Làm Sao Để Tu Hành Chân Thật Trong Cảnh Mộng Ở Thế Gian Này?

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Làm Sao Để Tu Hành Chân Thật Trong Cảnh Mộng Thế Gian Này? Do mình còn thấy thế gian này rất thật, bản thân mình cũng rất sống động, rất thật, mà không hiểu nhất thời cũng chỉ là một vai diễn mà thôi…Ảo tưởng vai diễn là chính mình, rồi vọng tưởng đủ thứ…Đây là si mê điên đảo.

Mọi thứ đều là “mộng huyễn bào ảnh “: Nhưng riêng chữ “Ái” thì đi theo mình rất là sâu. Không dễ gì nhìn thấu và buông bỏ được cái ái này. Thôi thì mình cứ học và cố gắng từng ngày. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Câu “mộng huyễn bào ảnh” là giúp cho mình ngày ngày phản tỉnh, để mình buông bỏ cái sự yêu thích và không yêu thích của mình đối với người và sự vật xung quanh. Để mình đừng có bị dính mắc.

Tại vì tất cả đều là trong thức của mình biến hiện ra. Giống như trong giấc mơ mình cũng có đầy đủ, có hoàn cảnh, có nhà cửa, có câu chuyện, có một đời sống. Nhưng mà giấc mơ đó rất là ngắn, cho nên khi mình tỉnh dậy thì mình phát hiện ra đó chỉ là giấc mơ. Nhưng giấc mơ đó mang lại cho mình những cảm xúc. Mà giấc mơ đó bản chất là giả, rồi cảm xúc mình đặt trên cái giả, thì cảm xúc đó là thật hay giả?

Cũng là giả luôn chứ không phải thật. Nhưng mình cứ bị cái cảm xúc lừa hoài, vì mình thấy cảm xúc này rất là thật. Mình khóc, mình cười, mình vui, mình giận nè, mình hạnh phúc nè, rồi mình đau khổ…Tất cả những cảm xúc buồn, vui, hỉ, nộ, ái, lạc đến từ người và sự vật xung quanh mà mình tiếp xúc, mình đều tin là thật.

Nhưng mình đối chiếu lại trong giấc mơ, có những giấc mơ mình cười, đến khi mình ngủ dậy cũng thấy mình đang mỉm cười. Hoặc làm cho mình khóc, mình ngủ dậy vẫn thấy nước mắt mình chảy ra. Nhưng mà hóa ra nó chỉ là giấc mơ. Và cuộc đời mình cũng y như vậy, là một giấc mơ dài…

Vậy thì những người xung quanh mình như thế nào? Họ cũng đang mơ cùng mình, đây gọi là có chung một tần số chứ không có tách rời ra. À cái chỗ này mới là cái chỗ phức tạp. Cho nên trong giấc mơ của những người trong gia đình mình, có người có giấc mơ rất là hỗn độn, cuộc đời họ rất là hỗn độn. Có một số người có giấc mơ đẹp, hoàn cảnh sống êm ái, hạnh phúc. Mình cũng thấy được rõ ràng, đây đều là tùy theo nghiệp lực của mỗi người, mà câu chuyện cuộc đời mỗi người biến chuyển khác nhau.

Nhưng do mình càng tin tưởng cái chuyện này là thật, thì mình càng nghĩ cách đối phó với nó bằng cách này, cách khác, hoặc là mình đắm chìm vô trong đó, nếu mình say mê thích thú nó. Nên mình đi từ mộng mị này đến mộng mị khác. Từ mê lầm này đến mê lầm khác. Mình không có dứt ra được. Chưa có thì lại muốn có, có thì lại muốn giữ, rồi lại sợ mất, mất rồi lại tiếc nuối, rồi lại đau khổ, rồi lại vấn vương, rồi lại muốn có lại. Đó là một cái vòng luẩn quẩn.

Cho nên câu “mộng huyễn bào ảnh” này không có dễ hiểu. Thực tế là không có dễ hiểu một chút nào! Đức Phật phải dùng 22 năm để Ngài giảng Kinh Bát Nhã cho chúng ta hiểu được chân tướng sự thật này. Trong suốt cuộc đời của Ngài, 49 năm thuyết pháp, thì Ngài dùng 22 năm để giảng Kinh Bát Nhã. Tại sao ạ? Tại phải có trí tuệ Bát Nhã thì mới có thể phá được cái chấp trước, phân biệt, vọng tưởng của chúng ta dính mắc vào trong cái mộng huyễn bào ảnh này.

Và trong đời sống thực tế của mình, chỉ có luyện tập trên câu A MI ĐÀ PHẬT chuyên cần lâu năm, lâu ngày, lâu tháng thì mới phá trừ được cái sự mê muội này, cộng với việc nghe pháp trường kỳ huân tu nữa. Chứ không thì mình vẫn thấy rất là thật, vì mình có cái thân và mình có cái ta. Có một bạn chia sẻ với con là, bản thân rất cố gắng trong đời này mình diễn một vai tốt. Diễn xong rồi đợi Đức Phật A Mi Đà đến đón về Cực Lạc.

Có nghĩa là bạn ấy đưa ra được cách nhìn: Cuộc đời này là một vở kịch dài, mà mình diễn hết vai này đến vai khác. Giống như là Hoa Thiện có trích dẫn lời dạy của Ân Sư: Trong mỗi một hoàn cảnh thì mình có một cái vai, một cái bổn phận. Đã có vai thì mình cần phải diễn cho tốt. Giống như bài học của ngày hôm nay. Ngài khai mở cho chúng ta, mình làm ngành nghề nào thì mình cũng đều lấy cái tâm vô cầu, không phân biệt, không chấp trước để mà mình chứng thực. Ngài nói phải thật làm.

Nhưng mà trong quá trình này mình cũng có sự nhận thức, dù mình biết cuộc đời này là vở kịch mình diễn. Nhưng do mình diễn sâu quá. Mình diễn sâu đến mức là mình đồng hóa cái vai diễn đó là chính mình, đâm ra mình bị kẹt vô trong cái vai diễn đó. Mình đóng vai một người cha tốt, đóng rất tốt. Nhưng do đóng quá tốt, cho nên bị kẹt vô cái chữ ái của người cha đối với con,của một người chồng đối với vợ, của một người vợ đối với chồng, của một người em đối với anh…Mình diễn quá tốt ạ.

Như vậy rốt cuộc diễn tốt là tốt hay không tốt? Nếu bạn nhìn lên một diễn viên ở trên sân khấu. Bạn thấy họ có sự chuẩn bị để họ diễn vai diễn của họ. Họ sẽ diễn hết mình, họ sống chung với vai diễn đó khi họ bước lên sân khấu. Nhưng khi họ xuống sân khấu thì họ buộc phải xả vai diễn đó ra, để họ còn diễn những vai diễn mới, những vở tuồng mới.

Nhưng mà mình thì không! Mình mang cảm xúc từ trong vai diễn này, mình lại mang qua vai diễn mới để mình diễn tiếp. Ví dụ: Mình ở trong công ty, mình giận người này người kia, ra đường gặp người này người kia khó chịu. Mình về nhà mình mang cái khó chịu đó, mình lại diễn chung với mọi người trong gia đình, đem cái bộ mặt khó chịu đó, cái tâm lý khó chịu đó, cái sự nóng giận đó xả lên mọi người trong nhà.

Mình gọi là giận cá chém thớt, rồi mình trút bực bội lên con mình, chồng mình, vợ mình, trút lên cha mẹ, rồi cự chỗ này, cự chỗ kia, khó chịu này khó chịu nọ vì bị sếp la, bị khách hàng chửi, bị đồng nghiệp chơi khăm, bị chơi xấu. Đó chính là chỗ thiếu sót của mình, khi mình bị cái vai diễn nó mê hoặc mình. Con phải dùng là từ mê hoặc.

Tiếp đến, bây giờ mình đứng trên sân khấu mình diễn. Sân khấu cuộc đời của mình, mình diễn không được tốt thì nhận quả báo cái chuyện không tốt đó, bị mọi người ghét bỏ, bị bệnh tật, bị tai nạn, bị đủ thứ chuyện không như ý xảy đến, thì mình cũng kẹt trong cái chuyện đó. Mình trở nên là một con người tự ti, cố chấp, bất cần. Mình không có niềm tin vào trong chính mình nữa, rất dễ rơi vào trạng thái cảm xúc này, khi mình làm một điều gì đó tội lỗi.

Nhưng chỉ diễn thôi mà, nếu bạn đặt nặng cái tâm bạn vào trong tội lỗi đó vì nó đã diễn ra rồi. Ân Sư nói bạn đang tạo nghiệp thêm một lần nữa, một lần rồi lại một lần nữa. Cứ mỗi lần bạn cắn rứt dằn vặt ,cắn rứt rồi lại dằn vặt thì chẳng khác nào vết thương của mình chưa có lành mà mình cứ rạch tới rạch lui, rạch tới rồi lại rạch lui, không biết đến bao giờ nó mới lành. Mình không chịu để yên cho vết thương đó có cơ hội tự lành. Vì bản thân cơ thể của mình là tự lành. Khi nó có vết thương là nó tự lành, mình không cần làm gì hết.

Vết thương về mặt thân thể và vết thương tâm hồn giống nhau, để thời gian rồi nó sẽ tự lành. Vấn đề là mình cứ dằn vặt nó. Đó là mình cũng chết kẹt trong cái vai diễn xấu của mình. Diễn dở, diễn tệ thì mình không còn tự tin để diễn nữa, hay nói cách khác mình sống không còn là chính mình nữa, vì mất đi sự tự tin. Một khi con người mất đi sự tự tin thì họ khó mà có được niềm vui chân thật trong đời sống. Vì họ không biết họ sống vì cái gì, họ mất định hướng.

Ngược lại mình diễn tốt rất tốt, làm chồng ra làm chồng, làm cha ra làm cha, làm vợ ra làm vợ, vai nào cũng diễn tốt hết mà rất là rõ ràng. Hết vai này chuyển sang vai khác là đều làm rất tốt, không để cái này xọ qua cái kia, thì mình lại bị chết kẹt trong cái tốt đó. Thế nào là chết kẹt trong cái vai tốt? Là thích được khen. Khi một người diễn viên lên sân khấu, diễn cái vai đó hay quá. Một ngàn lần diễn như một ngàn lần đều lấy nước mắt của khán giả. Tất nhiên là được khen rồi, được nổi tiếng rồi sống trong tiếng vỗ tay, thậm chí mình chưa diễn, họ thấy mình là đã vỗ tay rồi.

Sướng không ạ? Người diễn viên đó sướng. Cũng giống như mình thôi ,mình diễn từ sáng đến tối ,từ ngày này qua ngày nọ đều đúng như pháp, được vỗ tay. Mình rất là thích và mình chết trong tiếng vỗ tay, chết trong vai diễn đó. Rồi lấy vai diễn đó làm cuộc đời của mình vì thấy nó có ý nghĩa. Mà mình không biết nó là mộng huyễn bào ảnh. Mình chết trong lời khen, không chỉ người khác khen mình, mình thấy sướng mà ngay cả bản thân mình cũng tự khen mình.

Người khác khen mình có thể dừng nghỉ, vì mình đâu có gặp họ mỗi ngày? Còn bản thân mình: Mỗi ngày tự khen mình thế này thế kia, hài lòng với mình cái này, thành tích này, thành tích nọ. Từ sáng đến tối được cái này, được cái kia, làm cái này tốt, làm cái kia tốt. Tất cả chẳng phải là sự dính mắc hay sao? Cho nên muốn dứt ra được cái vai diễn này đâu có dễ ạ!

Các bạn suy nghĩ thêm xem: Diễn tốt cũng không xong mà diễn xấu cũng không xong. Nếu mà không có Phật Pháp dẫn đường, thì đường nào cũng là không xong. Không có trí tuệ của Đức Phật dạy cho mình thì làm sao mình buông? Làm sao mình nhìn ra được để mà mình buông? Mình buông cái vai diễn của mình để mà mình trở về câu A MI ĐÀ PHẬT một cách chân thật nhất. Con nói dùng từ chân thật nhất là gì ạ? Vì trở về với câu A MI ĐÀ PHẬT vẫn là thích khen, đây là chưa chân thật.

Niệm Phật mà vẫn thích khen! Niệm Phật là cái chuyện cầu giải thoát của mình mà mình còn muốn người khác khen mình nữa à? Vậy thì làm sao mình giải thoát? Mình đọc Kinh mình cũng muốn người khác khen mình, mình cũng thấy mình đọc hay à? Vậy làm sao mình giải thoát? Các bạn nghĩ xem, làm sao mình có định được chứ? Mình đã biến pháp của Như Lai, biến câu A MI ĐÀ PHẬT thành cái phương tiện để mà gì ạ? Để được khen. Khen ai? Dạ khen mình. Khen mình có công phu. Người khác không khen thì mình tự khen. Đó là không chân thật để cầu giải thoát.

Cho nên, chỉ đến khi nào mình hiểu rõ được cái tâm của mình, hiểu rõ được lời Phật dạy. Quan trọng là nhìn ra rõ được cái tâm của mình. Nó đang bị lệch chỗ nào, nó đang bị mê muội chỗ nào. Nó đang bị mê muội vô sáu Ba La Mật? Tức là yêu thích những thứ cao siêu trong Phật pháp. Trong khi cái căn bản nhất thì chưa làm được! Nó đang bị mê muội vào lời khen. Nó đang mê muội vào đạo tràng, vào tình ái, tình huynh đệ, đủ loại thứ tình……Mình phải nhìn ra được thì mình mới sửa đổi làm mới chính mình được chứ.

Vì vậy chỗ này Ngài nói đó chính là công phu. Ngày ngày đều phải phát hiện ra lỗi lầm của chính mình. Ngày ngày đều phải sửa đổi lỗi lầm của chính mình, thì đó mới là công phu chân thật. Đây là câu cuối cùng Ân Sư dặn dò chúng ta. Một khi chúng ta đưa lên bàn cân, cân lại chính mình thì mình thấy đủ, chứ không thấy thiếu. Nghĩa là mình không thấy mình lỗi nhiều lắm. Mình diễn vai nào cũng tốt mà. Cho nên vừa rồi con mới báo cáo: Với góc nhìn của một diễn viên trên sân khấu thì mình xem sự dính mắc của mình vào cái vai diễn của mình. Làm sao mà để diễn như không diễn.

Mình không có ý niệm là tôi thích cái vai này thì tôi diễn tốt. Tôi không thích cái vai này thì tôi diễn không tốt. Mình hay có tập khí đó. Cái nào mình thích thì mình làm mới tốt. Còn cái mình không thích thì không làm tốt. Đó là sự cố chấp, u mê, là dính mắc thì mình niệm Phật cả đời mình cũng không vãng sanh được. Cái thích và không thích của mình, nó vẫn còn rất mạnh! Làm sao thích cũng vậy, mà không thích cũng vậy.

Mình không có ý niệm không thích, đây là cái mình cần làm thì làm thôi. Mà đã là cái cần làm thì đâu có cần được khen. Giống như bây giờ mình hít vào thở ra là chuyện cần thiết để duy trì mạng sống. Mình đâu có cần ai khen mình từ sáng tới giờ mình hít vào thở ra tốt đâu ạ? Hay mình ăn để cho no cái bụng mình. Mình có cần ai khen sáng giờ mình ăn tốt, ăn giỏi không? Giống như lúc mình còn nhỏ, mấy em bé thường được cha mẹ khen con cố gắng ăn giỏi. Giờ mình biết rồi mà, mình biết cái chuyện ăn là phải ăn. Mình làm thôi mình đâu có cần được khen đâu ạ!

Vậy tại sao cái chuyện niệm Phật, ăn chay, tu tập của mình, mình được khen mình lại thích vậy? Đó là tu hành không có chân thật! Cho nên kết lại bốn chữ “tu hành chân thật” mình nhớ cho chắc. Mình thường tự phản tỉnh lại mình có tu hành chân thật hay không? Cho nên tu hành là chuyện của mình, không có gì phải khoe hay là được khen cái này, cái kia. Hoặc khi người ta không khen mình, mình cảm thấy bực bội, khó chịu. Kiểu như: Đâu phải chuyện của bạn! Bạn xỉa xói vô chuyện tu hành của tôi làm cái gì? Người ta góp ý cho mình, mình không cảm ơn, mình lại còn bực bội. Thì mình thấy mình có nên thay đổi không ạ?

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *