Hòa Thượng Tịnh Không Trả Lời Vấn Đáp

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Hòa Thượng Tịnh Không Trả Lời Vấn Đáp: Hôm nay có một số câu hỏi của các bạn đồng tu, chúng tôi hôm nay xin trả lời đơn giản như sau. Câu hỏi đầu tiên là làm thế nào đối trị sự hôn trầm khi đọc kinh? Khi đọc kinh muốn làm cho tinh thần phấn chấn lên thì đọc tụng to tiếng, tôi nghĩ có thể đối trị được hôn trầm.

Đối trị hôn trầm cần chính mình quan sát, lỗi của bản thân mình ở chỗ nào, dùng phương pháp gì đối trị. Nếu ngồi mà hôn trầm thì có thể đứng dậy để đọc, khi quỳ đọc tụng mà hôn trầm thì có thể nhiễu Phật kinh hành tụng kinh, đều có thể được.

Câu hỏi thứ hai là bốn phiền não căn bản là những gì? Bốn phiền não căn bản là “sát, đạo, dâm, vọng”, bốn điều đầu tiên trong ngũ giới. Xuất gia thọ Bồ-tát giới, giới tỳ-kheo, giới tỳ-kheo ni đều liệt những điều này là bốn phiền não nặng. Đây là bốn tội nặng.

Câu hỏi tiếp theo: Hành trì phước huệ song tu theo thứ tự như thế nào? Có khi đồng thời tu cả phước lẫn huệ, có khi xem trọng tu phước hơn, có khi coi trọng tu huệ hơn, tốt nhất là phước huệ song tu, điều này là Phật dạy chúng ta.

Câu hỏi thứ tư là: Bát pháp thế giới là gì? Điều này tôi cũng không rõ lắm, có phải là bát pháp tạo thành thế giới hay không? Nếu như nói bát pháp tạo thành thế giới thì điều này là “đất, nước, gió, lửa”, đây là nói trên vật chất. Nói trên tinh thần là “thọ, tưởng, hành, thức”, trên thực tế chúng ta thường gọi là “ngũ ấm”, triển khai “sắc ấm” trong ngũ ấm chính là “đất, nước, gió, lửa”. Đây chính là bát pháp tạo thành thế giới.

Tu nhẫn nhục, làm thế nào chuyển sự kiềm chế thành từ bi? Điều này tôi cần hỏi bạn, bạn không thể hỏi tôi, làm thế nào chuyển sân hận thành từ bi, điều này vô cùng quan trọng. Phương pháp có rất nhiều, phương pháp sử dụng thông thường là chuyển biến quan niệm. Đối với con cháu của bạn, đối với người thân của bạn, bạn chuyển tâm sân hận này thành tâm từ bi, thế nên hãy chuyển đổi quan niệm trở lại [đối với các chúng sanh khác]. Trong Phật pháp, Đức Phật thường dạy bảo chúng ta, hết thảy chúng sanh cùng với chúng ta là đồng một thể, dùng cách nói hiện nay là đồng một thể sanh mạng thì tự nhiên tâm từ bi liền sanh khởi lên. Chúng sanh tạo tác lỗi lầm cực nặng thì bạn vẫn dùng tâm từ bi để đối đãi họ, cần hiểu được hết thảy chúng sanh và chúng ta là mối quan hệ như thế nào. Điều này vô cùng quan trọng, điều này là trọng tâm giáo học của Phật pháp.

Câu hỏi thứ sáu là sau khi quy y có nên từ bỏ thân phận Đảng viên không? Điều này không cần thiết, quy y là [dành cho] bất kỳ người nào, quy y là học tập theo Phật. Cho nên bất luận là nam nữ già trẻ hay ngành nghề nào thì quy y là cầu học. Các bạn nghĩ xem, chúng ta đến trường để học tập, để cầu học, theo học với một vị thầy tốt, bạn có phải ra khỏi Đảng không? Bạn có phải từ bỏ quốc tịch không? Bạn có phải từ bỏ gia đình bạn không? Tất cả đều không cần thiết. Đây là học tập, đối với bất kỳ điều gì đều có lợi ích. Đối với cuộc sống của bạn có lợi ích, đối với cách làm người của bạn có lợi ích, đối với công việc của bạn có lợi ích, đối với quốc gia, xã hội, Đảng của bạn đều có lợi ích. Điều này chúng ta cần hiểu rõ.

Bạn đồng tu này có ba câu hỏi, câu hỏi thứ nhất là sau khi kết thúc thời khóa sáng và tối nhưng hương vẫn chưa cháy hết, có thể dập tắt hương đi không, lần sau khi tiếp tục thời khóa lại có thể tiếp tục thắp hương, làm như vậy có như pháp không? Không như pháp, hương vẫn chưa cháy hết hãy để cho hương cháy hết là được rồi, không cần thiết dập tắt hương đi, thế nhưng thắp hương trước Phật thông thường thắp một nén hương là được, không cần thắp quá nhiều. Hương này là biểu pháp, thắp quá nhiều sẽ tạo ra ô nhiễm không khí. Cho nên một nén hương biểu thị Tín, biểu thị Giới Định Huệ. Hương giới định huệ cũng biểu thị ngũ phần pháp thân hương, là biểu đạt ý nghĩa này.

Câu hỏi thứ hai là cư sĩ tại gia thân thể có bệnh, trong đơn thuốc của bác sĩ Đông y có ngũ độc mà dân gian nói đến, những thuốc này có uống được không? Có thể uống, dùng làm thuốc có thể được, ví dụ như rượu thuốc có thể dùng được. Tôi biết ở Đại Lục có rất nhiều loại rượu thuốc dùng chữa bệnh, cái này có thể dùng được, điều này không phạm giới cũng không phá giới.

Câu hỏi thứ ba là người thật sự đại tu hành rốt cuộc có chịu nhân quả không? Việc này ngày xưa Đại sư Bách Trượng nói rất rõ ràng “Người đại tu hành bất muội nhân quả”, có phải chịu nhân quả không? Phải chịu, khi chịu nhân quả người đó biết rõ ràng, người đó hiểu rõ nhân trước đây và quả báo sau này. Chịu nhân quả giống như việc trả nợ, không thể nói người đại tu hành nợ tiền người khác rồi không trả tiền, đâu có đạo lý như vậy, nhất định phải trả nợ, nhưng họ trả nợ một cách rất thoải mái, trả nợ một cách rất vui vẻ, không giống với người bình thường. Người bình thường khi trả nợ thì trong lòng cảm thấy rất khó chịu, không tự tại, thế nhưng người đại tu hành thì họ rất tự tại.

Bạn đồng tu này hỏi: Từ nhỏ người bạn tốt của con biết mình sẽ đoản mạng, chỉ sống được đến ba mươi tám tuổi, cho nên ngay đến đi máy bay anh ấy cũng không dám. Sư phụ nói Phật pháp có thể giúp đỡ anh ấy được không? Làm thế nào mới có thể giúp đỡ anh ấy tin tưởng Phật pháp? Bạn giới thiệu anh ấy đọc Liễu Phàm Tứ Huấn là được rồi. Vấn đề này phía trước tôi đã từng nói qua với quý vị, vận mạng là do tự mình tạo, tự mình có thể thay đổi. Những ví dụ về cải tạo vận mạng có rất nhiều, như các bạn đều thấy cư sĩ Lý Mộc Nguyên, các bạn ở Cư Sĩ Lâm thấy mười hai năm trước ông bị ung thư, bác sĩ nói ông không sống được hơn ba tháng. Đó là sự thật, kết quả xét nghiệm của ông hiện nay vẫn còn lưu giữ, nếu đưa cho bạn xem sẽ khiến bạn phát hoảng. Tế bào ung thư phát triển ra khắp cơ thể rồi, ông cũng không đi khám bác sĩ, cũng không uống thuốc mà đến Cư Sĩ Lâm làm nghĩa công, sống một ngày thì vì Phật pháp làm một ngày. Hiện nay ông đã làm mười năm rồi đều không có vấn đề gì. Khi đi kiểm tra lại thì tế bào ung thư của ông đều biến mất. Trường hợp này là kỳ tích trong giới y học Singapore. Cho nên vận mạng có thể chuyển đổi được. Vận mạng nhất định là có, biết được vận mạng là do chính mình tạo ra và tự mình có thể thay đổi được. “Anh ấy có cống hiến lớn cho ba mươi người chúng con từ Bắc Kinh đến đây, hy vọng Sư phụ có thể giúp anh ấy”. Bạn đưa bộ Liễu Phàm Tứ Huấn cho anh ấy là tốt rồi. Ở đây chúng tôi có băng ghi hình của Liễu Phàm Tứ Huấn, đĩa VCD tặng cho anh ấy, sách và đĩa đều tặng cho anh ấy, nói với anh ấy xem nhiều lần. Bình thường tôi dạy những bạn đồng tu mới học Phật đọc ba trăm lần sách Liễu Phàm Tứ Huấn, nếu không đọc nhiều như vậy thì ấn tượng của bạn sẽ không sâu sắc, lòng tin của bạn không kiên cố. Bạn có thể đọc liên tục ba trăm lượt thì bạn tự nhiên sẽ hiểu ra vận mạng có thể chuyển đổi được.

Ngoài ra, có phải là có tiền có thế lực, cuộc sống sung túc giàu có là phước báo hay không? Còn cuộc sống thanh bần, đoản mạng, khốn khó nhưng hiểu Phật pháp, trong tâm thanh tịnh, nhiệt tình giúp đỡ mọi người thì không phải là phước báo phải không? Cách nói này của bạn sai rồi. Nếu có thể có chỗ ngộ trong Phật pháp, tâm địa thanh tịnh, thiện lương, điều này là phước báo chân thật. Cần biết rằng có tiền có thế lực, cuộc sống sung túc nhưng nếu tạo tác tội nghiệp thì đó không phải là phước báo. Đó là điều mà trong mắt người thông thường chúng ta nhìn sai. Loại phước báo đó là do đời trước tu được, khi hưởng hết phước báo đó thì sẽ bị đọa vào ba đường ác. Cho nên đó không phải là phước. Người nghèo khó [hóa ra] lại tốt vì muốn tạo tội nghiệp cũng không có cơ hội. Đây là tăng thượng duyên tốt, chăm chỉ nỗ lực, y giáo phụng hành thì đời sau tiền đồ sẽ vô cùng xán lạn.

Câu hỏi tiếp theo là: Con người đang hưởng phước thì rất dễ tạo nghiệp phải không? Đúng vậy, không sai, khi người thanh bần khốn khổ chỉ có hai bàn tay trắng thì dễ nhìn thấu, tin tưởng Phật pháp. Vậy thì loại nào là gần với Phật pháp nhất, loại nào mới thật sự là phước? Điều này bạn đã hiểu rồi, tôi không cần nói lại nữa.

Câu hỏi tiếp theo là: Cầu mong Pháp sư từ bi tặng cho cư sĩ trẻ tuổi như con lời chân thành khuyên bảo. Những lời chúng tôi giảng mấy ngày nay đều là lời chân thành khuyên bảo, đều là lời thành thật, khi trở về các bạn đều có thể mang theo.

Bạn đồng tu này có bốn câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là niệm Phật trong khi ngủ, sau khi tỉnh dậy mới phát hiện đang niệm Phật nên không muốn dừng lại, cũng không muốn thức dậy, không muốn cử động mà muốn tiếp tục niệm như vậy, niệm Phật trong tình trạng như vậy là ai đang niệm Phật? Là chân tâm đang niệm Phật hay là A-lại-da thức đang niệm Phật? Có phải đó là thuộc về bất niệm tự niệm hay không? Niệm Phật như vậy là công phu niệm Phật của bạn bắt đầu có hiện tượng chín muồi, nếu bạn khởi vọng tưởng nhiều như vậy thì sẽ phá hỏng tất cả công phu của bạn, hết thảy cứ để mặc nó, không sanh khởi bất kỳ ý niệm nào mới tốt, không được nghĩ ngợi lung tung niệm thế này niệm thế kia, thế thì hỏng mất rồi. Còn nữa, khi niệm Phật niệm lâu rồi, khi không niệm Phật cũng có thể nghe được Phật hiệu. Đây cũng là cảnh giới tốt, âm thanh niệm Phật đó rõ ràng, rành rẽ. Rõ ràng là bản thân không niệm Phật, bên cạnh cũng không có người đang niệm Phật. Đây đều là cảnh giới tốt, nhưng không được chấp tướng, nếu chấp tướng, còn có phân biệt vọng tưởng, đó gọi là cảnh giới ma. Vì vậy trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng: chỉ cần chúng ta không chấp trước đối với hết thảy thì đều là cảnh giới tốt.

Câu hỏi thứ hai: Khi tĩnh tọa niệm Phật bị hôn trầm nhưng biết là hôn trầm, trong lúc hôn trầm biết được câu Phật hiệu vẫn không bị gián đoạn hơn nữa niệm rất rõ ràng, vậy trong hôn trầm niệm Phật có được vãng sanh không? Niệm Phật thì được vãng sanh, khi bạn hôn trầm mà Phật hiệu rõ ràng thì chứng minh bạn không bị hôn trầm. Nếu như thật sự hôn trầm thì Phật hiệu sẽ không còn nữa, người khác niệm Phật bạn cũng không nghe thấy thì đó mới thật sự là hôn trầm. Vì vậy cảnh giới này không phải là cảnh giới hôn trầm.

Câu hỏi thứ ba là: Khi đang niệm Phật, Phật hiệu rõ ràng rành rẽ, từng chữ rõ ràng tiếp nối không gián đoạn, cảm thấy không có tạp niệm, muốn thanh tịnh chỉ tiếp tục niệm câu Phật hiệu này thì Phật hiệu đột nhiên không còn nữa, rất là tĩnh lặng, lúc này nên tiếp tục quán chiếu như thế hay là tiếp tục đề khởi lại Phật hiệu. Cảnh giới tĩnh lặng không có Phật hiệu cũng không có tạp niệm này có phải là thâm nhập vào giai đoạn thật tướng niệm Phật hay là vô thủy vô minh? Đến cảnh giới này thì không biết phải nên làm thế nào ạ? Trong Kinh Kim Cang nói “Pháp còn nên xả huống hồ phi pháp”, pháp niệm Phật chẳng phải cũng là pháp sao? Chỉ vì vọng tưởng và chấp trước nên không thể chứng đắc trí huệ đức tướng Như Lai, nếu như không có vọng tưởng, vậy có thể buông xuống Phật hiệu được không? Không thể buông xuống, nguyên nhân là gì? Bạn vẫn còn vọng tưởng, nếu như bạn không còn vọng tưởng thì bạn sẽ không hỏi câu hỏi này, bạn hỏi câu hỏi này chứng minh vọng tưởng của bạn vẫn chưa đoạn dứt. Cảnh giới này của bạn trong Phật pháp gọi là “xả thọ”, năm loại thọ là “khổ, vui, lo, mừng”, bạn là cảnh giới xả thọ. Thời gian rất ngắn, không lâu, tạm thời trong tâm không có lo mừng, thân không có khổ vui, Phật hiệu cũng không có, tâm địa thanh tịnh. Đây là cảnh giới tốt nhưng thời gian rất ngắn, bạn không thể giữ lâu được. Bạn nghĩ xem bạn có thể duy trì cảnh giới này trong hai mươi bốn giờ một ngày không? Vậy thì bạn vẫn phải niệm Phật, bạn không niệm Phật thì vẫn bị đọa ba đường ác. Cho nên đối với công phu niệm Phật, mười phương ba đời chư Phật khuyên hết thảy đại Bồ-tát, trong Kinh Kim Cang nói không sai “Pháp còn phải xả huống hồ phi pháp”. Chữ “xả” có ý nghĩa dạy bạn không nên chấp trước, không phải là không cần. Nếu như nói không cần thì Thích-ca Mâu-ni Phật vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm thì bản thân Thích-ca Mâu-ni Phật đã phạm phải sai lầm, Ngài dạy mọi người xả nhưng tại sao Ngài lại dạy nhiều như vậy? Chẳng phải là Ngài đang hại người hay sao? Phật dạy bạn xả là dạy bạn không được chấp trước. Phật pháp có cần không? Cần chứ, nếu không cần thì nguy to rồi. Hết thảy chư Phật Bồ-tát dùng Phật pháp cứu độ hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh xa lìa Phật pháp thì nhất định tạo luân hồi, nhất định đọa ba đường ác. Đạo lý này nhất định phải hiểu. Vậy thì niệm Phật trong cảnh giới này vẫn phải đề khởi Phật hiệu, đó là tốt nhất.

Câu hỏi thứ tư là khi niệm Phật cảm thấy nhập vào trạng thái “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, hoàn toàn tĩnh lặng, liên tục không gián đoạn, vô cùng yên tĩnh, tĩnh mịch. Trong tâm xuất hiện hai đến ba âm thanh đối thoại, Phật hiệu cũng không bị đứt đoạn, đối thoại cũng rõ ràng. Đây có phải là chủng tử A-lại-da thức hiện hành không? Điều này không cần phải để ý, nếu để ý sẽ rất dễ bị ma dựa. Cảnh giới này nếu không để ý thì là cảnh giới tốt nhưng nếu để ý sẽ là cảnh giới ma. Người dụng công thường thường khi cảnh giới hiện tiền, bất luận là cảnh giới thế nào đều không nên để ý đến, cho dù là cảnh giới Phật hay cảnh giới ma, tất cả đều không để ý thì là cảnh giới tốt. Bởi vì khi bạn không có công phu thì ma sẽ không đến tìm bạn, ma khinh thường bạn, khi thời cơ đến ma sẽ đến tính sổ với bạn. Khi bạn hơi có công phu đắc lực một chút, ma biết tương lại bạn sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc, ma sẽ không tìm thấy bạn nữa, ma muốn báo thù thì sẽ không còn cơ hội nữa, cho nên ma đến chướng ngại bạn, dùng rất nhiều cảnh giới để mê hoặc bạn. Bạn không để ý thì sẽ không sao, nếu bạn vừa khởi tâm động niệm, vừa để ý thì bạn sẽ rất dễ bị ma lừa. Sự việc thế này, Phật nói rất nhiều trong Kinh Lăng Nghiêm, nói cũng rất rõ ràng.

Pháp sư Ngộ Toàn có hỏi một câu hỏi: Niệm Phật đường thành lập đến nay đã được một năm rưỡi, khi mới thành lập đại đa số các bạn đồng tu đều rất tinh tấn thế nhưng đến nay có rất nhiều người đã thối tâm ban đầu, vậy làm thế nào để có thể giúp đỡ họ. Sự việc này cũng rất bình thường, người xưa từng nói: Học Phật một năm Phật ngay trước mắt, học Phật hai năm Phật ở chân trời, học Phật ba năm Phật thành mây khói. Hiện tại bạn học Phật hai năm, Phật đã đi đến chân trời rồi. Vào thời gian này của năm tới e rằng người ở niệm Phật đường sẽ không còn ai nữa. Cho nên có thể biết rằng niệm Phật thành Phật là việc không dễ dàng. Người không có tâm nhẫn nại, không có tâm bền lâu thì sao có thể thành tựu được chứ? Điểm này chính là sự khảo nghiệm. Niệm Phật ở niệm Phật đường, mọi người đều rời đi hết rồi, chỉ còn một mình tôi niệm Phật. Một mình niệm Phật càng tốt, càng thanh tịnh, càng tự tại, nhất định không để ý người nhiều hay ít mà để ý được mấy người thành tựu, trong tương lai người niệm Phật ở niệm Phật đường này có mấy người thật sự được vãng sanh. Sự thù thắng của niệm Phật đường là nhìn từ chỗ này chứ không phải niệm Phật đường có bao nhiêu người. Một vạn hai vạn người niệm Phật mà không có nổi một người vãng sanh thì niệm Phật đường này thất bại rồi. Bạn xem Tây Phương Xác Chỉ, niệm Phật đường của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát chỉ có mười hai người, nhưng người nào cũng được vãng sanh. Đó chính là sự thù thắng cứu cánh viên mãn không gì sánh được. Cho nên cần hiểu đạo lý này. Niệm niệm thoái tâm, đó là thiện căn yếu kém, thiện căn phước đức rất mỏng. Điều này chúng tôi cũng không có cách nào, phương pháp duy nhất là giảng đường này cần phải mỗi ngày giảng kinh. Ngày ngày giảng kinh là khuyên nhủ mọi người, nhắc nhở mọi người, chúng tôi chỉ có thể dùng phương pháp này để giúp đỡ họ. Pháp môn Tịnh Tông, các bạn cần hiểu là pháp môn thành tựu ngay trong đời này, là pháp môn một đời thành Phật. Cho nên bạn quan sát tỉ mỉ những người tu hành có giống một vị Phật không? Có giống dáng vẻ muốn thành Phật không? Người đó không giống Phật, không giống dáng vẻ thành Phật thì bạn cũng không cần lo lắng, bạn cần lo lắng cho bản thân bạn, bớt lo lắng thay cho người khác, chính mình cần ngay trong đời này nhất định thành tựu. Người khác có thành tựu hay không là việc của họ. Chúng ta luôn tận lực giúp đỡ họ, tận lực hướng dẫn họ. Họ không chịu học, thời đại ngày nay là mở cửa tự do dân chủ, không ai có thể quản lý người khác được. Điều này nhất định cần phải biết. Cho nên có một số người hiểu lầm, muốn mời Pháp sư đi giúp đỡ họ nên họ đến tìm tôi. Tôi nói bạn sai rồi. Những Pháp sư trẻ tuổi này nói là đệ tử của tôi, là học trò của tôi, tôi nói sai rồi, không phải. Tất cả những Pháp sư này đều là bạn của tôi, các bạn nhất định phải biết, thời đại ngày nay không còn thầy và trò nữa, không còn học trò nữa. Học trò không nghe lời thầy giáo, không những không còn thầy trò, không còn học trò, thậm chí ngay đến cha con cũng không còn nữa. Con trai không nghe lời cha, con gái không nghe lời mẹ. Vì thời đại tự do dân chủ mở cửa, mọi người đều là bạn bè, vậy thì chúng ta đều rất tự tại rồi, chúng ta cùng nhau chung sống sẽ rất vui vẻ. Nếu nhất định phải lập nên danh phận này thì bạn sẽ sanh phiền não, ngày ngày ưu tư, ngày ngày phiền não, đâu cần phải sống những ngày tháng khổ sở như vậy? Mọi người đều bình đẳng, mọi người đều là bạn, đôi bên giúp đỡ lẫn nhau, bạn dùng tâm thái này sống ở thế giới này bạn liền tự tại rồi, bạn thật sự có thể buông xuống được.

Có một cư sĩ hỏi, anh ấy nói gia đình anh làm nghề ngư nghiệp, hiện nay anh phụ trách nghiệp vụ của Singapore, tất cả hải sản đông lạnh của nhà hàng khách sạn đều do anh ấy cung ứng, ngày nay nghe kinh biết rằng đó là tạo ác nghiệp, trong tâm không an, nhưng nếu đổi sang ngành nghề khác thì nghiệp vụ của người thân của anh ấy ở các nơi như Thái Lan, Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng, xin hỏi Pháp sư nên làm thế nào? Ở trong tình hình như thế này, người tạo nghiệp chủ yếu không phải là bạn, bạn là phục vụ cho người khác, ông chủ là người tạo nghiệp, là người đứng đầu, các bạn là người giúp việc. Giống như việc xử án vậy, ông chủ là thủ phạm chính, các bạn là đồng bọn. Tội của đồng bọn tương đối nhẹ, thế nhưng bạn cần giác ngộ trở lại, nếu bạn có thể giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này, nếu đã bị động lạnh chết rồi thì điều này là hết cách, nếu như nhìn thấy còn sống thì bạn có thể phóng sanh. Phóng sanh một con được một con, phóng sanh hai con được hai con, thế nhưng đã bị đông lạnh chết rồi thì bạn nên thường xuyên niệm Phật tụng kinh hồi hướng cho chúng, vậy thì sự giúp đỡ của bạn đối với những chúng sanh này tương đối lớn. Lợi nhuận mà bạn được chia sẻ, lương bổng mà các bạn có được, ngoài việc chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mình, phần còn dư đem đi phóng sanh thì bạn không những không có tội mà bạn đã tu tích công đức ở đó. Cho nên bất kỳ trong trường hợp nào đều có thể tu tích công đức được. Chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này.

Câu hỏi cuối cùng là hiện nay có rất nhiều phụ nữ phá thai, làm thế nào để giúp đỡ những linh hồn thai nhi và những người phụ nữ phá thai giảm nhẹ tội lỗi của của họ. Phá thai là giết người, hơn nữa là giết hại người thân của chính mình, quả báo nhất định ở địa ngục, điều này là do họ không biết sự nghiêm trọng, hy vọng họ có thể niệm nhiều Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện. Đây là tội nghiệp cực nặng vì người này đầu thai đến gia đình bạn có bốn loại quan hệ đối với bạn. Trong kinh Phật nói là báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, họ vừa đến bạn liền giết chết họ, tuy rằng là đến báo ân nhưng ân sẽ biến thành oán, nếu như là đến báo oán thì oán càng thêm oán, sau này sẽ rất khủng khiếp. Cho nên đây là việc ngu ngốc tuyệt đối không thể làm. Sự việc không có trách nhiệm này thì quả báo không thể nghĩ bàn, rất đáng sợ, cho nên người thế gian vô tri, tạo tác tội nghiệp cực nặng thế này, cảm lấy quả báo đời đời kiếp kiếp không như ý, tai nạn đời đời kiếp kiếp.

One Comment

  1. Diệu Âm Nguyễn vân

    A DI ĐÀ PHẬT 🙏

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *