy mắt chúng đang mở rất to, sau đó thái độ của chúng đối với thầy càng tôn kính hơn.

Có một người mẹ, chồng của cô vừa bước vào cửa liền vứt tất lung tung, lúc này phải làm thế nào? Bởi vì người chồng vẫn chưa phối hợp, người mẹ này lập tức khéo léo nói với con của mình, lo lắng đứa con sẽ cảm thấy ba mình làm sai, cô nói với con mình là: Con xem ba đi làm rất là vất vả, làm cả một ngày nên không còn sức lực nữa, con nhanh chóng giúp ba cầm đôi tất này mang vào nhà tắm để mẹ giặt nhé. Dẫn dắt con trẻ thông cảm cho cha đã làm việc vất vả. Sau khi đứa con mang đôi tất này đi, trong lòng người cha cảm thấy hơi ngại, lần sau gặp phải tình huống như vậy thì người chồng liền tự mình mang tất vào nhà tắm, bởi vì người chồng cũng hy vọng bản thân là tấm gương tốt trước mặt con cái của mình. Cho nên chúng ta dùng tâm bao dung thay vì trách móc, từ từ đối phương sẽ sanh tâm hổ thẹn thôi.

Có một đứa trẻ ngồi xe chung với mấy giáo viên chúng tôi, trong lúc lái xe gặp phải đèn đỏ, em nhỏ này liền nói với thầy giáo đang lái xe: thầy ơi, thầy không cần phải đợi đèn đỏ đâu, thầy chỉ cần rẽ phải rồi quay đầu lại thôi. Bởi vì xe đang dừng đèn đỏ, em nói: Không cần đợi đâu thầy, chỉ cần rẽ qua bên phải, sau đó quay đầu rồi lại rẽ phải là có thể đi qua. Em nhỏ này học ai vậy? Mẹ em là cảnh sát; chúng ta làm cảnh sát, làm giáo viên, nhất định phải thận trọng với từng lời nói cử chỉ của mình. Thầy giáo cũng cảm nhận được nhất định là đứa trẻ này nhìn thấy cha mẹ lái xe, cho nên hôm đó khi trở về thầy liền gọi điện cho mẹ của nói: Hôm nay con trai chị dạy tôi cách lái xe đấy. Người mẹ nghe xong cảm thấy rất là ngại liền cười xoà. Cho nên: “Việc tuy nhỏ – chớ tự làm”, tất cả những hành vi phạm pháp, hành vi không lễ phép đều không thể làm, nếu không sẽ để lại hình tượng không tốt trong lòng của trẻ.

Chúng ta cùng xem câu tiếp theo, “Vật tuy nhỏ – chớ cất riêng – nếu cất riêng – cha mẹ buồn”, câu này rất quan trọng. Bởi vì từ nhỏ con trẻ đã không có tâm tham lam, đó là nền tảng nuôi dưỡng thái độ liêm khiết. Thời xưa tại vì sao phải “cử hiếu liêm”? Bởi vì hiếu thảo là căn bản của đức hạnh, có hiếu thảo thì mới có đức hạnh; mà có tâm liêm khiết thì khi giúp người khác làm việc mới không sanh tâm tham lam. Cho nên liêm khiết là căn bản để làm việc có thể thành công hay không, cho nên căn bản làm người làm việc là Hiếu, Liêm. Có đôi khi con trẻ lấy đồ không phải là vì muốn trộm đồ, mà đó là một hành vi mà chính chúng cũng không hiểu, chúng chỉ cảm thấy vui nên lấy. Chúng ta làm cha mẹ phải rất nhạy bén. Có một người mẹ đưa con mình đi dạo nhà sách, đi dạo xong thì phát hiện đứa trẻ cầm một chiếc chìa khóa nhỏ của quyển nhật ký. Người mẹ quay đầu nói với nhân viên bán hàng: Chìa khóa nhỏ này không biết là để ở đâu? Kết quả là nhân viên bán hàng này nói: Ây da, Mấy cái nhỏ nhặt này không sao đâu, để bé chơi đi chị! Người mẹ cũng không cảnh giác, đưa cho con chơi rồi về nhà. Sau đó đứa trẻ nà đi học mầm non, khi đi học về thường mang những món đồ nho nhỏ không phải của mình về. Cho nên giáo dục phải thận trọng từ lúc bắt đầu, lúc đầu không dạy chúng, sau này sẽ rất khó dạy rồi.

Có một người mẹ khác cũng kể, có một lần đưa con đi chợ mua rau. Đột nhiên quay đầu lại nhìn thấy trên tay con mình cầm một trái ổi, cô cảnh giác ngay lập tức, nhanh chóng quay đầu lại tìm cửa hàng bán ổi. Kết quả là ông chủ cửa hàng trái cây đã nói:Không sao, cho nó chơi đi. Quan niệm giáo dục của người lớn hiện nay không đủ nhạy bén, ngược lại tâm tốt làm việc ác. Người mẹ ngay lập tức đưa tiền cho con, nói con lấy bất kỳ món đồ nào của người khác thì đều phải trả tiền, còn để cho con như thế nào? Tự mình trả tiền cho chủ tiệm. Cho nên cơ hội giáo dục như vậy phải nắm bắt cho tốt.

Có một đứa trẻ đi học tiểu học, có một hôm tan học về nhà sắc mặt có chút không bình thường, chúng ta làm cha mẹ phải thường xuyên quan sát sắc mặt của con cái, bởi vì nếu chúng làm chuyện xấu sẽ biểu hiện ra bên ngoài sắc mặt. Nhưng hiện nay có rất nhiều trẻ em nói dối không chớp mắt, tại vì sao lại như vậy? Rèn luyện từ lúc nhỏ rồi. Cho nên chỉ cần lúc mới đầu bạn có thể sửa đổi chúng, lúc mới đầu quan sát chúng, nhất định có thể phát hiện ra. Hôm đó cô ấy thấy sắc mặt con mình khác thường, đi lục cặp sách của nó, phát hiện trong cặp nó có mấy trái táo. Gọi con ra hỏi táo ở đâu mà con có? Nó cũng biết sai, rất là lo lắng! Bé nói cùng với bạn học đi ngang qua cửa hàng, tiện tay lấy trái cây ở trên sạp mang về, các bạn học khác cũng có lấy như vậy. Ngay lập tức người mẹ này đưa con đi đến cửa hàng trái cây, cung kính cúi đầu với chủ tiệm và nói: Xin lỗi, con tôi lấy trái cây của anh, tôi xin lỗi anh, là do tôi không biết dạy con, hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả lại cho anh. Con cô đứng ở bên cạnh, tôi tin là thái độ của người mẹ sẽ thức tỉnh tâm hổ thẹn của chúng, mà trong đời này đứa trẻ sẽ không bao giờ quên cái bài học này.

“Vật tuy nhỏ – chớ cất riêng”, ngoài việc không được ăn trộm đồ, không được lấy đồ, đồng thời cũng phải dạy chúng không được keo kiệt, không nên muốn nhiều thứ cho chính mình, phải biết bố thí; nếu như từ nhỏ, bất kì đồ vật gì con trẻ cũng chỉ muốn cho chính mình thì chúng sẽ ích kỉ. Có một người mẹ đến trường học, bạn học của con mình có bảy tám đứa. Người mẹ này đi vào phòng ngủ của con, đưa sữa cho con, người mẹ nói: Mỗi ngày con uống một hộp, một mình uống thôi nhé. Không dám cho bạn học khác biết, rất là bí mật, sau đó người mẹ rời đi. Các vị đồng học, mọi người cảm thấy dạy như vậy có tốt không? Vừa đúng lúc thầy giáo biết được chuyện này, ngay lập tức nói với em học sinh này, chúng ta có đồ ăn thì nên chia sẻ với bạn học, nếu không em lén la lén lút uống cũng không được thoải mái. Đứa trẻ nghe xong, nó cũng cảm thấy có đạo lý, ngay lập tức mang hết sữa ra đổ vào bình, đổ xong thì chia cho mọi người uống. Bạn học khác nhận được ly sữa đều cảm ơn em: Cảm ơn bạn, cảm ơn bạn. Trong lúc rót ra ly, bạn học khác cũng rất lo rót cho mình quá nhiều, người khác sẽ không có phần nên nói: Được rồi được rồi, như vậy đủ rồi. Cho nên bạn xem, tâm rộng rãi của một đứa trẻ đã khiến cho bạn học khác đều học theo. Hôm đó em học sinh này viết nhật ký, em viết là: Ly sữa hôm nay uống vào vừa thơm vừa đậm đà. Bởi vì em ấy hoan hỉ cúng dường cho mọi người, cho nên khi uống vào cảm thấy rất hoan hỉ. Từ chuyện nhỏ này chúng ta cũng thấy được phải dạy con trẻ không được keo kiệt. Sau đó mẹ em đọc được nhật ký của em, cũng cảm thấy ngượng ngùng hổ thẹn, đến con trẻ còn có tâm bố thí như vậy mà.

Chúng ta cũng phải để con trẻ xây dựng một quan niệm, phải công tư phân minh, đồ của công tuyệt đối không được phép chiếm làm của riêng. Chúng ta hỏi con trẻ, đồ trong trường học là do ai mua? Chúng sẽ nói, là hiệu trưởng mua. Tiếp theo chúng ta hỏi, tiền của hiệu trưởng từ đâu mà có? Là do chính phủ đưa, đây là dùng kiến thức thông thường để dẫn dắt chúng. Tiền của chính phủ lại từ đâu mà có? Từ tiền nộp thuế của mọi người. Vậy thì có bao nhiêu người nộp thuế? Chúng sẽ trực tiếp trả lời là hơn 1 tỷ người, tôi nói với chúng, em có nộp thuế không? Chúng nói không. Cho nên chúng ta đại khái tính toán một chút, có khoảng năm sáu trăm triệu người nộp thuế, nên nếu lấy đồ của công thì sẽ nợ bao nhiêu người? Sẽ nợ năm sáu trăm triệu người. Làm sao mà trả? Rất khó để trả, có khi phải làm trâu làm ngựa thì mới có thể trả nổi. Thông qua sự dẫn dắt như vậy, để con trẻ không dám chiếm đồ của công làm của riêng. Mà bậc làm cha mẹ cũng phải ghi nhớ kỹ một điều, cho dù là mảnh giấy hay văn phòng phẩm của công cũng không được phép lấy về nhà mà dùng, chúng ta càng liêm khiết, càng thanh liêm thì sẽ làm tấm gương tốt nhất cho con cái. Mà trong lúc đi làm có được phép thường chạy về nhà không? “Chớ cất riêng”, đến thời gian đi làm cũng không thể chiếm làm của riêng, đây đều là tấm gương tốt cho con cái.

Nếu như vật tuy nhỏ mà chúng ta cất giấu sẽ tổn hại đến đức hạnh, “nếu cất riêng – cha mẹ buồn”. Một người muốn làm nên sự nghiệp thì rất vất vả, mà muốn duy trì sự nghiệp này không lụn bại thì càng khó hơn. Cho nên trong hàng trăm doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, hàng năm đều có thống kê, có một hiện tượng khiến mọi người phải suy ngẫm đó là một trăm doanh nghiệp lớn năm nay có rất nhiều công ty khác với một trăm doanh nghiệp lớn năm ngoái. Mà các ông chủ của một trăm doanh nghiệp lớn này, rất nhiều người năm nay vẫn còn nằm trong danh sách, sang năm đã vô tù. Bởi vì trên thương trường thấy lợi quên nghĩa, ham cái lợi trước mắt, tâm tham lam không đè nén được, sự nghiệp vốn lên như diều gặp gió, làm chuyện phạm pháp liền ngay lập tức sụp đổ. Chúng ta phải cẩn thận nuôi dưỡng cái tâm không tham lam, cái tâm thanh liêm cho trẻ, thì cuộc đời của chúng mới giảm được rất nhiều mê hoặc chí mạng. Chúng ta cùng xem câu tiếp theo, cùng nhau đọc:

“Cha mẹ thích – dốc lòng làm – cha mẹ ghét – cẩn thận bỏ. Thân bị thương – cha mẹ lo – đức tổn thương – cha mẹ tủi. Cha mẹ thương – hiếu đâu khó – cha mẹ ghét – hiếu mới tốt.”

“Cha mẹ thích – dốc lòng làm – cha mẹ ghét – cẩn thận bỏ”. Điều cha mẹ kì vọng nhất, mong đợi nhất vào chúng ta là gì? Thực ra điều mà cha mẹ quan tâm nhất đầu tiên đó là sức khỏe của chúng ta. Trong Luận Ngữ có câu: “Phụ mẫu duy kì tật chi ưu”, có thân thể khỏe mạnh, cha mẹ mới không lo lắng. Mà chữ “tật” ngoài chỉ thân thể khỏe mạnh, bạn mở rộng ra thì đó là thói quen xấu. Cho nên thói quen xấu nào khiến cho cuộc đời chúng ta gặp tai nạn? Chúng ta đều phải “cha mẹ ghét – cẩn thận bỏ”. Thói quen xấu nào khiến cuộc đời chúng ta rơi vào hoàn cảnh không tốt? Chúng ta suy nghĩ một chút, lát nữa cùng nhau thảo luận. Được rồi, xin cảm ơn mọi người.