Liễu Phàm Tứ Huấn – Làm Chủ Vận Mệnh – Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn | Biên tập: Minh Tâm | Thời gian: 16.04.2001
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng | Thâm Quyến_Trung Quốc
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới. “Dĩ thượng sự, nhi kiêm hành hạ công, vị vi thất sách, chấp hạ nhi muội thượng, tắc chuyết hỉ”. Đây là thái độ học tập, cũng rất quan trọng. Hàng thượng căn tuy sửa đổi từ tâm, bắt đầu sửa từ chỗ khởi tâm động niệm, nhưng tuyệt đối không thể lơ là sự tướng. Không thể nói tâm tôi rất thanh tịnh, không cần tuân thủ giới điều, đây là sai lầm. Sai ở đâu? Mặc dù có chân công phu, công phu của quý vị không phải thật sự, vì sao vậy? Vì người có chân công phu, nhất định có từ bi thật sự. Nếu có từ bi thật sự, quý vị nhất định làm nên tấm gương, làm nên mô phạm cho mọi người noi theo. Đây là lợi tha, tự lợi lợi tha, cho nên đây là đúng, là chính xác. Nghĩa là hàng thượng căn nhất định phải từng giờ từng phút chăm sóc hàng hạ căn. Chúng ta đối với giới điều của đức Thế Tôn chế định, phải tuân thủ tất cả. Từ giới điều suy ra là pháp luật của quốc gia, chúng ta nhất định tuân thủ. Trì giới, theo nghĩa rộng mà nói chính là tuân thủ pháp luật.
Trong giới kinh của đại thừa, Đức Phật nói rất rõ ràng minh bạch. Trong Kinh Phạm Võng nói với chúng ta, Bồ Tát nhất định phải tuân thủ “không hủy báng quốc chủ”. Quốc chủ là hiện nay gọi là người lãnh đạo quốc gia, tuyệt đối không được hủy báng. Trong Anh Lạc Bồ Tát Giới Kinh nói: “không trốn thuế nước”. Từ xưa đến nay Trung quốc hay nước ngoài, quốc dân đối với quốc gia có nghĩa vụ nạp thuế, không được trốn thuế. Như những điều này đều thuộc về trì giới. Hiến pháp, pháp lệnh quy chương của quốc gia, đây là có hình. Vô hình là quan niệm đạo đức, phong tục tập quán của chúng ta, đều phải tuân thủ.
Trong xã hội hiện nay, giao thông phương tiện nhanh nhẹn, truyền thông phát triển, chúng ta thường có cơ hội ra nước ngoài du lịch. Đến đất nước người ta, pháp luật của họ không giống với chúng ta, phong tục tập quán của họ không giống chúng ta. Nhập cảnh tùy tục, đến đất nước người ta nhất định phải tuân thủ pháp lệnh quy chương của người ta, tuân thủ phong tục tập quán của người ta, đều ở trong trì giới. Cho nên trong giới luật bao hàm rộng lớn vô biên, chúng ta đều phải hiểu.
Nếu “chấp hạ nhi muội thương”, chấp trước vào những pháp lệnh quy chương này “tôi tuân thủ mọi thứ”, nhưng không hiểu lý, cũng không hiểu sửa đổi từ tâm. Sửa bằng cách đó rất ngu ngốc, đây không phải là phương pháp thông minh. Nhưng cũng là cách hay, có thể tuân thủ như vậy thường rất ít sai lầm. Sai lầm là điều không thể tránh, nhưng có thể giảm ít lỗi lầm. Cho nên ông nói với chúng ta, sửa lỗi lầm phải có ba loại tâm, cũng có ba loại công phu khác nhau, điều này nói rất rõ ràng minh bạch.
Đoạn bên dưới nói về hiệu quả sửa lỗi, sau khi sửa lỗi sẽ xuất hiện cảnh giới như thế nào. Cũng chính là nói, chúng ta thấy được hiệu quả như thế nào, thành tích như thế nào.
Mời xem bài văn này: “Cố phát nguyện cải quá, minh tu lương bằng đề tỉnh, u tu quỷ thần chứng minh, nhất tâm sám hối, trú dạ bất đãi”. Chữ “cố” nói như hiện nay nghĩa là “nhưng”, nhưng phàm phát nguyện sửa lỗi, cần có sự giúp đỡ. “Minh” là rõ ràng, cần “lương bằng đề tỉnh”, phải có bạn tốt luôn nhắc nhở mình. Vì sao vậy? Vì phàm phu hay quên, chớp mắt là quên. Chư vị thử nghĩ xem, nếu có một người ở trước mặt chúng ta, là bạn tốt của mình, luôn nhắc nhở mình, quý vị có chê họ nhiều chuyện chăng? Thật vậy, đúng là chê họ nhiều chuyện, chê họ phiền phức.
Cho nên Phật giáo dạy học, chúng ta không thể không khâm phục sự thông minh trí tuệ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài dùng phương pháp gì? Phương pháp này hiện nay trong trường học gọi là công cụ dạy học. Ngài dùng danh hiệu, ngài dùng nghệ thuật từng giờ từng phút nhắc nhở chúng ta. Danh hiệu, ví dụ danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật, đây không phải là danh hiện của ngài. Tên chính của ngài, trong kinh điển ghi chép là Tất Đạt Đa, nhưng ngài có thói quen dùng danh hiệu này, danh hiệu này là nhắc nhở chúng ta. Ngày xưa cổ nhân dịch kinh, hoàn toàn dùng âm tiếng Phạn để dịch Thích Ca Mâu Ni Phật, không dịch ý của nó ra. Người thời hiện đại chúng ta, nghe đến danh hiệu này cảm thấy mê hoặc không hiểu ý gì, nhưng cổ nhân hiểu. Ngày xưa nhiều người giảng kinh, nhiều người dạy học, vì đa phần các tự viện đều là trường học. Người xuất gia chính là thầy giáo, họ ngày ngày tự nghiên cứu, rồi giảng dạy, dạy học cho đại chúng. Tự viện là trường học, cho nên mọi người đều hiểu.
Thích Ca nghĩa là nhân từ. Chúng ta đối nhân tiếp vật thiếu nhân từ, thường nghĩ đến tự tư tự lợi, tổn người lợi mình. Đều khởi ý niệm này, làm những chuyện này, như vậy là sai. Cho nên Thế Tôn dùng danh hiệu Thích Ca này, nghe đến danh hiệu này, ta đối nhân phải nhân từ, phải quên mình vì người. Hai chữ Mâu Ni nghĩa là thanh tịnh, phải thanh tịnh đối với mình, phải nhân từ đối với người khác. Dùng danh hiệu này thường nhắc nhở chính mình, chúng ta niệm danh hiệu này để nhắc nhở mình. Nghe người khác niệm danh hiệu này, cũng nhắc nhở mình. Trong nhà mình có nơi thờ Phật, hoặc có một phòng khách, trong phòng khách chúng ta đặt một tượng Phật, viết tên của Phật hai bên giống như câu đối vậy. Đây là tràng phan quý vị thường thấy ở trong các chùa, trên phan viết đều là danh hiệu Phật Bồ Tát, có mục đích gì? Nhắc nhở chúng ta.
Trong Phật giáo dùng phương pháp này, tượng Phật, tượng Bồ Tát cũng là nhắc nhở chúng ta, khiến chúng ta nhìn vào là biết nó tượng trưng ý gì. Thích Ca Mâu Ni Phật tượng trưng nhân từ, thanh tịnh. Ở đất nước chúng ta thờ Bồ Tát Quán Thế Âm nhiều nhất, Bồ Tát Quán Thê Âm tượng trưng từ bi, đại từ đại bi. Đại từ đại bi nói như hiện nay là tâm yêu thương không có điều kiện, yêu thương tất cả chúng sanh. Chúng sanh có khổ nạn, toàn tâm toàn lực giúp họ vô điều kiện, đây là Bồ Tát Quán Thế Âm. Thấy tượng Bồ Tát Quán Thế Âm liền nghĩ đến, tôi phải từ bi đối với tất cả chúng sanh, cũng vô điều kiện giống như Bồ Tát Quán Thế Âm, giúp đỡ tất cả chúng sanh vậy.
Bồ Tát Quán Thế Âm là ai? Bồ Tát Quán Thế Âm chính là ta. Nhắc nhở mình, dùng tôn tượng này, dùng danh hiệu này nhắc nhở mình, mình phải học theo Bồ Tát Quán Thế Âm, mình phải học làm Quán Thế Âm Bồ Tát, chính là ý này. Cho nên công đức thờ Phật rất lớn, công đức lớn ở đâu? Chính là lớn ở đây, thường nhắc nhở mình.
Thờ tượng Bồ Tát Địa Tạng, Địa Tạng Vương Bồ Tát tượng trưng hiếu, hiếu thân. Địa là đại địa, Tạng là bảo tạng. Chúng ta sống trên địa cầu này, không thể tách rời đại địa, ăn ở của chúng ta đều nhờ đại địa cung cấp. Trên đất, vật sinh trưởng, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cần đến ngũ cốc lương thực, đây là bảo tạng do đất sanh. Tài nguyên chôn dưới đất rất nhiều, đều là kim ngân châu bảo, cung cấp nhu cầu cho cuộc sống chúng ta.
Đức Phật dùng Địa tượng trưng “tâm địa” của chúng ta. Tạng trong tâm địa chân tâm của chúng ta có vô lượng trí tuệ, có vô lượng năng lực_đức chính là năng lực, có vô lượng tướng hảo, cần chúng ta khai thác. Dùng phương pháp gì để khai thác? Dùng hiếu thân tôn sư, chính là hiếu đạo và sư đạo. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện chính là nói về hiếu đạo và sư đạo, đùng điều này để khai thác. Cho nên chúng ta nhìn thấy tượng Bồ Tát Địa Tạng, nghe đến danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, chúng ta phải hiểu cách hiếu thân tôn sư, nó luôn nhắc nhở chúng ta.
Bồ Tát Văn Thù nhắc nhở ta về trí tuệ, phải cầu trí tuệ. Bồ Tát Phổ Hiền nhắc nhở ta phải thực hành trong cuộc sống. Như nhân từ và thanh tịnh của Thích Ca, từ bi của Quán Âm, hiếu kính của Địa Tạng, trí tuệ của Văn Thù, tất cả đều phải thực hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thực hành trong công việc, thực hành trong xử sự đối nhân tiếp vật, đó gọi là Phổ Hiền. Quý vị xem Phật giáo dạy học có tuyệt diệu chăng! Cho nên tất cả hình tượng Chư Phật Bồ Tát trong Phật giáo, tất cả hình tượng của thần minh, tất cả đều là dạy học, là biểu pháp. Tuyệt đối không phải mê tín, tuyệt đối không được xem các ngài như cung phụng thần minh, như vậy là sai hoàn toàn. Dùng phương pháp này nhắc nhở chúng ta. Nếu có một người ngày ngày ở bên cạnh nhắc nhở, chúng ta cảm thấy chán họ, ghet họ, thậm chí hận họ. Nhưng dùng các tác phẩm nghệ thuật này đạt ở trước mắt, có thể thưởng thức, lại cũng có thể nhắc nhở, như vậy tốt biết bao!
Lần trước tôi phỏng vấn truyền hình Phụng Hoàng, gặp Thường tiên sinh, trong phòng làm việc của ông đặt rất nhiều tượng Bồ Tát Di Lặc. Tôi nhìn lại thấy ông hơi giống Bồ Tát Di Lặc, bụng to, mập mạp. Bồ Tát Di Lặc tượng trưng tâm hoan hỷ. Nhà Phật thường gọi là bình đẳng, từ bi. Sanh tâm bình đẳng, thành tướng hỷ duyệt. Chúng ta xử sự đối nhân tiếp vật, tâm phải bình, sắc phải đoan trang, phải hoan hỷ. Đây là dạy chúng ta làm sao để chung sống với đại chúng, toàn là biểu pháp.
Danh hiệu người xuất gia chúng ta cũng không ngoại lệ, tôi xuất gia sư phụ đặt cho pháp danh Tịnh Không, tôi rất hoan hỷ. Mọi người vừa nhắc đến tên này, tôi liền nghĩ mình có thanh tịnh không? Mình có buông bỏ không? Buông bỏ là không. Nhắc đến tên này, tôi liền nghĩ xem mình có làm được chăng? Danh có đúng với sự thật chăng? Nếu danh và thực không tương phù, chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, cảm thấy có lỗi với cái tên này.
Danh hiệu của Phật vô lượng vô biên, tượng trưng đức tánh vô lượng vô biên trong chân tâm bản tánh của chúng ta. Danh hiệu Bồ Tát vô lượng vô biên, tượng trưng tu đức của chúng ta. Tánh đức, phàm phu chúng ta mê mất tự tánh, nên tánh đức không hiển, phải dựa vào tu đức. Tu đức có công, tánh đức liền hiện tiền, chính là như vậy. Phật giáo không đơn thuần chỉ là cái tên, trên nghệ thuật tạo tượng là biểu pháp, mọi thứ trang trí đều là biểu pháp. Đến kiến trúc cũng không ngoại lệ, nếu quý vị chú ý, khi đến các ngôi chùa Phật giáo, thấy trong điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, gọi là Đại Hùng Bảo Điện. Quý vị xem kiến trúc của nó, đứng bên ngoài nhìn có hai tầng, ở trong có một tầng, đều là nhắc nhở chúng ta. Bên ngoài hai tầng là dạy chúng ta tùy tục, “Phật pháp tại thế gian, bất hoại thế gian pháp”. Ở trong phải bình đẳng, bên trong không được có hai thứ. Bên ngoài có thể không bình đẳng, bên trong tuyệt đối phải bình đẳng. Bên ngoài bình đẳng, trật tự xã hội này sẽ bị phá hoại. Bên ngoài nhất định phải có tôn ti, có cha con, có anh em, có lớn nhỏ, nó có trật tự, không được phá hoại trật tự này. Bên ngoài hai tầng tượng trưng trật tự xã hội, tuyệt đối phải tuân thủ, bên trong phải bình đẳng, ý nghĩa quá hay!
Những dụng cụ cúng đều là biểu pháp, chúng ta thắp một cây hương cúng Phật, hương tượng trưng điều gì? Trong bài Tán Hương nói: “giới định chân hương”, chân hương không phải hương quý vị thắp, thấy cây hương đó phải biết tôi phải tu giới, phải tu định, phải tu tuệ. Giới định tuệ là hương trong tự tánh chân tâm của mình, dạy ta ngửi thấy mùi hương này, nhìn thấy hương này, nghĩ đến tôi phải tu giới định tuệ, tôi phải đoạn tham sân si, không có điều gì không phải nhắc nhở.
Những dụng cụ cúng Phật, quan trọng nhất, đơn giản nhất là phải cúng một ly nước, các dụng cụ khác như hương hoa đều không có, không thắp hương không sao, nước nhất định phải cúng một ly. Nước tượng trưng điều gì? Nước trượng trưng tâm, thấy ly nước này, tâm tôi có trong sạch như nước chăng, không nhiễm chút bụi nào. Phải chăng là bình đẳng như nước vậy, nước bình lặng. Nước tượng trưng thanh tịnh bình đẳng, lấy ý nghĩa này. Nước không phải để Phật uống, là để tôi thấy, để mọi người thấy. Nhìn thấy ly nước này nghĩ rằng tâm tôi phải thanh tịnh, phải bình đẳng. Dùng những phương pháp này để nhắc nhở chúng ta, không có điều gì không phải tận tâm nghĩ ra một số phương pháp để dạy chúng ta. Sau đó chúng ta mới lãnh hội được, ân đức lớn lao của Phật đối với chúng ta, thiết tưởng rất chu đáo, không thể không khâm phục ngài sát đất, làm gì có mê tín! Chư vị phải nhớ rằng, dùng nước cúng Phật, không được cúng trà. Trà có màu, như vậy không sạch, nó trượng trưng trong tâm có ô nhiễm, vì vậy phải cúng nước trong. Nước trong là dùng nước máy hay là dùng nước lọc, đều được cả, chỉ cần nước sạch, trong nước không có dơ bẩn, như vậy là được. Phải hiểu ý nghĩa của nó là tượng trưng. Cũng chính là cần người bạn tốt nhắc nhở, luôn nhắc nhở chúng ta. Một khắc không nhắc chúng ta sẽ mê, sẽ làm sai việc, sẽ bị hồ đồ. Cho nên thiết bị dạy học trong Phật giáo thật tuyệt.
Chúng ta đến sau nửa thế kỷ 20, sau thế chiến thứ hai, chúng ta thường nghe đến nghệ thuật, ngay đánh trận cũng chú ý nghệ thuật, có khẩu hiệu nghệ thuật hóa. Chúng ta nghĩ đến Phật dạy học trong mấy ngàn năm trước đã đi vào nghệ thuật, dùng phương pháp nghệ thuật để dạy.
“U tu quỷ thần chứng minh”. Quỷ thần chứng minh chính là cảm ứng, chuyện về cảm ứng rất nhiều. Trong đời này tôi tự thân thể nghiệm, chư vị đồng học kể cho tôi nghe về chuyện cảm ứng của họ, điều này rất phong phú. Tu học Phật pháp là học làm người tốt, học làm người hiểu biết, vẫn là cần có thiện căn, phước đức, nhân duyên. Nếu không đầy đủ ba điều kiện này, đời này không có duyên gặp được, gọi là không có cơ hội để gặp. Có cơ hội gặp được, chứng minh trong đời quá khứ quý vị có thiện căn, phước đức, nhân duyên.
Trước đây khi tôi ở Mỹ, hội Phật giáo của chúng tôi ở Dallas, có một vị hội trưởng là cư sĩ Thái Văn Hùng, ông nói với tôi về nhân duyên học Phật. Ông thường trú ở nước ngoài, là Hoa kiều, không tin điều này. Năm đó ba ông qua đời, ông đến Đài Loan để tang đưa tiễn ba mình. Khi ba ông lâm chung, ông đứng bên giường, ông nhìn thấy có một tượng Phật, tượng Phật này dặt ở cửa sổ. Cửa sổ giống như bàn thờ Phật vậy, tượng Phật đặt trong đó. Ông nói ít nhất ông nhìn 15 phút, thời gian dài như vậy tuyệt đối không nhìn sai, đem đến cho ông ấn tượng rất sâu sắc, ông cảm thấy rất kinh ngạc! Ông hỏi người mọi người, mọi người không nhìn thấy, ông tín tâm học Phật bắt đầu từ đây, đây là Phật đến độ ông. Về sau ông làm kinh doanh, tiền kiếm được có lúc đi vào tiệm đồ cổ, ông thích mua đồ cổ. Trong tiệm đồ cổ ông nhìn thấy một tượng Phật, điêu khắc bằng đá. Ông vừa thấy tượng Phật này, chính là tượng Phật ngày ba ông chết đặt ở cửa sổ, ông lập tức mua về. Đó là mua ở Trung quốc, sau khi mua xong, đem đến Mỹ. Đầu tiên thờ ở nhà, sau đó đem chuyện này kể với tôi, tôi đến xem, xem xong cũng rất hoan hỷ. Tôi khuyên ông ta đem tượng Phật này thờ trong đạo tràng, vì ông là hội trưởng của đạo tràng này, hội Phật giáo Dallas, hiện nay tượng Phật này vẫn thờ trong đạo tràng đó. Đây là ông kể lại nhân duyên học Phật của mình, “u tu quỷ thần chứng minh”.
Ông lại nói với tôi một chuyện nữa thật không thể nghĩ bàn. Ông nói có một lần, ông và mấy người bạn ở San Francisco. Họ ở một thành phố nhỏ ngoài San Francisco, khi trên đường trở về San Francisco. Họ lái xe, đi lạc đường, đến một trấn nhỏ. Đích thực trấn này ông chưa từng đến đó lần nào, nhưng khi xe đến gần trấn này, đột nhiên ông cảm thấy trấn này rất quen thuộc, như ông từng ở đây. Ông lập tức nhớ lại, đem tình hình đường sá và kiến trúc ở trong này nói với người ngồi trong xe. Sau đó họ chạy xe vào trấn, hoàn toàn giống với những gì ông nói, ông kinh ngạc vô cùng. Vấn đề này bao nhiêu năm nay, ông không có câu trả lời. Khi gặp tôi ông hỏi, thầy ơi rốt cuộc như vậy là vì sao? Tôi nói, từ đây để thấy chắc đời trước ông từng ở trong thành phố này. Đời trước ông từng ở trong thành này, mà còn ở thời gian khá dài, nếu không không thể biết được tình trạng trong thành này. Ông nghĩ cũng rất có lý, rất có thể đời trước ông làm thợ mỏ ở San Francisco, là người Trung quốc làm thợ mỏ. Sống ở đó, chết ở đó, coi như là không tệ, không làm việc gì xấu, đời này lại được thân người. Kinh doanh không tệ, lại được học Phật, đây là chứng minh nghiệp nhân của đời trước.
Những chuyện giống như vậy, tôi từng gặp rất nhiều, bản thân tôi cũng có rất nhiều lần, đến một nơi ở nước ngoài mà xưa nay chưa từng đến, vừa đến đột nhiên cảm thấy ở đây rất quen, hoàn cảnh ở đây không xa lạ gì. Nếu không có đời trước thì làm sao lý giải được điều này. Quý vị nói đột nhiên có linh cảm, vậy tại sao không có linh cảm với những nơi khác mà nhất định là ở đây? Do đây có thể biết, con người chắc chắn có đời quá khứ, đã có đời quá khứ chắc chắn có đời vị lai, nhân quả thông ba đời. Cho nên điều này cần quỷ thần giúp chúng ta.
“Nhất tâm sám hối, trú dạ bất đãi”, đây là công phu tu tập. Sám hối chính là sửa lỗi, mỗi niệm của chúng ta đều có sai lầm, không giác tức là mê, mê liền gây ra sái trái. Vì vậy nhất định phải luôn nhắc nhở, suốt ngày đêm đều không thể gián đoạn. Có người hỏi tôi, chúng tôi có thể thờ tượng Phật trong phòng ngủ ở nhà chăng? Có một số pháp sư nói, thờ tượng Phật trong phòng ngủ, đó là đại bất kính! Nói như vậy chỉ đúng một nửa, không thể đúng hoàn toàn. Sao lại nói đúng một nửa? Quý vị không phải là người tu hành, không chịu nỗ lực sửa đổi chính mình, như vậy thờ tượng Phật trong phòng là bất kính, là sai. Còn nếu quý vị là người tu hành chơn chánh, ngày đêm không gián đoạn, muốn người khác nhắc nhở mình. Như vậy trong phòng ngủ không có tượng Phật, sẽ dễ quên, mê mất. Vậy tôi có thể thờ chăng? Có thể thờ. Đối với người tu hành chơn chánh mà nói, kính hay bất kính là chuyện nhỏ, nhắc nhở tôi giác ngộ mới là chuyện lớn. Nếu thật sự giác ngộ chính là cung kính, còn như mê hoặc đó là đại bất kính. Vấn đề này cần phải thông tình đạt lý, nếu chấp trước vào giáo điều thì không thông suốt được. Quý vị chỉ đúng được một nữa, không thể đúng hoàn toàn. Đối với một người thật sự hạ quyết tâm thay đổi chính mình, phải noi theo Phật Bồ Tát, học tập Phật Bồ Tát, bất kỳ ở đâu đều có thể thờ Phật. Người đồng với tâm này, tâm đồng với lý này, cần phải biết vấn đề là chúng ta có thực hành hay không? Có thực học hay không?
Bên dưới là nói đợi ngày để chứng. “Kinh nhất thất nhị thập”, bảy ngày, trải qua bảy ngày, hoặc là nhị thất, 14 ngày. “Dĩ chí nhất nguyệt nhị nguyệt tam nguyệt, tất hữu hiệu nghiệm”. Nếu thật sự kiên nhẫn sẽ có cảm ứng, những cảm ứng nào? Bên dưới ông đưa ra mấy ví dụ để nói với chúng ta, nghiệp chướng chúng ta đã tiêu, tội lỗi không còn. Nó có dự báo, có điềm lành.
Tiếp theo là đưa ra mấy trường hợp: “Hoặc giác tâm thần điềm khoáng”. Trước đây trong lòng luôn không vui, luôn cảm thấy u uất. bây giờ trong lòng luôn rộng mở, thường hoan hỷ, không giống nhau. Đây là cảm ứng, là hiệu quả.
“Hoặc giác trí tuệ đốn khai”. Trước đây xử sự đối nhân tiếp vật luôn cảm thấy mình rất hồ đồ, rất hồ đồ không có trí tuệ. Bây giờ trải qua một thời gian đoạn ác tu thiện, sau giai đoạn tu trì này cảm thấy mình bây giờ có trí tuệ hơn. Sự sự đối nhân tiếp vật không còn mê hoặc, có trí tuệ, rất rõ ràng minh bạch, đây đều là hiệu quả.
“Hoặc xứ nhũng đạp, nhi xúc niệm giai thông”. “Nhũng đạp” là công việc bận rộn. Trước đây công việc bận rộn, bản thân cảm thấy rất mệt, rất bì quyện, không có tinh thần, mọi thứ đều có trở ngại. Bây giờ trải qua sự tu tập, sau khi đoạn ác tu thiện, xử lý rất nhiều công việc không như trước đây, cảm thấy mọi việc rất thuận lợi. Dù việc phiền phức đến đâu, bận rộn đến đâu, đều cảm thấy có thứ tự, đâu ra đó, vô cùng nhẹ nhàng. Không cảm thấy phiền phức, cũng không thấy mệt mỏi.
“Hoặc ngộ oán cừu, nhi hồi sân tác hỷ”. Đây là công phu không đơn giản, oan gia đối đầu. Ngày xưa nhìn thấy họ là cảm thấy ghét, thấy hận, phải mắng họ vài câu. Bây giờ thấy những oan gia đối đầu này, chẳng những không mắng, mà còn hoan hỷ, chào hỏi họ, dùng thiện tâm và lễ tiết đối đãi, đây đều là điềm lành, đây là nói về phương diện nhân sự. Tiếp theo là nói về cảnh giới trong mộng, không giống như ngày xưa. Khi chưa tu hành thường gặp ác mộng, điều này tôi có kinh nghiệm. Khi tôi chưa học Phật thường hay gặp ác mộng, thường sợ hãi thức tỉnh sau giấc mộng. Sau khi học Phật, mười năm đầu còn gặp ác mộng, mười năm sau ác mộng không còn. Đây đều là điềm lành, đều là cảm ứng tốt. “Hoặc mộng thổ hắc vật”, trong mộng nôn ra vật màu đen, đen là vật dơ bẫn, đây là đưa ra ví dụ. “Hoặc mộng vãng thánh tiên hiền”, vì tôi thường xuyên giảng kinh, cho nên không ít lần mộng thấy Phật Bồ Tát giảng kinh, tôi tham gia vào pháp hội giảng kinh này. “Đề huề tiếp dẫn”, trong mộng thấy Phật Bồ Tát nói pháp cho chúng ta, giúp chúng ta, dạy chúng ta, đây là một loại.
Bên dưới nói thêm một loại nữa: “Hoặc mộng phi bộ thái không”, mộng này rất tốt, lúc mộng thấy mình bay lên, bay trong không trung, đằng vân giá vụ. “Hoặc mộng tràng phan bảo cái”. Mộng đến cung trời, mộng đến cõi nước Phật, đây đều là điều rất tốt. “Chủng chủng thắng sự”, việc rất thù thắng. Những dự báo này “giai quá tiêu tội diệt chi tượng dã”, mới có hiện tượng này. Chúng ta mặc dù chưa tiêu hết tội nghiệp, nhưng cũng tiêu trừ một phần, nên xuất hiện những hiện tượng này. Xuất hiện những hiện tượng tốt này, tuyệt đối phải ghi nhớ. “Nhiên bất đắc chấp thử tự cao, họa nhi bất tiến”, sợ nhất là điều này. Vô số tướng tốt xuất hiện, đối với một người tinh tấn tu hành, thấy như không thấy, không cần nói với người khác, không cần khoe khoang thành tựu của mình, khoe khoang như vậy là hoàn toàn sai lầm. Cần nhớ lời trong kinh Phật dạy: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, không để trong lòng. Bản thân vẫn thường nhất tâm sám hối, vẫn ngày đêm không gián đoạn, như vậy công phu mới tiến bộ. Nếu có những cảnh giới này hiện tiền, bản thân cảm thấy mình rất giỏi, cảm thấy mình cao hơn người, sanh khởi tâm cống cao ngã mạn. Chẳng những không thể nâng cao, mà còn lập tức bị đọa lạc. Đây là sai lầm, là sai lầm nghiêm trọng. “Họa nhi bất tiến”, họa là dừng lại, ngay tại đây, họa là không thể tiến về phía trước, quả là đáng tiếc. Khi những cảnh giới thù thắng hiện tiền, như không có chuyện gì xảy ra. Mặc dù cảm thấy trí tuệ mình khai phát, vẫn coi như chưa khai, như vậy mới tốt, chúng ta mới tiến bộ. Liễu Phàm tiên sinh nói nhiều điều như thế, tiếp theo mới đưa ra trường hợp cổ nhân sửa đổi lỗi lầm, khuyên dạy con trai mình.
“Tích Cự Bá Ngọc, đương nhị thập tuế thời, dĩ giác tiền nhật chi tội, nhi tận cải chi hỉ”. Cự Bá Ngọc là đại phu nước Vệ thời Xuân Thu, ông sửa lỗi lầm rất có hiệu quả, trong lịch sử lưu lại cho thế nhân làm điển phạm. Người này cũng thuộc hàng thánh nhân, 20 tuổi, rất trẻ, ông đã biết sự quan trọng của sửa đổi chính mình đoạn ác tu thiện, nên rất siêng năng nỗ lực thực hành. “Chí nhị thập nhất tuế, nãi tri, tiền chi sở cải vị tận dã”. Tuy ngày ngày đều sửa đổi, rất siêng năng nỗ lực, được một năm cảm thấy suốt một năm này sửa đổi chưa triệt để, sửa đổi chưa rốt ráo. “Cập nhị thập nhị tuế, hồi thị nhị thập nhất tuế, do tại mộng trung”, như vậy thêm một năm nữa. “Tuế phục nhất tuế, đệ đệ cải chi, hành niên ngũ thập, nhi do tri, tứ thập cửu niên chi tội”. Đến lúc 50 tuổi hồi tưởng lại tường tận, những gì mình làm trong 49 năm trước vẫn là sai lầm. “
Phương pháp sửa đổi lỗi lầm của cổ nhân là như vậy, đáng cho chúng ta noi theo. Lỗi lầm lớn nhất của một người là gì? Là không biết mình có lỗi, đây là tội lớn nhất. Vì không biết lỗi mình sẽ không có tâm sửa đổi, không có ý niệm sửa đổi. Tích lũy của lỗi lầm này, từ lỗi nhỏ tích lũy thành lỗi lớn, từ lỗi lớn tích lũy thành lỗi cực lớn, quả báo về sau không thể tưởng tượng được. Rất nhiều phàm phu, vì sao sau khi chết bị đọa vào ba đường ác? Nguyên do là đây, không biết lỗi mình, không biết sửa đổi.
Từ đó cho thấy, Liễu Phàm tiên sinh nói ở trước: “cần có bạn tốt nhắc nhở”, điều này vô cùng quan trọng! Quý vị tìm đâu ra một người bạn chịu nhắc nhở mình? Nói thật, cha mẹ cũng không làm được. Nếu cha mẹ nhắc nhở ta mỗi ngày, ta nhất định oán hận họ, cảm thấy ba mẹ quá nhiều chuyện, quá phiền phức. Cho nên Chư Phật Bồ Tát nghĩ ra phương pháp hay, tuyệt diệu! Dùng vô số phương pháp biểu pháp nhắc nhở chúng ta, mà phải hiểu ý nghĩa biểu pháp. Như ở trước tôi nói về cách cúng nước, cúng Phật một ly nước, vừa thấy là biết tâm mình phải thanh tịnh giống như nước vậy, phải bình đẳng như nước vậy, mãi mãi duy trì thanh tịnh bình đẳng. Rời Phật đường là quên mất rồi, ai nhắc nhở quý vị? Nên biết rằng, chỉ cần nhìn thấy nước ta liền nhớ đến. Bình thường chúng ta uống nước, rót một ly nước ở đây, lập tức nhắc nhở chính mình. Đi làm khách bên ngoài, người ta chiêu đãi, đơn giản nhất cũng là một ly nước trà. Nhìn thấy nước là phải nghĩ đến, tâm chúng ta phải thanh tịnh, phải bình đẳng. Nếu ta chỉ thấy biểu tượng của ly nước cúng Phật, ngoài ra đều không phải. Như vậy ta không học được gì, ta quá ngu ngốc, ta phân biệt chấp trước quá độ.
Ví như đốt hương, quý vị phải biết hương này là tượng trưng giới định tuệ. Trong bất ký trường hợp nào, nghe mùi đều phải nghĩ đến giới định tuệ, hương là nhắc nhở tỷ căn. Bất kỳ mùi vị như thế nào, đều dùng chữ “hương” làm tượng trưng. Chỉ cần có mùi vị, ngửi đến mùi vị, liền nghĩ đến giới định tuệ. Sau đó mới hiểu khắp pháp giới hư không giới nơi nào không phải là Bồ Tát học xứ? Nơi nào không phải là đạo tràng để tu tập? Thì ra mọi lúc mọi nơi đều là đạo tràng. Đạo tràng không phải chỉ ở tự viện am đường, mọi nơi đều là đạo tràng!
Chúng ta cúng Phật hoa quả, hoa trượng trưng “nhân”. Hoa nở đẹp là nhân tốt, nhân tốt quả nhất định tốt. Trái cây tượng trưng “quả”, hoa tượng trưng “nhân”. Thiện nhân được thiện quả, nhân ác kết quả ác, nó tượng trưng ý này. Chúng ta hiểu ý nghĩa cúng hoa quả cho Phật, bất kỳ lúc nào nhìn thấy hoa, đều phải nghĩ rằng tôi cần tu nhân tốt, bất luận khi nào. Thậm chí thấy người ta mang một chiếc áo, trên áo quần có thêu hoa, nhìn thấy hoa này phải nghĩ rằng, tôi phải biết tu nhân tốt. Bất luận ở đâu nhìn thấy trái cây, chúng ta mong cầu được quả báo tốt, quả báo tốt nhất định phải tu nhân tốt. Đây không phải đều là phương pháp dạy học của nhà Phật ư? Không phải đều là giáo huấn của Như Lai ư? Cần gì phải nói lời nào!
Tận hư không biến pháp giới, mắt nhìn thấy, tai nghe được, mũi ngửi được, lưỡi nếm được, thân thể tiếp xúc được, pháp nào không phải Phật pháp? Thì ra nơi nơi đều là Phật pháp, nhà Phật thường nói, Phật pháp vô biên! Quý vị hiểu ý câu này chăng? Bởi vậy phải biết cách học! Nếu biết cách học, mọi lúc mọi nơi đều không mê, vì sao vậy? Vì nó đang biểu pháp, đều đang nhắc nhở chúng ta, như vậy sao mê được? Người không biết mới mê, người chấp trước mới mê. Chấp trước rằng, nhất định phải là thứ cúng trước Phật mới là biểu pháp, rời khỏi Phật đường thì không hiểu như thế nào là biểu pháp. Học như vậy quả thật quá ngu ngốc.
Khổng tử nói: “nêu một gốc mà không biết xét đến ba gốc kia”, Khổng tử sẽ không dạy, vì quá ngốc nghếch. Nói với quý vị một chuyện thì chỉ hiểu được chuyện đó, không biết suy luận. Phật pháp là dạy một thứ, khi đã hiểu thì hiểu hết tất cả, thông đạt mọi thứ, đây là Phật pháp, Phật pháp dạy học đạt đến cảnh giới nghệ thuật cao nhất.
Về phương diện công phu mà nói, Cự Bá Ngọc là một điển phạm tốt nhất, chúng ta cần học tập theo. Điều này tuyệt đối không được lơ là! Lúc về già Liễu Phàm cũng học! Học Cự Bá Ngọc. Nền tảng công phu này khá vững chắc, mới biết tính quan trọng của dõng mãnh tinh tấn. Phải tăng tốc độ, không ngừng nâng cao cảnh giới của mình, công hiệu ngày càng rõ ràng, ngày càng an vui hơn trong cuộc sống, sự nghiệp ngày càng thuận lợi, đích thực đạt được tiêu tai phước đến, đây là sự thật.
Hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.