Cần Cảnh Giác Khi Thấy Tướng Lành Hiện Ra

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Cần Cảnh Giác Khi Thấy Tướng Lành Hiện Ra: Sư muội Diệu Dung có nói đến một điểm mà con thấy là đúng, đó là khi mà mình được nhìn thấy tướng lành, mà điều đó giúp cho mình tăng trưởng được cái Tín Tâm vào Tam Bảo, vào Chánh Pháp, vào Pháp môn mình đang tu

00:00
00:00

Đó là sự TỪ BI, âm thầm gia hộ của chư Phật Bồ Tát cho những người sơ học, mới phát tâm. Cái phát tâm này ban đầu chưa có được kiên cố. Cho nên các Ngài có một chút cảm ứng để mà tăng trưởng cái Tín Tâm của mình được kiên cố hơn. Đây là cái mục đích để mà chư Phật Bồ Tát thị hiện tướng lành, để thúc đẩy cái Tín Nguyện và cái tâm thiện của chúng ta luôn được giữ vững.

Chứ nếu mà cái tướng lành đó mà khiến cho bản thân mình móng khởi một cái niệm nào khác, là đột nhiên thấy quá vui, quá hoan hỷ, rồi đi khoe với người này, đi kể với người kia, về cái tướng lành đó, hoặc là giả như cho mình là có công phu thì mình mới thấy tướng lành, còn người khác chưa có công phu thì chưa có tướng lành, thì đó là mình sẽ tăng trưởng sự Ngạo Mạn. Thì cái tướng lành đó, cái tướng lành mà khiến cho tâm mình nó trộn rộn, nó thích thị phi, nó có sự tự đắc, thì đều là những chỗ hại chính mình và hại những người xung quanh. Thì tướng đó không phải là lành. Tướng đó là từ trong Vọng tưởng, Phân biệt, chấp trước của mình biến hiện ra, chiêu cảm lấy ngoại ma biến hiện ra, để mà khuấy động sự thanh tịnh , khuấy động lòng tham si của mình, để khiến cho mình tạo nghiệp.

Thì bây giờ con thì con thấy tướng lành, rồi bây giờ Sư Huynh Cương không thấy tướng lành, rồi con nói là, Sư Huynh Cương sao tu sư huynh không có thấy tướng lành đó hả? Sao hôm nay Sư Huynh đi phóng sanh với đệ, mà đệ thấy được A Mi Đà Phật, Sư huynh không thấy à? Sư Huynh bảo không thấy. Thế thì sư huynh phải coi lại xem Sư huynh tu tập làm sao mà ai cũng thấy được, mà huynh lại không thấy. Thì mình nghĩ là mình tu như thế nào thì mình mới thấy, con người này tại sao họ lại không thấy được. Thì chắc là trong tâm họ có xen lẫn tự tư tự lợi, hay có cái gì đó mà Phật Bồ Tát không gia trì cho họ sao. Thì nếu 1 người không có hiểu sâu cái nghĩa lý, thì cái việc thấy tướng lành đó, vô hình chung là tạo ra cái sự phân biệt ở trong các bạn đồng học.

Rồi khiến cho những người không thấy tướng lành thì sanh khởi cái niệm mong muốn, cũng muốn sau này sẽ được thấy tướng lành. Và mong cầu đó chính là cái chỗ sai lầm nhất của cái người tu tập. Cho đến là có thái độ là chán nản tự ti, vì tại sao mình tu tập nhiều năm mình không được thấy, mà cái người này người ta thấy. Bản thân tự ti, còn đối với người ngoài, người thấy, thì nếu mình còn cái tật khí xấu thì mình lại sinh khởi tâm đố kỵ. Người này tu chưa bao lâu mà thấy cái này, thấy cái kia. Tự nhiên đố kỵ với họ.

Do Phật Bồ Tát thị hiện là xuất phát từ tâm Từ Bi, mà trong cái tâm Từ Bi đó các Ngài luôn phải có trí tuệ cao độ, chứ các Ngài không thể hại chúng ta được. Các Ngài không thể làm những cái chuyện khiến cho chúng ta tăng trưởng thêm sự mê tín, hay là tham sân si, ngạo mạn. Các Ngài luôn là giúp cho chúng ta tăng trưởng Giác ngộ, Giới Định Huệ, giúp cho chúng ta nhìn thấu được Tham Sân Si của mình mà buông bỏ.

Cho nên cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật Thế Tôn, đầy đủ vô lượng thần thông, nhưng mà Ngài tuyệt đối Ngài không dùng thần thông đó để mà độ chúng sanh, trừ những trường hợp đặc biệt. Tại sao Ngài lại làm như vậy? Vì thần thông tà ma ngoại đạo cũng có. Cho nên nếu dùng thần thông mà độ chúng sanh, thì sẽ đồng hóa với lại tà ma ngoại đạo. Tà ma ngoại đạo sẽ lợi dụng phương tiện này để mà hại người, hại đạo. Vì vậy Chư Phật Bồ Tát tuyệt đối là không dùng cái phương pháp này, mà các Ngài dùng cái cách là giảng kinh thuyết pháp. Tà ma ngoại đạo không thể giảng kinh thuyết pháp theo đúng chánh pháp của Như Lai.

Mà ngay cả giảng kinh thuyết pháp, Đức Phật cũng nói rõ là phải biết dựa vào Tứ Y Pháp. Chứ không phải ai giảng Kinh vì cái sự nổi tiếng của họ, vì cái thanh danh của họ, vì cái địa vị của họ, tốt thế này, tốt thế kia, mà những lời họ nói ra đều là Chánh Pháp được. Hoặc là có danh tiếng, tu lâu năm, nói ra thì cái người này là nói đúng. Không phải như vậy. Y Pháp bất y nhân.

Cho nên chúng ta rất là may mắn khi mà chúng ta được tiếp nhận Chánh Pháp từ Ân Sư. Vì tất cả những điều con nói đây á, đều là Ân Sư dạy hết, con chỉ nói lại mà thôi. Ân Sư rất là Từ Bi, Ngài nói rõ ràng, Ngài cũng không phủ nhận, nhưng sau đó Ngài nói sao ạ, tướng lành hi hữu nhất đó chính là tướng lành Vãng Sanh của các đồng tu. Ngài nhắc nhở mình đó, đừng có mong cầu cái tướng lành nào khác hết. Bạn thật tu, thật niệm Phật, bạn tự tại vãng sanh, đó là tướng lành hi hữu ở trong cái đời tu của bạn. Nó là sự gia trì của A Mi Đà Phật, là cái tướng lành duy nhất mà bạn nên hướng về.

Còn những cái tướng lành khác mà bạn có thấy, bạn phải tự hỏi là tại sao mình thấy mà người khác không thấy? Mà cái tướng lành này nó mang lại cho mình cái trạng thái cảm xúc gì? Và Phật Bồ Tát, con nói nếu giả sử cho mình thấy cái tướng lành đó, các Ngài có nói là mình phải kể cái tướng lành đó cho người khác nghe hay không? Vì mình là phàm phu. Giống như là Ngài Hải Hiền, Ngài cũng thấy tướng lành, nhưng mà các nữ cư sĩ đồng tu có hỏi Ngài, thì Ngài liền bảo: “Không có nói, A Mi Đà Phật không cho phép nói, nói ra thì Trời đánh chết.” Chúng ta thấy chưa? A Mi Đà Phật không cho nói, tại sao mình lại nói? Vì cái tướng lành này nếu mà từ Phật Bồ Tát dành cho mình thì để tăng trưởng cái Tín Tâm của mình thôi. Chứ không phải tăng trưởng cái Tín Tâm của người khác, và Ngài không cho mình nói.

Cho nên cái tâm mình mình phải nhìn lại cho kỹ, xem coi là cái chuyện mình cảm lấy cái cảm ứng này, thấy tướng lành này, thấy tướng lành nọ, nó làm cho tâm mình xôn xao, náo nhiệt, hay là sanh khởi Tín Tâm sâu sắc vào cái sự chọn lựa Pháp môn tu của mình, đó là Tín Nguyện Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Sơ tổ Huệ Viễn Ngài đã 4 lần thấy cảnh giới Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đến lần thứ 4 thì Ngài cảm nhận là Ngài đã tới thời điểm vãng sanh rồi, thì Ngài mới nói với cái người đệ tử thân cận với Ngài là: “Ta sắp vãng sanh, ta đã thấy cảnh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trước đây cũng thấy 3 lần rồi.” Nhưng mà Ngài đâu có nói. Bây giờ mình tu Tịnh Độ, mình có cảm ứng chút xíu là mình muốn nói cho cả thiên hạ nghe, mình thấy lạ không? Thậm chí cái chuyện đơn giản nhất thôi cũng nói, cũng không phải tướng lành gì: “Con niệm Phật, niệm một hồi lát con thấy nước miếng của con nuốt nó ngọt lắm, giống như có nước cam lồ vậy á.” Vậy cũng nói nữa, nói không biết để được cái gì? Huynh đệ tỷ muội xem coi mình nói như vậy mình được cái gì?

Từ những cái điểm nhỏ nhỏ như vậy trong đời sống tu hành mà mình phản tỉnh. Mình mới biết là mình nên thay đổi lại cách suy nghĩ, thì mình tu tập mới tiến bộ được, mới đúng theo chánh pháp được, chứ không là mình tu chánh pháp rồi lệch sang tà pháp lúc nào không hay. Đây là cái chỗ vô cùng đáng thương. Mà rất là nghiêm trọng. Nghiêm trọng không chỉ là ảnh hưởng cho bản thân mình không, mà còn ảnh hưởng cho đạo pháp, cho các huynh đệ tỷ muội đồng tu khác, cho những người xung quanh nữa.

Cho nên đó là lý do tại sao Đức Phật dạy trong kinh Kim Cang: “Vì sắc mà cầu ta, vì thanh mà cầu ta, kẻ ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai.” Mắt thấy, tai nghe, vọng theo nó mà mong cầu cảm ứng, suy diễn này, suy diễn nọ, rồi tạo khẩu nghiệp, rồi lại dính mắc. Đây đều là tà đạo.

Cho nên Ân Sư dạy mình sao: “nếu bạn chưa có chứng được A La Hán, bạn không thể tin vào cái suy nghĩ của chính bạn.” Thì mình phải tin vào suy nghĩ của ai? Tin vào suy nghĩ của Phật Bồ Tát, ở trong kinh điển, từ trong lời dạy của Ân Sư mà tin tưởng, xem đó là chuẩn mực, để cho mình đối chiếu cái suy nghĩ của mình, xem coi có phù hợp không, nếu phù hợp thì mình nghĩ đúng. Mà nghĩ đúng thì là tốt cho mình, chứ không phải nghĩ đúng là cái chuyện là tốt để cho khoe. Khoe là ở tôi nghĩ đúng, tôi nói đúng, tôi làm đúng theo chánh Pháp.

Thân Khẩu Ý của bạn đúng theo chánh pháp là chuyện bạn phải nên tu mỗi ngày mà, bạn có gì mà khoe? Bạn có gì mà tự hào khi đó là chuyện bạn phải làm? Bạn không làm thì bạn đi vào tam ác đạo, đó là nhiệm vụ, đó là bổn phận của bạn đối với chính bạn. Mình chưa vãng sanh được, chưa nắm chắc được ngày giờ tự tại vãng sanh, mình tự hào cái gì chứ? Con thấy mình tự hào nhiều thứ, nhưng mà cái mình chưa làm được, đó là tự tại vãng sanh, mình chưa nắm chắc được, thì những cái thứ mình tự hào đó đều là mê hoặc điên đảo. Đó là tự mình lừa mình.

Dạ đó là cái đoạn đầu tiên mà con đọc con cảm nhận được cái tầm quan trọng của lời dạy Ân Sư qua cái đoạn này. Những gì Ngài nhắn gửi, Ngài không thể nói thẳng, Ngài phải nói mang tính gợi ý để tránh những người mà báo cáo những cái tướng lành đó, nói thẳng ra thì nhiều khi nhiều người tự ái tổn thương. Nhưng mình phải nói, nói một cách gợi ý. Còn trên lớp học của chúng ta thì chúng ta cùng nhau học tập phân tích cho rõ ràng, cho tường tận, để chúng ta hiểu, nắm bắt vấn đề mà Ân Sư muốn truyền đạt ý nghĩa trong lời dạy của Ngài.

Làm sao xác thực cho đúng cái con đường mình đang tu, cho đúng cái tâm của mình, trong cái thực tế của mình, để mình cảnh giác, để mà mình phản tỉnh, mình có lợi ích liền, thì buộc phải nói thẳng, chứ không có nói vòng nói vo nói ẩn dụ nói ẩn ý gì đó. Vì chúng ta cũng được nghe Ân Sư rồi, mình không phải là hạng Thượng trí hay Lợi căn. Nói ẩn, gợi ý nhiều khi hiểu hiểu không tới, thậm chí hiểu sai lệch. Nếu mà không có chia sẻ rõ ràng tường tận ra, đọc qua đoạn này thì lại thấy không rõ ràng, nhìn sơ sơ thì thấy Ân Sư có vẻ tán thán cái chuyện thấy A Di Đà Phật, thấy phóng quang, thì chắc đây là chuyện tốt. Con nói không có tốt đâu. Đó là chuyện không tốt. Cả đời mình niệm Phật, tự tại vãng sanh được mới là tốt. Ngoài ra không có cái chuyện nào tốt hết, mình dính vô cái chuyện tốt nào, ở đây Ân Sư nói: “nhiều khi tham làm chuyện tốt, lòn lách pháp luật.” Mình có không ạ? Dạ có đó. Chứ không phải là không đâu. Mình đi giúp đời giúp người nhiều rồi mình biết, mình dính hết à, nhưng mà mình kệ. Tới đâu hay tới đó. Dạ vâng A Mi Đà Phật con cũng mới báo cáo chia sẻ một chút xíu về cái đoạn đầu tiên.

One Comment

  1. Su Mi

    Dạ qua phần chia sẻ của Sư Huynh con có ghi nhớ và học tập những điều sau ạ:
    1. “Cho nên Phật Bồ Tát thị hiện là xuất phát từ tâm Từ Bi, mà trong cái tâm Từ Bi đó các Ngài luôn phải có trí tuệ cao độ, chứ các Ngài không thể hại chúng ta được. Các Ngài không thể làm những cái chuyện khiến cho chúng ta tăng trưởng thêm sự mê tín, hay là tham sân si, ngạo mạn. Các Ngài luôn là giúp cho chúng ta tăng trưởng Giác ngộ, Giới Định Huệ, giúp cho chúng ta nhìn thấu được Tham Sân Si của mình mà buông bỏ.”
     Dạ con chưa bao giờ thấy cảm ứng hay tướng lành gì cả, con cũng chưa tu tập được gì nhiều, qua đoạn Sư Huynh chia sẻ trên con cảm thấy chư Phật Bồ Tát rất là Từ Bi, các Ngài luôn ở bên dõi theo con, chờ con, các Ngài biết cho con thấy cái gì là con sẽ suy nghĩ lung tung nên các Ngài luôn để cho cuộc sống của con bình yên.
    2. Cho nên cái tâm mình mình phải nhìn lại cho kỹ, xem coi là cái chuyện mình cảm lấy cái cảm ứng này, thấy tướng lành này, thấy tướng lành nọ, nó làm cho tâm mình xôn xao, náo nhiệt, hay là sanh khởi Tín Tâm sâu sắc vào cái bước đường tu, vào cái sự chọn lựa Pháp môn tu của mình, đó là Tín Nguyện Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
     Dạ con ghi nhớ để nhắc nhở nếu sau này có thấy tướng lành thì tâm đừng chộn rộn xôn xao lên, mà chỉ thêm vững tin trên con đường niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
    3. Bây giờ mình tu Tịnh Độ, mình có cảm ứng chút xíu là mình muốn nói cho cả thiên hạ nghe, mình thấy lạ không?
     Dạ con cũng hay kể cái này cái kia cho người khác nghe, cái chút xíu giống như Sư Huynh nói, chẳng phải tướng lành gì cũng vui vui đem đi kể, như là hôm qua con nằm mơ thấy cái này thấy cái kia con cũng kể. Dạ con ghi nhớ để nhắc nhở bản thân mình, có thấy cái gì cũng chẳng là cái gì để mà lưu tâm, hay là thấy vui, và đem đi kể, phải cứ luôn bình yên mà niệm Phật, tu tập.
    Dạ con xin báo cáo những điều con ghi nhớ và học tập như trên, con xin cảm ơn Sư Huynh và mọi người đã cùng chia sẻ và nhắc nhở để con được học tập thêm. Dạ Nam Mô A Mi Đà Phật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *