Làm thế nào để buông bỏ được những dính mắc trong quá trình niệm Phật tu hành? Sư Huynh cũng thúc đẩy cả lớp mình chú ý thực hành, nỗ lực thực hành, buông bỏ cái tâm mong cầu muốn điều khiển người và sự vật theo ý của mình. Giống như câu chuyện mà các bạn cũng đã làm báo cáo. Trong phần báo cáo của các bạn cũng giống như của Sư Huynh Cương, là muốn cho người nhà của mình học Phật, niệm Phật, ăn chay…Ai cũng muốn hết. Dạ, không ai mà không muốn như vậy. Nhưng mà tại sao mình không muốn người hàng xóm người ta học Phật, niệm Phật, ăn chay? Rồi mình không muốn anh họ, chị họ của mình niệm Phật, ăn chay giống mình? Mà mình cứ hay trăn trở chuyện người nhà của mình? Mình cần phải giúp đỡ cho họ được thế này, thế kia.
Dạ, tại những người này là những người có cái duyên gần nhất với con. Cho nên con thấy đây là cái chỗ con cần phải để tâm để làm một tấm gương tốt ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình. Con rất muốn mọi người trong gia đình đều thay đổi theo cái hướng tích cực này, vì trong Kinh Phật cũng có nói là: Khuyên được Cha Mẹ niệm Phật cầu sanh Cực Lạc đây là báo hiếu bậc nhất. Con cũng nghe chỗ này chỗ kia nói về chuyện này. Cho nên mình cứ dồn cái tâm của mình vô trong cái tư tưởng này, cái suy nghĩ này, đây là có tâm mong cầu. Mà cái tâm mong cầu này nghe ra cũng chánh đáng.
Nhưng như con báo cáo hồi nãy, tại sao với người hàng xóm mình không có cái khát khao này. Dạ, tại vì họ không phải là thân bằng quyến thuộc của con, là hàng xóm thôi. Vậy hàng xóm thì độ sau, người nhà thì độ trước đúng không? Dạ phải, đúng rồi, người nhà có duyên thì con độ trước chứ. Duyên với con sâu nhất nên con độ trước, con giúp đỡ trước. Con cũng nghe mọi người báo cáo, là cũng phải từ trong gia đình rồi mới ra được ngoài xã hội độ người này người nọ.
Dạ cái này là trật lất. Nếu mà nói độ người nhà mình trước, thì tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật rồi không quay về nhà của Ngài để độ người nhà của Ngài trước vậy? Mà đi độ năm anh em Kiều Trần Như?
Lý ra thành Phật rồi thì phải mau mau về độ Cha mình trước, rồi độ vợ mình, độ con mình, chứ tại sao Đức Phật không làm theo cách này? Sao cái trình tự này Ngài đảo lộn, Ngài phải độ người ngoài rất là nhiều, sau đó rồi mới về độ người nhà. Trên bước đường hoằng pháp của Ngài, mình có để ý chỗ đó không? Đó là thực tế con đường độ sanh của Thích Ca Mâu Ni Phật. À, hóa ra ngay cả Đức Phật, Ngài độ cho mọi người là dựa trên cái tâm bình đẳng, không có vướng vít liên quan gì đến cái sự riêng tư, cái tình cảm riêng tư, thân bằng quyến thuộc là riêng tư rồi. Mà tất cả là tùy duyên.
Duyên nào chín muồi trước thì Ngài độ trước, Ngài sẽ giúp đỡ cho họ thành tựu trước. Còn mình thì mình cứ hao háo mình muốn độ người nhà của mình, nó xuất phát từ trong cái tình riêng tư, vì đây là Cha mình, đây là Mẹ mình, những người có công ơn sinh thành dưỡng dục. Còn đây là anh chị em mình, đây là vợ chồng, là con cái của mình, là máu mủ của mình nên mình ưu tiên hơn đúng không? Trước giờ hổng ai nói mình sai chỗ này đâu. Nhưng mà cái ý niệm muốn điều khiển người khác theo ý của mình, dù đó là ý tốt. Đây là cái sai đầu tiên và ẩn sâu trong đó…Chính là cái "ái " của mình nó thôi thúc mình làm chuyện này, chứ không phải là do tâm từ bi, từ trong trí tuệ để mà mình nhìn ra được là cái người này là mình sẽ độ trước.
Mình chưa có cái năng lực này. Mà mình đang dùng cái tâm phàm phu của mình để mà mình tự cho rằng những người này là những người mình muốn họ phải thành tựu. Rồi họ chiều theo ý mình thì mình thấy..Ồ, cái chuyện này cũng được nè, cũng ngon rồi nè. Nhà mình chịu ăn chay với mình, người nhà mình chịu niệm Phật với mình, là mình hoan hỷ vô cùng, mà chắc là Phật Bồ Tát gia trì đó. Cho nên cái mong cầu của mình nó được thỏa mãn.
Khi mong cầu này nó được thỏa mãn một phần thì cái tình ái, cái ái nhiễm của mình nó lại tăng thêm một phần. Cái sự điều khiển người khác theo ý của mình nó lại tăng thêm một phần. Cái chủ quan của mình nó lại tăng thêm một phần. Cái si mê điên đảo của mình nó lại tăng thêm một phần. Mình nghĩ như vậy là mình độ được họ rồi sao? Là mình có thể an tâm rồi. Bây giờ thân bằng quyến thuộc đã trở thành pháp quyến. Ân Sư giảng chỗ này mình thấy rất tâm đắc, vì nhà mình bây giờ toàn pháp quyến không...chứ không còn là oan gia nữa, không còn chống đối mình nữa.
Đây là cái thấy của bạn thôi, là cái thấy của một phàm phu dựa trên cái nhìn của mình và suy diễn, chứ không phải là chân thật. Chỗ này mình bị lừa, mình bị lừa bởi chính cái thấy biết của mình, do thâm nhập Kinh tạng chưa đủ độ sâu, đâm ra rất là chủ quan. Trong cái chủ quan này đầy đủ sự dính mắc. Cho nên người nhà ủng hộ mình thì mình cũng vui, cái vui này của các bạn nó chính là cái ái. Nó chính là cái lòng tự tư tự lợi của mình nó được thỏa mãn nên mình vui.
Cho nên mình ngồi mình niệm Phật với người nhà mình, mình xúc động lắm. Mình niệm A DI ĐÀ PHẬT hay A MI ĐÀ PHẬT. Mình nghe con mình niệm Phật cái giọng của nó trong trẻo. Nghe chồng mình niệm Phật thấy ổng hiền từ làm sao. Nghe Cha Mẹ niệm Phật..Ôi chao! hạnh phúc quá! Vậy là Phật pháp làm cho bạn tăng trưởng thêm ái nhiễm chứ được cái gì? Rồi đến lúc nào đó họ lật kèo đối với bạn. Họ thay đổi thì bạn phiền phức to. Họ đẩy hy vọng của bạn lên đến tận mây xanh, sau đó chính họ lại dìm bạn xuống đến tận cùng của sự tuyệt vọng, thất vọng cùng cực. Thì bạn sùi bọt mép lên thôi, bạn tức học máu ra, mắt trợn ngược lên lúc lâm chung, coi chừng đó!
Cho nên cái câu Phật hiệu mà mình niệm, mình nhìn cho nó rõ ràng là mình niệm từ cái động lực gì? Với tâm mong cầu gì? Với sự dính mắc gì mà mình niệm câu Phật hiệu vậy? Dạ, con niệm để con hồi hướng cho người này, người kia. Đây là có tâm mong cầu, đây là có sự dính mắc. Con đang niệm trong một cái đạo tràng thanh tịnh với các Huynh, Đệ, Tỷ, Muội tốt đẹp nhất, những người mà con tri ân nhất. Đây cũng là sự dính mắc. Những người mà con thương mến nhất. Đây cũng là sự dính mắc. Bạn chỉ cần khởi một cái niệm nhỏ xíu là bạn đang rơi vào trong cái mạng nhện. Bạn càng vũng vẫy, bạn tu luyện kiểu nào thì cuối cùng bạn cũng bị ăn thịt.
Cho nên cái sợ dây luyến ái này nó giống như cái mạng nhện vậy. Con mồi đã dính vào rồi thì vĩnh viễn không thể nào thoát được. Khoa học người ta còn nói cái sợi tơ của nhện bắn ra rất là chắc chắn, rất là bền bỉ. Người ta phân tích thấy rõ chỗ đó. Và bây giờ cái sợi dây luyến ái mình phóng ra từ trong tư tưởng của mình nôm na cũng giống như thế, nhưng mà nó không có hình, không có ảnh. Còn nếu nó có hình ảnh thì chắc chắn có lẽ mình hết hồn, khi mình nhìn thấy cái sợi dây luyến ái của mình với từng người nó đang buộc chặt mình như thế nào. Nó đang quấn vào tâm mình ra làm sao?
Nếu nó ra hình ra tướng thì thôi mình rất sợ rồi, nhưng khổ một cái, bất hạnh một cái là mình không thấy cái tướng hình này. Mình chỉ thấy vui thôi khi mình thấy được mọi người chiều theo ý mình. Và mình ngộ nhận đây là cái vui, cái hỷ lạc mà trên bước đường tu, do mình tu đúng chánh pháp mình được cái niềm vui này! Sai lầm!
Niềm vui này từ trong ái nhiễm chứ không phải là niềm vui từ trong tâm thanh tịnh. Cho nên cái lạc từ trong thanh tịnh với cái lạc từ trong ái nhiễm này mình bị ngộ nhận. Đặc biệt là những người học Phật. Người học Phật thì có cái sự mê muội này. Còn người thông thường, người ta không có suy nghĩ nhiều về chỗ này. Do mình có học Phật cho nên mình cứ nghĩ cái lạc này của mình là cái hỷ lạc mình có được trên bước đường tu học. Và mình đạt được cái này, mình thông được chỗ này. Nghiệp mình có tiêu trừ một chút xíu, có cảm hóa được người nhà, mình tìm thấy được an vui trong cái đời sống tu hành của gia đình cùng với những người mình yêu thương. Đây là luân hồi đấy.
Nó xuất phát từ những ý niệm ban đầu rất là chánh đáng, là con muốn mọi người học Phật, niệm Phật có được lợi ích giống như con. Thì con cũng xin lỗi luôn là mình cũng chưa được lợi ích gì. Thì mình đừng nghĩ đến cái chuyện là người khác phải được lợi ích giống mình. Cho nên trong tất cả những câu chuyện mà mình tương tác với mọi người xảy ra trong đời sống của mình. Nó đều khẳng định cái "tôi" của mình. Đây là cái tôi được nè, gia đình tôi được như thế này là nhờ Phật pháp nè. Ông Bà, Cha Mẹ tôi được như thế này là nhờ tôi có sám hối, nhờ tôi có phóng sanh, nhờ tôi có ăn chay, nhờ tôi có niệm Phật. Nó thúc đẩy cái ái nhiễm của bạn tăng trưởng một cách âm thầm và vô cùng là sâu. Tăng trưởng cái bản ngã của bạn lên vì những cái thành tựu nhỏ nhỏ này.
Bạn dính mắc vào đó toàn diện nhưng bạn quá si mê, bạn không có thể nhìn ra được. Bạn đang đắc chí, làm sao mà trong những cái thời khắc mình đắc chí như vậy. Mình nhận ra được cái đắc chí của mình, mình quay về với câu Phật hiệu nhanh, sám hối liền. Cho nên trong cái phần báo cáo của các bạn làm thế nào để ngăn chặn được cái chuyện này, không đi vào vết xe đổ này thì các bạn thiếu một cái món hành trang rất là quan trọng mà không thấy ai báo cáo ra được. Mà con đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các bài học trước của chúng ta. Đó là cái chữ KHIÊM TỐN. Các bạn nhìn xem các bài báo cáo của mình có chữ KHIÊM TỐN trong đó không? Tất cả các bài. Quên rồi!
Cho nên rất dễ quên cái KHIÊM TỐN này. Có được một chút xíu thọ dụng từ trong việc tu hành sửa đổi bản thân thì ngay lập tức quên cái tâm KHIÊM TỐN này. Chỗ này mình cần để ý cho kỹ, phải thường tự phản tỉnh xem mình có đang sống với cái tâm Khiêm Tốn trong phút giây hiện tại hay không? Vì cái tâm này không dễ gì có được nhưng khi có được lại dễ dàng mất đi...mất tâm khiêm tốn rồi thì làm sao mình có thể thành tựu?
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT