BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Tâm Yêu Thương Cần Mở Rộng Bình Đẳng: Mình cần phát huy ra được cái tâm yêu thương Mẹ mình bình đẳng. Bây giờ mình đã học đến giai đoạn này thì mình cần biết điều chỉnh các cảm xúc của mình, thì mới phát huy ra cái tâm yêu thương bình đẳng. Không phải nói là bây giờ mình yêu Mẹ mình nhiều hơn yêu con mình. Mà là yêu như nhau.
Tình thương là giống nhau, là một tâm thôi. Tâm yêu thương này là bình đẳng. Chư Phật Bồ Tát yêu thương tất cả chúng sanh là bình đẳng. Nhưng mà do chúng sanh có chấp trước, có phân biệt. Cho nên các Ngài mới nhấn mạnh là gì: “Hãy xem tất cả người nam là Cha ta, hãy xem tất cả người nữ là Mẹ ta”. Tại vì trong tâm của một con người phàm tục, cái tình thương mà biểu lộ rõ nhất là đối với Cha với Mẹ.
Đây là phàm phu mình trực tiếp cảm nhận được. Họ biết, à cái đó là cái chỗ phát huy. Bây giờ phải phát huy rộng ra với tất cả người nam và tất cả người nữ, là dùng cái tình thương đối với Cha Mẹ phát huy ra. Vậy thì đối với con mình, mình cũng dùng cái tình thương đó. Đối với đồng bào của mình, mình cũng dùng cái tình thương đó. Đối với các Chư vị ở trong đường súc sanh, mình cũng dùng cái tình thương đó.
Đó là Phật, đó là Bồ Tát. Các Ngài có tình thương bất biến. Mình gọi là Từ Bi. Chứ không phải là Mẹ mình thì thương nhiều hơn, mẹ là yêu nhiều nhất. Cho nên cái mùa đại lễ Vu Lan này. Mình cần mở rộng tâm lượng của mình hơn. Mẹ mình là đại biểu cho tất cả chúng sanh. Hướng đến Mẹ để mà hành lễ báo hiếu là: Mẹ đứng đó, ngồi đó đại diện cho tất cả chúng sanh. Chứ không phải chỉ là Mẹ của mình thôi.
Nếu xem Mẹ chỉ là Mẹ của mình thôi thì cái tâm lượng của bạn chỉ có chút tẹo đó thôi, là chỉ gói gọn cho 1 cá nhân. Mà mình cần nên xem Mẹ mình, Cha mình trong cái mùa Vu Lan này chính là đại diện cho tất cả chúng sanh, cho vô lượng Cha Mẹ trong đời quá khứ của mình. Bây giờ tới đời hiện tại, có Cha có Mẹ ngay trước mặt thì mình tri ân báo ân hành lễ “tam quỳ cửu khấu”, hay bất kỳ một lễ nghi nào khác mà các bạn có thể làm được, thì đều là hướng đến tất cả Cha Mẹ trong thiên hạ.
Thông qua hình tướng của Cha Mẹ hiện đời, Cha Mẹ của mình làm đại diện. Làm sao mà mở ra được cái tâm lượng đến mức đó. Chứ không thôi là cứ khóc lóc bù lu bù loa. Rồi nhớ đến lỗi lầm của con ngày xưa, con làm bao nhiêu chuyện trong quá khứ, con làm Mẹ buồn các kiểu. Đó là lúc ban đầu. Lúc ban đầu thì các bạn có thể dùng cảm xúc. Các bạn có thể nhớ chuyện này nhớ chuyện kia, và các bạn chỉ gói gọn tâm hiếu trong một đối tượng thôi.
Bây giờ các bạn phải lên lớp. Các bạn học pháp của Ân Sư mà các bạn không lên lớp thì làm sao các bạn làm chủ được cái cảm xúc này? Cho nên trong cái hiếu mà có cái “ái căn” nó tăng trưởng lên thì làm sao tới lúc lâm chung mình niệm được câu Phật hiệu? Mà dứt trừ được ái căn để thấy được Đức Phật A Mi Đà? Nếu mà mỗi ngày cái ái căn đó nó lại tiếp tục phát huy, nó hiện ra liên tục. Đến lúc lâm chung thì sẽ hiện ra Cha, hiện ra Mẹ, hiện ra con, hiện ra chồng, hiện ra đủ thứ người mà mình thương yêu, chứ đâu hiện ra Phật? Tại vì ái căn của mình mạnh quá!
Cho nên qua cái phần chia sẻ của bạn Bích Nhị, thấy rõ là cảm xúc của bạn đối với Mẹ của mình vẫn mạnh lắm. Bạn sẽ cần nỗ lực nhiều lắm để mà vượt lên cái sự cảm xúc này. Mà hôm nay Ngài dạy mình là gì: Lặt rau cũng phải niệm Phật, làm cái gì tay chân cũng phải niệm Phật. Bây giờ Mẹ mình đi bộ được thì mình hướng dẫn bà. Bây giờ Mẹ đi bộ cùng với con, hai mẹ con mình cùng niệm Phật nhẹ nhẹ nha. Mỗi bước chân là một cái chữ Phật hiệu nha.
Rồi mình nắm tay mình dìu Mẹ đi, hai mẹ con nắm tay nhau…A MI ĐÀ PHẬT. Mẹ mình bước chậm mà, cho nên mình cũng niệm chậm theo từng bước chân với Mẹ. Và mình cũng nói là: À! Mẹ có mệt thì Mẹ nói con nha. Mình nghỉ! Rồi sau đó mình về. Nếu mà Mẹ mệt thì Mẹ ngồi nghỉ. Rồi con có mang nước cho Mẹ uống. Có nghĩa là mình từng chút, từng chút mình để ý đến Mẹ mình. Chứ không có áp đặt là Mẹ đi với con, Mẹ niệm Phật nè…A MI ĐÀ PHẬT. Vì bà cũng đã biết niệm Phật rồi.
Bà cũng tin tưởng niệm Phật chứ không phải là không. Cho nên mình gợi ý bà niệm Phật chung với mình là hợp lý, hợp tình. Cho nên bà sẽ niệm theo. Mình có thể áp dụng được. Sư Phụ dạy là: Lặt rau phải niệm Phật. Thì bây giờ đi bộ mình nên gợi ý Mẹ niệm Phật. Rồi Mẹ có mệt, Mẹ ngồi nghỉ ở băng ghế đá trong công viên. Bây giờ Mẹ có mỏi chân không? Đi nãy giờ chắc mỏi chân nhỉ? Rồi bây giờ để con bóp chân cho Mẹ một chút nhé. Mẹ ngồi yên đấy. Đây Mẹ duỗi chân ra, đây con bóp chân cho Mẹ đây.
Là mình ngồi mình bóp chân cho Mẹ cũng là…A MI ĐÀ PHẬT. Giống như bạn Trung Phước có báo cáo. Tập vật lý trị liệu với Mẹ, mà Mẹ đã có duyên với câu Phật hiệu rồi thì bây giờ mình tập cho Mẹ mình cũng là…A MI ĐÀ PHẬT. Hôm nay Bác sĩ dặn Mẹ nè. Mình phải tập cái bài này. Tay phải nhấc lên 12 lần, tay trái nhấc lên 12 lần là mình niệm Phật nha Mẹ. Niệm Phật theo cái cử động của Mẹ. Nhấc lên nè…A MI ĐÀ PHẬT một lần. Hạ xuống nha! Nhấc lên lần 2 …A MI ĐÀ PHẬT.
Đó! Thì mình niệm chậm vậy cái Mẹ nhép môi niệm theo. Mẹ nằm thì Mẹ niệm nhép môi theo con thôi. Đó! Bây giờ con niệm thành tiếng thì Mẹ cứ nhép môi hoặc là Mẹ lắng nghe con niệm nha…A MI ĐÀ PHẬT…một. A MI ĐÀ PHẬT…hai. Rồi đủ 12, qua tay phải, tay trái xong rồi. Tiếp tục A MI ĐÀ PHẬT… Xong rồi! Giờ mình xuống dưới chân nè Mẹ, rồi cũng A MI ĐÀ PHẬT. Đó! Ngày nào cũng vài lần, tập mấy cái động tác như vậy. Cứ mỗi lần tập là mỗi lần niệm Phật.
Đó chính là mình đang nói đến cái chỗ giúp cho người khác nghe được câu Phật hiệu, thì cũng góp phần vào trong việc xiển dương Tịnh Độ. Mà cái xiển dương này của mình là gì? Là thông qua cái hiếu hạnh của một người con. Chứ không chỉ có gào lên là: Mẹ ơi, Mẹ niệm Phật đi! Mẹ niệm Phật đi. Sao Mẹ rảnh vậy Mẹ không niệm Phật? Phải thông qua hiếu hạnh Mẹ sẽ cảm động, Mẹ mới niệm Phật. Chứ đừng kêu Mẹ niệm Phật suông.
Phải có hiếu hạnh, hiếu tâm. Thì mình mới đưa câu Phật hiệu cho Mẹ. Mẹ mới cảm thấy là cái này thì tốt. Vì con mình tốt. Còn mình mà cứ gào lên: Mẹ niệm Phật đi! Sao Mẹ hổng niệm Phật. Đó là mình làm Mẹ mình cảm thấy là bất nhẫn. Nó chỉ được cái miệng thôi, thích áp đặt cho người khác. Nó khỏe như thế thì nó nói sao mà chả được. Nó không có biết là mình đang mệt gần chết đây. Bắt mình niệm Phật cái gì.
Nó có giỏi thì nó đến đây. Nó nằm vô cái vị trí của mình đi. Xem nó có niệm nổi không. Hay là bây giờ mình cần nó bóp tay bóp chân cho mình mà nó không bóp. Nó cứ kêu gào lên bắt mình niệm Phật!
Mà phải ngay trong hiếu hạnh, hiếu tâm của mình đối với Cha Mẹ hiện đời để xiển dương Tịnh Độ ngay trong gia đình của mình. Thì đó là cái chỗ mà con nghĩ ai cũng có thể làm được. Nếu mình để tâm, mình muốn làm, thì nhất định mình sẽ làm tốt. Cho nên Quảng An cần phải để ý đến Mẹ nhiều hơn. Mẹ mệt rồi phải không? Mẹ mỏi chân rồi phải không? Mình phải nắm được cái tâm lý, sức khỏe của Mẹ thông qua cái nhíu mày, thông qua cái hơi thở hổn hển, thông qua cái nét mặt của Mẹ là mình phải biết:
À! Mẹ mệt rồi. Thôi Mẹ ngồi nghỉ nhé! Để con bóp chân cho Mẹ chứ không phải nói là Mẹ giỏi hơn con, Mẹ chiều theo ý con. Thì mình vẫn là trung tâm. Con con con…cái gì cũng con không! Thế Mẹ đâu? Phải để Mẹ làm trung tâm chứ. Mẹ mỏi chỗ nào? Mẹ mệt chỗ đâu? Xong rồi về nhà. Hôm nay Mẹ đi với con chắc Mẹ cũng hơi mệt. Bây giờ Mẹ ngồi đó đi. Con ngâm chân cho Mẹ. Vô làm cho Mẹ thau nước ấm cho Mẹ ngâm chân. Đổ thêm ít muối hột vào. Ngâm chân rất tốt sau khi mình đi một chuyến đi dài. Đi bộ mỏi chân rồi ngâm chân.
Thì mình phải nghĩ ra được những cái chỗ đó. Nghĩ tới những cái chỗ đó. Đó là niệm Phật! Vì không có vị Phật nào không làm như vậy khi mà còn Mẹ. Khi mà trong hoàn cảnh đó đều là tận hết sức để mà nghĩ cho Mẹ, nghĩ cho Ba. Chứ không nghĩ cho mình. Chứ còn trong bài báo cáo cứ con con miết thì thôi, cuối cùng chỉ có con làm trung tâm thôi. Cho nên cái này mình cần chuyển cái tâm mình để nó đi sâu hơn vào trong cái tâm hiếu, mà đặt Mẹ làm trung tâm, hiểu tâm tư của Mẹ, quan tâm đến Mẹ một cách rõ ràng hơn. Thật ra bạn đã làm tốt rồi đấy. Nhưng vẫn còn có thể làm tốt hơn nữa cho những lần sau.