BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Hiểu rõ hơn về tâm bình đẳng: Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Mà cái nhân chính mà có thể thành Phật được đó chính là tâm BÌNH ĐẰNG. Nếu mà mình mỗi ngày không có dùng cái tâm BÌNH ĐẲNG này để mà tu học, tu không ra được cái Tâm này, niệm Phật rất khó tương ưng.
Ngược lại với tâm BÌNH ĐẲNG đó chính là tâm Phân Biệt. Thế gian mình có nam có nữ, có các giống các loài, khác biệt như vậy, nhưng mà bình đẳng trên gì ạ? BÌNH ĐẲNG là giống như là Sư Muội nói, tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh là điểm thứ nhất.
Bình đẳng thứ 2 là nhân nào quả đó, tự làm tự chịu. Bạn trồng nhân tốt thì bạn được cái tướng tốt, bạn được cái đời sống tốt, bạn được sức khỏe tốt, bạn được trí huệ, bạn được giàu có. Đó là bạn từng tu bố thí. Bạn trồng cái nhân không tốt thì bạn hiện nay bạn phải khó khăn rồi, bạn phải khổ cực. Bạn phải có nhiều tai nạn cho đến chết yểu…
Cho nên dẫu là thế sự con người, mỗi người mỗi cảnh mỗi cây mỗi hoa, đều là nói rõ cho chúng ta thấy sự bình đẳng trên nhân quả. Đức Phật cũng không thay thế được, cũng không chịu thay được. Cái khổ cái sướng, hay những gì chúng sanh đang thọ nhận ở trong sanh tử luân hồi này, đều là tự làm tự chịu. Đây là BÌNH ĐẲNG.
Điểm thứ 3 bình đẳng, dẫu là có vô vàn khác biệt sự tướng, khác biệt do nhân quả nghiệp duyên hội tụ đầy đủ, nhưng mà phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, tốt xấu cũng đều hư vọng, rồi cũng phải qua, rồi cũng phải trở về với cát bụi, rồi cũng phải trở về với không, rồi từ không rồi lại thành có. Đây là nói rõ lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang. Cho nên tướng hư vọng này là bình đẳng.
Bạn soi gương bạn đẹp cách mấy, tôi soi gương tôi xấu cách mấy, thì cũng phải già, thì cũng phải chết. Rồi cuối cùng cũng phải vô cái hũ cốt còn có chút xíu như vậy. Cả đời oanh liệt hay là cả đời khổ đau rồi cũng còn 1 nắm tro, đó là bình đẳng. Mà do bản thân mình mình có sự si mê, mình nhận sai đây là tôi, kia là của tôi, mà mình chấp chặt vào những cái thứ này, cái tôi và của tôi, mà không biết rằng cái định nghĩa của mình về cái tôi và của tôi đó đều là tướng sanh diệt. Rồi tới lúc nó không được như ý mình thì mình lại càng khổ sở phiền não. Mà nó càng được như ý mình thì mình lại càng tham lam, níu giữ, nắm bắt.
Ngay cả những chuyện mình thấy trong thế gian xem là tốt đẹp nhất, gia đình vui vẻ hòa thuận. Nếu mình học Phật mình càng tham đắm trong những cái hạnh phúc đó, làm sao mình giải thoát? Mình đã ngộ nhận đó là cái của mình, mà mình quên đi là gì? Niệm A Mi Đà Phật cầu sanh Cực Lạc đó mới là nơi của mình. Cái thân kim cang bất hoại ở trên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đó mới là cái thân chân thật của mình. Còn cái của mình ở đây, nhà cửa, cha mẹ vợ con, anh chị em đề huề, vui vẻ lúc này, 30 năm sau sẽ thành cái gì? Đều là tiễn đưa thương tiếc, buồn thương trói buộc không sao giải nổi.
Cho nên mình nhận ra được cái sự Bình Đẳng ở trong cái thấy cái biết của mình đối với vạn sự vạn vật, đối với người, thì khi đó tâm mình mới được an ổn. Nếu như mình còn bị lệ thuộc vào bất kỳ những cái gì ở trên thế gian này, từ thích cho đến đối lập là không thích, yêu thương cho đến đối lập là hận thù, đều là luân hồi.
Nhưng mà chư Phật Bồ Tát tu trong cảnh này là thuận theo thế gian pháp, nhưng mà không lìa khỏi cái tự tánh mà Sư Muội hồi nãy chia sẻ báo cáo. Là tâm các Ngài vĩnh viễn là Bình Đẳng, Thanh Tịnh. Nói ứng dụng cho cá nhân mình thì mình phải sao ạ? Vẫn là thuận theo thế pháp, theo cái Duyên của mình, làm đủ hết mọi bổn phận, vui vẻ mà làm, vui vẻ mà sống nhưng mà trong Tâm không lìa khỏi câu A MI ĐÀ PHẬT cầu sanh Cực Lạc.
Chưa bao giờ mà mình có ý nghĩ là sẽ thích cái gì đó ở đây, sẽ dính mắc cái gì đó ở đây, dẫu rằng việc tốt nào đến tay mình cũng đều làm, nhưng mà trong việc tốt này mình làm cũng không có phân biệt là làm cho người thân thì sẽ làm tích cực hơn, làm cho người mình không thân thiết, không thương thì sẽ làm vừa vừa thôi. Tất cả đều là dùng Tâm CHÂN THÀNH mà làm, thì đó là người biết sống trong thế giới này nhưng mà dùng cái tâm BÌNH ĐẲNG.
Và khi mình nói đến BÌNH ĐẲNG mình có thể bị dính mắc vào câu chữ, cái chữ BÌNH ĐẲNG đó. Tôi bình đẳng, người khác không bình đẳng thì phải sống như thế nào? Tôi từ bi, người khác không từ bi thì phải sống như thế nào? Tôi chân thành người khác không chân thành, giả dối thì phải sống như thế nào đây? Thì cái Chân Thành, cái Từ Bi, cái Bình Đẳng đó mà bạn đang nghĩ bạn đang có là giả. Thì chúng ta đang rơi vào trong cái dính mắc là mình có cái sự đối lập giữa mình và người khác. Cho nên Bình Đẳng ở trong Phật Pháp không giống như cái mình hiểu, đó là có một cái đối lập là cái không bình đẳng.
Khi mình khởi cái Tâm phân biệt là đây là Bình Đẳng, kia là không Bình Đẳng, đây là Từ bi kia là không Từ Bi thì mình phá hết, là mình chưa thực sự có được cái tâm Bình Đẳng, Từ Bi. Cho nên chỗ này mình phải tự phản tỉnh, phải tự cảnh giác, phải nỗ lực niệm Phật nghe Pháp nhiều và quán sát các bậc Tổ Sư Đại Đức các Ngài tu tâm Bình Đẳng như thế nào? Thực tiễn ra làm sao?
Mình hay nói thế gian là ừ sao cũng được, bình đẳng cũng tốt không bình đẳng cũng tốt. Giống như vị thầy cùng với học trò đi qua nhà của một vị Phật tử, rồi được cúng dường bữa cơm, thì không hiểu sao trong cái tô cơm của Thầy phía dưới thì lại để mấy miếng thịt. Người học trò thấy vậy rất là bức xúc, không hiểu là do cái chuyện gì mà người nhà này lại chuẩn bị cơm nước cho thầy mình như vậy. Mà thầy nói sao cũng được, đừng nói gì cả, cứ Bình Đẳng tiếp nhận.
Người ta cúng dường là người ta đã quý mình rồi, còn cái chuyện sơ sót trong cái khâu chế biến hay là sắp xếp, nhiều khi cái người nấu người ta nấu làm 2 phần, một bên chay bên mặn, nhưng mà cái người bưng ra thì nhiều khi người ta bưng lộn, hay là người ta không có biết, hay là người ta nghĩ là Quý Thầy thì ăn chay ăn mặn sao cũng được…nhiều lý do lắm, cho nên đừng có trách người ta.
Cho nên sao cũng được là bình đẳng. Sao cũng được là từ bi. Trong cái tình huống này là mình cần hiểu như vậy. Vì vậy quan trọng nhất là mình vẫn phải đoạn cái Ngã Chấp, cái Tình Chấp, cái tâm Phân Biệt của bản thân mình.
Qua bài chia sẻ của Sư Huynh, con có tóm tắt và ghi nhớ những điều sau:
1. Bình Đẳng là nhân chính để thành Phật.
2. Điểm bình đẳng thứ 1 là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Điểm bình đẳng thứ 2 là tất cả những gì xảy đến với chúng sanh đều là tự làm tự chịu, nhân quả bình đẳng.
Điểm bình đẳng thứ 3 là tất cả dù xấu hay đẹp, dù vui hay buồn, dù hạnh phúc hay khổ đau, tất cả đều qua, đều sanh diệt, rồi cũng phải chết, rồi lại sinh.
3. “Ngay cả những chuyện mình thấy trong thế gian xem là tốt đẹp nhất, gia đình vui vẻ hòa thuận. Nếu mình học Phật mình càng tham đắm trong những cái hạnh phúc đó, làm sao mình giải thoát. Mình đã ngộ nhận đó là cái của mình, mà mình quên đi là gì? Niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc đó mới là nơi của mình. Cái thân mà bất hoại ở trên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đó mới là cái thân chân thật của mình.”
4. “Còn mình còn bị lệ thuộc vào bất kỳ những cái gì ở trên thế gian này, từ thích cho đến đối lập là không thích, yêu thương cho đến đối lập là hận thù, đều là luân hồi.”
5. “Vẫn là thuận theo thế pháp, theo cái Duyên của mình, làm đủ hết mọi bổn phận, mọi thứ, vui vẻ mà làm, vui vẻ mà sống nhưng mà trong Tâm không lìa khỏi câu A DI ĐÀ PHẬT cầu sanh Cực Lạc. Chưa bao giờ mà có ý nghĩ là sẽ thích cái gì đó ở đây, sẽ dính mắc cái gì đó ở đây.”
6. “Cho nên sao cũng được là bình đẳng. Sao cũng được là từ bi.”
Dạ qua bài chia sẻ trên con thấy là trong thời gian qua con ham vui nhiều, con thích làm những điều con thích, những điều khiến cho mình thấy vui vẻ. Dạ thì con thấy như vậy là con không BÌNH ĐẲNG, không có nhân thành Phật. Con sẽ sửa và bố trí lại, hằng ngày con sẽ cân bằng lại, làm những điều mình nên làm như học tập, niệm Phật, nghe Pháp, và những điều mình cần phải làm như quan tâm chăm sóc mọi người, và các công việc khác dù thích hay không thì cũng làm, tập “sao cũng được”. Vì con hiện tại chưa làm được 100% như vậy nên thời gian rảnh con cũng sẽ làm điều mình cảm thấy vui vẻ như đi dạo một chút, xem hài một chút, nếu không cái mặt con sẽ buồn chán đời quá ạ. Dạ nên con sẽ cân bằng lại cuộc sống hằng ngày của con ạ.
Dạ con có học tập như vậy, có gì con chưa đúng con xin Sư Huynh chỉ dạy thêm cho con ạ. Dạ con cảm ơn Sư Huynh ạ.
Dạ Nam mô A Mi Đà Phật.
🙏A DI ĐÀ PHẬT.