Khéo Giữ Khẩu Nghiệp Không Nói Lỗi Người

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Khéo Giữ Khẩu Nghiệp Không Nói Lỗi Người: Mình để ý có một số người nói chuyện lời nói rất dễ thương, nhỏ nhẹ mặc dù họ không được học gì liên quan đến giáo dục Thánh Hiền hay Đệ Tử Quy. Đó là bản tính của họ. Còn mình được học rồi mà sao lời nói của mình vẫn chói chói. Các bạn biết tại sao chói chói rồi đó.

Đó là do mình đánh mất sự khiêm tốn từ rất lâu rồi, quá sức tôn sùng lòng tự tôn, tự tin của mình lên, xem mình làm trung tâm quá lâu. Không những vậy, mọi người xung quanh cũng xem mình làm trung tâm, ủng hộ mình nữa. Cho nên, mình không nhìn ra cái sai của mình và do vậy cái giọng của mình rất là to lớn.

Các bạn nghĩ đi, những người nói giọng khách khí như mình ở trên lớp này đều chưa từng có nhiều cơ hội làm những công việc phục vụ người khác như là bưng bê trong các quán bình dân. Ở đây đều là những người được sinh ra trong các gia đình tương đối có điều kiện. Cho nên bản thân những người đã từng đi làm những công việc cực khổ, sống trong những hoàn cảnh cực khổ, đặc biệt là đi phục vụ người khác để kiếm sống thì họ được tôi luyện trong môi trường đó.

Cho nên, lời nói của họ lúc nào cũng phải nhẹ nhàng vì không nhẹ nhàng thì làm sao bán hàng được, bưng bê này nọ cũng phải lịch sự, khách hàng phải là Thượng Đế, cho dù đi bán mấy tờ vé số đi chăng nữa, phải nhỏ nhẹ năn nỉ người ta thì người ta mới mua. Bây giờ trên lớp mình đâu có ai phải đi bán vé số? Phải đi chạy bàn phục vụ hai năm, ba năm đâu? có ai phải đi lượm rác đâu?

Mình bây giờ phải cần tìm ra cơ hội để đi phục vụ người khác bằng tấm lòng tự nguyện của mình, vui vẻ đi phục vụ người khác thì từ trong tâm niệm đó cái giọng mình sẽ đổi. Trong các bài báo cáo của các bạn cũng đề cập đến lời dạy của Ân Sư phải cẩn thận với khẩu nghiệp, cẩn thận với tâm thích hóng hớt chuyện người khác.

Đối với tập khí xấu này thì các chị em phụ nữ phải đặc biệt để ý, vì đó là năng khiếu của mình, hai ba người nữ họp lại thì thành cái chợ rồi. Cho nên mình phải rất để ý đến cái miệng của mình.

Trong bài báo cáo về khẩu nghiệp thì bạn Quảng An đã đưa ra một thói quen trong cách nói chuyện mà rất nhiều lần mình phạm phải: Chị sai rồi! Là mình nói ra cái chữ người ta “sai rồi”. Có lúc may mà mình nói ra người ta không giận, mà lại có thể vui vẻ nhận sai. Cái này là tốt cho dù mình nói người ta sai nhưng đã đạt được kết quả. Nhưng mình phải để ý vì không phải ai người ta cũng tiếp nhận chữ “sai” này một cách dễ dàng. Diệu Phúc, Diệu Định, Chúc Anh, bác sĩ Thái có tiếp nhận chữ “sai” mà người khác nói mình một cách dễ dàng không?

Nếu mình biết tiếp nhận là mình cũng có chút xíu phần cảnh giác, biết tiếp nhận phê bình. Trên thực tế, tâm mình không có được bình đẳng để tiếp nhận chữ “sai” này đâu. Có những người, có những trường hợp người ta chỉ ra cái sai của mình thì mình phản ứng dữ dội, thậm chí mình biết là mình sai luôn, nhưng mình ghét cái người này, từ trước đến giờ không ưa, bây giờ lợi dụng thấy tôi sai một xíu thì bắt đầu nói cho tôi mất mặt, mất thể diện, tỏ vẻ ta đây lên mặt dạy đời, chứ chẳng có tốt đẹp gì.

Cho nên cái tâm mình đã có sẵn định kiến với con người đó rồi, thì những gì người đó nói ra cho dù là chân lý mình cũng không ưa, chứ đừng nói chi đến cái chuyện nói là tôi sai. Tôi không có sai. Cái người mà mình không ưa rồi thì cho dù họ có trích dẫn một câu Phật dạy hay đi chăng nữa, thì mình cũng không tiếp nhận. Ông đấy chỉ được cái miệng thôi! Ông nói lời Phật dạy hay vậy nhưng ông ấy có làm được đâu! Thôi! Ông ơi! Ông bớt nói đi! Ông lo ông làm đi! Nói nhiều quá!

Mình hay nói ông chồng mình vậy đó, đúng không? Dám nói vậy ông ấy đánh cho đó. Còn Chúc Anh là nữ tướng trong nhà thì nói vậy ông xã cũng không dám ý kiến gì cả. Cho nên tùy người, người nào mà tôi thấy kính, thấy mến, thấy phục mà góp ý cho tôi thì tôi hoan hỷ, nhưng phải nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự, chứ còn nói thẳng quá thì tôi cũng khó chịu.

Cho nên chuyện tiếp nhận cái sai của mình thì mình nghĩ lại, ngày hôm nay cái lỗ tai của mình nghe những điều người ta góp ý những cái sai của mình nó chưa được bình đẳng, chưa có thành tâm, cung kính lắng nghe, vì trong tâm mình có quá nhiều định kiến, lòng tự tôn của mình quá lớn. Chỗ này làm sao thay đổi được?

Một lần nữa quay lại lời dạy của Ân Sư là mình phải thường thực hành biết nghĩ cho người khác, không xem mình làm trung tâm và luôn nhớ lời dạy mình được học mỗi ngày là phải thấy mình là phàm phu. Cho nên chuyện mình học tập cho đến khi nào mình thành tựu có trí huệ rồi, giống như ngày hôm nay Ngài nói có trí huệ rồi thì phải biết cách đi giúp đỡ người khác một cách chân thật.

Từ bây giờ đến lúc đó Ngài nói mình biết tới đâu thì mình chia sẻ tới đó, mà chia sẻ với cái tâm khiêm tốn và mang tính gợi ý thôi, ngay cả với người thân thiết của mình thì mình cũng không nên nói là họ sai. Cho nên bạn Quảng An cần rút kinh nghiệm chỗ đó rất là tốt, lần sau gặp chị phải nói theo cách khác: Em nghĩ tốt hơn hết nên để bức hình Phật đó cho cháu với những lý do sau đây. Tránh nhào vô khẳng định trước là người ta sai.

Cho nên cái khẩu nghiệp của mình các bạn để ý nhé, là không cần mình mở miện là mình tạo khẩu nghiệp đâu, mà chỉ cần các bạn có ý niệm thôi là các bạn đã phiền phức rồi đó. Người ta nhìn cái khẩu của mình là người ta biết người này hay tạo khẩu nghiệp, cái môi, cái vành môi, cái khuôn môi, cái miệng của mình, cái răng, cái cổ nhìn là biết người này tạo khẩu nghiệp nhiều hay ít rồi, chưa cần đến mình phải mở lời.

Mình nhìn hình tượng Phật, Bồ Tát môi miệng của các Ngài như thế nào? Nhìn là biết các Ngài không bao giờ tạo khẩu nghiệp. Nhìn cái miệng của một phàm phu thì thấy được cái khẩu nghiệp tạo đến mức nào, cái ánh mắt cũng vậy, là biết người này thường nói lời sân si, biết người này thường có lòng đố kỵ, tâm lượng nhỏ hẹp, nhìn cái biết liền, giờ chỉ còn nước đeo kính che lại để người ta không biết thôi.

Một người không cần học Phật mà chỉ cần có một quá trình trải nghiệm đời sống phong phú, có đọc sách Thánh Hiền, đọc sách nhân tướng học thì họ biết ngay. Cho nên tu là có thể chuyển được tướng, là do mình chuyển cái tâm. Tâm chuyển rồi thì tướng chuyển, lời lẽ nói năng, cử chỉ, hành vi thay đổi, tự nhiên thay đổi, mỗi ngày đều thay đổi, thậm chí thay đổi từng giờ, từng phút. Mình biết vậy thì mình ráng mà giữ tâm mình làm sao để gắn chặt với câu Phật hiệu liên tục, gắn chặt với lời dạy của Như Lai thì tướng mạo của mình người khác tiếp xúc, nhất định là đỡ hơn hồi xưa, mặc dù mình cũng chẳng là gì, nhưng chắc chắn sẽ đỡ hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *