Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Mời các bạn xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 79:
“Vấn loạn quy mô, dĩ bại nhân công. Tổn nhân khí vật, dĩ cùng nhân dụng.” (Làm loạn phép tắc khiến công sức của người khác bị thất bại. Phá hoại vật dụng của người khác khiến họ chẳng sử dụng được).
Chúng ta xem bốn câu này. Đây là việc rất thất đức, thế nhưng chúng ta vô tri vô giác rất dễ phạm phải. Chữ “quy mô” có nghĩa là quy chế và quy định mà ngày nay thường nói. Có câu “gia có gia quy, quốc có quốc pháp”, con người là loài động vật sống tụ tập cùng nhau, mọi người cùng chung sống thì nhất định phải có quy củ, nếu không có quy củ, khuôn phép thì sẽ loạn. Đoàn thể càng lớn thì đương nhiên phép tắc quy củ sẽ càng nhiều và cần nghiêm khắc. Chúng ta là một phần tử trong đoàn thể thì nhất định phải biết thân phận của mình. Người phá hoại quy định hiện nay gọi là tầng lớp đặc quyền, tự cho mình có đặc quyền nên có thể không cần tuân thủ quy định làm việc. Điều này sai rồi. Sự hưng vượng của đoàn thể và an nguy của xã hội đều là nhờ vào sự bảo vệ của những pháp lệnh, điều lệ này.
Một người có đức hạnh, có học vấn, có lương tâm nhất định sẽ vô cùng tôn trọng pháp luật, tuân thủ quy củ, nhất định không dám làm loạn. Khi làm loạn bạn không chỉ phá hoại đoàn thể này mà trong chú giải nói: thật sự là đang làm nghịch thiên lý, trái lương tâm. Chúng ta nghe đến câu này cảm thấy đâu có nghiêm trọng gì, nhưng nếu tư duy kỹ lưỡng thì quả thật là như vậy. Bạn làm ra một tấm gương không tốt, bạn có thể dùng đặc quyền thì người khác cũng có thể dùng, thế là tuy quốc gia có pháp lệnh, có quy định nhưng không được chấp hành. Đoàn thể tuy có đặt ra quy định, ví dụ như trong chùa chiền chúng ta thường có “quy định thường trú”, nếu mọi người không tuân thủ thì quy định, quy ước này giống như một tờ giấy bỏ đi, vậy thì đoàn thể này làm sao không loạn được chứ? Chúng ta cần suy nghĩ đến đạo lý này, biết được những chân tướng sự thật này, đặc biệt là trong nhà Phật, chúng ta tuân thủ giới luật, tuân thủ quy định thì chính là tôn trọng Phật pháp, chính là tôn trọng xã hội và tôn trọng hết thảy chúng sanh. Lý và sự đều phải thông đạt rõ ràng, tuyệt đối không dám làm trái, không dám phá hoại.
Những việc này thật ra từ xưa đến nay trong và ngoài nước đều có. Điều này là một dạng tâm lý không bình thường của loài người, dạng tâm lý này sanh khởi từ đâu? Là sanh từ kiêu mạn, kiêu ngạo, ta mạnh hơn người khác, người khác không bằng ta, việc này ta có thể làm được người khác không thể làm được, người khác phải tuân thủ quy định nhưng ta có thể không cần tuân thủ quy định. Đó là sanh khởi từ tâm kiêu mạn, phiền não rất nặng. Người không có trí huệ, người chưa được nhận qua giáo dưỡng tốt thì tham sân si mạn không những không hàng phục được mà thật ra là ngày ngày đang tăng trưởng và thành thói quen rồi, không biết sửa đổi. Tuy rằng ngày ngày đọc sách Thánh Hiền, thậm chí ngày ngày có cơ duyên nghe Phật pháp, nghe được giáo huấn của Thánh nhân nhưng người này đã dưỡng thành thói quen, đã hình thành tập khí rồi. Ngạn ngữ có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời”, tuy không phải là bản tánh nhưng bạn đã dưỡng thành tập tánh, thời gian lâu dần tập tánh cũng không dễ gì thay đổi được. Cũng vì sự thật này nên người xưa khuyên việc dạy học phải bắt đầu từ khi còn là trẻ nhỏ, như vậy sẽ dễ dạy hơn.
Thánh nhân xưa rất tài giỏi, khuyên chúng ta nên bắt đầu từ thai giáo. Khi người mẹ mang thai liền bắt đầu giáo dục trẻ nhỏ từ trong bụng. Trong cuộc sống hằng ngày khởi tâm động niệm cần phải trong sáng, cảm xúc phải ôn hòa, cử chỉ phải khoan thai, những điều này đều ảnh hưởng tốt đến thai nhi. Cho nên giáo dục bắt đầu từ thai giáo. Người hiện nay không hiểu đạo lý này cho rằng làm như vậy hơi quá đà. Người làm cha mẹ chỉ quan tâm đến bản thân không quan tâm đến thế hệ sau, đây là không có trách nhiệm đối với xã hội, không có trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, không có trách nhiệm đối với phúc lợi của hết thảy chúng sanh, không chịu trách nhiệm thì tạo tội nghiệp rồi. Cho nên thế giới ngày nay có rất nhiều tai nạn, thiên tai nhân họa, truy tìm nguyên nhân thì chính là do không chịu trách nhiệm mà tạo tội nghiệp nên cảm lấy quả báo.
Kinh Vô Lượng Thọ có câu: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức”, chữ “tiên nhân” tức là thế hệ trước, là tiền bối, họ không dạy chúng ta nên chúng ta làm sao mà hiểu được. Như độ tuổi của tôi ít ra vẫn còn nhận được vài năm giáo dục, không nhiều, chỉ là hai năm ba năm mà thôi. Sau đó gặp phải cảnh người Nhật xâm lược Trung Quốc, tám năm kháng chiến, thời gian này phải lưu lạc không nhà không cửa. Chúng tôi rời xa gia đình từ rất nhỏ, đi theo trường học, lão sư của nhà trường rất tốt. Lão sư thời đó và lão sư hiện nay không giống nhau, cho nên chúng tôi vĩnh viễn không quên ân huệ của lão sư dành cho chúng tôi. Lão sư thay thế cho cha mẹ, cho nên chúng tôi thường được nghe lão sư dạy bảo nên hiểu được một chút đạo lý, cái rễ này là được cắm xuống từ đây. Những vị thầy tốt thế này đối xử với học trò như con trai con gái của mình, nghiêm túc giáo dưỡng, có trách nhiệm, hiện nay không còn thấy nữa rồi, thật thà mà nói lão sư nhiệt tình và từ bi như thế học trò tìm không ra, thời thế suy vi rồi.
Cho nên khi tôi theo học với lão sư Lý, thầy thường xuyên cảm khái rằng: Thầy thật sự muốn truyền đạo nhưng không có người tiếp nhận, không có người thật sự muốn học, không có người y giáo phụng hành. Nếu người không thể y giáo phụng hành thì Phật Bồ-tát có đến cũng không cách nào dạy bảo bạn. Những thứ bạn yêu thích, những thứ bạn ưa thích chẳng qua chỉ là một chút kiến thức thông thường trên bề mặt mà thôi. Bạn thích nghe, bạn thích nói, nhưng bạn làm không được, bạn cũng không muốn làm, bạn vẫn là tùy thuận theo tập khí phiền não, nói cách khác bạn vẫn tạo nghiệp luân hồi, bạn vẫn không tránh khỏi quả báo tam đồ. Điều này khiến những thiện tri thức thật sự nhìn thấy mà đau lòng. Thiện tri thức từ bi không thể không dạy bảo, luôn luôn hy vọng trong thính chúng có một hoặc hai người giác ngộ. Nếu bạn nói có rất nhiều người giác ngộ thì việc này là điều không thể, trong mười vạn người có một người giác ngộ đã là tốt lắm rồi, thiện tri thức đến thế gian này xem như không uổng công. Cho nên chúng ta thấy từ xưa đến nay trong và ngoài nước người đại thiện tri thức khi truyền đạo, nếu cả đời có được một người kế thừa thì đã vô cùng mãn nguyện rồi, bởi vì có thể cả đời cũng không gặp được một người kế thừa, những trường hợp thế này có rất nhiều.
Chúng ta nếu thật sự giác ngộ rồi, thật sự hiểu rõ về sự đáng sợ của sanh tử trong lục đạo luân hồi, như tiên sinh Liễu Phàm gọi là “úy tâm” thì khi tạo tác hết thảy các ác nghiệp, nghĩ đến sự đáng sợ của ác báo, chúng ta sẽ không dám làm nữa. Những quả báo thế này đều diễn ra trước mắt chúng ta, chỉ cần đầu óc của bạn bình lặng một chút thì bạn sẽ nhìn thấy rất rõ ràng rất minh bạch, nhìn thấy khổ báo của người khác thì suy nghĩ là do nghiệp nhân gì tạo thành, mình có tạo cái nghiệp này không, tương lai mình có chịu quả báo giống như họ trong đường địa ngục, đường ngạ quỷ và đường súc sanh hay không?
Thời xưa mỗi một huyện lỵ đều có miếu Thành Hoàng, trong các miếu Thành Hoàng đều có đắp nặn địa ngục biến tướng đồ. Ý nghĩa giáo dục của việc này vô cùng lớn, những hiện trạng này của địa ngục nhằm nói cho bạn biết tạo nhân như thế nào sẽ cảm lấy quả báo như thế đó, điều này không phải là để dọa người mà là dạy người phản tỉnh. Điều này là sự thật, không phải là tưởng tượng. Chúng ta học Phật bắt đầu học từ đâu? Là bắt đầu từ cải tạo tâm lý, người hiện tại gọi là xây dựng tâm lý, bộ kinh điển quan trọng nhất của việc xây dựng tâm lý là Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh. Kinh Địa Tạng có ba kinh gồm: Địa Tạng Thập Luân Kinh, Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh và Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh. Đây là Địa Tạng Tam Kinh. Phật pháp Đại thừa được xây dựng trên nền tảng này, chúng ta thường xuyên đọc tụng, hiểu rõ đạo lý nghiệp nhân quả báo thì bạn tự nhiên có thể khẳng định trồng thiện nhân sẽ được thiện quả, gieo nhân bất thiện nhất định sẽ nhận quả báo bất thiện. Chúng ta quay đầu từ chỗ này, nhất định phải là tâm thiện, niệm thiện, hành vi thiện, trước tiên làm một người thiện.
Phật Bồ-tát giáo hóa hết thảy chúng sanh điều đầu tiên là dạy bạn có thể giữ được thân người không đọa vào đường ác, ngăn ngừa tất cả những nghiệp nhân khiến bạn phải đọa vào đường ác. Đoạn kinh văn này của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên bạn xem trong kinh nói về điều thiện không nhiều, nhưng nói về điều ác lại nhiều gấp đôi so với điều thiện, vì sao vậy? Chúng ta dụng tâm sẽ hiểu rất rõ ràng minh bạch, đó là hy vọng chúng ta không bị đọa vào ác đạo.
Có câu “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Chúng ta có được thân người, gặp được Phật pháp, lựa chọn ngành nghề xuất gia, ngành nghề này là gì? Đó là kế thừa huệ mạng của Phật, duy trì và phát triển gia nghiệp của Như Lai. Chúng ta là vì điều này, vậy thì sau khi xuất gia chúng ta đã làm được chưa? Ví dụ tôi là một người tốt, tâm cũng tốt, ý niệm cũng tốt, hành vi cũng tốt nên tôi xuất gia nhưng tôi không thật sự làm việc tiếp nối huệ mạng của Phật, phát triển gia nghiệp của Như Lai thì tôi đã có tội lỗi rồi. Chúng ta lấy một ví dụ đơn giản, nếu bạn được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của một trường học, tâm của bạn rất thiện, ý niệm cũng rất thiện, hành vi cũng rất thiện, một chút nhược điểm cũng không có, thế nhưng bạn không dạy học, bạn không mời giáo viên giỏi đến dạy học trò, khiến học trò ngày ngày không được học hành. Bạn không thể nói tôi rất lương thiện, tôi không có lỗi. Bạn không làm tròn chức trách của bạn thì đó chính là lỗi của bạn. Đạo lý này không khó hiểu, mọi người đều có thể hiểu được. Chúng ta ngày nay khoác lên tấm áo này, tiếp nhận sự cúng dường của thiện nam tín nữ như: y phục, thức ăn, chỗ ở và đi lại, vậy thì chúng ta đã làm được những gì rồi? Nếu không thật sự nỗ lực đi làm thì chúng ta mặc bộ quần áo này chính là lừa gạt tín đồ để lấy sự cúng dường. Trong Phật pháp gọi là “đạo giới”, tức là chúng ta có tâm ăn trộm rồi, chúng ta giả mượn danh nghĩa của Phật Bồ-tát để lừa gạt hết thảy chúng sanh. Làm không tốt công việc bổn phận của chính mình lại còn phá hoại quy củ, đố kỵ chướng ngại, làm những việc tổn người mà không lợi mình, tại sao lại làm những việc này? Là vì ngu si. Tại sao ngu si vậy? Là vì phiền não tham sân si mạn quá nặng, ý niệm tự tư tự lợi quá sâu, niệm niệm đều chỉ muốn chèn ép người khác, niệm niệm đều mong muốn được hưởng thụ đặc quyền mà không biết ý niệm này là tội lỗi. Giống như Kinh Địa Tạng nói chúng sanh cõi “Diêm Phù Đề này khởi tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”. Nếu bạn phát triển thành hành vi thì tội lỗi này càng nặng hơn. Chúng ta trong đời này còn cầu đắc độ, cầu liễu sanh tử, xuất tam giới, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, mong cầu này là mộng tưởng, làm sao có thể thực hiện được chứ?
Nếu thật sự muốn nguyện vọng của chúng ta trở thành hiện thực thì không có gì khác là phải y giáo phụng hành, ngày ngày phải đọc tụng giáo huấn của Thánh Hiền, tư duy nghĩa kinh, những nghĩa lý tinh yếu trong kinh cần phải được áp dụng vào trong cuộc sống, áp dụng vào trong công việc xử sự đối người tiếp vật. Nhất định phải tuân thủ quy định, cần thành toàn việc tốt của người khác, nhất định phải trân quý tài vật, hy vọng mọi người đều có thể hưởng thụ được, thường giữ tâm thái như vậy, thường tu hạnh như vậy thì tương lai của chúng ta sẽ tươi sáng. Nếu vi phạm, tuy được một chút vui sướng trước mắt nhưng hậu quả thì không lường trước được. Đây là điều chúng ta cần nhớ kỹ, cần thật sự chăm chỉ học tập.
**********
Các vị đồng tu!
Gần đây có một số bạn đồng học đưa ra câu hỏi về ý nghĩa của việc tạo tượng, tôi nghĩ vấn đề này rất nhiều người cũng có nghi hoặc như vậy. Đặc biệt là gần một thế kỷ trở lại đây việc hoằng truyền Phật giáo đã bị suy giảm, quảng đại quần chúng trong xã hội này nảy sinh nghi hoặc đối với Phật giáo, họ ngộ nhận Phật giáo là đa thần giáo, phiếm thần giáo. Phàm là thuộc về dạng này thì đều thuộc về tôn giáo cấp thấp, tôn giáo cấp cao chỉ tôn kính một vị chân Thần. Hình như trong Phật giáo cái gì cũng lễ bái, số lượng yêu ma quỷ quái rất nhiều tạo thành sự hiểu nhầm của rất nhiều người. Kỳ thực trong Phật giáo không có Thần cũng không có Tiên, Phật giáo là nền giáo dục viên mãn chí thiện của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với hết thảy chúng sanh. Vì sao lại có hiện tượng này? Điều này chúng ta cần phải hiểu là từ xa xưa trước khi Phật giáo xuất hiện thì phương pháp dạy học đã được nghệ thuật hóa. Rất nhiều học thuật của thế gian ngày nay đều xem trọng nghệ thuật, như nghệ thuật của cuộc sống, nghệ thuật giáo dục, nghệ thuật học tập, nghệ thuật thương nghiệp, nghệ thuật công nghiệp, thậm chí ngay đến chiến tranh cũng có nghệ thuật dụng binh. Thật ra mà nói loại hình giáo học đi theo hướng nghệ thuật hóa sớm nhất chính là giáo dục Phật-đà. Tạo tượng là một dạng trong nghệ thuật, trong Phật pháp không chỉ là tạo tượng mà mỹ thuật, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, ngay đến kiến trúc cũng đều biểu hiện ra cao độ của giáo dục nghệ thuật. Chỉ tiếc là những năm gần đây không có người giảng giải, không có người hiểu được. Nếu bạn có thể hiểu được thì bạn đối với trí huệ của Thích-ca Mâu-ni Phật, phương thức, phương pháp dạy học của Ngài không thể không khâm phục năm vóc sát đất. Tạo tượng là một trong những phương thức giáo dục đó, cũng là một phương thức quan trọng.
Bình thường khi chúng ta ở nơi công cộng thường xuyên nhìn thấy những câu ngạn ngữ của danh nhân, giáo huấn của các Ngài được viết treo lên ở khu vực đó nhằm nhắc nhở mọi người. Tôi cũng từng viết rồi, có người đến nhờ tôi viết, tôi viết cho họ là “thanh tịnh, bình đẳng, từ bi” hoặc là những câu trên kinh Phật, hoặc là mấy câu ngạn ngữ của Thánh nhân thế gian. Chúng tôi viết rồi treo ở khu vực đó để mọi người vừa nhìn thấy liền có thể nhắc nhở chính mình. Chúng ta cần học tập theo cổ Thánh tiên Hiền, chúng tôi viết bốn chữ “Từ Bi, Bác Ái”, mọi người nhìn thấy đều rất hoan hỉ. Thế nhưng Phật pháp tiến bộ hơn, đem “Từ Bi, Bác Ái” tạo thành một hình tượng khiến cho bạn càng có cảm giác cụ thể hơn, so với dụng ý của mấy chữ kia còn sâu sắc hơn. Cho nên nhà Phật dùng Địa Tạng Bồ-tát, tạo dựng hình tượng Địa Tạng Bồ-tát tiêu biểu cho điều gì vậy? Đó là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Vì vậy Địa Tạng là đại diện cho hiếu thân tôn sư, khiến bạn nhìn thấy hình tượng này liền hiểu được tôi phải học hạnh hiếu của Địa Tạng Bồ-tát, học sự hiếu học của Địa Tạng Bồ-tát, là tôn sư trọng đạo. Đó là ý nghĩa biểu thị của pho tượng đó.
Nếu nói rõ tường tận ý nghĩa này thì đó là một khóa trình, điều đó đại diện cho một khóa trình, khóa trình đó gồm có Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh, Địa Tạng Thập Luân Kinh, Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh, chuyên giảng về đề tài này. Khóa trình của kinh điển cần học tập ít nhất trong thời gian nửa năm, nhưng khi bạn vừa nhìn thấy hình tượng này thì trong nội tâm của bạn sẽ tự nhiên nảy sinh toàn bộ nội dung giáo huấn của khóa trình. Cho nên so với việc chúng tôi viết cho người khác mấy chữ thì cảm xúc càng sâu sắc hơn. Đó là ý nghĩa như vậy, đó không phải là Thần, đó là biểu pháp, là đại biểu cho pháp môn này.
Lấy Quán Thế Âm Bồ-tát làm đại biểu cho đại từ đại bi. Từ bi chính là nhân từ bác ái, đem tâm chân thành yêu thương của chúng ta mở rộng đến khắp hư không pháp giới, yêu thương hết thảy chúng sanh như yêu thương chính bản thân mình, “ta và người không hai”. Nói rõ về sự và lý của điều này cũng có ba bộ kinh. Ba bộ Kinh mà Quán Thế Âm Bồ-tát đại biểu không phải là một bộ kinh riêng rẽ mà là một phần bên trong của Đại kinh. Bộ thứ nhất là trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử tham phỏng Quán Thế Âm Bồ-tát, đoạn kinh văn nói về lời dạy của Quán Thế Âm Bồ-tát dành cho Thiện Tài Đồng Tử trong phẩm “Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba tham” là một đơn vị bộ phận. Đơn vị thứ hai là quyển thứ sáu trong Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Kinh Lăng Nghiêm có mười quyển, trong quyển thứ sáu Quán Thế Âm Bồ-tát báo cáo với Thế Tôn và cũng nói rõ với đại chúng là Ngài làm thế nào tu hành chứng quả, làm thế nào tu tâm từ bi, làm thế nào mở rộng tâm từ bi, yêu thương bảo hộ hết thảy chúng sanh. Bộ kinh thứ ba nằm trong Kinh Pháp Hoa, chính là “Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm”, phẩm này hoàn toàn tường thuật về tâm từ bi bác ái được thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội, thực hiện đối với các chủng loài khác nhau, dạy dỗ chúng ta làm thế nào để yêu thương hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Quán Thế Âm Bồ-tát hiện nghìn tay nghìn mắt, kinh nghiệm của chúng ta biết là hai đôi tay của chúng ta rất thuận tiện, nếu có nhiều tay quá sẽ rất không thoải mái. Cho nên nghìn tay nghìn mắt của Quán Thế Âm là biểu pháp, không nên cho rằng Quán Thế Âm Bồ-tát thật sự có một nghìn đôi tay, nếu thế thì bạn hoàn toàn sai rồi. Nghìn tay là biểu thị đôi tay vạn năng, nghìn mắt là biểu thị sự quan sát tinh tế, chúng sanh khổ nạn ở những chỗ cực kỳ nhỏ bé, Ngài đều nhìn thấy rất rõ ràng, mắt thấy tay đến, sau khi nhìn thấy sẽ có sự giúp đỡ, không thể không cứu giúp, ý nghĩa biểu pháp là như vậy. Chúng ta nhìn thấy hình tượng này thì phải nghĩ đến khi nhìn thấy hết thảy những chúng sanh khổ nạn, chúng ta cần mạnh dạn trợ giúp, như vậy công đức tạo tượng sẽ thù thắng, bất khả tư nghì. Lại như Văn Thù Bồ-tát biểu thị trí huệ, biểu thị lí trí. Cũng là nói hiếu kính, nhân từ, bác ái là lý tánh chứ không phải tình cảm. Tình cảm sẽ sản sinh rất nhiều tệ nạn tật xấu, biểu pháp của Ngài là lý trí, không phải tình cảm.
Người phàm thế gian bị tình cảm chi phối, có sự thay đổi quá lớn. Hôn nhân ngày nay so với thời xưa không giống nhau. Thời xưa tuy sự kết hợp giữa người nam và người nữ là do cha mẹ sắp đặt và do lời mai mối, nhưng sâu xa trong suy nghĩ của cha mẹ không phải là dùng tình cảm để quyết định, mà suy nghĩ đến hạnh phúc của chính bạn, hạnh phúc của gia đình bạn và hạnh phúc của xã hội, cha mẹ suy nghĩ rất chu đáo. Cho nên tỷ lệ ly hôn rất thấp. Thời xưa rất ít khi nghe đến có việc ly hôn, vì sao vậy? Là do sự kết hợp của lý tánh chứ không phải tình cảm. Người ngày nay là sự kết hợp của tình cảm, không có lý tánh nên có kiểu sáng kết hôn, chiều ly hôn, thế thì thành kiểu gì đây! Bạn hiểu được sự khác biệt giữa tình cảm và lý trí là quá lớn. Cho nên ngày xưa không phải là tình cảm, mà có cùng một nhận thức chung, một phương hướng nỗ lực chung, như vậy kết hợp lại gọi là chí đồng đạo hợp, không phải là tình cảm, có tình cảm thì sẽ có sự biến hóa rất lớn. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta: yêu thương cần dựa vào lý tánh, không phải là sự bốc đồng của tình cảm, Văn Thù Bồ-tát là đại biểu cho điều này. Phổ Hiền Bồ-tát đại biểu cho sự thực hiện, thực tiễn. Cho nên toàn bộ Phật pháp không nằm ngoài việc thực hiện: hiếu thân, tôn sư, nhân từ, bác ái, lý trí vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thực hiện vào trong công việc của bạn, thực hiện vào trong việc xã giao sử xự đối người tiếp vật của bạn. Phật pháp Đại thừa dùng bốn vị đại Bồ-tát này làm đại biểu.
Mấy ngày hôm nay có đồng học từ Đại Lục đến đây tham học, hỏi tôi là: Trong nhà anh có cúng dường tượng Phật vẫn chưa khai quang thì có cần mời Pháp sư đến khai quang hay không? Khai quang là ý nghĩa gì vậy? Ý nghĩa thật sự của khai quang chính là khi pho tượng này làm xong rồi thì chúng ta bắt đầu sử dụng, khi bắt đầu sử dụng nhất định phải đem ý nghĩa tạo tượng nói rõ ràng minh bạch thì đó gọi là khai quang. Sau đó khi bạn nhìn thấy pho tượng này thì quang minh tự tánh của chính bạn liền hiển lộ, là tượng Phật khai quang cho chúng ta, không phải là người khai quang cho tượng Phật. Vị Pháp sư này khai quang cho tượng Phật thì pho tượng này sẽ linh thiêng, nếu không khai quang thì tượng Phật sẽ không linh thiêng nữa, vậy thì tôi hỏi bạn: bạn lễ bái pho tượng Phật đó để làm gì? Bạn lễ bái Pháp sư là được rồi, Pháp sư làm cho tượng Phật linh thiêng thì sẽ linh thiêng, làm cho tượng Phật không linh thiêng thì tượng Phật sẽ không linh thiêng, bản lãnh của Pháp sư vượt qua pho tượng Phật rồi, sao lại có thể ngu si đến như vậy? Cho nên bạn cúng dường pho tượng Phật này, tượng Phật là thời thời khắc khắc khai mở quang minh tự tánh của bạn, trong nhà bạn cúng dường tượng Địa Tạng Vương Bồ-tát, khi bạn nhìn thấy tượng Địa Tạng Vương Bồ-tát thì liền nghĩ đến mình cần phải hiếu thuận cha mẹ, mình cần phải tôn kính sư trưởng. Ý niệm này vừa sanh thì chính là quang minh rồi. Khi nhìn thấy tượng Quán Thế Âm Bồ-tát tôi liền hiểu rằng tôi cần phải lấy tâm từ bi, tâm yêu thương đối với hết thảy chúng sanh. Khi nhìn thấy tượng tâm liền sanh khởi lên, điều này gọi là khai quang. Cho nên, hình tượng Phật Bồ-tát có nhiều như vậy chính là tánh đức của tự tánh chúng ta vô lượng vô biên, mỗi một tạo tượng là đại biểu cho một loại tánh đức. Thế nên Phật giáo không phải là đa thần giáo, không phải là phiếm thần giáo mà là một công cụ dạy học. Tuy chúng ta không hiểu ý nghĩa này nhưng nhìn thấy tượng Phật có lợi ích hay không? Cũng có lợi ích, đó là trong nội tâm sâu thẳm đã trồng chủng tử của hình tượng Phật Bồ-tát rồi, chủng tử này là chủng tử tốt, không phải chủng tử xấu. Sau này gặp được duyên, vừa nghe người khác giải thích bạn liền sẽ giác ngộ. Biết được việc tạo tượng có rất nhiều ý nghĩa ở trong đó, cho nên không nên xem tượng Phật như là Thần minh, như vậy là sai rồi.
Người thông thường hiện nay không tìm hiểu những đạo lý này nên Phật giáo biến thành tôn giáo rồi. Phật giáo nguyên bản vốn không phải là tôn giáo mà là giáo dục, bạn nói xem, biến thành tôn giáo có đáng đau buồn không chứ? Biến hình tượng Phật Bồ-tát thành Thần minh để quỳ lạy, điều này gọi là mê tín. Trong nhà Phật có lễ bái, có nghi thức, những nghi thức đó hoàn toàn là ý nghĩa giáo dục, đều là biểu pháp. Những dụng cụ cúng dường trước hình tượng Phật Bồ-tát, trong những đồ bày cúng chúng ta nhất định phải có hương, hương biểu đạt ý nghĩa gì vậy? Hương biểu đạt tín hương, biểu đạt Giới Định Huệ. Đó là Giới hương, Định hương, Huệ hương. Hương có thể làm cho thân tâm được vui vẻ, Phật Bồ-tát dạy chúng ta điều gì khiến cho thân tâm chúng ta vui sướng nhất? Đó là Giới Định Huệ. Cho nên nén hương này là đại biểu cho Giới Định Huệ. Chúng ta nhìn thấy rồi, ngửi thấy rồi thì liền nghĩ đến tôi phải tu Giới, tu Định, tu Huệ. Đó là ý nghĩa này, không phải là Phật Bồ-tát muốn ngửi hương, đều là hiểu sai rồi. Cúng một ly nước cũng không phải các Ngài muốn uống, nước biểu đạt cho điều gì? Nước biểu đạt cho tâm chúng ta, nhìn thấy nước thì nghĩ tâm chúng ta cần thanh tịnh, không ô nhiễm như nước, cần nghĩ tâm chúng ta bình đẳng không khởi sóng như nước này, khiến chúng ta nhìn thấy hình tượng này rồi học tập. Tâm của chúng ta từ sáng đến tối vọng niệm rất nhiều, vọng niệm là sóng, tham sân si mạn trong tâm chính là ô nhiễm. Cho nên khi cúng dường không thể cúng trà mà phải cúng nước trong, nước trà có màu sắc nên bị ô nhiễm rồi, cúng nước trà thì xem như là cúng tham sân si, cho nên không thể cúng nước trà mà phải cúng nước trong. Đó chỉ là biểu pháp, đều để chúng ta sau khi nhìn thấy rồi thì lập tức giác ngộ, tôi trong cuộc sống hàng ngày xử sự đãi người tiếp vật cần dùng tâm thế nào, phải dùng tâm thái như thế nào? Cúng hoa, hoa đại biểu cho nhân, sau khi khai hoa sẽ là kết quả, hoa tốt thì quả tốt, hoa tốt là trồng thiện nhân, bạn tương lai sẽ được thiện quả. Không có một điều gì là không nhắc nhở bạn ví dụ như cúng đèn nến, đèn nến đại biểu cho “Đốt cháy chính mình để soi sáng cho người khác”, người ngày nay nói là hy sinh phụng hiến bản thân mình, là biểu đạt cái ý nghĩa này.
Cho nên Phật trong kinh điển có một bộ kinh gọi là Tạo Tượng Công Đức Kinh, tạo pho tượng Phật này có công đức gì? Công đức vô lượng vô biên, bạn giúp đỡ rất nhiều người khai trí huệ, bạn nhắc nhở rất nhiều người hiếu thân, tôn sư, từ bi, trí huệ, thực tiễn. Thực tiễn chính là thật làm, Phổ Hiền Bồ-tát đại biểu cho thật làm, cho nên đó là công cụ dạy học, sự thù thắng của công đức không có thứ gì khác có thể so sánh được. Người thường giữ tâm này thì ngay đến người xem tướng đoán mạng của thế gian đều hiểu được, tướng tùy tâm chuyển, [do] bạn thường xuyên nhìn tượng Phật, thường xuyên nhìn tượng Bồ-tát. Tượng Phật là tướng của trí huệ, tướng của từ bi, cho nên người ta nói rằng người thích tạo tượng Phật tương lai sẽ được quả báo là thân tướng trang nghiêm, điều này là có đạo lý không phải không có đạo lý. Thường xuyên nhìn tượng Phật sẽ thường xuyên giữ tâm thiện. Tâm hiếu, tâm kính, tâm từ bi, tâm trí huệ đều là tâm thiện, vậy thì tướng của anh ấy làm sao mà không tốt được, tướng mạo chuyển thì thể chất thân thể cũng sẽ chuyển. Điều này nói công đức tạo tượng không thể nghĩ bàn, thù thắng vô cùng. Chúng ta cần hiểu được ý nghĩa này.
Đêm liên hoan ấm áp năm nay của chúng ta sẽ cầu nguyện vì hòa bình thế giới, chúng ta có khoảng một ngàn người, bắt đầu từ tám giờ tối ngày ba mươi mốt đến tám giờ sáng ngày mùng một, thời gian cầu nguyện là mười hai tiếng, chúng ta cầu nguyện hòa bình chính là niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát”. Vì chín tôn giáo đều ở cùng nhau nên chúng tôi treo hình ảnh Quán Thế Âm Bồ-tát không thuận tiện lắm, không thuận tiện cúng dường vì chín đại tôn giáo cầu nguyện ở đó. Chúng tôi nghĩ ra phương pháp gì vậy? Chúng tôi in hình Quán Thế Âm Bồ-tát thành một tấm hình thẻ nhỏ, nhỏ như tấm thẻ, mỗi một người có thể cầm một chiếc trên tay. Cách làm này tốt, phía sau tấm thẻ này in biểu tượng của chín tôn giáo liên kết cầu nguyện năm nay, làm một kỷ niệm rất tốt. Các bạn đồng tu muốn tôi chọn hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát nên họ mang hai tập ảnh đến cho tôi, tôi xem qua thấy đều không thích hợp, quyết định chọn lấy hình tượng Quán Âm nghìn tay ở lầu bốn Cư Sỹ Lâm chúng ta. Hôm qua chúng tôi đi chụp mấy tấm hình rồi, sau khi rửa ảnh xong sẽ in thành tấm thẻ Phật này, hôm nay cần nhanh chóng rửa ảnh, sau đó lập tức đi in. Chúng ta in mười ngàn tấm thẻ để ở chỗ đó, người nào thích đều có thể tự lấy, không thể tặng người để kết duyên vì có rất nhiều giáo đồ khác, chúng ta không thể lôi kéo tín đồ của người ta, chúng ta chung sống hòa mục, chúng ta chỉ có xây dựng chứ nhất định không phá hoại.
Cho nên nhất định phải hiểu được ý nghĩa của tạo tượng, công đức của tạo tượng, sự thù thắng vô cùng của tạo tượng, trong điều này một chút mê tín cũng không có, bất luận hình tượng nào trong Phật pháp cũng đều là khởi phát trí huệ chân thật của con người, giúp đỡ người giác ngộ, giúp đỡ người chuyển mê thành ngộ.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi giảng đến đây. A Di Đà Phật!