Đầu tiên, chúng con xin cảm ơn bài báo cáo chi tiết sưu tập từ các văn bản và khảo cứu của Giáo Sư Nguyễn Tri Ân, Đại Học Bates, Mỹ. Giáo Sư đã dày công sưu tầm, dành nhiều thời gian, tâm huyết để thu thập các tài liệu và về Việt Nam trực tiếp đến những nơi quan trọng lưu trữ các tài liệu liên quan đến cuộc đời của Bồ Tát Thích Quảng Đức, như chùa Quán Thế Âm, các chùa ở tỉnh Khánh Hòa, nơi Ngài đã sinh ra, lớn lên và tu học đến 1945…cho đến Từ Đường nơi thờ cha mẹ của Ngài tại làng Hội Khánh, Phật Học Viện Nha Trang, và rất nhiều chùa ở các tỉnh miền Tây, nơi Ngài đặt chân đến hoằng pháp, tu bổ lại các tự viện…rất đầy đủ, chi tiết.
Con xin được đi vào nội dung chính:
Bồ Tát Thích Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Tuất, sinh vào giờ tý, ngày 15 tháng 9, năm Mậu Tuất (29-10-1898). Hòa Thượng sinh ra trong một gia đình làm nông tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Thân phụ của Ngài là ông Lâm Hữu Ứng, pháp danh là Thị Cảm, quy y với tổ Hoằng Thâm ở chùa Long Sơn. Thân mẫu của Ngài là bà Nguyễn Thị Nương, xuất thân từ một gia đình Phật giáo, gốc người tỉnh Phú Yên và theo gia tộc dời vào xã Phú Cam, huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa khoảng bán thế kỷ 19, nhập tịch và lập nghiệp ở vùng này.
Ngài là con út trong gia đình gồm bảy anh chị em. Năm anh chị em trên Ngài đều chết sớm, chỉ còn người anh cả Lâm Văn Quy, được cha mẹ cho đi tu với Hòa Thượng Hoằng Thâm lúc còn nhỏ tuổi. Lúc lên bảy tuổi (1905) Ngài cũng được cha mẹ cho đi tu theo chân ông anh cả. Theo ông Lâm Sâm, cháu gọi Hòa Thượng Quảng Đức bằng chú ruột, nói rằng ông bà nội nhờ cho hai người con trai đi tu nên mới khỏi bị chết yểu. Ông Sâm cũng nói rằng là khi còn ở nhà chú Tuất thường bị đau yếu luôn, và nhờ ở chùa và ơn Phật hóa độ nên sức khỏe của chú càng lúc càng trở nên mạnh khỏe và càng tráng kiện hơn.
Năm Ngài 15 tuổi thọ giới Sa Di. Năm Ngài 20 tuổi thọ giới Tỳ Kheo, pháp danh Thị Thủy (是水), pháp tự Hạnh Pháp (行法), pháp hiệu Quảng Đức (廣德) nối pháp đời thứ 42 thiền tông Lâm Tế thế hệ thứ 9 của phái Chúc Thánh
Như vậy là pháp tu của Ngài bắt đầu bằng cửa Thiền, sau khi thọ giới Tỳ Kheo năm 20 tuổi.
Thọ giới xong, Hòa thượng vào một ngọn núi Ninh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, bặt dứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (về sau ngài đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc). Sau khóa tu ba năm, ngài rời núi để bắt đầu công cuộc hoằng dương Phật pháp, nhưng hai năm đầu, Hòa thượng đã thực hiện pháp hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát khất thực đó đây để gieo duyên lành với chúng sanh. Sau hai năm mãn nguyện, ngài trở lại nhập thất tại chùa Sắc tứ Thiên An tại Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang.
Ở giai đoạn sau chúng ta chú ý là Ngài bắt đầu tu theo pháp môn Tịnh Độ, lão thật niệm Phật. Từ đâu mà mình nhìn ra?
Thông qua các bức hình Ngài chụp, tay không rời chuỗi hạt Niệm Phật. Các bạn có thể chiêm ngưỡng những tấm hình sau:
Tấm hình giữa được Giáo Hội phục chế lại thành hình màu, và để trang trọng trong buổi tưởng niệm 60 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân
Ngài là người tu hành chân thật, thành tựu chân thật, chứ không phải đeo xâu chuỗi để mà trang nghiêm cho vẻ bên ngoài của mình, cho nên đích thật Ngài về sau là tu theo pháp môn Tịnh Độ, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc.
Điều đó còn chứng minh ở chỗ: Ngài còn giảng giải 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà: Thông qua phần Ngài GHI CHÉP lược Sử Đức Phật A Di Đà và 48 Lời Nguyện, gồm có 8 trang viết giấy mặt bên trái không có chữ in của cuốn nông lịch người Trung Hoa in ở Chợ Lớn. Nội dung nói Phật tử tu pháp môn niệm Phật phải biết lịch sử và hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà. Bài viết giải nghĩa A Di Đà và tóm lược đức Phật A Di Đà qua bốn chuyện tiền thân. Trong dàn bài nhắc ở phần kết luận là nói rằng nhân địa hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà do nhờ Phật Thích Ca chỉ dạy. Khuyên Phật tử noi theo gương Phật mà phát nguyện độ sanh. Bài viết cũng ghi lại 48 đại nguyện của Phật A Di Đà. Rất tiếc là chỉ ghi đến nguyện 22. Còn thiếu 26 lời nguyện và phần kết luận. Theo lời các quý thầy ở chùa Quán Thế Âm có thể một số trang bị mất trong thời gian Hòa Thượng Thông Bửu bị bắt giam, hoặc trong thời ngôi chùa bị tịch thu và làm tăng xá cho Viện Phật Học. Không tin tưởng pháp môn này thì không thể giảng 48 Đại Nguyện Của Đức Phật A Di Đà, phải có niềm tin thuần thành, thực chứng, thực khế nhập mới có thể giảng giải 48 đại nguyện. Mục đích là giúp hàng hậu học, những người tu niệm Phật như Ngài thì cần phải biết lịch sử và hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà.
Bằng chứng tiếp theo là bài kệ bài Xuất Kệ Vân chữ Nôm, viết ngày mồng tám, tháng tư nhuận, năm Quý Mão (30-5-1963),10 ngày trước khi tự thiêu. Bài Kệ như sau:
Nền Phật dò lần kiếp tẩy sang
Phủi tay rửa sạch nợ trần gian
Tránh đàng danh lợi tìm nơi tịnh
Niệm chữ từ bi lánh cửa quan
Chuỗi hột tay lần khuya với sớm
Kệ kinh tụng niệm vái rồi van
Một lòng thành kính lòng mình nguyện
Tịnh độ từ đây sẽ ở an
Văn bản gốc:
Qua bài kệ sau cùng Ngài để lại trước 10 ngày Ngài tự thiêu. Nói rõ Tín Nguyện Hạnh của Ngài đặt để sâu chắc vào pháp môn Tịnh Độ cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, chuỗi hột tay lần khuya với sớm, từ sáng đến tối, thủy chung không rời câu Phật hiệu, đây là sự niệm Phật viên mãn của Ngài…tâm thường an trú trong Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, Tịnh Độ từ đây sẽ ở an, mình không biết được Ngài thực chứng đến phẩm vị vãng sanh nào, nhưng với quả tim xá lợi bất diệt, an nhiên ngồi trong lửa nóng thì phẩm vị của Ngài vãng sanh phải thực sự rất cao, hay nói cách khác công phu niệm Phật của Ngài đã đắc Niệm Phật Tam Muội ngay trong một đời, sức Định niệm Phật Tam Muội của Ngài rất sâu, rất sâu…Ngũ Uẩn Giai Không chân thật là Ngài đã thực chứng rồi. Điều quý nhất là Ngài chưa từng khoe công phu tu hành của mình như thế nào, rất khiêm tốn, thầm lặng mà tu hành, rồi niệm Phật nâng cao cảnh giới của chính mình…một chút khoe khoang cũng không thấy.
Qua lời căn dặn sau cùng của Ngài: Con xin trích dẫn lời sau cùng của Ngài: Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
- Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.
- Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.
- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa. Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.
Nam Mô A Di Đà Phật
Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão
Tỳ kheo Thích Quảng Đức
Kính bạch
Qua lời tâm nguyện của Ngài để lại, mình lại càng rõ ràng hơn: Ngài nói rõ Ngài sẽ về cảnh Phật, cảnh Phật chính là thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, vì Ngài niệm A Di Đà Phật, tất nhiên sẽ sanh về Cực Lạc thế giới. Ngài chào tạm biệt mọi người cũng chính bằng sáu chữ hồng danh: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Cuộc đời Ngài là 1 bằng chứng sống động cho hàng hậu bối chúng con phát tâm tin tưởng vào pháp môn Niệm Phật. Ngài niệm Phật, Ngài thành tựu, đúng như lời Ngài Vĩnh Minh dạy:
Có Thiền có Tịnh độ
Như thêm sừng mãnh hổ.
Hiện đời làm thầy người
Về sau thành Phật, Tổ.
Bồ Tát Thích Quảng Đức chứng nhập vào cảnh giới này của Vĩnh Minh Đại Sư. Hi vọng là qua bài báo cáo này, những người có duyên đọc được sẽ sanh khởi niềm tin mạnh mẽ vào pháp môn Tịnh Độ, quyết tâm giữ vững 1 câu A Mi Đà Phật niệm cho đến cùng, nhất định đời này sẽ thành tựu.
🙏A Di Đà Phật