Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Mấy ngày nay, chúng ta đã giảng hai chữ “trung hiếu”. Hai chữ này làm sao thực hiện và hình thức thực hiện như thế nào? Ở trong pháp thế gian, Khổng Lão Phu Tử thực hiện rồi, Mạnh Phu Tử cũng thực hiện rồi. Tâm hạnh cả đời của các Ngài chính là tấm gương của áp dụng thực tiễn. Ở trong Phật pháp, chư Phật Như Lai đã thực hiện rồi, chư đại Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác cũng thực hiện rồi. Hình tượng của các Ngài cũng chính là tấm gương thực hiện một cách chân thật.
Chúng ta học Phật thì phải biết, Phật giáo là giáo dục Thánh Hiền. Mục đích học Phật của chúng ta chính là học làm Thánh nhân, học làm Hiền nhân, dùng thuật ngữ của Phật pháp để nói là học làm Phật, học làm Bồ-tát. Phật Bồ-tát là người chí thiện. Nhà Nho nói: “Đạt đến chí thiện”, bốn chữ này chư Phật Như Lai thật sự làm được rốt ráo viên mãn.
“Chí thiện” là sự lưu lộ của tánh đức viên mãn. Hay nói cách khác, chúng ta cần phải làm một người chí thiện, chúng ta cần phải làm Phật, làm Bồ-tát. Làm Phật, làm Bồ-tát, đối với tất cả chúng sanh mà nói, đó là đạo lý muôn đời. Chúng ta hiện nay là phàm phu, đã mê mất tự tánh, nhất là sinh vào thời đại hiện nay, khổ nạn quá nhiều rồi. Sự đày đọa của những khổ nạn này đối với con người dĩ nhiên là đáng kinh sợ, nhưng cũng có thể khiến phàm phu tỉnh giác. Một gậy này đã đánh thức chúng ta. Sau khi tỉnh ngộ rồi thì chúng ta mới chịu quay đầu. Người thật sự quay đầu, triệt để quay đầu, khôi phục lại bản tánh của mình thì chính là Phật, chính là Bồ-tát, chính là đại Thánh đại Hiền mà nhà Nho gọi.
Khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi đời sống, đối nhân xử thế tiếp vật, phải thường xuyên nghĩ những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm. Bạn có thể làm rõ ràng, làm sáng tỏ việc nên làm và không nên làm thì bạn sẽ không còn mê hoặc điên đảo. Trí huệ của bạn đã mở, bạn tu học làm người, công phu tự nhiên sẽ đắc lực. Đây chính là phân biệt chân – vọng mà ở trong giáo huấn Phật pháp thường nói.
“Chân – Vọng”. Chân là điều chúng ta nên làm, hư vọng là điều không nên làm.
“Chánh – Tà”. Chánh là điều chúng ta cần phải làm, tà là điều không nên làm.
“Thị – Phi” (Đúng-Sai). Thị là điều nên làm, phi là điều không nên làm.
“Thiện – Ác”. Thiện thì nên làm, ác thì không nên làm.
“Lợi – Hại”. Lợi thì nên làm, hại thì không nên làm.
Sự “lợi – hại” này không phải đối với bản thân. Thế gian có rất nhiều người học Phật xem lợi hại là lợi hại của cá nhân mình. Điều này là sai rồi! Sự “lợi-hại” này là nói có lợi hay là có hại đối với xã hội, có lợi hay là có hại đối với quốc gia, có lợi hay là có hại đối với tất cả chúng sanh, chứ không phải là lợi hay hại đối với bản thân. Nếu như cái lợi hại này là nói đối với bản thân là sai rồi, đó không phải Phật pháp, mà đó là pháp luân hồi. “Lợi – hại” là như vậy thì bốn cặp đối nhau nói phía trước cũng là như thế. Chân vọng không phải nói đối với mình, tà chánh cũng không phải nói đối với mình, thị phi, thiện ác cũng đều không phải nói đối với mình. Bạn từ chỗ này đem ý nghĩ chuyển trở lại thì bạn đã có thể học Phật rồi. Nếu như đem những tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại này thảy đều lấy bản thân làm tiêu chuẩn thì bạn vẫn là phàm phu, bạn có học như thế nào cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi thì chắc chắn là đọa ba đường ác. Phật nói rất rõ ràng và mọi người chúng ta cũng đều hiểu rõ. Chúng sanh trong lục đạo, thời gian ở ba đường ác thì dài, còn thời gian ở ba đường thiện thì ngắn. Tôi thường nói (trong Kinh điển Phật cũng có ví dụ này), chúng ta đến ba đường thiện cũng giống như nghỉ phép đi tham quan du lịch vậy. Đọa ba đường ác là bạn lại trở về quê hương rồi. Quê nhà của chúng sanh lục đạo là ba đường ác. Phật ở trong Kinh tuy thường hay nói, nhưng có mấy ai xem lời Phật nói là quan trọng đâu? Nếu như thật sự xem lời giáo huấn của Phật là quan trọng thì họ sẽ tha thiết nỗ lực, tìm đủ mọi cách thoát khỏi luân hồi. Thế nhưng họ không xem lời giáo huấn của Phật là quan trọng, nghe như gió thổi ngoài tai, nghe xong liền quên mất, vẫn cứ làm xằng làm bậy, vẫn cứ làm chuyện lục đạo luân hồi. Phật Bồ-tát quả thực từ bi đến cực điểm. Chúng ta là người phản nghịch, ngoan cố như vậy, nhưng Phật không hề từ bỏ chúng ta, đời đời kiếp kiếp vẫn ở bên cạnh nhắc nhở chúng ta, gợi ý cho chúng ta, nhắc đi nhắc lại chỉ dạy chúng ta vô số lần. Ân đức của Phật, cha mẹ cũng không thể sánh bằng. Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta là chỉ một đời, còn ân đức của Phật Bồ-tát đối với chúng ta là đời đời kiếp kiếp; vô lượng kiếp đến nay, các Ngài chưa bao giờ ruồng bỏ chúng ta.
Chúng ta phải làm thế nào thực hiện lời giáo huấn từ bi của Phật Bồ-tát? Tôi giảng đến hai chữ “trung hiếu”, tôi đem nội hàm phạm vi của hai chữ này bao gồm toàn bộ Phật pháp, chính là pháp môn đại tổng trì mà nhà Phật nói. Phật Bồ-tát dạy chúng ta không có gì khác là dạy trung, dạy hiếu mà thôi. Thiên Kinh vạn luận đều không lìa hai chữ này. Trung là trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Hiếu là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, là thực tướng của các pháp. Thực tướng là gì vậy? Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, đây là thực tướng. Từ tâm tánh, lý thể lưu xuất ra từ bi, lưu xuất ra bác ái. Hai chữ “bác ái” là xuất phát từ trong Kinh Vô Lượng Thọ mà quý vị đã đọc, ý nghĩa là tâm thương yêu thanh tịnh – bình đẳng, tâm thương yêu thuần nhất. Phật dạy chúng ta dùng tâm thuần thiện, tâm thương yêu thanh tịnh – bình đẳng yêu thương mọi người, yêu thương tất cả vật.
Nền giáo dục của nhà Nho chỉ dạy chúng ta có ba việc.
- Thứ nhất là dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người. Đây chính là giáo dục luân lý.
- Thứ hai là dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với đại tự nhiên.
- Thứ ba là dạy chúng ta mối quan hệ giữa người với trời đất quỷ thần.
Nền giáo dục Phật pháp cũng dạy ba việc này, nhưng phạm vi lớn hơn so với nhà Nho. Phạm vi dạy học của nhà Phật là hư không pháp giới, quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung, thật sự danh xứng với thực, rộng lớn tinh thâm. Đây là nền giáo dục xứng tánh, giáo huấn chân thật, quy kết ở hai chữ “trung hiếu” này. Nhà Nho dạy chúng ta dùng “trung”, đạo trung dung, trung hòa. Phật pháp dạy chúng ta dùng trung, Bồ-tát dùng “trung đạo đệ nhất nghĩa đế”. Chúng ta đến Bắc Kinh tham quan du lịch, thử xem Cố Cung. Trong Cố Cung có ba công trình kiến trúc chủ yếu. Công trình kiến trúc thứ nhất là “Điện Thái Hòa”. Công trình kiến trúc thứ hai là “Điện Trung Hòa”. Công trình kiến trúc thứ ba là “Điện Bảo Hòa”. Thái hòa là “hiếu”. Trung hòa với bảo hòa là “trung”. Trung hòa là dạy bạn dùng trung, còn bảo hòa là dạy bạn không được đánh mất “dùng trung”. Ba đại điện này đặt ở đó, bức hoành treo ở chỗ đó chẳng phải là dạy trung, dạy hiếu sao?
Vào thời xưa, đế vương lấy gì để giáo hóa chúng sanh, lấy gì để trị quốc? Lấy “trung hiếu” mà thôi! Chúng ta phải thể hội cho được, phải hiểu rõ thái hòa là tự tánh, là chân tâm bản tánh; còn trung hòa và bảo hòa là tánh đức, là đức dụng của chân tánh. Chúng ta mê lâu rồi, mê đã quá lâu. Bậc Thánh Hiền có phương pháp hướng dẫn chúng ta khôi phục tự tánh. Phương pháp này ở trong nhà Phật gọi là phương tiện thiện xảo, dạy chúng ta lễ nhượng.
Giáo dục tiểu học, dạy học phải bắt đầu từ nhỏ. Trong ngạn ngữ thường nói: “Tập thành từ nhỏ giống như bản tánh, tập quen thành tự nhiên”, chỉ dạy chúng lúc còn thơ ấu, dần dần khiến chúng hình thành một thói quen, giống như thiên tánh vậy. Cho nên, giáo dục nhà Nho là dạy học bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, đây gọi là “thai giáo”. Tâm địa người mẹ nhu nhuyến, từ bi, chân thành thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Nhất cử nhất động của người mẹ đều như lý như pháp, hy vọng đứa bé ở trong thai mẹ hấp thu được khí chất này. Cho nên, dạy học phải bắt đầu từ thai giáo. Người hiện nay không biết đạo lý này, chúng ta nói với họ thì họ nói chúng ta là mê tín, là nói đùa. Ở đây có đạo lý lớn trong đó, nhưng người ngày nay không tin đạo lý này, họ chỉ tin khoa học. Khoa học là đạo nhỏ. Đạo nhỏ không thể giải quyết vấn đề, đạo nhỏ chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, làm vấn đề trầm trọng thêm thôi. Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển mang đến cho xã hội những hiện tượng này. Quí vị tận mắt nhìn thấy, tự mình thể hội được. Chỉ có đạo lớn mới có thể giải quyết được vấn đề.
Từ nhỏ bạn đã được học lễ nhượng (lễ là phép tắc). Bước vào xã hội, bất kể ở trong đời sống, trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, bạn phải biết nhẫn nhượng. Đến khi đức hạnh của bạn có thành tựu, sự nghiệp của bạn có thành tựu rồi, bạn ở vào địa vị lãnh đạo trong xã hội, bậc Thánh Hiền dạy chúng ta phải khiêm nhường, khiêm tốn. Nhường không phải là vì bản thân, mà nhường là vì người khác. Đây là ba giai đoạn của đời người. Ba giai đoạn đều là nhường người khác. Bạn phải biết, nhường là tánh đức của chúng ta, là đức hạnh tốt đẹp. Bạn phải ứng dụng nó vào thực tế. Hành nhượng này, cả đời nhường người khác, làm nên tấm gương tốt cho xã hội.
Hiện nay xã hội cạnh tranh, tranh nhau u đầu vỡ trán. Người tranh với người, đoàn thể tranh với đoàn thể, nước này tranh với nước khác thì thế giới này làm gì có tốt lành hòa mục, làm gì có thái bình? Chúng tôi thường nói, trong Phật pháp, nếu muốn làm thầy, làm người mẫu mực, làm tấm gương tốt cho xã hội thì phải bắt đầu làm từ “nhường”, tất cả việc tốt đều nhường cho người khác. Chúng ta nỗ lực làm, hy vọng người khác sau khi nhìn thấy rồi thì sẽ giác ngộ, sẽ quay đầu. Chúng ta làm rồi mà họ vẫn chưa giác ngộ, vẫn chưa quay đầu; chúng ta thấy không có hiệu quả nên không làm nữa, buông xuôi, vậy là chúng ta sai rồi, mê hoặc rồi. Chúng ta làm, họ chưa giác ngộ, không chịu quay đầu là chúng ta làm vẫn chưa đủ, chúng ta làm chưa triệt để, nên chưa thể cảm hóa được họ. Tại sao vua Thuấn có thể cảm hóa được cha mẹ của ông, cảm hóa được anh em của ông, cảm hóa được bà con xóm giềng của ông và cảm hóa được cả một quốc gia? Các bạn thử nghĩ xem, có phải là từ nhỏ ông đã học lễ nhượng, nhẫn nhượng, khiêm nhượng không? Bạn muốn thực hiện “trung hiếu” mà bạn không biết nhường thì hai chữ này bạn sẽ không thể làm được. Tôi còn nhớ, trước đây tôi đã từng dùng một chuyên đề để giảng ba chữ “Quân – Thân – Sư”. Tôi đã nói rất nhiều về đề tài này, đây nhà Nho gọi là làm vua, làm cha mẹ, làm thầy. Vua là lãnh đạo họ. Cha mẹ là yêu thương họ, bồi dưỡng họ. Thầy là chỉ dạy họ. Chúng ta ở trong xã hội, mỗi người bất luận sống đời sống như thế nào, bất kể làm ngành nghề nào, đều đầy đủ ba thân phận “quân – thân – sư” này. Ba chữ này ứng dụng cũng đều ở thực hành nhường, biết nhường, nhất là danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần là những thứ mà tất cả chúng sanh đều tham ái, đều tranh giành. Chúng ta phải tùy bệnh cho thuốc, từ chỗ này học nhẫn nhường, học khiêm nhường.
Hôm nay tôi nói với mọi người ứng dụng trung hiếu chú trọng ở “nhường”, lễ nhường, nhẫn nhường và khiêm nhường.
********************
Điều quan trọng nhất trong nền giáo dục của nhà Phật là phải dạy người nhận thức tự tánh. Tự tánh chính là chân tâm của chúng ta, chính là bản lai diện mục mà Thiền tông đã nói, hay nói cách khác, tự tánh là cái ta đích thực. Người mà nhận thức rõ ràng, hiểu minh bạch sự việc này thì được gọi là Phật, họ đã thành Phật, họ đã chứng quả. Chứng là chứng minh chân tướng sự thật này. Sự việc này đối với phàm phu mà nói quả thật có mức độ khó khăn tương đối. Sự hình thành mức độ khó khăn là do mê hoặc từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tích lũy ảo tưởng, không có cách gì trong một lúc đem nó xả sạch được. Cho nên, tuy Phật Tổ giảng rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta nghe xong cũng biết gật đầu, cũng cảm thấy rất hay, nhưng mà ở trong cảnh giới vẫn không thể chuyển được. Chúng ta không thể minh tâm kiến tánh, không thể một đời này thành tựu, mấu chốt chính là ở chỗ này. Do đó, trong việc dạy học thì “giải” và “hành” nhất định xem trọng như nhau.
Đại Sư Thanh Lương nói rất hay: “Có giải mà không hành thì tăng trưởng tà kiến. Có hành mà không giải thì tăng trưởng vô minh”. Đây là lời nói từ chân tâm của người từng trải tu học. Chúng ta hiện nay tu học, vấn đề cũng xảy ra ở chỗ này. Nhiều người rất dụng công tu hành, nhưng đối với giáo lý thì không hiểu rõ, đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh vẫn cứ mê hoặc điên đảo; tự mình cảm thấy tu rất khá, giữ giới cũng rất tốt, cũng có thể tu định, công phu của định cũng không tồi, nhưng thị phi, nhân ngã, tham – sân – si – mạn vẫn không chịu buông xuống, cho nên vẫn có chướng ngại rất lớn, “thanh tịnh, bình đẳng, giác” vẫn không thể đạt được. Một số người khác thì trên giáo lý rất sốt sắng hạ công phu nghiên cứu, cũng tương đối thông đạt hiểu rõ, cũng có thể giảng làm hoa trời rơi rụng, mà tập khí phiền não vẫn không thể đoạn sạch. Vấn đề ở chỗ nào vậy? Đây là do lệch ở một bên.
Tu hành phải dùng “trung”, nhà Phật nói là “trung đạo”. Trung là gì vậy? Trung là không lệch về bên nào cả. Giải – hành tương ưng thì chính là trung đạo; giải giúp cho hành, hành giúp cho giải. Cổ nhân tỉ dụ, giống như chim có đôi cánh thì mới bay được, xe có hai bánh thì mới chạy được; một bánh thì không thể chạy, một cánh thì không thể bay. Đạo lý này rất rõ ràng.
“Giải” là nhìn thấu. Nhìn thấu chính là hiểu rõ. “Hành” là buông xả. Quí vị nhất định phải hiểu rõ. Chúng ta nói trì giới cũng tốt, trì giới là hành môn, tham thiền là hành môn, niệm Phật là hành môn, chúng ta làm rất tốt, nhưng mà tập khí phiền não không buông xả thì loại hành môn này là ở ngoài da, cũng có thể được một chút lợi ích, nhưng là phước báo hữu lậu trong tam giới. Sao gọi là “hữu lậu”? Bởi vì phiền não bạn chưa đoạn, phiền não là lậu. Trong công phu tu hành của bạn vẫn còn xen tạp phiền não, cho nên đã biến nó thành phước báo rồi.
Xưa nay những bậc Tổ sư Đại đức dạy người tu hành phải chú trọng ở thực chất. Thực chất là bề ngoài làm như pháp, nội tâm thanh tịnh, vạn duyên buông xả, không nhiễm mảy bụi. Công phu này phải hiểu cho thấu triệt mới có thể làm được. Vì thế Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa còn tại thế, giảng Kinh thuyết pháp 49 năm, trong giải có hành. Giải với hành là một sự việc, không phải hai sự việc. Chúng ta hiện nay phiền phức chính là chia giải và hành thành hai sự việc khác nhau; ở trong giải không có hành, trong hành không có giải. Thế Tôn dạy học là trong giải có hành, trong hành có giải. Trong hành có giải là giống như Ngài Huệ Năng đã nói: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”, đó là trong hành có giải, cho nên thường sanh trí tuệ. Trong giải có hành là tùy văn nhập quán, y theo Kinh điển mà thay đổi tư tưởng quan niệm của mình. Đọc Kinh, trong Kinh này không phải tư tưởng, kiến giải của Thích-ca Mâu-ni Phật, chúng ta đọc tới đâu thì thay đổi tới đó, trong tâm xảy ra thay đổi, biến thành tư tưởng kiến giải của chính chúng ta thì đây là tùy văn nhập quán. Phương pháp này chính là thực thi trung đạo. Trung là nhân. Chúng ta phải hành trung, phải noi theo sự dùng trung của chư Phật Bồ-tát, các Ngài đều biết dùng trung. Trung là chân tâm, dùng chân tâm thì một mảy may tà lệch cũng không có, có được quả là hòa.
Chúng ta ngày nay giảng “lục hòa kính”, hằng ngày đề xướng lục hòa kính nhưng tại sao mọi người lại bất hòa? Vì lục hòa kính chỉ nói trên cửa miệng nhưng không thể làm được. Đây là do không biết dùng trung. Mỗi người chúng ta đều dùng trung thì tự nhiên sẽ hòa ngay. Điều thứ nhất, “kiến giải hòa mục”. Đây là nhân tố cơ bản nhất của chung sống hòa mục. Cách nghĩ, cánh nhìn đều giống nhau thì còn có vấn đề gì không giải quyết được? “Giới hòa đồng tu”, đương nhiên mọi người tuân thủ giới luật rồi. “Thân đồng trụ, khẩu vô tranh, ý đồng duyệt, lợi đồng quân” làm dễ dàng, tất cả đều làm được. Cái khó nhất là gì? Là tư tưởng tri kiến, mỗi người có một cách nghĩ, mỗi người có một cách nhìn thì sự việc này phiền phức rồi, vì vậy năm loại phía sau không thể hòa được. Dùng trung thì tư tưởng thuần chánh, “lục hòa” mới có thể thực hiện. Dùng trung là nhân, lục hòa là quả. Lục hòa lại là nhân, đã vào cảnh giới lục hòa thì tâm mọi người đều bình đẳng, hòa bình, người người bình đẳng, pháp pháp bình đẳng.
Trong Kinh Kim Cang nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Bất hòa thì chắc chắn không bình đẳng, hòa mục mới sinh ra bình đẳng. “Bình” là nhân, “an” là quả. “Bình – An”. Bạn muốn xã hội an định, thế giới hòa bình, mà bạn bất bình thì làm sao bạn có thể được an định? Pháp pháp bình đẳng thì pháp giới sẽ an định. Đây là quan hệ tuần hoàn của nhân quả. Sau khi pháp pháp bình đẳng rồi thì đây lại là “nhân”, phía sau lại sinh ra một hiệu quả là “lạc”, đây là niềm vui chân thật.
Nhà Phật dạy người, mục tiêu dạy học là lìa khổ được vui, cho nên muốn thật sự khiến tất cả chúng sanh được vui thì bốn chữ phía trước này, một chữ chúng ta cũng không được bỏ sót. Phải trung, phải hòa, phải bình, phải an thì mới có chân lạc. Nếu không làm được bốn chữ phía trước, thì như cách nói hưởng lạc của người hiện nay là hút heroin, là tiêm ma túy, là kích thích, không phải là chân lạc. Chúng ta ngày nay nhìn thấy xã hội có rất nhiều điểm vui chơi, người trẻ tuổi đến nơi đó hưởng lạc là ma túy, là hút heroin. Dùng ma túy, hút heroin đối với tinh thần, đó là tìm sự kích thích, đâu phải là chân lạc. Chân lạc là bộc lộ ra từ bên trong nội tâm. Thật sự nhân tố đứng đầu chính là bạn phải biết dùng trung. Cái gì là “trung”? Công chính là trung. Tư chính là tà lệch. Niệm niệm vì lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, đây là “trung”. Nói năng tạo tác vì xã hội, vì nhân dân, vì chúng sanh là bạn dùng “trung”.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A-nan sau khi khai ngộ, Ngài nói: “Tương thử thân tâm phụng trần sát” (Nguyện đem tâm sâu vững này phụng sự [hết thảy chúng sinh trong] các pháp giới nhiều như bụi nhỏ), đây là dùng trung. Sao gọi là “tương thử thân tâm phụng trần sát”? Trần sát chính là tất cả chúng sanh trong pháp giới. Phụng là phụng sự, dùng cách nói hiện nay là phục vụ, đem thân, khẩu của ta thuyết pháp. Thân làm nên tấm gương, đây là vì tất cả chúng sanh phục vụ. Tâm là điều mà trong tâm suy nghĩ, điều mà trong tâm nghĩ tưởng không gì ngoài việc vì tất cả chúng sanh phục vụ. Đây là “tương thử thân tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân”. Tại sao phải làm như vậy? Lời giáo huấn của Phật hoàn toàn hiểu rõ rồi, thật sự biết tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là cùng một thể, chính là pháp thân thanh tịnh của mình. Hai câu nói này của Tôn giả A-nan, quí vị thử xem thật kỹ, đó là người chứng được pháp thân rồi, vì nếu chưa chứng pháp thân thì không thể nói ra lời này, những ý nghĩ, hành vi này không thể nào xảy ra. Chỉ có người chứng được pháp thân thì họ mới có tư tưởng này, mới có hành vi này. Họ có thể làm như vậy là vì tất cả chúng sanh trong pháp giới phụng hiến thân tâm để phục vụ, không phải Phật-đà cổ vũ họ, không phải người khác khuyên bảo họ, mà họ tự động phát tâm. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được, thành tựu của dạy học, thành tựu của giáo dục Phật-đà chính là tự động, tự phát, xả thân vì người, vì nhân dân phục vụ, vì xã hội phục vụ, vì tất cả chúng sanh phục vụ. Quí vị thử nghĩ xem, thế xuất thế gian còn có nền giáo dục nào có thể sánh với nền giáo dục này?
Chúng tôi đã giới thiệu với mọi người, ở trong “Hạnh Nguyện phẩm” của “Tứ Thập Hoa Nghiêm” có hai mươi loại quần tộc khác nhau. Hai mươi loại này là chỉ nêu ra sơ lược, vì trong mỗi một loại có vô lượng vô biên. Tại sao Phật-đà đặc biệt nêu ra quốc vương là một loại, Phật mẫu là một loại, thái tử phi là một loại? Ý nghĩa này rất sâu. Trong xã hội có rất nhiều các ngành các nghề, tại sao Ngài không nêu ra những ngành nghề khác mà Ngài lại nêu ra mấy loại này? Vì mấy loại này đối với thế đạo nhân tâm có sự ảnh hưởng mang tính quyết định; sự thịnh suy của thế đạo, khổ lạc của chúng sanh có quan hệ mật thiết với ba quần thể người này.
Trong “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”, từ đầu đến cuối, có thể nói mỗi bài đều nói đến vấn đề này. Vua là người lãnh đạo, là người lãnh đạo của mỗi đoàn thể, người lãnh đạo của mỗi tầng lớp, cho nên lấy quốc vương để đại biểu. Trong một nhà, quốc vương chính là chủ nhà. Ở trường học, quốc vương chính là hiệu trưởng. Trong một công ty, quốc vương chính là chủ tịch hội đồng quản trị. Dùng quốc vương để biểu trưng cho người lãnh đạo ở trong mỗi một đoàn thể. Trước đây quốc vương gọi là thiên tử, ngày nay người lãnh đạo trong đoàn thể nhỏ cũng là mang thân phận thiên tử. Thiên tử là cách xưng hô tôn kính nhất đối với người lãnh đạo, không phải là ca tụng. Cách xưng hô này là nhắc nhở họ phải thay trời hành đạo. Bạn là con của trời, bạn phải thay trời hành đạo, bạn phải giữ thiên tâm, bạn phải hành thiên đạo. “Thiên tâm” là gì vậy? Trong sách xưa thường nói: “Thiên tâm vô tư”. Nếu bạn có tư tâm thì bạn là phàm phu, bạn không phải là thiên thần. Chúng ta đối với “thần” có cách định nghĩa sau: Người “đại công vô tư” thì gọi là thần. Cho nên thần là người công bằng chính trực. Một người cả đời công bằng chính trực thì sau khi chết sẽ làm thần. Cũng có cách nói, người thông minh chính trực là thần. Thông minh là trí huệ. Giữ thiên tâm chính là giữ tâm vô tư, phần trước chúng ta nói giữ tâm trung hiếu, đây là thiên tâm. Hành “thiên đạo”, “thiên đạo” là “nhân dân ái vật”, dùng nhân từ đối xử với tất cả nhân dân, dùng tâm thương yêu đối xử với tất cả vạn vật. Hay nói cách khác, họ có thể thực hiện “trung hiếu” thì đây là hành thiên đạo, người này gọi là thiên tử. Tâm của họ giống với tâm của thiên thần, thượng đế; hành vi của họ cũng giống như hành vi của thiên đế, thượng đế thì đây gọi là thiên tử.
Người lãnh đạo quần chúng ứng dụng vào trong sự tướng, đó chính là họ biết dùng trung, dùng hòa, dùng bình đẳng, dùng an lạc. Dùng an, thật sự có được lạc. Xã hội an toàn, nhân dân lợi lạc, đây là đạo làm vua. Người có địa vị lãnh đạo xã hội thì phải hành theo đại đạo, đây là nói rõ hai chữ “trung hiếu”. Đạo làm vua phải được thực hiện như thế nào? Người lãnh đạo phải hành trung, hành hiếu, tận trung, tận hiếu như thế nào? Chúng ta phải thông hiểu đạo lý này. Người xuất gia chúng ta tuy không phải ở vào địa vị lãnh đạo, chúng ta không lãnh đạo quần chúng xã hội, nhưng chức trách của chúng ta là dạy học, cho nên phải hướng dẫn quần chúng xã hội, phải giúp đỡ tất cả đại chúng hiểu rõ đạo lý này, mỗi người ở trên bổn phận của cá nhân mình mà tận trung tận hiếu, hành trung hành hiếu. Đây là việc chúng ta cần phải làm. Thân phận của chúng ta là làm công tác giáo dục xã hội. Hơn nữa, đây là nghĩa vụ, mà đã là nghĩa vụ thì không mong cầu báo đáp. Chúng ta thâm nhập vào xã hội để khuyến hóa, để hướng dẫn, không phải hình thức. Chúng ta hãy tư duy, quan sát thật kỹ, Thế Tôn năm xưa còn tại thế hoàn toàn không xây trường học, cũng không có phòng học. Thích-ca Mâu-ni Phật lên lớp ở đâu vậy? Bãi cỏ, đồng hoang; Ngài ngồi trên tảng đá, các học trò ngồi vây quanh, là dạy học như vậy. Khi các học trò hiểu rõ rồi, giác ngộ rồi thì mỗi người vào trong thôn trang giáo hóa chúng sanh. Cách dạy học này tự tại biết bao, hoàn toàn trở về với đại tự nhiên, đây là sự sống đích thực. Xây ngôi nhà là tự đem mình giam vào trong đó, không thú vị gì. Cho dù nhà có xây đẹp, vàng ngọc lộng lẫy đi nữa, nói tóm lại, giống như giam ngục tù vậy. Chúng ta hãy tưởng tượng, đời sống khi xưa của Phật kết hợp với tự nhiên thành một thể, cùng nhau sinh tồn, bạn nói xem, tâm tình đó thoáng đãng biết bao, thoải mái biết bao, một mảy may gò bó cũng không có. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều, cần phải học tâp. Đời sống như vậy khiến tham – sân – si – mạn của con người không thể sinh khởi được. Xây dựng những cung điện, đạo tràng thì tham – sân – si – mạn sinh khởi lên rồi. Tại sao năm xưa Thích-ca Mâu-ni Phật không xây đạo tràng, không xây phòng ốc? Vì Ngài đem cái duyên tham – sân – si – mạn của tất cả chúng sanh đoạn sạch. Biện pháp này hay, cách làm này hay! Chúng ta phải giác ngộ, phải sáng tỏ. Cách làm của Ngài là chính xác. Cách làm của chúng ta hiện nay là sai lầm.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật!