BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Có Mong Cầu Là Có Phiền Não: Giống như bạn Diệu Phúc thấy cái sự việc đó thật nên bạn mới bị nó dằn vặt, dày vò, mệt mỏi quá không biết khi nào mới thoát khỏi cái cảnh này. Cái mệt mỏi đi ra từ cái thấy biết. Thực ra cái thấy biết không có mệt mỏi. Cái tư tưởng của mình gắn vô cái thấy biết đó và nó suy diễn ra thì mình bắt đầu thấy mệt mỏi.
Tại vì cái tư tưởng của mình đang gắn chặt vào cái cảnh này. Mình rất muốn thoát khỏi cái cảnh không như ý này là mình có tâm mong cầu, điều khiển người và sự vật theo ý của mình rồi, đây chính là phiền não.
Mình đang sống với những con người này, thì mình hy vọng trên bước đường về Cực Lạc, những người này cũng biết điều với mình để cho mình yên ổn tu hành. Lúc nào trong tâm niệm của mình là mình cũng cố gắng làm những điều tốt đẹp cho mọi người, và hy vọng mọi người sẽ hiểu mình và để cho mình có sự bình yên, để cho mình niệm Phật vì mình là phàm phu mà. Trong tư tưởng của mình luôn hiện diện có sự mong cầu. Cho nên cái mong cầu không đạt được thì mình mệt mỏi quá tại vì không được như ý, rồi lại thấy cái cảnh này nó thật.
Tuy nhiên, nếu mình nghe pháp sâu, nghe pháp nhiều, nghe pháp kỹ thì mình phải thường nhắc chính mình là những gì có hình có tướng đều là hư vọng, đều không phải là chân thật, thường nên quán chiếu như vậy. Cho nên mình chú ý hễ mình tu hơi ổn ổn một chút thì thế nào cũng có chuyện phát sanh. Cái này chắc các bạn gặp nhiều rồi, là mình cứ thấy mình tu được được một chút là có chuyện! Do cái thấy biết của mình chủ quan quá. Thế nào là tu được? Hôm nay mình thấy mình niệm Phật thế cũng được, nghe pháp thế cũng được, mình cũng có niềm vui trong chuyện nghe pháp, cũng có giải hành tương ưng các kiểu.
Người mà chân thật cầu sanh Cực Lạc họ không có giới hạn, không hài lòng với cái mình đang có trên bước đường tu học, hay hài lòng với những thành tựu gì đó của mình. Không có! Tại vì cái được được mà mình thấy đó chính là mầm mống của giải đãi, ngạo mạn. 8 giờ niệm Phật, 8 giờ nghe pháp thực tiễn trong vòng 5 năm, làm được rồi thì lên tới 10 năm mà người ta cũng không nói một tiếng, mà người ta cũng không nghĩ là người ta được cái gì. Mình tu được một chút, ngồi đây rồi mình kêu đủ, mình thấy vui. Tu pháp môn nào không biết, càng tu thì tâm càng phải bình lặng.
Cho nên sự bình lặng ở trong nội tâm sẽ giúp cho mình nhìn ra được bản ngã của mình. Mình thấy rõ được cái bản ngã của mình, nếu càng ngày nó càng nhỏ dần, nhỏ dần đến lúc nào bản ngã của mình hòa vào trong câu Phật hiệu một cách trọn vẹn thì mình thành công.
Còn bây giờ mình niệm Phật mình còn thấy mình ngon quá. Đúng không? Mình thấy mình ngon chứ? A Mi Đà Phật! A Mi Đà Phật! A Mi Đà Phật! Mọi người niệm nhé! Đi thả cá cũng muốn dẫn đầu, làm cái gì cũng đi dẫn đầu. Niệm Phật thì gào lên, vừa niệm Phật vừa quan sát người A, người B, người C họ niệm Phật có tốt không? Bên đó bớt nói chuyện đi, niệm Phật nè! A Mi Đà Phật! A Mi Đà Phật! A Mi Đà Phật! Bên đó niệm nhỏ quá, niệm lớn lên, tập trung vô, niệm như vậy thì chừng nào mới thành? Dặn rồi nãy giờ…!
Cho nên tâm mình muốn làm lớn, muốn có thân phận, nó cứ theo mình hoài. Cái tâm này làm sao mà dứt ra được để còn đi đến chỗ không thân, không phận. Vì vậy mình đi ra ngoài đường để giúp người này, người kia mình phải để ý coi có phải là động lực cũng muốn có thân phận không, muốn thành tựu chuyện tốt của mình không. Nếu như vậy thì không nên đi, niệm Phật cũng không nên đi vì không có mình mọi người niệm vẫn được, có mình vô người ta phiền não thêm, mình cũng mệt thêm.
Mình đứng cái vị trí đó, cái thân phận đó mình dính mắc thêm thì thôi đi làm cái gì, ngồi ở nhà niệm Phật, niệm riết làm sao cho cái bản ngã của mình nó càng nhỏ, càng bé, đi đâu cũng thấy mọi người ai cũng lớn hơn mình, cũng giỏi hơn mình, cũng có nhiều điểm hay để mình học tập, thì mình có tiến bộ.
Cái oai nghi của mình từ đây sanh ra, từ trong tâm khiêm tốn mà sanh ra. Cho nên không cần học oai nghi từng chút, từng chút mà cứ đi thẳng vào trong tâm khiêm tốn. Người có tâm khiêm tốn tự nhiên ở trong hoàn cảnh đó họ sẽ biết là họ sẽ làm những gì phù hợp, vì họ thấy họ nhỏ bé nên họ không có bộp chộp, không có phóng tâm, không có gào thét, lớn tiếng hoặc làm những chuyện khiến người khác phải phiền não. Họ không thấy mình có vị trí gì hết, chuyện khó chuyện khổ họ gánh, họ làm, không than, không trách, không đùn, không đẩy, làm xong lẳng lặng biến mất.
Nhiều khi cả nhóm hỏi hay Thầy hỏi: Ủa! Đi đâu rồi nhỉ? Chắc nó về! Cái thằng này kỳ ghê về mà không nói ai tiếng nào! Nhưng rồi cũng xong. Nhưng mình phải nhìn ra là không phải người ta kỳ đâu mà mình mới là người kỳ vì mình hay nhìn ra khuyết điểm của người khác, người ta không có oai nghi đúng như thế này, như thế kia, mình hay bắt bẻ. Tâm lượng của người ta mới thật sự là khiêm tốn, bao dung, rộng lớn.
Người ta về mà không chào là có lý do, vì mình chưa bao giờ đặt mình vào vị trí của người đó để hiểu tại sao người ta về mà người ta không chào? Mà mình chỉ so sánh một cách cứng nhắc là: “Đi phải thưa, về phải trình” nhưng mình không nghĩ đến con người đó, hoàn cảnh đó không chào mới là đúng, còn mình về, không chào mới là sai.