Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.88)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Trong nhà Phật có rất nhiều đạo tràng thường khuyên mọi người bố thí cúng dường, đương nhiên đối với người đã thâm nhập Phật pháp mà nói thì họ hiểu được đạo lý này, biết được đây là một việc tốt. Thế nhưng người chưa tiếp xúc với Phật pháp thường cho rằng đây là một thủ đoạn gom tiền của người xuất gia trong nhà Phật, cho nên họ có sự phản cảm rất sâu sắc. Vậy rốt cuộc có nên khuyên người bố thí hay không? Chúng ta thấy Ấn Độ giáo, trong kinh điển của họ nói bố thí cần xuất phát từ chân tâm, không cần cầu báo đáp, hơn nữa cần phải “phù hợp với người, phù hợp với thời gian, phù hợp với nơi chốn”. Điều này gọi là bố thí thuần tịnh, rất giống với cách nói trong Phật pháp chúng ta, đặc biệt là câu “phù hợp với người, phù hợp với thời gian nhân duyên, phù hợp với nơi chốn”, điều này chính là khế cơ. Cơ Đốc giáo nói “Cho có phước hơn là nhận”, tôn giáo nào cũng đều khuyên người bố thí. Đạo Hồi cũng nói rất hay: Nếu như các bạn công khai bố thí, điều này rất tốt; nhưng nếu các bạn có thể bí mật bố thí vậy thì sẽ càng tốt hơn. Vậy công khai bố thí là gì? Là mọi người đều biết bạn làm việc tốt, bí mật bố thí là không ai biết bạn làm việc tốt đó. Điều này chính là tích âm đức mà người xưa chúng ta đã nói, so với tích dương đức quả báo thù thắng hơn nhiều. Dương đức là gì vậy? Là bạn làm việc tốt mà người khác biết được, âm đức là bạn âm thầm làm việc tốt mà người khác không biết, quả báo của âm đức sẽ càng thù thắng hơn.

Quả báo nhất định là có, thế nhưng chúng ta nhất định không mong cầu quả báo. Phật nói về công đức và phước đức, Kinh Kim Cang có một câu kinh văn dạy chúng ta là: “Lìa hết thảy tướng, tu hết thảy thiện”. Thế nào là tu hết thảy thiện? Phước đức và công đức đều là tu hết thảy thiện. Sự khác biệt giữa phước đức và công đức ở chỗ nào? Nếu chấp tướng thì là phước đức, nếu lìa tướng thì là công đức. Cho nên nói “Lìa hết thảy tướng, tu hết thảy thiện” là công đức. “Chấp hết thảy tướng, tu hết thảy thiện” là phước đức. Chấp tướng thì tâm không thanh tịnh, lìa tướng thì tâm mới thanh tịnh. Nói cách khác bạn tương ưng với tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Đây là công đức. Điều gì là thiện? Bố thí là thiện, trì giới là thiện. Trì giới là tuân thủ quy tắc, tuân thủ phép tắc, ý nghĩa của chữ trì giới này là nghĩa rộng nên chúng ta nhất định phải hiểu được. Nhẫn nhục là thiện, tinh tấn là thiện, thiền định là thiện, Bát-nhã là thiện. Cho nên tu hết thảy thiện là tu điều gì? Là tu lục độ vạn hạnh. Lìa hết thảy tướng, vậy hết thảy các tướng là gì? Kinh Kim Cang đem hết thảy tướng quy nạp thành bốn loại lớn là: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Như vậy ta liền hiểu rõ câu “Lìa hết thảy tướng, tu hết thảy thiện” rồi.

Trong kinh Phật nói với chúng ta, lời Phật nói không phải là lời mê hoặc chúng ta mà là nói sự thật. Tài phú là quả báo, nhân của nó là gì? Nhân chính là bố thí tài, xả tài bạn mới có thể được tài. Đây là chân tướng sự thật, bạn tu nhân thì đâu có đạo lý không được quả báo chứ. Phàm phu tu nhân là tu vì quả báo, đây là phàm phu. Thánh nhân tu nhân không vì quả báo của chính mình mà vì lợi ích cho chúng sanh, vì lợi ích cho chúng sanh mà tu thiện thì đây là Thánh nhân, không phải phàm phu. Nếu hành thiện để bản thân cầu được quả báo thì đây là phàm phu, chỉ là phước đức, phàm phu chỉ có phước đức, Thánh nhân mới có công đức. Công đức vĩnh viễn là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Chúng ta cần hiểu rõ, cần minh bạch lý và sự, khi khuyên người bố thí nhất định cần đem những đạo lý này nói rõ ràng khiến cho họ sanh tâm hoan hỉ, để họ tự mình đi làm, không bắt họ miễn cưỡng làm. Không được có tâm dụ dỗ người khác bố thí, loại tâm này là tâm trộm: ép buộc người khác khiến họ không vui vẻ đi làm việc này, làm rất miễn cưỡng, bất đắc dĩ mà làm. Điều này nhất định không được phép, nếu chúng ta dùng tâm thái này để khuyên mọi người thì đây là tạo tội nghiệp. Những tôn giáo khác cũng có tình trạng dùng tâm thái như vậy khuyên người tin vào những điều dạy dỗ, khuyên người bố thí. Trong xã hội, chúng ta thường xuyên nhìn thấy, thường xuyên nghe thấy, thế nhưng chúng ta xem xét tỉ mỉ kinh văn, trong kinh Phật và những kinh văn trong kinh điển của những tôn giáo khác thì thấy đó không phải là những gì họ đang thực hiện. Nói cách khác, ngày nay trong lúc hành trì, rất nhiều người đã làm trái với giáo lí. Chúng ta thấy kinh điển của đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, Ấn Độ giáo nói rất hay, nói rất chí lý, nhưng vì sao những tín đồ này lại làm sai vậy? Đó là không ngoài việc “lập công với thần minh”, quan niệm như vậy là sai rồi. Đây không phải là quan niệm đúng đắn, chúng ta học Phật, học Phật là học trí huệ, nhất định phải có quan niệm đúng đắn.

Kinh điển của các tôn giáo nói trì trai tốt hơn cầu nguyện, bố thí còn tốt hơn trì trai, câu này có ý nghĩa gì? Là xuất phát từ lý niệm yêu thương nhân loại của thần thánh, “thần ái thế nhân”, là tấm lòng từ bi của Phật Bồ-tát. Cần thực hiện tâm từ bi, tâm từ bi không phải là một câu nói suông, tâm từ bi biểu hiện ở đâu? Biểu hiện ở sự bố thí, biểu hiện ở việc chân thật giúp đỡ người khác. Phật pháp Đại thừa nói sáu ba-la-mật, sáu cương lĩnh tu học của Bồ-tát, sáu cương lĩnh này đều thuộc về bố thí. Điều đầu tiên trong bố thí đương nhiên bao gồm tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Tài bố thí là lấy tài vật bố thí cúng dường cho những người có nhu cầu. Đây là khế cơ. Người nào có nhu cầu bức thiết trước mắt thì chúng ta nhất tâm toàn lực giúp đỡ người ấy. Kinh điển của Ấn Độ giáo dạy người như vậy. Pháp bố thí là giúp người khác chuyển mê thành ngộ, giải thích nghiên cứu thảo luận chân tướng vũ trụ nhân sanh và sự thật về quá khứ và tương lai cho họ. Điều này là khai trí huệ, là bố thí pháp.

Chúng ta ngày nay ấn tống kinh điển, Ấn Quang Đại sư trong thời cận đại đã làm một tấm gương cho chúng ta, Ấn tổ đem toàn bộ sự cúng dường của tứ chúng để in Kinh bố thí. In kinh cần có kinh phí, cần có tiền, trong này có bố thí tài, trong kinh giảng đạo lý, dạy bạn cách làm người, đó là bố thí pháp, bạn hiểu rõ những đạo lý này thì lý đắc tâm an, vậy đây là bố thí vô úy. Cho nên tuy chỉ một thứ nhưng lại có đủ ba loại bố thí. Ấn tổ dạy người hiện đại tu phước từ chỗ này, cả đời Ngài làm ra một tấm gương tốt cho chúng ta xem, cuộc sống của Ngài vô cùng tiết kiệm, chúng ta phải hiểu rõ, phải thể hội được, phải nỗ lực học theo Ngài. Hiện nay ngoài việc in kinh sách còn có thể làm băng ghi hình, băng ghi âm, VCD, những thứ chúng ta hiện nay làm so với trước đây còn nhiều hơn, đủ loại hơn, cách làm thế này thì cả ba loại bố thí đều viên mãn.

Trì giới là thuộc về bố thí vô úy, chúng ta tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định, nhất định tuân theo giáo huấn của Phật-đà, trong bất kỳ trường hợp nào người khác đều yên tâm đối với chúng ta, không có hoảng sợ, đây là bố thí vô úy. Chúng ta trì giới không trộm cắp, tiền tài của người khác để lộ ra thì họ cũng không cần lo lắng, vì “anh ấy là người trì giới, anh ấy sẽ không có ý định xấu đối với tôi, sẽ không cướp tiền của tôi, sẽ không ăn trộm tiền của tôi”, tâm của họ sẽ an vì bạn là người trì giới. Nếu là tu nhẫn nhục ba-la-mật thì nhẫn nhục cũng là bố thí vô úy, ví dụ lời nói ngôn ngữ của tôi không cẩn thận nên có lỗi với người khác, không sao, “anh ấy sẽ không thù oán, anh ấy sẽ không báo thù”, đây là bố thí vô úy. Tinh tấn, thiền định, Bát-nhã đều thuộc về bố thí pháp. Lục độ vạn hạnh quy nạp lại chính là bố thí. Bồ-tát từ sơ phát tâm cho đến viên thành Phật đạo là tu điều gì vậy? Chính là tu bố thí mà thôi.

Khi tôi mới học Phật, Đại sư Chương Gia dạy tôi sáu chữ: “Nhìn được thấu, buông được xuống”, đây chính là toàn bộ Phật pháp, ngàn kinh vạn luận đều không nằm ngoài sáu chữ này. Nhìn thấu là giải môn, bố thí là hành môn, bố thí chính là dạy bạn buông xuống, giải hành tương ưng thì bạn mới có thành tựu. Cho nên chúng tôi tổng hợp lại, lời giáo huấn của đại Thánh đại Hiền đối với chúng sanh trong mỗi một tôn giáo đều là tương đồng. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều, quan sát tỉ mỉ để thể hội, chăm chỉ học tập, cần hiểu rõ đạo lý này, nhất định không phải là mê tín. Ấn Độ giáo dạy là cần phải khế cơ, họ nói rất hay, Phật pháp cũng nói khế cơ, [nhưng] Ấn Độ giáo nói rất hay, nói rất rõ ràng. Đó là “thích hợp với người, thích hợp với thời gian, thích hợp với nơi chốn”, chính là phù hợp. Phật pháp chúng ta chỉ nói một điều là khế cơ, còn Ấn Độ giáo nói tường tận hơn.

Nói cách khác, chúng ta muốn trồng phước cần phải nhận biết phước điền, điều này nhà Phật thường hay nói đến. Chúng ta bố thí cúng dường trong đạo tràng thì phải xem đạo tràng này có đạo hay không? Có đạo là phước điền thật sự, không có đạo thì không phải là phước điền chân thật. Đạo tràng mà không có đạo, bạn đi bố thí cúng dường gì vậy? Là cúng dường mấy người ở đạo tràng đó, việc đó giống như bố thí cho những người bình thường khi họ có khó khăn. Điều này thuộc về bi điền, bạn xem người xuất gia này đáng thương, không có cái ăn cái mặc nên tặng cho họ một chút ăn mặc, hoặc cho một ít tiền, đây là bi điền, là lấy lòng từ bi đối đãi với họ, đó không phải là Phật pháp, nơi có Phật pháp là kính điền. Nhà Phật nói có ba loại phước điền, đối với đạo tràng chân thật có Phật Bồ-tát là kính điền, đối với cha mẹ sư trưởng là ân điền, cần báo ân, đối với hết thảy khổ nạn chúng sanh là bi điền, tâm từ bi. Bạn cần nhận thức minh bạch, hiểu rõ ràng, không nên hiểu sai phước điền.

Trong kinh Phật có nói với chúng ta, hơn nữa nói rất nhiều lần, không chỉ nói một lần, công đức của việc bố thí bất khả tư nghì. Cúng dường Bích-chi Phật một bát cơm thì chín mươi ức kiếp không chịu quả báo nghèo khổ. Không chỉ là thí một được vạn báo mà là vượt hơn rất nhiều lần. Đó là gì? [Vì] đó là người tu đạo chân thật, không phải là người thông thường. Hơn nữa người bố thí không mong cầu quả báo thì quả báo tự nhiên sẽ hình thành. Tại sao trong kính điền lại có công đức thù thắng như vậy? Chúng ta cần biết A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, các đại Thánh đại Hiền, chúng ta tôn kính các Ngài, chăm sóc các Ngài để các Ngài mạnh khỏe sống lâu, các Ngài sống ở thế gian nhiều một ngày sẽ giáo hóa nhiều một ngày. Công đức mà các Ngài giáo hóa thì bạn là người bố thí cũng được hưởng một phần, một phần này là một phần viên mãn, không phải khiếm khuyết. Nói cách khác, công đức các Ngài tu tích được chính là công đức của chính chúng ta, tự tha bất nhị (ta và người không khác) chính là đạo lý này.

Việc xây dựng đạo tràng, khu vực gần đây có chùa Trúc Lâm đã hoàn thành việc xây dựng khoảng một tháng rồi. Chủ tịch của đạo tràng đó cùng các vị cán bộ đến đây thăm tôi, chúng tôi trước đây rất quen thuộc, họ hỏi tôi sau khi đạo tràng xây dựng xong rồi thì nên vận hành thế nào? Tôi nói: Đạo tràng cần phải có đạo, có đạo tràng mà không có đạo thì không gọi là đạo tràng. Đạo là gì? Là phong cách học tập và đạo phong. Tôi nói các bạn có thể quan sát học hỏi Cư Sĩ Lâm, có thể làm tham khảo, có thể học tập. Đạo phong của Cư Sĩ Lâm là niệm Phật, mỗi ngày niệm Phật đường niệm Phật hai mươi bốn giờ đồng hồ không gián đoạn. Phong cách học tập của Cư Sĩ Lâm là giảng kinh, mỗi ngày giảng hai giờ đồng hồ cũng là từ đầu năm đến cuối năm không gián đoạn. Chùa Trúc Lâm của các bạn thờ cúng Quán Thế Âm Bồ-tát, các bạn cần giảng kinh, cần niệm Phật, niệm Phật niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát”. Ở Cư Sĩ Lâm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, các bạn ở bên đó niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát” thì tương ứng với bổn tôn của các bạn rồi. Giảng kinh nhất định là lấy Quán Âm Tam Kinh làm chủ yếu, giảng kinh không được gián đoạn, ít nhất mỗi một tuần cần có một lần giảng kinh, đây là ít nhất rồi, nếu có thể có hai lần, ba lần thì sẽ càng tốt. Ngoài ba Kinh về Quán Thế Âm Bồ-tát ra thì phàm là những kinh luận từ bi cứu thế, khuyên người đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ, bao gồm ngữ lục của tổ Sư đều có thể giảng giải hoằng dương ở đó. Giống như Ấn Quang Đại sư đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, những kinh sách này đều có thể giảng, hoàn toàn tương ưng với tinh thần đại từ đại bi của Quán Thế Âm Bồ-tát. Đây là bố thí pháp, các bạn cần hiểu rõ để đề xướng. Nên thường xuyên kết duyên với thính chúng và những bạn đồng tu đến tham gia tu trì, việc kết duyên này là tài bố thí, bố thí ân huệ, khiến cho tứ chúng đồng tu của đạo tràng này trở thành người một nhà. Chăm chỉ học tập tu trì tại nơi này, đạo tràng này của bạn sẽ hưng vượng, đạo tràng này nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo vệ.

Cho nên một đạo tràng không có đạo, không học tập thì sẽ biến thành cái miếu để đốt hương hỏa của thế gian, việc này không có ý nghĩa gì. Trong mắt người xã hội ngày nay, miếu hương hỏa cũng là sự mê tín. Phàm những người thường đến miếu hương hỏa thì người thông thường trong xã hội đều nhìn họ thấp xuống một bậc, cho rằng họ không có trí huệ, không có thường thức, là mê tín, xem thường họ. Cho nên đạo tràng này nhất định phải có đạo, đạo nhất định phải tu bố thí ba-la-mật.

Chúng ta xem thấy trong rất nhiều tôn giáo, không chỉ là Phật dạy chúng ta bố thí mà không có tôn giáo nào là không dạy người bố thí. Bố thí có đại đạo lý, đại học vấn, chân thật từ bi cứu thế, nếu không dùng bố thí thì từ bi cứu thế là nói suông rồi. Cho nên nhất định phải hiểu được ba loại bố thí: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Chư Phật Bồ-tát ứng hóa tại thế gian vì người diễn nói cũng chính là vì việc như vậy, cho nên việc này là việc lớn không phải là việc nhỏ. Chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu thảo luận sau đó thực hành. Điều này là thật sự hành Bồ-tát đạo, phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, thành tựu Phật pháp.

**********

Chư vị đồng tu!

Chiều hôm qua, chín tôn giáo lớn tại Singapore liên kết lại để tổ chức một đại hội ấm áp cầu nguyện cho một thiên niên kỷ mới được tốt lành và tổ chức họp báo ở Cư Sĩ Lâm. Lý cư sĩ nói với tôi thông tin này tối hôm qua trên truyền hình đã phát sóng rồi, hôm nay trên rất nhiều tờ báo đều có đăng thông tin này. Ý nghĩa của hoạt động này là muốn đem tâm yêu thương của Thần Thánh trong mỗi tôn giáo thực hiện đối với hết thảy chúng sanh khổ nạn trong xã hội hiện nay. Tâm yêu thương của Thần Thánh, tâm từ bi của Phật Bồ-tát biểu hiện từ chỗ nào vậy? Chính là biểu hiện trong việc tín thọ phụng hành của những môn đồ, tín chúng, đệ tử của các Ngài. Cho nên chúng ta có thể thể hội được, những tín đồ của Thần Thánh, những đệ tử của Phật Bồ-tát chính là hóa thân của Thần Thánh, chính là sứ giả của Thần Thánh, điều này chúng ta có thể khẳng định được, một chút nghi hoặc cũng không có.

Bà-la-môn giáo của Ấn Độ và các vị Đại đức của những tôn giáo khác, thái độ tu học của các Ngài xứng đáng làm tấm gương cho người đời sau. Đó chính là tin sâu chân lý, không làm việc hư ngụy, những biểu hiện của họ trong cuộc sống trên thực tế chính là đa nguyên văn hóa mà trong Kinh Hoa Nghiêm nói đến. Một số các nhà tôn giáo, mức độ thành kính tin sâu của họ đối với chân lý của Đại thừa còn vượt qua rất nhiều đệ tử nhà Phật. Họ thật sự là kính Phật và tin Phật, y giáo phụng hành, thế nhưng họ vẫn không thay đổi thân phận của họ và cũng không thay đổi tôn giáo mà họ tín ngưỡng. Điều này nói rõ họ tin tưởng chân lý, sùng bái chân lý, không phải là hư ngụy. Hư ngụy là gì? Là giả danh đệ tử nhà Phật, trên danh nghĩa là đệ tử nhà Phật, trên thực tế lại không thể tin sâu đối với Phật pháp, không thể lý giải, không thể phụng hành nên gọi những người này là hư ngụy.

Tuy các Ngài không phải là tín đồ nhà Phật mà là tín đồ của tôn giáo khác, nhưng sự tin tưởng đối với Phật Bồ-tát, với giáo huấn của Phật Bồ-tát, sự y giáo phụng hành đều vượt qua những đệ tử thông thường trong nhà Phật. Từ chỗ này đã hiển thị rõ đa nguyên văn hóa. Phật pháp là giáo dục, Phật pháp không phải là tôn giáo, đối tượng giáo hóa của Phật pháp chính là hết thảy chúng sanh, phạm vi giáo hóa của Phật pháp là hư không pháp giới, cho nên không phân biệt quốc thổ, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, Phật pháp là giáo dục luân lý, là giáo học chân lý.

Chân lý biểu hiện bên ngoài chính là tấm lòng từ bi, cho nên những Thần Thánh mà chúng ta quy y trong hết thảy các tôn giáo dạy người cũng chỉ là một chữ “Ái”, là “Thần Ái Thế Nhân”. Ý nghĩa của chữ Ái này sâu rộng vô tận, phàm phu chúng ta thể hội được rất hạn chế, không hiểu được thế nào gọi là Ái? Người thế gian hiểu chữ Ái này sai rồi, xúc phạm chữ Ái này, sỉ nhục chữ Ái này, căn bản không hiểu được thế nào gọi là Ái. Ái chính là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Trong tâm của người thế gian là gì? Chỉ có tham sân si, Ái của họ là tham sân si, hoàn toàn là cảm xúc hóa. Khi thích bạn thì yêu bạn, khi không thích bạn nữa thì mong nhìn thấy bạn chết, muốn bạn chịu tội, muốn bạn chịu nạn, họ thấy vậy thì rất vui sướng. Cho nên hàm nghĩa chữ Ái của người thế gian là tham sân si. Đó là giả, không phải thật. Ái của Thượng Đế, Ái của Thần Thánh, Ái của Phật-đà là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Bạn tán dương các Ngài, các Ngài yêu bạn, bạn hủy báng các Ngài, các Ngài vẫn yêu bạn, nhất định không thay đổi. Cho nên Ái của người thế gian là gì? Chúng ta nghe đến chữ Ái này thì liền hiểu được Ái của thế gian là tham sân si mạn. Ái của chư Phật Bồ-tát là sự thực hiện của tâm Bồ-đề, chúng ta cần hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch. Ái của chư Phật Bồ-tát và Thần Thánh được áp dụng trong đời sống chính là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Bát-nhã. Quay lại nhìn sự thực hiện chữ Ái của người thế gian thì là tham sân si mạn, tự tư tự lợi. Cùng là một chữ nhưng hàm nghĩa nội dung bên trong lại hoàn toàn không giống nhau. Giáo dục của Phật-đà, giáo dục của tôn giáo, giáo dục của Thần Thánh không có gì khác, nói thật ra là uốn nắn sửa chữa quan niệm sai lầm về chữ Ái của chúng ta. Người thế gian mê rồi, mê là nhận thức sai chữ Ái này, cho rằng đó là tham sân si, cho đó là tự tư tự lợi. Giáo dục Phật-đà giúp chúng ta chuyển mê thành ngộ, khiến chúng ta nhận thức đúng đắn hàm nghĩa của chữ Ái, phát huy “Nhân Từ Bác Ái”, bốn chữ này có trong Kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta dùng tâm thái “Nhân Từ Bác Ái” đối đãi với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật và hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới. Đây gọi là phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, đây mới chính là đệ tử Phật chân thật, là hóa thân thật sự của Thần Thánh và Phật Bồ-tát. Trong kinh Phật thường nói “Thọ trì đọc tụng vì người diễn nói”, đặc biệt là câu sau: “vì người diễn nói”, chữ “diễn” tức là biểu diễn, làm ra cho người khác xem, chữ “nói” là vì mọi người thuyết minh chân tướng sự thật, chân tướng của tà chánh, chân tướng của đúng sai, giúp đỡ hết thảy chúng sanh siêu phàm nhập Thánh, như vậy kiếp nạn của chúng ta mới có thể được hóa giải, có thể siêu vượt tam đồ lục đạo.

Thiên đường của đạo Cơ Đốc và đạo Thiên Chúa hay cõi Trời của đạo Hồi thì nhà Phật gọi là thế giới Cực Lạc, gọi là Nhất chân pháp giới, tên gọi tuy khác nhau nhưng thực chất là giống nhau. Các Ngài dùng danh từ thuật ngữ không như nhau nhưng ý nghĩa cảnh giới hoàn toàn tương đồng, chư Phật Thần Thánh lấy tâm yêu thương chân thành, nhân từ giúp đỡ chúng ta lìa khổ được vui, giúp đỡ chúng ta khế nhập cảnh giới Hoa Nghiêm, sống đời sống của Phật Bồ-tát. Sống đời sống của Thần Thánh thì trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là đời sống của Phật ở cảnh giới Hoa Nghiêm. Chúng ta làm học trò phải có thể thể hội được ân đức giáo huấn của Thần Thánh, tín thọ phụng hành. Có sự phù hộ của Thần minh, sự gia trì của Phật Bồ-tát, chúng ta mới có thể hưởng thụ một cách viên mãn.

Làm thế nào để tu học? Tôi bình thường hay khuyên nhủ các bạn đồng học, trước tiên phải khẳng định cách nhìn, cách nghĩ của bản thân chúng ta đối với vũ trụ nhân sanh là sai lầm. Đây là sám hối, là nhận sai, chúng ta sai rồi. Do đó bước đầu tiên của việc tu học chính là buông xuống lỗi lầm. Tôi đã nói rất cụ thể là nhất định phải buông xuống tất cả ý niệm khống chế, hành vi khống chế đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật, vì đây là tạo nghiệp. Khi bạn động ý niệm này thì khởi hoặc rồi, bạn có hành vi này thì tạo nghiệp rồi, quả báo cảm thọ của hoặc nghiệp này là tam đồ lục đạo. Lục đạo luân hồi là do đây mà có, cho nên chúng ta vứt bỏ ý niệm này, vứt bỏ hành vi này chính là siêu vượt lục đạo luân hồi. Tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ-tát chính là học Phật, học làm Phật, học làm Bồ-tát, học làm Thần Thánh. Cho nên giáo dục Phật-đà chính là giáo dục của Thần Thánh, là giáo dục của trí huệ, là giáo dục của giác ngộ. Sự giáo dục này có chỗ không tương đồng với giáo dục của thế gian, chúng ta không thể không hiểu rõ. Thể hội được rồi, dần dần hiểu rõ rồi thì cần chăm chỉ nỗ lực học tập, hy vọng trong cuộc đời này không chỉ có thành tựu mà còn có thành tựu thù thắng viên mãn. Các bạn đồng học có lẽ muốn hỏi, việc này khó, đúng là khó, khó ở chỗ nào vậy? Khó ở chỗ bạn không chịu buông xuống tập khí của chính mình, khó là ở chỗ này. Chúng ta thấy Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, thấy Long Nữ trong Kinh Pháp Hoa, thấy Đại sư Huệ Năng trong Đàn Kinh, các Ngài tu hành chứng quả hình như không khó, thật vậy, không khó, nếu rất dễ thì dễ ở chỗ nào vậy? Dễ ở chỗ các Ngài chịu buông xuống tập khí phiền não của chính mình, chịu tùy thuận theo giáo huấn của Phật Bồ-tát, nên trong thời gian rất ngắn liền thành tựu đạo vô thượng. Từ đó có thể biết, khó hay dễ không nằm ở bên ngoài, khó hay dễ là ở chính bản thân mình, mình cảm thấy dễ thì sẽ rất dễ, mình cảm thấy khó thì rất khó. Cho nên ý niệm của chúng ta chuyển được rồi thì khó sẽ biến thành dễ, nếu không chuyển được thì dễ sẽ biến thành khó.

Khi nào mới cảm thấy mình đã chuyển được rồi? Muốn biết biểu hiện của điều này thì cần nhìn tâm yêu thương của bạn, bạn đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật nếu thật sự có tâm yêu thương, giống như tâm yêu thương của Thượng Đế, giống như tâm yêu thương của Thần minh, giống như tâm yêu thương của Phật Bồ-tát thì bạn đã chuyển được rồi. Nếu bạn vẫn còn ghét bỏ hết thảy chúng sanh, vẫn còn không ưa thích thì bạn vẫn chưa chuyển được, bạn là phàm phu, bạn tạo nghiệp luân hồi sanh tử, bạn tạo nghiệp tam ác đạo. Điều này thông qua cuộc sống hằng ngày mà khảo nghiệm công phu của chính chúng ta.

Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên kể với tôi một sự việc, chúng tôi nghe rồi cảm thấy vô cùng cảm động. Có một đệ tử nhà Phật rất kiền thành đã làm nghĩa công cả đời trong chùa, mỗi tháng chỉ lấy mười đồng tiêu vặt, ông cứ làm như vậy mấy mươi năm, hiện tại đã già rồi. Khi ông già rồi thì vị trụ trì kế tiếp ở đó không quan tâm đến ông, đuổi ông đi, ông rơi lệ khóc mà nói: “Các người từ nhỏ đều do tôi chăm sóc đến lớn, ngày nay các người trưởng thành rồi thì lại không cần tôi nữa, vậy tôi có thể đi đâu đây?”. Họ vẫn đuổi ông đi, không cần ông nữa. Ông có một người con gái nuôi, những người ở ngôi chùa đó đưa ông đến chỗ cô gái đó, cô gái nuôi này cũng không muốn tiếp nhận ông, đó là ruồng bỏ người già, từ trước đến nay chưa có ai chạm vào người của ông ấy. Vì sao vậy? Vì chê ông bẩn, chê ông hôi. Cô con gái nuôi đó không nhận ông nên đưa ông đến viện dưỡng lão của Thiên Chúa giáo, viện dưỡng lão của Thiên Chúa giáo tiếp nhận ông ấy, khi vừa vào đến cửa của họ thì tu nữ ôm lấy ông, còn hôn ông, vô cùng cảm động. Ông nói tôi không tin Phật giáo nữa, tôi tin Thiên Chúa giáo. Ông nói tôi thấy Thiên Chúa giáo là Phật thật, là Bồ-tát thật sự. Điều này không sai chút nào, ông có trí huệ, tu nữ của Thiên Chúa giáo chính là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ-tát, đức Cha của Thiên Chúa giáo là hóa thân của A Di Đà Phật, còn Phật Bồ-tát trong chùa của chúng ta đều là giả, là ma ở trong đó đóng giả, không phải là thật. Trong chú giải của Vãng Sanh Luận có nói, là pháp sư Đàm Loan nói thời kỳ mạt pháp trong tự viện am đường đều do A-tu-la, La Sát làm chủ, không phải là Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát ở đâu vậy? Chúng ta nhìn thấy Phật Bồ-tát ở Thiên Chúa giáo, nhìn thấy ở những tôn giáo khác, họ thật sự có tâm yêu thương. Họ nói với ông là ông yên tâm, chúng tôi sẽ chăm sóc tốt cho ông, rồi họ thay quần áo cho ông, tắm cho ông, mọi việc đều giúp đỡ ông vì ông đã già rồi, chân tay không còn linh hoạt nữa, ăn cơm cần có người giúp đỡ, không có ai giúp ông nhưng những nữ tu này quan tâm chăm sóc cho ông. Cho nên trong tâm của ông những nữ tu này chính là Quán Thế Âm Bồ-tát.

Chúng tôi nghe rồi vô cùng cảm động, lời ông lão này nói chúng ta nghe rồi khẳng định, tôi cũng tin tưởng sâu sắc là những vị nữ tu này chính là Quán Thế Âm Bồ-tát, đức Cha là A Di Đà Phật, tôi tin tưởng, tôi không hoài nghi một chút nào, tôi cũng có cách nhìn như vậy đối với họ, tôn kính họ, họ rất đáng để chúng ta phản tỉnh, họ thật sự thực hiện được chân lý của giáo dục, chúng ta chỉ là nói trên cửa miệng mà thôi, có khi nói cũng không còn nói đến nữa. Cho nên chúng ta xem hết thảy tôn giáo trên thế gian đều bình đẳng, đều là hóa thân của chân lý, đều là hình tượng của chân lý, không phân biệt bên này bên kia, chúng ta lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường. Chúng ta hiểu rõ rồi cần chăm chỉ nỗ lực thực hiện.

Được rồi hôm nay thời gian đã hết, chúng ta học đến chỗ này. A Di Đà Phật!