Niệm Phật vs. Tình Chấp

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Niệm Phật vs. Tình Chấp: Mình niệm Phật nhưng chưa thực sự tin vào sự sắp xếp của Đức Phật vì mình niệm Phật mà vẫn còn mong cầu. Mình muốn sau này mình sẽ được thuận lợi, hạ cánh an toàn khi mình về tuổi già. Rồi mình nghĩ thử mình niệm Phật là vì ai? Cái vì ai đó chính là tình chấp của mình

Ban đầu xuất phát từ tình chấp mà niệm Phật và khi nhập tâm vào câu Phật hiệu thì tình chấp đó tự nhiên rơi rụng. Còn nếu niệm Phật mà tình chấp còn hoài thì mình coi chừng nhé.

Ví dụ khi mình niệm Phật mà mình vì mẹ mình, vì ba mình, vì cái người mình yêu thương mà thúc đẩy mình niệm Phật, thậm chí họ cũng có tu đạo và khuyến tấn mình niệm Phật, mong muốn mình niệm Phật. Vì mẹ con niệm Phật đây, nhưng khi tiếp xúc lại với họ thì mình xem cái tình chấp của mình có phai nhạt theo thời gian hay không?

Mình thấy mình trộn rộn, hay lo lắng cho họ, nhớ tới họ hoặc khi họ có chuyện gì thì mình thường xuyên nghĩ, muốn làm này làm kia cho họ. Nói chung, họ vẫn thường trực ở trong tâm mình thì vẫn còn tình chấp. Chuyện lấy tình chấp làm động lực ban đầu để mình niệm Phật không có gì sai. Tuy nhiên, theo thời gian nếu mình vẫn còn giữ hình ảnh của những đối tượng mà mình thương yêu ở trong lòng, và lấy đó để niệm Phật thì đó là chướng ngại của mình.

Mình phải làm sao trong tâm mình không còn một ai hết, chỉ còn câu Phật hiệu, chứ vừa dứt câu Phật hiệu thì mình liền nghĩ tới người đó, rồi muốn chăm sóc, muốn thương yêu, muốn quan tâm. Nếu người đó đáp ứng được cái mong đợi của mình thì mình vui, mình hoan hỷ, tình cảm mình lại dạt dào. Nếu người đó lạnh nhạt với mình hoặc không đối xử với mình tốt như mình mong muốn, không quan tâm đến mình thì mình lại thấy hụt hẫng, buồn rầu, thậm chí là sân si.

Cái này là cái mình phải đấu tranh mỗi ngày vì con người mình ai cũng có cái tình chấp, đặc biệt là các bạn nữ. Cho nên tình chấp sẽ phá vỡ công phu niệm Phật của mình một cách âm thầm, kín đáo, len lỏi vô câu Phật hiệu. Ví dụ người đó thương mình và nói: Hôm nay, em niệm Phật được bao nhiêu? Ráng lên 10 ngàn câu đi. Mình niệm Phật được như vậy thì chắc ảnh vui lắm. Và ảnh vui thật và mình cũng thấy vui cho nên có lúc mình sẽ niệm Phật để cho người đó vui.

Nếu mình niệm Phật là để cho ai đó vui, thì không thực sự xuất phát từ tâm nguyện cầu sanh Cực Lạc của mình, là trậc lấc hết! Vì không tương ứng với cái Tín – Nguyện cầu sanh Cực Lạc, do mình gắn kết với một đối tượng nào đó. Cho nên, mình sẽ cùng với người đó chia sẻ, cùng với người đó thế này, thế kia. Thực ra, trong tâm bạn dính toàn bộ hình ảnh của người đó, chứ bạn không có dính gì đến Phật A Mi Đà.

Phật A Mi Đà chỉ là cái cớ thôi để mình kết nối với người đó cho sâu sắc hơn thôi.

Cho nên chuyện niệm Phật trở thành cái duyên để mình tăng trưởng ái căn. Mình thấy chồng mình, thấy con mình, chị em mình niệm Phật chung với mình thì mình vui quá, hạnh phúc quá. 

Mình phải giật mình ở chỗ đó, vì niệm Phật là chuyện riêng của mỗi người, không nên dính dáng đến ai cả. Mình niệm Phật là phải vì mình, vì chuyện cầu sanh Cực Lạc của mình. Còn duyên niệm Phật chung với người này, người nọ là mình không khởi ý luôn. Có thì niệm chung và khuyến tấn nhau một chút thôi nhưng phải có sự cảnh giác, coi chừng dính tiếp vô cái chuyện tăng trưởng “ái căn”.

Tinh thần tu hành giải thoát là phải tự lực, tự mình niệm Phật tự mình thành tựu, không có sự liên kết với bất kỳ người nào, ngay cả Thầy của mình, chỉ là một đường dây liên kết duy nhất giữa mình và Đức Phật A Mi Đà, ngoài ra không có đường dây nào khác, không có đường dây nào chắp chắp nối nối vô đây hết, cha mẹ cũng không, thì các bạn niệm Phật mới vô tới chỗ nhập tâm được.

Còn các bạn Niệm Phật mà tâm hướng đến một ai, hay kết nối với một ai đó thì thua, làm sao mình gọi được tới Đức Phật A Mi Đà trong khi tâm mình đang bị sao nhãng như vậy, có đối tượng thứ ba, thứ tư gì đó đang hiện diện một đống trong đó.

Nếu mình trong một đạo tràng niệm Phật tu tập với nhau thì mình cũng phải giữ khoảng cách, là ai lo chuyện người đó thôi, không nói chuyện với người khác, đến thời công phu lên là công phu, vô là niệm Phật, niệm Phật xong là đi xuống, hồi hướng xong là xong, xong thời đó là ai lo chuyện đó. không nói chuyện, hỏi han với bất kỳ người nào. 

Mình thì rất chộn rộn, lo cho người này chỗ này, lo cho người kia chỗ kia, nói hết chuyện này rồi nói tới chuyện khác. Đại Sư Ấn Quang dạy: “Hãy xem mọi người là Bồ Tát”. Cái chỗ này mình phải hiểu thực tiễn cho nó đúng. Mình là phàm phu thì những người xung quanh là Bồ Tát, thì hãy để Bồ Tát lo việc của Bồ Tát, phàm phu đừng có nói chuyện với Bồ Tát.

Phàm phu đi lo chuyện của phàm phu, đừng có góp ý cho Bồ Tát phải thế này, thế kia, đừng có nói chuyện Đông Tây với Bồ Tát. Khi nào mình là Bồ Tát thì mình mới nói chuyện với Bồ Tát. Còn bây giờ mình làm phàm phu thì mình phải lo niệm Phật. Cho nên mọi người xung quanh là Bồ Tát thì không cần mình độ họ, không cần mình quan tâm đến họ. Chỉ có Bồ Tát quan tâm đến phàm phu, chứ phàm phu lấy cớ gì quan tâm đến Bồ Tát? Bồ Tát có thể tự lập được rồi.

Cho nên từ trong tâm mình phải chặt đứt hết dính mắc, đeo mang với người này, người kia từ trong tư tưởng. Còn không, dù bạn niệm 10 ngàn câu Phật hiệu thì đối tượng đấy vẫn len lỏi trong tư tưởng của bạn thì 10 ngàn câu Phật hiệu đó gãy đứt hết, không tạo ra được công đức mà chỉ là bao phủ ái căn của mình thôi. Cho nên chuyện này không được gì đâu, nên mình phải hiểu chỗ này.

Nếu mình còn ái căn nặng thì trên bước đường tu tập mình phải nhìn cho ra để điều chỉnh lại. 

Nếu mình nói mình tu cùng người khác để nương vô lực của người khác thì là mình không tin Phật. Miệng thì nói nương tựa vào A Mi Đà Phật, nương tựa vào Đại nguyện của Ngài. Vậy nương tựa vào người khác làm cái gì? Mình đâu có chịu đặt trọn niềm tin của mình, sự nương tựa của mình vào Đức Phật A Mi Đà mà mình phải nương tựa vào người A, người B, người C, người D?

Mình không tin tưởng vào chính bản thân mình. Mình không tin là mình đủ sức nương tựa vào Đức Phật A Mi Đà sao? Mà đã nương tựa thì cần gì phải có sức! Cứ nương tựa thôi! Đặt niềm tin vô Ngài thì nương tựa hết vô Ngài thôi, cần gì phải suy nghĩ là con không đủ sức niệm Phật một mình. Đã là nương tựa thì không cần đến sức của mình, cứ nương tựa, đặt hết tâm vô câu Phật hiệu là nương tựa. Chuyện này mình làm được mà.

Cho nên, mình nhất định phải nhìn cho sâu vào trong tâm của mình, để mình biết được là mình niệm Phật mà có đang dính mắc vào đối tượng nào nữa hay không? Nếu còn thì phải xả sạch, đừng để nó len lỏi trong tâm thức mình nữa. Còn không mình uổng phí. 

Niệm Phật có vọng thì cứ niệm thôi, không phải là tình chấp. Nó đến một lúc thì nó sẽ tan nếu mình không để ý nó. Nếu mình để ý nó thì nó lại càng tăng trưởng nhiều lên. Cho nên vọng tưởng nhiều, lo lắng nhiều, lo nghĩ Đông Tây nhiều, trong quá trình niệm Phật thì mình cứ lờ đi.

Như con báo cáo ban đầu là lấy tình chấp để thúc đẩy việc niệm Phật thời gian đầu không có gì sai cả, nhưng mình phải xả nó. Giống như một người lực đạp xe còn yếu khi lên dốc thì phải có một người ở dưới đẩy cho mình đi lên. Nhưng đi một lúc thì cái chân mình khỏe do đi quen rồi, thì mình đâu cần người ta phải đẩy, bỏ tay ra, tự đạp được rồi. Như vậy mới được chứ!

Cho nên mình cần phải nhìn cho rõ là mình tu đến giai đoạn này rồi, không phải là người sơ cơ, mà cần phải ủng hộ thế này, thúc đẩy thế kia, bây giờ phải tới chỗ buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, giờ mình phải ở chỗ đó rồi, không còn ở chỗ ban sơ nữa, mà phải nương vào cảnh, nương vào người, nương vào sự, nương vào vật, để mong cầu cái này hoặc tưởng nhớ cái kia. 

Ở trong thế gian này, lấy tình ái của mình hoặc lấy đối tượng này, đối tượng kia để làm động lực cho mình niệm Phật. Giờ là lúc mình phải buông bỏ, tự mình phải nỗ lực niệm Phật. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *