BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Buông Bỏ Tình Chấp Để Yêu Thương Bình Đẳng: Hôm nay Thầy Thái cũng nói là mình cần phải có cái tâm lễ kính với thời gian của mình. Một ngày mình chỉ có bao nhiêu đó tiếng đồng hồ. Nếu mà số mạng của mình chỉ còn 3 năm nữa thôi thì mình sẽ học Phật như thế nào?
Giờ mình phân bổ thời gian của mình như thế nào? Cái Pháp hành nào hợp với mình nhất thì mình cần nắm bắt để đầu tư thời gian vào cái chỗ đó cho rốt ráo. Uu tiên số 1 chính là câu Phật hiệu. Sau đó đi trực tiếp vào trong cái pháp hành mà giúp cho mình có thể tăng trưởng được cái tín nguyện hạnh đối với pháp môn Tịnh độ.
Đi vào trong trực tiếp cái pháp hành mà giúp cho mình tháo gỡ được cái sự dính mắc của nội tâm, của tâm trí, của tư tưởng trong đời sống hằng ngày để mình kịp thời buông ra. Vì mình không buông ra được những cái dính mắc này thì mình không có vãng sanh nổi, vì nó chính là cái chỗ kéo mình ở lại.
Những người đã thành tựu, họ lấy cái kinh nghiệm của họ thực chứng rồi. Ngài Quảng Khâm lúc chưa vãng sanh, Ngài nói rất rõ ràng: Nếu bạn còn lưu luyến một thứ gì đó ở thế gian này. Dẫu là một cọng cỏ thôi nha. Nhỏ xíu vậy thôi đó! Là bạn cũng không thể vãng sanh được rồi. Lưu luyến một tí vậy thôi đó. Bây giờ mình lưu luyến bao nhiêu thứ?
Cho nên nghe pháp để mà thấu rõ được sự dính mắc của mình. Nó cũng quan trọng không kém với việc tăng trưởng tín nguyện hạnh. Vì chính những sự dính mắc này thật ra nó đang làm giảm sút cái tín nguyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc của mình. Mình mê ngay trong cái thấy biết của mình với cái thế gian này. Mình yêu người và sự vật ở đây quá mức. Quá mức cần thiết! Ngay cả Cha Mẹ cũng vậy. Yêu Cha Mẹ quá mức cần thiết thì sao mà vãng sanh?
Giống như trong Kinh Địa Tạng nói rõ: Khi mình lâm chung, công phu chưa đắc lực thì cái ái của mình dành cho Cha Mẹ rất mạnh. Bản thân mình có rất nhiều trăn trở khi Cha Mẹ lúc còn sống. Chưa làm được cho Mẹ cái này, chưa làm được cho Ba cái kia. Thương nhớ Ba Mẹ các kiểu, thì khi đó Cha Mẹ sẽ hiện ra. Cha Mẹ hiện ra mình thấy vậy cái mình đi theo.
Thì trong Kinh Phật nói đó không phải là Cha Mẹ thiệt của bạn. Đó là oan gia trái chủ. Nhưng mà mình không để ý, mình cứ tận hiếu theo cái kiểu cảm tình đó, đẩy cảm xúc lên, mê lúc nào không hay. Vô tình cái hiếu của mình nó tăng trưởng cái tâm luyến ái, vì nó có cảm xúc quá mạnh ở trong đó.
Chỗ này là các bạn nữ phải để ý! Bạn Tuyết Nga phải để ý. Thấy báo cáo vẫn còn xúc động nhiều khi nhắc đến Mẹ. Làm sao mà khi mình báo cáo, làm sao càng ngày cái cảm xúc của mình đối với Mẹ, nó có nhưng mà nó nhẹ nhàng hơn. Càng ngày nó càng phải dịu nhạt đi. Thấy Mẹ với Bà Cụ ở ngoài đường giống nhau. Đó là hướng đến cái chỗ BÌNH ĐẲNG. Chăm sóc đúng cái nhu cầu của họ trong đúng cái hoàn cảnh của họ. Họ cần gì mình giúp cái đó.
Họ ăn không được. Thí dụ mình đưa cho họ ăn một chén cơm. Họ chỉ ăn được 2 muỗng cơm. Mình cũng thấy tùy hỷ được với 2 muỗng cơm đó. Chứ không có cái chuyện là thấy Mẹ ăn không hết chén cơm, chỉ ăn được có 2 muỗng thôi, mình ngồi đó lại ray rứt, lại buồn, lại khóc. Thương Mẹ sao Mẹ hổng ăn được thế này, thế kia…Rồi ứa nước mắt!
Nhưng mà mình cầm cái tô cơm đó mình đút cho một Bà Cụ. Bà Cụ ở trại dưỡng lão. Bà Cụ không ăn được hết chén cơm đó, chỉ ăn được có 2 muỗng cơm thì giờ mình sao? Thôi bà hổng ăn nữa phải không? A MI ĐÀ PHẬT. Giờ con cất đi nha. Rõ ràng giờ cất đi chứ làm sao? Mình dùng cái tâm đó đối với Mẹ đi. Giờ Mẹ ăn nổi nữa không? Thôi tao no quá! Hổng ăn đâu, hổng ăn đâu! Dạ vậy thôi! Con cất đi nha. khi nào Mẹ đói thì mình đút cho Mẹ ăn tiếp.
Mình biết Mẹ ăn 2 muỗng thì một lát Mẹ sẽ đói thôi. Thì 2 tiếng sau, mình quay ra mình chăm Mẹ tiếp, đút cho Mẹ ăn tiếp. Giống như chăm em bé vậy đó! Ngày ăn 8 cử. Đúng không? Ngày xưa mình có con mình biết chứ gì. Đút cho nó ăn dặm đó. Một ngày ăn mấy bận. Làm gì mà ăn được giống như người lớn mà ăn 3 ngày bữa cố định được chứ! Ngày phải 5, 6 cử luôn đó. Nhiều khi nửa đêm dậy. Nó khóc nó đòi bú rồi cho nó bú. Bú xong nó ngủ ngon lành.
Cho nên bây giờ mình làm sao mình dùng cái tâm thái bình đẳng này để mà lễ kính, hiếu thảo Ông Bà Cha Mẹ, các bậc Trưởng bối là giống nhau. Dùng một tâm thôi. Chỉ có dùng một tâm thì mới có thể giải thoát. Bạn dùng 2 tâm, bạn không thể giải thoát được. Vì bạn có dính mắc. À đối với người này tại vì là Cha Mẹ ruột của mình. Mình thương quá nên là mình có cái tâm thương quá này. Còn đối với Cha Mẹ chồng thì cái tâm thương này nó giảm xuống một chút. Nó còn là tâm B. Đúng không? Bên thì tâm A, bên thì tâm B.
Đi ra ngoài đường thì thấy người này người kia, thấy khổ cũng thương, nó qua thành tâm C thì 2 tâm 3 ý quá chừng rồi. Cho nên hôm nay mình học nền tảng của Pháp Giới Phổ Hiền đó chính là tâm bình đẳng. Mình phải nắm cái cương lĩnh đó. Lễ kính là bình đẳng. Xưng tán là bình đẳng. Phải phát huy ra được cái tâm bình đẳng. Làm thế nào phát huy ra tâm bình đẳng?
Niệm Phật đi, Niệm Pháp đi! Để mình thấu rõ cái thấy biết của mình là sai lầm, là có dính mắc, có luyến ái riêng tư của cá nhân mình. Bây giờ mình nói mình thương Mẹ mình vậy, còn Cha Mẹ ở kiếp trước thì sao? Dồn hết vô cho Cha Mẹ hiện tại. Bây giờ mình nghĩ lại Cha Mẹ quá khứ thì sao? Ông Bà Nội, Ông Bà Ngoại đã ra đi rồi thì sao? Trên Ông Bà Nội còn có Cha Mẹ của Ông Bà Nội, Ông Bà Ngoại, mình lo cho họ, thương yêu họ như thế nào?
Niệm Phật đi! Thành tựu bản thân chuyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc đi, thì báo hiếu bình đẳng hết. Không ai mà không có lợi. Cửu huyền thất tổ sanh Thiên. Là bình đẳng luôn! Sanh Thiên hết. Chứ hơi đâu mà ngồi chăm bẵm vô một cái tình ái nào đó, cho một đối tượng nào đó, mà đánh mất cái phần vãng sanh của mình? Có phải mình dại khờ không? Có phải mình mê muội không?
Cho nên ai thương mình, tình chấp như thế nào là chuyện của người ta. Chồng thương mình ra làm sao là chuyện của chồng. Con thương mình ra sao là chuyện của con. Cha Mẹ thương mình ra sao là chuyện của Cha Mẹ.
Tâm mình vẫn chỉ có một. Không bị cái tình cảm của người ngoài mà làm thay đổi tâm tánh của mình. Thì lúc đó mình chạm đến chỗ là gì? Tâm chỉ có một. Cái tâm đó không bị thay đổi bởi bên ngoài. Tâm đó chỉ một tâm, cũng gần với chân tâm. Vì nó không biến đổi. Không biến đổi theo cảm xúc của mọi người. Mọi người đối với mình ra sao mình cũng chỉ có một tâm yêu thương bình đẳng như nhau.
Gắng luyện cái tâm đó. Luyện cho ra cái tâm đó. Cái tâm đó ai cũng có hết. Niệm Phật phải niệm cho ra cái tâm đó. Tu Thiền cũng phải tu cho ra cái tâm đó. Cái tâm đó phải sáng nên gọi là “minh tâm” rồi sau đó mới “kiến tánh”. Cái tâm bình đẳng đó. Nó phải thường trực, nó phải chiếu soi. Chỉ có cách là niệm Phật thôi. Bền bỉ câu Phật hiệu, chuyên nhất trên câu Phật hiệu, miệt mài trên câu Phật hiệu thì sẽ ra được cái tâm đó.
Ra được cái tâm lễ kính bình đẳng với mọi người thì không cần phải suy nghĩ gì đến những cái linh tinh nhỏ nữa. Nhỏ lớn giờ giống nhau. Vì bình đẳng rồi cho nên bạn đối xử với một bạn nhỏ hay đối xử với một bậc trưởng bối lễ kính cũng dùng một tâm đó. Nhưng trong cái duyên này, bổn phận mình ở cái vai trò nào mình biết rất rõ ràng. Mình có thể ứng xử rất phù hợp. Thì đó là Giác, Bình Đẳng Giác.
Cho nên mình phải rất là nhạy đối với cái cảm xúc của mình. Phải tập nhạy bén với cái cảm xúc trong lòng của mình khi nhận được sự thương yêu của mọi người. Cho đến nhận được cái sự không thương yêu của mọi người, bực bội khó chịu đối với mình.
Phải nhạy bén đối với cảm xúc ở bên trong mình, để mình nhanh chóng bình ổn nó lại bằng chính câu Phật hiệu, bằng chính cái pháp mình được nghe thẩm thấu. Không bám vào cảm xúc mà từ trong pháp ra được lý trí. Trong lý trí xử lý được cảm xúc, xử lý mọi sự đều thấu tình đạt lý. Thì đây là mình phát huy ra được cái trí huệ căn bản từ chân tâm của mình.