Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.66)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Mời xem đoạn 52 trong Cảm Ứng Thiên.

Lăng cô bức quả.” (Bức hiếp cô nhi, người góa bụa)

Đoạn thứ 53:

“Khí pháp thụ lộ.” (Bỏ qua pháp luật, nhận của hối lộ)

Trên thế gian này không ai khổ bằng cô nhi, quả phụ. Cổ Thánh tiên Hiền dạy bảo chúng ta, đối với những người này phải vô cùng thông cảm, đặc biệt chăm sóc. Phước điền ở trong Phật pháp thì những người này là bi điền ở trong phước điền.

Chúng ta nhìn thấy chúng sanh gặp nạn nhất định phải nghĩ tới trước đây chúng ta cũng từng gặp phải tai nạn này. Trong tương lai chúng ta nhất định còn gặp rất nhiều cảnh khó khăn tai nạn như vậy, chỉ cần không thoát khỏi lục đạo luân hồi thì nhất định không thể tránh khỏi. Chúng ta làm sao biết được? Nhìn ra được điều này từ trong nhân quả. Quý vị đọc rất thuộc Liễu Phàm Tứ Huấn, “một miếng ăn, một hớp nước, không gì không định sẵn”, ai định ra vậy? Là do nghiệp nhân chính chúng ta tạo tác đã tạo ra sự định sẵn này, cho nên điều này vô cùng công bằng. Không phải Thượng Đế định đoạt, không phải Diêm Vương định đoạt, cũng không phải Phật Bồ-tát định đoạt mà chính mình tự tạo, tự làm tự chịu, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Gặp những người khổ nạn, chúng ta cũng phải rất rõ ràng, rất minh bạch đây là nghiệp nhân mà trước đây họ nhất định đã tạo ra do vô tri! Chúng ta ngày nay may mắn gặp được Phật pháp, có thể nhận được sự dạy bảo của Thánh Hiền nhân, chúng ta phải hiểu. Sau khi hiểu rồi thì đối với những chúng sanh khổ nạn nhất định phải giúp họ, phải cứu độ, chăm sóc họ, sao có thể ức hiếp, bức bách họ được chứ? Ức hiếp, bức bách những người này thì tội nghiệp còn nặng hơn gấp bội phần so với người bình thường, quả báo không thể tưởng tượng được.

Hôm qua chúng tôi đi thăm viếng đạo Cơ Đốc, tham quan tổ chức từ thiện phúc lợi xã hội mà đạo Cơ Đốc đang làm. Chúng tôi thấy viện dưỡng lão của họ, họ chăm sóc người già, chăm sóc cô nhi, công đức này rất lớn. Trong Phật pháp nói, nếu họ chấp tướng thì những công việc từ thiện này là phước báo trong tam giới; nếu lìa tướng mà tu thiện thì những hành vi của họ là vô lượng công đức. Sự khác biệt giữa công đức và phước đức: một cái là tu chấp tướng, một cái là tu lìa tướng, khác biệt ở chỗ này; về mặt sự tướng tuy không có sai biệt nhưng dụng tâm thì không như nhau. Kinh nghiệm trong công việc của họ rất phong phú, rất nhiều điểm đáng để chúng ta học tập. Chúng tôi đến chỗ họ tham quan một lần chính là học một buổi học.

Hôm qua Giám Mục trong giáo hội của họ, vị này có địa vị cao nhất trong giáo hội; phía dưới họ có hội trưởng, có Mục Sư, trong tổ chức của họ từng cấp một phân biệt rất rõ ràng. Vị Giám Mục này trò chuyện với cư sĩ Lý về những điều hết sức quan trọng thiết yếu! Đây là trọng tâm cuộc viếng thăm của chúng tôi, là khóa học để chúng tôi học tập. Chúng ta có thể xem nhiều lần, nghe nhiều lần, các bạn mới học có thể mở cho họ xem, là tài liệu vô cùng tốt. Hôm qua tôi xem xét bốn phía, không có người nào quay lại, điều này cho thấy những người học Phật chúng ta không có trí huệ, không có tâm từ bi, đi tới đâu cũng chỉ là xem qua loa rồi thôi, không biết là mỗi một nơi chúng ta đi tham quan đều là đang đi học, đều là đang lên lớp. Học ưu điểm của người khác, loại bỏ khuyết điểm của người khác thì chúng ta mới có tiến bộ.

Phật dạy chúng ta tinh tấn, tinh tấn từ đâu mà có? Tinh tấn từ những điểm này mà có. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham bái thiện tri thức, ghi chép lại đều là kinh điển. Hôm qua chúng ta đi viếng thăm hỏi đáp đều không ai ghi chép. Hiện tại nhờ vào khoa học kỹ thuật nên không cần ghi chép nữa, chúng ta quay phim, ghi âm lại, quay lại hoàn cảnh, đó là tài liệu tốt nhất, vậy mà chúng ta còn không biết sử dụng. Những chỗ này chúng ta phải tiếp thu kinh nghiệm mấy mươi năm của họ, người xưa gọi là “nghe giảng một lúc còn hơn mười năm đọc sách”. Những tư liệu quý báu này, chúng ta phải biết thu thập. Chúng ta thường phát tâm phải phổ độ chúng sanh, lấy cái gì để phổ độ chúng sanh đây? Chúng ta dùng nguyên lý nguyên tắc của người xưa và phương pháp cách làm hiện nay, sự kết hợp như vậy là khế lý khế cơ. Những phương pháp thời xưa tuy hiện nay không thích hợp sử dụng nhưng nguyên lý nguyên tắc nhất định phải tuân thủ, đó là khế lý! Phương pháp, cách làm mà người ngày nay sử dụng, chúng ta học theo là khế cơ! Tôi ở nơi này đặc biệt nhắc nhở các vị đồng tu, không chỉ là chúng ta chính thức viếng thăm các tôn giáo khác mà người biết học sẽ giống Thiện Tài Đồng Tử, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ người nào, bất cứ việc gì, bất cứ vật nào đều là giáo trình học tập, đều là chỗ để Bồ-tát học tập.

Cơ Đốc giáo không giống chúng ta, chúng ta gọi nhau là đồng tham, liên hữu, họ không như vậy, họ gọi là anh chị em, cũng giống như chúng ta gọi là đồng học, đồng tham vậy. Họ nói chuyện với tôi rất nhiều, tôi cũng rất thành khẩn nói với họ, họ đã chăm sóc những người già rất tận tâm tận lực, chúng tôi thấy vô cùng cảm động, rất kính phục, nhưng sự nghiệp mà tôn giáo làm không thể chỉ hạn chế ở việc chăm sóc đời sống tinh thần vật chất mà thôi, như vậy không đủ! Sự nghiệp từ thiện thế gian làm đến như vậy thì cũng được rồi, nhưng [trong tôn giáo] chúng ta phải giúp họ thực sự được sanh lên Thiên Đường.

Cơ Đốc giáo là sanh thiên đường, các vị nếu không thể giúp những người già này sanh lên thiên đường, vậy thì các vị đã thất trách rồi, có lỗi với Thượng Đế. Thế nên tôi nhắc nhở họ, đối với người già phải đặc biệt lưu ý cơ hội giáo dục. Chúng ta ở nơi của họ nhất định phải thuận theo họ, chúng ta không thể dạy họ niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc, điều này không được, đây là phá hoại đạo tràng của người ta. Đạo không hủy báng đạo, người trong nghề tán thán nhau! Nhất định không có hủy báng.

Các vị phải cầu sanh thiên đường, phải giúp đỡ những người này đều được sanh thiên đường, nhất định phải tìm cơ hội giáo dục cho người già, khuyên bảo họ, dẫn dắt họ sanh khởi tín tâm, tăng trưởng tín tâm. Khai thị cho người già thời gian phải ngắn, một câu nói thừa cũng không nên, thời gian tốt nhất không quá mười phút. Trong một ngày ít nhất phải khai thị ba đến năm lần, một lần không vượt quá mười phút, họ nghe rồi rất hoan hỷ. Nói nhiều quá họ sẽ nói các vị lắm lời, họ cũng không đủ tinh thần để tiếp nhận, năm phút đến mười phút là lý tưởng nhất.

Giúp đỡ người già vận động, chúng tôi hôm qua nhìn thấy rồi. Để người già xem chương trình ti-vi mà họ thích xem, chúng ta phải giúp họ chọn lựa, điều này chúng ta đều không chú ý tới. Giống như lần trước chúng tôi tới viếng thăm viện dưỡng lão của đạo Thiên Chúa, viện trưởng của họ vô cùng khiêm tốn đã tới hỏi tôi, tôi liền nói với ông ấy. Tôi nói đời sống vật chất đã được chăm sóc vô cùng chu đáo. Đạo Thiên Chúa đích thực rất tốt, có tấm lòng yêu thương, nhưng đời sống tinh thần còn bị thiếu sót. Ông ấy nói chúng tôi cũng có [chăm sóc], thường tìm những người trẻ tuổi, những học sinh tới đây ca hát, phục vụ người già nhưng họ không thích nghe. Tôi nói tôi cũng không thích nghe, người trẻ tuổi hiện nay hát hò nhảy múa ồn ào! Ông nhất định phải hiểu được những người già này là người thời đại nào, nếu ông lấy những bài hát của nửa thế kỷ trước ra hát cho họ nghe thì họ sẽ rất thích, họ sẽ hoài niệm. Không thể dùng cái mới, cái mới người già nhất định không thể tiếp nhận được. Cho nên nhất định phải xem họ là người thời đại nào, chúng ta phải cho họ những niềm vui như thế nào. Chúng ta chính mình không biết thì đi hỏi họ, thỉnh giáo họ, “Ông bà thích nghe cái gì? Thích xem cái gì?” Họ sẽ nói cho bạn biết, bạn theo đó mà thu thập những tư liệu mà họ thích để giúp đỡ họ, họ liền hoan hỷ. Ông ấy không hiểu tâm tình của người già, thế nên cách ông làm không những không thể giúp họ, ngược lại cái mà họ đang nghe, đang xem còn khiến họ cảm thấy khổ sở hơn! Lúc này thì ông ấy đã hiểu.

Tôi nói ông ấy đi tìm kịch Triều Châu xưa, ở chỗ họ người Triều Châu rất nhiều, cái này họ thích xem. Thế nên nhất định không thể lấy những thứ hiện đại của phương tây, những thứ này người già không tiếp nhận được. Hôm qua tới nơi đó, tôi nói chúng tôi quên mang theo “Tế Công Truyện”, cái này rất được hoan nghênh, ở chỗ chúng tôi có rất nhiều. Cho nên phải quan sát một cách tỉ mỉ mà học tập.

 Hôm qua cư sĩ Lý cũng tiết lộ một tin tức, chúng tôi muốn làm Thôn văn hóa đa nguyên. Hôm qua người ta hỏi chúng tôi, các tôn giáo đều có các hoạt động phúc lợi từ thiện như chăm sóc người già, chăm sóc người bệnh khổ, chăm sóc cô nhi, rất nhiều! Ông ấy hỏi: “Phật giáo của các ông có làm hay không?” Nếu như hỏi các vị, các vị phải trả lời làm sao? Cư sĩ Lý nói rất hay: “Thật ra mỗi một ngôi chùa trong Phật giáo chúng tôi đều là viện dưỡng lão, mỗi một ngôi chùa đều tổ chức từ thiện phúc lợi xã hội, làm còn thù thắng hơn các vị. Người già trong chùa của chúng tôi được tự do, đến Cư sĩ lâm mà xem, đích thực là như vậy.” Mỗi ngày có rất nhiều người già đến đó, họ trò chuyện, làm nghĩa công, rửa rau, cuộc sống vô cùng vui vẻ, họ nấu nướng cho rất nhiều người ăn, ở trong nhà bếp làm nghĩa công là tu phước!

Tổ sư cũng không ngoại lệ, Lục tổ Huệ Năng đại sư năm đó ở Hoàng Mai tám tháng, ở bếp giã gạo chẻ củi, cũng làm những công việc chân tay này. Các vị xem trong truyện ký có ghi chép, Hàn Sơn đại sư, Thập Đắc đại sư ở chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai ở trong bếp làm tạp vụ, hòa thượng Phong Can làm những công việc giống như Lục tổ Huệ Năng, giã gạo, xay bột. Đến sau này người ta mới biết hòa thượng Phong Can là A Di Đà Phật tái lai, đại sư Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù và Phổ Hiền Bồ-tát. Phật Bồ-tát ở trong nhà bếp tu phước cúng dường cho đại chúng. Chúng ta nhìn những việc này thì không muốn làm, còn Phật Bồ-tát thì đi làm.

Cho nên chúng ta chăm sóc người già, phương pháp chăm sóc của chúng ta không giống với họ, [người già của chúng ta] vừa nhặt rau vừa niệm A Di Đà Phật. Niệm như vậy thì không cần lần chuỗi, ngắt một cọng rau, A Di Đà Phật! Rửa một cọng rau, A Di Đà Phật! Các vị xem không giống các tôn giáo khác.

Tối hôm qua tôi lên lầu một của Cư sĩ lâm thì thấy ti-vi được lắp rồi, trong ti-vi có giảng kinh, [người già] nghe kinh, niệm Phật, làm việc cùng nhau. Còn có một số đồng tu lớn tuổi mỗi ngày cùng nhau trò chuyện, so với sự nghiệp phúc lợi cho người già mà các tôn giáo khác làm đích thực là chúng ta có đặc sắc riêng. Chúng ta cũng hoan nghênh họ tới viếng thăm, đến xem cuộc sống của người già ở nơi chúng ta.

 Tối hôm qua tôi bèn nghĩ tới, tôi nói với hội trưởng tôi muốn làm một đĩa video đặc biệt về cuộc sống của người già, cuộc sống của các em nhỏ ở vườn Tâm Canh (vun xới đất tâm) nơi chúng ta. Sau đó tặng cho các tôn giáo khác xem. Họ bình thường không tiếp xúc với chúng ta, không biết chúng ta làm gì, chỉ là tưởng tượng không có căn cứ, đại khái cho rằng chúng ta chỉ thắp nhang lễ Phật chứ không nhìn thấy bên trong của chúng ta. Chúng ta đi viếng thăm họ, chúng ta nhìn thấy họ, họ không nhìn thấy chúng ta. Cần giao lưu qua lại, quan sát học hỏi lẫn nhau như vậy.

Đối với người neo đơn không nơi nương tựa chúng ta phải đặc biệt thương xót, đặc biệt chăm sóc; không những phải chăm sóc họ mà còn phải giáo dục họ. Nho giáo và Phật giáo đều dạy chúng ta [như vậy]. Nhà Nho nói rằng “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư” (làm lãnh đạo [dẫn dắt] dân, làm cha mẹ [nuôi dưỡng] dân, làm thầy [dạy bảo] dân), đã dạy vô cùng rõ ràng. Phật có dạy hay không? Phật dạy chúng ta cũng phải như vậy, lời Phật dạy nằm trong rất nhiều kinh luận. Lý luận thù thắng nhất, vĩ đại nhất của nhà Phật là hết thảy chúng sanh đều đồng một thể, lý niệm này rất vĩ đại! Hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới đều là một tâm, một tự tánh, một pháp thân. Nếu chúng ta không thể từ chỗ này nhận biết được thì không phải là chân thật học Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm có nêu điều kiện, người chân thật học Phật nếu các vị vẫn còn vọng tưởng rằng: “Vị Phật này thù thắng, vị Phật kia kém một chút; Phật này lớn, Phật kia nhỏ” thì các vị là phàm phu, vĩnh viễn sẽ không giác ngộ, cánh cổng giác ngộ của các vị đã khép kín rồi, điều này chúng ta phải biết.

Phật pháp là pháp bình đẳng. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn tán thán A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”(ánh sáng tôn quý nhất, là vua của các vị Phật), phải hiểu được đó là cách nói phương tiện, chư Phật Như Lai là bình đẳng. Tại vì sao Phật lại nói lời này? Khích lệ chúng ta nương tựa vào A Di Đà Phật, đới nghiệp vãng sanh thì đời này mới có thể được độ thoát. Nếu không thân cận A Di Đà Phật, không cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc dù tu học bất kỳ pháp môn gì, đều phải đoạn trừ phiền não, đoạn hoặc chứng chân, việc này rất khó, e rằng trong thế gian chúng ta không ai có thể làm được. Đây là những lời đại từ đại bi, khổ tâm và bất đắc dĩ của chư Phật Như Lai, chúng ta phải hiểu. Cho nên vãng sanh không khó, nhưng nâng cao phẩm vị thì không dễ dàng. Nếu quý vị có nhận thức đúng đắn, biết được Phật pháp là pháp bình đẳng thì đối với việc nâng cao phẩm vị sẽ dễ dàng thôi. Nếu còn phân biệt, còn đẳng cấp thì phẩm vị sẽ không cách nào nâng cao lên được.

Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Xin mời xem đoạn thứ 53 trong Cảm Ứng Thiên, đoạn này chỉ có một câu:

 Khí pháp thụ lộ.” (Bỏ qua pháp luật, nhận của hối lộ)

Trong chú giải, từ câu này cho tới câu “Kiến sát gia nộ” (Thấy người khác bị xử tội chết mà còn oán giận), đều là nói về hình sự, quan tòa xử lý vụ án không tuân thủ pháp luật, nhận hối lộ. Hiện nay không chỉ là quan tòa xử lý vụ án mà trong chú giải nói rất hay: “Phàm là nha dịch, thư lại đều bao gồm ở trong đó”, chứ không phải chỉ nói đến quan tòa phán tội. Hiện tại rất nhiều quốc gia khu vực, việc lừa gạt, hối lộ trong xã hội đã trở nên vô cùng bình thường. Thậm chí mọi người trong xã hội cho rằng đó là chuyện bình thường, không có gì lạ lẫm. Cho nên có quyền, có thế, có tiền thì làm chuyện gì cũng dễ dàng.

Mặc dù như vậy, những người thông minh cũng biết cách lách luật, chúng ta từng nghe nói qua, pháp luật là chế định ra cho người nào? Là cho người tốt, cho người tuân theo pháp luật, thậm chí có người nói là dành cho người khờ, người ngốc. Họ đều không biết được nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai. Phàm là người cố ý phạm pháp, người biết mà cố tình vi phạm, nhiễu loạn xã hội, khiến nhân dân không còn chốn nương thân, gặp chuyện thì không biết làm sao làm cho tốt, thái độ, hành vi như vậy, trời người đều phẫn nộ. Trước mắt cho dù chiếm được một chút lợi ích nhưng quả báo sau này không thể tưởng tượng được.

Thế nhưng ngày nay có mấy người tin tưởng vào nhân quả báo ứng, có mấy người tin tưởng vào kiếp sau chứ? Mặc dù những chuyện này ở trong khoa học cũng có rất nhiều chứng minh, người phương Tây cũng dùng khoa học kỹ thuật tiên tiến để thăm dò cái gọi là tình trạng của thế giới tâm linh. Nửa thế kỷ gần đây thành quả cũng tương đối lớn lao, biết bao nhiêu người đã nhìn vào chân tướng sự thật này, không thể không tin. Mặc dù như vậy, một số kẻ làm điều phi pháp vẫn không tỉnh ngộ, không biết quay đầu, vẫn xem trọng lợi ích trước mắt như cũ, không hề nghĩ đến quả báo về sau, đây là [người] không quan tâm đến bất kỳ thứ gì, còn chúng ta phải giác ngộ, chúng ta phải hiểu rõ.

Thế Tôn thuyết pháp, “ba lần chuyển pháp luân” cũng là dùng ba loại phương thức khác nhau để dạy bảo khuyên nhủ chúng sanh. Thứ nhất gọi là “thị chuyển”, là chỉ ra cho các vị, gợi ý cho các vị. Người thượng căn lợi trí, Phật vừa gợi ý thì họ liền hiểu, liền thông đạt, liền giác ngộ. Người căn tánh thấp hơn một bậc vẫn chưa thể giác ngộ thì Phật dùng phương pháp khuyên bảo rõ ràng, như trong kinh điển chúng ta thấy Thế Tôn gọi tên một ai đó; gọi tên rồi liền giảng cho người đó, đây là “khuyến chuyển”. Người thông minh thì không cần phải gọi tên, Phật chỉ cần nói hoặc có một động tác, một cử chỉ thì họ liền hiểu.

Lần này chúng tôi tổ chức hai đợt giảng kinh ở Kuala Lumpur. Ngày đầu tiên tôi đi xem hiện trường, tôi ngồi trên bục, cảm thấy ánh đèn chiều rất nóng, chiếu trong hai giờ đồng hồ thì vô cùng khổ sở. Tôi ở đó gọi pháp sư Ngộ Hoằng, tôi nói: “Con thấy ánh đèn này như thế nào?”, gợi ý cho Ngộ Hoằng. Cậu ấy nói: “Rất tốt, rất tốt”. Tại sao tôi lại không nhắc đến cái khác? Thực sự là không chịu nổi nên mới hỏi: “Con thấy thế nào?”. Các vị lên trên bục này ngồi một lát thì các vị liền hiểu được, liền cảm thấy rất nóng! Đây là gợi ý, lập tức phải biết, lập tức phải hiểu được. Người ta lắp bóng đèn ở nơi cao như vậy không dễ dàng gì, lắp rất vất vả, cho nên vừa gợi ý thì phải hiểu được.

Phương pháp dạy học thứ ba là “tác chứng”. Tác chứng như thế nào? Giống như ở dưới ánh đèn đó giảng hai giờ đồng hồ, người cũng muốn ngất đi rồi thì mọi người mới biết ánh đèn đó quá nóng, ngày thứ hai giảng không nổi nữa, đây chính là tác chứng, chứng minh cho quý vị xem. Thế gian hiện tại chúng ta nhìn thấy rất nhiều sự tích tác chứng chuyển này. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều chuyện cảm ứng, đó là tác chứng chuyển.

Lần hoằng pháp này thời gian mặc dù ngắn, chỉ có hai ngày nhưng cũng có rất nhiều tướng lành, rất nhiều người nhìn thấy, đều đến kể cho tôi nghe. Khi phóng sanh thì nhìn thấy A Di Đà Phật; lúc thỉnh pháp thì nhìn thấy Phật quang. Rất nhiều tướng lành, đây đều chứng minh cho chúng ta thấy, đặc biệt thù thắng nhất là chúng ta nhìn thấy rất nhiều tướng lành vãng sanh của các đồng tu niệm Phật. Nếu như mọi người đều bình tâm mà quan sát tỉ mỉ thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả, hiện tại quả báo đến rất nhanh, đây đều là chứng minh cho chúng ta xem. Chúng ta nghe thấy rồi, nhìn thấy rồi, phải quay đầu, quay đầu là bờ, đời người rất ngắn ngủi.

Ngày hôm qua bên Nam Kinh có gọi điện thoại cho tôi, trường trung học Nam Kinh có hai vị hiệu trưởng muốn đến thăm chỗ chúng ta vào thứ Bảy này. Trong đó có vị hiệu trưởng Quan là bạn cùng lớp với tôi, lúc còn đi học chúng tôi không những cùng lớp mà còn ngồi chung một bàn, một chiếc bàn hai học sinh ngồi. Năm đó mới mười mấy tuổi, hiện tại đã hơn bảy mươi rồi, nghĩ tới năm xưa cứ ngỡ như ngày hôm qua vậy, bạn nói xem cuộc đời này có ý nghĩa gì chứ? Nhân sanh khổ đau ngắn ngủi. Họ đến đây vào tối ngày 31, e là không thể nghe tôi giảng kinh rồi, ngày hôm sau là chủ nhật, tôi tiếp đãi ông ấy một ngày, thứ hai tôi phải đi Hồng Kông rồi. Tốt, nói ông ấy tới niệm Phật đường niệm Phật, niệm Phật đường của chúng ta niệm Phật hai mươi bốn giờ đồng hồ không ngừng nghỉ, đến nơi đó niệm Phật cũng xem như là trồng chút thiện căn, lần này ông từ Singapore tới cũng không uổng công.

Trồng thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định có ác báo, quả báo rất nhanh chóng, rõ ràng. Thế nên tôi thường khuyên bảo khích lệ các đồng tu, làm chuyện tốt nhất định phải tuân thủ pháp luật, không thể nói làm việc tốt thì có thể vi phạm pháp luật được. Vi phạm pháp luật là điều vô cùng bất đắc dĩ, hơn nữa phải có trí huệ cao minh, chúng ta nếu không có trí huệ mà học theo phương tiện thiện xảo của Bồ-tát, sau này gây ra họa lớn, gọi là “dục tốc bất đạt”. Chân thật có trí huệ cao minh thì sẽ tùy cơ ứng biến, họ biết rõ đang gặp phải vấn đề gì, làm sao có thể hóa giải vấn đề họ đều rất rõ ràng, rất minh bạch. Các vị làm, sau khi có vấn đề thì lúng ta lúng túng, không có năng lực hóa giải, đây là quyết định sai lầm.

Thông thường các đồng tu nghe nói việc nào đó có công đức lớn thì nhanh chóng đi làm, chỉ ham cái lợi trước mắt, tâm không thanh tịnh rồi. Việc tốt này thực tình mà nói chi bằng không có việc gì. Vì sao vậy? Quả báo của việc tốt tu phước này là phước báo nhân thiên hữu lậu, các vị nhất định chỉ có được phước báo này. Có được phước báo rồi các vị nghĩ xem có thể không tạo nghiệp hay sao?

Chúng ta nhìn xem xã hội trước mắt, người làm quan lớn, phát tài to đều là đời trước tu phước ở trong cửa Phật, đời này họ có địa vị, có quyền thế, có tài phú, họ tạo ra những nghiệp gì? Hitler đời trước là người đại thiện, thế nên mới có thể làm quốc vương, mới có thể giết mấy triệu người mà không cần đền mạng. Phàm phu giết một người thì phải đền mạng, ông ấy giết mấy triệu người không cần đền mạng, quý vị nói xem phước báo lớn biết bao? Người giàu có thì ngày ngày đều ăn thịt chúng sanh, ăn rồi thì tương lai phải trả nợ, trong kinh Phật đã nói rất rõ ràng, ăn nửa ký thịt thì đời sau phải trả cho chúng tám lạng, các vị nói xem chẳng phải xong rồi sao! Thế nên vẫn không bằng người nghèo khổ, cơm canh đạm bạc, ít tạo nghiệp. Đạo lý này chúng ta phải hiểu được. Cho nên Phật dạy chúng ta tu thiện, phía trước có một câu nói, “ly nhất thiết tướng, tu nhất thiết thiện” (Lìa hết thảy hình tướng, tu hết thảy việc thiện). Vậy là đúng rồi, đây là Bồ-tát hạnh, là sự nghiệp của Bồ-tát, lìa tướng mà tu thiện.

Vào đời nhà Đường, cư sĩ Bàng Uẩn thị hiện cho chúng ta xem, ông ấy chính là khuyến cáo những người thế gian chỉ biết ham cái lợi trước mắt. Vì sao họ lại đi làm chuyện tốt vậy? Là cầu xin quả báo, vì muốn được quả báo tốt mà đi làm nhiều việc thiện một chút, đoạn ác tu thiện. Phật dùng phương pháp này khuyên mọi người, là để khuyên những người thế tục vẫn chưa muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, những người hạ hạ căn, tầm nhìn cạn cợt, không muốn thoát ly luân hồi nên Phật dạy cho họ phương pháp này. Căn tánh trung thượng thì Phật nhất định khuyên bảo họ nên giác ngộ, cần phải siêu vượt lục đạo, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, đây là sự từ bi chân thật của Phật.

Cư sĩ Bàng Uẩn đã thị hiện cho chúng ta xem. Biểu diễn điều gì? “Việc tốt không bằng không việc gì”. Gia đình ông tương đối giàu có, ông học Phật khai ngộ, chân thật minh bạch rồi, đem kim ngân tài bảo trong nhà chuyển lên một chiếc thuyền lớn, chèo thuyền ra giữa sông Trường Giang thì đục thuyền cho chìm xuống, tất cả đều chìm xuống đáy sông, cái gì ông cũng không còn nữa. Người khác nhìn thấy liền hỏi ông: “Bàng cư sĩ à, những tiền tài này ông không cần nữa, tại sao không đem đi làm việc tốt như cứu tế người khác?” Ông chỉ trả lời một câu “Việc tốt không bằng không việc gì”, không có việc gì thì mới chân thực là việc tốt.

Xã hội ngày nay tại sao lại loạn như vậy? Cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói rất hay, trong xã hội này người tốt quá nhiều rồi. Chúng tôi nghe xong không hiểu, người tốt nhiều không phải là chuyện tốt sao, vậy thì quá tốt mà! Phía sau Ngài ấy có thêm một câu, viết thêm bốn chữ trên bảng đen: “hảo nhân háo sự” nghĩa là người tốt tham việc, sau đó vẽ một vòng tròn quanh chữ “háo sự”, vẽ vòng tròn là thể hiện chữ này đa âm đa nghĩa, người tốt là gì? Là người háo sự. Mỗi một người đều háo sự, đều giành nhau làm chuyện tốt thì phiền phức lớn rồi. Việc tốt chân thực, Phật dạy chúng ta tùy duyên chứ không phan duyên, vĩnh viễn giữ gìn tâm địa thanh tịnh bình đẳng. Tâm thanh tịnh, bình đẳng, từ bi thì các vị làm việc nào cũng là việc tốt, chân thật là việc tốt. Nếu như tâm không thanh tịnh, không bình đẳng, không từ bi, “không từ bi” này nói như thế nào? Người bạn thích thì từ bi, người bạn không thích thì một chút từ bi cũng không có, từ bi như vậy là không thật, từ bi như vậy là không bình đẳng, không thanh tịnh. Nhà Phật gọi đó là “ái duyên từ bi”, việc tốt mà làm như vậy thì không phải là việc tốt chân thật. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa chân thật của lời Phật dạy, trong phần khai kinh kệ mỗi ngày đều đọc “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, hiểu được ý nghĩa chân thật thì chúng ta mới là học trò tốt của Phật, mới có thể chân chánh y giáo phụng hành.

Các vị đồng học nhất định phải ghi nhớ, lời Phật dạy không phải là từ ý của Phật mà ra. Nếu như từ ý của Ngài, chúng ta đi theo Ngài thì bị Ngài xỏ mũi rồi, đây không được xem là hảo hán, vậy Phật cũng ức hiếp người. Tất cả những gì Phật dạy là từ trong chân tâm bổn tánh hiển lộ ra bên ngoài, không có ý của Ngài ở trong đó. Chân tâm là đồng tâm với hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới, các vị phải biết chân tâm đều là tương đồng, vọng tâm thì không tương đồng. Bổn tánh là giống nhau, tập tánh thì không giống nhau. Cho nên lời Phật dạy từ trong chân tâm bổn tánh hiển lộ ra, chúng ta thuận theo lời Phật dạy, chính là thuận theo chân tâm bổn tánh của chính mình. Do đó chúng ta đối với Phật pháp tâm phục khẩu phục, hóa ra Thế Tôn gọi hết thảy chúng sanh ai ai cũng là người đội trời đạp đất (hoàn toàn tự lập tự quyết).

Thế nên trong kinh luận cũng thường tán thán Phật Bồ-tát là “Vô y đạo nhân” (bậc đạo nhân không dựa theo ai), “y” tức là chỗ dựa. Chân tánh không hề có chỗ dựa, vọng tâm vọng thức đều cần chỗ dựa, nó phải dựa vào chân tâm, dựa vào chân tánh, rời khỏi chân tâm chân tánh thì nhất định không thể nào có vọng tâm vọng thức. Cho nên một cái có chỗ dựa, một cái không có chỗ dựa, không có chỗ dựa mới là mình chân thật, có chỗ dựa thì liền sai rồi. Chúng ta trong pháp đại thừa nhìn thấy Nhất chân pháp giới không có chỗ dựa, thập pháp giới thì có chỗ dựa, lục đạo thì có chỗ dựa. Những điểm này chúng ta suy ngẫm nhiều một chút mà xem, sau đó thực hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, làm thế nào để đoạn ác tu thiện, làm thế nào để phá mê khai ngộ thì ít nhiều chính mình cũng có khái niệm.

Thường xuyên phải đọc kinh, thường xuyên phải xem chú giải, chú thích của các vị đại đức xưa, biết được chính mình phải làm thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Trong đối nhấn xử thế tiếp vật đều có thể tương ứng với lời dạy bảo trong kinh luận thì liền tương ưng với chân tâm tự tánh, đây mới thực sự là công đức, sẽ không còn rơi vào hiểu lầm, không còn làm sai nữa.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta cùng nhau học đến đây. A Di Đà Phật!