Liễu Phàm Tứ Huấn – Làm Chủ Vận Mệnh (Tập 7)

làm chủ vận mệnh

Liễu Phàm Tứ Huấn – Làm Chủ Vận Mệnh – Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn | Biên tập: Minh Tâm | Thời gian: 16.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng | Thâm Quyến_Trung Quốc

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, bài thứ hai: “Phương pháp sửa đổi lỗi lầm”, chúng ta bắt đầu xem từ đoạn thứ hai.

“Đản cải quá giả, đệ nhất: Yếu phát sỉ tâm. Tư cổ chi thánh hiền, dữ ngã đồng vi trượng phu, bỉ hà dĩ bách thế khả sư, ngã hà dĩ nhất thân ngõa liệt, đam nhiễm trần tình, tư hành bất nghĩa, vị nhân bất tri, ngạo nhiên vô quý, tương nhật luân chi cầm thú, nhi bất tự tri hỉ. Thế chi khả tu khả sỉ giả, mạc đại hô thử. Mạnh tử viết: Sỉ chi ư nhân đại hỉ, dĩ kỳ đắc chi tắc thánh hiền, thất chi đắc cầm thú nhĩ, thử cải quá chi yếu cơ dã”.

Nói đến sửa lỗi lầm, Liễu Phàm tiên sinh đưa ra ba điểm. Thứ nhất là tâm hổ thẹn, gọi là biết hổ thẹn là gần với cái dũng, dũng là mạnh dạn sửa đổi mình. Cho nên câu đầu tiên ông nói: “đản cải quá giả”, phương pháp sửa đổi, thứ nhất “phải khởi tâm hổ thẹn”. Con người biết hổ thẹn, họ tuyệt đối không khởi vọng tâm, không động ác niệm. Phải thường nghĩ đến chư vị đại thánh đại hiền ngày xưa, chúng ta đều là người như vậ. Trong kinh điển Đức Phật nói với chúng ta, chúng ta và Chư Phật Như lai vốn đều là phàm phu như nhau, vì sao họ có thể thành Phật, thành Bồ Tát, thành Thánh, thành Hiền, tại sao mình không thể? Lấy tiêu chuẩn này để quan sát, tâm hổ thẹn chúng ta liền sanh khởi. Bởi vậy họ trăm đời có thể làm thầy.

Khổng phu tử truyền đến nay hơn 2500 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền đến nay gần 3000 năm. Vì sao thế gian này không phân biệt quốc gia, không phân chủng tộc, thậm chí không phân biệt Tôn giáo. Lưu truyền đến nay, thế gian này vẫn còn rất nhiều người tôn kính họ, tiếp thu giáo huấn của họ, học tập theo họ? Đây gọi là Đại Trượng Phu. Họ có thể làm được, vì sao ta không làm được? Nếu con người thường có tư duy này, nhất định có thể nỗ lực tự cường.

Tiếp theo nói, đây là nói khuyết điểm của chúng ta: “Ngã hà dĩ nhất thân ngõa liệt”, ngõa liệt tức giống như ngói vụn vậy, không đáng một đồng! Bệnh của chúng ta là “đam nhiễm trần tình”, “đam” là vui quá độ, “nhiễm” là ô nhiễm. Người thế gian đắm nhiễm trong thất tình ngũ dục, mà không biết tình dục này không phải thật. Trong này có vui, không sai, thánh nhân cũng không phản đối, nhưng cái giá phải trả quá lớn. Nói cách khác, được không bằng mất, cái giá này quá lớn. Nếu không phải trong kinh điển đức Phật nói với chúng ta rất tường tận, chúng ta không thể nghĩ đến được, cái giá chúng ta phải trả quá lớn lao, cái giá này chính là trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Nếu như hiểu rõ ràng minh bạch, mới biết rất đáng sợ, thế xuất thế gian không có gì đáng sợ hơn điều này.

Từ đó cho thấy, chư vị thánh hiền nhân ở thế gian này, cũng không thể lìa khỏi thất tình ngũ dục, nhưng họ rất xem nhẹ tình dục. Hành vi của họ hợp lễ hợp pháp, “lễ” nhất định có tiết độ. Nói cách khác, nó không được quá đáng, cũng không được bất cập. Bất cập là không hợp lễ, quá đáng cũng không hợp lễ. Cho nên “lễ” gọi là “tiết”, tiết là tiết độ. Trong giáo dục của chư vị thánh hiền, gia đình kết hôn sanh con, vợ chồng tương kính như khách. Họ đều có chừng mực, tuyệt đối không phóng túng đắm nhiễm tình dục, tuyệt đối không như vậy, không giống như xã hội hiện nay! Cho nên gia đình họ hòa thuận, gia đình có trật tự.

Đặt câu này ở trước, có dụng ý rất sâu sắc, nói ra căn bệnh của phàm phu chúng ta. Vì sao phàm phu không thể thành thánh, gốc của bệnh là đây.

Bây giờ chúng ta nói đến chỗ thô thiển nhất, con người thích hưởng thụ thất tình ngũ dục, nhưng con người càng quý trọng sinh mạng của mình. Đến lúc phải bỏ, đại khái thất tình ngũ dục cũng có thể xả bỏ, nhưng không muốn bỏ thân mạng mình, mà còn hy vọng mình trường thọ, đây đều là thường tình của con người. Nếu muốn cho mình được trường thọ, như vậy trong các phương diện cuộc sống ta phải biết cách tiết độ. Lời cổ nhân nói không sai: “bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Muốn xa lìa họa hoạn, không thể không cẩn thận ngôn ngữ, không thể không cẩn thận thái độ. Nếu muốn thân thể mạnh khỏe, việc ăn ở không thể không cẩn thận. Ngày nay rất nhiều người hy vọng mạnh khỏe trường thọ, họ không hiểu đạo lý này. Cho nên từ tuổi trung niên trở về sau, thân thể đã suy nhược, không hiểu đạo dưỡng sinh!

Tôi tiếp xúc Phật pháp, lúc đó tôi 26 tuổi. Tôi tiếp xúc nửa năm, hiểu được ưu điểm của việc ăn chay, có lợi cho sức khỏe, tôi liền quyết định ăn chay trường. Tôi học Phật nửa năm là ăn chay trường, từ 26 tuổi đến nay là được 50 năm. Lúc đó cấp trên, đồng học, bạn bè của tôi đều nói tôi mê muội, khuyên tôi không nên làm như vậy. Tuổi tác còn trẻ, có thể học Phật, nhưng Phật giáo có rất nhiều việc không thể làm! Tôi nói với họ, tôi biết Phật giáo quá trễ, ngày xưa rất nhiều người mười mấy tuổi đã hiểu, đã tiếp xúc, tôi đến 26 tuổi mới nghe đến, quá trễ! Nhưng đến khi lớn tuổi, lúc 56 tuổi, những người này nhìn thấy tôi, thái độ trước đây hoàn toàn thay đổi, họ thấy tôi đều nói: “Con đường thầy đi là đúng”. Bây giờ qua 20 năm nữa gặp lại tôi, ai cũng đều ngưỡng mộ! Trước tiên ngưỡng mộ điều gì? Ngưỡng mộ tướng mạo tôi thay đổi, thể chất của tôi thay đổi. Năm nay tôi 75 tuổi, chưa từng sanh bệnh, thân thể tôi rất mạnh khỏe.

Năm ngoái chính phủ Úc châu cho tôi lưu trú vĩnh viễn, theo quy định phải đi kiểm tra sức khỏe. Sau khi kiểm tra xong bác sĩ nói với tôi, thầy đến kiểm tra là dư thừa. Tôi nói, dư thừa cũng phải kiểm tra, đây là gì? Đây là đạt được ưu điểm đầu tiên trong việc tu học Phật pháp. Mọi người đều nhận thấy rõ ràng. Thể lực của tôi hiện nay, đại khái có thể thi với người ba bốn mươi tuổi. Ông hỏi tôi, rốt cuộc thầy ăn thứ gì? Dùng loại dinh dưỡng nào? Tôi nói tất cả các thứ dinh dưỡng tôi đều không đụng đến, vì sao vậy? Vì những thứ đó đều có tác dụng phụ, sống càng đơn giản càng tốt, rau xanh, đậu hũ. Tôi uống nước, không uống nước ngọt. Trong nước ngọt, nói thật, người bây giờ gọi là vệ sinh, nước ngọt không có vệ sinh, trong đó có rất nhiều loại hóa chất. Đến trà lá, trà, trừ những trường hợp giao tiếp, người ta chuẩn bị sẵn trà nước, vì tôn kính người ta nên tôi cũng uống trà. Bản thân tôi không uống trà, chỉ uống nước. Ăn rất ít, tuyệt đối không ăn vặt. Mỗi ngày tôi đọc sách nhiều thời gian, buổi tối đọc đến 12 giờ mới đi ngủ, buổi sáng khoảng hơn 6 giờ thức dậy. Không có công việc gì, sau khi ăn cơm trưa nghỉ một lát, có việc có thể không cần nghỉ. Tinh thần sung mãn, công việc bình thường. Quý vị có thể nói ăn chay không có dinh dưỡng chăng? Tôi có thể làm chứng cho quý vị. Có rất nhiều người xuất gia, sức khỏe đều rất tốt, cũng rất mập mạp, họ không có ăn thịt! Nhân tố mạnh khỏe thật sự, là tâm địa thanh tịnh, không có vọng tưởng, không có tạp niệm. Tiếp theo là ăn uống ngủ nghỉ như pháp, có trật tự, có tiết chế, tuyệt đối không tiêm nhiễm ngũ dục lục trần, như vậy tâm mới thanh tịnh. Nhất định phải buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, tâm địa thanh tịnh là nguyên nhân chính để được mạnh khỏe. Tất cả tùy duyên mà không phan duyên, đây là ngoại duyên của sức khỏe. Có nguyên nhân chính, có ngoại duyên, quả báo mạnh khỏe liền hiện tiền.

“Đam nhiễm trần tình”, “trần” chính là ngũ dục lục trần. Ngũ dục là tài sắc danh thực thùy, lục trần là sắc thanh hương vị xúc pháp, những thứ này nhất định phải có tiết chế. Nếu không có tiết chế, dung túng phóng dật, hậu quả không thể tưởng tượng, nhất định phá hoại thân thể mình. “Tư hành bất nghĩa”, bất nghĩa tức là không nên làm, bất luận là đối người, đối sự hay đối vật, nhất định phải nghĩ đến, ta nên làm hay chăng? Nói chuyện, phải nghĩ lời này có nên nói chăng? Người thật sự chú ý đến tu dưỡng, họ hiểu nên rất cẩn thận. Làm việc riêng bất nghĩa tưởng người không biết, tưởng rằng người khác không biết, sai lầm. Cổ nhân nói: “nếu muốn người khác không biết, trừ khi bản thân đừng làm”, dù che dấu kỹ đến mấy, cuối cùng cũng có ngày bại lộ, làm gì có chuyện người khác không biết?

“Ngạo nhiên vô quý”, “ngạo” là ngạo mạn, “vô quý” là không có tâm hổ thẹn. “Hổ” chính là trách cứ của lương tâm, “quý” là quản thúc của dư luận. Người bên ngoài phê bình, quý vị không để ý đến. “Vô quý” tức là không để ý, ngày nay chúng ta gọi là mặt dày. Hành vi như vậy, “tương nhật luân ư cầm thú nhi bất tự tri”. Nếu chúng ta tư duy tường tận câu nói này, “cầm thú” là ba đường ác, ý nói là quý vị nhất định trôi lăn trong ba đường ác, nhưng bản thân không cảm nhận được. Trong kinh Đức Phật nói: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta mất thân người, đời sau lại được thân người, trường hợp này rất ít, đa phần đều không thể được thân người.

Điều kiện được thân người là gì? Không chỉ là Phật pháp mà chư vị thánh hiền đều nói. Như trong Phật pháp nói về ngũ giới thập thiện, Nho giáo nói về luân thường đạo đức, ngũ luân thập nghĩa. Quý vị có thể làm đầy đủ không thiếu sót, đời sau nhất định được thân người. Đời này chúng ta có thể được thân người, do trong đời quá khứ chúng ta tu tập tốt ngũ giới thập thiện, nên đời này được quả báo này. Nhưng đời này không tiếp tục tu hành thì sao? Như vậy phải hỏi lại chính mình.

“Thế chi khả tu khả sỉ giả, mạc đại hô thử”, nghĩa này chính là nói, các bậc thánh hiền nhân vốn giống như ta, ngày nay họ làm thánh, làm hiền, làm Bồ Tát, làm Phật, sanh lên cõi trời. Mà chúng ta ngày nay tư tưởng, kiến giải, ngôn hành đều bất thiện, tương lai tiền đồ của chúng ta là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, quả báo khác nhau rất lớn. Chúng ta thấy họ, quả thật đáng xấu hổ!

Có người hỏi tôi, thầy ơi, vì sao thầy học Phật? Trả lời của tôi rất đơn giản, học Phật nghĩa là học thánh nhân, học làm một người hiểu biết, chỉ có hiểu biết mới có thể nâng cao cảnh giới của chính mình. Hiện tại sống cuộc đời của Chư Phật Bồ Tát, tương lai nhập vào cảnh giới của Chư Phật Bồ Tát. Chúng ta học Phật, mục đích thật sự là đây. Thân thể này hiện nay vẫn còn, chưa lìa xa, chúng ta phải coi thân thể này như công cụ, làm nhiều việc tốt cho xã hội, cho chúng sanh. Người bây giờ nói, vì nhân dân phục vụ, vì quốc gia phục vụ, vì chúng sanh phục vụ. Thân thể này là một công cụ. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói, chính là sửa đổi tu thiện, tích lũy công đức, làm tấm gương cho đại chúng. Làm gương không thể không có công cụ, đây chính là công cụ tốt, mà không chút liên quan đến chính mình, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

“Mạnh tử nói: Sỉ là đối với bậc đại nhân, được điều này tức là thánh hiền, không có nó tức cầm thú, thay đổi là điều cần thiết”. Nhà Nho nói: “Biết hổ thẹn là gần với cái dũng”. Nếu có thể làm được, tức có thể thành thánh, thành hiền. Còn như mất đi, không biết hổ thẹn, vậy phải luân lạc đến cầm thú, ngạ quỷ, địa ngục. Biết hổ thẹn là bí quyết quan trọng để sửa đổi, chúng ta không thể không chú ý.

Có một năm tôi giảng kinh tại Mỹ, gặp một vị đồng tu, ông làm giáo thọ ở trường bên đó. Khi chúng tôi ăn cơm, ông ta nói với tôi về vấn đề này. Ngày nay xã hội động loạn bất an, phải bắt đầu từ đâu để giúp đại chúng quay đầu? Ông nghĩ đến một vấn đề, tức là nhắc đến mấy chữ biết hổ thẹn này. Ông nói sở dĩ người bây giờ dám tạo nghiệp ác, gây ra động loạn bất an cho xã hội. Truy cứu nhân tố căn bản của nó, chính là không biết hổ thẹn, cho nên bây giờ cần phải đề xướng biết hổ thẹn. Tôi nghe xong, đồng ý với tư tưởng của ông ta. Lúc đó ông ta nghĩ ra, ông nói: chúng ta tổ chức thành một trung tâm học biết hổ thẹn. Tôi nói rất tốt, ông cứ soạn chương trình, tôi hưởng ứng. Sau đó tôi rời Mỹ, vấn đề này dần trôi qua đi.

Cho nên bất kỳ một việc tốt nào, nhất định phải có nhân sĩ nhiệt tâm đứng ra thúc đẩy. Có thể tìm kiếm trong xã hội những người còn có khái niệm về truyền thống luân lý đạo đức, người nghe đến còn có thể sanh tâm hoan hỷ. Tập hợp những người này lại, thành lập một xã đoàn, chúng ta cùng nhau siêng năng nỗ lực tu học, ra sức thúc đẩy hoằng dương nó, là một việc tốt. Vị giáo thọ này họ Thái, cư sĩ Thái.

Chúng ta xem tiếp điều thứ hai. “Đệ nhị, yếu phát úy tâm, tri úy”. Biết sợ hãi mới có thể sanh tâm thành kính. “Thiên địa tại thượng, quỷ thần nan khi, ngô duy quá tại ẩn vi, nhi thiên địa quỷ thần, thật giám lâm chi. Trọng tắc hàng chi bất ương, khinh tắc tổn kỳ hiện phước, ngô hà khả dĩ bất cụ”. “Úy” là sợ, sợ hãi, ở đây cũng bao hàm nghĩa cung kính. “Úy” và “kính” thường liên kết lại dùng, là “kính úy”. Ngày xưa đệ tử đối với cha mẹ tôn trưởng, học sinh đối với thầy, đều có tâm kính úy, vừa yêu kính vừa sợ hãi. Nếu không có tâm sợ hãi, lại không biết hổ thẹn, chư vị thử nghĩ xem, họ còn việc xấu gì không dám làm? Trong xã hội hiện nay, người biết hổ thẹn rất ít, người biết yêu kính sợ hãi cũng rất ít, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân là do không dạy dỗ tốt. Con người không phải thánh hiền, không phải Phật Bồ Tát tái sanh, vì thế giáo dục vô cùng quan trọng. Hiểu đạo lý này, hiểu phương pháp này, đích thực các bậc thánh hiền_Trong Học Ký của Lễ Ký chúng ta đọc được: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Lại xem lịch sử, từ xưa đến nay kiến lập một chính quyền, hình thành một triều đại, không quá năm năm, quốc gia nhất định chế định lễ lạc, công tác giáo hóa nhân dân đã hoàn thành. Cho nên thay đổi triều đại, thời gian loạn thế rất ngắn, khôi phục trật tự rất nhanh.

Duy nhất thời đại này của chúng ta, người thời đại này rất đáng thương, rất khổ! Sau khi Mãn Thanh diệt vong cho đến nay, đều chưa chế định lễ lạc. Lễ lạc chưa ban bố, thời đại này tương lai trên lịch sử gọi là “loạn thế”, đây là một thời kỳ có thời gian động loạn dài nhất trong lịch sử. Cuộc sống của nhân dân, giao tiếp giữa người và người, không biết bắt đầu từ đâu.

Trước đây tôi ở Đài Loan, có người hỏi tôi, một số phong tục nhân gian ở Đài Loan, khi cha mẹ qua đời, con cái mang hiếu phục trong tang lễ, có người thắt dây cỏ nơi eo, có người mặc áo quần màu đen. Các vị đồng tu thấy vậy đến hỏi tôi, họ nói: “điều này có hợp lễ chăng?” Tôi nói, từ khi Trung hoa dân quốc kiến quốc đến nay, chưa ban bố lễ lạc, họ thắt dây cỏ nơi eo là dùng lễ thời nhà Thanh, còn họ mặc y phục màu đen là dùng lễ người phương tây. Tôi gật đầu, đều có thể dùng, vì quốc gia không có lễ, người ta dùng phương thức nào cũng được, vì không có lễ, không giống như ngày xưa. Ngày xưa thời đại đế vương rất coi trọng lễ lạc, không được mang y phục tùy tiện. Quý vị có thân phận như thế nào, thì mang y phục như thế, sĩ nông công thương đều có phân biệt. Mọi người vừa nhìn thấy, biết quý vị theo ngành nghề nào, trong xã hội quý vị thuộc địa vị nào. Địa vị thấp hơn, nhất định phải tôn trọng quý vị, tiện đối với việc hành lễ. Bây giờ không còn nữa, bây giờ quý vị xem ở Đài Loan, tổng thống và nhân dân đều mang y đồ véc, ở cùng nhau không thể phân biệt. Không có lễ, thiên hạ đại loạn, trật tự xã hội không còn, điều này ngày xưa tuyệt đối không được. Nhưng chúng ta sanh vào thời đại này, chúng ta hướng đến xã hội ngày xưa, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua hiện thực của thời hiện đại. Tuy mọi người không nói, trong lòng chúng ta phải hiểu.

Có trời đất quỷ thần chăng? Nhất định có. Có vậy ở đâu? Mắt chúng ta không nhìn thấy, tai không nghe thấy, thân thể không tiếp xúc được. Không thể nói chúng ta không tiếp xúc được là họ không tồn tại, thứ không tiếp xúc được rất nhiều, không thể nói họ không tồn tại. Huống gì những cảm ứng của quỷ thần, không những trong lịch sử ghi chép rất nhiều, mà hiện trong truyền thông, báo chí, tin tức chúng ta cũng thường thấy, những tin tức này đều là sự thật. Nhưng vẫn có rất nhiều người không tin, điều này không thể trách được, nếu không tự thân chứng kiến, người khác nói đều không tin. Đến lúc nào quý vị có phước báo, có nhân duyên thấy được quỷ thần, như vậy quý vị mới tin.

Năm hai mươi mấy tuổi, khi tôi mới học Phật, cư sĩ Chu Kính Trụ, là một vị trưởng giả rất yêu thương chăm sóc tôi. Ông có rất nhiều chuyện, đều là tự thân trải qua, thường kể cho tôi nghe, chúng tôi cũng rất thích nghe kể chuyện. Vì chuyện ông kể là tự thân chứng kiến, nên đều là thật không phải giả, không phải ông dựng lên câu chuyện để gạt chúng tôi. Chúng tôi hỏi ông nhân duyên học Phật, vì ông học tài chính. Thời kỳ kháng chiến ông làm cục trưởng thuế vụ của Tứ Xuyên, quản lý thuế má. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ông là người Triết Giang, ông làm trưởng phòng tài chính tỉnh Triết Giang. Trước kháng chiến, ông từng làm tổng giám đốc ngân hàng tại Tô Châu.

Tôi thỉnh giáo ông nhân duyên học Phật, ông nói với tôi, nhân duyên học Phật là vào thời kỳ kháng chiến. Ông ở tại Trùng Khánh, một hôm đánh cờ cùng mấy người bạn, đây là chuyện bình thường, thường thường đến hai giờ khuya mới giải tán, giải tán ai về nhà nấy. Lúc đó tuy địa vị ông rất cao, nhưng vẫn không có phương tiện giao thông, đi bộ trở về. Không như bây giờ đều có xe hơi, lúc đó đi bộ, mà đèn đường còn rất tối. Điều này con người thời nay khó lãnh hội được, khoảng tuổi như tôi nói đến điều này, cũng biết được đôi chút. Đèn đường rất xa mới có một cây, mà bóng đèn đường đó khoảng 40w, treo rất cao, khoảng cách rất xa, đúng là như có như không. Trở về lúc đêm khuya, đi về cũng khá xa, khoảng bốn năm mươi phút mới về đến nhà. Khi đi trên đường, ông thấy phía trước có người, lúc đó cũng đi cùng đường, phía trước ông, ông cũng không chú ý. Đi khoảng nửa tiếng, đột nhiên ông nghĩ, nhìn thấy người nữ đi trước. Ông nghĩ, một người con gái đơn thân, sao có thể đi ra đường vào lúc nửa đêm? Ông nói, vừa nghĩ đến đây thì toàn thân dựng đứng. Nhìn kỹ người đi ở trước, cô ta có thân trên không có thân dưới, ông khiếp sợ vô cùng, vừa giật mình người ở trước liền biến mất, không còn. Ông cùng đi với người này suốt nửa tiếng đồng hồ, tuyệt đối không phải hoa mắt, ông thấy ma thật. Ông nói bắt đầu từ hôm đó, ông mới thật sự tin Phật. Sau khi học Phật, ông rất cảm kích con ma đó, nếu không tự thân chứng kiến, thì ông mãi mãi không thể tin.

Ba vợ ông là Chương Thái Viêm, rất có địa vị trong giới học thuật. Ba vợ ông là Phật tử kiền thành, cũng có rất nhiều chuyện, thường kể cho ông ta nghe. Ông nghe xong bán tín bán nghi, cho đến khi chính mình gặp phải ông mới tin, điều này có thật. Chuyện của ông rất nhiều, nếu tôi kể phải mất hết vài tiếng đồng hồ, rất thú vị, tuyệt đối không phải giả.

Bản thân tôi tuy chưa từng thấy ma quỷ, nhưng tôi từng gặp như trong tiểu thuyết Liêu Trai nói về hồ ly tinh. Lúc đó tôi khoảng mười lăm mười sáu tuổi, tôi quả thật gặp hồ ly tinh. Cho nên tôi tin đó là thật, không phải giả. Tôi gặp con hồ ly tinh này, đã biến thành hình người, nhưng người nam không phải nữ. Rất nhiều người gặp, ở Hằng Sơn Hồ Nam. Sau khi kháng chiến thành công, tôi trở về quê nhà, ở quê nhà có một người thân thích gặp chuyện rất kỳ lạ. Ở quê tôi đem gạo đi bán, gạo đều vận chuyển đến bán ở Vu Hồ Nam Kinh. Người bà con này của tôi có một thuyền gạo, đều đóng vào bao xong xuôi cả, đưa lên thuyền. Khi đưa lên thuyền, nhìn thấy một con chồn từ bậc cấp chạy vào thuyền, công nhân trên thuyền tìm mãi nhưng không tìm thấy. Không tìm thấy, mọi người tưởng là hoa mắt nên thôi. Khi chở thuyền gạo này đến Nam Kinh, sau khi đưa đến Nam Kinh, lúc đưa hàng xuống, đột nhiên trong bao không còn hạt gạo nào, cả một thuyền gạo không còn. Mọi người biết rằng, đều do con chồn này gây ra, thấy điều này là thật không phải giả, cả thuyền gạo không còn. Cho nên đi chơi mấy ngày ở Nam Kinh thì quay về, khi trở về đến nhà, gạo của ông ta vẫn còn nguyên trong kho. Không biết đã đắc tội với con chồn này ra sao, mà nó lại trêu đùa ông ta như vậy. Không có tổn thất, nhưng nó đã chuyển cả thuyền gạo trở về nhà bằng cách nào, đây hoàn toàn là sự thật.

Cho nên thế gian không có việc kỳ lạ gì không xảy ra, không thể nói mình không chứng kiến là không tin, vì điều chúng ta chứng kiến quá ít. Những chuyện này ở HongKong cũng rất nhiều, ở Đại Lục lại càng nhiều, ở nước ngoài cũng rất nhiều. Tôi gặp rất nhiều người, vì giảng kinh nhiều thính chúng, họ thường kể chuyện họ gặp phải cho tôi nghe. Cho nên trời đất quỷ thần khó lừa gạt, chúng ta lừa người dễ, nhưng gạt trời đất quỷ thần rất khó.

“Ngô tuy quá tại ẩn vi”, lỗi lầm của ta vô cùng ẩn mật, vô cùng vi tế, người không cảm nhận được. Nhưng “thiên địa quỷ thần, bảo giám lâm chi”, “giám” là tấm gương, giống như tấm kính soi rất rõ ràng, đã chiếu đến. “Trọng tắc hàng chi bách ương”, nếu tạo ác nghiệp nặng, nhất định gặp tai họa mà ta không ngờ được. “Khinh tắc tổn kỳ hiện phước”, nhẹ thì giảm tổn phước báo hiện tiền. Nếu hiểu được đạo lý này, nếu thấu triệt chân tướng sự thật này, sao không sợ hãi được?

Xem tiếp bên dưới: “Bất duy thị dã”, không những như thế. “Nhàn cư chi địa, chỉ thị chiếu nhiên, ngô tuy yểm chi thậm mật, văn chi thậm xảo, nhi phế can tảo lộ, chung nan tự khi, bị nhân thứ phá, bất trực nhất văn hỉ, ô đắc bất lẫm lẫm”.

Ở trước nói trời đất quỷ thần thấy chúng ta rất rõ ràng, đoạn này nói với chúng ta về hoàn cảnh cư trú hiện tại. Cái gọi là: “mười con mắt nhìn, mười ngón tay chỉ”, đặc biệt là xã hội đô thị hiện nay, nhân khẩu dày đặc, nhất cử nhất động của chúng ta rất nhiều người đều nhìn thấy, dù chúng ta che đậy kỹ đến mấy.

“Văn chi thậm xảo”, “văn” là che đậy. Quý vị che dấu tốt đến mấy, thì “phế can tảo lộ, chung nán tự khi”. Ở trước có nói với quý vị, người có học vấn, có đạo đức, họ nhìn là biết ngay. Bị người khác nhìn thấu, không đáng một xu. Nghĩ đến những điều này, sao không sợ hãi được? “Lẫm lẫm” là khủng khiếp, sợ hãi. Đây nghĩa là con người khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, phải dựa vào lương tâm, thiên lương, phải biết sợ quan tâm của dư luận. Chúng ta làm việc thiện, không muốn để mọi người biết. Chúng ta làm việc ác, hy vọng mọi người đều biết. Người khác chỉ trích, coi như chúng ta báo hết cái ác, đây là việc tốt. Những gì họ chỉ ra, mình thật sự có sai lầm, cần phải tiếp thu, hối cải. Họ chỉ ra, nhưng ta không có lỗi lầm này, ta cũng hoan hỷ dù bị oan uổng, bị oan uổng là phương pháp tiêu tai tiêu nghiệp chướng thù thắng nhất. Cho nên bất luận mọi người chỉ trích có đúng hay không, chúng ta đều phải cám ơn.

Cổ nhân nói rất hay: “có lỗi thì sửa, không có thì cố gắng hơn”. Người khác phê bình mình, đặc biệt là phê bình một cách ác ý. Nếu có lập tức sửa đổi, còn như không có càng cố gắng hơn, tuyệt đối không tái phạm, thành tựu đức hạnh của mình. Cho nên một người biết tu dưỡng, người biết đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, quả thật không giống những người khác. Trong mỗi niệm của họ đều nghĩ đến lợi ích của người khác, tuyệt đối không để bất thiện của người khác trong lòng, đó là việc không đáng. Vì sao vậy? Vì tâm chúng ta thuần thiện, để việc xấu của người khác trong tâm, làm phá hoại thiện tâm của mình, quý vị nói như vậy oan uổng biết bao? Trong xã hội, người ngu si như thế không ít.

Người ta khen ngợi mình, nịnh bợ mình, chúng ta cũng phải bình tĩnh tư duy. Họ nịnh mình, khen ngợi mình, mình có thật đức này chăng? Phải chăng ta đã làm việc tốt như vậy? Cho dù có thật, chúng ta cũng phải khiêm tốn, càng nỗ lực hơn. Nếu lời khen ngợi của họ vượt quá sự thật, chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, nhất định phải xin lỗi họ: tôi không có nhiều ưu điểm như vậy, quý vị nói quá rồi, bản thân tôi cần nỗ lực hơn nữa, hy vọng không phụ sự khen ngợi của quý vị. Tu dưỡng như vậy, mới có thể thành tựu đức hạnh của mình. Về phương diện quả báo, mới có thể miễn trừ hung dữ tai họa, thiện phước mới hiện tiền, đây là đạo lý nhất định. Chúng ta phải hiểu, phải siêng năng nỗ lực tu học. Phải có tâm hổ thẹn, phải siêng năng tinh tấn.

Hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.