BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Nên Làm Bạn Với Con Cùng Học Tập Đệ Tử Quy: Làm bạn với các con trong giai đoạn hiện tại của xã hội này thì mới mang lại hiệu quả để có thể giúp đỡ cho con mình. Tại sao nhiều người khuyên mình làm bạn với con, chứ không khuyên mình làm bậc trưởng bối để cho con cung kính, lễ phép này nọ?
Tại vì mình làm chuyện đó không có tốt. Thầy Thái giảng trên làm dưới noi theo. Mình muốn không làm bạn thì mình phải làm người trên. Muốn làm người trên để người dưới cung kính, lễ phép với mình thì mình phải làm một tấm gương rất tốt. Bản thân mình tự hỏi là mình đã làm tấm gương tốt chưa? Lấy từng điều, từng điều trong Đệ Tử Quy, trong Cảm Ứng Thiên để soi chính mình.
Nếu mình không làm được thì con mình sẽ không phục mình là đúng rồi! Vì bản thân cha mẹ còn rất nhiều khuyết điểm biểu lộ ra trong oai nghi, nói chuyện, cách suy nghĩ, diễn đạt…thì mình đừng có trách con mình hay muốn con mình phải cung kính, lễ phép đối với mình giống như mình mong muốn. Bây giờ mình phải làm bạn với con trước.
Con thấy phần trao đổi giữa các bạn và con mình như vậy đang rất là tốt. Các bạn báo cáo lên rất là tốt. Con nó cũng nói rõ là: Thôi mẹ! Chuyện đó mẹ nhớ tới nữa để làm gì! Qua rồi, con biết lỗi rồi. Việc gì xong rồi thì mẹ phải cho qua đi. Đó là sự chín chắn, trưởng thành trong cách suy nghĩ của bạn nhỏ này. Chỉ có người trưởng thành mới biết suy nghĩ vậy, là chuyện gì qua rồi thì cho qua để tập trung vô hiện tại. Còn mình thấy mình bị tổn thương hết ngày này qua ngày nọ, bởi hết người này tới người khác, nên mình cứ ghim cái tổn thương đó ở trong lòng
Và mình luôn muốn làm sao để cho người ta hiểu được là lần sau người ta không được làm tổn thương mình nữa, đừng có sai như vậy nữa! Đây là cái chỗ khổ tâm của mình. Làm cha mẹ ở thời đại này đâu có dễ cho nên “thi ân không cầu báo” cũng áp dụng lên trên chính các bậc cha mẹ luôn. Con là do mình đẻ ra, con là do mình nuôi lớn lên, cho tiền ăn học là mình đang thi ân đúng không? Rồi mình được giáo dục Thánh Hiền thì mình mới biết là công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là cao như trời, sâu như biển.
Mình nghĩ là mình tạo ra được công đức trời biển nên mình bắt con mình là nó phải như thế này, phải như thế kia, phải lễ phép thế nọ, phải cung kính giống như mình mong muốn thì là không được. Con mình nói chuyện là qua đó mình thấy rõ các bạn ấy quan sát sự việc, nắm bắt sự việc rất nhạy bén: Hồi nhỏ mẹ làm nhiều chuyện không vui với ông bà thì ông bà có nhớ không mà sao mẹ cứ nhớ mãi!
Cho nên khi mình nghe thấy bạn ấy nói câu đó rồi thì mình phải nhận ra ngay lập tức là mình sai. Mình lại còn nói lại là: Thế con có thấy con sai không? Có nghĩa là mình không quan tâm đến phản hồi của bạn ấy. Bạn ấy đang rất muốn làm cho mình hiểu được vấn đề nhưng mình thì cứ chăm bẵm vào việc bạn ấy sai chỗ này, sai chỗ kia, hôm qua thế này, thế nọ. Cho nên làm cha mẹ như vậy sẽ khổ tâm lắm vì con cái không bao giờ được như ý mình đâu.
Vì vậy mình nói là mình làm bạn với con là mình buông bỏ sự mong cầu con mình phải thế này, thế kia đối với mình. Trong quá trình làm bạn với con, mình sát cánh với con, mình hiểu con mình, mình hỗ trợ cho con mình đúng lúc, đúng việc, khuyên nhủ này nọ, con nó hiểu và nhìn ra được tình thương của mình dành cho nó thông qua sự hỗ trợ, quan tâm của mình đối với bản thân nó mỗi ngày thì nó sẽ tự phát sinh ra cái lễ phép, cung kính, nó biết ơn.
Lễ phép, cung kính phải đi ra từ tâm biết ơn. Nếu không có tâm biết ơn thì lễ phép, cung kính là đang tự tư tự lợi đó. Bây giờ con lễ phép, cung kính với mẹ để lát mẹ cho con tiền con đi chơi, hay tuần sau mẹ sẽ dẫn con đi chỗ này, chỗ kia. Bây giờ con phải chăm sóc mẹ, quan tâm với mẹ một chút cho mẹ vui. Nếu mẹ không vui thì mẹ cắt luôn cái chuyến đi chơi của con trong khi con rất thích. Đây là lễ phép, cung kính dựa trên tự tư tự lợi, chứ đâu có biết ơn gì.
Để cho người khác thực sự biết ơn đối với việc làm của mình chính là thi ân không cầu báo, cho người chớ hối tiếc thì tự nhiên người ta sẽ biết ơn. Còn mình có cầu báo mình làm mà muốn con mình, chồng mình phải hiểu mình, muốn mọi người xung quanh phải hiểu mình, nhìn nhận công sức của mình thì cái này là cái phiền não. Bỏ cái tật này khó lắm chứ có dễ đâu, vì ai cũng có mong muốn khi làm được việc gì đó cho mọi người xung quanh thì đều mong mọi người ghi nhận cái đóng góp của mình, cái sự có mặt của mình, cái sự hiện diện của mình. Chứ không ai muốn vô danh, vô phận
Nhưng học Phật chính là đạt đến cái chỗ vô danh, vô phận, không có danh, không có phận, không có mong, không có cầu, cũng không có ý niệm không mong cầu. Không mong cầu cũng là tiêu cực, cũng là lệch, không nằm ở trong trung đạo. Mọi thứ để thuận theo tự nhiên, nếu mình không nghe pháp nhiều và không thường thực hành để đạt đến chỗ không mong, không cầu, không mình, không người, không oán, không hận, không đúng, không sai.
Trăm nghe không bằng một thấy. Mình bắt con mình trước khi đi ngủ phải này, phải nọ. Nó có thấy mình làm với ông bà nội, ông bà ngoại không? Một năm 365 ngày, về quê diễn có mấy ngày thì làm sao nó thấm? Trong khi mình học trên lớp đây ngày nào cũng học mà mình còn chưa thay đổi được mà mình bảo con mình phải nhớ cái điều mà nó không thấy ai thực hành ở trong đời sống của nó, đi ra ngoài bạn bè nó cũng không có ai làm, đi ra đường cũng không thấy ai cúi chào 90 độ, rồi về nhà nó cũng không thấy, lâu lâu mẹ làm cho một phát, thì làm sao mà mình yêu cầu nó giống như chuẩn mực ngày xưa được?
Bây giờ phải để con mình trong môi trường giống như qua bên Nhật, Hàn Quốc gặp người lớn cúi chào 90 độ. Nó thấy người lớn ai cũng làm vậy thì tự nhiên nó cũng làm. Vậy thôi, mấy cái đó mình không có quá nguyên tắc được, đi thưa về trình là được rồi. Con về nhà con thấy người lớn thì con nhớ thưa, không phải là mình nói nó là con như vậy thì con mới lễ phép, mà mình phải chỉ ra cho nó thấy được cái lý do đằng sau đó là cái gì? Con có thưa mẹ, thưa bố thì bố mẹ mới biết con mới đi về, chứ con chạy thẳng lên phòng luôn thì bố mẹ không biết con đã đi về chưa thì bố mẹ lại lo lắng. Cho nên con về hay con đi thì nhớ để cho bố mẹ biết một tiếng.
Mấy cái này mình cũng phải thực hành nữa. Mình đi về mình có thưa chồng mình không? Thưa anh! Em mới đi chợ về! Có không? Hay là cứ ngoắc nghẻo, ngoắc nghẻo đi thẳng vô bếp luôn, đi ngang qua mặt chồng, trong đầu thì nghĩ gì? Bảo nãy giờ quét cái nhà cũng chưa quét, cứ nằm im nãy giờ, coi phim nãy giờ. Trong khi con mình đứng đó nó không thấy mình đi thưa về trình mà mình cứ lủi thẳng vô bếp thì mình làm sao kêu nó phải đi thưa về trình. Rồi ăn cơm mình có mời chồng mình không? Ba bữa cơm mời ba lần. Chồng ăn trước vợ mới ăn, mình có làm được không?
Nói chung trên thân giáo mà mình không làm được những điều này một cách chân thành thì mình đừng có hy vọng con mình nó làm được. Cho nên, Đệ Tử Quy bắt đầu là ai học? Cha mẹ phải học, cha mẹ phải làm chứ không phải đem cái đó áp xuống cho con mình. Cha mẹ làm tốt Đệ Tử Quy tự nhiên con sẽ làm tốt Đệ Tử Quy, nhiều khi không cần thuộc Đệ Tử Quy tại vì mỗi ngày nó thấy cha mẹ nó làm thì nó bắt chước theo mà nó cũng không biết đó là Đệ Tử Quy cho dù nó không có đọc, không có thuộc Kinh văn nhưng cha mẹ làm một cuốn Đệ Tử Quy sống rồi thì bạn ấy cần gì phải học Kinh văn gì nữa, tự bạn ấy thuộc.
Cho nên mình cứ từng chút, từng chút trong sinh hoạt, bản thân mình điều chỉnh trước rồi tự nhiên mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp.
Cái gì tự nhiên mới tốt và có rất nhiều cách dạy cho con mình những bài học khiêm tốn và lễ phép chứ không phải chỉ có chuyện lễ lạy cha mẹ. Vì nếu chỉ có một phương pháp lễ lạy thì mới ra được tâm khiêm tốn, cung kính, biết ơn thì mình đâu cần học nhiều đâu. Thầy Thái đâu cần nhiều thời gian dạy như vậy! Để ra được tâm cung kính thì đi thẳng vào chỗ lễ lạy thôi, từ tập 1 đến tập 40 làm sao lễ lạy ra được cái tâm cung kính thế là xong rồi.
Đệ Tử Quy đâu cần phải giảng dài như vậy! Các bạn phải xem pháp như là nguyên liệu nấu ăn, chứ đừng xem pháp là món ăn, vì nguyên liệu thì làm ra được rất nhiều món ăn. Còn nếu xem pháp là món ăn rồi thì chỉ có một món thôi, thì nó cứng nhắc rồi.