Đề Bà Đạt Đa ông đã được độ. Trong hiện đời được gặp Phật, được gặp chánh Pháp, được tu học theo Đức Thế Tôn đây là đã được độ rồi. Nhưng trong quá trình mà ông tu học, ông có một chút sở đắc cộng thêm cái tham vọng của ông nó bùng phát với cái tâm ngạo mạn của mình, với cái sở đắc của mình. Ông muốn thay thế Đức Phật..
Đó là do ông, do cái tâm ngạo mạn của ông mà ông tự đạp đổ đi cái duyên này. Chính ông tự đạp, tự phá chứ không thể nói là ông không có đủ duyên. Ông rất đầy đủ nhân duyên nhưng trong cái duyên bao gồm những cái ác tập khí của ông mà ông không chịu sửa đổi. Ông không nhìn ra mà ông cứ dương dương tự đắc với cái sở học của ông, với cái thần thông của ông vì ông thấy là ông ngon rồi.
Ông thấy Đức Phật cũng già rồi, phải có người kế thừa cho Đức Phật và ông không thấy ai xứng đáng hơn ông. Thì đó là một bài học lớn nhắc nhở cho mình, mình cũng vậy thôi. Bản thân mình đời này đã được gặp Phật pháp, được gặp Ân Sư, được học bài bản là đủ duyên rồi. Bây giờ mình được độ hay nói cách khác mình được vãng sanh về Cực Lạc hay không là do mình. Mình khởi một ý niệm tà vạy sai lầm trong bước đường tu học của mình, cống cao ngã mạn, tự cho mình là đúng, thích làm theo ý mình, thì ngay lập tức mình đi luân hồi. Chỗ này Phật đã độ mình rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đã độ mình rồi, hoàn toàn bình đẳng với lại quý Thầy, với Ân Sư, với tất cả những người đã thành tựu.
Bí kíp trao tay mình rồi, là Pháp bảo. Bây giờ ngay trong đời sống, cái chỗ thực hành của mình nó tạo nên cái kết quả và ai là người quyết định chuyện này? Là mình chứ không phải là Phật, giống như Đề Bà Đạt Đa, chính là ông, ông tự quyết cái suy nghĩ của ông. Nếu mà lúc đó ông nghĩ: Thôi! Mình nghĩ như vậy là sai rồi. Làm sao mà mình dám khởi lên cái suy nghĩ này chứ!
Nếu mà có sự tiếp nối thì Đức Phật sẽ chỉ định, và mình so sánh đức hạnh của mình đối với các vị khác trong Thập Đại đệ tử của Đức Thế Tôn, mình không bằng một góc thì làm sao có cái chuyện mình thay thế Đức Phật được! Nhưng ông có cái tâm ngạo mạn rất lớn. Cho nên cái tâm ngạo mạn nó giết chết cái duyên đặc biệt thù thắng này của ông. Thì bây giờ, cái tâm ngạo mạn của mình ở đây nè, mình chắc cũng còn kha khá đó, xem chừng coi nó có giết chết cái duyên học Phật đời này của mình hay không?
Cái duyên giác ngộ, cái duyên mà được niệm Phật vãng sanh này. Cái duyên này không chừng là đang bị giết chết một cách âm thầm… Mình chủ quan cứ tưởng là ổn nhưng thật sự không ổn chút nào. Dây ái ràng buộc rất nhiều, ý niệm khống chế người và sự vật còn rất mạnh. Giống như bài báo cáo của bạn Trung Phước rất là tường tận, rất rõ ràng, báo cáo của bạn Quảng An cũng vậy. Các bài báo cáo của các bạn khi mình chỉ rõ ra được những cái lỗ hổng này thì mình phải biết cách bản thân mình phải làm sao?
Bù đắp nhưng mà con cần phải nhấn mạnh đến tâm KHIÊM TỐN thì sáu hào đều “cát tường”. Cho nên có cái chữ KHIÊM này đi trên bước đường tu của mình thì mình an toàn. Mà KHIÊM TỐN nó giống như là trời đất, giống như là không khí vậy, tự nhiên thì nó mới an toàn thật sự. Làm sao mà mình phát ra cái tâm KHIÊM TỐN như vậy. Mình phải hiểu rõ được chính mình. Biết rất rõ ràng bản thân dở chỗ nào. Thường hay đọc những tấm gương của các bậc Đại Đức, của những bậc Trưởng bối đã vãng sanh, ngưỡng mộ họ, học tập theo họ, so sánh với họ thấy mình kém quá xa.
Nhưng mà không có nhục chí, ” KHIÊM TỐN ” nhưng mà không nhục chí. Quyết tâm là sẽ bằng họ giống như trong Đệ Tử Quy: “Thánh Hiền nhân, dần sẽ được “. Cho nên cái chuyện tự tại vãng sanh cũng sẽ được thôi Sư Huynh Cương. Không nên tự yểm ly mình là mình không dám nghĩ tới. Vấn đề là có công thức để đạt được chuyện đó, bằng cách là mình học tập những người đã thành tựu, đã tự tại vãng sanh.
Mình nghiêm túc học tập theo họ. Trong đời sống họ tu hành như thế nào để họ tự tại. Cái này giống như là cái đề mục mà cái người niệm Phật nào cũng nên có luôn luôn là ở trong đầu: “Họ tu làm sao mà họ vãng sanh vậy? Họ tu làm sao mà được tự tại vậy?”. Phải thường đọc. Còn cái phần Sư Huynh Cương hỏi cũng chia sẻ cho con cùng các bạn trên lớp là: “Lúc mình chết thì ở bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng muốn theo Phật thôi. Ai muốn làm gì làm thì đây có phải là tự tại hay không?”
Đó là một phần biểu hiện của cái tâm không dính mắc, có tự tại. Nhưng đó giống như là cái phần mình lý luận thôi. Tại vì mình chưa chết mà, mình chưa có cái trải nghiệm chết đó. Thì bây giờ mình nhìn lại trong cái đời sống của mình, là bây giờ mình chưa chết cho nên mình cũng không biết lúc đó mình làm sao. Thì bây giờ như thế này. Cái tự tại này bây giờ trong đời sống sống động của mình, mình có chưa cái đã? Đó là cái phần câu hỏi con mở ra cho mọi người mình về suy nghĩ rồi mình làm báo cáo nha.
Cái tự tại trong đời sống hiện thực ngay trong cõi Ta bà này, mình có chưa? Mình hiểu cái tự tại trong đời sống hiện thực này nó biểu hiện như thế nào đối với một người tu niệm Phật nói riêng và người tu nói chung, là mình có chưa? Và mình có được cái phần nào? Mình có thể báo cáo. Các bạn đừng sợ là báo cáo lên thì mắc công lại bị la, vì con báo cáo lên những điều mà Sư Huynh nói con dính mắc chỗ này, dính mắc chỗ kia..
Dạ không, đây là trải nghiệm. Trải nghiệm trong đời sống thực tế. Còn chuyện bạn có dính mắc hay không là chuyện của bạn, nhưng mà cái phần trải nghiệm này bạn phải có. Giống như bạn đi bộ từ nhà đến trường, từ trường đến nhà thì những gì bạn đi trên đường đó là trải nghiệm của bạn thì bạn phải có chứ. Thì cái trải nghiệm này có chưa?
Chỗ này để cho mình làm bài tập về nhà. Nó phản chiếu cái pháp hành của mình. Trong bài báo cáo của các bạn thì có cái chỗ bài báo cáo của bạn Trung Phước, cũng như những cái ý mà các bạn đưa ra. Đại khái giống như cái câu này của bạn Trung Phước nè: “Con phải buông xả sự dính mắc với Ba Mẹ, chồng con và mọi thứ xung quanh. Tăng cường nghe pháp, niệm Phật, tăng cường tín tâm, thời thời khắc khắc luôn hướng về Cực Lạc. Có vậy đến lúc con lâm chung dù mọi người có làm gì với con. Con vẫn vững tin chấp trì danh hiệu hướng về Cực Lạc đến khi dứt hơi thở, buông xả báo thân về với Phật ngay lập tức, không dây dưa quay đầu nhìn lại khiến chính con gặp nạn. Lúc đó Phật cũng không cứu được con ạ “.
Đó là cái chỗ bạn báo cáo ý số 3 với chúng ta trong cái phần rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Qua đó mình sẽ thấy được cái bản thân của mình, cái cách suy nghĩ của mình, thì con đặt câu hỏi cho bạn Trung Phước thì bạn Trung Phước sẽ giựt mình, sẽ nghĩ lại liền. Trong nguyên cái từ “con” mà mình lặp lại nhiều lần: Ủa rốt cuộc “con là ai” ?
Đến lúc con lâm chung, một chữ con này…Dù mọi người có làm gì với con…hai chữ con. Con vẫn vững tin..ba chữ con. Cho nên cái chỗ này: Đến lúc con lâm chung dù mọi người có làm gì với con. ” Con là ai “? Con là cái thân này phải không?
Cho nên mình mới nói là làm gì với con, có nghĩa là họ tác động đến cái thân này của mình và mình đang đồng hóa cái thân này là chính mình cho nên mình gọi là mọi người có làm gì với con. Đây là cái chỗ mỗi ngày phải tập buông, buông, buông… đến mức là không còn khái niệm cái thân này là mình nữa, thì bạn có thể giảm được cái rủi ro này rất rõ ràng.
Bạn còn coi trọng cái thân này, là bạn sợ được sợ mất trên nó. Rồi sợ lúc lâm chung người này đụng vô chỗ này, chỗ nọ, rồi bạn sẽ cay cú, rồi bạn sẽ nổi sân lên cho mà xem, kết quả mình đi vào tam ác đạo với cái tâm sân si này.
Cho nên mình cần rất chú ý đến cái khái niệm này. Rốt cuộc cái gì là mình? Mà tới lúc lâm chung mình sợ người ta đụng vô dữ vậy? Cho nên dù ở trong cái câu này là mình đang có cái ý là ” Cho dù mọi người có làm gì đối với con..” Nhưng thật ra sâu thẳm trong đó, mình vẫn có cái chấp vào trong cái “thân này là mình “.
Thì khi cái chấp này nó còn đó, mà cái công lực niệm Phật, cái câu Phật hiệu của mình chưa đủ độ chín thì người ta đụng vô cái thân này của mình, mình sân liền, vì mình đang có cái chấp này. Mà không cần đến lúc lâm chung đâu. Con nói bây giờ đi trên đường thôi. Chạy xe trên đường, đang niệm Phật ro ro, ông nào ở phía sau xe, ổng ủi đít xe mình một cái là mình có thể mình sân rồi, chứ đừng nói gì đụng đến cái thân này của mình.
Rồi mình đi trong chỗ đông người, ai đó lỡ mà húc vô người mình một cái là mình cũng có thể sân. Đạp chân mình đau là mình cũng có thể sân, thì mình còn nói gì đến cái chỗ mà lúc lâm chung mà không bị chướng ngại chứ! Sao làm được! Trong khi đời sống hiện thực của mình, mình không vượt qua được mấy cái đó.
Cho nên ngay trong đời sống của mình sẽ giúp cho mình có được câu trả lời: Là lúc lâm chung mình như thế nào? Vì thời khắc hiện tại và thời khắc lúc lâm chung cũng là giống nhau thôi. Bây giờ không xử lý được thì đừng nói gì lúc lâm chung xử lý được. Thậm chí là người ta chưa đụng đến cái thân này của mình. Mình mới nghe léo nhéo, léo nhéo tên của mình thôi. Dạ mới nghe léo nhéo tên của mình thôi, là người này bàn những cái chuyện không hay gì đó về mình thôi, là mình cũng đã không ưa rồi.
Người ta dè bỉu mình thôi là mình đã thấy nóng mặt rồi. Thì qua những cái trải nghiệm đó thì mình tự biết là lâm chung nếu có đến với mình thì mình cũng sẽ luân hồi tiếp, cho dù có ban trợ niệm. Cho nên đây chính là cái câu chuyện của mình, mình tự viết lên mỗi ngày để cho mình phản tỉnh xem là mình nên cố gắng tu học như thế nào, để vượt qua được những điều này.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT