BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Muốn Thành Tựu Phải Quyết Tâm Sửa Đổi Tập Khí: Mình niệm Phật mà mình vẫn còn ôm nhiều thứ ở trong tâm quá. Nhiều thứ quá! Mình đều là những người đang hướng về cái chuyện cầu giải thoát thì điều đầu tiên phải nắm cho rõ cái tâm của mình xem coi nó còn dính mắc chỗ nào để mà quyết liệt xử lý nó. Buông nó đến sạch sẽ cái chỗ dính mắc đó
Con có một Sư Muội đồng tu, học chung với con cũng một thời gian bên nhà Tỷ Lan. Thì Sư Muội quyết tâm lắm nhưng bạn ấy có một cái sở thích mà không bỏ được. Đó là cầm cái điện thoại rồi thì cứ thích lướt tới lướt lui xem cái này, xem cái nọ. Sư Muội thấy cái chuyện này nó không ổn. Không ổn một chút xíu nào đối với một cái người niệm Phật phát Bồ đề tâm cầu sanh Cực Lạc.
Mà còn cầm cái điện thoại còn vuốt vuốt lên coi hết tin này tới tin kia, youtube, facebook rồi tùm lum thứ trong cái điện thoại đó. Cho nên Sư Muội mới quyết tâm bỏ. Mà cái quyết tâm của Sư Muội này phát ra. Đây con báo cáo lại để cho các Cô Bác Huynh Đệ mình tham khảo cái sự quyết tâm này. Thường thì mình muốn bỏ cái này thì mình sẽ phát nguyện kiểu là: Con sẽ hứa con bỏ, hổng xài nữa. Nhưng mà cái bạn này, bạn lên lớp bạn nói là: Bây giờ con quyết tâm, con bỏ không xem mấy cái linh tinh này. Nếu mà con tái phạm, nếu con còn cầm cái điện thoại, con xem bất kỳ cái gì con sẽ đọa địa ngục.
Ở đây có ai dám phát nguyện vậy không? Nếu con còn khởi ý niệm muốn xem cái này con sẽ đọa địa ngục. Nguyên cái đạo tràng tụi con nghe xong im lặng như tờ hết! Giống như các Cô Bác Huynh Đệ mình lúc này vậy. Mà Cô này cổ nói xong cổ làm được. Mà tính tới thời điểm này. Cái chuyện tu hành của cổ vượt hơn rất nhiều, chỉ là nhờ chỗ phát tâm này. Nhưng mà cái cô này kể từ lúc cổ phát nguyện cái đó là cổ đi một mạch.
Ngay cả cái thân này của cổ, cổ còn không có suy nghĩ nhiều đến nó nữa. Câu Phật hiệu lúc nào cũng giữ trong tâm. Giữ cái tâm này khinh an đến độ mà bị tai nạn nha. Xe tông, tông mạnh, cái mặt sưng to biến dạng mà cổ không thấy đau, cổ vẫn niệm Phật. Rồi cổ ở nhà cổ niệm Phật.
Cổ nói là nghe lời Hòa Thượng, mình niệm Phật rồi mình an ủi cái vết thương đó rồi từ từ nó sẽ hết. Mà người nhà thấy cái mặt cổ sưng to quá hổng được, kêu cổ phải đi bệnh viện thôi. Thì cổ cũng phải hằng thuận đi bệnh viện. Bác sĩ chụp ra biết cổ bị gãy xương quai hàm, nặng đến mức đó. Gãy xương phải sắp xếp lại. Mà hỏi cổ, cổ nói hổng đau. Mình thì chắc chết quá! Tông xe kiểu đó mà vẫn còn giữ được sức định để mà niệm Phật. Đau thì kệ nó nhưng mà vẫn niệm Phật.
Còn mình ngồi chút xíu tê tay tê chân thôi là mình muốn đứng dậy, mình muốn bỏ câu Phật hiệu rồi đúng không? Đó! Đó là một bạn đồng tu của con phát ra cái nguyện như vậy. Đối với một cái tập khí xấu kiên định với nó, xử lý nó đến tận cùng bằng cách là dám đánh đổi “cái bản thân mình nếu mà tái phạm cái chuyện đó phải đi đến địa ngục”. Thì bây giờ trong ngàn người tu hành có mấy người dám phát nguyện thay đổi, sửa đổi tập khí của mình như vậy?
Nếu không sửa được thì đi xuống địa ngục. Sợ lắm! Con hổng dám đâu. Sửa thì sửa từ từ chứ bây giờ lỡ lúc nào đó con hứng lên con thích lại rồi con xuống địa ngục làm sao mà con vãng sanh. Đúng không? Con không dám nguyện vậy đâu. Nguyện vậy ghê quá! Nhưng mà nó nói rõ cái sự quyết tâm của một con người. Một là thế này, hai là thế kia. Còn mình là mình làm sao? Đi 2 hàng. Cho nên mãi mãi đi 2 hàng thì không được gì hết.
Một cái thuyền thì đi về hướng Cực Lạc Thế giới. Còn một cái thuyền thì đi theo cái sở thích của mình ở thế gian này. Thì mình cũng muốn đi. Mà 2 cái thuyền này thì đi 2 hướng ngược nhau. Mà bây giờ mình đứng 2 chân trên hai thuyền như vậy thì mình đi kiểu gì? Cô này cổ giác ngộ được chỗ đó. Cổ bắt buộc cổ phải nhảy lên cái thuyền của Đức Phật A Mi Đà.
Mà nhảy lên đây rồi mà còn lén phén vụ kia thì chỉ có nước là rớt xuống biển địa ngục thôi. Mà rớt xuống biển địa ngục thì cổ cũng chấp nhận, để cổ dứt hết cái sự ham muốn đối với cái điện thoại đó. Còn bây giờ với cái ham muốn yêu thích của mình. Mình liệt kê danh sách xem. Cái nào nặng nhất và bây giờ mình có muốn bỏ nó hay không? Bỏ như thế nào?
Và mình có muốn phát nguyện giống như vậy không? Rồi mình cũng ôm cái điện thoại và mình cũng thấy: Trời ơi! Nãy giờ mình tốn hết bao nhiêu phút thời gian vô đây rồi. Thôi bây giờ mình niệm Phật. Cũng niệm niệm một thời gian xong rồi ra ôm cái điện thoại tiếp. Rồi, trời ơi! Nãy giờ lại mất hết nửa tiếng, rồi lại vô niệm Phật. Hôm qua cũng ôm điện thoại, rồi hôm nay cũng ôm điện thoại. Ngày mai rồi ôm cái ti vi phải không? Rồi mỗi ngày mất mấy tiếng đồng hồ vô cái điện thoại đó.
Kể cả mấy đứa nhỏ nhỏ, nó chơi tiktok rất là nhiều. Chơi tiktok, vô facebook. Có bạn một ngày bị cuốn vô cái điện thoại 5 tiếng đồng hồ, 8 tiếng đồng hồ. Thì còn gì để mà suy nghĩ những cái chuyện tốt đẹp khác. Cho nên cái tấm gương của sư muội đó là rất đáng để cho chúng ta phản tỉnh về cái sự quyết tâm. Nếu mà các Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội ở đây, ai mà chịu quyết tâm như vậy. Thì chắc hẳn 2 tuần nữa, mình sẽ thấy là: Có một số cô bác Huynh Đệ dũng cảm đứng dậy, cũng phát nguyện theo cái nguyện của mình giống giống như là cái cô bạn của con.
Thì đứng trước đại chúng xin đại chúng chứng minh cho con: Con muốn thay đổi bản thân, con muốn về Cực Lạc Thế giới. Cho nên từ giờ đến cuối đời, con kiên quyết con bỏ những điều sau: 1…2…3…Nếu con tái phạm con sẽ đọa địa ngục. Đứng trước đại chúng có tất cả Cô Chú Huynh Đệ Tỷ Muội chứng minh. Chứ đừng có đứng trước Tam Bảo, các Cô Chú Huynh Đệ Tỷ Muội nói: Con xin phát nguyện đời này nhất định được vãng sanh về Cực Lạc Thế giới. A Mi Đà Phật…Rồi một lát bốc điện thoại ra coi. Rồi một lát nhớ đến chuyện này, rồi mong đến người kia. Suy nghĩ cái này cái nọ.
Cho nên không có nhìn thấu được cái tâm mình đang dính mắc ở đâu mà buông bỏ thì niệm Phật chỉ là bề nổi thôi. Khi mà đi vào trong đời sống, cái duyên kia mà nó hiện ra. Tại vì nghiệp là nó có tính chu kỳ giống như 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. Sáng thì có mặt trời, tối thì có mặt trăng, có sáng có tối. Thì bây giờ cái nghiệp của mình nó cũng có tính chu kỳ. Có ngày có đêm thì bây giờ nó sẽ quay trở lại.
Nghiệp ái sẽ quay trở lại, nghiệp tham dục sẽ quay trở lại, nghiệp hám danh sẽ quay trở lại. Mê cái này mê cái kia sẽ quay trở lại. Thì khi nó quay trở lại, nó phá hết công phu niệm Phật của mình. Mà nó phá thô mình còn thấy được, mình còn biết nha. Còn có một số các Cô Bác Huynh Đệ đó, tu hành được một thời gian. Có được một chút xíu cái thời gian niệm Phật được mấy tiếng đồng hồ một ngày. Thí dụ 5 tiếng, 6 tiếng đi. Thậm chí là lên tới 7 8 tiếng nhưng mà để cho nó phá mà mình không biết là nó đang phá công phu niệm Phật của mình.
Đó là cái tư tưởng của mình, mình bị khống chế bởi một cái ý niệm nào đó. Mà mình vẫn đang bị dính mắc trong cái ý niệm đó không có buông ra được. Thì cái này phải đòi hỏi nghe pháp. Rồi gần gũi Thiện tri thức, chỉ ra đúng cái chỗ mà mình đang bị dính mắc. Còn không thì mình cứ thấy mình tu cũng ngon. Sáng một thời, tối một thời. Thậm chí một người một ngày có được 4 thời. Thấy cũng được. Không nhìn ra được sự dính mắc bên trong nội tâm. Chỉ thấy được cái chuyện mình tu thôi. Nhưng mà cái đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, vừa nhìn vô cái mặt là biết rồi. Vừa nghe cái giọng nói là biết rồi. Nhìn thấy cái tướng đi là biết rồi.
Chư Phật Bồ Tát còn lợi hại hơn: ” Khởi tâm động niệm của bạn, tôi cũng biết rồi “. Cho nên có phải mình đánh mất câu Phật hiệu là mình rơi vào trong vọng tưởng của mình không? Mình rơi vào trong phân biệt, mình rơi vào trong chấp trước của mình không? Rơi vào trong cái lối mòn suy nghĩ của mình không? Cho nên cái thời gian mà mình đánh mất câu Phật hiệu nó càng nhiều thì mình càng trượt dài vào trong luân hồi cho dù đó là suy nghĩ tốt. Muốn làm cái này cái kia cho đạo cho đời cũng thuộc về vọng tưởng.
Nhưng mà cái vọng tưởng này thuộc loại tốt. Chính vì nó tốt cho nên mình không có đề phòng. Giống như Sư Huynh Tịnh Hùng đi trợ niệm là tốt. Nhưng mà nếu Sư Huynh Tịnh Hùng bị dính mắc vô trong cái chuyện trợ niệm này. Tâm Sư Huynh sẽ không định được trên câu Phật hiệu. Thì chuyện đi trợ niệm đó chỉ là tu phước thôi chứ không có nhất tâm niệm Phật được. Đi càng nhiều tâm càng dính mắc, tại không có thời gian để nghe pháp, để nhìn thấu ra được cái Bổn Tâm của mình. Mình cứ nghĩ nhân quả quá đơn giản.
Bây giờ mình đi trợ niệm cho người khác thì tới lúc mình lâm chung có người khác trợ niệm cho mình. Mình tin cái nhân quả này. Vậy thì trong lúc mà bị covid đó. Nhà nhà đóng cửa, chốt chặn then cài lúc đó ai trợ niệm cho mình? Bây giờ covid đến đợt lần thứ 2 nữa đi. Ai trợ niệm cho mình? Hết! Hổng ai trợ niệm. Người ta vừa thấy mình covid dương tính. Bụp! Cho vô trại liền. Nằm đó được mấy ngày thấy không ổn. Rồi ông này xong rồi. Bụp! Cho vô bao đi thiêu liền. Trợ niệm gì nổi. Đụng chạm thân thể rất mạnh, buộc bao rất chặt. Tại vì buộc hở ra con virut nó bay nó lây cho người ta.
Lúc đó thần thức của mình chưa thoát khỏi cái thân. Lúc đó mình rất là đau khổ, rất là tức giận vì mấy người này không có tình người, không có hiểu. Tại sao hổng để yên cho tui nằm 8 tiếng đồng hồ, 10 tiếng đồng hồ. Quấn tui lại quăng tui vô lò hỏa thiêu. Rồi đủ thứ ma cảnh hiện ra. Phật ơi! Cứu con. Không cứu được vì nghiệp của chúng sanh không thể nghĩ bàn. Nếu đức Phật cứu được. Đức Phật có thể phá được hết tất cả nghiệp của chúng sanh. Thì con nghĩ không cần mình phải ngồi đây nữa. Ngài vớt một cú là về hết Cực Lạc Thế giới.
Khỏi tu! Nghiệp của cậu nặng cách mấy. Được! Ta bưng về Cực Lạc Thế giới. Nghiệp của cô này cũng nặng. Được hết! Ta bưng hết về Cực Lạc Thế giới. Khỏi tu! Phải không ạ? Cho nên con thấy rõ bản thân mình chưa có biết sợ cái nghiệp lực của mình. Không có sợ nghiệp lực. Nghiệp lực là gì? Là suy nghĩ của mình, là tư tưởng của mình. Không có sợ nó, còn thích nó nữa à. Tui nghĩ vậy đúng nè! Bao nhiêu năm nay tui có kinh nghiệm trong chuyện này giờ tui nói ra là đúng. Đừng có cãi tui. Tui tu hành mười mấy năm, hai chục năm nè. Ăn chay mười mấy năm, hai chục năm nè. Đừng có cãi! Ông mới vô, ông biết cái gì?
Cho nên cái tư tưởng đó là ngạo mạn. Nếu câu Phật hiệu của mình không khống chế được cái tư tưởng này, không hàng phục được cái tư tưởng này thì mình rất khó mà vãng sanh. Tại vì khi cái tư tưởng này bùng phát lên là mình chạy theo nó là mình đi đầu thai. Lúc mà mình lâm chung đó là mình đi đầu thai. Còn nếu bật được ra câu Phật hiệu thì mình đi theo câu Phật hiệu. Nhưng mà thử hỏi trong đời sống của mình từ sáng đến tối, tỉnh táo khỏe mạnh như vậy rồi, mình bật ra câu Phật hiệu dễ dàng không?
Như con nói buổi sáng từ chùa Gò đến chùa Pháp Tam có bao nhiêu thời gian mình trụ được vô câu Phật hiệu? Con nói đến khi nào cái xe này im phăng phắc từ đầu đến cuối. Lên xe chỉ có A Mi Đà Phật từ chùa Gò đến chùa Pháp Tam. Con nói là đạo tràng mình số 1. Rồi đến chùa Pháp Tam là 7 giờ rưỡi lên Chánh Điện bắt đầu chia sẽ Phật pháp thì trước đó năm mười phút là mọi người đều ngồi trang nghiêm như vậy hết, là con nói đạo tràng này là số 1. Rồi con đi vô phía sau, con xin ly nước, con không thấy ai ngồi ở đó nói chuyện trên trời dưới biển nữa thì đạo tràng này là số 1.
Con không thấy ai nghỉ ngơi mà suốt ngày cứ đi kinh hành trên Chánh Điện niệm Phật. Thậm chí có người nói: Thôi! Trưa hôm nay con không có ăn đâu. Mọi người cứ ăn đi, con cứ đi niệm Phật, thì đạo tràng này là số 1. Tại vì con niệm Phật từ sáng đến giờ con hổng thấy đói. Nên trưa nay con không cần ăn. Sáng con ăn ổ bánh mì vậy là đủ rồi. Đủ năng lượng để con niệm Phật cho đến chiều. Đây là người niệm Phật chân thật. Mình thì niệm một chút là đói, niệm một chút là khát nước, niệm một chút là mệt, niệm một chút thì buồn ngủ. Thì những cái này nó đang khống chế mình. Mình chưa vượt qua được nó thì thử hỏi làm sao tới lúc lâm chung mình dùng câu Phật hiệu kiểu gì?
Giống như cái gươm của mình, mình hổng chịu mài cho nó bén vậy đó. Suốt ngày cứ cắm ra cắm vô, múa múa mấy đường nhưng mà cái gươm nó sét, nó rỉ, tới lúc ra trận không dùng được. Quân địch là tham sân si. Cho nên cái gươm là cái định, cái huệ trong câu Phật hiệu này của mình. Mình chưa có tôi luyện nó sắt bén. Thì thời gian này mình còn lại bao nhiêu, mà mình chưa có nhận thức ra được chuyện đó?
Là đến khi lâm chung, mình phải dùng cái gươm trí huệ này để mình chặt đứt phiền não thì mình mới được vãng sanh. Cho nên con thấy mình tu còn mông lung lắm! Tu giỡn chơi vậy thôi. Chứ chưa thật sự dụng công đến chỗ chết bỏ. Phải dụng công được đến chỗ chết bỏ thì mới nhập tâm được câu Phật hiệu. Nhược nhất nhật, nhược nhị nhật cho đến thất nhật đó là nói đến chỗ chết bỏ. Từ 1 ngày cho đến 7 ngày không màng ăn uống, không màng ngủ nghỉ. Sống chết với câu Phật hiệu niệm đến cùng thì thành tựu.
Còn mình thì mình thấy lai rai quá, đủng đỉnh quá! Nhưng mà mình nói ra như vậy để mình biết được rằng cái vị trí của mình ở hiện tại so với lại cái tiêu chuẩn mà để nắm chắc phần vãng sanh. Nó là một trời một vực. Mình đang đứng ở đâu? Lưng chừng núi hay đang vẫn ở vực sâu? Nếu lưng chừng núi thì thấy còn có hy vọng. Còn ở vực sâu mà bây giờ vẫn còn rung đùi là tiêu.
Cho nên 60 tuổi rồi mà vẫn còn đang đứng ở lưng chừng núi. Tốt! Đi lên tiếp được. Còn ở vực sâu thì phải tranh thủ thôi. Vực sâu là gì? Thói quen sở thích chưa bỏ được. Đam mê chưa buông bỏ được. Yêu ghét chưa buông bỏ. Tình ái chưa buông bỏ được. Tự kiêu, tự căng chưa buông bỏ được. Với 5 món ngũ dục ” Tài, sắc, danh, thực, thùy ” chưa buông bỏ được. Thì cho dù mình tu hành theo bất kỳ pháp môn nào cũng không thể thành tựu. Pháp môn Tịnh độ cũng không ngoại lệ, nếu mình vẫn còn yêu thích những thứ này.
Cho nên những cái lần chia sẻ như vậy là cái cơ hội để con thúc đẩy bản thân mình cũng như thúc đẩy cái tín nguyện hạnh của các Cô Bác Huynh Đệ ở đây để cho mình mạnh mẽ mình đi ngược dòng. Vì đây là cái sự nỗ lực khủng khiếp. Con có lần con nói với các bạn trên lớp của con: “Vô cùng là khủng khiếp ” mới có thể vượt lên được cái dòng nước lũ của thời đại, dòng nước lũ của luân hồi. Cá chép mới hóa thành rồng được. Vì mình tu là đi ngược dòng.
Còn bây giờ mình không ý thức mình đang ở trong cái vòng luân hồi. Nó đang cuốn mình mà mình vẫn còn như vậy. Con thấy rõ 5 năm, bao nhiêu năm nay mình lên chùa Pháp Tam. Phương pháp tu tập niệm Phật có thay đổi. Hồi xưa thì đánh địa chung này nọ. Bây giờ thì niệm nguyên chất. Có thay đổi. Nhưng quan trọng là gì? Cái tâm của mình nó vẫn như vậy. Nó chưa thay đổi đối với những người cũ. Dạ! Thì cái này con biết nói thẳng, nói thiệt thì mất lòng nhưng trên thực tế không ai cứu được mình ngoài chính mình. Phật A Mi Đà sẽ không thể cứu được mình nếu mình không đặt hết cái Bổn Tâm của mình trên câu Phật hiệu mà mình đặt vô những chỗ khác thì Ngài không cứu được.
Thì cái đó là cái chỗ con kính xin được chia sẻ với các Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội. Dạ! Hy vọng mỗi người trong đạo tràng chúng ta đều có thể cố gắng nỗ lực hơn. Rồi thời gian tới, đạo tràng mình nhất định cũng có người biểu diễn được tấm gương tự tại vãng sanh. Chứ đừng có thoi thóp, thoi thóp rồi nhờ Sư Huynh Tịnh Hùng đến, cực khổ Sư Huynh. Chưa chắc được vãng sanh đâu. Mình phải tự lo cho mình cũng là từ bi với mọi người. Mọi người đỡ vất vả. Chứ ngồi trợ niệm 12 tiếng rồi thăm thân cứng ngắt, mắt cứ trợn trắng lên, rồi niệm thêm 12 tiếng nữa là 24 giờ đồng hồ. Thì có phải khổ cho mọi người không. Rồi người ta đánh mất cái tín tâm vô cái pháp môn tu.
Ăn chay mấy chục năm, niệm Phật mấy chục năm mà giờ vậy đó, thì không phải mình vào 3 đường ác hay sao? Tại mình làm tấm gương không có được đẹp lắm thì mình phải đi vô cái chỗ không có được đẹp lắm. Còn mình làm tấm gương đẹp thì mình sẽ được đi vô cái chỗ đẹp. Đúng không ạ? Nhân quả mà! Thì con hy vọng chỉ cần trong đạo tràng mình có một người tự tại vãng sanh thôi. Một thôi! Con nói chỉ một thôi là cứu được hết đạo tràng. Một thôi! Hổng đòi hơn. Thì cứu được hết đạo tràng. Tại vì cái vị đó thành tựu được. Vị đó biết là nhờ cái công đức tu chung với đạo tràng. Thì dẫu rằng những người còn lại có người thi rớt.
Nhưng cái vị đó sẽ quay lại độ cho những người còn lại. Mình trợ duyên giúp một người tự tại vãng sanh thì cái người đó cứu được vô lượng chúng sanh. Thì hổng có lý gì không cứu được đạo tràng của mình, vì đã có kết duyên với nhau rất sâu. Nhưng mà mình có phải là cái người đó hay không? Hay mình có phải trầm luân muôn kiếp tiếp hay không? Là do bản thân mình quyết định. Chứ Phật A Mi Đà đợi sẵn đó. Xe có sẵn, chỗ ngồi có sẵn, giờ thỉnh bạn lên xe. Giờ bạn lên hay không là do bạn.