Thông Minh Của Mình Giết Chết Tâm Chân Thành

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Thông Minh Của Mình Giết Chết Tâm Chân Thành: Phan duyên là tự mình nghĩ muốn cái này muốn cái kia, thì đó là không chân thành. Mình bình lặng quan sát xem cái muốn đó xuất phát từ đâu, có phải từ vọng tưởng của mình không?

Cho nên có nhiều lúc mình tưởng là mình đang làm chuyện tốt, mình giúp người ta thế này thế kia, giúp xong rồi người ta không trân trọng, người ta không có cảm ơn, thậm chí nhiều người bàn ra, phê bình cái chuyện mình làm, thì mình giận, là do mình phan duyên rồi mình tự chuốc lấy phiền não.

Chân thành là phát ra cái nguyện chúng sanh vô biên thề nguyện độ, đó là tâm chân thành. Mà đã là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, thì không có phân biệt chúng sanh nào, già trẻ, lớn, bé, chủng loại, tôn giáo.

Cho nên phát ra nguyện đó rồi, là phát tâm Bồ Đề. Và trong đời sống của mình, mình đủ duyên mình giúp được ai thì giúp, còn không thì mình niệm A Mi Đà Phật. Còn bây giờ đa phần mình chạy theo cái chuyện mình thích làm cái việc bên ngoài nhiều hơn là niệm A Mi Đà Phật, giờ đang ngồi ở nhà niệm Phật, chứ có ai rủ đi đâu đó là đi ngay.

Giờ mình đứng trước cái sự chọn lựa: bạn bè, huynh đệ tỷ muội rủ đi làm này làm nọ, so với việc ở nhà mình ngồi niệm Phật, thì mình thích cái nào hơn? Mình muốn cái nào hơn? Mình muốn đi ra ngoài hơn phải không ạ? hay là thích ở nhà niệm Phật?  Và mình có suy nghĩ cẩn thận về lời đề nghị của bạn mình,  xem bạn mình đề nghị như vậy là phan duyên hay đủ duyên rồi đây?

Nhiều khi chưa cần nghĩ hết là gật đầu liền luôn. Thậm chí là để mình cố gắng sắp xếp, có những việc mình đã hứa hẹn trước với người này người kia rồi, nhưng mà do mình thích cái việc này quá đi, mình thích người này quá đi, mình muốn đi với người này làm cái chuyện này quá đi. Cho nên mình hồi lại hết tất cả những cuộc hẹn mà mình đã hứa hẹn trước đây với người khác, để mình đi được với người này, đi sự kiện này, chung với đạo tràng này, chung với nhóm người kia, thì như vậy là mình có giữ chữ tín không?

Mình đã hứa với những người kia, bây giờ mình hồi lại để mình đi qua một cái chuyện khác. Vậy là mình bất tín rồi. Cho nên nhiều khi mình đi việc thiện là do xuất phát từ lòng tham, xuất phát từ cái yêu thích, cái sở thích của mình và từ cái tâm tham ái của mình. Nó dẫn dắt mình đi chứ mình đâu có thiện? 

Cho nên chư Phật, Bồ tát họ nhìn xuống mình thấy rất là rõ ràng, là cái việc mình làm hôm nay được bao nhiêu phước, chút xíu cũng không được, chỉ là thỏa mãn cái tham ái thôi, chưa kể đi ra ngoài thì cái khẩu nghiệp lại phát sanh, đủ thứ thị phi.

Vậy thì đâu có tốt bằng chuyện ở nhà niệm Phật? Do đó mình nhìn lại với cách tu, cách nghĩ như vậy, tu 10 năm, 20 năm, 50 năm, cũng là số 0. Mình chỉ chuyển đối tượng tham mà thôi, chuyển đối tượng ái mà thôi, chứ cái tham sân si của mình vẫn còn đầy đủ, thì mình thử hỏi cái tâm chân thành của mình ở chỗ nào? Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, nhưng mà mình quá phân biệt, người nào mình thích mình mới độ, người nào mình không thích sao mình độ được?

Cho nên rốt cuộc cái chuyện độ người của mình nó dựa vào cái thích và không thích của mình, thì mình vĩnh viễn vẫn là một phàm phu. Vì vậy độ chính mình trước là quan trọng bậc nhất, để cho đầu óc mình thông suốt, buông bỏ được cái chấp chước phân biệt của mình ra, buông bỏ sự cố chấp bảo thủ của mình ra.

Khi mà bản thân mình không còn cái sự phân biệt chấp chước, hoặc phân biệt chấp chước của mình ở một mức độ nhẹ, phiền não này nhẹ, thì mình nghe Kinh mình mới hiểu được. Bắt đầu từ đó mình mới bắt đầu hiểu, và hiểu rồi mình mới bắt đầu hành được.

Cho nên những người bắt đầu học Phật không cần phải thông minh, tại vì càng thông minh thì càng cố chấp, càng phân biệt. Vì mình nghĩ mình thông minh, càng khó dạy càng khó bảo, hay có mâu thuẫn thậm chí với sư trưởng. Còn những người không thông minh, chậm lụt nhưng được cái là họ chịu nghe lời, Ân Sư dạy sao họ nghe như vậy, hiểu một câu họ làm được một câu, mà họ làm thiệt, họ không phải biểu diễn, mà họ làm thật, họ tự biết họ ngu, họ thừa nhận luôn, họ tự biết họ chậm, đó là cái tốt của họ.

Còn mình thấy mình thông minh hơn họ, mình nghe mười lần mình thấy cũng khá, thậm chí một đoạn họ nghe 20 lần, 30 lần, họ biết họ chậm, họ phải nghe nhiều. Thậm chí sư huynh Cương nghe một đoạn, nghe cả tháng, con không biết nghe bao nhiêu lần, sư huynh Cương thừa nhận là mình nghe tới nghe lui, nó mới ăn sâu vào tâm thức của mình, thì khi đó nó mới chuyển hóa được nghiệp của mình.

Tại vì nghiệp cũng từ tâm mà sanh, bao giờ Pháp thấm sâu vào trong tâm thức thì Pháp đó mới trở thành Pháp của mình, thì mình chuyển được nghiệp của mình, chứ mà nghe 2 lần, 3 lần thì làm sao mà chuyển? Thậm chí nghe 10 lần như huynh đệ chúng ta đây, mình nghe xong rồi mình buông lớp ra mình còn nhớ được mấy phần? Qua ngày hôm sau nghe lại y như mới.

Nói thẳng ra thì mình chưa thật sự nghe lời Ân Sư, còn các bạn chậm chạp kia là các bạn nghe lời Ân sư, chính vì nghe lời nên mới có thể thành tựu, đó chính là hiếu học. Hiếu học là nghe lời và làm theo, chứ không có làm theo ý riêng của mình. Mình thì mình nghĩ theo ý mình thôi, và mình có những cơ sở, có những luận cứ để mình tin tưởng vào cách nghĩ của mình. Do vậy chân thành là phải thật nghe lời.

Chân thành như vậy với loại người thông minh như mình thì quá khó rồi, vì mình chưa thật nghe lời, cho nên thông minh thì bị thông minh hại! Đời này lại không thể thành tựu!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *