Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.71)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng tu, xin chào mọi người.

Lần trước giảng Cảm Ứng Thiên đến câu: “Tự tội dẫn tha. Ủng tắc phương thuật.” (Tự mình phạm tội làm liên lụy người khác. Cản trở tài năng người khác)

Mỗi câu mỗi từ đều hàm ý vô cùng sâu rộng. Phần chú giải trong Vựng Biên có rất nhiều thí dụ về câu nói trong kinh điển và những lời dạy bảo của Thánh Hiền xưa, nội dung vô cùng phong phú. Bởi vì thời gian có hạn, không thể nào giới thiệu hết với mọi người được. Đây là bộ sách hay, được Ấn Quang Đại Sư giám định, chúng ta nên thường đọc tụng.

Học Phật trước tiên phải học làm người. Làm người phải học làm người tốt trước. Nếu như người còn làm không tốt thì Phật pháp chắc chắn chỉ là hữu danh vô thực. Đại sư Thiên Thai từng nói: “Danh tự vị”, ý nghĩa của nó chính là hữu danh vô thực, không được lợi ích chân thật của Phật Pháp, thế nên nhất định phải làm người tốt trước.

Ấn Quang Đại sư không những là Tổ sư Đại đức một đời. Truyền thuyết nói Ngài còn là Đại Thế Chí Bồ-tát của thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai, chuyện này có thể tin. Vì sao Ngài lại dùng Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư để giáo hóa hết thảy đại chúng, mà không dùng kinh điển Phật Pháp? Chuyện này chúng ta phải suy ngẫm nhiều một chút, dụng ý của Đại sư là ở đâu?

Hơn hai mươi năm trước, năm 1977 tôi giảng kinh ở Hồng Kông, thư viện Phật Giáo Trung Hoa thu thập không ít sách mà Hoằng Hóa Xã của Ấn Quang Đại sư in. Sách do Ngài in đều rất đẹp, hiệu đính tương đối nghiêm túc, ít chữ sai, có thể nói là bản tốt nhất thời cận đại. Từ trong đó tôi phát hiện, Ngài in ba loại sách này số lượng nhiều nhất, tôi tính đại khái một chút là hơn ba triệu bản. Kinh điển Phật giáo khác được in rất ít, so với ba loại sách này thì chiếm không tới một phần mười. Thế là tôi liền nghĩ vì sao Ngài lại làm như vậy? Hiện tại thực tế đã chứng minh rồi, thế gian có kiếp nạn rất lớn.

Kiếp nạn được tạo thành như thế nào? Kinh Phật đã nói vô cùng rõ ràng, vô cùng minh bạch. Kinh Hoa Nghiêm nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (chỉ do tâm hiển hiện, chỉ do thức biến hóa). Hai câu này của Phật đã nói ra cho chúng ta nguồn gốc của hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới, là do “tâm hiện thức biến”.

Tâm của ai? Là tâm của chính chúng ta. Tâm là nói chân tâm, thức là nói vọng tâm. Chân tâm của chúng ta hiển hiện, vọng tâm biến hóa mà ra. Một câu này đã nói tường tận nguồn gốc của vụ trụ nhân sanh cho chúng ta. Trong kinh điển Đại thừa Phật nói: “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”. Câu nói này hoàn toàn giống với hai câu trong Kinh Hoa Nghiêm. “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm là duy tâm sở hiện (do tâm hiển hiện), tưởng là duy thức sở biến (do thức biến hóa). Nói cách khác, chúng ta và chúng sanh trên thế gian này tưởng cái gì? Hoàn cảnh sống của chúng ta biến hóa dựa theo tư tưởng của chúng ta.

Người hiện nay trên thế gian không còn tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền nữa. Nghiêm túc mà nói, Trung Quốc từ thời Hán Vũ Đế cho đến những năm cuối triều Thanh, mặc dù trong hơn 2000 năm có sự thay đổi triều đại, nhưng chính sách giáo dục của quốc gia không hề thay đổi, cho dù là triều đại nào. Thời nhà Nguyên người Mông Cổ vào Trung Quốc, thời nhà Thanh người Mãn Châu vào Trung Quốc, chính sách giáo dục không hề thay đổi, một mạch tương truyền.

Giáo dục chính quy của quốc gia đều tuân theo Khổng Tử, Mạnh Tử. Đây là từ thời Hán Vũ Đế đã định ra, 2000 năm nay đều tuân theo. Giáo dục xã hội áp dụng theo Phật gia, Đạo gia, cho nên Nho Thích Đạo ở Trung Quốc được gọi là Tam giáo, đây là giáo dục Thánh Hiền. Thế nên, 2000 năm qua đất nước ổn định và hòa bình lâu dài là có đạo lý của nó. Từ sau khi Dân Quốc thành lập thì bắt đầu đánh đổ Nho giáo. Đều xem Phật giáo, Đạo giáo thành mê tín, thế là chính sách giáo dục truyền thống bị phế bỏ, mê tín văn minh vật chất của phương Tây, mê tín chủ nghĩa công danh lợi lộc của phương Tây. Đạo đức nhân nghĩa mà chúng ta nói từ xưa đến nay đều không cần nữa, vì vậy đã tạo nên hoàn cảnh khó khăn của đất nước ngày nay, xã hội loạn lạc bất an. Ấn Tổ đối với việc này rất rõ ràng, minh bạch. Nếu dùng phương pháp của nhà Nho để dạy học thì chính sách hiện nay không cho phép. Giáo dục của nhà Phật, Đạo gia mặc dù tốt nhưng mọi người trong xã hội hiện nay khó mà tiếp nhận, thế nên trước hết phải dạy các vị làm người, làm người tốt.

Tông chỉ chủ yếu của Liễu Phàm Tứ Huấn là dạy chúng ta tin nhân quả, thiện có thiện báo, ác có ác báo, trồng thiện nhân ắt có thiện quả. Thế nhưng cái gì là thiện? Cái gì là ác? Đại sư Ngài đã nhắc tới Cảm Ứng Thiên. Cảm Ứng Thiên không phải từ nước ngoài truyền vào, Cảm Ứng Thiên là do người Trung Quốc tự mình viết ra, văn tự không nhiều, chỉ có hơn 1.300 chữ, trong đó đều là tiêu chuẩn của thiện ác.

Nếu như đọc tụng một cách nghiêm túc, mỗi ngày đều theo những giáo huấn này mà tu sửa hành vi sai lầm của chính mình, đoạn ác tu thiện, làm người tốt trước. Làm người tốt rồi sau đó mới có thể học Phật, Phật là người tốt mà ra. Người ác sau khi hiểu được có thể quay đầu, quay đầu là bờ, vừa quay đầu thì thành người tốt.

Chư Phật Bồ-tát đều lấy điều này làm căn bản, vậy nên chúng ta nhất định phải hiểu được. Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn đích thực có thể cứu vãn kiếp nạn hiện tiền. Kinh Lăng Nghiêm nói rất nhiều về lũ lụt, thủy tai. Thủy tai từ đâu mà có? Do lòng tham chiêu cảm mà ra. Con người trên thế giới ngày nay, hầu như mỗi một quốc gia, mỗi một khu vực, có ai mà không tham chứ? Chuyện này rất phiền phức. Hiện tại mực nước biển ngày càng dâng cao. Các nhà khoa học dự đoán, sau 50 năm nữa, những tảng băng ở Nam Cực và Bắc Cực sẽ hoàn toàn tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao ít nhất là 50 mét. Nói cách khác, các thành phố ven biển trên toàn thế giới đều bị nhấn chìm. Nếu căn cứ vào lời tiên tri của người nước ngoài thì không lâu như thế. Các nhà khoa học cho là khoảng 50 năm, còn lời tiên tri cho rằng chỉ 10 năm, 10 năm sau mực nước biển sẽ dâng cao 50 mét. Nói cách khác, những nơi thấp hơn mực nước biển dâng cao từ 50 mét trở xuống đều bị nhấn chìm. Là do lòng tham!

Con người nếu có thể buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ lòng tham thì tai nạn này có thể xoay chuyển, băng ở Bắc Cực và Nam Cực sẽ không tan chảy. Chúng ta ngày nay nói như vậy, mọi người sẽ nói đầu óc chúng ta có vấn đề, chúng ta là mê tín. Họ nhất định không thừa nhận tai họa tự nhiên có liên quan đến tư tưởng của con người, họ không thừa nhận điều này. Người hiểu sâu Phật pháp sẽ không hoài nghi, sẽ tin tưởng. Một người tin tưởng thì người này được cứu; người không tin tưởng thì gặp nạn.

Hỏa tai là do tâm sân hận chiêu cảm mà đến. Người trên thế gian này đều có tâm sân hận, hơn nữa tâm sân hận rất nặng, cho nên chúng ta sống trên quả địa cầu này, lõi địa cầu là ngọn lửa nóng nhất. Chúng ta từ trong kinh điển biết được thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế giới đó có lõi làm bằng lưu ly, rất là mát mẻ.

Vì sao lõi của địa cầu này là quả cầu lửa còn lõi của thế giới Tây Phương Cực Lạc lại mát mẻ như vậy? Bởi vì tâm địa của người cõi ấy đều là thanh tịnh, không có tham sân si, nên hoàn cảnh sống không như nhau. Chúng sanh trên thế gian này của chúng ta đều đầy rẫy tham sân si. Ngu si chiêu cảm nạn gió. Cho nên tham sân si chiêu cảm tới ba nạn nước, lửa, gió. Cống cao ngã mạn, tâm địa bất bình chiêu cảm tới động đất; tâm bình khí hòa thì không có động đất. Chỉ có duy nhất trong Phật pháp của chúng ta mới nói rõ ràng, minh bạch như vậy.

Cho nên Phật nói cảnh tùy tâm chuyển, tướng tùy tâm chuyển, thể chất tùy tâm chuyển, hoàn cảnh sống cũng tùy tâm chuyển. Chư Phật Bồ-tát sống ở thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng là do tâm tốt! Vậy nên hoàn cảnh các Ngài sống cũng biến thành thế giới Cực Lạc, cũng biến thành thế giới Hoa Tạng. Nếu như chúng ta thay đổi tâm địa thì sắc thân tướng hảo, hoàn cảnh cư trú cũng đều thay đổi.

Sự thù thắng của Phật pháp không phải là Phật chỉ nói như vậy là xong, Phật nói chúng ta phải đi chứng minh, các vị chứng minh rồi mới hiểu được đây là chân tướng sự thật. Cho nên Phật không miễn cưỡng, không phải nói “Điều ta nói chính là thật, điều các ông nói là giả”. Phật không nói như vậy, mà Phật nói rằng “Ta nói điều này, các ông có thể chứng nghiệm để biết”. Tâm các vị nghĩ ác, nói lời ác, làm việc ác, các vị chiêu cảm quả báo là tam đồ địa ngục. Phật bảo các vị phải đi nghiệm chứng. Các vị tạo thập ác nghiệp, các vị sẽ thấy cảnh giới địa ngục hiện tiền. Cho nên câu nào Phật dạy chúng ta cũng là lời thật.

Lời dạy bảo của Đức Phật, thực sự mà nói đều là nói ba việc, việc lớn thứ nhất là dạy chúng ta về chân tướng của vụ trụ nhân sanh, đó là đại căn bản của giáo dục Phật pháp. Vũ trụ từ đâu mà có? Hư không từ đâu mà có? Sanh mạng từ đâu mà có? Các vị hiểu rõ chân tướng rồi, minh bạch rồi, đó gọi là đại triệt đại ngộ, đó gọi là làm Phật, làm Bồ-tát. Làm thế nào để hiểu được sự thực chân tướng? Từ trong thiền định mà cầu. Trên Kinh Lăng Nghiêm có nói “tịnh cực quang thông đạt”. Tâm các vị thanh tịnh đến cùng cực thì trí tuệ liền hiện tiền. Hết thảy pháp thế gian xuất thế gian các vị đều có thể thông đạt. Hiện nay các nhà khoa học nói với chúng ta không gian có rất nhiều chiều, không gian 3 chiều, không gian 4 chiều, không gian 5 chiều. Các nhà khoa học chứng minh rằng đích thực có sự tồn tại của không gian 11 chiều, nhưng mà không có phương pháp đột phá. Từ lý luận mà nói, không gian đa chiều là vô hạn độ. Trên kinh Phật không nói không gian đa chiều, trong kinh điển nói pháp giới, pháp giới chính là không gian đa chiều mà hiện nay các nhà khoa học nói tới. Pháp giới vô lượng vô biên. Phật thuyết pháp vì để phương tiện khởi kiến, mới đem chúng quy nạp thành mười loại lớn, cho nên mới gọi là thập pháp giới. Thập là đại biểu vô tận. Pháp giới hình thành như thế nào vậy? Phật nói với chúng ta, là do hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước của chúng sanh biến hiện mà ra. Các nhà khoa học biết được có những thứ này tồn tại, nhưng không biết hình thành ra làm sao, cho nên họ không có cách nào đột phá. Phật nói với chúng ta là do vọng tưởng phân biệt chấp trước tạo thành. Các vị hiểu được sự hình thành của nó thì các vị sẽ có cách đột phá. Dùng phương pháp gì đột phá vậy? Buông bỏ hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước thì không phải phá rồi sao? Buông xả vọng tưởng phân biệt, trong nhà Phật gọi đó là công phu thiền định. Cho nên công phu thiền định càng sâu, tầng lớp đột phá càng rộng, hư không pháp giới hết thảy chân tướng các vị đều hiểu được. Phật nói chúng ta tự mình chứng đắc như vậy, cái này không gạt các vị, các vị tự mình chứng minh.

Con người nhất định phải duy trì tâm thanh tịnh, phải tu tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh có thể sanh trí huệ, đó là giáo dục căn bản của Phật pháp. Phật pháp trên thế gian dạy chúng ta làm sao sống qua ngày, làm sao trải qua cuộc sống, khiến chúng ta một đời này, không chỉ một đời này, đời sau, đời sau nữa, đời đời kiếp kiếp, cuộc sống của các vị chân thật được hạnh phúc mỹ mãn, tự tại vui vẻ. Giáo dục của Phật, trước tiên các vị phải hiểu mối quan hệ giữa người với người. Con người trên thế gian này của chúng ta, có rất nhiều chủng tộc khác nhau, mỗi một chủng tộc lại có rất nhiều dân tộc, chúng ta ngày nay nói các quốc gia khác nhau, các chủng tộc khác nhau, dân tộc khác nhau. Chúng ta làm sao để có thể chung sống hòa bình? Các vị nếu chung sống không tốt sẽ sanh ra xung đột, sẽ có chiến tranh, sẽ có đổ máu.

Thứ hai là dạy chúng ta làm sao chung sống với hoàn cảnh tự nhiên. Hoàn cảnh tự nhiên trong đó có động vật, thực vật, khoáng vật, các vị nếu như không hiểu những đạo lý này, tự làm theo ý của mình, phá hoại đại tự nhiên, tàn phá đại tự nhiên thì liền có tai họa tự nhiên xảy ra. Người hiện tại không hiểu đạo lý này, hoàn cảnh tự nhiên bị phá hoại, địa cầu sanh bệnh rồi, hoàn cảnh chúng ta sinh sống không tốt. Người xưa gọi là phong thủy bị phá hoại rồi. Ngày nay phong thủy của cả quả địa cầu này bị phá hoại rồi, còn có ngày tháng tốt đẹp mà sống hay sao? Lần này động đất lớn xảy ra ở Phủ Lý (Đài Loan), 40 năm trước tôi từng sống ở Phủ Lý, tôi, pháp sư Sám Vân và pháp sư Phổ Diệu cùng ở nhà lá tại Phủ Lý, non xanh nước biếc, là nơi đất phước. Các bạn biết đó là nơi đất phước của Đài Loan, thật sự là mưa thuận gió hòa. Tôi rời khỏi nơi đó nhiều năm rồi, mười năm rồi, đại khái khoảng 10 năm. 10 năm trước có đồng tu tìm tôi tới Phố Lý giảng kinh, đi giảng mấy ngày. Tôi tới Phố Lý vừa nhìn thì rất đau lòng. Phong thủy ở Phố Lý đã hoàn toàn bị phá hoại rồi. Chỗ núi Quan Âm xây rất nhiều miếu nhỏ, tôi từ xa đã nhìn thấy là hiện tượng như thế nào vậy? Giống như đám mộ lộn xộn vậy, vì sao nơi đó lại gặp nạn? Mỗi một đạo tràng tự tư tự lợi, không thể nào hợp tác để quy hoạch tổng thể. Xây thì có thể xây nhưng phải xây cho ngay ngắn chỉnh tề, vậy thì rất tráng lệ. Mỗi một người đều không ai chịu nhường ai, xây dựng vô cùng lộn xộn, nơi đó liền gặp nạn. Phong thủy tốt như vậy cũng bị phá hoại. Con người không hiểu được chung sống với đại tự nhiên, cái này là Phật dạy chúng ta.

Thứ ba là dạy chúng ta làm sao chung sống với Thiên địa quỷ thần. Thiên địa quỷ thần, gần thì nói chính là các tôn giáo khác nhau. Các thần minh mà họ thờ phụng không như nhau, chúng ta làm sao mà chung sống với thần minh trong tôn giáo của họ, chung sống với tín đồ tôn giáo của họ. Ba mối quan hệ này làm tốt rồi, xã hội liền an định, thế giới hài hòa. Ba mối quan hệ này làm không tốt, xã hội động loạn, thế giới vĩnh viễn sẽ bất an. Lời dạy bảo của chư Phật Bồ-tát, Thánh Hiền, chúng ta phải hiểu, phải biết, phải học tập, phải thực hành.

Tôi ở Singapore, ở Úc, Malaysia, tôi tiếp xúc các dân tộc khác nhau, tiếp xúc với các tôn giáo khác nhau, chung sống với họ rất hòa bình. Có người hỏi tôi: “pháp sư, tại sao ngài có suy nghĩ này? Tại sao Ngài làm như vậy?”. Tôi học Phật, đây là thực hành Phật pháp, Phật dạy tôi làm như vậy, tôi liền làm như vậy. Tâm lượng phải lớn, phải mở rộng tâm lượng, quyết định không thể tự tư tự lợi. Đồng bào Đài Loan, tôi ở Đài Loan sống 50 năm, làm sao có thể không quan tâm? Tâm lượng nhỏ sẽ mang tới rất nhiều tai nạn, tâm lượng phải mở rộng. Tôi tốt, người khác cũng tốt giống tôi, vậy thì thái bình rồi. Tôi tốt, người khác không tốt thì có người ăn trộm của các vị, có người cướp của các vị. Người xưa có một câu ngạn ngữ là: “một nhà ấm no ngàn nhà oán hận”. Lãnh đạo chính phủ của Singapore hiểu được, Singapore tốt, vậy thì Malaysia, Indonesia đều phải tốt. Như vậy Singapore mới có những ngày tháng tốt đẹp. Hoàn cảnh xung quanh không tốt, mỗi người đều nhìn chằm chằm các vị, muốn nuốt sống các vị, vậy thì sẽ có ngày tháng tốt đẹp trôi qua hay không? Mọi người đều tốt mới được. Mỗi một quốc gia, mỗi một khu vực, mỗi một dân tộc, tất cả đều tốt, vậy mới được, phải có tâm lượng như vậy.

Chúng ta thường nói, chúng ta yêu trái đất này, thế giới một nhà, cả thế giới đều tốt, hành tinh khác không tốt thì vẫn còn phiền phức, vẫn còn chiến tranh giữa các hành tinh. Yêu hành tinh của chúng ta, phải yêu cả những hành tinh khác, tận hư không biến pháp giới là một tình yêu thương to lớn chân thành, mới có thể giải quyết được vấn đề. Cho nên các vị xem trong kinh điển Đại thừa thường nói: “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” (tâm trọn khắp hư không, lượng trùm khắp pháp giới). Đó mới là phương pháp giải quyết căn bản vấn đề. Nếu như không có tâm lượng như vậy, các vị muốn thoát ly lục đạo luân hồi thì rất khó. Ấn Tổ nói chúng ta đọc “Cảm Ứng Thiên”, học tập theo “Cảm Ứng Thiên”, đó mới là trí huệ chân thật, là nói với chúng sanh hiện tiền tạo vô lượng vô biên tội nghiệp như chúng ta, cho nên phải nghĩ nhiều một chút, phải nghiêm túc nỗ lực học tập.

Các vị đồng tu, xin chào mọi người. Cảm Ứng Thiên đoạn 58:

“Tự tội dẫn tha, ung tắc phương thuật” (Mình có tội, làm liên lụy kẻ khác; Cản trở tài năng người khác)

Câu phía sau có phạm vi bao gồm rất rộng, ý nghĩa mở rộng càng nhiều. Trong ghi chú là đơn giản lấy vài thí dụ “Phương thuật, như bốc quẻ xem tướng, hay tài năng nghệ thuật, người bình thường dựa vào đó mưu sinh, người cao minh dựa vào đó độ thế, nếu như cản trở khiến cho không được, cũng là khiến con đường của chúng ta không rộng mở, mà bốn phương đa phần là người cơ hàn thất nghiệp vậy.” Mấy câu nói này chúng ta có thể tỉ mỉ suy nghĩ. Hay nói cách khác, phàm là có thể lợi ích xã hội, tạo phước chúng sanh, hết thảy lí luận và phương pháp đều nên được lưu thông không được cản trở. Cho nên Phật trong kinh điển, phần cuối của mỗi một bộ kinh đều có phần lưu thông. Các vị hãy suy nghĩ cái ý này, hi vọng những đạo lý, phương pháp này có thể lưu thông khắp mười phương, thông đạt tam thế, như vậy mới có thể khiến hết thảy chúng sanh đều có được lợi ích. Nếu như chướng ngại lưu thông, tội này nặng rồi. Người thế gian hiện tại, cho dù là trong hay ngoài nước, có một quan niệm sai lầm nghiêm trọng, đó là bảo hộ quyền lợi của chính mình. Quan niệm này là sai lầm. Bảo hộ quyền lợi của chính mình, liền chướng ngại lưu thông. Lợi ích mà chính mình có được, có thể nói là vô cùng có hạn, mà tội nghiệp tạo ra vô lượng vô biên, cái này thì họ không nghĩ tới.

Ở trên kinh điển Phật nói với chúng ta, tài phú là quả báo. Tài bố thí là nhân, bố thí càng nhiều thì quả báo càng sâu dày. Người không chịu bố thí thì có quả báo bần cùng. Người không chịu bố thí pháp thì được quả báo ngu si. Người không chịu bố thí vô uý thì quả báo bị nhiều bệnh đoản mạng. Lời nói này là thật không phải là giả, cho nên ưa thích bố thí tiền tài thì giàu có, ưa thích bố thí pháp thì thông minh trí huệ, ưa thích tu bố thí vô úy thì khỏe mạnh sống lâu. Phú quý, trí huệ, khỏe mạnh sống lâu mà người thế gian truy cầu, nhưng mà những gì làm ra lại hoàn toàn ngược lại. Mặc dù ngược lại, trên thực tế chúng ta nhìn thấy hình như họ cũng đạt được, vậy đây là đạo lý gì? Phật có nói với chúng ta, những gì họ có được đời này là do đời trước tu tích lũy mà có, nhân quả thông qua ba đời. Hiểu được đạo lý này rồi, chư Phật – Bồ-tát, đại Thánh Hiền thế gian xuất thế gian, khởi tâm động niệm đều là lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh, đều hi vọng hết thảy chúng sanh có được phú quý, trí huệ, khỏe mạnh trường thọ. Cho nên từng chút những phương pháp kỹ xảo đó đều chỉ muốn nhanh chóng truyền thụ cho người khác, hi vọng hết thảy chúng sanh ai ai cũng hiểu được, cũng thông đạt, cũng có được, đó là tâm của Thánh Hiền, là tâm của chư Phật – Bồ-tát. Làm gì mà có hành vi chướng ngại người khác chứ? Đến suy nghĩ cũng không có.

Trong cửa Phật, thời xưa đích thực là không có. Chúng ta xem phía sau mấy quyển sách xưa. Thời xưa làm gì có bản quyền, nhưng mà trang cuối cùng thường in mấy chữ lớn là “hoan nghênh lưu thông, công đức vô lượng”, hoặc là “hoan nghênh in ấn”, thường là in mấy chữ này. Hiện tại những quyển sách này không như vậy rồi, ngay cả những bản Đại Tạng Kinh thương mại xuất bản, phía sau cũng ghi “sách có bản quyền, không được sao chép”. Trước mắt có thể đạt được chút lợi ích nhỏ, [nhưng] quả báo sẽ là A Tỳ địa ngục, vĩnh viễn không thoát được thân. Nguyên nhân là gì? Họ ăn cắp bản quyền của Phật tổ. Thích Ca Mâu Ni Phật không ủy quyền cho họ, Tổ sư đại đức không ủy quyền cho họ, như vậy gọi là ăn cắp. Những di sản mà Thánh Hiền xưa, chư Phật – Bồ-tát lưu lại, là hết thảy chúng sanh trên thế gian ai ai cũng có phần, các vị làm sao có thể độc chiếm chứ? Các vị nghĩ xem tội này nặng biết bao. Chuyện này bị rất nhiều người hiện nay bỏ qua, thậm chí là pháp sư xuất gia cũng bỏ qua điểm này.

Trước đây Pháp sư Diễn Bồi tới Đài Loan, ông ấy rất thích ở chỗ quỹ từ thiện của tôi, tôi tiếp đãi ông rất chu đáo. Ông thấy kinh sách, sách khuyến thiện chỗ chúng tôi in lưu thông trên toàn thế giới, xem một hồi không có sách của ông. Ông tới hỏi tôi, ông ấy nói “pháp sư Tịnh Không, tại sao sách ông lưu thông không có một quyển nào của tôi vậy?”. Tôi nói “pháp sư, sách của ông in có câu sách có bản quyền, không được sao chép, vậy thì ai dám động chứ?”, lúc đó ông ấy mới lắc đầu hối hận. Người học Phật chúng ta, quyết định không được làm chuyện phạm pháp. Các vị nói có bản quyền, vậy tôi sẽ không in của các vị. Các vị có nhân quả của các vị, tôi có nhân quả của tôi, tôi tìm những quyển sách không có bản quyền để in lại. Hiện tại chúng tôi cũng có chút năng lực, chúng tôi có thể tự biên soạn lại để lưu thông. Pháp sư Diễn Bồi nói với tôi, bản quyền của ông bị người ta mua luôn rồi. Lúc đó tôi nói với ông, lúc ông bán bản quyền, sao không đến tìm tôi? Quỹ từ thiện của tôi có thể mua bản quyền của ông, lưu thông trên toàn thế giới. Ông đem bán cho doanh nghiệp, người ta có thể in được bao nhiêu bộ chứ? Có thể bán được bao nhiêu? Giáo hóa của ông không thể phổ biến đến hết thảy chúng sanh. Một đời tâm huyết của ông lại dùng sai chỗ rồi, là dùng sai chỗ rồi. Đây là một thí dụ rất hay. Pháp sư Diễn Bồi là bạn tốt của tôi, chúng tôi ở cùng nhau nên không có gì là không nói được. Cho nên sau đó ông vẫn còn vài quyển sách, vẫn còn chưa bán ra liền giao cho quỹ từ thiện của chúng tôi, đại khái là có hai ba loại, chúng tôi đem in ấn và lưu truyền rộng rãi.

Người hiện tại nhấn mạnh “quyền sở hữu trí tuệ”, chúng ta những người đọc kinh Phật hiểu rõ, quả báo của quyền sở hữu trí tuệ là gì? Là đời đời ngu si. Cạnh tranh ở trong kinh doanh, bảo vệ lợi ích của chính mình, sản phẩm nhất định không để cho người khác sao chép, đều là vì tự tư tự lợi, không phải vì xã hội, không phải vì chúng sanh. Vì xã hội, vì chúng sanh thì phước báo vô lượng vô biên.

Dùng hết tâm cơ, có thể đạt được phước báo không? Hình như không đạt được. Những gì đời này có được là do đời trước tu hành, đời sau thì đáng thương rồi, phước báo tích lũy những đời trước đều bị dùng hết rồi. Đời này không tu phước mà toàn tạo tội nghiệp, cho dù là phát tài, cũng làm chút việc từ thiện nho nhỏ, trả lại cho xã hội, đó chỉ là việc thiện nhỏ, “ung tắc phương thuật”, đại ác! Việc thiện nhỏ không bù nổi việc đại ác. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, phải hiểu được chân tướng sự thật này, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác phải nghĩ tới lợi ích của toàn xã hội, hạnh phúc của hết thảy chúng sanh. Cho nên thư viện, quỹ từ thiện trước đây của chúng tôi, Cư sĩ Lâm hiện nay và Tịnh tông học hội nơi này, hết thảy thư tịch, băng đĩa, CD, VCD xuất bản đều không có bản quyền. Không những không có bản quyền, hơn nữa cũng không có loại nào bán ra ngoài, toàn bộ đều là tặng miễn phí, cúng dường miễn phí, là miễn phí cúng dường. Đây là rất nhiều đồng tu đến Singapore tham quan cúng dường, đến cộng tu, nhìn thấy đạo tràng ngày một hưng thịnh hơn, nguyên nhân gì tạo nên hiện tượng này? Chúng tôi chăm chỉ tu ba loại bố thí, bố thí tài, ẩm thực, quần áo, thuốc men, cái nào chúng tôi cũng chăm sóc rất chu đáo. Cư sĩ Lâm mỗi ngày người tới ăn cơm hơn cả ngàn người, cuối tuần hay ngày lễ thì tới ba bốn ngàn người. Ở nơi đây mỗi ngày cúng dường ba bữa, còn có hai món tráng miệng, hai mươi bốn tiếng cung cấp không gián đoạn, một đồng tiền cũng không thu, hoan nghênh các vị tới ăn. Bất luận là các vị học Phật hay không, các vị hủy báng Phật, nhục mạ Phật, các vị đến ăn cơm, chúng tôi đều rất hoan nghênh.

Bố thí pháp còn làm nhiều hơn. Bố thí tài, chúng tôi còn cúng dường cho các tôn giáo khác, dân tộc khác, đối tượng bố thí của chúng tôi là toàn thế giới. Có không ít người nhìn thấy, hỏi cư sĩ Lý Mộc Nguyên, Lý Mộc Nguyên cư sĩ hiện tại là viện trưởng của Cư sĩ Lâm, hỏi là “tiền của các vị từ đâu mà có, sao lại nhiều như vậy”. Lý cư sĩ trả lời rất hóm hỉnh, “Chúng tôi có ông chủ hỗ trợ phía sau, là ông chủ đại phú quý, đại trí huệ”, “vậy ông chủ đó là ai?”, là “A Di Đà Phật”. Chúng ta chỉ cần nghiêm túc nỗ lực mà làm, chứng thực được đạo lý mà Phật nói trên kinh điển và chân tướng sự thật, chính là càng thí càng nhiều. Cho nên các vị không cần sợ hãi, tâm lượng của các vị phải mở rộng, phục vụ cho xã hội đại chúng, phục vụ cho hết thảy chúng sanh, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt quốc gia, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, hết thảy đều phục vụ bình đẳng, tâm yêu thương chân thành không có chút đố kị nào. Trước đây mọi người trong kinh điển thấy Phật nói như vậy, không nhìn thấy được chân tướng sự thật, hiện tại chúng tôi ở đây làm rồi, các vị nhìn thấy rồi. Nơi này tu đại bố thí, cho nên tiền tài nườm nượp kéo đến. Các vị hỏi tôi từ đâu mà có? Tôi cũng không biết, Lý cư sĩ cũng không biết. Tóm lại sự thật nói với chúng ta, sự bố thí ở Cư sĩ Lâm, không hề lấy một đồng nào của mọi người, cũng chưa từng đi hóa duyên, không có quyên góp, đó là sự thật. Một năm 365 ngày, ngày ngày đều cung cấp đồ ăn thức uống, chưa từng mua gạo, chưa từng mua rau, chưa từng mua dầu muối, đều do các nơi tự động mang đến tặng. Biết được nơi này là đạo tràng bố thí rộng rãi, cho nên rất nhiều đồng tu vui vẻ tự mình tới tặng.

Lần trước chúng tôi tới thăm đạo Cơ Đốc, các bạn bè bên đạo Cơ Đốc hỏi chúng tôi, nói “Phật giáo các vị hình như rất ít làm các hoạt động từ thiện cho người lớn tuổi”. Lý Mộc Nguyên cư sĩ trả lời là chúng tôi làm không ít, còn làm nhiều hơn các vị, nhưng mà chúng tôi không có viện dưỡng lão. Người lớn tuổi chỗ chúng tôi có những hoạt động từ thiện gì? Các vị đến nhà bếp ở lầu dưới của Cư sĩ Lâm mà xem, mỗi ngày đều có mấy trăm người lớn tuổi, ở đó vui vẻ nói cười, ở đó làm nghĩa công, ở đó nhặt rau, rửa rau, giúp đỡ trong nhà bếp. Cho nên chúng tôi đối với việc chăm sóc người lớn tuổi, để cho người lớn tuổi ở đó tu phước tu huệ. Cho nên mỗi một ngôi chùa đều là một viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão này mở cửa tự do, cũng có người sống ở đó, cũng có người sáng đến chiều về, để họ làm những công việc mà chính họ hoan hỷ. Họ ở đó lao động, thân tâm khỏe mạnh, một mặt lao động, một mặt nghe kinh, một mặt niệm Phật. Cuộc sống như vậy sung túc biết bao, các tôn giáo khác chưa làm được như vậy. Chúng tôi cố gắng tu bố thí pháp, nhìn mọi người trên dưới Cư sĩ Lâm, thật sự trí huệ tăng trưởng, pháp hỉ sung mãn. Các vị xem có gặp người nào mà nét mặt không tươi cười, không thân thiết chào hỏi chứ? Đó là một đại gia đình vô cùng ấm áp, mỗi một người thân thể đều thực sự khỏe mạnh sống lâu.

Chúng tôi gần đây có mở một phòng mạch Đông y, phục vụ cho đại chúng xã hội, người trong Cư sĩ Lâm đi tới phòng mạch khám tôi vẫn chưa thấy qua. Cho nên đạo tràng này tu học như lý như pháp, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của mỗi người không đâu là không lưu thông đại pháp, không đâu là không niệm niệm nghĩ tới cống hiến một phần tâm lực của chính mình, vì xã hội tạo phước, vì hết thảy chúng sanh tạo phước. Cho nên Phật pháp chính là thực hành ở chỗ này, chứ không phải là ngày ngày nói ở giảng đường rồi thôi, hoàn toàn thực hành, hoàn toàn thể hiện ra.

Mỗi một câu một chữ dạy bảo của Phật Đà trong kinh điển đã biến thành hành vi trong cuộc sống thực tế của chúng ta, biến thành tư tưởng, ý nguyện của chúng ta, đó chính là học Phật. Đương nhiên lỗi lầm của chúng ta vẫn còn rất nhiều, con người không phải Thánh Hiền, làm sao mà không có lỗi lầm chứ? Mỗi ngày đọc kinh, nghiên cứu kinh luận, sửa đổi tự làm mới mình, đem cảnh giới của chính mình không ngừng nâng cao lên, đem sự nghiệp lợi ích của chúng sanh ngày ngày mở rộng, phát triển thêm. Những bạn đồng tu chí đồng đạo hợp của chúng ta ngày nay, bao gồm các bạn đồng tu trên toàn thế giới, chúng ta nên hiểu được, cùng nhau nỗ lực, tinh tấn không lười biếng mới chân thật độ mình độ người. Hàm ý trong hai câu này vô cùng sâu rộng, nói cũng không hết, chúng ta tỉ mỉ tìm cầu ở trong cuộc sống hàng ngày.

Được rồi, thời gian hôm nay đã hết, chúng ta chỉ học đến chỗ này. A Di Đà Phật!