Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.33)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta giảng đến câu thứ hai mươi ba: “Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (Côn trùng, thảo mộc chớ nên thương tổn). “Côn trùng” là động vật, “thảo mộc” là thực vật. Hôm qua chúng ta đã giảng đến những loại côn trùng nhỏ, ví dụ như: muỗi, kiến, v.v…

Thánh nhân thế xuất thế gian bảo chúng ta phải dưỡng tâm từ bi. Không chỉ là phải yêu quý những động vật nhỏ mà thảo mộc, thực vật cũng phải từ bi yêu quý thì tâm từ bi này mới là thật. Người yêu quý động vật thì có, thế nhưng ngay cả thực vật cũng có thể không làm tổn thương thì tương đối ít. Trong chú giải có trích dẫn lời trong Kinh Viên Giác, nói rõ “tình và vô tình là một thể, cùng chung mạng sống”. Lời nói này rất khó hiểu. Trong Kinh Đại Thừa Phật nói rất nhiều. Chúng ta hãy tư duy, thể hội thật kỹ. Đây là chân tướng sự thật. Phật nói tổng nguyên tắc cho chúng ta là: tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, tất cả sự vật hiện tượng đều do nhiều duyên hòa hợp mà sinh ra, đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, đều là từ tâm tưởng sinh. Từ đó cho thấy, thật sự là cùng một thể sinh mạng. Trong Đại Kinh cũng thường nói: “Ba đời mười phương Phật cùng chung một pháp thân”, chính là cùng một thể sinh mạng. Thực vật đương nhiên cũng không ngoại lệ. Kinh Lăng Nghiêm nói hay hơn nữa: Như Lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể” (Đức Như Lai thường dạy: Các pháp sinh khởi đều do tâm hiển hiện, hết thảy nhân quả cho đến các thế giới nhiều như bụi nhỏ đều nhân nơi tâm mà thành tánh thể.) Có thể dùng mấy câu nói này để giải thích tám chữ trong Kinh Hoa Nghiêm:  “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cho nên hợp chung hai bộ Kinh này lại tham khảo thì ý nghĩa vô cùng rõ ràng. Trong Kinh Lăng Nghiêm còn nói vi tế hơn: “Kỳ trung nãi chí, thảo diệp lũ kết, cật kỳ căn nguyên, hàm hữu thể tánh” (Trong đó cho đến cỏ cây dây gút, xét đến cùng nguồn gốc đều hàm chứa tánh thể.) “Thảo diệp” là thực vật, “lũ kết” là hình tướng sự vật. Chúng ta cầm một sợi dây thừng, thắt cái gút, đây là sự tướng, đều có căn nguyên của nó, đều có thể tánh của nó. “Thể tánh” là pháp tánh, “căn nguyên” là tự tánh. Cho nên trước đây tôi đã từng nói: “Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình”. Đây chính là Phật tri, Phật kiến.

Người nhập Phật tri kiến chính là cái mà Đại Sư Thiên Thai gọi là quả vị Phật phần chứng, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là 41 quả vị Pháp Thân Đại Sĩ. Kiến giải của họ chính là như vậy, đây gọi là nhập Phật tri kiến. Nếu chúng ta thật sự khẳng định rồi thì bạn chính là người thượng thượng căn, pháp thượng thượng thừa. Chúng ta từ địa vị phàm phu bỗng vượt đến địa vị Như Lai, bỗng vượt đến địa vị Pháp Thân Đại Sĩ. Sự việc này có thể làm được hay không, vấn đề là ở trong một niệm của chúng ta có thể chuyển lại được hay không.

Kinh giáo Đại Thừa huân tập lâu rồi, ánh sáng này giống như tia chớp vậy, tạm thời phóng ra. Thiện căn mỗi người không giống nhau. Người thiện căn sâu dày thì tần số phóng ánh sáng gia tăng, số lần tăng lên nhiều, nhưng đáng tiếc là không duy trì được, một niệm vừa giác ngộ thì niệm thứ hai lại quên mất. Đây là nguyên nhân gì? Tập khí phiền não quá nặng, chớp mắt là đã mê rồi. Nếu có thể duy trì được nguồn ánh sáng này thì bạn liền chứng quả, bạn liền nhập địa vị Phật, địa vị phần chứng Phật. Sự hành trì của bạn không khác gì với chư Phật Bồ-tát, bạn một lòng từ bi đối với tất cả động vật nhỏ, thực vật và đối với chư Phật Như Lai, đối với cha mẹ của mình nhất định không có khác nhau. Yêu thương muỗi, kiến, yêu thương hoa cỏ cũng giống chăm sóc cha mẹ, phụng sự chư Phật thì bạn chính là Pháp Thân Đại Sĩ. Nếu bạn còn có tâm phân biệt thì bạn là phàm phu.

Chúng ta đời này được thân người, được nghe Phật pháp, cái duyên này thù thắng không gì sánh bằng. Chúng ta thử xem trong quá khứ 2.000 năm qua ở Trung Quốc, các bậc Tổ sư Đại đức, thiện nam tử, thiện nữ nhân tại gia, người tu hành chứng quả không ít. Họ cũng là phàm phu, tại sao có thể chứng quả Thánh? Chính là nghe pháp liên tục, tu hành không gián đoạn, cho nên mới có thể thành tựu. Tại sao chúng ta không thể thành tựu? Vì trên hai phương diện nghe pháp và tu hành, chúng ta thường xuyên gián đoạn, gián đoạn thì sức mạnh liền yếu đi. Nếu lại cộng thêm tập khí phiền não ở bên trong, bên ngoài có ngũ dục lục trần cám dỗ thì công phu về hai phương diện “giải – hành” của chúng ta gần như bằng không. Không những không thể tiến bộ mà từng ngày đang thụt lùi, lùi mãi đến địa ngục A-tỳ. Hiện tượng này ở ngay trước mắt chúng ta cũng thấy rất nhiều.

Singapore được xem là một nơi tuyệt vời, mỗi ngày có hai giờ giảng Kinh. Trên thực tế giảng có đủ hay không vậy? Chắc chắn là không đủ! Hai giờ nghe Kinh, vẫn còn hai mươi hai giờ khởi vọng tưởng, cho nên Phật pháp không thắng nổi thế pháp, tâm thanh tịnh không thắng nổi ý nhiễm ô. Nguyên nhân không thể thành tựu của chúng ta là ở chỗ này. Các đồng học chúng ta, mỗi ngày ở trên Kinh giáo hạ công phu chí ít phải tám giờ đồng hồ mới có thể đem giải môn của chúng ta bảo toàn, củng cố được. Tám giờ nghiên cứu Kinh giáo, tám giờ niệm Phật, thật sự có thể thật thà cần mẫn làm được như vậy thì trong năm ba năm, chúng ta cũng không thua gì các Đại đức xưa. Sự việc này phải dựa vào chính mình, không nên dựa vào người khác đốc thúc. Thời đại hiện nay việc dạy học đốc thúc đã không thể làm được, thời đại trước thì làm được. Hiện nay là dân chủ, tự do mở cửa, bất kỳ người nào cũng không có quyền đốc thúc bạn, cũng không dám đốc thúc bạn. Ở Mỹ, cha mẹ đều không dám trách mắng, răn dạy con cái. Ngay cả trẻ con năm – sáu tuổi, nếu cha mẹ đánh nó, mắng nó thì hàng xóm sẽ đến báo với cục cảnh sát. Họ nói người cha mẹ đó ngược đãi trẻ con, họ còn xử tội ngồi tù. Bạn nói xem, có gay go hay không? Cha mẹ không dám quản con cái thì thầy làm sao dám quản học trò? Xã hội hiện nay như thế nào? Cha mẹ với con cái là bạn bè, thầy cô với học trò cũng là bạn bè. Thật sự làm được tiêu chuẩn của bạn bè thì cũng được xem là khá rồi. Chân thật mà nói, làm bạn bè cũng còn chưa được. Xã hội ngày nay là như vậy. Cho nên tu hành có thể thành tựu hay không, hoàn toàn dựa vào chính mình.

Chúng tôi khích lệ mọi người, khuyên mọi người một chút, chỉ là trong lúc giảng Kinh thuyết pháp mà thôi, chỉ làm một chút tăng thượng duyên như vậy với bạn. Bạn nghe xong, hoan hỷ, hiểu rõ rồi thì theo lời này mà làm. Bạn nghe xong, không hài lòng, thì buổi giảng sau bạn có thể không đến. Cho nên, tôi hiểu rõ tình trạng xã hội hiện nay của chúng ta. Thật sự có thể thành tựu hay không, phải dựa vào sự giác ngộ của mình, phải dựa vào công phu tự mình khắc phục chính mình.

Tôi thường nói, duyên ở nơi này vô cùng thù thắng, có thể ở nơi này tu học là sự thành tựu của thiện căn, phước đức, nhân duyên từ vô lượng kiếp. Ở nơi này có hộ pháp nhiệt tâm hộ trì, đời sống sinh hoạt không phải lo lắng một chút nào, cho nên có thể đem toàn bộ tinh thần, toàn tâm toàn lực để lo cho đạo, mong cầu “giải-hành” tương ưng. Nếu có thể nắm lấy cơ hội này, ra sức nỗ lực thì năm ba năm nhất định sẽ có thành tựu bất khả tư nghì. Chúng ta phải nghĩ đến, thế gian có biết bao nhiêu người muốn cầu cơ duyên này mà không cầu được. Khi tôi còn trẻ học tập ở Đài Trung, cảm thấy cơ duyên đó là tương đối tốt rồi, nhưng so với các bạn cùng lắm chỉ được một phần bảy. Một phần bảy là gì? Mỗi tuần một lần, chúng tôi cùng với thầy và đồng học lên lớp nghiên cứu thảo luận, còn các bạn hiện nay mỗi tuần bảy lần, cho nên duyên của tôi chỉ bằng một phần bảy của các bạn. Duyên của các bạn nhiều gấp sáu lần của tôi, vậy thành tựu của các bạn cũng phải cao hơn tôi gấp sáu lần mới đúng. Các bạn không thể vượt qua tôi, đó là do các bạn không dụng công, các bạn đem cơ hội vứt bỏ mất rồi. Tôi ở Đài Trung đã học mười năm. Các bạn ngày nay có cơ hội này, ở trong duyên phận này thì một năm của các bạn bằng với bảy năm của tôi, chỉ cần hai năm thì hơn tôi quá nhiều rồi. Chúng tôi vào thời đó, đồng học đều là cư sĩ tại gia, đều có gia đình, có sự nghiệp. Mỗi người phải bận bịu chăm lo cho gia đình, phải bận bịu công việc, cho nên một tuần chỉ trích ra thời gian ba giờ để cùng nghe giáo, học tập với thầy, một tuần lên lớp một lần. Chúng tôi học giảng Kinh cũng là một tuần lên lớp một lần, một buổi học này là ba giờ. Hằng ngày được lên lớp, chúng tôi đâu có số mạng tốt như vậy! Từ đó cho thấy, cơ hội này hiếm có. Cơ hội hiếm có mà chúng ta có được rồi, quả đúng như Phật ở trong Kinh thường nói: “Thân người khó được, nay đã được. Phật pháp khó nghe, nay đã nghe”.

Không những là nay đã được nghe, mà còn ngày ngày đều có thể nghe. Một cái đạo tràng nhỏ như vậy mà hết thảy kinh điển đều có đầy đủ, không thiếu một loại nào, cái thiếu chính là sự nhận biết của chúng ta đối với cơ duyên. Chỉ sợ khi có được cơ duyên tốt như vậy thì bạn lại không nhận ra, bạn không thể nắm bắt lấy được, bạn không thể tận dụng cho tốt. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc. Tôi đã từng khuyên thầy Ngộ Đạo, thầy Ngộ Hạnh, và các các thầy có pháp danh chữ Ngộ khác ở Malaysia. Họ hiện nay đang đi giảng kinh thuyết pháp trên khắp thế giới. Đó là sự hy sinh to lớn. Đây là tu được một chút phước. Ở trên giải hành thì đó là sự hy sinh to lớn. Tôi cũng thường khuyến khích các thầy ấy phải chăm chỉ nỗ lực, nếu không mà nói, đồng học các vị ở nơi đây thì tinh tấn tu hành, các thầy ấy nhất định sẽ rơi lại phía sau các vị, thậm chí khoảng cách còn rất lớn. Các vị ở nơi đây ngày ngày miệt mài cặm cụi, các thầy ấy thì đi bôn ba tứ xứ, như vậy sự tiến bộ của giải hành sẽ rất chậm. Các vị ở nơi đây thì sự tiến bộ của giải và hành sẽ nhanh.

Phật pháp, thế pháp đều phải nhìn cho thật xa, nhìn cho thật sâu, nhìn quá gần thì sẽ không có thành tựu. Muốn thành tựu đích thực thì phước huệ phải song tu. Trong phước có huệ, trong huệ có phước. Phước – huệ là một, không phải hai. Các vị Pháp sư hoằng pháp lợi sanh trên toàn thế giới, phước – huệ là hai, không phải một, họ không thể hợp chung lại được, có thể nói là phước nhiều hơn huệ. Phước báo thì không thể thoát khỏi lục đạo. Đi hưởng phước trong đường nào ở lục đạo thì khó nói, phải xem công phu của bạn. Ngũ giới, thập thiện có thể đạt 90 điểm thì phước mà bạn tu ở nhân thiên. Ngũ giới, thập thiện không đạt đến tiêu chuẩn này, bạn đến đâu để hưởng phước là điều rất khó nói. Lời Phật nói ở trong Kinh từng câu đều là chân thật, không có một chữ nào lừa dối chúng sanh. Chúng ta phải có thể nghĩ được.

Phước huệ phải song tu. Ở trong phước không có tư tâm, ở trong phước duy trì tâm “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là trong cái phước đó có huệ, có thể giải quyết vấn đề. Ở trong phước có tư tâm, không buông xả triệt để sự hưởng thụ danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần thì không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trong đây nêu ra hai câu chuyện, quí vị hãy xem thật kỹ, rất đáng để chúng ta phản tỉnh.

Câu chuyện thứ nhất: Khi Phật thuyết pháp, có một con sò nhỏ ở bên cạnh cũng đang nghe Phật giảng Kinh, bất ngờ bị người ta vô ý giẫm chết. Do duyên cớ được nghe Kinh, nên sau khi mạng chung, nó sanh về Trời Đao-lợi, làm Vua Trời Đao-lợi. Về sau dùng thân phận Vua Trời Đao-lợi lại đến nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp, chứng quả Tu-đà-hoàn. Câu chuyện này nói cho chúng ta biết, động vật nhỏ cũng có tánh linh, sao chúng ta có thể làm tổn thương chúng.

Câu chuyện thứ hai: Có một người xuất gia, lúc chưa khai đạo nhãn, thường tiếp nhận cúng dường của cha con vị thí chủ (vị thí chủ này là người ăn chay trường). Sau khi vị xuất gia chết thì phải trả nợ, liền hiện thân nấm rơm trong vườn rau của người thí chủ ấy. Cây nấm rơm đó chính là ông. Mỗi ngày cây nấm rơm này cúng dường cho cha con họ. Đây chứng tỏ thực vật cũng có tánh linh. Cha con này mỗi ngày ra vườn hái nấm rơm, không hề nghĩ đến trước đây mình cúng dường vị Pháp sư đó. Mỗi ngày hai cha con đi hái nấm rơm là mỗi ngày ông phải trả nợ. Trong Phật pháp thường nói: “Một hạt gạo thí chủ, lớn như núi Tu-di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Đó là biến thành súc sanh. Còn câu chuyện trên là biến thành thực vật, đều phải trả nợ.

Trong pháp thế xuất thế gian, chúng ta rất rõ ràng, rất minh bạch, nhất định không có chuyện chiếm phần hơn. Ai có thể chiếm của ai được chứ! Nhất định cũng không có chuyện chịu thiệt. Ai chịu thiệt, ai bị lừa? Không có! Nhân quả thông ba đời. Đời này người ta chiếm phần hơn của chúng ta, chúng ta chịu thiệt, không ngờ rằng đời sau người đó vẫn phải trả nợ, phải báo đền. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Đương nhiên chúng ta cũng không cần người ta đến trả nợ, vì những thứ này là oan oan tương báo, trả tới trả lui không bao giờ dứt, không phải là việc thích thú gì. Khai ngộ quan trọng, chứng quả quan trọng, vãng sanh quan trọng, đây mới là liễu thoát rốt ráo. Sau đó quay trở lại giúp đỡ những chúng sanh có duyên này. Phật pháp nói rất hay: “Phật không độ người không có duyên”. Những người nào có duyên với chúng ta vậy? Trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp oan thân trái chủ có duyên. Kết mà có ơn là duyên phận, kết mà có oán cũng là duyên phận. Cái chúng ta thiếu người khác là duyên phận, cái người khác thiếu chúng ta cũng là duyên phận. Cái gọi là duyên phận là báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ, vẫn là cái vòng như vậy. Chúng ta kết duyên rất nhiều, phải mau mau thành tựu để quay trở lại giúp đỡ những oan thân trái chủ này, thảy đều được độ. Cho nên bản thân nhất định phải chú trọng, coi trọng giải hành như nhau, định huệ học như nhau. Nhất là tình trạng xã hội hiện nay, nếu không cần mẫn nỗ lực thì chắc chắn sẽ đọa lạc, hơn nữa đọa lạc tốc độ nhanh, cho nên từng giây từng phút phải đề cao cảnh giác. Khi buông quyển Kinh xuống thì liền đề khởi câu Phật hiệu, liền niệm Phật. Khi buông Phật hiệu xuống, liền mở quyển Kinh ra. Mỗi ngày chúng ta có thể nghiên cứu giáo lý tám giờ, niệm Phật tám giờ thì vọng tưởng của chúng ta tự nhiên liền ít, không có thời gian để khởi vọng tưởng. Hy vọng các đồng học chúng ta cần mẫn nỗ lực, không nên phụ cái cơ duyên hy hữu khó gặp này.

“Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu, côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”. (Thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Kính già thương trẻ. Côn trùng thảo mộc chớ nên thương tổn ). Ý của bốn câu này nói về “hành nhân”.

****************

Câu thứ 24 trong Cảm Ứng Thiên là:

 “Nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện. Tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy”. (Hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm).

Câu này nói về “hành nghĩa”.

Nhân và nghĩa đều là sự ứng dụng của trung hiếu. Phần trước đã báo cáo với quí vị, “Hiếu” thì nhà Phật gọi là tự tánh, thể tánh. “Trung” là đại dụng của tự tánh. Nhà Phật nói “trung đạo”, chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, đời sống của các Ngài, đối nhân xử thế tiếp vật, làm đủ dạng thị hiện, đủ dạng giáo hóa đều là hành trung. “Trung” là sự ứng dụng của hiếu. “Nhân nghĩa” là sự ứng dụng của trung. Đây là điều chúng ta cần phải hiểu rõ. Chúng ta học Phật thì phải học từ đâu, tự mình đã rõ ràng, đã minh bạch rồi. Nếu con người không hiểu những đạo lý lớn này thì như người xưa nói con người có gì khác so với cầm thú! Cầm thú là động vật, người cũng là động vật, nhưng chỗ không đồng, chỗ khác biệt giữa người với cầm thú là người có thể thể hội đạo lớn của vũ trụ nhân sinh, hiểu rõ thực tướng các pháp, đây mới gọi là làm người. Những đạo lý lớn này chắc chắn không phải là vừa sinh ra đã biết. Trong lịch sử xưa nay trong và ngoài nước, chưa từng thấy người nào mới sinh ra là đã biết rồi, tất cả đều là do học mới biết.

Nói về “học” thì thiên bẩm của mỗi người không như nhau. Nhà Phật thường nói ba căn là “thượng, trung, hạ”. Người thượng căn thì năng lực tiếp nhận mạnh, gọi là “nghe một biết mười”, “một nghe ngàn ngộ”. Người trung căn thì kém một chút. Người hạ căn thì kém hơn một chút nữa. Căn tánh không giống nhau là do đâu? Người thế gian thật sự là người mê, có người nói đây là do di truyền. Nếu nói di truyền thì sao có cha mẹ rất thông minh mà con cái kém thông minh? Điều này về di truyền thì nói không thông rồi. Có một số cha mẹ hoàn toàn không thông minh, rất bình thường mà con cái rất thông minh. Có thể thấy, nếu nói di truyền thì cách nói này rất khó đứng vững. Phật nói rất hay, [do] tập tánh của mỗi người trong vô lượng kiếp đến nay không giống nhau. Cách nói này, chúng ta nghe xong có thể tiếp nhận được.  

Con người chắc chắn không phải chỉ có một đời này. Nếu cho rằng con người chỉ có một đời này, đời sau không còn nữa, đây là đoạn kiến. Có người nói, người chết rồi, đời sau vẫn là người, Phật nói đây là thường kiến. Hai loại kiến giải này đều sai lầm. Ấn Độ cổ có rất nhiều nhà tôn giáo. Nhà tôn giáo cổ đại Ấn Độ không có người nào không tu thiền định. Chúng ta biết, thiền định có thể đột phá thời gian không gian khác nhau. Nói cách khác, họ có thể nhìn thấy không gian bốn chiều, không gian năm chiều, thậm chí là không gian duy thứ cao hơn nữa, phạm vi sinh hoạt đó thì quá lớn. Họ nhìn thấy Trời Dục Giới, Trời Sắc Giới; nhìn thấy tình trạng chân thật của lục đạo, cho nên lục đạo luân hồi không phải do Phật giáo nói. Trước khi Thích-ca Mâu-ni Phật xuất hiện, tất cả tôn giáo của Ấn Độ đều đã nhìn thấy, đều chứng thực sự việc này rồi. Tôi đã sống ở Mỹ rất nhiều năm, ở Mỹ cũng có rất nhiều người đã chứng minh sự việc này là thật, họ không phải dùng thiền định, mà họ dùng phương pháp thôi miên. Thôi miên nói thực ra cũng thuộc một loại của thiền định, có điều không sâu như thiền định mà thôi. Ý chí phải tập trung, nếu ý chí không tập trung thì không thể vào trạng thái thôi miên được. Nếu bạn nghĩ ngợi lung tung thì vị thầy thôi miên hoàn toàn vô phương đối với bạn.

Làm thế nào mới có thể nhập vào trạng thái thôi miên? Nghe theo sự điều khiển của họ, nghe lời họ. Họ bảo ta làm như thế nào thì phải phục tùng một trăm phần trăm, như vậy rất dễ dàng nhập vào trạng thái thôi miên. Vào trạng thái thôi miên thì họ liền biết được đời quá khứ của họ. Họ biết được quá khứ một đời, quá khứ hai đời, người nhập thật sâu thì có thể đạt đến ba đời, bốn đời, nhưng thông thường nhất, phổ biến nhất là quá khứ một đời. Có thể đạt đến ba đời, bốn đời thì tương đối ít. Nếu chúng ta dùng thí dụ của thiền định để nói thì cần định công tầng thứ sâu hơn nữa. Cho nên, sự việc này không phải là giả.

Người chết rồi hoàn toàn không phải tất cả đều hết. Nếu người chết rồi tất cả đều hết thì chúng ta còn phải học Phật làm gì? Không cần thiết! Người chết rồi, sự việc phía sau rất là nhiều, vô cùng vô tận. Chân tướng sự thật này, chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta biết có đời trước, biết có đời sau. Người thông minh có “tiền hậu nhãn”, đây là điều mà người xưa nói. “Tiền hậu nhãn” là gì? Thấy đời trước, thấy đời sau, cái nhãn quang đó nhìn thấy được rất xa. Có thể nhìn thấy quá khứ, vị lai thì người này sẽ không tạo nghiệp nữa. Tại sao vậy? Họ biết tạo nghiệp có quả báo. Thiện có thiện quả, ác có ác báo.

Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, không chỉ là thập pháp giới, mà Nhất Chân Pháp Giới trên quả địa chư Phật Như Lai, Hoa Tạng  trong Hoa Nghiêm, thế giới Cực Lạc trong Tịnh Độ cũng không thể lìa khỏi nguyên tắc nhân quả. Điều này mọi người đều biết. “Hoa Nghiêm” nói “Ngũ châu nhân quả”, “Pháp Hoa” nói “Nhất thừa nhân quả”. Pháp thế xuất thế gian không thể tách rời nhân quả. Đây là chân lý. Nói nhân quả đến chỗ rốt ráo thì xưa nay Tổ sư Đại đức đã làm tổng kết cho chúng ta rồi: “Lý không ra khỏi tâm tánh, sự không ra khỏi nhân quả”.  Hai câu nói này đã đem việc dạy học 49 năm của Thích-ca Mâu-ni Phật nói hết rồi. Phật như vậy, Nho gia, Đạo gia sao lại không phải là như vậy? Không những ở trên lý luận hoàn toàn tương đồng, mà ở trên thế pháp cũng giống nhiều, khác ít, đều không thể xa rời chữ “trung” này.

Sao gọi là “Trung”? Chúng tôi gần đây cũng đã giảng không ít lần, bởi vì giảng đến Cảm Ứng Thiên có nói đến “trung hiếu”, chữ này trong tâm Bồ-đề gọi là thâm tâm. Chữ “Hiếu” này là trực tâm của tâm Bồ-đề, cũng là tâm chí thành mà Thế Tôn nói ở trong “Quán Kinh”. Tâm chí thành đã đến cực điểm, đây là trung hiếu. Có một mảy may thiên lệch thì liền bất trung, bất hiếu.

Ai có thể làm được trung hiếu viên mãn nhất? Là quả địa Như Lai. Đó là nói đến cứu cánh viên mãn. Trung hiếu viên mãn thì nhân nghĩa đương nhiên viên mãn, cũng chính là nói ứng dụng vào trong đời sống của họ, vào trong công việc của họ, vào trong đối nhân xử thế tiếp vật đều làm được vô cùng viên mãn. Bồ-tát Đẳng Giác thì còn lệch một độ. Nếu chúng ta nói 360 độ thì Bồ-tát Đẳng Giác còn lệch một độ là vô cùng kề cận rồi. Bồ-tát Pháp Vân Địa còn lệch hai độ. Nếu chúng ta dùng cách này để nói thì Bồ-tát quả vị Sơ Tín đã lệch 52 độ. Năm mươi hai độ thì coi như là khá rồi. Phàm phu chúng ta lệch xa đến 180 độ. Từ đó cho thấy, chúng ta học Phật là học “trung – hiếu – nhân – nghĩa” mà thôi.

**********

Chúng ta học câu Kinh văn thứ 24: “Nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện” (Hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ). Phía sau là: “Tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy” (Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm)

“Hung”, “thiện”, “cấp”, “nguy”, chúng tôi hôm nay nhìn thấy những chữ này, cảm xúc rất là sâu xa. Hung tai, nguy cấp hiện nay quá nhiều, quá nghiêm trọng rồi, gần như là phủ khắp toàn cầu. Đây là do nhân tố gì tạo nên vậy? Cổ nhân đã nói là do “thất giáo”. Vào thời xưa, câu nói này vô cùng nghiêm trọng. “Thất giáo” là gì vậy? Họ không được giáo dục. Người xưa, bất kỳ người nào nghe thấy câu nói này đều cảm thấy vô cùng nhục nhã. “Không được giáo dục” thì bạn không biết đạo làm người. Thế nhưng hiện nay nói hai câu này thì người ta không hiểu, không biết ý nghĩa là gì. Chữ “giáo” này, ngày nay vẻ bề ngoài mọi người nhìn thấy dường như giáo dục rất phát triển. Nhưng giáo dục mà nhà Phật nói so với giáo dục của xã hội chúng ta hiện nay khác nhau rất xa.

Giáo dục xã hội hiện nay là giáo dục gì vậy? Giáo dục khoa học kỹ thuật. Chúng ta thử nghĩ, giáo dục khoa học kỹ thuật đã đi ngược lại với quy luật tự nhiên, mọi người hằng ngày làm trái quy luật tự nhiên. Cho nên một số nhà tiên tri nước ngoài nói, trái đất muốn làm một cuộc trả thù chung đối với nhân loại, bạn làm tổn hại nó, nó phải báo thù bạn. Lời nói này nghe ra giống như là lời nói đùa, nhưng trên thực tế hiện nay, những thiên tai nhân họa này há chẳng phải là trái đất đang đưa ra phản kháng, đưa ra kháng nghị với nhân loại hay sao? Con người vẫn mờ mịt không hiểu, cho rằng đây là tai họa tự nhiên, không liên quan gì với hành vi của chúng ta. Đây chính là họ không được giáo dục.

Nền giáo dục của cổ Thánh tiên Hiền, không chỉ là nhà Phật, mà nền giáo dục truyền thống như Nho gia, Đạo gia, Bách gia Chư tử thời tiên Tần, không nhà nào mà không giảng đạo làm người.

Tông chỉ giáo dục thứ nhất là dạy người hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người, gọi là giáo dục nhân luân, chúng ta gọi là giáo dục luân lý. Cho nên dân tộc này mấy ngàn năm giữ vững cho đến hôm nay, vẫn không bị đào thải, vẫn không bị diệt vong, do nguyên nhân gì vậy? Giáo dục luân lý.

Tông chỉ giáo dục thứ hai là dạy người hiểu rõ mối quan hệ giữa người với đại tự nhiên, biết yêu thương vật. Giáo dục luân lý là dạy bạn yêu thương người. Còn đây là dạy bạn có thể yêu thương vật, yêu thương môi trường cư trú, môi trường sống, môi trường vật chất của chúng ta. Đây là sự thật. Ví dụ nói đến trồng hoa, rất nhiều người ưa thích hoa cỏ. Nếu các vị hơi lưu ý một chút thì sẽ thấy, nếu bạn có tâm thương yêu đối với hoa cỏ này thì nó sinh trưởng đặc biệt tốt, nó báo đáp bạn; nếu bạn không có tâm thương yêu đối với cây hoa đó, hoa sẽ nở không đẹp, cũng sinh trưởng không tốt, dù là cùng là một cây, cùng là một chậu hoa. Điều này tôi thấy rất rõ ràng. Trước đây Hàn Quán Trưởng ưa thích hoa, bà chăm sóc cây hoa đó, hoa nở đặc biệt đẹp. Bà ra nước ngoài du lịch thì giao cho người khác chăm sóc, khi bà trở về thì cây hoa gần như khô héo, sắp chết, bà phải mất một vài tuần mới có thể hồi phục nó lại. “Thảo mộc thông nhân tình”, cho nên người thế gian nói: “Hoa có thần hoa, cỏ có thần cỏ”. Cây xương rồng đối diện chúng ta đã nở hoa, mỗi đóa đều có thần hoa. Các bạn mắt thường không nhìn thấy. Bạn đối với nó tốt thì nó báo đáp bạn, bạn đối với nó không tốt thì nó liền khô héo mà chết. Bạn quan sát tỉ mỉ thì sẽ hiểu rõ.

Giáo dục sâu hơn một cấp nữa là khiến bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người với trời đất quỷ thần. Đây chính là siêu việt thời gian không gian khác nhau. Có như vậy mọi người sống với nhau mới có thể hòa thuận, mới có thể hòa hợp. Mục đích của giáo dục ở đâu vậy? Chẳng qua là dạy người có thể chung sống hòa hợp, hòa thuận với người, với vật, với trời đất quỷ thần, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, như vậy mới có thể sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Đời sống hạnh phúc mỹ mãn nhất chính là Thế giới Cực Lạc, chính là Pháp Giới Nhất Chân. Cho nên Phật dạy người đời sống tràn đầy trí huệ chân thật, quyết không có mê tín. Nếu con người không có trí huệ thì đời sống sẽ vô cùng vất vả, vô cùng đáng thương. Ngày nay thế giới này tại sao tràn ngập tai nạn, tràn ngập nguy cơ? Vì giáo dục của Thánh Hiền đã mất hết rồi, không có người đề xướng, cũng không có người chịu học. Ngày nay chúng ta chung sống với những đồng tu ít ỏi này, chúng ta rất may mắn, ở thời đại này mà chúng ta còn có thể nghe được lời dạy của Thánh Hiền, còn có thể đọc sách Thánh Hiền. Đúng như lời cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Một ngày hy hữu khó gặp trong vô lượng kiếp đến nay”. Bạn gặp được rồi, duyên đầy đủ rồi, thế nhưng bạn có thể thành tựu hay không thì phải xem thiện căn, phước đức của bạn. Thiện căn là gì? Sau khi bạn tiếp xúc rồi sinh tâm hoan hỷ, bạn có thể tin, có thể hiểu, đây là thiện căn của bạn. Phước đức là bạn có thể thực hiện, bạn đem sự tin hiểu của bạn thực hiện vào trong đời sống, thực hiện vào trong công việc, thực hiện vào trong đối nhân xử thế tiếp vật; bạn có thể giống chư Phật Bồ-tát, giống cổ Thánh tiên Hiền, nhân từ ái vật (yêu thương người và vạn vật), đây là bạn có phước đức. Thiện căn – phước đức – nhân duyên, ba cái đều đầy đủ rồi thì bạn đời này sẽ có thành tựu rất lớn. Thành tựu rất lớn là gì vậy? Vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, đi làm Phật, làm Bồ-tát. Phật Bồ-tát không phải thần tiên, không nên hiểu sai. Phật Bồ-tát là ý nghĩa gì vậy? Người Ấn Độ gọi là Phật, người Trung Quốc gọi là Thánh nhân. Người Ấn Độ gọi là Bồ-tát, người Trung Quốc gọi là Hiền nhân. Phật Bồ-tát là người sáng tỏ triệt để đối với chân tướng vũ trụ nhân sanh. Con người phải làm người minh bạch, không nên làm người hồ đồ. Người sáng tỏ gọi là Thánh nhân, người hồ đồ gọi là phàm phu. Điều này chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Sự khác nhau giữa phàm và Thánh, chúng tôi cũng giảng rất nhiều. Chúng ta phải học tập như thế nào? Những tài liệu giảng dạy này là tư liệu vô cùng tốt. Không cần phải học hết sách, học một câu, vài câu thì cả đời thọ dụng cũng không hết.

Hiện nay quí vị đều biết thế gian có tai nạn nhiều. Có rất nhiều người khuyến khích phải tìm một nơi an toàn để di dân. Lời này nói có đúng hay không? Nói không sai, nhưng mà bạn phải chú ý đến “trung – hiếu – nhân – nghĩa”. Nếu một người sống bất nghĩa, sống vất vưởng, sống lay lắt qua ngày thì người đó sống ở thế gian còn có ý nghĩa gì nữa? Xã hội thời xưa thường nói: “Kẻ sĩ nguyện chết vì tri kỷ”. Sĩ là gì? Người có học, người rõ lý, ở chỗ có nhân nghĩa thì dầu có vào nơi dầu sôi lửa bỏng họ cũng không từ. Họ sống có ý nghĩa, sống có giá trị thì sao có thể tham sống sợ chết, đâu có loại đạo lý này! Con người ở trong một đời, gặp được một người tri kỷ thì không dễ dàng, vào thời xưa còn khó, hiện nay càng khó hơn. Tôi đến Singapore, cư sĩ Lý Mộc Nguyên với tôi là tri kỷ đích thực. Ở nơi đây xây dựng sự nghiệp hoàn toàn là lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, vì Phật pháp cửu trụ. Nếu đúng như lời tiên đoán của người nước ngoài đã nói, Singapore sẽ bị chìm xuống đáy biển thì tôi cũng sẽ theo cùng với Singapore chìm xuống đáy biển, tôi cũng sẽ không đi tìm một nơi an toàn để sống vất vưởng qua ngày. Như vậy người đó sống có ý nghĩa gì nữa! Khi sống, người ta sẽ chỉ vào mặt mà mắng. Đây là nơi có nghĩa, chúng ta còn muốn tìm đến một nơi khác để tị nạn thì chúng ta học Kinh này để làm gì, đọc sách để làm gì? Ngay cả một chút đạo lý như vậy cũng không hiểu. Huống chi ở trong Kinh giáo, Phật nói cho chúng ta rất rõ ràng là “cảnh tùy tâm chuyển”.

Chúng ta có thể chuyển biến cảnh giới này không? Đáp án đều là khẳng định. Bắt đầu chuyển từ đâu? Bắt đầu chuyển từ tâm địa. Chuyển tâm phàm phu thành tâm Phật, chính là chuyển phàm thành Thánh. Tâm chuyển rồi thì thân liền chuyển ngay. Quả thật đúng là trong Phật pháp dạy người “không già, không bệnh, không chết”. Lời này đều là thật, quyết không phải giả. Ai có thể làm được vậy? Phật và Pháp Thân Đại Sĩ làm được rồi. Nếu chúng ta nâng cao đến cảnh giới Pháp Thân Đại Sĩ thì cũng có thể làm được.

Con người tại sao lại bị già, bị bệnh, bị chết? Bạn có ý niệm, bạn có vọng tưởng. Chỉ cần bạn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước thì bạn chắc chắn sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết. Điều này chúng ta ở trong Kinh Đại Thừa đã đọc quá nhiều rồi. Nếu bạn không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước thì bạn sẽ không già, không bệnh, không chết. Bệnh từ đâu mà có? Phật thường nói do tam độc “tham – sân – si”. Ở trong tâm có tham sân si, tâm đó của bạn còn độc hơn bất cứ thứ gì, đó là vi-rút. Trong tâm có vi-rút nghiêm trọng, bên ngoài có ngũ dục lục trần cám dỗ, cảm nhiễm thì bạn làm sao mà không sinh bệnh được? Nhà Phật đã tìm ra nguồn gốc của bệnh rồi. Thánh nhân của chúng ta cũng rất tuyệt vời. Sách y học Trung Quốc, quyển đứng đầu là Hoàng Đế Nội Kinh Linh Khu. Nội dung chủ yếu mà bên trong đó nói không phải trị bệnh, mà là nói trường sinh. Căn cứ vào cách nói của cổ nhân Trung Quốc, tuổi thọ của con người chí ít phải sống 200 năm. Con người là một bộ máy. Bộ máy này có thể bảo dưỡng tốt, có thể chăm sóc tốt thì tuổi thọ của nó phải là 200 năm. Không đến 200 năm mà bạn đã chết rồi, đó là do bạn không chăm sóc tốt. Giống như các bạn hiện nay dùng máy móc vậy, bạn không chăm sóc tốt, bạn làm nó hư hại mất rồi.

Cổ nhân chăm sóc thân tâm cũng là chú trọng đến thanh tâm quả dục (tâm thanh tịnh, ít dục vọng). Điều này rất gần với lý luận mà Phật pháp nói. Thanh tâm quả dục, Phật pháp là đem dục hoàn toàn đoạn sạch, thanh tịnh đến cực điểm. Quả dục là chưa có đoạn hết. Rất nhiều người nhìn thấy thân thể của tôi vẫn còn tốt, tuổi tác của tôi lớn như vậy vẫn có thể đi lại thoăn thoắt, nguyên nhân gì vậy? Dục vọng của tôi ít hơn mọi người, cho nên lão hóa chậm, tật bệnh thật sự là giảm thiểu. Đạo lý là như vậy. Tôi một ngày ăn một bữa, rất bình thường, tinh thần rất tốt. Rất nhiều người quan tâm đến tôi, sợ tôi bị suy dinh dưỡng, họ cho cái này, biếu cái nọ, tôi cảm thấy phiền phức. Nên chăm sóc mình như thế nào? Hãy thanh tâm quả dục. Tốt nhất đem cái dục đó mỗi ngày giảm bớt, mỗi năm giảm bớt, giảm đến hoàn toàn không còn nữa, đó mới là một người bình thường.

Lão sư dạy tôi “nhìn thấu, buông xả”. Chư Phật Như Lai buông xả triệt để rồi. Buông xả danh vọng lợi dưỡng của mình, buông xả mọi dục vọng của mình, thậm chí là ngay cả cái thân này cũng buông xả, ý niệm cũng đều buông xả. Khởi tâm động niệm nói thật ra không phải khởi tâm, nếu như còn khởi tâm động niệm thì bạn vẫn chưa buông xả. Trong Kinh nói rất hay, Phật Bồ-tát là ứng, chúng sanh có cảm thì Phật Bồ-tát có ứng. Ứng hóa, quyết không phải Phật Bồ-tát khởi tâm động niệm. Phật Bồ-tát mà có khởi tâm động niệm là phan duyên rồi, không phải tùy duyên. Ứng hóa là tùy duyên. Chúng ta phải tùy duyên thì mới tự tại, còn phan duyên là không tự tại. Phan duyên là trong tâm muốn làm như thế nào đó, vậy là sai rồi. Cho nên, chúng ta phải học Thích-ca Mâu-ni Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Thông thường người bình thường, hai chữ học Phật chỉ để ở ngoài cửa miệng, trên thực tế không biết ý nghĩa đích thực của học Phật, cũng không biết học Phật như thế nào. Chúng ta thử nghĩ, lời giáo huấn mà Phật cho chúng ta thật sự là chân lý, thật sự là chí thiện, nhà Nho nói “chỉ ư chí thiện”. Hôm nay tôi đã giảng cho các vị một chút nguyên tắc như vậy. Làm sao đem câu “Hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm” thực hiện vào trong sự tướng, chúng ta còn phải nghiên cứu thảo luận thật kỹ.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!