Liễu Phàm Tứ Huấn – Làm Chủ Vận Mệnh (Tập 6)

làm chủ vận mệnh

Liễu Phàm Tứ Huấn – Làm Chủ Vận Mệnh – Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn | Biên tập: Minh Tâm | Thời gian: 16.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng | Thâm Quyến_Trung Quốc

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Lần trước chúng ta nói đến Liễu Phàm tiên sinh, Khổng tiên sinh xem ông 53 tuổi gặp nạn, nhưng năm đó ông sống bình an. Ông nói với con trai mình, tóm lại phàm là họa phước đều do chính mình cầu, đây là giáo huấn của thánh nhân. Nếu nói họa phước là do số mệnh định sẵn, đây là cách nói của những người thế tục thông thường, không đáng tin. Ông nói tiếp với con trai mình, mệnh của con không biết rốt cuộc sẽ như thế nào? “Nhữ chi mệnh vị tri nhược hà, tức mệnh đương vinh hiển, thường tác lạc mặc tưởng”. Mặc dù số mệnh con có vinh hoa phú quý, nhưng bản thân phải thường cảm thấy đây là bất đắc dĩ. “Tức thời đương thuận lợi, thường tác phất nghịch tưởng”. Nghĩa là làm việc rất thuận lợi, nhưng vẫn cảm thấy chưa vừa lòng. “Tức nhãn tiền túc thực, thường tác bần cũ tưởng. Tức nhân tương ái kính, thường tác khủng cụ tưởng. Tức gia thế vọng trọng, thường tác ti hạ tưởng. Tức học vấn phả ưu, thường tác tiện lâu tưởng”. Những điều này là dạy con trai mình phải biết khiêm tốn.

Trong Kinh Dịch nói: Sáu hào đều là kiết, chỉ có một quẻ “khiêm”. Trong Kinh Thư nói càng hay: “Mãn ý chịu tổn, khiêm tốn được lợi ích”. Một người bất luận sống trong hoàn cảnh nào, hoàn cảnh tốt, hoàn cảnh xấu, đều phải khiêm tốn, tuyệt đối không được ngạo mạn, đoạn văn này ý nghĩa rất thâm sâu.

Sau đó tiếp dục dạy con trai: “Viên tư dương tổ tông chi đức, cận tư cái phụ mẫu chi diễn. Thượng tư báo quốc chi ân, hạ tư tạo gia chi phước. Ngoại tư tế nhân chi cấp, nội tư nhàn kỷ chi tà”. Sáu chữ “tư” này chính là “tưởng”, phải thường nghĩ như thế. Sáu điều này trong Phật pháp gọi là Chánh Tư Duy, con người không thể không có tư tưởng đúng đắn, tư tưởng chuẩn xác sáu điều này là tiêu chuẩn.

Thứ nhất, phải thường nghĩ đến đức sáng suốt rộng lớn của tổ tông, điều này là căn bản. Tổ tông chúng ta là ai? Tổ tông của dân tộc ta. Trong lịch sử ghi chép, từ Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, Ngu Thang, Văn Vũ, Chu Công, đây là tổ tông của dân tộc. Tổ tông của mỗi gia đình chúng ta, đều là kế thừa đạo thống của cổ thánh tiên hiền mà đến. Câu này nói như hiện nay, phải thường nghĩ đến phát triển rộng rãi nền văn hóa xưa. Nền văn hóa này có lịch sử rất lâu dài, nền văn hóa này coi trọng sự giao tiếp hòa thuận giữa người với người, người với đại tự nhiên, người với trời đất quỷ thần, đều phải tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Thường nghĩ đến làm sao thực hành đức của tổ tông vào trong cuộc sống của xã hội hiện đại, có thể mang đến lợi ích cho đại chúng xã hội.

“Cận tư cái phụ mẫu chi diễn”, đây là nói đến điểm gần. Các bậc thánh hiền thường dạy chúng ta: “Chuyện xấu trong nhà không được nói ra bên ngoài”, vì sao vậy? Vì trong nhà có những chuyện không hay, đây cũng là điều khó tránh. Nếu nói ra cho người khác nghe, tự nhiên người ngoài sẽ coi thường gia đình mình. Thậm chí khiến họ khởi lên ý đồ bất thiện, phá hoại sự hòa thuận của gia đình mình, như ngạn ngữ nói: “họa tùng khẩu xuất”. Gia đình như vậy, xã hội cũng như vậy. Vì sao ngày nay xã hội hỗn loạn như vậy? Nguyên nhân này rốt cuộc là gì? Chúng ta suy nghĩ cẩn thận, do chúng ta không tuân thủ giáo huấn của thánh hiền. Cổ nhân dạy rằng, không nghe lời người đi trước, thiệt thòi ngay trước mắt. Trước mắt chúng ta quá thiệt thòi! Lời người đi trước là gì? Người đi trước dạy chúng ta, đối với xã hội, đối với nhân quần phải “ẩn ác dương thiện”. Không nói lỗi của người, tuyệt đối không tuyên dương, cũng không để nó trong lòng. Thấy ưu điểm của người, chúng ta nên tán dương. Cách làm này khiến người bất thiện cảm thấy hổ thẹn, tôi làm việc ác vậy mà người ta có thể bao dung, có thể tha thứ, tôi làm một chút việc thiện, người ta biểu dương, khen ngợi tôi. Cách này có thể kích phát tâm liêm sỉ của đại chúng, kích phát lòng hổ thẹn của đại chúng. Như vậy xã hội mới có an định, thế giới mới có hòa bình.

Bây giờ những gì chúng ta thấy trước mắt, ở trong nước hay ở nước ngoài đều hoàn toàn tương phản. Xã hội bây giờ là ẩn thiện dương ác, thường hay đưa tin về những việc ác, việc thiện lại rất ít nhắc đến. Cách làm này khiến người hành thiện nản lòng, nhưng lại khuyến khích rất lớn đối với người làm ác. Xã hội động loạn, cục diện thế giới bất an đều có nguyên nhân cả.

Đây là nói về gia đình, cha mẹ hay anh em có lỗi lầm đều phải che đậy. Một mực che đậy cũng là sai lầm, cần phải khuyên răn, khuyên cha mẹ anh em cải ác hướng thiện. Việc khuyên răn này chỉ ở trong nhà, không phải trong trường hợp có người ngoài. Chỉ cần có người ngoài, chúng ta nhất định phải ẩn ác dương thiện. Phải ghi nhớ giáo huấn của cổ nhân, làm như vậy là đúng.

“Thượng tư báo quốc chi ân”, phải thường nghĩ đến báo ân. Đức Phật dạy hàng môn đệ: “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ”. Hàng đệ tử Phật ngày ngày đều tụng bài kệ hồi hướng này, tuy miệng niệm nhưng không thực hành. Cho nên tôi thường nói, không thực hành được giáo huấn của Phật, chúng ta lấy gì để hồi hướng? Chỉ hồi hướng trên miệng, không có đức hạnh thực chất để hồi hướng. Đây là gạt mình gạt người, là một sự sai lầm.

“Bốn ân nặng”, thứ nhất là ân cha mẹ, thứ hai là ân thầy tổ, thứ ba là ân quốc gia, thứ tư là ân chúng sanh. Chúng ta sống trong thế gian, ăn mặc đi ở đều nhờ vào đại chúng, con người không thể sống độc lập thoát ly nhân quần, giữa người và người đều có ân đức, chúng ta phải thường hoài niệm. Làm sao để báo đáp? Phụng hiến trí tuệ mình, phụng hiến đức năng mình, phục vụ cho quốc gia, cho xã hội, đây là hành vi báo ân cụ thể.

“Hạ tư tạo gia chi phước”, đây chính là Nho giáo dạy người tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tạo gia chi phước”, là tề gia, trong nhà phải chỉnh tề. Tiêu chuẩn tề gia là gì? Tiêu chuẩn là “luân lý”, luân lý là một loại trật tự thiên nhiên. Chúng ta biết xã hội có trật tự thì xã hội này an định, quốc gia có trật tự thì quốc gia cường thịnh, gia đình có trật tự thì gia đình này nhất định hưng thịnh.  “Phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, phu nghĩa phụ thính”, đây là trật tự tề gia tự nhiên, tuyệt đối không phải Khổng phu tử chế định. Chư vị thánh hiền chế định, như vậy là sai, người ta chế định, vì sao tôi phải học theo người khác. Thông thường người ta nói: “bị người khác dắt mũi kéo đi”, không phải vậy!  Khổng lão phu tử tuyệt đối không dắt mũi người khác dắt đi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng tuyệt đối không làm khó người khác. Những gì họ nói là đạo tự nhiên, dùng thuật ngữ Phật giáo để nói chính là trong tự tánh_chân tâm của ta, tự tánh của ta vốn đầy đủ đức năng, vốn có trật tự. Là thiên nhiên, là tự nhiên, tuyệt đối không phải do người tạo ra. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, sau đó mới chịu thuận theo giáo huấn của thánh hiền. Sở dĩ họ được xưng là đại thánh đại hiền, nguyên nhân ở đâu? Họ không dạy chúng ta vĩnh viễn nghe theo lời dạy của mình, không phải vậy. Nghe theo lời dạy của họ là giai đoạn sơ học, khi ta học đến được trình độ nhất định, cảnh giới quý vị liền nâng cao, “thì ra giống như họ vậy!” Cho nên Đức Phật nói: “tất cả chúng sanh đều sẽ làm Phật”, họ là bình đẳng. Trong Kinh Viên Giác và Kinh Hoa Nghiêm nói càng thấu triệt, nói rằng: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, so với sẽ thành Phật càng thiết thực hơn! Bởi thế Phật pháp là bình đẳng, Nho giáo nói cũng là bình đẳng, Đạo giáo nói cũng bình đẳng. Các bậc thánh hiền trong ngoài xưa nay, những lời dạy của họ đều bình đẳng thanh tịnh. Đạo lý này chúng ta phải lãnh hội tường tận và sâu sắc hơn, mới đạt được lợi ích thật sự.

Hai câu tiếp theo, “ngoại tư tế nhân chi cấp”. Đối với bên ngoài phải thường nghĩ đến rất nhiều chúng sanh đau khổ. Đặc biệt là trong thời đại này, phải thường nghĩ đến những người đau khổ, chúng ta phải giúp đỡ họ như thế nào. Về phương diện sinh hoạt, nhất định phải biết tiết kiệm. Nếu ta tiết kiệm một đồng, ta có thể giúp người khác một đồng. Nếu trong một ngày ta tiết kiệm được hai đồng, vậy thì có thể giúp người khác hai đồng. Phải có tâm như vậy, phải có nguyện như vậy. Gặp người khó khăn, lúc cần thiết, nên toàn tâm toàn lực hiệp trợ.

“Nội tư nhàn kỷ chi tà”. Đối với bản thân, đối nội_“nhàn” là phòng phạm, nhất định phải biết đề phòng tà tri tà kiến. Đặc biệt là trong thời đại này, thời đại này mọi người đều tôn sùng tự do dân chủ khai phóng. Đây là trào lưu của thế giới, không có gì đáng trách.

Trước đây, nói đến điều này, khoảng mười năm trước, tôi đến Singapore giảng kinh. Lúc đó tôi chưa ở lâu dài tại Singapore, mỗi năm đi một lần, đến đó giảng một tháng. Pháp sư Diễn Bối là bạn cũ của tôi, một hôm mời tôi ăn cơm rồi hỏi, Ông hỏi, thầy Tịnh Không à, thầy tán thành quân chủ độc tài hay là tán thành dân chủ? Tôi nói tôi tán thành quân chủ. Ông nói thầy rất lạc hậu rồi. Tôi nói, không phải tôi lạc hậu, ông hỏi tôi vì sao? Tôi nói thời đại quân chủ như hoàng đế, nếu quý vị nói họ có tư tâm cũng được, chúng ta không tranh luận điều này, có tư tâm cũng được. Họ hy vọng con cháu mình đều làm hoàng đế, truyền từ đời này qua đời khác, do đó họ giáo dục đối với người kế thừa rất nghiêm khắc, đây là việc tốt. Nếu người kế thừa của họ làm sai việc, nhân dân khởi nghĩa phản kháng, chính quyền của họ sẽ bị lật đổ. Trong lịch sử chúng ta thấy, đế vương khai quốc dùng hết tâm huyết của mình để đào tạo người kế thừa. Mời nhân tài ưu tú nhất quốc gia, người có học vấn, có đức hạnh đến dạy cho thái tử, hy vọng tương lai trở thành bậc thánh vương, hiền vương. Họ có trách nhiệm, vì họ muốn được lâu dài. Chính trị dân chủ không có trách nhiệm, họ được chọn lên vị trí, ba bốn năm sau hết nhiệm kỳ là xong, họ không nghĩ một cách sâu xa. Cho nên đế vương ngày xưa thường nghĩ đến lỗi lầm của mình, làm sao để sửa đổi chính mình, làm sao để áp dụng kiến nghị của các đại thần, rất dễ thương! Tôi đọc những cuốn sách này rất tôn kính họ, cho nên suốt đời tôi đều tán thành quân chủ chuyên chế, tôi không tán thành dân chủ.

Trung quốc cách mạng, tôi rất khâm phục Tôn Trung Sơn, tư tưởng của ông là tập hợp tinh hoa của đông và phương tây. Tuy ông lật đổ chuyên chế, nhưng ông chủ trương một đảng chuyên chính, đây chính là kết hợp tinh hoa văn hóa phương đông và phương tây. Ông biết sở trường của quân chủ, cũng biết khuyết điểm của quân chủ. Ông hiểu ưu điểm của dân chủ phương tây, cũng biết khuyết điểm của dân chủ. Cho nên nghĩ ra một đảng chuyên chính, đây là kiến giải vô cùng cao siêu.

Vì ngày xưa hoàng đế là người một nhà, chính quyền nằm trong một gia tộc, đây là khuyết điểm của chế độ quân chủ. Còn một đảng chuyên chính, đảng là không phải một gia tộc, mà tập hợp tinh hoa của toàn quốc, người có đạo đức, có học vấn tổ chức thành một chính đảng để quản lý quốc gia này. Trong đảng có dân chủ, chuyên chế sẽ chịu trách nhiệu. Một điều quan trọng nhất trong trách nhiệm, là phải đề xướng chánh tri chánh kiến, phòng phạm tà tri tà kiến. Nhất định phải đề xướng giáo dục luân lý đạo đức, mới có thể phòng phạm tà tri tà kiến. Nếu không có chánh tri chánh kiến, tuyệt đối không thể phòng phạm tà tri tà kiến. Ngày nay nhiều nơi trên toàn thế giới, tà tri tà kiến khắp nơi trong xã hội. Điều này rất đáng lo, đây là căn nguyên xã hội động loạn, nguồn gốc của thiên tai thảm họa.

Ba năm gần đây tôi ở Singapore, tôi rất khâm phục chính phủ ở đây, họ là một chính phủ có trách nhiệm đối với nhân dân. Lần đầu tiên tôi đến Singapore giảng kinh, bị giám sát rất nghiêm khắc. Chúng tôi đến đó giảng, kinh sách phải báo cáo đầy đủ, giảng nội dung gì cũng phải báo cáo. Thông qua thẩm tra, họ cho phép, chúng ta mới có thể giảng. Nghe nói khi chúng ta giảng kinh, mỗi bài giảng chính phủ đều phái nhân viên mặc thường phục đến nghe để giám sát. Nếu nói về những điều tà tri tà kiến, phá hoại đoàn kết xã hội, phá hoại đoàn kết chủng tộc, gây điều thị phi, lập tức bị cấm chỉ, đây là việc tốt! Bây giờ thông thường nói đến dân chủ, ngôn luận không tự do, xuất bản không tự do. Chư vị nên biết, tự do ngôn luận, tự do xuất bản nhất định tạo thành xã hội động loạn, đó chính là không có ai phòng phạm tà tri tà kiến.

Dân tộc Trung quốc có thể kéo dài đến hôm nay, chưa bị diệt vong, tôi cảm thấy đây là nhờ đế vương các thời đại bảo vệ chánh tri chánh kiến cho nhân dân, công đức này rất lớn! Lưu hành phòng phạm tà tri tà kiến trong xã hội, điều này trong xã hội hiện nay ngày càng ít thấy. Tôi phân tích cho pháp sư Diễn Bối nghe, ông nghe xong cũng không thể không gật đầu.

Ở đây đưa ra sáu cương lĩnh tư duy, đây là tư duy chánh tri chánh kiến.

Bên dưới Liễu Phàm tiên sinh nói tiếp: “Vụ yếu nhật nhật tri phi, nhật nhật cải quá. Nhất nhật bất tri phi, tức nhất nhật an ư tự thị. Nhất nhật vô quá khả cải, tức nhất nhật vô bộ khả tiến”. Điều này đối với chúng ta mà nói, là quan trọng hơn tất cả! Trong nhà Phật thường nói “khai ngộ”. Có người hỏi tôi thế nào gọi là khai ngộ? Tôi nói với họ, quý vị biết được lỗi lầm của mình, tức là đã khai ngộ. Có thể tự sửa đổi sai lầm của mình, đây gọi là chân tu hành. “Vụ yếu” là việc cấp bách, không thể không cần đến. Mỗi ngày đều kiểm điểm, phản tỉnh, tìm ra lỗi lầm của mình.

Việc quan trọng nhất của những người học Phật là hai thời công phu sáng tối. Hai thời tụng kinh sáng tối không phải tụng cho Phật Bồ Tát nghe, không chú trọng hình thức. Dụng ý của thời kinh sáng là nhắc nhở bản thân, hy vọng hôm nay ta xử sự đối nhân tiếp vật, không quên giáo huấn của Phật, mục đích của thời kinh sáng là như thế. Thời kinh tối là phản tỉnh, kiểm điểm xem suốt ngày hôm nay ta xử sự đối nhân tiếp vật, đã làm đúng, chính xác những điều gì, và có những điều gì sai trái, thời kinh tối là phản tỉnh. Nếu làm đúng, ngày ma tiếp tục duy trì, còn như làm sai ngày mai nhất định phải thay đổi. Như vậy hai thời tụng kinh mới có công đức, tuyệt đối không phải gõ mõ tụng kinh niệm Phật cho Phật Bồ Tát nghe. Sáng niệm một lần, tối niệm một lần, hoàn toàn không liên quan đến ngôn hành và tư tưởng của mình. Tụng kinh sáng tối như vậy không những không có công đức, mà còn tạo tội nghiệp! Tạo tội nghiệp gì? Phật Bồ Tát không ở trước mặt, nhiều nhất là quý vị tạc một bức tượng hay vẽ một bức tượng, quý vị nhẫn tâm đối trước bức tượng này, sáng sớm gạt một lần, tối đến lại gạt thêm lần nữa. Tâm của quý vị quá tàn nhẫn, tội lỗi này cực kỳ lớn.

Ngày nay người học Phật rất nhiều, nhưng người thật sự hiểu giáo lý không nhiều. Đặc biệt hy vọng chư vị đồng học hiểu được tinh thần và ý nghĩa trong hai thời tụng kinh sáng tối, chính là ở đây nói: “ngày ngày biết tội, ngày ngày sửa đổi. Một ngày không biết lỗi mình, tức là “an ư tự thị”, tự cho mình đúng, đây là căn bệnh hiểm nghèo. Một ngày không sửa đổi sai lầm, như vậy không thể tiến bộ được. Không tiến bộ, nói cách khác là nhất định bị thoái lui.

“Thiên hạ thông minh tuấn tú bất thiểu”, mấy câu ở sau của Liễu Phàm tiên sinh là lời cảm thán! Không phải không có nhân tài thông minh tuấn tú, có! “Sở dĩ đức bất gia tu, nghiệp bất gia quảng giả. Chỉ vi nhân tuần nhị tự, đam các nhất sanh”. Đây là đưa ra lời cảnh cáo, vì sao những người này không thể tăng trưởng đạo đức mỗi ngày? Vì sao đức nghiệp không thể rộng lớn mỗi ngày? Đều do hai chữ “nhân tuần” làm hại. “Nhân tuần” nghĩa là gì? Nghĩa là qua loa, cẩu thả, không siêng năng nỗ lực. Về phương diện đức học, công nghiệp không siêng năng nỗ lực thực hành.

Sau cùng: “Vân Cốc thiền sư, sở thọ lập mệnh chi thuyết, nãi chí tinh chí thúy, chí chân chí chánh chi lý. Kỳ thục ngoan nhi miễn hành chi, vô tự khoáng dã”. Đây là kết luận cuối cùng của bài này, đặc biệt nhấn mạnh học thuyết lập mệnh thiền sư Vân Cốc dạy ông. Học thuyết này cực kỳ tinh thuần, tức là “chí tinh”. “Chí thúy”, “thúy” là thâm, thâm sâu tột cùng. “Chí chân, chí chánh”, “chân” là tuyệt đối không có hư vọng, “chánh” là không hề có tà ngụy. Ông suốt đời tinh tấn tu học, thay đổi vận mệnh. Số mệnh không có công danh ông được công danh, số mệnh không có con ông được con trai, số chỉ sống đến 53 tuổi ông sống đến 74 tuổi, sống nhiều thêm 21 năm. Điều này đủ để chứng minh giáo huấn của thiền sư Vân Cốc là chính xác không sai.

Mấy bài văn này của Liễu Phàm tiên sinh, thì ra là giáo huấn con cháu hậu duệ của mình. Hậu duệ của ông không tệ, biết được đây là những lý luận phương pháp quý báu, họ không tự tư mà đem ra công bố với đại chúng. Hy vọng xã hội đại chúng hiểu về học thuyết lập mệnh, đều có thể thay đổi vận mệnh mình. Như vậy mảnh đất này, quốc gia này của chúng ta, thậm chí lan rộng ra toàn thế giới, mọi người đều có thể nương theo đó tu học. Xã hội được an định, thế giới hòa bình, nhân dân trên toàn thế giới được hạnh phúc. Đây là tâm lượng của các bậc thánh hiền, là đức hạnh của họ.

Bài này chỉ giới thiệu đến đây, tiếp theo chúng ta xem bài thứ hai. Bài thứ hai là “phương pháp sửa lỗi lầm”, bài thứ ba là “phương pháp tích thiện”, hai bài này là trọng điểm, là trọng tâm. Nếu dùng phương pháp của kinh Phật để nói, bài thứ nhất là phẩm tựa, là bài tựa, bài thứ hai và thứ ba là chánh tông, phần sau cùng gọi là lưu thông. Chúng ta dùng ba phần này để xem bốn bài văn này, như vậy có lẽ đã hiểu được đại ý của bài văn. Hiễu rõ ràng minh bạch học thuyết lập mệnh, bắt đầu hạ thủ từ đâu? Nhất định phải bắt đầu từ sự thay đổi lỗi lầm. Con người không phải từ khi sinh ra đã là thánh hiền, sao có thể không có lỗi lầm? Khổng tử nói: “quá tắc vật đạn cải”, nghĩa là nói có sai lầm đừng sợ sửa đổi. Phải có dũng khí sửa sai, phải có quyết tâm, phải có nghị lực để sửa đổi. Cho nên ông đem những phương pháp và đạo lý sửa sai giáo huấn con trai mình, lỗi lầm dù nhỏ cũng phải sửa. Thông thường chúng ta, ở trước nói về nhân tuần đắc quá, nghĩa là bỏ qua lỗi lầm nhỏ, không xem trong những ác niệm nhỏ. Do đó lỗi nhỏ nuôi dưỡng thành lỗi lớn, ác niệm nhỏ dần dần dưỡng thành ác niệm lớn, hậu quả không tưởng tượng được.

Bây giờ chúng ta xem chánh văn, đoạn thứ nhất nói về “cải quá chi nhân”. Tránh họa nạp phước là thường tình của con người, nhưng lành dữ họa phước nhất định có dự báo, đây là điều chúng ta không thể không biết.

Mở đầu bài văn, Liễu Phàm tiên sinh trích dẫn ghi chép của cổ nhân: “Xuân Thu chư đại phu, kiến nhân ngôn động, ức nhi đàm kỳ họa phước, mĩ bất nghiệm giả, tả quốc chư ký khả quan dã”. Thời đại Xuân Thu, Khổng tử sanh vào thời đại này, lúc này vẫn là nhà Chu. Cuối thời nhà Chu, vương thất suy nhược. Rất nhiều chư hầu đối với thiên tử nhà Chu đa phần đều là bằng mặt không bằng lòng, mỗi người đều có tư tâm, mở rộng thế lực của mình, cho nên Xuân Thu là một xã hội động loạn. Khổng tử sanh trong thời kỳ này, cũng là cảm khái vạn phần!

Chư vị đại phu thời đó_đại phu là trợ thủ của quốc quân, chư hầu. Đại khái giống như bộ trưởng, thủ tướng trong tổ chức chính trị hiện nay, đều thuộc tầng lớp nhân vật như đại phu này. Họ có kiến thức, học vấn, kinh nghiệm phong phú. Nhìn thấy cử chỉ của người này, nghe ngôn ngữ của người này. “Ức nhi đàm kỳ họa phước”, “ức” là suy đoán, nghĩ đến lành dữ họa phước sau này của họ, đều có thể nói một cách rất linh nghiệm.

Những vấn đề này trong Tả Truyện, Quốc Ngữ_Tả Truyện và Quốc Ngữ đều là trước thuật của Tả Khưu Minh. Chư Ký giống như Công Dương Truyện và Cốc Lương Truyện, rất nhiều ghi chép chúng ta đều có thể thấy rất rõ ràng. Đây chính là nói rõ, lành dữ họa phước nó có dự báo.

Đoạn văn nói tiếp: “Đại đô kiết hung chi triệu, manh hô tâm, nhi động hô tứ thể”. Trong tâm con người tồn tại ý niệm thiện ác, những hạnh nghiệp thiện ác quý vị tạo ra, không che dấu được mọi người. Quý vị có thể che dấu lừa gạt được người ngu si, nhưng không dấu được người có đạo đức, có học vấn. Ta không che dấu được những người này, quả thật họ vừa nhìn đã xuyên thấu ruột gan chúng ta. Thế gian hiện nay vẫn còn người như vậy, trong đời tôi cũng gặp được vài người, ba vị thầy của tôi đều rất hiếm có. Thầy Phương Đông Mỹ, đại sư Chương Gia, cư sĩ Lý Bỉnh Nam, họ đều có năng lực này. Tiếp xúc đại chúng, đôi lúc cũng nói đến người nào đó mệnh bạc, không có phước báo, không có thọ mạng. Người nào đó tâm địa thuần hậu, tích lũy công đức, tương lai chắc chắn có phước báo, họ cũng có thể thấy một cách rất rõ ràng minh bạch. Đối với những người phước mỏng đều sanh tâm thương xót, dạy họ sửa đổi tu thiện, sáng tạo vận mệnh. Lúc tôi còn trẻ, thuộc về người không có phước báo, đoản mệnh, thuộc hạng người này. Nhưng tôi chịu học tập, chịu nghe lời thầy, cho nên thầy rất thương tôi, dạy tôi thay đổi vận mệnh, tự cầu đa phước, những điều dự báo này đều rất rõ ràng.

“Manh hô tâm nhi động hô tứ thân”, trong lòng khởi tâm động niệm, tự nhiên biểu hiện ra bên ngoài, chính là ngôn ngữ động tác, làm sao để nhận ra? Ở đây đưa ra một nguyên tắc: “kỳ quá ư hậu giả, thường hoạch phước, quá ư bạc giả, thường cận họa”. Đây là hai nguyên tắc quan sát người, nhìn thấy người này tâm địa lương thiện, nhân hậu, trung hậu đối với người, lúc nào cũng nghĩ cho người khác, người này tương lai có phước. Nếu ngược lại, người tâm nhỏ hẹp, khởi tâm động niệm đều vì lợi ích cho riêng mình, làm ra việc tổn người lợi mình. Đối với mình không có lợi ích, họ tuyệt đối không làm, rất hà khắc với người khác. Người như vậy không có phước báo, mặc dù trước mắt họ có phước báo, trước mắt có phước báo, đó là số họ có phước, số mệnh phước không nhỏ. Vì họ luôn có tâm bất thiện, hành vi bất thiện, phước của họ đã bị giảm sút, giảm nhưng vẫn còn dư phước. Do đây có thể biết, nếu tâm họ luôn tốt, làm việc tốt, phước báo của họ suốt đời hưởng không hết, dư phước của họ nhất định con cháu đều được hưởng thụ. Đây là chân tướng sự thật.

“Tục nhãn đa ế, vị hữu vị định, nhi bất khả trắc giả”. Người thế tục không có học vấn này, không có thường thức này, giống như bị thứ gì đó che mất cái nhìn, bây giờ chúng ta gọi là “bệnh đục tinh thể”. Mắt bệnh chướng ngại đôi mắt, khiến ta không thấy gì cả. Nói họa phước không có nhất định, mà còn không thể dự đoán được, đây là nhìn nhận của người thế tục. Người thật sự có học vấn, có đức hạnh, họ không nhìn nhận như thế, mà họ thấy rất rõ ràng minh bạch.

Tiếp theo nói: “Chí thành hợp thiên, phước chi tương chí, quan kỳ thiện, nhi tất tiên tri chi hỉ. Họa chi tương chí, quan kỳ bất thiện, nhi tất tiên tri chi hỉ”. Đây là nói có thể biết trước họa phước, có thể dự đoán khá chuẩn xác. Chúng ta có năng lực này chăng? Đáp án là khẳng định. Ở đây câu đầu tiên ông đã nói ra: “chí thành hợp thiên”. Chúng ta muốn có năng lực này, chỉ cần thực hành bốn chữ này là được. Chúng ta lấy chân thành khởi tâm động niệm, hợp với phép tắc tự nhiên. “Thiên” chính là phép tắc tự nhiên, không thêm ý mình vào trong đó. Ý mình chính là vọng tưởng phân biệt của chúng ta, tuyệt đối không thêm chút vọng tượng phân biệt nào trong đó, chúng ta cũng có năng lực này. Tâm địa chân thành, bình đẳng, thanh tịnh, năng lực này liền hiện tiền.

Một người phước báo sắp hiện tiền, quý vị thấy họ: “Quan kỳ thiện nhi tất tiên tri chi”. Ta có thể nhận ra tâm họ thiện, lời nói thiện, hành vi thiện, nhân hậu với người khác, chúng ta có thể suy đoán, phước báo của họ sắp đến. Nếu tư tưởng ngôn hành của họ bất thiện, chúng ta biết họ ngày càng gần với tai họa. Nhỏ là quan sát một người, lớn thì quan sát xã hội này, quan sát một gia đình, quan sát một đoàn thể, cho đến quan sát quốc gia, thế giới, không có gì không đúng. Trong này có đạo lý, có học vấn của nó, tuyệt đối không phải vọng ngữ.

Bản thân chúng ta phải biết, trong cuộc đời mình, đặc biệt là lành dữ họa phước trong tương lai, phải kiểm điểm từ chỗ này. Từ chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, nếu thuần thiện, ta có thể khẳng định là tiêu tai phước đến. Nếu tâm mình bất thiện, lời nói bất thiện, nói lời ngon ngọt lừa gạt chúng sanh. Hành vi bất thiện, bản thân phải cảnh giác, họa hoạn và tai họa nhất định là ngày càng cận kề. Từ cá nhân đến gia đình, đến xã hội, đến quốc gia, đến thế giới đều như vậy cả.

Bên dưới là nói về “nền tảng sửa đổi”. “Kim dục hoạch phước nhi viễn họa”, đây chính là tìm điều lành tránh điều dữ. “Vị luận hành thiện, tiên tu cải quá”, hai câu này quan trọng vô cùng! Cho nên thứ tự sắp xếp của hai bài “phương pháp sửa đổi” và “phương pháp tích thiện”, là từ đây mà có. Trước khi chúng ta nói đến hành thiện tích đức, đầu tiên phải nói đến việc sửa đổi, vì sao vậy? Nếu không sửa lỗi lầm, hoặc sửa đổi không triệt để, sửa đổi không hoàn toàn. Tuy tu thiện, nhưng trong cái thiện xen lẫn điều ác, thiện cũng không thuần, cho nên công đức của thiện không thể hiển lộ. Do đó sửa đổi lỗi lầm là điều kiện tiên quyết của tích thiện.

Thôi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.