Nên Biết Nắm Bắt Cơ Duyên Hiếm Có Này

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Nên Biết Nắm Bắt Cơ Duyên Hiếm Có Này: Hôm nay Ngài nhấn mạnh đến duyên thù thắng trong việc tu học. Ngài nói rõ cái thiếu của mình là sự nhận biết đối với cơ duyên này. Đó là chỗ mình phải suy nghĩ nhiều, quan sát hoàn cảnh của mình hiện nay để tận dụng hoàn cảnh này mà tăng cường thời gian niệm Phật, nghe Pháp lên.

Nếu tâm mình vẫn còn lao chao cũng không nên đi ra ngoài vì tâm sẽ bị loạn động theo. Mình hãy nghe lời Ân Sư chịu khó thường ở một chỗ tinh tấn tu hành, một ngày nghe Kinh 8 giờ đồng hồ và niệm Phật 8 giờ đồng hồ, miệt mài, cặm cụi như vậy.

Ngài phải dùng đến từ “miệt mài”, “cặm cụi” là mình phải biết đây là sự nỗ lực rất lớn. Còn mình chưa có miệt mài, chưa có cặm cụi đâu. Mình chưa giám sát việc tu học của mình một cách tự giác xem coi hôm nay mình có bao nhiêu tiếng niệm Phật, bao nhiêu tiếng nghe pháp? Có ghi xuống không? Không! Có trăn trở không? Không! Thôi kệ! Hôm nay con rảnh lúc nào thì con niệm lúc đó. Hôm nay niệm Phật như vậy là tốt rồi, nghe pháp vậy là tốt rồi, sáng được học Cảm Ứng Thiên như vậy là tốt rồi. Hôm nay hồi hướng! Xong.

Không có trăn trở gì cả, là làm thế nào để mình có thể đạt được 8 giờ đồng hồ niệm Phật, 8 giờ nghe pháp một lúc nào đó trong cuộc đời của mình. Mình muốn đi trên con đường đó thì bây giờ 8 giờ chưa được thì mình có thể giảm xuống 4h được không? Với cái duyên hiện tại của mình? Mỗi người mỗi duyên khác nhau. Một người không có bận rộn về gia đình, vẫn là độc thân thì cái này dễ đúng không? Hay vẫn chưa được? Vẫn chưa tăng được 4 giờ nghe Kinh, 4 giờ niệm Phật. Mình có trăn trở không? Cũng không!

Trăn trở được vài hôm thôi rồi quăng qua một bên là hết. Tại sao trăn trở? Tại vì lên lớp nghe con mắng nhiều quá thì về cũng phải trăn trở một chút chứ, rồi đâu lại vào đấy thôi. Ngay cả cái kế hoạch 3 tháng thay đổi bản thân cũng chưa rõ ràng mà. Có viết xuống đâu! Nghĩ là ba tháng sau con sẽ được thế này, thế kia, chỉ là nghĩ thôi. Có mua tập 100 trang viết xuống chưa? Mỗi ngày có ghi được cái gì trong đó không? Cho nên không làm không được đâu, ngồi đó chỉ tưởng tượng thôi, tu hành của mình là đang tưởng tượng, chỉ dừng ở mức tưởng tượng thôi, mà đi vào thực tế thì không có sự nỗ lực.

Cho nên làm sao ra được cái chữ “miệt mài”, “cặm cụi” này. Thật ra, bản thân mình cũng là đang hy sinh to lớn thời gian, phước đức của mình để mình tạo nghiệp. Hy sinh huệ mạng của mình là hy sinh to lớn nhất, rồi để tiếp tục tạo nghiệp luân hồi, để đời sau đi vào trong Tam ác đạo, đây là hy sinh vô cùng to lớn, làm một tấm gương cho các bạn đồng tu khác học hỏi đúng không? Để họ không đi vào con đường này của mình đúng không? Mình hy sinh to lớn quá, chắc là Bồ Tát đây, chỉ có Bồ Tát mới hy sinh được như vậy thôi.

Người chân thật tu hành rất sợ đi vào Tam Ác Đạo. Miệng mình thì nói sợ nhưng cái chỗ thực hành thì đi ngược lại, không sợ chút xíu nào, vẫn là tiếp tục đi, lâu lâu tỉnh ra một chút thì hơi sợ sợ thôi nhưng sau đó mê ngay thì lại đi tiếp. Đây là thói thường của phàm phu trong đời tu hiện nay. Cho nên thẳng thắn mà nói thì chuyện này mình còn một khoảng cách rất là lớn đối với sự mong đợi của Ân Sư. Ngay cả chuyện đi giảng Kinh thuyết pháp khắp thế giới mà Ân Sư cũng nói là để sau đi, phải ưu tiên cái chuyện chăm chỉ, nỗ lực trên chỗ giải hành này: Nghe Kinh, niệm Phật.

Cho đến khi nào bản thân mình thực sự trăn trở cái chuyện này nghiêm túc làm cho ra nét cái chỗ này thì mình mới có hy vọng đây, cho dù bây giờ một ngày mình cũng chưa được 8 giờ cho đến 16 giờ đồng hồ nhưng cái sự thực hành của mình có sự nghiêm túc rõ ràng, bám sát mục tiêu ba tháng sau con sẽ như thế nào, chương trình hành động cụ thể ra làm sao, mỗi ngày những mục tiêu này con phải để ý, con phải đạt được trong ngày hôm nay và giữ được liên tục trong 90 ngày, phải ghi chép xuống cẩn thận.

Ví dụ trong đó có mục tiêu sáng phải dậy được 5 giờ. Vậy hôm nay dậy được mấy giờ? Dạ, hôm nay con dậy được 4 giờ 30. Tốt! Ghi xuống hôm nay mục tiêu này hoàn thành. Dậy được 4 giờ 30 nhưng 6 giờ không được ngủ lại nhé, ngủ lại là xong, cho nên không cho phép mình ngủ bù, ngủ phải có giờ thôi. Rồi 5 giờ dậy được ngày mai, ngày kia, ngày mốt, tới thứ sáu mệt quá thức dậy không nổi, 6 giờ kém mới dậy, dậy rồi ghi vào là tuần này con bị hai ngày con không dậy được lúc 5 giờ. Cuối tuần kết sổ tổng kết lại là mục tiêu mình đề ra trong ba tháng mình muốn chuyển biến cái bản thân mình. Tuần này có những mục tiêu này qua từng ngày con làm được cái này, cái này, cái này, có những cái này con làm không được, đánh dấu vào, rồi chụp hình gửi lên lớp, báo cáo cho mọi người biết quá trình con tu sửa bản thân.

Mình đưa lên mà mình không làm được nhiều thì mình cũng thấy xấu hổ đúng không? Nhưng chuyện đưa lên này sẽ giúp mình có quyết tâm, tuần một con thấy con cũng tệ thật như 5-7 mục tiêu con đưa ra con thấy con rớt hết 3-4 mục tiêu. Tuy nhiên, nhờ đưa lên như vậy mà mình có động lực qua tuần thứ hai mình quyết tâm nỗ lực hơn tuần thứ nhất đúng không? Vậy mình lại nỗ lực tiếp tục tuần thứ hai để ý mục tiêu nào hay rớt thì mình cố gắng tuần thứ hai mình phải tốt hơn. Cứ như vậy từng tuần, từng tuần đều có sự bám sát chặt chẽ với mục tiêu mình đề ra thì làm sao mà ba tháng mà không thành công được?

Mình chỉ không thành công khi nào mình không để tâm thôi đúng không? Không có sự quyết tâm, hay còn sĩ diện, hay vẫn còn làm theo ý mình. Mỗi ngày mình cần có sự miệt mài, cặm cụi ở trong chỗ này, ngày nào cũng phải ghi ra. Còn không thì như Ân Sư nói là tiến bộ của mình sẽ rất là chậm. Quả thật đúng vậy! Tám năm, mười năm rồi, thậm chí hơn mười mấy năm rồi mà giải hành của mình tiến rất chậm là do chính mình chưa có sự nhận thức này. Ân Sư nói nếu có thể đạt đến chỗ 16 giờ tu học thì ba năm đến năm năm là thành tựu rồi. Đây là chỗ đích đến của mình. Còn cứ bôn ba hết chuyện này đến chuyện kia, làm hết việc này đến việc nọ thì tâm nhất định là lao xao. Chỗ này là sự khai thị rất quan trọng để mình tự phản tỉnh vì thời gian của mình không còn nhiều nữa đâu.

Cho nên lộ trình của mình đi mình nên điều chỉnh lại để mình nắm bắt cơ duyên này. Đây gọi là nhìn xa, nhìn sâu, chứ không có nhìn gần. Cho nên Ngài mới nhấn mạnh chỗ Phước – Huệ song tu phải là một, chứ không phải là hai bằng cái ví dụ rất quan trọng, ngay cả chuyện hoằng pháp lợi sanh nếu công phu của mình chưa thành tựu thì đây chỉ là tu phước thôi, nên Phước – Huệ là hai sự việc không hợp chung được. Phước nhiều hơn Huệ rồi sau này đi hưởng phước ở đường nào không nói trước được. Cho nên chuyện mình chạy đông chạy tây, làm này làm kia mình xem lại coi mình có Phước – Huệ song tu được không, có thể là một hay không hay là hai?

Cho nên Ngài mới dạy là trong Phước làm sao có Huệ đây? Đó là không có lòng riêng tư. Cái này nghe có vẻ dễ hả? Nhưng làm sao phát huy ra được Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác. Đó là nói một cách rõ ràng đối với người niệm Phật làm sao giữ được câu Phật hiệu không bị xen tạp, không bị gián đoạn thì mới ra được cái Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác này. Còn mình có xen tạp, gián đoạn thì chưa ra được, sâu thẳm vẫn là hoài nghi, do nghi vẫn còn nên vẫn chưa thật nghe lời 100%, vẫn làm theo ý mình. Làm theo ý mình nghĩa là không tin tưởng lời dạy của Phật, Bồ Tát.

Hay nói cách khác, bạn vẫn còn nghi ngờ lời dạy của Phật, Bồ Tát. Bạn vẫn chưa áp dụng được thì bạn có cái nghi này, chưa rõ ràng, chưa tường tận. Rồi Ngài lại nhấn thêm một cái điểm để cho mình phản tỉnh là phải buông xả triệt để sự hưởng thụ danh vọng, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần trong quá trình tu phước, trong quá trình làm thiện. Cái này cũng không dễ đâu vì tâm phân biệt của mình rất mạnh, chấp trước cũng rất mạnh. Bài học hôm nay rất giá trị. Ân Sư rất từ bi. Khai ngộ là quan trọng, chứng quả là quan trọng, vãng sanh là quan trọng. Những thứ khác nhỏ nhặt lắm, đừng để tâm nhiều, tốt nhất là không để tâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *