ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 13
Phần trên chúng tôi đã nói đến: “Cha mẹ thích, dốc lòng làm. Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ”, cũng nhắc đến việc con người từ nhỏ phải tránh rất nhiều những thói quen, tập tính xấu như đánh bạc, háo sắc. Trong sách xưa có nói bốn tập tính không nên trưởng dưỡng là: “Kiêu, sa, dâm, dật”.
Trong chữ “dật”, quan trọng nhất là ngay từ nhỏ là phải hình thành cho con trẻ thái độ siêng năng, thói quen làm việc nhà. Chúng ta cũng nói đến những lợi ích khi trẻ làm việc nhà như:
- Thứ nhất là quý lao động, biết cảm ơn.
- Thứ hai là nuôi dưỡng thái độ siêng năng và dần dần sẽ tích lũy được khả năng làm việc. Vì vậy khả năng làm việc tuyệt đối không phải đến lớn mới học, mà từ lúc còn nhỏ ở nhà chúng ta đã có thể huấn luyện.
- Thứ ba là rèn luyện ý chí cho trẻ.
- Cuối cùng là mối quan hệ của trẻ với mọi người sẽ rất tốt.
Trong quá trình dạy học, tôi đã từng dạy các môn tự nhiên. Mỗi lần giảng bài xong thì cần phải thu dọn rất nhiều giáo cụ. Có nhiều em học sinh rất tự nhiên ở lại giúp tôi dọn dẹp dù tôi không bảo các em. Chúng ta thấy những học sinh như vậy thì trong lòng sẽ rất vui. Đối với những học sinh như vậy chúng ta nhất định sẽ quan tâm nhiều hơn, bởi vì trẻ em siêng năng thì rất dễ được người lớn dìu dắt, quan tâm và yêu thương. Khi tiếp xúc với bạn cùng trang lứa, nếu như các em siêng năng thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân duyên của các em. Ví dụ như chúng đi học đại học và ở cùng phòng với những người bạn học. Chúng vừa bước vào, nhìn thấy bạn khác quét dọn phòng khách, chúng liền bắt tay cùng dọn dẹp thì sẽ để lại cho bạn học ấn tượng là luôn biết giúp đỡ, luôn thông cảm với sự vất vả của người khác. Tuy chưa từng tiếp xúc với nhau, nhưng hành động như vậy đã để lại ấn tượng vô cùng tốt cho bạn học, rất dễ dàng hòa nhập vào đoàn thể.
Nếu như ở nhà các em không biết giúp đỡ người khác, thì khi đến chỗ tập thể, ví dụ như khi người khác đang quét dọn, các em vẫn ngồi xem tivi, thì ấn tượng của bạn học đối với các em sẽ không được tốt. Không phụ giúp vẫn chưa nghiêm trọng lắm, bởi vì ở nhà không biết phụ giúp nên không biết được sự vất vả của người làm việc, có khi cầm đồ đạc vứt lung tung, quên trước quên sau, đến lúc bạn học cần dùng đồ dùng chung thì tìm không thấy. Như vậy thì sự tin tưởng và ấn tượng của chúng ở trong tập thể càng ngày càng giảm, lời oán trách của người khác dần dần tích lũy, cuối cùng sẽ bùng phát.
Trong phần cần mẫn này chúng tôi có nhắc đến: “Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn”. Những thói quen sinh hoạt tốt như vậy đều ảnh hưởng đến cuộc sống tập thể của các em sau này. Nếu không, chúng không chỉ không giúp đỡ người khác mà còn gây thêm phiền phức. Vì vậy, thói quen siêng năng, thói quen lao động có liên quan trực tiếp với mối quan hệ của các em với người khác.
Rất nhiều sinh viên đại học bị đuổi học, nguyên nhân do đâu? Chính là khả năng sống tự lập quá kém. Thầy cô và bạn học không muốn ở cùng với họ, sinh hoạt chung với họ.
Ở Thẩm Quyến có một sinh viên bị nhà trường buộc thôi học. Báo chí đưa tin về anh ta đã vẽ một bức tranh châm biếm. Bức tranh này vẽ người đội mũ cử nhân đang được mẹ đút cơm cho ăn và có chú thích là: “Sinh viên giỏi chuyên ngành, đứa trẻ thiểu năng trong cuộc sống”. Quý vị bằng hữu, không nên cho điều này là nói quá, khi anh ta học đại học, thật sự người mẹ vẫn đút cơm cho anh ta ăn, bởi vì anh ta và mẹ “luôn đối đầu quyết liệt”, nếu như người mẹ không đút cơm thì anh ta không ăn. Lớn như vậy mà vẫn làm cho cha mẹ lo lắng!
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, con cái vì sao có thái độ như vậy? “Sớm biết hôm nay như vậy thì ngày đó đừng làm”. Ngày đó khi hai – ba tuổi, một lần đút cơm thì phải mất một – hai tiếng đồng hồ, làm cho cả nhà bận rộn chạy lăng xăng. Đút cơm xong thì lưng cũng mỏi nhừ. Vì vậy, không có quy tắc thì không tạo ra lề lối. Dạy bảo con cái thì nhất định phải nuôi dưỡng thói quen sinh hoạt tốt, tuyệt đối không nên buông thả. Đến lúc chúng hình thành thói quen, muốn xoay chuyển cũng xoay chuyển không nổi.
Người thanh niên này ở trong trường học, ví dụ như đến nhà thầy cô giáo cũng không để ý giờ giấc, có khi giữa trưa thầy cô đang nghỉ cũng đến nhấn chuông, khi vào nhà thì tự ý dùng máy tính của thầy cô, ăn uống vứt đầy nhà không dọn dẹp. Vì vậy thầy cô giáo rất sợ anh ta, bạn học cũng rất sợ anh ta.
Chúng ta mong muốn cuộc đời sau này của con cái được thuận lợi thì phải hình thành cho chúng những thói quen tốt, nếu không thì những thói quen xấu này vô hình trung sẽ chướng ngại rất lớn trong cuộc đời của chúng. Chúng ta biết những điều gì tốt thì phải cố gắng hình thành cho chúng, những điều gì không tốt thì cố gắng sửa đổi. Đương nhiên phải bắt đầu từ chính chúng ta làm tấm gương cho con cái.
Chúng ta có thể triển khai câu “cha mẹ thích” này ra không chỉ là cha mẹ mà cả những điều người thân chúng ta mong muốn, chúng ta có thể làm được thì cũng nên cố gắng làm. Ví dụ như vợ, con chắc chắn là mong muốn chúng ta có thể dành thời gian ở bên cạnh họ nhiều hơn. Có câu nói: “Tất cả mọi thành công đều không thể thay thế cho thất bại của gia đình”. Rất nhiều người nói: “Hiện nay công việc của tôi bận như vậy làm gì có thời gian ở bên cạnh giúp đỡ con cái”. Họ nói: “Người trong thế gian có những việc không thể thuận theo ý của mình được”. Câu nói này có lý không? Đây gọi là viện lý do. Con người chỉ cần có tâm thì chắc chắn có thể làm tốt mọi công việc. Đương nhiên nhất định trong giao tiếp với người cũng sẽ có xảy ra nhiều tình huống, vì vậy nhất định phải học khả năng từ chối, nếu không thì quý vị sẽ luôn tiêu hao thời gian vào những việc xã giao, những việc không liên quan gì nhiều đến gia đình và cuộc sống.
Làm thế nào để từ chối các cuộc xã giao?
Học từ chối có dễ không? Quý vị bằng hữu cảm thấy việc từ chối không dễ dàng phải không? Chúng ta có thể lấy hai bảo bối lớn này để từ chối người khác, bạn bè thông thường sẽ không làm khó được quý vị.
- Bảo bối thứ nhất chính là cha mẹ.
Giả như bạn bè muốn tìm quý vị đi nhậu, thật sự quý vị không muốn đi vì hễ đi là phải đến nửa đêm mới về, nói những chuyện tán hưu tán vượn, giở trò khôn vặt. Quý vị thật sự không muốn đi thì có thể mượn danh cha mẹ ra nói với họ: “Tôi đã hứa với mẹ tôi tối nay phải về nhà, ở nhà với mẹ. Hai tuần trước tôi đã hứa với mẹ rồi, vì vậy tôi phải về”. Thông thường bạn bè nghe quý vị nói phải về nhà thăm cha mẹ thì họ sẽ không ép quý vị. Không chừng quý vị nói như vậy thì họ cũng đột nhiên nghĩ lại: “Cũng lâu rồi mình chưa về thăm cha mẹ”. Quý vị từ chối như vậy còn thức tỉnh được tâm hiếu của họ. Đây là bảo bối thứ nhất.
- Bảo bối thứ hai là vợ con.
Nếu không muốn tham gia những cuộc liên hoan vô bổ, quý vị có thể nói với họ: Tối nay tôi đã hứa với con của tôi là sẽ kể hai câu chuyện giáo dục đạo đức cho chúng, bởi vì hiện giờ tôi đang cùng với con học thực hành “Đệ Tử Quy” để làm nề nếp cho gia đình. “Đệ Tử Quy” nói: “Phàm nói ra, tín trước tiên”. Con còn nhỏ, tôi không thể thất hứa với chúng, vì vậy tôi phải về nhà.
Lúc quý vị đem hai con át chủ bài này ra, cơ bản bạn bè sẽ không làm khó quý vị. Giả như đem hai chiêu bài này ra mà không có tác dụng, họ vẫn cương quyết lôi kéo quý vị đi thì phải làm sao? Giả như bạn bè như vậy, tôi thấy cuộc sống nên có sự lựa chọn. Bạn bè như vậy thì nên giữ khoảng cách.
Khi chúng ta có nhiều thời gian hơn thì có thể: “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Trước đây chúng tôi cũng nhắc đến “sáng phải thăm, tối phải viếng”, thường xuyên về nhà thăm cha mẹ, cha mẹ sẽ rất vui. Có một số người trẻ biết tranh thủ thứ bảy hoặc chủ nhật về nhà thăm cha mẹ. Thăm như thế nào? Dẫn một – hai đứa con về, vừa đến nhà là ngồi lên ghế salon bắt đầu xem báo. Hai vợ chồng đều ngồi trên ghế salon, con cái vừa đến nhà thì chạy nhảy xung quanh. Ông bà bận rộn tất bật còn đâu mà vui nổi. Từ sáng sớm đã đi mua thức ăn, trở về nhanh chóng làm cơm. Sau khi nấu xong thì dọn cơm ra, họ mới bỏ báo xuống nói “ăn cơm thôi”, sau đó thì cùng nhau ăn cơm. Ăn xong họ cũng không phụ giúp dọn dẹp và rửa chén bát. Ăn xong thì họ nói: “Mẹ ơi, con phải về đây!”, phủi phủi vài cái rồi dẫn con cái đi. Ông bà ngồi trên ghế salon thở dài: “Mệt chết được! Thà chúng không về còn hơn, được yên tĩnh một chút”.
Vì vậy chúng ta phải hiểu, việc chúng ta về nhà thăm cha mẹ, một là tận tâm hiếu, hai là chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Chúng ta nên gọi điện thoại trước cho cha mẹ: “Chúng con đã mua thức ăn rồi”. Lúc về nhà, hai vợ chồng nên chủ động đi nấu cơm, như vậy mới có thể giảm đi gánh nặng cho cha mẹ, như vậy lòng hiếu thảo của chúng ta mới thật sự trọn vẹn.
“Thân hữu thương, di thân ưu. Đức hữu thương, di thân ưu”.
“Thân bị thương, cha mẹ lo. Đức tổn thương, cha mẹ tủi”.
6.1 “Thân bị thương, cha mẹ lo”
Thân thể không được khỏe, thân thể bị tổn thương sẽ làm cho cha mẹ lo lắng vô cùng. Hôm qua chúng tôi có nhắc đến: “Bệnh từ miệng vào”. Đối với việc ăn uống chúng ta cũng phải vô cùng cẩn thận, nên ăn uống lành mạnh để cha mẹ không phải lo lắng. Ngoài việc ăn uống ra, những chi tiết trong cuộc sống cũng phải quan tâm nhiều hơn. Ví dụ như đối với thân thể, giữa mùa xuân và mùa thu, khi nhiệt độ thay đổi rất lớn thì phải nhớ mặc thêm quần áo ấm.
Khi tôi dạy học, đúng lúc có đợt không khí lạnh đến, nhưng rất nhiều học sinh mặc quần áo ngắn, cảm thấy chẳng sợ lạnh. Lúc đó tôi nói với các em: “Hãy mặc thêm quần áo vào”. Tiếp theo tôi nói: “Giả như em bị cảm lạnh thì ai sẽ chăm sóc cho em?”. Có em suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ em chăm sóc”. “Giả như em bị bệnh, bản thân em tự chăm sóc cho em thì thầy không nói làm gì, nhưng mà em vừa bị bệnh thì mọi người đều bị liên lụy. Vì vậy em phải có trách nhiệm giữ cho bản thân không bị bệnh. Em xem, em vừa bị bệnh thì mẹ em phải xin nghỉ làm, còn phải chạy xe máy chở em đi khám bệnh rồi lại đưa em về nhà. Không chỉ bận rộn như vậy, hơn nữa mẹ làm việc ở công ty cũng không an tâm”. Vì vậy, phải luôn luôn chú ý diễn biến của thời tiết, đừng để cơ thể bị cảm lạnh. Ví dụ như chúng ta vận động, leo núi sẽ ra rất nhiều mồ hôi, vì vậy lúc vận động cũng nên nhớ mang theo khăn, mang theo quần áo. Khi chúng ta quan tâm những chi tiết này, có thể chăm sóc thân thể, thì cha mẹ của chúng ta sẽ ngày càng yên tâm hơn.
Rất nhiều thanh thiếu niên nói: “Cha mẹ tôi làm sao mà quản lý tôi nhiều như vậy”. Tôi sẽ hỏi ngược lại: “Tại sao cha mẹ phải quản lý quý vị nhiều như vậy?”. Đương nhiên là quý vị có nhiều hành vi làm cho cha mẹ không yên tâm. Nếu như chúng ta thật sự có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân thì cha mẹ sẽ yên tâm, như vậy chúng ta có thể có được sự tự do thật sự. Nếu như rất nhiều việc mình đều không biết tự chăm sóc cho bản thân mà cha mẹ không nhắc nhở thì không phải cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm của mình hay sao? Quí vị phải hiểu được tấm lòng của cha mẹ. Bản thân mình phải hiểu chuyện hơn, như vậy mới có thể tự do thật sự mà cha mẹ cũng yên tâm. Vì vậy, cuộc sống của chúng ta cũng phải nên có quy luật, không nên thường xuyên thức đêm. Thức một đêm thì phải cần mấy ngày mới hồi phục được. Chúng ta phải luôn chú ý đến việc ăn uống, chú ý đến quy luật cuộc sống, để cho thân thể của mình có thể có được sự điều dưỡng tốt.
Một em bị bệnh cảm, em viết trong nhật ký: “Tôi bị cảm rồi, tôi rất khó chịu. Không phải khó chịu vì tôi bị cảm, mà vì bị cảm là bất hiếu”. Quý vị xem, trẻ em tiếp nhận giáo huấn của “Đệ Tử Quy”, chúng đối diện với rất nhiều sự việc, khả năng tự phản tỉnh, khả năng quán chiếu sẽ khác với những trẻ em thông thường.
Trong chương “Khai Tông Minh Nghĩa” của “Hiếu Kinh” cũng cho chúng ta những lời giáo huấn quan trọng, đó là sự hiếu thảo của một người nhất định phải bắt đầu thực hiện từ việc yêu thương thân thể của mình: “Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn thương. Hiếu bắt đầu từ chỗ này”.
6.2 “Đức tổn thương, cha mẹ tủi”
Khi đạo đức của chúng ta bị tổn thương sẽ làm cho cha mẹ hổ thẹn, sẽ làm cho người thân xấu hổ, thậm chí là sẽ làm cho quốc gia dân tộc hổ thẹn.
Cuối đời nhà Hán, có một vị quan tên là Đổng Trác. Sau khi Đổng Trác có quyền thế thì dùng quyền thế làm loạn, sau đó có rất nhiều người đứng lên chống lại ông. Vào cuối đời Đổng Trác rất tệ, dòng họ của ông đều bị xử tử. Mẹ của ông đã hơn chín mươi tuổi vẫn phải bị xử tử nơi pháp trường. Vì vậy, chúng ta làm con cái, giả như hành vi của chúng ta vẫn còn tạo ra nổi đau khổ lớn như vậy cho cha mẹ thì đó thật sự là chưa thực hiện tốt phận làm con.
Hiện nay không còn hình phạt “tru di cửu tộc”, nhưng trong sự nghiệp của chúng ta nếu như xảy ra những sai lầm, giả như công ty bị phá sản, cũng có thể liên lụy đến cha mẹ. Cha mẹ đã vất vả hơn nửa cuộc đời, đến lúc đó cả lương hưu của họ cũng không đảm bảo được. Thậm chí còn có khả năng đã già rồi mà phải hầu tòa, lúc đó thì thật thê thảm. Vì vậy chúng ta làm con thì phải thành tín, phải làm đâu chắc đấy, không nên mơ ước viển vông làm cho bản thân phạm phải sai lầm liên lụy đến cha mẹ của mình. Vì vậy nói: “Đức tổn thương, cha mẹ tủi”.
Nếu như đạo đức của chúng ta có thể không ngừng nâng cao, dùng đức hạnh của chúng ta để tạo phước cho xã hội, tạo phước cho quốc gia thì có thể làm được như “Hiếu Kinh” đã nói: “Lập thân hành đạo để lại tiếng tốt về sau, làm rạng danh cha mẹ”. Đây chính là tận hiếu. “Làm rạng danh cha mẹ” có phải là muốn cha mẹ qua đời rồi mới làm rạng danh không? Không phải. Ngay hiện tại khi chúng ta vẫn còn trẻ mà có thể cống hiến tốt cho xã hội, thì nửa đời còn lại của cha mẹ sẽ lấy đó làm vinh dự, trong lòng cảm thấy được an ủi.
Mạnh Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng: “Sự thục vi đại, sự thân vi đại” (sự phụng sự nào lớn, phụng sự cha mẹ là lớn). Thờ phụng cha mẹ là chuyện trọng đại nhất của đời người. “Thủ thục vi đại, thủ thân vi đại” (việc giữ gìn nào là lớn, giữ gìn thân mình là lớn). Tự lo liệu cho bản thân, “thủ thân vi đại” nghĩa là giữ gìn thân thể, danh dự của bản thân, tuyệt đối không làm những việc trái với đạo đức, trái với pháp luật khiến cho cha mẹ khó xử. Khi hành vi chúng ta không phù hợp với đạo đức thì cha mẹ xấu hổ, người nhà cũng xấu hổ, thậm chí đến thế hệ sau cũng bị hổ thẹn.
Hiện nay do internet quá phát triển, sự giao lưu giữa con người với con người rất rộng. Nếu như không có khả năng phán đoán, lại không có lý trí, rất có khả năng sẽ phạm phải những việc làm cho mình hối hận suốt đời. Vì vậy, giữ thân rất quan trọng.
Hiện nay ở thành phố nói rất nhiều về “tình một đêm”. Việc này không chỉ làm cho mình xấu hổ, mà cũng có thể làm cho con cái không ngẩng đầu lên được. Do đó, bản thân chúng ta phải cẩn thận từng hành động, lời nói, không nên tự chuốc lấy nhục nhã.
Vì sao con người lại phạm phải sai lầm như vậy? Người nam có thể là quá buông thả dục vọng. Đó là do từ nhỏ không có chí hướng, đời sống chỉ biết hưởng lạc, buông thả bản thân. Cho nên, giúp cho con cái có chí hướng thì chúng sẽ không bị xã hội ô nhiễm làm ảnh hưởng. Nữ giới vì sao cũng phạm phải sai lầm vậy? Đa số là do ham thích hư danh. Ham thích hư danh thì thích nghe lời tán dương. Rất nhiều đàn ông có ý định bất lương, họ dùng lời nói đường mật làm cho những cô gái này bước vào con đường sai lầm.
Vì thế, bản thân chúng ta phải nên tự phản tỉnh, không nên phạm những sai lầm này. Ngoài ra, phải giúp cho con cái từ nhỏ không ham thích hư danh, giúp chúng từ nhỏ có được chí hướng của cuộc sống, đời sống sung mãn. Đạo đức đời người được nâng cao thì sẽ không phạm những lỗi lầm này. “Một bước sa chân, ngàn đời ân hận”. Đây là “đức tổn thương, cha mẹ tủi”.
“Thân ái ngã, hiếu hà nan. Thân tăng ngã, hiếu phương hiền”.
“Cha mẹ thương, hiếu đâu khó. Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”.
Cha mẹ đối xử chúng ta rất tốt, chúng ta cũng hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Đương nhiên cha mẹ cũng có thể có những lúc tính tình chưa được tốt lắm, lúc đó chúng ta cũng nên bao dung, nên rộng lượng, bởi vì tâm trạng của mỗi người thì có lúc này lúc khác. Cư xử giữa người với người chúng ta nên nhớ kỹ một nguyên tắc, đó là “cho dù người khác đúng hay không, bản thân mình nhất định phải làm cho đúng”. Giả sử hôm nay cha mẹ đối xử với chúng ta trong tâm trạng không được tốt, chúng ta không nên dùng tâm trạng không tốt đối xử lại cha mẹ, vì như vậy thì cha mẹ đã sai mà chúng ta lại càng sai hơn.
Giả như chúng ta đã sai thì có tư cách đi phê bình người khác sai hay không? Không thể được. Dù là cha mẹ hay bạn bè, người thân xung quanh chúng ta cũng vậy, cho dù họ dùng thái độ không đúng đối với ta, chúng ta cũng phải dùng thái độ đúng để đối diện với họ. Nếu không thì chúng ta cũng giống như họ, căn bản là không có tư cách để nói người khác sai. Đây là một thái độ lý trí. Cho dù người khác đúng hay sai, bản thân trước tiên nhất định phải làm đúng. Bởi vì có thái độ nhân sinh như vậy, nên chúng ta có rất nhiều Thánh nhân đều ở trong tình huống “cha mẹ ghét” mà vẫn giữ được tâm vô cùng hiếu thảo. Cũng nhờ vào tâm vô cùng hiếu thảo này mà họ có thể thay đổi không khí, làm cho gia đình hòa thuận yên vui.
Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên.
Vào cuối đời nhà Chu, có một người con hiếu tên là Mẫn Tử Khiên. Mẹ của ông mất sớm, cha cưới thêm mẹ kế. Mẹ kế đối xử với ông không được tốt. Mẹ kế sinh được hai em trai. Vào mùa đông, mẹ kế dùng bông gòn may quần áo cho hai người em, nhưng lại dùng bông lau may quần áo cho ông. Quần áo may xong thật sự rất lớn, rộng thùng thình, nhưng bông lau không giữ được ấm. Khi phụ thân kêu ông đi kéo xe, bởi vì gió thổi mạnh nên Mẫn Tử Khiên vừa kéo xe vừa run cầm cập. Phụ thân nhìn thấy ông mặc quần dày như vậy mà còn run cầm cập nên nghĩ: “Hành vi này của con rất có thể làm cho danh tiết của mẹ kế bị tổn hại. Người ta thấy sẽ cho rằng mẹ kế ngược đãi con chồng”, vì vậy rất giận dữ, cầm roi đánh Mẫn Tử Khiêm. Roi vừa đánh thì quần áo bị rách, bông lau bay ra. Người cha nhìn thấy rất giận dữ: “Tại sao vợ kế ngược đãi con của mình như vậy?”. Vừa về nhà, ông giận đùng đùng muốn đuổi người mẹ kế đi. Trong tình hình khẩn cấp như vậy, Mẫn Tử Khiên liền quỳ xuống cầu khẩn với phụ thân. Ông nói: “Xin cha đừng đuổi mẹ đi. Bởi vì mẹ ở nhà chỉ có một mình con bị lạnh, nếu như mẹ ra đi thì con và hai em đều phải chịu đói chịu lạnh”. Mẫn Tử Khiên nói như vậy, phụ thân của ông nghe xong rất cảm động, cũng hạ cơn giận xuống. Mẹ kế của ông càng cảm thấy xấu hổ: “Một đứa nhỏ như vậy luôn nghĩ đến con của mình, cũng lo nghĩ cho mình. Một người lớn như mình sao lại đi so đo tính toán với một đứa trẻ”. Do đó, tấm lòng và đức hạnh của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được người mẹ kế. Từ đó gia đình họ sống hòa thuận, vui vẻ.
Quý vị bằng hữu, nếu như Mẫn Tử Khiên không dùng sự khoan dung tha thứ như vậy, không dùng tâm hiếu chí thành để đối xử với mẹ kế, thì gia đình này sau đó sẽ ra sao? Sẽ tan cửa nát nhà. Do vậy, con người đối diện với sự việc tuyệt đối không nên hành động theo cảm tính. Nếu như lấy oán báo oán, kết quả tuyệt đối sẽ không viên mãn. Chúng ta phải tin: “Thành tâm thành ý thì đá vàng cũng tan”. Dùng tâm chân thành, lòng hiếu thảo mới có thể diễn được vở kịch hay cho cuộc đời.
Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Vương Tường.
Ngoài ra còn có một người con hiếu tên là Vương Tường. Ông đã để lại một câu chuyện rất nổi tiếng trong lịch sử tên là “Vương Tường rạch băng”. Vào mùa đông trời lạnh giá, mẹ kế bảo ông đi bắt cá cho bà ăn. Trong lúc tuyết phủ đầy trời, có cá để bắt không? Không có. Nếu như Vương Tường không đi bắt cá thì có thể sẽ bị mẹ kế đánh, thậm chí không cho ông vào nhà. Mẹ kế ông đối xử như vậy nhưng ông vẫn không có lời oán hận, vẫn đi đến nơi tuyết phủ đầy trời ngồi khóc một mình. Do thành tâm như vậy nên đã cảm động trời đất, băng liền nứt ra và nhảy ra hai con cá. Ông đem hai con cá về nhà phụng dưỡng mẹ kế. Đương nhiên những yêu cầu vô lý như vậy nhất định không chỉ có một chuyện này. Rất nhiều chuyện gây khó dễ, nhưng Vương Tường hoàn toàn không vì thế mà lùi bước. Có một lần bên ngoài sắp có mưa, mẹ kế nói với ông: “Hiện giờ bên ngoài trời đang mưa gió, nếu như trái trên cây mà rơi xuống thì mẹ sẽ phạt con”. Vương Tường liền chạy ra bên ngoài ôm mấy cây đó mà khóc, cầu nguyện cho trái đừng rơi xuống. Tấm lòng chân thành này cũng đã cảm động được cây. Chúng ta biết thực vật, khoáng vật đều sẽ vì lòng người mà có cảm ứng, thật sự trái cây rơi xuống rất ít. Vì vậy, rất nhiều tình huống đều do lòng hiếu thảo của Vương Tường mà từ dữ hóa lành.
Xin hỏi mọi người, muốn cảm động một người có dễ hay không? Không dễ, phải có tâm nhẫn nại. Vương Tường cảm động mẹ kế của ông không phải khi ông còn nhỏ mà khi ông đã lớn, lấy vợ rồi, ngay cả vợ ông cũng bị ngược đãi. Nhưng đức hạnh của ông đã cảm động được người em trai là Vương Lãm. Vương Lãm là em trai ông, là con của người mẹ kế. Vì đức hạnh của ông nên người em trai rất tôn kính ông. Mỗi lần mẹ kế ngược đãi Vương Tường và vợ của ông thì Vương Lãm dẫn vợ của mình đến giúp đỡ. Sau này đức hạnh của Vương Tường càng ngày càng tốt, danh tiếng lan truyền đi xa. Mẹ kế sinh lòng đố kỵ, không được vui, đem rượu độc cho Vương Tường uống. Rốt cuộc người em trai đã biết trước, trong tình thế nguy cấp liền giật lấy ly rượu uống thay anh trai.
Chư vị bằng hữu! Em trai của ông đã dùng cái chết để khuyên người mẹ. Lúc đó mẹ của ông liền đổ ly rượu độc, bản thân cũng cảm thấy xấu hổ. Con trai của mình có thể dùng cái chết để bảo vệ người anh, sao mình lại chẳng có một chút tình người vậy? Hành động này cũng thức tỉnh lương tri mẹ kế của ông. Sự chí thành của hai anh em cũng làm cho gia đình chuyển hóa trở lại.
Đúng lúc đó, trong triều đình có một vị đại thần tên là Lữ Kiền. Lữ Kiền có một thanh bảo kiếm, ông liền tặng cho Vương Tường. Ông nói: “Người có thanh bảo kiếm này có thể che chở cho con cháu đời sau, cũng sẽ rất thành tựu”. Vương Tường có được thanh bảo kiếm này, suy nghĩ đầu tiên là gì? Không giữ cho riêng mình, lập tức tặng cho em trai của ông, cũng chúc phúc cho con cháu người em trai sau này được hưng vượng. Thật sự có người anh đức hạnh như vậy, thế hệ sau của họ nhất định sẽ có được sự dạy dỗ rất tốt. “Kinh Dịch” nói: “Nhà tích điều thiện ắt sẽ có thừa niềm vui”, thế hệ sau của Vương Tường, Vương Lãm có đến chín đời làm công khanh, đều làm quan lớn trong triều đình phục vụ cho xã hội, cho quốc gia.
Do đó, chúng ta thật sự phải dùng tâm chân thành để chuyển hóa những điều không viên mãn trong gia đình. Đây mới là “cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”.
“Thân hữu quá, gián sử canh. Di ngô sắc, nhu ngô thanh. Gián bất nhập, duyệt phục gián. Hiệu khấp tùy, thát vô oán”.
“Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”.
Ở đây nói đến khi cha mẹ có lỗi. Chúng ta cũng có thể diễn giải ý nghĩa của chữ “thân” này là tất cả người thân, bạn bè của chúng ta có lỗi, chúng ta phải có trách nhiệm khuyên bảo, gọi là “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”.
Câu Kinh văn này vô cùng sâu sắc. Câu Kinh văn này không chỉ nói khuyên can người thân là bổn phận của chúng ta, mà còn chỉ dẫn giúp chúng ta cả cách khuyên, thái độ, thậm chí là thời cơ để khuyên. Chúng ta hãy xem, khuyên nhủ một người nên chú ý đến những điều sau:
- Thứ nhất là ý định.
- Thứ hai là thời cơ.
- Thứ ba là thái độ và cách khuyên.
- Thứ tư là sự kiên nhẫn.
- Thứ năm là phải được đối phương tin tưởng.
Khuyên một người không dễ, phải rất có tu dưỡng mới được. Lúc quý vị khuyên bạn bè, có khuyên ngay tại chỗ và từ đó về sau họ sẽ sửa đổi hay không? Có bạn bè như vậy không? Nếu như có thì quý vị nên giới thiệu họ cho tôi làm quen, bởi vì có thể họ là Nhan Uyên tái thế. Bởi vì Nhan Uyên đã làm được “không tái phạm lỗi”. Hiện nay vẫn còn có người như vậy thì nhất định phải mời người đó ra hoằng dương văn hóa truyền thống. Thông thường, rất nhiều hành vi của thanh niên không phải một ngày, hai ngày mà hình thành, gọi là “băng đóng dày ba thước không phải do một ngày giá lạnh”. Đã đóng băng lâu như vậy, chúng ta phải đốt cháy từ từ thì mới có thể làm băng tan chảy được.
- Thứ nhất, ý định và mục đích khuyên
Vừa mới bắt đầu khuyên nhủ bạn bè, trước tiên phải quán chiếu đến ý định của mình, nhất định phải có tấm lòng luôn muốn tốt cho đối phương, không phải kiểu khống chế: “Anh phải nghe lời tôi, không nghe tôi là không được”. Giả như chúng ta dùng thái độ khống chế, thái độ áp đặt thì có thể sẽ có kết quả ngược lại. Vì vậy, chúng ta phải có một số kinh nghiệm khuyên người. Cũng có trường hợp đang khuyên thành ra cãi nhau, thậm chí làm cho đối phương thẹn quá hóa giận, như vậy chúng ta đã mất đi mục đích thật sự ban đầu là chân thành khuyên họ. Do đó, phải luôn nhớ kỹ ý định này, chính là mong muốn họ được tốt hơn. Khi tấm lòng này đã kiên định, thì các vị sẽ tự nhiên điều chỉnh được phương pháp và thái độ của mình cho phù hợp.
Giống như lúc chúng tôi đang dạy học, rất nhiều học sinh chạy đến để kiện cáo. Các em chạy đến kiện cáo, chúng tôi liền hỏi: “Em nói bạn học đó làm không đúng, vậy em dùng cái tâm như thế nào để thưa với thầy? Là vui trên nỗi đau của người khác, hay là thật sự muốn người bạn đó sửa đổi lỗi lầm?”. Đó cũng là làm cho các em nhìn lại ý định của mình. Sau đó chúng tôi tiếp tục nói với em đó: “Nếu như em thật sự mong muốn người bạn này sửa lỗi, thì em hãy đi nói với bạn ấy, không cần thầy đến nói. Nhưng điều kiện trước tiên là em phải xây dựng được thái độ làm người, làm việc tốt trong lớp đã”.
Giả như cả lớp đã học qua “Đệ Tử Quy”, trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi”. Một người đối diện với lời khen của người khác sẽ cảm thấy vô cùng lo sợ, đối với sự khuyên bảo của người khác sẽ cảm thấy cảm ơn vì đã chỉ ra khuyết điểm cho mình. Khi cả lớp đều có thái độ như vậy, bạn học này khuyên bảo bạn học kia, các em sẽ thành tựu lẫn nhau, cảm ơn nhau. Khi bạn học khuyên mình thì cúi đầu nói: “Cảm ơn bạn đã chỉ ra khuyết điểm của mình”. Khi con trẻ biết đi khuyên bảo người khác, khi con trẻ biết tiếp nhận lời khuyên răn của người khác, thái độ như vậy sẽ làm cho cuộc đời của chúng có được những trợ lực rất lớn. Vì vậy khuyên người khác, điều trước tiên phải chú ý đến mục đích và ý định.
- Thứ hai, thời cơ khuyên
Thời cơ như thế nào thì khuyên bảo người khác mới tốt? Tục ngữ nói: “Dương thiện ư công đường, qui quá ư tư thất” (dương thiện nơi công đường, khuyên lỗi nơi phòng riêng). Khi ca ngợi ưu điểm người khác, khen ngợi người khác làm việc tốt, thì chúng ta có thể nói ở trước đám đông, bởi vì có thể làm cho người khác “thấy người tốt, nên sửa mình”. Chúng ta tán thán họ, họ sẽ càng tích cực nỗ lực. Nhưng khuyên người khác sửa đổi lỗi lầm thì nên ở phòng riêng, lúc không có những người khác. Vì sao phải khuyên lúc không có những người khác? Bởi vì người lớn chúng ta điều quan trọng nhất là thể diện. Thể diện rất quý đúng không? Thể diện một cân bao nhiêu tiền vậy? Vì vậy, một người muốn có đạo đức, muốn thành tựu học vấn thì trước tiên phải bán đi một thứ, đó là thể diện. Nếu có ai muốn bán thì lát nữa tôi sẽ mua. Nhưng phải thấu hiểu được cảm xúc của người, phải có thể nghĩ đến thể diện của người khác, vì vậy “khuyên lỗi nơi phòng riêng”. Khi chúng ta làm được như vậy, đối phương cũng sẽ cảm thấy chúng ta đang nghĩ cho họ. Nếu như chúng ta nói ra ở trước công chúng thì có thể ngay tại đó có thể xảy ra xung đột, tranh luận. Vì vậy, khuyên can lỗi lầm thì phải ở nơi không có người. Đây chính là nắm bắt thời cơ.
Trong “Luận Ngữ” cũng có một câu nói: “Khả dữ ngôn, nhi bất dữ chi ngôn”( với người có thể nói chuyện mà không nói chuyện với họ), thời cơ đã đến, quý vị có thể khuyên bảo họ nhưng lại không khuyên, đây là “thất nhân” (bỏ lỡ người đáng nói). Có thể nói mà không nói, đó là “thất nhân”, chúng ta không làm tròn bổn phận làm con, bổn phận của người làm bạn. “Bất khả dữ ngôn, nhi dữ chi ngôn”(với người không thể nói chuyện mà mình vẫn cứ nói), là thời cơ vẫn chưa tới, quý vị quá nôn nóng liền nói với họ, như vậy là “thất ngôn” (uổng phí mất lời của mình), có thể đã nói lỡ lời, lòng tốt của quý vị đã trở thành việc ác. Đó là “thất ngôn”.
Trong mối quan hệ ngũ luân, chúng ta đều phải có bổn phận khuyên nhủ như vậy. Cha con cần phải khuyên can, vua tôi cũng cần phải khuyên can. Khi quý vị tiếp nhận nhiệm vụ trong công ty thì phải có trách nhiệm trợ giúp công ty thật tốt, đương nhiên cũng phải trợ giúp tốt cho cấp trên. Vì vậy, quan hệ vua tôi cũng phải khuyên can. Tiếp đến là vợ chồng đương nhiên cần phải khuyên can, phải giúp chồng dạy dỗ con cái. Anh em cũng phải khuyên can. Bạn bè cũng phải khuyên can. Đây đều là bổn phận làm người của chúng ta. Do đó, phải nâng cao trí tuệ khuyên nhủ người khác của mình thì mới có thể thông qua lời nói của mình giúp cho cuộc sống của những người thân chúng ta.
“Đệ Tử Quy” có nói: “Khuyên không nghe, vui can tiếp”. Chữ “vui” ở đây rất có trí huệ, nghĩa là lần đầu khuyên cha mẹ không tiếp nhận thì phải đợi lúc nào mới khuyên tiếp? Lúc cha mẹ vui vẻ. Cho nên lúc này phải quan sát sắc mặt, “vui can tiếp”.
- Thứ ba, thái độ và phương pháp khuyên
Thái độ khi khuyên phải: “Mặt ta vui, lời ta dịu”. Chúng ta phải bình tĩnh, bởi vì khi chúng ta nổi nóng thì cũng dễ làm cho cha mẹ nổi nóng. Chúng ta không nổi nóng thì cha mẹ cũng không dễ gì nổi nóng. Vì thế chúng ta phải “mặt ta vui, lời ta dịu”, sau đó nắm lấy đúng thời cơ để khuyên nhủ. Tiếp theo, “vui can tiếp”.
- Thứ tư, kiên nhẫn
Chữ “tiếp” trong câu “vui can tiếp” có ý nghĩa là phải có tính kiên nhẫn, phải khuyên hai, ba lần mới được. Tính kiên nhẫn này từ đâu mà có? Từ tâm hiếu, tâm hữu ái, tâm tận trung có trách nhiệm, nhất định phải duy trì cho đến lúc làm được mới thôi.
Bởi vậy, nếu như ngày nay chúng ta khuyên người khác không có kết quả, chúng ta phải hiểu vấn đề không phải ở đối phương mà ở nơi bản thân mình. Khi bản thân chúng ta luôn luôn phản tỉnh thì sự sáng suốt trong việc khuyên bảo người khác càng lúc càng cao, tự nhiên người khác sẽ cảm nhận được tình cảm chân thành của chúng ta, nhất định sẽ chuyển hóa được. Thế nên chúng ta phải giữ vững thái độ. Người khác không nghe lời khuyên của chúng ta là do chúng ta “đức chưa tu” nên “cảm chưa đến”, chưa có sự cảm ứng.
- Thứ năm, phải được đối phương tin tưởng
Khuyên người khác còn có một việc chuẩn bị mà chúng ta phải suy nghĩ đến. Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử có nói: “Quân tử tín nhi hậu gián”. Người quân tử khuyên người khác có một điều kiện, đó là trước tiên nhất định phải làm cho đối phương tin tưởng, sau đó mới khuyên bảo. Giả như đối phương chưa tin tưởng chúng ta, “vị tín tắc dĩ vi báng kỷ dã” (chưa tạo được niềm tin thì bị coi là chê bai họ), mà chúng ta vội vàng khuyên bảo họ, họ sẽ cho rằng phải chăng chúng ta cố ý làm tổn thương họ. Ngày nay muốn khuyên can người khác trước tiên phải được đối phương tin tưởng sâu sắc. Vì vậy, cha mẹ, cấp trên, người bạn đời, bạn bè hoặc là anh em tin tưởng chúng ta thì việc khuyên bảo mới có kết quả.
Vậy làm sao mới có được sự tin tưởng của người khác? Chúng ta đều mong muốn được người thân, bạn bè tin tưởng chúng ta, vậy chúng ta cầu sự tin tưởng thì nó sẽ đến phải không? Không phải. Chúng ta nhiều lúc rất hâm mộ người khác: “Nhân duyên của anh chị sao mà tốt như vậy, mọi người vì sao đều tin tưởng anh chị như vậy?”. Chúng ta chỉ để ý đến kết quả mà không tìm hiểu nguyên nhân.
****************
Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 13)
Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng ngày: 15/02/2005
Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ