ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 28
Chúng ta bắt đầu vào chương thứ tư nói về “tín”, đã nói đến chữ “tín” trong lời nói của một người. “Phàm nói ra” phải “tín trước tiên”. “Tín” còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn, đó chính là tín nghĩa, là nghĩa vụ. Bổn phận làm người của một người không cần phải nói ra nhưng họ luôn để ở trong tâm không lúc nào quên.
Phần trước chúng tôi có nói đến mối quan hệ cha con. Rất nhiều người con hiếu cho dù xa mẹ đã năm mươi năm, trong khoảng thời gian xa cách đó họ vẫn luôn hy vọng tìm được mẹ để có thể hết lòng phụng dưỡng. Vì vậy, sau này trời cao đã không phụ lòng người.
Thời nhà Tống, Chu Thọ Xương cũng tìm được mẹ của ông một cách thuận lợi. Không chỉ đón mẹ về phụng dưỡng, mà ngay cả em trai, em gái cùng mẹ khác cha ông cũng đón về nhà chăm sóc. Người đọc sách luôn luôn đem bổn phận đặt ở trong tâm.
Khi ở Úc, mỗi lần nghe cô Dương giảng những câu chuyện về “Giáo Dục Đạo Đức”, tôi đều chảy nước mắt. Ngồi bên cạnh tôi là một người bạn người Hồng Kông, dáng vẻ khôi ngô, cao ráo. Nhìn thấy tôi nghe giảng mà cứ rơi nước mắt, anh liền đưa khăn giấy cho tôi. Anh không dám nhìn tôi, mà từ từ đẩy khăn giấy qua cho tôi. Anh ấy rất hòa nhã. Vì sao nước mắt của tôi cứ chảy mãi vậy? Bởi vì nghe những câu chuyện của Thánh Hiền khiến tôi cảm nhận được điều gì mới là ý nghĩa thật sự của việc làm người. Tôi ngồi nghe mà trong lòng nức nở, làm người phải là như vậy mới vui vẻ, vui sướng.
Ví dụ như câu chuyện về “Tử Lộ Gánh Gạo”. Khi Tử Lộ còn nghèo khổ, ông tận tâm, tận lực phụng dưỡng cha mẹ, phải đi hơn trăm dặm để mang gạo về. Trên đường gánh gạo về, ông không những không cảm thấy nặng mà trong lòng còn cảm thấy rất an ổn, rất vui vẻ bởi vì ông đang làm tròn bổn phận của người làm con. Sau này ông làm quan, giàu có rồi, mỗi bữa ăn đều rất thịnh soạn nhưng ngược lại ông ăn không thấy ngon. Người bên cạnh hỏi ông: “Thức ăn ngon như vậy tại sao ngài ăn không thấy ngon?”. Tử Lộ trả lời: “Cha mẹ tôi đã qua đời, không còn để cùng tôi thụ hưởng nữa. Bữa cơm này không thể sánh bằng cơm lúc tôi giúp cha mẹ gánh gạo hơn trăm dặm. Cơm đó ăn vào mới thơm, mới an vui”.
Rất nhiều bạn bè cũng thảo luận với tôi làm sao để học tập lời giáo huấn của Thánh Hiền? Điều quan trọng nhất là phải học tập tấm lòng của Thánh Hiền, phải học sự dụng tâm của Thánh Hiền. Tâm của Thánh Hiền luôn luôn không lúc nào dám quên “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ”, luôn luôn nhắc nhở mình những điều này khi cư xử với người. Khi họ luôn giữ tâm đức hạnh thì những thói quen xấu của họ tự nhiên sẽ không còn nữa, sẽ từ từ mất đi.
Chúng ta học thuộc “Đệ Tử Quy” chính là luôn luôn lấy tâm hạnh của Thánh Hiền để quán chiếu bản thân, tự mình nhắc nhở mình. Tôi tin rằng sau thời gian chăm chỉ, “công phu đủ” thì “đọc liền thông”. Khi một người thật sự dùng tâm ý và hành vi của Thánh Hiền để làm việc, thì chắc chắn người đó mỗi ngày đều được pháp hỷ sung mãn. Cho nên chữ “tín” có nghĩa là nghĩa vụ, là bổn phận.
Phần trước chúng tôi cũng nói đến đạo nghĩa, ân nghĩa trong mối quan hệ vua tôi. Về phương diện làm bề tôi, chúng tôi cũng đã nói đến không nên làm việc theo cảm tính, mà nên dùng lý trí để bàn bạc, trao đổi với lãnh đạo. Thật sự giữa người với người tại vì sao có xung đột? Đa số là do khoảng cách xa, thiếu sự trao đổi. Thiếu sự trao đổi lâu ngày thì rất dễ sinh ra đối lập, rất dễ mâu thuẫn, sau đó là xung đột. Vì vậy, làm người lãnh đạo cũng nên mở rộng cửa để bàn bạc trao đổi, phải có sự rộng lượng tiếp nhận lời khuyên can của cấp dưới. Cấp dưới cũng nên có trách nhiệm khuyên can cấp trên.
Quý vị bằng hữu có dám khuyên cấp trên của mình không? Tôi cũng có nghe một số bạn bè nói là: “Không dám!”. Thậm chí họ nói có đến hai, ba người cấp trên trong một đơn vị thì nên theo ai đây? Theo đúng người thì sau này có thể sẽ được thăng quan tiến chức. Giả như chúng ta dùng cái tâm này để làm việc cho cấp trên, thì những ngày tháng đó không hề dễ chịu, mỗi ngày phải thăm dò ý tứ, phải nịnh hót, a dua, mệt chết đi được! Giả như chúng ta đặt cược cả vào đó mà không được thăng quan, không phải chúng ta sẽ giậm chân đấm ngực tức giận sao? Cho nên có câu là “chủ nào tớ nấy”. Khi chúng ta chỉ vì công danh của chính mình mà nịnh bợ cấp trên, như vậy thật sự là rất mệt.
Nếu như quý vị nịnh hót, a dua mà vị cấp trên đó thật sự được thăng chức, quý vị cũng được thăng chức cùng với ông ta, chẳng lẽ cuộc đời như vậy đã được tốt đẹp rồi sao? Chưa chắc! Vị cấp trên mà phải nịnh bợ, a dua, thì sự nghiệp của ông ta có thể luôn luôn được thăng tiến không? Không thể. Bởi vì một vị cấp trên thích nịnh bợ, a dua thì trí tuệ của ông ta, cách nhìn về cuộc đời của ông ta sẽ có giới hạn. Đến lúc đó chắc chắn sẽ xuất hiện một số vấn đề, có thể ông ta sẽ bị giáng chức. Chúng ta thấy xã hội ngày nay có rất nhiều người làm quan lớn có thể chỉ hai tháng hoặc năm tháng thì bị mất chức. Tuy là quý vị đặt cược đúng chỗ nhưng đến lúc đó vẫn mất hết chẳng còn gì.
Rốt cuộc chúng ta phải đem sự nỗ lực, sự dụng tâm đặt ở chỗ nào? Đặc biệt là công chức nhà nước, chúng ta thật sự cần phải làm theo bổn phận của chúng ta, cần phải theo nhu cầu của nhân dân, như vậy quý vị mới có thể thẳng thắn khuyên can cấp trên. Do quý vị đã tận bổn phận của mình để phục vụ cho nhân dân nên năng lực của quý vị mỗi ngày cũng dần được nâng cao. Khi quý vị có năng lực thật sự, thì một vị chủ quản tốt vừa được thăng chức sẽ dùng ai? Đương nhiên là phải dùng người thật sự có thể làm việc, người có thể tin tưởng. Đến lúc đó quý vị không cầu thì cơ hội cũng tự nhiên đến với mình. Cuộc đời mà có thể tuân theo quy luật tự nhiên, khi điều kiện chín muồi thì sự việc tự nhiên sẽ thành công, quý vị cũng không phải sống trong sự suy tính thiệt hơn. Bổn phận bề tôi nên dụng tâm không mong cầu đền đáp, nên tận hết bổn phận can gián lãnh đạo của mình.
Mười mấy năm trước, ở Đông Nam Á xuất hiện khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều quốc gia đều đối mặt với thách thức rất lớn, hầu như rất nhiều vấn đề tài chính đều bị đổ vỡ. Lúc đó ở Hàn Quốc xuất hiện một sự kiện. Có một công ty sắp phá sản, nhân viên của công ty mang tiền của mình đến nói với lãnh đạo công ty là: “Công ty chúng ta không thể phá sản. Số tiền này của chúng tôi, ông hãy cầm lấy mà dùng!”. Đây thật sự là đạo nghĩa, tình nghĩa giữa vua và bề tôi, giữa lãnh đạo và cấp dưới.
Cảnh tượng như vậy có thể nhìn thấy ở đất nước chúng ta không? Phải có niềm tin! Ở Hàn Quốc chúng ta đã nhìn thấy được, xin hỏi người Hàn Quốc học theo ai vậy? Hiện nay người Hàn Quốc học văn hóa truyền thống thật sự vững chắc. Từ tiểu học đến đại học đều học tập xuyên suốt giáo trình văn hóa truyền thống của Nho gia. Hơn nữa, người Hàn Quốc đều xem việc học tập văn hóa truyền thống là niềm vinh dự, niềm tự hào. Vì vậy chúng ta phải thật sự xem hiểu được báu vật của tổ tiên để lại, nếu không thì tinh hoa này của tổ tiên sẽ được nước láng giềng bên cạnh phát dương quang đại. Như vậy, phận làm con cháu như chúng ta sẽ không tròn bổn phận.
- Chữ “tín” trong quan hệ vợ chồng
Giữa vợ chồng đương nhiên cũng phải giữ chữ “tín”. Giả như giữa vợ chồng không giữ chữ “tín” thì xảy ra tình huống gì? Có thể vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau, trong lời nói sẽ có sự chỉ trích, mỉa mai. Hàng ngày cứ như vậy cùng sống chung với nhau sẽ rất nguy hiểm cho mối quan hệ. Vì vậy, vợ chồng cũng phải giữ chữ “tín”.
Hiện nay nghe nói giữa vợ chồng đều có bí mật riêng, đều có quỹ riêng. Khi chúng ta có bí mật, có tiền cất riêng, không cho đối phương biết tình hình của mình, khi chúng ta dùng tâm hư vọng, tâm không chân thành như vậy, đối phương có thể cảm nhận được không? Có thể! Thật ra trong tâm của người hay làm những chuyện dối mình gạt người không được an ổn. Cho dù quý vị thật sự giữ một số tiền bên mình, nhưng mỗi ngày tâm của quý vị vẫn phải phập phồng lo sợ. Như vậy có khi giữ được tiền thì thân thể có thể sẽ như thế nào? Mỗi ngày đều lo lắng chuyện này chuyện nọ, nên thân thể bị suy yếu. Vì vậy, trị gia nên giữ thái độ không có bí mật, trong sáng vô tư là tốt nhất!
Mỗi lần mẹ tôi lĩnh lương đều đưa hết cho cha tôi. Vì vậy trong gia đình tôi, cha tôi là người nắm giữ quyền quản lý kinh tế. Trước đến giờ mẹ tôi không bao giờ hỏi đến chuyện tiền bạc. Mẹ tôi càng tin tưởng thì cha tôi dù làm trâu, làm ngựa cũng mãn nguyện. Thật sự người thật lòng tin tưởng người khác thì họ luôn luôn được ung dung, thoải mái. Mẹ tôi không quản lý tiền bạc, mẹ tôi cũng không biết đi xe đạp, vì vậy mỗi lần cần đi đâu mẹ sẽ nói với cha tôi: “Cái gì em cũng không biết, thật là dở!”. Cho nên cha tôi phục vụ rất vui vẻ, cảm giác mình rất giỏi giang. Sau này tôi biết lái xe thì tôi cũng phục vụ cho mẹ. Con người không cần quá thông minh lanh lợi. Chuyện gì quý vị cũng quản đến cùng thì sẽ làm cho người khác ở trước quý vị đều cảm thấy họ không có năng lực. Sau cùng thì quý vị sẽ mệt như sắp chết. Mệt như sắp chết mà còn bị người ta chê bai thậm tệ. Vì vậy sự thông minh, lanh lợi của một người phải để ở bên trong. Không nên lấy sự thông minh, lanh lợi của mình để chèn ép người khác. Phải làm theo đạo “Trung Dung”.
Trong lời nói cũng cần phải giữ chữ “tín”. Giữa vợ chồng, trong tâm của mỗi người nhất định phải cảm ơn ân đức của đối phương, cảm ơn đối phương đã cùng mình đi trọn con đường trong cuộc đời này. Phái nam chúng ta nhất định phải luôn nhớ rằng, người vợ đã giúp chúng ta làm một việc trọng đại, đó là sinh con để phái nam chúng ta có người nối dõi tông đường, dòng họ của chúng ta mới có thể được duy trì. Chỉ riêng ân đức này thôi cũng không thể báo đáp hết, bởi vì chúng ta không làm được. Có đúng không? Vì vậy “ân phải báo, oán phải quên”. Vợ chồng luôn nghĩ đến sự cống hiến của một nửa kia. Nghĩ đến ân đức của nhau thì sẽ buông bỏ những xung đột. Trong tâm luôn nhớ ơn thì khi nhìn thấy một nửa kia trong lòng sẽ vui vẻ, như vậy thì đâu thể nào sống không tốt được? Khi vợ chồng sống hạnh phúc thì cuộc sống mỗi ngày đều hòa thuận, vui vẻ.
Vào thời nhà Hán, vua Hán Quang Vũ có một bề tôi tên là Tống Hoằng vô cùng thanh bạch, liêm khiết, làm việc rất có trách nhiệm. Thời đó Tống Hoằng làm chức Ty Không, quản lý các công trình xây dựng trong nước và cũng là một chức vị rất quan trọng của quốc gia. Lúc đó, chồng của công chúa Hồ Dương (chị Quang Vũ Đế) đã qua đời. Quang Vũ Đế bàn với chị của ông, muốn tìm giúp cho chị một người chồng và cũng mong muốn chọn được một người trong số các quan đại thần làm chồng chị. Ông hỏi chị của ông: “Trong tất cả các đại thần, chị thích ai nhất?”. Công chúa Hồ Dương lập tức trả lời: “Tống Hoằng phong thái phi phàm, rất có đức hạnh”. Quang Vũ Đế vừa nghe thì đã biết. Quang Vũ Đế liền cho tìm Tống Hoằng đến và nói với Tống Hoằng: “Người ta thường nói rằng giàu sang thì dễ thay đổi, nghĩa là một người khi đã giàu sang thì sẽ thay đổi bạn bè, một người khi đã giàu sang thì liền thay đổi vợ. Hình như nhân tình thế thái hiện nay có xu hướng như vậy”. Vua thăm dò ý của Tống Hoằng, xem ông có bằng lòng lấy chị gái của mình không.
Quý vị bằng hữu! Nếu như lấy chị của vua thì sẽ trở thành hoàng thân quốc thích, trong phút chốc từ một bề tôi liền trở thành quý tộc. Rất nhiều người mơ ước có được cơ hội này. Tống Hoằng biết được ý của Hoàng thượng, lập tức nói với Hoàng thượng hai câu: “Bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường”. Ý nghĩa câu này là có rất nhiều bạn bè giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn, bần cùng, thì khi chúng ta thật sự đã phát đạt, tuyệt đối không được quên những người bạn này. “Tào khang chi thê”, tào khang là chỉ phần cám gạo thô xấu, nghĩa là không nên bỏ người vợ chính thức đã cùng ta vất vả tạo dựng sự nghiệp.
Tống Hoằng nói chuyện rất có học vấn. Nếu như vua hỏi: “Khanh có đồng ý cưới chị ta không?” mà ông trả lời với vua: “Thần không thể bỏ người vợ tào khang được, Hoàng thượng không biết sao?”, thì khi đó vua sẽ như thế nào? “Sao khanh chẳng nể mặt ta vậy?”. Vì vậy, Tống Hoằng nói chuyện từng bước một. Trước tiên ông nói bạn bè thuở còn hàn vi thì không thể quên. Ông dừng lại một chút để nhà vua suy nghĩ: “Đúng rồi, đời người thì phải xem trọng tình nghĩa”. Tiếp theo, ông nói không thể bỏ người vợ đã từng cùng mình vất vả được, thì vua sẽ không làm khó ông. Vì vậy nói chuyện phải có nghệ thuật, thứ tự nói chuyện trước sau rất quan trọng. Giống như quý vị muốn khuyên một người bạn, quý vị vừa gặp mặt liền nói: “Hôm nay tôi sẽ nói một số khuyết điểm của anh” thì nhất định họ sẽ nghẹn lời. Quý vị nên nói với họ gần đây họ có nhiều điều rất tốt, nói ra một, hai điều tốt của họ, rồi sau đó mới nói đến việc nên cải thiện. Như vậy chính là nói theo thứ tự. Chúng ta cũng phải tùy thuận theo tình cảm của con người, gọi là “nhân tình thấu hiểu tức văn chương”.
Tống Hoằng đã từ chối vua, từ chối công chúa Hồ Dương. Tình nghĩa như vậy, khí tiết như vậy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình của ông, mà còn ảnh hưởng đến bá quan văn võ của cả triều đình, thậm chí còn ảnh hưởng đến người đọc sách của ngàn năm sau. Người đọc sách cũng có lúc nghĩ rằng, gần đây họ càng lúc càng giàu sang, định bụng muốn đổi vợ, chợt nghe được câu chuyện này thì họ sẽ từ bỏ ý nghĩ đó. Cái chính khí hạo nhiên này có thể đứng sừng sững giữa trời đất.
Tôi cũng tin rằng khi Tống Hoằng từ chối việc này, có lẽ trong khoảng thời gian dài, tất cả bá quan văn võ tuyệt đối không dám bỏ vợ. Vì vậy, thái độ của người đọc sách là: “Hành động có thể đời đời làm đạo cho thiên hạ, hành vi có thể đời đời làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng có thể đời đời làm chuẩn mực, phép tắc cho thiên hạ”. Họ luôn luôn ấp ủ tinh thần “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Cho nên, hành vi của ông mới có thể ảnh hưởng đến nếp sống của xã hội. Chúng ta cũng phải học tâm ý này của Tống Hoằng. Lời nói, hành động, nhất cử nhất động của chúng ta đều phải mong muốn làm thành tấm gương tốt cho mọi người, cho xã hội.
Cần phải giữ tín nghĩa giữa vợ chồng, đây là đạo nghĩa cần phải gìn giữ.
- Chữ “tín” trong quan hệ anh em
Quan hệ thứ tư trong ngũ luân là “anh nhường, em kính”. Giữa anh em cũng phải giữ chữ “tín”. Nếu như anh em không giữ chữ “tín” thì bầu không khí trong gia đình có thể xảy ra vấn đề, thậm chí nói không chừng sẽ xảy ra xung đột. Anh em cũng phải có tình nghĩa, ân nghĩa, nên cố gắng đoàn kết cùng nhau, như vậy mới có thể khiến cho cha mẹ yên tâm: “Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”.
“Anh nhường, em kính” trong ấn tượng của tôi, cha tôi cũng không nói với tôi là: “Con phải hết lòng thương yêu chị của con!”. Tôi cũng không nghe cha tôi nói với chị tôi: “Con phải chăm sóc em của con!”. Tôi chưa từng nghe cha tôi nói như vậy. Chủ yếu là bản thân cha mẹ đã làm cho chúng tôi thấy, diễn cho chúng tôi xem. “Thân giáo giả tùng, ngôn giáo giả tụng”. Bản thân mình thật sự làm được thì con cái của chúng ta sẽ tự nhiên làm theo một cách vui vẻ. Nhưng nếu không làm mà chỉ nói, chỉ thuyết giáo, có thể con cái nghe lâu rồi chúng sẽ cho là không đúng, cuối cùng chúng sẽ cãi lại chúng ta.
Chúng ta xem, hiện nay rất nhiều anh chị em đưa nhau ra tòa án, chỉ vì tài sản mà kiện cáo lẫn nhau. “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Trong nhà chớ tranh kiện”. Trong một gia đình, một dòng họ thì điều vô cùng kiêng kỵ là thưa kiện, người thân kiện cáo nhau. Chúng ta nói “tình người, phép nước”, cũng cần phải chú ý đến tình người, vì mất đi tình người thì sẽ mất hòa thuận. Gia đình không hòa thuận thì không thịnh vượng. Vì vậy, trong gia đình chớ nên kiện tụng nhau. Khi trong gia đình vì tài sản mà tranh chấp lẫn nhau thì tài sản này bảo đảm không giữ lại được. Hơn nữa, khi giữa anh chị em xảy ra xung đột thì đã làm ra tấm gương không tốt cho thế hệ sau, dòng họ này đã biểu lộ sự thất bại. Vì vậy, người xưa đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Trong gia đình chớ nên tranh kiện, tranh kiện tất kết cục chẳng lành”.
Vào thời nhà Minh, có một cô gái họ Trần, cha mẹ cô đã sớm qua đời. Lúc đó cô còn có hai người em trai, một em mới sáu tuổi, một em mới năm tuổi. Cô đã đến tuổi lấy chồng, cha mẹ có để lại một số tài sản. Tất cả người thân luôn dòm ngó tài sản của nhà cô. Vậy phải làm thế nào? Đời người luôn luôn phải lựa chọn. Việc lựa chọn phải dựa vào trí tuệ. Nếu như cô lấy chồng thì ai sẽ chăm sóc cho hai em? Vì vậy, cô đã quyết tâm nhất định một lòng một dạ chăm sóc hai em thật tốt. Cô cũng biết những họ hàng thân thích luôn chú ý đến tài sản nhà cô, cho nên một hôm cô mang rất nhiều nến ra thắp sáng hết nhà, rồi bày rất nhiều thức ăn ở trên bàn. Bởi vì cô biết những người thân này thường hay đi ngang qua nhà của cô, cô bày tiệc rượu ngon xong liền ra ngoài mời những người họ hàng này vào nhà: “Xin mời! Xin mời vào nhà tôi dùng cơm!”. Họ vốn là muốn đến xem có chỗ nào để ra tay hành động hay không, rốt cuộc cô gái họ Trần này đã chủ động mời họ vào ăn cơm. Họ cảm thấy rất xấu hổ nên nói với cô: “Chúng tôi vừa đi ngang qua đây, ở nhà không có nến vì vậy đến nhà cô mượn”. Tất cả đều được mời vào, cùng nhau ăn cơm. Mọi người đều xấu hổ không dám nhìn nhau. Từ ngày hôm đó trở đi, những người họ hàng này không còn đến nhà cô dòm ngó nữa.
Thứ nhất là cô rất độ lượng, cô không trực tiếp gây xung đột với những người họ hàng này bằng lời nói. Chính thái độ như vậy của cô đã đánh thức tâm hổ thẹn của họ. Thứ hai, những người họ hàng đó cũng sâu sắc cảm nhận được rằng cô đã quyết tâm chăm sóc em trai của cô trưởng thành. Sau này, hai người em trai của cô cũng có gia nghiệp, có sự nghiệp rất thuận lợi. Bốn mươi lăm tuổi cô mới đi lấy chồng, cả cuộc đời không có con. Khi về già, hai người em trai của cô đã đón chị gái về nhà phụng dưỡng.
Ngày xưa, những người làm anh, làm chị đối với em của mình đều giữ tình nghĩa, đạo nghĩa như vậy. Vì vậy chúng ta làm anh, làm chị cũng nên noi theo. Thật sự con người thường hay tính toán được mất, ví dụ nói tôi chăm sóc cho em tôi thì bản thân tôi có bị thiệt thòi không? Khi con người hay tính toán chuyện này chuyện nọ thì cuộc đời sẽ không được thoải mái. Do đó, khi anh chị em gặp khó khăn thì phải hết lòng giúp đỡ mới đúng.
Ở Thẩm Quyến có một cô giáo, em chồng của cô đi làm ở Hawai’i. Cuộc sống ở Hawai’i rất khó khăn, chồng của cô liền nói với cô: “Anh muốn gửi tất cả số tiền tích lũy trong hai, ba năm nay của vợ chồng mình cho em gái anh, bởi vì cô ấy ở bên đó rất khó khăn”. Giả như chồng của quý vị nói như vậy thì quý vị phải trả lời như thế nào? Khi đó quý vị nên nghĩ đến: “Lượng lớn phước lớn”, “quân tử thành nhân chi mỹ” (quân tử thành tựu việc tốt cho người). Quý vị cần phải thành toàn chữ “đễ” cho chồng mình, chính là thành toàn cái tâm thương yêu em gái của anh ấy. Thành toàn phần tâm yêu thương em gái này cũng là thành toàn tâm hiếu cho chồng, bởi vì cha mẹ nhìn thấy anh trai chăm sóc em gái như vậy thì trong lòng họ sẽ yên tâm biết bao. Người vợ lập tức trả lời: “Anh làm như vậy em rất khâm phục và cũng rất vui. Em sẽ đi chuyển tiền giúp anh”. Khi vợ chồng giúp đỡ nhau như vậy, tin rằng tình nghĩa họ dành cho nhau càng ngày càng sâu đậm. Tuy chúng ta bỏ ra một số tiền, nhưng gia đình được hòa thuận, vui vẻ. Tục ngữ nói: “Gia hòa vạn sự hưng”. Đã vạn sự hưng rồi thì còn sợ sau này không có tiền sao? Vì vậy, đời người phải làm hết nghĩa vụ, đời người cần phải nhìn xa, không nên lúc nào cũng so đo. Đây là đạo nghĩa giữa anh chị em.
- Chữ “tín” trong quan hệ bạn bè
Quan hệ thứ năm là “bằng hữu hữu tín”. Bạn bè không chỉ là nói phải giữ lời, mà còn phải có tín nghĩa và có nghĩa vụ của bạn bè.
Câu chuyện về tình bạn giữa Trương Thiệu và Phạm Thức.
Vào thời nhà Hán, có hai người đọc sách tên là Trương Thiệu và Phạm Thức. Hai người cùng học trong Thái Học, tình nghĩa rất tốt. Sau đó mỗi người đều trở về quê hương của mình, hẹn hai năm sau vào ngày này Phạm Thức sẽ đến thăm Trương Thiệu. Hai năm trôi qua, Trương Thiệu nói với mẹ của ông: “Bạn con hôm nay sẽ đến nhà”. Mẹ ông liền nói: “Cuộc hẹn của hai năm trước mẹ nghĩ có lẽ bạn con đã quên rồi. Hơn nữa, hai nhà cách xa ngàn dặm như vậy”. Trương Thiệu liền nói: “Người bạn này của con vô cùng uy tín, anh ấy nhất định sẽ đến”. Vì vậy, mẹ của ông cũng bắt đầu chuẩn bị rất nhiều món ăn. Đúng như dự đoán, Phạm Thức đúng kỳ hẹn đã đến nhà của Trương Thiệu. “Nhân phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (gặp được bạn tri kỷ, uống ngàn ly rượu vẫn là ít), tình nghĩa của họ theo ngày tháng càng thêm sâu đậm hơn.
Sau đó Phạm Thức bị bệnh hiểm nghèo, Phạm Thức dặn dò người vợ là: “Nhất định phải đi tìm Trương Thiệu và nói với anh ấy là tôi có thể không qua khỏi, mời anh ấy đến tiễn tôi”. Người vợ liền nhanh chóng cho người đi báo tin cho Trương Thiệu. Bởi vì thời gian quá cấp bách, Trương Thiệu vừa nghe được tin liền nhanh chóng đến quê của Phạm Thức. Đã sắp đến giờ an táng mà Trương Thiệu vẫn chưa đến, những nhân viên mai táng đang tiến hành việc mai táng, đo đạc tính toán nhưng đo thế nào cũng không chuẩn, không cách nào đem quan tài đi an táng được, cứ kéo dài thời gian. Khi Trương Thiệu đến thì lập tức việc đo đạc rất chuẩn, Trương Thiệu tự mình đưa Phạm Thức đi an táng.
Vì sao Phạm Thức phải cho gọi Trương Thiệu đến giúp ông lo việc hậu sự? Vì ông vô cùng tín nhiệm bạn mình. Ông hiểu rất rõ Trương Thiệu không những sẽ làm tốt việc hậu sự của ông, mà chắc chắn cũng sẽ chăm sóc vợ con của ông. Tình nghĩa bạn bè thời xưa là như vậy. Chúng ta sau khi nghe xong vô cùng cảm động.
Câu chuyện về tình bạn giữa Chu Huy và Trương Kham.
Thời xưa có một người đọc sách tên là Chu Huy. Khi Chu Huy học ở Thái Học thì gặp một người bạn tên là Trương Kham. Hai người học cùng với nhau nhưng không thường xuyên nói chuyện với nhau. Trương Kham luôn quan sát con người Chu Huy như thế nào, sau đó bị cảm động bởi đức hạnh từ lời nói và việc làm của Chu Huy, cảm thấy ông là một người rất đáng để tin cậy. Một hôm, Trương Kham nói với Chu Huy: “Tôi muốn phó thác vợ con của tôi cho ông chăm sóc”. Ông nói những lời như vậy là vì vô cùng tín nhiệm Chu Huy, nhưng Chu Huy hoàn toàn không nói lời nào. Bởi vì bình thường cũng không giao tiếp nhiều với nhau, nên ông không nói lời nào. Tự bản thân của Trương Kham hiểu rõ thời gian của mình còn lại không nhiều, không bao lâu sau thì ông qua đời. Chu Huy nghe được tin liền dắt con trai đến nhà của Trương Kham, tặng cho họ rất nhiều đồ ăn, rất nhiều quần áo để mặc. Con của ông thấy khó hiểu, liền hỏi: “Thưa cha! Trước đến giờ cha không có kết giao qua lại với người này, vì sao khi ông ấy chết cha giúp đỡ ông ấy nhiều như vậy?”. Chu Huy liền nói: “Trước đây Trương Kham có nói muốn phó thác vợ con của ông ấy cho cha. Ông ấy nhờ cha như vậy chứng tỏ ông ấy rất tin tưởng cha. Ông ấy đã xem cha như tri kỷ, vì vậy trong lòng của cha cũng đã xem ông ấy là bằng hữu”. Người xưa họ không muốn làm trái tâm niệm của mình. Giả như họ làm trái tâm niệm của họ thì lương tâm của họ sẽ bất an. Mặc dù không có sự giao hảo sâu đậm, nhưng một khi ông đã xem Trương Kham như bằng hữu, thì ông sẽ tận hết nghĩa vụ của một người bạn.
Giữa bạn bè với nhau có những nghĩa vụ nào phải nên làm?
- Thứ nhất đương nhiên là phải khuyên can lẫn nhau, gọi là “cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Giả như bạn bè có lỗi mà chúng ta không khuyên can, thì sẽ không làm hết trách nhiệm của bạn bè. Cho nên, thứ nhất là khuyên can.
- Thứ hai là phải quan tâm.
- Thứ ba là phải khen ngợi. “Khen người thiện, tức là thiện. Người biết được, càng tốt hơn”.
- Thứ tư không nói chuyện xấu trong nhà người, không nên đem chuyện xấu trong nhà bạn bè ra nói bên ngoài, vì làm như vậy là không có đạo nghĩa.
- Thứ năm là phải có đạo nghĩa về việc chia sẻ tài vật.
Thứ nhất là khuyên can nhau
Trong bài giảng, chúng tôi đã nói rất nhiều về việc khuyên can. Vì sao vậy? Bởi vì xã hội ngày nay khá phức tạp. Mỗi người chỉ có một cặp mắt nên không thể nhìn thấu hết mọi phương diện, nên cần sự nhắc nhở của cha mẹ, của lãnh đạo, của cấp dưới, của vợ, của anh em, của bạn bè. Vì vậy, con người được nhắc nhở thì mới có thể hiểu thêm được đạo lý. Thứ nhất, chúng ta cần phải tiếp nhận sự khuyên can của người khác. Thứ hai, cũng cần phải biết khuyên nhủ người thân như thế nào. Cho nên chủ đề này nói tương đối nhiều.
Thứ hai là quan tâm lẫn nhau
Thật sự chúng ta cũng cần phải quan tâm người khác mọi lúc mọi nơi. Chúng ta không thể dạy con cái là: “Bạn bè và người thân thì con mới cần quan tâm, người khác thì không cần”. Dạy con cái như vậy có đúng không? Con người chỉ có một trái tim, làm sao có thể chia trái tim làm hai được chứ? Khi chúng lạnh nhạt đối với người lạ, thì chúng có nhớ ơn người thân hay không? Rất khó! Vì vậy, khi chúng có thể quan tâm tất cả mọi người, thì cha mẹ, anh em đâu có lý nào chúng lại không quan tâm. Thí dụ khi gặp những người đi đứng khó khăn thì chúng ta thường phải nhắc nhở con cái càng nên cung kính. Bởi vì tâm lý của họ, bởi vì cuộc đời của họ đã không gặp may mắn, giả như chúng ta dùng ánh mắt khác lạ nhìn họ thì sẽ khiến cho họ càng không được thoải mái. Từ chi tiết nhỏ này chúng ta đã nuôi dưỡng tâm nhân từ cho con cái. Nếu như đi xe buýt, nhìn thấy có phụ nữ mang thai, trẻ em, người già yếu lên xe thì chúng ta lập tức dắt con mình đứng lên nhường chỗ ngồi. Điều này là nuôi dưỡng sự quan tâm người khác của con cái.
Quan tâm bạn bè không phải chỉ quan tâm một mình họ, mà còn yêu thương luôn cả những người thân của họ. Khi quý vị kính trọng cha mẹ của bạn bè thì họ sẽ rất vui, thậm chí anh chị em của họ cũng rất vui. Như vậy quý vị sẽ hòa hợp được với gia đình và dòng họ của bạn. Có câu là: “Thương nhau thương cả tông chi họ hàng”. Thường chúng ta gọi điện thoại, khi hai – ba tháng chưa liên lạc với nhau, quý vị hỏi bạn bè qua điện thoại là: “Mẹ của bạn có khỏe không? Ba của bạn gần đây có khỏe không?”. Tuy là một câu hỏi thăm đơn giản nhưng cũng sẽ khiến cho tâm của đối phương cảm thấy rất ấm áp.
Hiện giờ chúng ta lại học “Đệ Tử Quy”, quý vị không chỉ quan tâm đến cha mẹ của bạn bè, mà quan trọng hơn là phải quan tâm đến việc giáo dục con cái của họ. Hiện nay đa phần các gia đình đều rất đau đầu trong việc giáo dục con cái. Chúng tôi đang thúc đẩy công tác giáo dục hơn một năm nay, rất nhiều gia đình đều có được phương pháp và chuyển biến khá tốt.
Có một cô, lúc tôi đang giảng ở Thẩm Quyến thì cả nhà cô gồm chồng cô và bốn đứa con cùng đến nghe. Con của cô cũng đã mười mấy tuổi rồi, đang học trung học phổ thông, trung học cơ sở. Rất thú vị! Đúng lúc này vợ chồng của cô ấy có chuyện không vui. Sau khi học xong cô ấy nói với tôi, vốn là cô ấy luôn thấy chồng mình sai, nhưng sau khi nghe giảng xong thì biết được điểm mấu chốt quan trọng của Nho gia đó là “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (làm việc gặp trở ngại, không thành công thì phải quay lại phản tỉnh bản thân). Cho nên cô ấy xét lại mình, cảm thấy bản thân mình làm chưa tốt nên không có tư cách để chê chồng mình. Đối với con cái cũng như vậy, trước đây vốn là luôn nhìn thấy con cái chỗ này không tốt, chỗ kia không tốt, bây giờ cô sẽ nghĩ: “Có phải là mình làm gương chưa đến nơi đến chốn không?”. Tâm niệm của cô vừa chuyển thì chướng ngại tự nhiên tiêu trừ. Vì vậy, chúng ta quan tâm bạn bè, tiến thêm một bước nữa quan tâm gia đình của họ, quan tâm cuộc sống của họ.
Thứ ba là phải khen ngợi lẫn nhau, tán thán lẫn nhau.
Trong hành trình cuộc đời của chúng ta thì tâm trạng có lúc này lúc khác, nên rất cần sự ủng hộ và an ủi của bạn bè. Có một câu nói là: “Văn nhân tương khinh” (văn nhân thường coi thường nhau). Tại vì sao nói “văn nhân thường coi thường nhau”? Là vì tăng trưởng sự ngạo mạn, thậm chí là vì có tâm đố kỵ. Chúng ta hãy suy nghĩ, làm văn nhân, làm người đọc sách mà sinh khởi ngạo mạn đối với người khác, cảm thấy học vấn của mình, văn chương của mình rất tốt, còn của người khác rất kém, khi họ khởi lên cái tâm này thì thật sự là họ đã bị đọa lạc rồi. Học vấn cả cuộc đời của họ có thể thành tựu không? Không thể! Vì “học vấn thâm sâu thì tâm ý bình lặng”. Người có học vấn thật sự nhìn tất cả mọi người đều rất nhã nhặn, đều rất hoan hỷ, làm sao có thể ngạo mạn được. Vì vậy, chúng ta đọc sách Thánh Hiền cần phải đối trị “sát thủ” của chính mình đó là tâm đố kỵ. Khi tâm đố kỵ này phát ra, không chỉ bản thân mình bị hại, không chỉ đối phương bị ảnh hưởng, mà vấn đề lớn hơn là chúng ta sẽ làm cho người trong xã hội bị ảnh hưởng.
Ví dụ như người đọc sách này rất có đức hạnh, rất nhiều người học tập theo ông. Nhưng quý vị lại đố kỵ ông ấy, thậm chí dùng lời lẽ hủy báng ông ấy, khiến cho một nhóm người mất lòng tin đối với ông ấy thì tội lỗi này của quý vị thật rất lớn. Một người luôn luôn đố kỵ người khác thì chắc chắn người đó càng ngày suy nghĩ càng không được linh hoạt, bởi vì họ đã gây trở ngại cơ hội học tập giáo huấn Thánh Hiền, học tập trí huệ của người khác. Bố thí pháp được thông minh, trí tuệ. Nếu như cản trở người khác bố thí pháp thì sẽ bị quả báo ngu si. Vì vậy, chúng ta cần phải mở rộng tâm lượng để tán thưởng người khác, nỗ lực thực hiện: “Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn. Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp”. Khi giữa bạn bè với bạn bè mà có thể tùy hỷ với nhau, khen ngợi lẫn nhau thì đoàn thể cũng như giới học thuật đều là một bầu không khí vui vẻ, hòa thuận. Đây là phải khen ngợi người khác.
Thứ tư là không nên nói chuyện xấu trong nhà người.
Bởi vì bạn bè tin tưởng chúng ta thì họ sẽ đem một số chuyện tương đối riêng tư trong gia đình thảo luận với chúng ta, vì vậy những lời nói này chúng ta cần phải thật cẩn thận, không nên nói ra ngoài. Bởi vì khi quý vị nói ra ngoài sẽ bị những người có tâm xấu thêu dệt tạo ra những tin đồn, như vậy sẽ làm tổn thương nội tâm của bạn bè hoặc gia đình của họ. Vì vậy, khi người khác đã thành thật trút hết tấm lòng với ta, chúng ta càng phải nên cẩn thận lời nói của mình. Đương nhiên rất nhiều việc riêng tư trong nhà, chúng ta cũng không cần phải nói với mọi người.
Ví dụ như chồng của mình có những điểm nào không tốt mình liền đi nói cho hàng xóm nghe, nói cho bạn bè nghe, đến sau cùng có thể những lời này sẽ được truyền đến tai của chồng mình, anh ấy nhất định sẽ nổi giận. Đến lúc đó mối quan hệ vợ chồng sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Không chỉ mối quan hệ vợ chồng không tốt, mà còn khiến cho người khác xem thường quý vị, thậm chí cũng không tôn trọng chồng của quý vị. Như vậy thì không tốt. Vì vậy, đối với chồng vẫn là “xấu che, tốt khoe”. Giả như có một hôm anh ấy phát hiện ra mình làm vẫn chưa được tốt mà vợ mình ra ngoài khen ngợi, khẳng định mình, anh ấy cảm thấy nhất định mình càng phải nỗ lực hơn để không phụ lòng kỳ vọng của vợ mình. Điều này rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta không nên nói chuyện xấu trong nhà.
Điều cuối cùng là phải có đạo nghĩa về việc chia sẻ tài vật.
Chữ “tài” này không những chỉ tiền tài, đồ vật, mà chúng ta vẫn có thể mở rộng thành “nội tài” và “ngoại tài”. Nội tài là chỉ sức lao động, kinh nghiệm, trí tuệ. Ngoại tài là chỉ tiền bạc, đồ vật. Bởi vì đời người khó tránh khỏi sự thăng trầm, nên khi bạn bè thật sự có tình huống khẩn cấp, ví dụ như cha mẹ của bạn bè bị bệnh nặng, tức thời họ không thể xoay sở số tiền lớn như vậy thì chúng ta phải “cứu người lúc nguy cấp”, nếu có khả năng thì nên lập tức giúp đỡ họ. “Huệ bất tại đại”, ân huệ không ở chỗ nhiều hay ít, mà trong lúc đang nguy cấp đó quý vị có thể quan tâm, giúp đỡ họ thì họ sẽ vô cùng cảm động. Đây là đạo nghĩa về sự chia sẻ tài vật giữa bạn bè.
Tôi nhớ lúc nhỏ, vào đầu năm học mới có một số người thân không có tiền đóng học phí cho con họ, cha tôi nhất định sẽ mang tiền ra giúp đỡ. Hơn nữa, khi mang số tiền này giúp đỡ, tôi có thể cảm nhận được thái độ của cha ngoài sự chân thành ra, còn có thái độ là không muốn họ trả lại, đều coi như là sự giúp đỡ giữa người thân với nhau. Vì vậy, thật sự lời nói, việc làm của cha mẹ đều có sự ảnh hưởng thầm lặng đối với con cái.
****************
Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 28)
Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng ngày: 15/02/2005
Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ