Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.108)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng Cảm Ứng Thiên: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng học xin chào mọi người.

Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 96:

Khí thuận hiệu nghịch, bội thân hướng sơ.” (Bỏ thuận theo nghịch. Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài).

Đây đều là ác hạnh, trong chú giải thường dẫn dụng giáo huấn của người xưa: “Thạch Thước là người nước Vệ đời Châu đã nói: Vua có nghĩa, bầy tôi trung thành, cha nhân từ, con hiếu thảo, anh yêu thương, em kính mến; đó là sáu điều thuận thảo”. Nói “thuận” nói “nghịch” đều nói vô cùng cụ thể, đây là nhà Nho nói. Nhà Phật nói càng sâu hơn, nói càng thấu triệt hơn. Nhà Phật lấy Pháp Tánh làm tiêu chuẩn, nhà Nho thì lấy “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ” làm tiêu chuẩn. Chúng ta nói thế pháp và xuất thế pháp thông thường khác biệt ở chỗ này. Con người có thể thuận theo thế pháp thì được phước báo thế gian, có thể thuận pháp tánh thì được phước báo xuất thế gian không gì sánh được. Xuất thế gian thì Phật đã nói rất nhiều, chúng ta cũng nên hiểu xuất thế gian không lìa thế gian, nhất định bao gồm thế gian ở trong đó, thế nhưng thế gian pháp thì không thể bao gồm xuất thế gian. Ở đây còn có sự khác biệt sâu cạn rộng hẹp, rộng thì có thể bao hàm hẹp, sâu thì có thể bao hàm cạn, chúng ta phải biết đạo lý này. Phật thường dạy chúng ta, căn bản của tu hành là Tam Phước, Lục Hòa, đây là đại căn đại bổn. Mười một câu ở trong Tam Phước nếu chúng ta có thể tùy thuận thì đây là hướng đạo, hướng về đại đạo Bồ-đề. Nếu chúng ta trái nghịch thì chẳng những thiện pháp thế gian không thể thành tựu mà vĩnh viễn đọa trong ba đường ác. Những sự lý này các đồng tu chúng ta đều rất rõ ràng.

Gốc của thuận nghịch là ở hiếu kính, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản của thế xuất thế gian mà đại Thánh đại Hiền đã dạy cho chúng ta, tùy thuận Pháp Tánh, tùy thuận “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ”. Chư Phật Như Lai giáo hóa hết thảy chúng sanh là từ chỗ này mà bắt đầu, cũng từ đây mà viên mãn, hiếu kính đạt đến chỗ viên mãn thì thành Phật. Chúng ta cũng có thể nói, nền giáo dục của nhà Phật triệt để từ đầu cho đến cuối chính là “hiếu kính” mà thôi. Phật đem hiếu kính mở rộng ra, ở trong giới kinh thường nói: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, đây là đem “hiếu dưỡng phụ mẫu” mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong tận hư không pháp giới. Chúng ta ở trong Kinh Hoa Nghiêm xem thấy câu “Nhất thiết chúng sanh, tình dữ vô tình giai ngã thiện tri thức” (tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều là thiện tri thức của ta). Thiện tri thức mà trong Kinh Hoa Nghiêm nói chính là người thầy, không những hết thảy chúng sanh hữu tình trong hư không pháp giới là thầy của ta, mà chúng sanh vô tình cũng là thầy, đây là đem “Hiếu thân tôn sư” nói đến cứu cánh viên mãn. Chúng ta nếu có thể thực hiện những sự việc này thì người này thành Phật rồi. Nếu chăm chỉ nỗ lực thực hiện mà vẫn chưa đạt đến viên mãn thì người này được gọi là Bồ-tát, nếu thực hiện được đến cứu cánh viên mãn thì gọi là Phật. Trái ngược lại những giáo huấn này thì người này là phàm phu. Chúng sanh lục đạo nói hiếu kính thì không thể đạt đến mức hiếu kính hết thảy chúng sanh, chỉ dừng ở mức hiếu kính cha mẹ và sư trưởng của mình mà thôi. Thậm chí nói đến mức: “Tôn kính nuôi dưỡng cha mẹ mình và tôn kính nuôi dưỡng cha mẹ của người khác. Thương yêu nuôi dạy con của mình và thương yêu nuôi dạy con của người khác” thì cảnh giới này đã là không tệ rồi. Chúng ta luôn bị giới hạn trong quốc gia của chính mình, trong một quần tộc, không thể đạt đến giống như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “bất phân quốc độ”. “Quốc độ” mà kinh này nói là rất lớn, đó là quốc độ của chư Phật. Mỗi khu vực mà một vị Phật giáo hóa là một đại thiên thế giới, không phân quốc độ, không phân quần tộc, không phân tín ngưỡng tôn giáo, chân thành thanh tịnh bình đẳng mà tận hiếu, tu kính. Đây là Phật pháp Đại Thừa.

Do đó, học Phật là phải học cho giống Phật, niệm Phật thì phải thường nghĩ nhớ đến Phật. Phật có tâm như thế nào? Phật động ý niệm gì? Cuộc sống của Phật ra làm sao? Phật xử sự đối người tiếp vật như thế nào? Chúng ta phải thường nghĩ đến việc này, như vậy thì gọi là niệm Phật. Niệm Phật tuyệt đối không phải là chỉ ở trên miệng, đó chỉ là Phật hiệu. Nếu chỉ là Phật hiệu thì giống như ca hát mà thôi, ý nghĩa là gì thì vẫn mù mờ không hiểu, bạn làm sao có được thọ dụng chứ? Niệm danh hiệu của Phật, nghĩ tưởng đến tâm của Phật, nghĩ tưởng đến hành nghi của Phật, nghĩ tưởng đến Phật làm thế nào xử sự đối người tiếp vật, đây gọi là chân niệm Phật. Quán tượng niệm Phật là nhìn thấy tượng Phật cũng phải nhớ nghĩ đến những sự việc này. Cho nên chúng ta phải biết niệm, niệm được lâu rồi thì ý niệm của chúng ta sẽ chuyển biến thành ý niệm của Phật, tâm của chúng ta biến thành tâm Phật, hạnh của chúng ta biến thành hạnh Phật. Tâm của Phật là hiếu, hạnh của phật là kính, hai chữ này đã bao gồm hết thảy vô lượng vô biên pháp môn mà chư Phật Như Lai đã nói. Chúng ta là đệ tử của Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, tự mình nhất định phải nên biết, chúng ta là hình tượng của Phật, là đại biểu của Phật. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày rốt cuộc là có mấy phần giống Phật? Chúng ta có thể làm được một phần hai phần thì đã không tệ rồi, làm được 100% thì bạn thành Phật rồi. Nếu bạn làm được khoảng 30-40% thì bạn thật sự là Bồ-tát, chúng ta phải y giáo phụng hành.

Các đồng học hiện tại đa số đều đang thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, khi tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ đã nhiều lần khuyên bảo đồng học, chúng ta có thể minh bạch những lý luận ở trong Kinh Vô Lượng Thọ, thông đạt minh liễu thì khai trí huệ rồi. Nếu có thể thực hiện những giáo huấn ở trong kinh, thực hiện được 100% thì tương lai vãng sanh nhất định sẽ được thượng thượng phẩm vãng sanh, là nắm chắc phần, là có lòng tin. Nếu bạn có thể làm được 90% thì vãng sanh thượng trung phẩm. Mức thấp nhất thì cũng phải làm đến 20%, được hạ hạ phẩm vãng sanh. Còn như thế giới Tây Phương nói có bốn cõi, đó là vấn đề của tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề thượng thượng phẩm là Thường Tịch Quang Độ, tâm Bồ-đề thượng trung phẩm là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Tâm Bồ-đề trung phẩm là Phương Tiện Hữu Dư Độ. Tâm Bồ-đề hạ phẩm là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Rõ ràng minh bạch, thông suốt thấu đáo bày ra trước mắt chúng ta rồi. Kinh không phải là chỉ để đọc, đọc cho Phật Bồ-tát nghe thì sai rồi, ở trước Phật Bồ-tát đọc kinh là tu hiếu kính, giống như Phật Bồ-tát đang ở trước mặt chúng ta. Ta đọc kinh là tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ-tát, ta thật sự hiểu, nghe hiểu được rồi thì thật sự phát tâm làm theo, bắt đầu làm từ đâu?

Kinh Vô Lượng Thọ chân thật là viên mãn đến cùng cực, trong phần mở đầu đã đem đáp án này nói cho chúng ta. Bạn xem câu đầu tiên là “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức”. Đây là tổng cương lĩnh tu học của Tịnh Tông. Kinh văn vừa mở đầu đã giới thiệu về thính chúng, chúng Thanh Văn, chúng Bồ-tát, chúng Bồ-tát tại gia. Giới thiệu xong, câu đầu tiên là “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức”. Tịnh Độ tông tu cái gì? Đây không phải là đã rõ ràng minh bạch rồi sao, bắt đầu từ chỗ nào vậy? “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”, “Khéo giữ thân nghiệp”, “Khéo giữ ý nghiệp”, dạy chúng ta từ chỗ này mà bắt đầu. Trong “khéo giữ ba nghiệp” thì khẩu nghiệp được đặt ở hàng đầu. Ngày nay xã hội vì sao lại động loạn như vậy? Vì mọi người không biết “khéo giữ ba nghiệp”, thân ngữ ý đều tạo nghiệp. Dễ tạo nghiệp nhất chính là khẩu nghiệp, nên không gọi là “thân khẩu ý” mà nói “khẩu thân ý”. Thân chúng ta nếu có thể giữ được “bất thất luật nghi”, “luật nghi” suy rộng ra chính là pháp luật. Một người sống tại thế gian này, cả đời không làm việc gì phạm pháp, tuân giữ quy tắc pháp lệnh của quốc gia, tuân thủ phong tục tập quán của xã hội, tất cả những khái niệm về đạo đức chúng ta đều không vi phạm, người này là người tốt. “Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Kinh điển vừa mở đầu đã đem cương lĩnh tu học nói với chúng ta. “Thân ngữ ý” đạt đến chỗ tối cực thanh tịnh thì người này thành Phật.

Chúng ta thường nhìn thấy tượng Phật, đặc biệt là hình Phật, nhìn thấy trên đầu Phật có hào quang, phía trên hào quang có viết ba chữ, “Án A Hồng”, “Án A Hồng” nghĩa là gì? “Thân Khẩu Ý”. “Thân khẩu ý” làm được đến cứu cánh viên mãn. Cho nên giáo giới của Phật dạy người sơ học từ thập thiện mà bắt đầu, đến chỗ tối chung cực là thập thiện viên mãn. Thập thiện viên mãn là “Án A Hồng”, chính là quả giác vô thượng, ngàn kinh vạn luận chỉ là giảng chi tiết. Đây là nói tổng cương lĩnh, chúng ta nắm lấy cái tổng cương lĩnh này, sau đó từ từ học chi tiết. Chi tiết trong Đại thừa là 51 cấp bậc Bồ-tát, mỗi một cấp bậc cảnh giới đều không như nhau, bất luận là ở trên lý luận, hay trên sự hành trì, đều có sự khác biệt về độ sâu cạn rộng hẹp. Từ đây cho thấy, cấp bậc thấp nhất là Sơ Tín Vị Bồ-tát, phải phát Bồ-đề tâm, phải hành Bồ-tát đạo.

Cái gì là Bồ-đề tâm? Trong các kinh luận nói rất sâu, không dễ hiểu. Phật có vô lượng vô biên phương tiện, Phật dạy chúng ta phát nguyện, tứ hoằng thệ nguyện chính là Bồ-đề tâm, mỗi một nguyện đều bao hàm Bồ-đề tâm. Trong Khởi Tín Luận gọi là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh thì gọi là “chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm”. Bốn nguyện này nguyện nguyện đều có đủ. Nguyện thứ nhất “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. “Độ” có nghĩa là gì? Dùng lời hiện nay mà nói là giúp đỡ chúng sanh vô lượng vô biên, phải nên phát tâm vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Tâm này vừa phát thì thật sự bạn thành Bồ-tát rồi. Phàm phu thì niệm niệm là vì chính mình mà phục vụ, vì gia đình mình mà phục vụ, cho nên tăng trưởng thân kiến, tăng trưởng ngã chấp. Nếu tăng trưởng thân kiến, tăng trưởng ngã chấp thì sao có thể thoát ly lục đạo luân hồi? Chúng ta hiện giờ đã hiểu được lục đạo hình thành như thế nào rồi, lục đạo chính là từ ngã kiến, ngã chấp mà hình thành. Phá ngã kiến, phá ngã chấp thì lục đạo không còn, siêu vượt lục đạo rồi. Vì vậy con người vừa phát Bồ-đề tâm thì liền siêu vượt lục đạo. Thân này của chúng ta hiện tại ở trong lục đạo, thân trong lục đạo không phải là thân của ta, mà thân này là vì chúng sanh phục vụ, là công cụ để phục vụ cho chúng sanh, đây không phải là ta.

Làm thế nào để phục vụ chúng sanh? Ba điều sau sẽ nói ra một biện pháp cụ thể. Thứ nhất là đoạn phiền não, đoạn phiền não có phải là vì chính mình hay không? Không phải, mà là vì chúng sanh, làm cho chúng sanh xem, là vì chúng sanh mà đoạn phiền não. Học pháp môn cũng không phải là vì chính mình, mà là vì làm biểu mẫu cho chúng sanh. Làm người hiếu học, hi vọng họ nhìn thấy cái dáng vẻ của ta như vậy, họ cũng có thể hiếu học. Đoạn phiền não là bồi dưỡng đức hạnh cho chính mình, học pháp môn là thành tựu học thuật cho chính mình, thành Phật đạo là chuyển phàm thành Thánh, các vị hãy tỉ mỉ suy nghĩ, có phải là như vậy không? “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” là chuyển ác thành thiện. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là chuyển mê thành ngộ. “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” là chuyển phàm thành Thánh. Chúng ta thật sự hiểu rõ, thực sự chịu làm thì chúng ta giống Phật rồi. Chúng ta chính là hình tượng đại biểu của Phật. Phật Bồ-tát ở đâu vậy? Phật Bồ-tát chính là ở trong hình tượng này của chúng ta. Bản thân mỗi ngày đều đắp nặn hình tượng này thì sẽ có một ngày bạn đắp nặn thành công hình tượng này. Bạn chân thật siêu phàm nhập Thánh rồi, nhà Phật gọi là “viên mãn”.

Chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực học tập, kinh phải nên đọc nhiều, nên nghe nhiều, tư duy nhiều, thể hội nhiều, sau đó thì áp dụng vào trong hành vi đời sống của chúng ta, áp dụng vào trong công việc, áp dụng vào trong xử sự đối người tiếp vật, đây là chân thật học Phật.

***********

Các vị đồng học, xin mời xem tiếp Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 96:

Khí thuận hiệu nghịch, bội thân hướng sơ.” (Bỏ thuận theo nghịch. Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài). Kinh văn từ điều thứ 90 đến đoạn này đều là thuộc về “việc ác không kiêng dè”.

Tạo tác ác nghiệp, trong xã hội hiện tại có thể nói là đã hình thành nên phong khí, mọi người đều xem sự việc này thành chuyện bình thường. Trong xã hội mỗi một góc độ nào chúng ta cũng đều có thể nhìn thấy, lớn mà nói là không thuận chân lý, nhỏ mà nói là không thuận lễ nghĩa. Trong chú giải, các vị xem qua thì đều biết, câu ở phía sau là: “Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài”. Nhà Nho dạy học nhất định là từ thân đến sơ, dần dần mới đến mở rộng phạm vi phục vụ, mở rộng hiệu quả phục vụ. Phật pháp tuy là nói hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, nhưng trong hành môn cũng không ngoại lệ, Phật cũng dùng cách như vậy để dạy chúng ta “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Sau đó lại đem hiếu dưỡng phụng sự này mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong xã hội. Có thể thấy đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian khi dạy người ta cũng có thân có sơ, không trái nghịch với thứ tự.

Ý nghĩa trong đây rất sâu rất rộng, chúng ta phải bình tâm tỉ mỉ thể hội xem hai năm nay chúng ta đi theo phương hướng đa nguyên văn hóa, chúng ta qua lại với rất nhiều đoàn thể tôn giáo khác nhau, có một số người phê bình, nói chúng ta là “bỏ thuận theo nghịch, phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài”. Đã từng có người đến đối chất với cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Cư sĩ Lý đã đem tất cả chân tướng sự thật về những việc mà chúng tôi đã làm nói cho họ nghe. Họ cũng không đơn giản, ngay lúc đó liền sám hối, thừa nhận bản thân họ đã sai, đã trách sai người rồi. Chúng tôi đối với người Trung Quốc, đối với Phật giáo đã làm rất nhiều việc, chỉ là không nêu ra mà thôi, làm được một chút việc tốt thì việc gì phải đi tuyên bố với mọi người chứ? Việc qua lại với người ngoài thì một số phương tiện truyền thông họ đến đưa tin, đó là sự việc của họ, chúng tôi cũng không muốn họ đến đưa tin, mà đa phần là do các tôn giáo khác họ đã chủ động mời các phóng viên này đến tham dự và đưa tin về chuyến thăm, đây không phải là ý của chúng tôi. Chúng tôi ít nhiều cũng còn tiếp nhận nền văn hóa truyền thống cổ xưa, cũng hiểu được một chút đạo lý. Nhà Nho, nhà Phật, nhà Đạo đều dạy chúng ta phải biết tích âm công. Thế nào gọi là âm công? Đó là làm việc tốt không nên để cho người khác biết, không nên tuyên truyền rộng rãi. Chúng tôi hiểu rõ đạo lý này, đều âm thầm mà làm, tận tâm tận lực mà làm, không có tư tâm, không có danh văn lợi dưỡng. Chúng tôi đang âm thầm làm, trong lúc làm cũng chân thật làm theo giáo huấn của Phật, hành môn giúp đỡ giải môn. Giải và Hành tương bổ tương thành cho nhau.

Nhà Phật thường nói giải môn là khai trí huệ. Chân thực muốn khai trí huệ thì nhất định phải y giáo phụng hành, vậy thì cái trí huệ này mới có thể khai mở được. Đối với những nghĩa lý sâu sắc mà Phật đã nói về Phật tánh và Pháp tánh, chúng ta dần dần sẽ có được sự lĩnh hội, thể ngộ rằng hư không pháp giới hết thảy chúng sanh là một thể, việc này chúng ta dần dần có thể khẳng định được. Bồ-đề tâm mà Phật Bồ-tát đã nói, từ chỗ này mà sanh khởi. Chúng ta cũng thể hội được phát Bồ-đề tâm thực sự không phải là việc dễ dàng, thảo nào vừa phát Bồ-đề tâm thì liền thành Phật Đạo. Nhà Thiền thường nói “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, vừa phát tâm Bồ-đề thì liền thành Phật. Các vị hãy xem Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát được gọi là Phát Tâm Trụ. Phát Tâm Trụ ý nghĩa là gì? “Phát tâm” chính là phát Bồ-đề tâm. “Trụ” chính là bất thoái, bất thoái thì mới gọi là “trụ”. Bồ-đề tâm sau khi đã phát rồi vĩnh viễn không thoái nữa, đây gọi là Phát Tâm Trụ. Chúng ta ngày nay phát một niệm tâm, nhưng cảnh giới nào đó hiện tiền thì chúng ta lập tức liền thối chuyển, cho nên không thể thành tựu. Các Ngài phát tâm rồi thì vĩnh viễn không thoái chuyển. Đạo lý gì vậy? Các Ngài đã hiểu rõ lý, cũng đã làm được sự. Lý và sự có thể dung thành một thể, không phải là hai sự việc, cho nên mới có thể trụ tâm bất thoái. Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này, muốn đạt đến cảnh giới này thì không thể không nỗ lực. Một mặt nỗ lực cầu giải, một mặt nỗ lực phụng hành.

Ở đây trong chú giải có mấy câu, tôi đọc qua một lần: “Phản bội thân thuộc, chạy theo người ngoài, không chỉ có một việc”. Những sự việc này rất nhiều, ở đây chẳng qua cũng chỉ nêu vài ví dụ mà thôi, “Như dối lừa, chống trái cha mẹ”. Che giấu cha mẹ mình, hiện nay gọi là người đó yêu thương gia đình bên vợ hơn yêu thương gia đình bên mình, tôn kính cha mẹ vợ hơn cha mẹ mình, cái ý đầu tiên là ý này. Đối với anh em thì tính toán từng chút, nhưng đối với bạn bè, với người ngoài thì khảng khái rộng rãi. Dòng họ đói lạnh không thể chăm lo, nhưng nhìn thấy người khác thì lại sẵn lòng chăm lo, đây chính gọi là “bạc bẽo đối với người đáng nên đối xử trọng hậu, hậu đãi những người đáng nên đối xử sơ sài”. Người đáng nên đối xử trọng hậu mà bạn lại bạc đãi họ, người không nên hậu đãi thì bạn lại rất trọng đãi, hiện tượng này trong xã hội ngày nay rất phổ biến. Các vị sẽ thắc mắc vì sao vậy? Kết luận thì cũng không gì ngoài hai chữ “lợi hại”. Đối với tôi có lợi, tôi đối với họ tốt là có điều kiện, trước mắt đối với tôi không có lợi thì tôi không lo đến. Cha mẹ tuổi đã già, tôi hiện tại không cần họ chăm lo nữa, tôi có thể mặc kệ họ rồi, gia đình bên vợ thì họ có thể chăm lo cho tôi cho nên tôi phải đặc biệt trọng đãi họ. Hoàn toàn là vì chủ nghĩa công danh lợi lộc, ân nghĩa không còn nữa, không biết báo ân, không biết hành nghĩa, việc này tạo thành loạn động trong xã hội.

Chúng ta có thể trách mắng họ được không? Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật nói rất hay, Phật đại từ đại bi, có thể tha thứ cho hết thảy việc sai trái của con người, Phật nói “tiên nhân bất thiện”. Người đời trước đã không dạy dỗ tốt cho họ, cha mẹ họ không dạy họ, thầy cô không dạy họ, người lớn không dạy họ, “bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả”. Vì không có người dạy họ nên chúng ta cũng không thể trách họ. Đây là một hiện tượng vô cùng đau lòng trong xã hội, là căn nguyên động loạn của thế gian. Nếu không có người dạy thì chúng ta cũng không biết, xem như chúng ta rất may mắn, được thân người, gặp được Phật pháp, cha mẹ sư trưởng của chúng ta không dạy chúng ta, các bậc trưởng bối của chúng ta không dạy chúng ta, chúng ta ngày nay dựa vào kinh giáo Phật pháp mà hiểu rõ được những đạo lý này, biết được tri ân báo ân, biết được con người trong thế gian này phải nên vì xã hội, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, không phân ta và người. Phật dạy chúng ta đối với người cũng là từ gần đến xa, chúng ta sống tại khu vực này, khu vực này có tai nạn, đương nhiên trước tiên chúng ta phải giúp đỡ họ. Vậy nếu rất nhiều nơi cùng lúc đều xảy ra tai nạn thì chúng ta giúp đỡ ai? Nhất định là giúp đỡ nơi gần nhất, sau đó từ từ mới giúp đỡ những nơi xa hơn, là đạo lý như vậy. Nếu trước mắt nơi chúng ta ở không có tai nạn, mà nơi khác có tai nạn, chúng ta nghe được, chúng ta liền lập tức đi cứu giúp, cũng phải giúp đỡ.

Ở đây dẫn lời của Khổng Lão phu tử, Phu tử nói một câu rất hay: “Người không yêu cha mẹ mình mà đi yêu thương người khác là trái với đức”, là trái ngược với tánh đức. “Không kính cha mẹ mà đi kính người khác là trái với lễ”, đã trái nghịch với lễ nghĩa. Ở đây chúng ta phải nên học tập, hơn nữa chúng ta phải cảnh giác, người không hiếu thuận với cha mẹ mà hiếu thuận người khác thì con người này bạn phải đề cao cảnh giác, họ nhất định là có dụng ý nào đó. Họ không tôn kính thầy của mình, không tôn kính tôn trưởng của mình, mà lại tôn kính người khác, vậy dụng ý của họ ở đâu? Nhất định là có mưu tính, nhất định là họ có mục đích riêng. Vì sao vậy? Vì trái với lẽ thường tình. Nếu người này hiếu thuận cha mẹ, họ cũng hiếu thuận người khác, vậy thì là thật, chân tình thì sẽ lưu lộ ra một cách tự nhiên. Họ tôn kính tôn trưởng, trưởng bối của mình, yêu thương anh chị em mình, người đó có thể tôn kính yêu thương người ngoài, vậy thì đây là bình thường.

Những đạo lý này sau khi chúng ta học rồi thì phải làm cho được. Phàm người làm ngược lại đạo lý thường tình, trong xã hội ngày nay chúng ta gặp được thì nhất định phải cảnh giác, nếu không thì bạn sẽ bị mắc lừa, bị thiệt thòi, đến lúc đó hối hận cũng không kịp. Họ là đến để lừa gạt bạn, mục đích của họ vô cùng hiển nhiên, đó là danh văn lợi dưỡng, vẫn là không ngoài những thứ này. Nếu qua lại với những hạng người này thì nhất định sẽ bị tổn thất lớn. Thế nhưng người thế gian hiểu được đạo lý này thì lại không nhiều, nên nhất định thường bị lừa gạt tổn thất, đến sau này mới có được sự cảnh giác, thế nhưng cũng bị tổn hại rất lớn.

Bản thân chúng ta làm người nhất định phải thuận theo chánh pháp, trong thế gian pháp thì nói là phải thuận theo lễ pháp, người xưa thì nói là hợp tình hợp pháp hợp lễ. Xử sự đối người tiếp vật không được trái nghịch với “tình, lý, pháp”, có như vậy thì cuộc đời này của chúng ta mới có thể giảm được lỗi lầm, sự nghiệp thế xuất thế pháp mới có thể có thành tựu. Thành tựu của thế gian, trong Phật pháp nói là không rốt ráo, nhất định phải là thành tựu trong Phật pháp. Tuy thành tựu trong thế pháp là không rốt ráo, nhưng chúng ta cũng không thể lơ là, vì sao vậy? Vì lợi ích chúng sanh, Phật dạy chúng ta “ta và người đều lợi”. Tự lợi thì nhất định phải tu thanh tịnh, bình đẳng, giác, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đây là tự mình thành tựu cứu cánh viên mãn, nhất định không thể lơ là. Hết thảy mọi lúc, hết thảy mọi nơi, chỉ có một ý niệm đơn thuần là niệm A Di Đà Phật, tất cả những thứ khác đều không để trong tâm. Nếu có dư sức thì giúp đỡ người khác, giúp đỡ người khác thì phải tùy duyên chứ không phan duyên. Vì sao vậy? Đối với thành tựu của chính mình sẽ không bị chướng ngại, điểm này rất quan trọng. Thế nhưng các vị phải hiểu ý nghĩa này, đây không phải là việc tiêu cực, vẫn tích cực như cũ, hoàn toàn là xem duyên đã chín muồi hay chưa. Nếu duyên chín muồi thì chúng ta chăm chỉ tích cực giúp đỡ người khác, khiến cho chánh pháp cửu trụ thế gian, không những chánh pháp phải cửu trụ mà chánh pháp còn phải phát dương quang đại. Hãy nhớ Phật dạy chúng ta “phổ độ chúng sanh”, phải hiểu dụng ý của hai chữ “phổ độ” này. Phổ độ không phải là chỉ độ tín đồ Phật giáo, nếu người tin theo Phật thì ta độ họ, người không tin Phật thì không độ, vậy thì không phải là “phổ độ” rồi. Bạn xem trong các kinh luận Phật thường dạy chúng ta, người thiện căn chín muồi thì ta giúp họ thành tựu. Đây là nói đến những tín đồ Phật giáo, người tu hành. Người thiện căn vẫn chưa chín muồi, nhưng đã hướng Phật, có lòng tin đối với Phật giáo, có sự ưa thích, chúng ta vẫn phải giúp đỡ họ. Ngoài ra, người không có thiện căn, đối với Phật giáo hoàn toàn không có sự lý giải, thậm chí bài xích, vậy thì chúng ta phải giúp họ trồng thiện căn, đây mới gọi là “phổ độ”. “Trong cửa Phật không bỏ một ai”, phải ghi nhớ những câu này, để chúng ta trong đời này tận hết khả năng làm được viên mãn.

Dùng lời của người hiện nay mà nói Phật pháp là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, nhất định không phải là tôn giáo, cho nên chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng đối với bản chất của Phật giáo, nền giáo dục của Phật-đà. Giáo dục của Phật là thuộc về loại giáo dục nào vậy? Là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Thân phận của Thích-ca Mâu-ni Phật dùng lời hiện nay mà nói thì Ngài là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, là nhà công tác giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, chúng ta giới thiệu như vậy thì mọi người sẽ rất rõ ràng, không đến nỗi sinh ra hiểu lầm. Khiến cho hết thảy chúng sanh đều được độ, đây là việc mà chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!