ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 35
Phần trước, chúng tôi cũng nhắc đến tâm yêu thương, tâm nhân hậu của con trẻ có thể từ việc hiếu thảo với cha mẹ, sau đó là kính trọng tất cả cha mẹ, người thân của người khác. Mở rộng ra là tôn trọng sự đóng góp, sự vất vả của mọi người trong tất cả ngành nghề. Sau cùng là nên yêu thương nhiều hơn những người kém may mắn trong xã hội. Vừa rồi có nói đến “những người quan, quả, cô, độc, phế, tật đều được nuôi dưỡng” (những người góa vợ, góa chồng, cô độc, cô nhi, người không con cái, tàn phế và bệnh tật đều được nuôi dưỡng). Hơn nữa, thật sự hiện nay nếp sống hành thiện này càng lúc càng thịnh. Đây là điều đáng để chúng ta vui mừng. Khi chúng ta làm điều thiện, một là nâng cao lòng nhân từ của chính mình, hai là có thể thật sự hiểu được một số sự việc, một số khu vực mà xã hội không biết đến. Khi chúng ta dẫn con cái theo cùng đi làm việc thiện thì nhất định sẽ nuôi dưỡng tâm nhân hậu cho chúng. Bởi vậy, trước khi chúng ta làm việc thiện thì nhất định phải chăm sóc gia đình cho tốt. Không nên ra ngoài làm việc tốt mà trong gia đình thì rối loạn, vì như vậy có thể sẽ có tác dụng phụ. Do đó, trước tiên phải tu thân, sau đó mới tề gia. Tề gia rồi mới có thể phát huy sức ảnh hưởng của mình để trị nước, để ảnh hưởng đến xã hội. Vì vậy, thứ tự này chúng ta cũng cần phải làm một cách cẩn thận.
Ngoài việc tôn trọng những người kém may mắn ra, những người xấu chúng ta có cần yêu thương không? Trước đây chúng tôi cũng có nhắc đến một vụ án rất nghiêm trọng xảy ra vào năm trước, đó là sự kiện của Mã Gia Tước. Do bạn bè cười chê anh, chế nhạo anh, khinh thường anh quá nghèo trong một thời gian dài, cho nên anh đã nảy sinh động cơ giết người và đã giết mấy người bạn học. Nhưng trong quá trình đó, có một người bạn học vốn dĩ cũng sẽ bị sát hại nhưng đã tránh được tai nạn, bởi vì người bạn học đó từng lấy cơm giúp anh nên mới hóa giải được nguy hiểm.
Thật sự con người có tâm thiện thì tự nhiên sẽ có quả báo thiện. Cho dù đối phương là người ác như thế nào, chỉ cần chúng ta có tâm thiện, có đức hạnh thì đều có thể dần dần thức tỉnh lương tri của người khác. Nếu như chúng ta chỉ trích họ thì có thể hai bên đều bị tổn thương, gọi là “khen việc ác, chính là ác. Ác cùng cực, tai họa đến”, rất có thể họ sẽ tức quá hóa giận thì sẽ không hay. Vì sao họ đi vào con đường sai lầm này vậy? Quý vị bằng hữu, vì sao vậy? Do họ không được gia đình giáo dục tốt, không được nhà trường giáo dục tốt. Một người đi vào con đường sai lầm là do cả cuộc đời họ không gặp được người thật sự yêu thương họ. Vì vậy, “người đáng ghét cũng có điểm đáng thương xót”, chúng ta nên thông cảm cho họ.
Ở Hải Khẩu, tôi có gặp một vị quản lý nhà giam. Ông biết tôi đã không ở Hải Khẩu trong thời gian dài, nên khi hay tin tôi trở lại Hải Khẩu vài ngày, ông liền đến dùng cơm với giáo viên ở trung tâm chúng tôi. Ông nói ông có một tâm nguyện là mong muốn nhà tù trở thành trường học. Nghe điều này tôi rất cảm động. Thật sự một vị lãnh đạo của chính phủ có tâm làm việc thiện thì sẽ có rất nhiều, rất nhiều người có thể có được lợi ích lớn.
Tôi nhớ, khi tôi mở khóa học lần đầu tiên trong năm ngày ở Hải Khẩu, thì Cục trưởng Cục Giáo dục thành phố Hải Khẩu đích thân đến nghe tôi giảng. Đương nhiên tôi rất ít ra ngoài xã hội, cho nên khi Cục trưởng ở bên dưới ngồi nghe thì tôi cũng rất hồi hộp. Cục trưởng nghe hết toàn bộ các tiết học buổi chiều. Khi tan học, các giáo viên chúng tôi tiễn Cục trưởng ra về. Sau khi Cục trưởng ra về, bỗng nhiên tôi rất cảm động, nước mắt rơi xuống. Bởi vì chúng tôi hay xem “Câu chuyện giáo dục đức hạnh”, một vị lãnh đạo tốt có thể làm cho cả một vùng được lợi ích, đời sống, tư tưởng của người dân nơi đó có được sự phát triển rất tốt, gia đình của họ đều có được sự ảnh hưởng sâu sắc. Chỉ cần có vị quan tốt xuất hiện thì xã hội sẽ có nếp sống tốt. Nghĩ đến điều này tôi rất cảm động. Người ở bên cạnh cũng không biết tại sao tôi khóc, họ đều bị tôi dọa cho sợ. Tôi nói: “Không sao! Không sao!”.
Nhìn thấy vị giám ngục có tâm như vậy, chúng tôi nhất định hy sinh hết mình. Tôi nói: “Chỉ cần thu xếp được, giáo viên trong trung tâm chúng tôi nhất định đến ủng hộ, thậm chí sách vở chúng tôi cũng sẵn lòng cung cấp”. Thật sự thời đại ngày nay chỉ cần quý vị muốn làm việc thiện chắc chắn sẽ có người đến giúp đỡ, gọi là “người có nguyện lành thì trời sẽ giúp cho”. Thế nên đối diện với người ác, chúng ta cũng chỉ dạy con cái là bản thân mình trước tiên phải làm cho tốt thì tự nhiên sẽ có thể cảm hóa được người khác. Con cái có thái độ như vậy thì chúng sẽ luôn giữ thái độ hòa nhã với mọi người, không đến nỗi xung đột với người khác.
Ngoài việc phải yêu thương con người ra, chúng ta cũng cần phải yêu thương, bảo vệ động vật, bởi vì động vật cũng giống như chúng ta, đều có linh tri, cảm giác. Chúng cũng biết đau, cũng bị tổn thương, cũng biết buồn.
Ở Tây Tạng có một thợ săn, một buổi sáng thức dậy nhìn thấy từ xa có một con Linh Dương. Vừa nhìn thấy thì theo thói quen, người thợ săn lập tức cầm súng lên, ngắm chuẩn xác con Linh Dương Tây Tạng này. Kết quả xuất hiện một cảnh tượng làm ông ấy vô cùng kinh ngạc, bởi vì ông chưa bao giờ nhìn thấy như vậy. Đó là con Linh Dương Tây Tạng này vừa nhìn thấy ông liền quỳ xuống cầu xin ông tha mạng cho nó. Ông cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng ông vẫn bắn chết nó. Sau khi bắn chết, ngày hôm sau mổ thịt thì nhìn vào trong bụng nó có một con linh dương con. Người thợ săn đột nhiên hiểu ra là con linh dương này đã quỳ xuống cầu xin ông tha mạng cho con của nó. Người thợ săn này cũng là một người cha, nhìn thấy con linh dương vì con của mình mà hành động như vậy nên ông rất cảm động, cũng rất ân hận. Ông nhận thức được tất cả động vật đều có tình thân, từ đó ông đã bỏ cây súng săn và không còn đi săn nữa.
Có một thợ săn khác chuyên môn đi bẫy chồn, dùng dụng cụ săn bắt để bẫy chúng. Có một hôm, ông phát hiện dụng cụ săn bắt của ông giữ chặt một con chồn. Đến gần xem thì ông chỉ nhìn thấy một bộ da chồn, không nhìn thấy thân thể của con chồn đâu cả. Người thợ săn liền đi theo vết máu của con chồn để lại. Theo vết máu, ông đi đến được hang chồn. Thì ra con chồn này dùng hết sức lực tự lột bỏ da của nó, sau đó chạy về đến hang cho con của nó bú. Thật ra con chồn này đã chết rồi, nhưng con của nó vẫn còn đang bú sữa. Quý vị xem, một con chồn cho dù tính mạng đang bị đe dọa thì suy nghĩ của nó vẫn là vì con của mình. Tình mẹ thương con của chúng không thua gì con người chúng ta. Người thợ săn nhìn thấy cảnh tượng như vậy nên từ đó ông không còn đi săn nữa. Từ chỗ này chúng ta nghĩ đến bài thơ của Bạch Cư Dị:
“Chớ nói tính mạng động vật không đáng giá
Chúng cũng có xương thịt, cũng có da
Khuyên ai đừng bắn chim trên cành nọ
Đàn chim non đang đợi mẹ trở về”.
Đối với động vật, chúng ta cũng phải có tâm đồng cảm như vậy, tuyệt đối không nên vì sở thích của mình, sự yêu ghét của mình mà chia rẽ gia đình của động vật.
Không chỉ động vật cần sự quan tâm của chúng ta mà thực vật cũng cùng một thể với chúng ta, đều là những sinh mạng sống chung trên quả địa cầu này. Tôi đã từng thấy một đứa trẻ leo lên cây liên tục rung lắc, muốn bẻ gãy cành cây. Em cảm thấy như vậy thật thích thú. Nếu như trẻ con ngay từ nhỏ đã cảm thấy muốn chơi thỏa thích thì cứ làm, như vậy có thể từ việc chúng làm tổn thương thực vật sẽ cảm thấy thích thú khi đánh động vật, do đó chúng có thể làm tổn thương thực vật, tổn thương động vật. Lớn hơn chút nữa, có thể chúng cảm thấy thích thú với việc đánh người. Vì vậy chúng ta cần phải cẩn thận khi con cái đối xử với tất cả, bất kể là động vật hay thực vật, vì hành động này đều có mối tương quan với tâm của chúng. Nếu như chúng bất kính đối với vật, thì sau này chúng có thể kính trọng người được không? Chúng nhìn thấy thức ăn thì nói: “Con không ăn!”. Chúng đối với thức ăn lãng phí thì đối với người nhất định rất khó cung kính, bởi vì “nhất chân nhất thiết chân”. Chữ “nhất” này là chủ tâm của một người. Sự cung kính, sự chân thành của chúng giả như đã được nội hóa vào trong tâm thì hành vi chúng biểu hiện ra tự nhiên đều là cung kính, chân thành. Khi chúng chà đạp, không chân thành, muốn làm gì thì làm đối với vật, thì tâm của chúng đã mất đi sự cung kính, vậy khi chúng đối diện với người có thể lập tức điều chỉnh trở về sự cung kính được không? Không thể được.
Những gì chúng ta mặc, đồ chúng ta ăn đều có thể là sự quan tâm của cha mẹ, đều dùng tiền cha mẹ cực khổ kiếm được để mua. Chúng ta trân trọng những đồ vật này cũng chính là trân trọng công sức của cha mẹ bỏ ra. Những điều này không tách rời tâm cảnh của một người.
Khi tôi nhìn thấy trẻ con đang làm tổn thương cây cối, chúng tôi cũng không chỉ trích ngay lúc đó mà đợi đến tiết học sau, lúc vào lớp chúng tôi liền nói với các em: “Các em nhỏ thân mến! Xin hỏi con người chỉ cần thiếu cái gì năm phút thì không thể sống được nữa? Thiếu khí ôxy. Hôm nay các em thiếu thức ăn vẫn có thể sống được tám ngày, mười ngày. Hai, ba ngày các em không uống nước có thể vẫn không sao. Nhưng chỉ cần năm phút không có ôxy thì các em sẽ chết là điều chắc chắn, não có thể sẽ chết. Vậy ôxy từ đâu có?”. Có thể các em trả lời rất nhanh, bởi vì các em đều đã học qua môn tự nhiên: “Tác dụng của quang hợp, chính là từ cây cối mà có”. “Vì vậy, cây cối là thứ quan trọng nhất trong sinh mạng của các em, bởi vì chỉ cần không có cây cối thì các em không sống nổi. Do đó, cây cối là ân nhân cứu mạng của các em, cho các em thứ cần thiết nhất. Vậy các em lấy gì để đối xử với cây cối? Đối với cây cối, chúng ta cần phải yêu thương. Cây cối không chỉ cung cấp ôxy cho các em mà còn giúp các em rất nhiều, cống hiến cho sinh mạng của các em”.
Chúng ta có thể mượn cơ hội này để giảng cho các em hiểu được tầm quan trọng của cây cối đối với các em. Cây cối cống hiến cho chúng ta nhiều như vậy, nhưng trước đến giờ chúng chưa từng mở miệng nói: “Xin quý vị trả cho tôi ba trăm đồng, xin quý vị trả cho tôi năm trăm đồng”. Chúng cống hiến vô tư cho chúng ta, càng đáng để cho chúng ta tôn trọng chúng.
Bởi vì con người không tôn trọng cây cối, nên đã sinh ra rất nhiều vấn đề. Ví dụ như mỗi lần trời mưa đều xảy ra việc sạt lở đất đá. Thật kỳ lạ, ba mươi năm trước, năm mươi năm trước đâu có chuyện lở đất đá nhiều như vậy! Vì sao mấy mươi năm sau này đột nhiên xuất hiện chuyện lở đất nhiều như vậy? Quý vị có phát hiện ra thời đại của chúng ta có rất nhiều danh từ mới không? Đây đều là do con người ngày nay làm một số việc nào đó mới sinh ra những hiện tượng mới này.
Do bởi nạn chặt phá rừng tràn lan, những cây lớn này vốn có thể giữ chặt đất đai nhưng đã bị chặt đi nên đất bị lỏng lẻo. Kết quả trời mưa lớn sẽ gây ra sạt lở đất đá, sạt lở bùn đất. Quý vị hãy tỉ mỉ suy xét, cái gọi là thiên tai ngày nay đều do con người gây ra.
Những cây này có thể điều hòa nhiệt độ vì nó có bóng râm rất lớn. Vì vậy trong một thành phố, cây cối càng nhiều thì nhiệt độ sẽ càng ổn định. Giả như cây cối đều bị chặt hết, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp xuống thành phố này thì nhiệt độ sẽ rất cao. Con người sống trong môi trường như vậy thì sức khỏe cũng bị tổn hại. Cây cối luôn luôn điều hòa nhiệt độ cho chúng ta. Hơn nữa, cây cối làm cho ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên mặt đất, do đó chúng điều hòa nhiệt độ rất tốt. Ngoài ra, con người lại thải ra khí cabonic, khí cacbon monoxit và một số khí bẩn đều phải nhờ cây cối hấp thụ để chuyển hóa, nhưng rốt cuộc hiện nay đã chặt hết cây cối nên những khí thải xấu liên tục tích tụ lại trong tầng không khí. Khí monoxide cacbon, dioxide cacbon nhiều quá sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, nhiệt độ của trái đất không thoát ra được bên ngoài nên càng ngày càng cao, gây nên sự khác thường của khí hậu toàn cầu, như vùng nhiệt đới lại có tuyết rơi.
Những hiện tượng này có phải là thiên tai không? Không phải. Bởi vậy con người nên suy nghĩ cẩn thận để cùng chung sống với thiên nhiên. Chúng ta phải nên bảo vệ thiên nhiên để có thể cùng sinh tồn, cùng phát triển. Giả như chúng ta làm tổn thương thiên nhiên thì nhất định cả hai đều bị tổn thương. Vì thế, tổ tiên mới kỳ vọng chúng ta phải làm được “thiên – địa – nhân” tam tài.
Có một con số thống kê là mười ngàn năm trước, cứ mỗi một trăm năm thì có một loài vật bị tuyệt chủng; một ngàn năm trước, cứ mỗi mười năm thì có một loài vật bị tuyệt chủng; một trăm năm trước, cứ mỗi một năm thì có một loài vật bị tuyệt chủng; hai mươi năm trước, cứ mỗi năm thì có năm trăm loài vật bị tuyệt chủng; năm năm trước, cứ mỗi năm thì có mười ngàn loài vật bị tuyệt chủng.
Chúng ta xem những con số này mà giật mình. Trong vòng mấy mươi năm ngắn ngủi, vạn vật trên toàn cầu đều cận kề với đại nạn, bị tuyệt chủng một cách nhanh chóng. Đó là kiệt tác của ai vậy? Của con người. Vì vậy, khi một loài động vật trên trái đất bị tuyệt chủng, những động vật khác sẽ mở tiệc ăn mừng đến bảy ngày bảy đêm không ngủ, đó là loài vật nào vậy? “Là loài người”. Sao quý vị biết vậy? Chính xác là con người đã đến lúc nên phải suy nghĩ lại cho cẩn thận.
Lấy bệnh ung thư làm ví dụ, con người chính là tế bào ung thư của trái đất. Quý vị xem có phải tế bào ung thư phát triển rất nhanh, chèn ép lên các bộ phận nội tạng khác không? Chúng lan rộng rất nhanh, chúng cho rằng chúng càng ngày càng lớn mạnh. Bỗng nhiên một hôm sức khỏe bị suy kiệt, kết quả tế bào ung thư cũng chết. Tuy là nó không ngừng phát triển, nhưng đến cuối cùng toàn bộ cơ thể con người bị chết thì nó cũng kề cận với cái chết, nó cũng chết theo.
Con người cũng như vậy. Chiếm đoạt nhiều không gian sinh tồn của động vật, thực vật như vậy thì có phải con người sẽ càng ngày càng lớn mạnh phải không? Nhưng đến khi toàn bộ quả địa cầu bị phá hoại không thể sinh tồn, thì trái đất cũng không thể sinh tồn, con người cũng sẽ bị diệt vong theo.
Do đó, con người không nên thấy cái lợi trước mắt, mà nhất định phải từ quan tâm đối với con người mở rộng đến việc tôn trọng tất cả vạn vật. Chúng ta biết tôn trọng vạn vật và cũng dạy cho thế hệ sau chúng ta biết tôn trọng tất cả sinh mạng, trưởng dưỡng tâm nhân từ của chúng. Khi thế hệ sau có tâm nhân từ thì ai được lợi ích lớn nhất? Đương nhiên là cha mẹ, gia đình của họ. Vì vậy, con người phải rõ lý lẽ. Không hiểu rõ lý thì có thể sẽ làm những chuyện khiến cho bản thân suốt đời phải hối hận. Cho nên, phải “yêu bình đẳng”.
“Phàm thị nhân, giai tu ái. Thiên đồng phú, địa đồng tải”.
“Phàm là người, đều yêu thương. Che cùng trời, ở cùng đất”.
Chúng ta cùng sống chung trên quả địa cầu này, cùng sống trong trời đất nên phải đồng cam cộng khổ. Vì vậy, có một thầy giáo nói với tôi: “Có thể yêu thương bảo vệ tất cả vạn vật chính là nỗ lực thực hiện đạo hiếu đễ”. Thầy nói tiếp: “Trời là cha, đất là mẹ, mỗi người đều là con cái của đại địa, đều là đại địa nuôi lớn ta. Giả như hôm nay không có đại địa thì chúng ta ăn cái gì? Bởi vì đại địa nuôi lớn chúng ta, nên chúng ta phải nhớ ơn đức này. Đất là mẹ, tất cả vạn vật mà mẹ đã nuôi lớn đều là anh chị em với nhau. Bởi vậy chúng ta không nên sát hại động vật, vì như vậy sẽ không có thái độ hiếu đễ”. Vị thầy này đã mở rộng tâm lượng của mình. Thật sự đất là mẹ.
Con người chúng ta khi không biết tôn trọng động vật thì bầu không khí của cả gia đình sẽ vô cùng hỗn loạn. Cho nên chúng ta thấy có nhiều động vật như vậy đang bị tuyệt chủng, khi những động vậy này nhìn thấy loài người thì lập tức chạy trốn. Nghe nói khi gặp người Trung Quốc thì chúng chạy càng nhanh hơn. Điều này chúng ta cần phải phản tỉnh. Bởi vậy, người Trung Quốc cần phải tiết chế dục vọng ăn uống của mình đối với loài bay trên trời, loài bò dưới đất, loài bơi dưới nước, nếu không thì không biết sẽ sát hại không biết bao nhiêu là sinh linh. Rất nhiều động vật đều bị con người ăn đến tuyệt chủng. Vì vậy nói: “Che cùng trời, ở cùng đất”.
Vào thời Chiến Quốc, có một danh tướng tên là Tôn Thúc Ngao. Ông là người rất có đức hạnh. Một hôm ông đi làm việc ở bên ngoài thì nhìn thấy một con rắn hai đầu. Bởi vì trong thôn của ông có tin đồn là người nào nhìn thấy con rắn hai đầu đều không sống được, có thể gặp vận hạn, nên khi nhìn thấy thì ông lập tức lấy gậy đánh chết con rắn hai đầu này. Sau khi đánh chết con rắn thì ông đem chôn, còn bản thân ông thì khóc trở về nhà. Mẹ ông vừa nhìn thấy liền hỏi ông: “Vì sao con khóc vậy?”. Tôn Thúc Ngao liền nói: “Con không thể phụng dưỡng mẹ được rồi, bởi vì con nhìn thấy con rắn hai đầu, có thể con không giữ được mạng sống”. Quý vị xem, Tôn Thúc Ngao tuổi còn nhỏ nhưng khi nhìn thấy con rắn hai đầu ông không nghĩ đến tính mạng của mình sắp kết thúc mà nghĩ đến điều gì? Ông đem chôn con rắn đi, không để cho người khác nhìn thấy, còn khóc trở về nhà. Vì sao ông lại đau lòng? Do sợ bản thân mình không thể phụng dưỡng được mẹ. Mẹ ông nghe xong cảm thấy rất được an ủi, thấy con mình thật sự luôn nghĩ đến người khác, cho nên nói: “Con không nên lo lắng, con có thiện tâm như vậy sau này chắc chắn sẽ có phúc/phước phần”. Sau này Tôn Thúc Ngao lớn lên thật sự đã làm Tể tướng của nước Sở, cũng rất có thành tựu. Vì vậy, “thiện có thiện báo”, có tấm lòng lương thiện nhất định sẽ chiêu cảm được phúc/phước phần.
Trên đây là “phàm là người, đều yêu thương”.
“Hạnh cao giả, danh tự cao. Nhân sở trọng, phi mạo cao. Tài đại giả, vọng tự đại. Nhân sở phục, phi ngôn đại”.
“Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài. Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe”.
5.2.1 “Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài”
Một người có đức hạnh tự nhiên tiếng tăm của họ sẽ được lan truyền đi. Có cần phải ngồi trên xe đi tuyên truyền quảng cáo không? Tuyệt đối không phải, bởi vì gió của đức hạnh sẽ thổi đi. Vì vậy trong “Luận Ngữ”, Khổng Lão Phu Tử có nhắc đến: “Đức hạnh của quân tử như gió, đức hạnh của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ, thì cỏ nhất định phải nằm rạp theo chiều gió”. Tiểu nhân ở đây là chỉ cho bá tính/tánh bình dân. Cỏ cúi rạp thân xuống tượng trưng cho cơn gió đức hạnh vừa thổi qua thì tất cả bá tính/tánh bình dân đều nhận được sự giáo hóa, sẽ học tập, noi gương theo. Đương nhiên quan trọng nhất là người có đức hạnh nhất định phải có đạo đức học vấn thật sự thì tự nhiên sẽ đạt được hiệu quả “hữu xạ tự nhiên hương”. Vì vậy, năm xưa việc dạy học của Khổng Lão Phu Tử phát triển rất nhanh, rất nhiều người đọc sách ở các nước đều đến học tập với Khổng Lão Phu Tử.
Thưa quý vị bằng hữu! Khổng Lão Phu Tử thời thời khắc khắc đều đang suy nghĩ những việc gì? Còn chúng ta hiện giờ đang nghĩ về việc gì? Bởi vì “tướng do tâm sinh”, những gì tâm đã nghĩ thì nhất định biểu hiện ra trong việc đối nhân, xử thế trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta có thể lý giải được những gì mà các bậc Thánh Hiền nghĩ khác xa so với những điều chúng ta nghĩ thì chúng ta sẽ biết làm thế nào để theo cho kịp. “Dù còn xa, cũng dần kịp”.
Quý vị bằng hữu bình thường đều nghĩ những việc gì? Có nghĩ đến cổ phiếu sắp lên hay sắp xuống không? Hay là đang nghĩ lần này con mình thi môn toán như thế nào?
Trong “Luận Ngữ”, Phu Tử có nhắc đến mỗi ngày Ngài lo nghĩ về bốn việc: “Đức hạnh không tu dưỡng, học mà không giảng giải, nghe việc nghĩa không làm, phạm sai lầm mà không sửa đổi, đó là nỗi lo của ta”.
Mỗi ngày Phu Tử vô cùng tích cực tu dưỡng đức hạnh của bản thân mình, vì vậy Ngài lo sợ mỗi ngày trôi qua vô ích, nên không thể “đối với đức mà không tu”.
“Học mà không giảng giải”. Những đạo lý mà bản thân lĩnh hội được nhất định phải nói ra, khiến cho nhiều người được lợi ích, làm cho huệ mạng của nhiều người được trưởng dưỡng.
“Nghe việc nghĩa mà không làm”. Chỉ cần nghe thấy việc chính nghĩa, việc nhân đức thì nhất định không chờ người làm mà chính mình sẽ đi làm.
“Phạm sai lầm mà không sửa đổi”. Luôn nghĩ đến bản thân còn có những khuyết điểm gì thì phải nhanh chóng sửa đổi, không nên lười biếng.
Phu Tử có cái tâm như vậy cho nên đức hạnh của Ngài, sự cống hiến của Ngài đối với quần chúng tự nhiên càng ngày càng lớn, tự nhiên Ngài được bá tính/tánh bình dân tôn kính, quý mến. Vì vậy “người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài”. Nhất định không phải do anh ấy đẹp trai, nhất định không phải do dung mạo. Dung mạo không thể làm cho người khác kính phục.
5.2.2 “Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe”
Một người thật sự có tài thì danh tiếng của họ cũng sẽ tự nhiên lan truyền đi xa. “Được người phục, chẳng do khoe”. Tài hoa của một người chắc chắn không phải do bản thân người đó tự phóng đại, tự khoe khoang, mà cái tài đó phải khiến cho mọi người khâm phục từ trong tâm. Chữ “tài” này chắc chắn được xây dựng trên nền tảng đức hạnh. Nếu như có tài mà không có đức thì không thể làm cho mọi người khâm phục. Do đó, câu này là nói đến người đức hạnh cao, nhất định phải có đức hạnh. Do có đức hạnh nên tài hoa mà họ học được đều xuất phát từ một mục đích là có thể lợi ích cho gia đình, lợi ích cho xã hội. Cho nên tài hoa của họ nhất định sẽ làm cho người khác kính phục, làm cho người khác được lợi ích, vì vậy mọi người sẽ rất khâm phục họ. Họ tuyệt đối không dùng tài hoa đó để mưu lợi cho riêng mình. Như vậy không thể được người khác tôn trọng.
Chúng ta thường nhìn thấy nhiều người có tài, chúng ta đều sinh lòng ngưỡng mộ. Trẻ con có thể cũng như vậy! “Sao mà giỏi thế!”, “chữ này viết sao mà đẹp thế!”, “hát sao mà hay quá vậy!”. Viết được chữ rất đẹp là kết quả, nguyên nhân ở đâu? Vì vậy chúng ta nên tiến thêm một bước là hướng dẫn các em nhỏ không nên chỉ hâm mộ người khác, mà phải biết phía sau tài năng giỏi như vậy của họ nhất định không phải trong phút chốc mà có được. Nếu muốn công phu thâm hậu thì phải “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Tất cả tài năng tuyệt đối không phải từ trên trời rơi xuống. Nhẫn mới là cái gốc của thành công. Cần phải xây dựng cho con cái thái độ đúng đắn như vậy.
Khi chúng ta xem thấy cô giáo Dương Thục Phương viết thư pháp “Đệ Tử Quy” rất đẹp, chúng ta rất ngưỡng mộ cô. Cô Dương đã viết bao lâu rồi? Đã bốn mươi mốt năm rồi, từ lúc năm tuổi cô đã bắt đầu viết thư pháp. Cô nói: “Trước đây luyện viết thư pháp, mỗi ngày cô luyện viết cả chồng giấy”. Cô từng nét từng nét một mà luyện thành. Hôm nay cô mới có thể cầm bút lên viết tùy ý mà không ra ngoài quy củ. Vì vậy, thật sự là phải có dụng tâm, có bỏ công sức, có sự kiên trì, cộng với tấm lòng vì người phục vụ nên tài hoa của cô mới không ngừng được nâng cao, không ngừng có sự đột phá. Hiện nay cô viết rất nhiều bảng chữ mẫu để sau này in thành sách, đưa lên mạng. Phía sau những tác phẩm của cô đều viết: “Hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng”. Hy vọng bản thân chúng ta cũng có gia đình tốt như vậy. Cha của cô là một nhà thư pháp. Hai mươi bảy tuổi cha của cô mới bắt đầu học thư pháp. Người cha đã làm tấm gương tốt cho cô, chỉ cần hiếu học thì sẽ không sợ quá muộn.
Sau khi nghe xong, trong quý vị có ai muốn cầm bút lên để luyện thư pháp không? Người cha làm tấm gương tốt như vậy, có gia đình tốt như vậy nên đã thành tựu tài hoa cho cô. Vì vậy, học được từ xã hội thì phải dùng cho xã hội, quyết không được uổng phí một đời.
Trên đây là “người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, chẳng do khoe”.
“Kỷ hữu năng, vật tự tư. Nhân sở năng, vật khinh tí”.
“Mình có tài, chớ dùng riêng. Người có tài, không chỉ trích”.
5.3.1 “Mình có tài, chớ dùng riêng”
Bản thân mình có tài hoa, có năng lực, chỉ cần giúp được người khác thì không nên ích kỷ, mà nên đưa tay ra giúp đỡ. Điểm này tôi có cảm nhận rất sâu sắc, bởi vì trong khoảng thời gian tôi học thêm, chỉ cần bạn học đến hỏi tôi vấn đề gì, tôi nhất định tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Khi một người dùng năng lực để giúp đỡ người khác thì họ đã tu được ba loại bố thí. Chúng ta biết giữa trời đất, nếu quý vị cầu nguyện như lý như pháp thì đều sẽ “có cầu tất có ứng”.
Người thế gian thích tiền tài, nhưng lại không biết phải trồng nhân gì mới có thể có được tiền tài. Người thế gian cũng muốn được thông minh trí tuệ, vậy nhân ở đâu? Nhân ở việc bố thí pháp. Người thế gian mong muốn khỏe mạnh sống lâu, thì phải trồng nhân gì trước? Bố thí vô úy, luôn luôn làm giảm bớt sự đau khổ của người khác, thậm chí giảm đi sự đau khổ cho chúng sinh thì tự nhiên bản thân họ làm được “ông trời có đức hiếu sinh”. Luôn luôn quan tâm đến sự đau khổ của người khác thì họ sẽ có thể có được quả báo khỏe mạnh, sống lâu.
Khi một người hướng dẫn người khác, đem kinh nghiệm của mình nói cho người khác, đó là dùng sức lực, dùng kinh nghiệm giúp người nên họ đã làm được bố thí nội tài. Hơn nữa, bởi vì trong quá trình hướng dẫn người khác, bản thân cũng đã bố thí pháp nên thông minh trí tuệ mỗi ngày sẽ tăng trưởng. Những phương pháp mà chúng ta nói với người khác có thể sau này họ sẽ áp dụng vào công việc và cuộc sống gia đình của họ, cho nên họ sẽ không vì không học được một số phương pháp hay mà lúng ta lúng túng. Nếu như họ không có năng lực thì có thể phải thường xuyên lo lắng: “Tôi chẳng có cách nào để có thu nhập tốt. Vợ tôi, con cái của tôi trong lòng không có cảm giác an toàn, luôn luôn lo âu, sợ sệt”. Khi chúng ta đem những đạo lý làm người, làm việc tặng cho người khác, khiến cho họ trưởng thành thì có thể gia đình họ sẽ được ổn định. Vì vậy, điều này là thuộc về bố thí vô úy.
Thật sự khi một người bố thí pháp thì đồng thời đã làm đủ ba loại bố thí. Hơn nữa, bố thí pháp là giải quyết vấn đề căn bản của một người.
Trước đây chúng tôi cũng nhắc đến “giúp ngặt chứ không giúp nghèo” (giúp nguy chứ không giúp nghèo). Quý vị có thể giúp đỡ họ nhất thời, nhưng nếu như họ không thay đổi tư tưởng, quan niệm thì có thể càng giúp họ càng ỷ lại. Như vậy có thể sẽ có tác dụng phụ. Vì vậy, giúp đỡ một người căn bản nhất vẫn là phải để cho họ tiếp nhận được sự giáo dục đúng đắn, sửa đổi từ trong quan niệm, tư tưởng thì mới có thể giải quyết được vấn đề căn bản.
Chúng ta cũng cần phải dạy con cái: “Mình có tài, chớ dùng riêng”. Tâm lượng lớn thì phước báu mới lớn.
Có một thầy giáo ở chỗ chúng tôi, từ nhỏ thầy ấy đã biết giúp cha mẹ làm công việc nhà, chăm sóc những người em. Xem ra thì thầy rất vất vả. Nhưng khi thầy học tiểu học, học trung học cơ sở, học trung học phổ thông, học đại học, thầy không nghĩ sẽ làm cán bộ lớp, làm lãnh đạo, nhưng tự nhiên cơ hội đều luôn đến với thầy. Như khi học đại học, công việc Chủ tịch Hội học sinh đều giao cho thầy. Bởi vì từ nhỏ thầy đã được rèn luyện, nên khả năng làm việc rất tốt. Thầy không cần danh mà danh cũng tự nhiên đến trước mặt.
Khi con cái bằng lòng nhận làm rất nhiều công việc, rèn luyện nhiều, những đóng góp này nhất định không vô ích, mà càng làm tăng thêm năng lực cho chúng.
Có một lần, các giáo viên cùng nhau làm bánh há cảo. Có một thầy giáo nhìn thấy thầy Thôi làm thì rất kinh ngạc. Thầy ấy nói: “Tôi làm được một cái bánh thì thầy Thôi đã làm được năm, sáu cái”. Bởi vì từ nhỏ thầy đã làm việc rất nhiều, nên năng suất làm việc rất tốt. Vì vậy con người tuyệt đối không nên sợ việc, sợ ra sức đóng góp, sợ khổ, bởi vì cuối cùng chính mình là người được lợi ích nhiều nhất.
Trên đây là “mình có tài, chớ dùng riêng”.
5.3.2 “Người có tài, không chỉ trích”
Khi chúng ta nhìn thấy người khác rất có tài, rất có năng lực, tuyệt đối không nên xem thường họ, không nên bôi nhọ họ, vì như vậy đối với bản thân mình không tốt. Khi một người sinh tâm đố kỵ thì đức hạnh của họ sẽ bị giảm xuống. Khi tâm đố kỵ nổi lên thì tâm lương thiện của chúng ta sẽ bị nó khống chế, do vậy mỗi ngày quý vị có thể đều u sầu, không vui. Vậy tại sao chúng ta không mở rộng tâm lượng để làm được “khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn”. Vì thế, trước đây người đọc sách luôn duy trì việc “anh hùng quý anh hùng”, bởi vì rất khó mới có một người tốt xuất hiện làm lợi ích cho xã hội. Thành công là điều không dễ. Phải làm rất nhiều việc tốt có dễ không? Không dễ! Chúng ta nên thành tựu việc tốt đẹp cho người, có bao nhiêu năng lực cũng phải hết lòng giúp họ, cùng nhau làm những việc tốt. Khi chúng ta sống chung với mọi người, với tập thể, có thể phải đối mặt với nhiều việc. Nếu như làm việc không tốt thì rất có thể ảnh hưởng đến không chỉ một người, một gia đình, mà ảnh hưởng rất nhiều người. Vì vậy, chúng ta có cơ hội phục vụ cho mọi người thì tuyệt đối không nên khởi tâm đố kỵ, bởi vì tâm đố kỵ này không chỉ chướng ngại cho chính mình mà có thể làm hỏng việc của mọi người. Chúng ta nên duy trì việc “không cầu có công, chỉ mong không có lỗi”. Trong tập thể nên tùy hỷ việc làm tốt của người khác, nên thành tựu việc làm thiện của người khác. Dùng cái tâm như vậy để làm, để giúp họ thành tựu, thì công đức của họ và của chúng ta là như nhau.
“Vật siểm phú, vật kiêu bần. Vật yếm cố, vật hỷ tân”.
“Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo. Chớ ghét cũ, không thích mới”.
5.4.1 “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”
Đối với người có tiền, chúng ta không nên nịnh bợ; đối với người nghèo, chúng ta không nên kiêu ngạo, khinh thường họ. Tử Lộ từng hỏi Khổng Lão Phu Tử là: “Nghèo mà không nịnh, giàu mà không kiêu, là thế nào?”. Ý là hỏi Khổng Lão Phu Tử: Người nghèo khó không đi nịnh bợ người giàu, người có tiền cũng không kiêu ngạo, như vậy có được xem là có tu dưỡng hay không? Phu Tử nói được, nhưng vẫn phải tiến thêm bước nữa, phải nên “bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ”. Tức là cho dù nghèo khó họ cũng không đi nịnh bợ, bởi họ đã hiểu vì sao hiện giờ họ bị nghèo. Họ nên cố gắng gieo trồng nhân giàu có, đó là bố thí tài vật thì tự nhiên sau này vận mệnh sẽ do mình làm chủ. Người đọc sách thấu hiểu lý lẽ, vì vậy họ nghèo mà vui, có thể vui vẻ làm quân tử. “Giàu mà thích lễ nghĩa” nghĩa là một người cho dù rất giàu có nhưng vẫn khiêm cung, lễ phép, không vì có tiền mà thái độ của họ đối với người trước đó thay đổi một trăm tám mươi độ. Họ sẽ không như vậy mà họ thích lễ nghĩa. Đương nhiên họ cũng biết cứu giúp những người nghèo khổ. Vì vậy, cho dù là giàu hay nghèo, thật sự chúng ta đều có thể sống một cách tâm an lý đắc.
Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có câu: “Kẻ thấy người giàu có mà nịnh bợ là hổ thẹn nhất”. Việc này làm cho người ta thấy rất khó chịu, thật xấu hổ. “Gặp người nghèo mà làm ra vẻ kiêu ngạo là người đê tiện nhất”. Nhìn thấy người nghèo khó mà làm ra vẻ kiêu ngạo ức hiếp họ, đó là sự đê tiện. Tuy là có tiền, nhưng hành vi của họ không cao thượng mà rất thấp hèn.
Rất thú vị khi tôi cho học trò của tôi đọc “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”. Tất cả các câu trong đó các em đọc rất bình thường, nhưng chỉ cần đọc đến hai câu này thì các em đọc dõng dạc, mạnh mẽ: “Kẻ thấy người giàu sang mà nịnh bợ là hổ thẹn nhất, gặp người nghèo khó mà kiêu ngạo là đê tiện nhất”. Lúc các em đọc lớn như vậy, tin rằng trong tâm của các em sẽ lưu lại ấn tượng sâu sắc. Sau này các em đối nhân xử thế có thể sẽ tuân thủ những lời giáo huấn này, không đến nỗi xem thường người nghèo, nịnh bợ người giàu. Thật sự mà nói, nịnh bợ người có tiền chưa chắc họ đã chấp nhận, bởi vì khi họ đã có tầm mắt thì những lời nịnh hót, bợ đỡ này sẽ khiến cho họ xem thường quý vị.
****************
Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 35)
Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng ngày: 15/02/2005
Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ