Chủ giảng Cảm Ứng Thiên: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Đây là câu hỏi của cư sĩ Trương Lệ Lữ ở Hawaii, xem tên thì có lẽ là một nữ cư sĩ, bà có một vấn đề, vấn đề này cũng là vấn đề chung trong xã hội hiện nay của chúng ta. Tôi xin đọc qua, bà nói: “Con đối với việc nghi ngờ hiểu lầm, đấu đá lẫn nhau của người thế gian mà cảm thấy nản lòng và mệt mỏi, có lúc cảm thấy đau lòng mà rơi nước mắt, con thiết nghĩ bản thân mình không lanh lợi, trong lúc nói chuyện thường khiến người khác hiểu lầm, hơn nữa lại không biết dùng cách khéo léo để giải thích, con rất muốn buông bỏ cuộc sống này. Vì sao con lại có cảm giác như vậy? Con phải nên làm thế nào đây?”. Chúng tôi đọc xong câu này thì lập tức nghĩ đến đây là vấn đề chung của xã hội. Bà không biết cách nói chuyện, trong lúc nói chuyện thường đắc tội với người khác. Những sự việc như vậy rất nhiều, hiện nay trong xã hội có mấy người biết nói chuyện chứ? Vì sao lại không biết nói chuyện? Vì bạn đã học nói chuyện qua lần nào đâu. Việc nói năng cũng cần phải học. Hiện nay đâu có ai học qua. Họ đương nhiên không biết cách nói chuyện rồi. Ngôn ngữ, âm thanh, cách diễn đạt không thỏa đáng, thái độ không thỏa đáng, dẫn đến việc người khác hiểu lầm, sự việc này quá nhiều rồi. Cho nên bất luận là trong phương diện cuộc sống, phương diện công việc, phương diện xử sự, nơi nơi đều gặp phải chướng ngại, chướng ngại là từ chỗ này mà ra. Nếu bạn muốn truy tìm nguyên nhân thì do họ chưa được nhận qua giáo dục. Xã hội ngày xưa rất tường hòa, giữa con người với nhau rất tương thân tương ái, chung sống hòa thuận. Vì sao ngày xưa lại có tình trạng như vậy? Người xưa đã dạy, các vị hãy suy nghĩ xem Khổng phu tử dạy học, Ngài dạy học có bốn khoa mục, khoa mục thứ nhất là đức hạnh, khoa mục thứ hai là ngôn ngữ, là dạy bạn cách ăn nói. Việc này người xưa có dạy. Việc dạy học của nhà Nho, từ thời Hán Võ Đế đã chế định ra chính sách giáo dục của quốc gia, tuân theo sự chỉ đạo của học thuyết Khổng Mạnh, mãi cho đến đời nhà Thanh, hơn hai ngàn năm cha mẹ dạy con cái, bậc tôn trưởng dạy hậu bối, thầy dạy học trò. Mỗi một người trưởng thành đều có sứ mạng dạy bảo người đời sau, từng lời nói hành động của bản thân đều phải làm tấm gương tốt cho người đời sau, lo sợ có điều bất thiện ảnh hưởng đến đời sau. Người xưa có cái tâm như vậy, có hành trì như vậy, dành sự yêu thương và niềm kỳ vọng sâu sắc cho đời sau. Những lãnh đạo của chính phủ, những vị lãnh đạo địa phương ngày xưa, các vị xem cái mão mà họ đội trên đầu giống như bậc thang vậy. Phần ở phía trước thì thấp, phần ở phía sau thì cao, cái mão này gọi là “Tiến Hiền Quan”. Ý nghĩa là gì? Phía trước là đời của chúng ta, phía sau là nói đời sau, hy vọng đời sau cao hơn đời này của chúng ta, để bạn đội cái mão này là bạn luôn nhớ đến việc phải chăm lo cho đời sau, phải vun bồi cho thế hệ mai sau, phải yêu thương đời sau, làm tấm gương tốt cho đời sau. Hoàng đế là lãnh tụ cao nhất thì không đội loại mão này, trên mão của vua là bằng phẳng, vì sao vậy? Nghĩa là người lãnh tụ tối cao phải dùng tâm bình đẳng để đối đãi với hết thảy đại chúng, không thể có cao thấp. Cái mão của người lãnh tụ thì ở phía trước có những chuỗi ngọc, chuỗi ngọc đó giống như cái rèm cửa, địa vị càng cao thì chuỗi ngọc càng nhiều, hoàng đế thì có mười hai sợi, quan đại phu là năm sợi, ý nghĩa là gì? Người ở địa vị cao nhất khi xem sự tình không nên xem quá rõ ràng, vì xem quá rõ ràng thì người bên dưới không thể nào làm việc, chỉ cần không có sai sót gì lớn là được rồi. Các chuỗi ngọc đó bạn hãy chú ý mà xem, ở hai bên còn có hai nút để bịt lỗ tai, hai quả cầu bằng bông là để bịt lỗ tai, nghĩa là cũng không nên nghe mọi việc quá rõ ràng. Vì vậy cách thiết kế y mão của người xưa chính là một trí huệ cao độ, là nghệ thuật cao độ, là dạy cho bạn cách khoanh tay mà trị nước. Các cấp cán bộ dưới quyền của bạn đều đã xử lý mọi việc tốt đến như vậy rồi, bạn chỉ cần gật gật đầu là được, đó là giáo học. Ngày nay, thế giới động loạn đến như vậy, là vì giáo dục không còn nữa, toàn thế giới đều không còn nữa, thật là bi ai. Chúng ta vô cùng may mắn gặp được Phật pháp, tiếp nhận giáo dục của Phật-đà, nội dung của nền giáo dục Phật-đà còn phong phú hơn, tường tận hơn nhiều so với giáo dục của Nho gia. Thế nhưng hiện tại người học Phật cũng không nhiều, vậy thì cũng hết cách rồi, bạn đã đem những gì bạn học hoàn toàn tách rời khỏi công việc và đời sống của chính bạn. Vậy thì Phật học đã biến thành thứ vô dụng rồi. Hơn nữa cũng không biết nền giáo học của Phật mỗi câu mỗi chữ đều có thể áp dụng thực tiễn vào trong đời sống của chúng ta, hoàn toàn có thể dung hợp thành một thể với đời sống, không ai biết được điều này. Giữa tôn giáo với tôn giáo hình tượng không như nhau nhưng đạo lý chỉ là một, hiện tại cũng không có người hiểu được.
Hai ngày trước có người đã đến nói với tôi, có một số người phản đối bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ mà hiện tại chúng ta đang thọ trì, tôi cũng đã từng nói rõ với các vị hai lần rồi, đây là do nguyên nhân gì tạo thành vậy? Do tri thức quá cạn mỏng nên đã tạo thành hiện tượng này.Vừa lúc nãy thầy Bình cũng có đến hỏi tôi vấn đề này, đúng lúc phía sau lưng của tôi cũng có những lá tre như vầy, tôi liền lấy một cái làm ví dụ cho ông. Tôi nói thầy hãy xem, nhánh tre này có năm lá, năm lá này là năm bản dịch gốc, nhưng phía bên này cũng lại có mấy lá nữa, cái này là bản Hội tập, nó có hai bên mà hiện tại bạn chỉ nhìn có một bên, thế là hai bên liền xung đột nhau, tranh luận không có hồi kết. Nếu trình độ trí thức cao một chút, nhìn thấy ở bên này và bên kia thì ra là một, vì nó chung một cành mà. Bạn lại nhìn sâu xa hơn một chút thì vấn đề được giải quyết rồi, không còn chút mâu thuẫn nào nữa. Thí dụ cành này là Tịnh độ tông, còn cành này là Thiên Thai tông, cành kia là Thiền Tông, các cành này lại xung đột với nhau, nếu lại nhìn sâu vào trong đến chỗ thân cây này, “À, thì ra là một nhà!”, vậy thì sẽ không còn xung đột nữa phải không? Nhìn cây bên này là Phật giáo, cây bên kia là Thiên Chúa Giáo, bên này nữa là Ki-tô giáo, còn bên đây là Hồi giáo, lại nhìn xuống phía gốc mà xem, “À, thì ra cũng là một nhà!”, nói rõ điều gì? Kiến thức còn quá cạn mỏng, trí huệ quá ít, sở dĩ Phật vĩ đại là vĩ đại ở chỗ nào vậy? Thấu suốt triệt để ngọn nguồn của các pháp. Cho nên Phật mới nói trong Kinh Hoa Nghiêm “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, đây là nói đến cứu cánh viên mãn. Cho nên tôi xin nói với các vị là, nếu tôi y theo Kinh Tân Cựu Ước của Ki-tô giáo, hoặc là y theo Kinh Cô-ran của Hồi giáo, tôi tu hành cũng đều có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Các vị có thể tin hay không? Tôi tin, tôi có sự nắm chắc, tu học bất kỳ một tôn giáo nào đều có thể đến thế giới Tây Phương Cực Lạc gặp A Di Đà Phật, lý chỉ là một. Kinh Hoa Nghiêm nói được càng thấu triệt, ngày ngày giảng, ngày ngày đọc, mà các vị vẫn chưa có thể thể hội, thập pháp giới y chánh trang nghiêm, duy tâm sở hiện duy thức sở biến. Cái “tâm” cùng cái “thức” đó chính là gốc, là nguồn gốc. Pháp giới người này của chúng ta là tâm hiện thức biến, pháp giới Trời cũng là tâm hiện thức biến, pháp giới Phật Bồ-tát vẫn là tâm hiện thức biến, ngạ quỷ, địa ngục cũng là tâm hiện thức biến, Tịnh độ tông là tâm hiện thức biến, Thiền Tông cũng là tâm hiện thức biến, Phật giáo là tâm hiện thức biến, Ki-tô giáo cũng là tâm hiện thức biến. Không có một pháp nào mà không phải là tâm hiện thức biến, vậy thì nó làm sao mà không thông? Nếu bạn tìm được đến nguồn gốc thì bạn còn có vấn đề gì nữa, liền hoát nhiên đại ngộ. Bạn ngày nay không khai trí huệ nguyên nhân là gì? Bạn có tự tư tự lợi. Cho nên sở dĩ bạn có tư, có ngã, bạn khởi tâm động niệm sanh phiền não, nếu bạn đổi ngược trở lại, vô tư vô ngã thì khởi tâm động niệm là sanh trí huệ, trí huệ và phiền não là cùng một sự việc. “Tư” thì trí huệ biến thành phiền não, “Công” thì phiền não liền biến thành trí huệ, chỉ là sự việc như vậy thôi. Các vị nếu muốn có được trí huệ vô lượng vô biên trên quả địa Như Lai thì cũng không có gì khác, chỉ cần đem “tư” chuyển biến thành “đại công”, trí huệ liền khai mở. Không những vừa mở kinh Phật ra thì “đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên” (nơi nơi đều là đạo, mỗi mỗi đều rõ ràng), mà kinh điển của bất kỳ tôn giáo nào mở ra thì bạn cũng đều rõ ràng rành mạch thông suốt thấu đáo, tuyệt đối không có mâu thuẫn, tuyệt đối không có chướng ngại. Thế giới này xin nói lời thật với bạn là pháp giới vô chướng ngại. Bạn xem Đại sư Thanh Lương giảng Kinh Hoa Nghiêm, lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Đây là chân, đây gọi là nhất chân pháp giới. Chúng ta hiện tại vì sao lại biến thành nơi nơi đều có chướng ngại vậy? Nơi nơi có chướng ngại chính là do bạn có tư tâm, bạn mê rồi. Chính mình mê hoặc, không nhận thức được chính mình. Trong Phật pháp thường nói là “mặt mũi xưa nay trước khi cha mẹ sanh ra” đó chân thật mới chính là bạn, chân thật là chính mình thì không có chướng ngại, là chính mình thì gọi là Phật, gọi là Pháp Thân. Cho nên phải nhận rõ đại căn đại bổn mà ngày nay chúng ta mê hoặc, chính là tự tư, là ngã chấp. Đây là gốc, bạn từ trên gốc mà chuyển biến trở lại thì thành Phật không khó. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật đã nêu Thiện Tài Đồng Tử cho chúng ta xem, Đồng Tử cũng có thể thành Phật, theo cách nói của chúng ta Đồng Tử là chỉ những đứa trẻ chưa thành niên. Vào thời xa xưa người nam hai mươi tuổi hành lễ đội mũ thì mới được gọi là thành niên, chưa tròn hai mươi tuổi thì gọi là Đồng Tử. Người nữ mười sáu tuổi thì hành lễ búi tóc, chính là chải tóc, chưa đủ mười sáu tuổi thì gọi là Đồng Nữ. Đồng Tử Thành Phật. Trong Kinh Pháp Hoa nói Long Nữ tám tuổi thành Phật, là Đồng Nữ, việc này còn thú vị hơn. Rồng thuộc súc sanh đạo, Đồng Nữ của súc sanh đạo cũng có thể thành Phật, chứng tỏ thành Phật là bình đẳng, thành Phật không khó, khó là ở chỗ bạn không cách nào buông bỏ tự tư tự lợi, khó là ở chỗ này. Cho nên một người chỉ cần có thể buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ ngũ dục lục trần, buông bỏ tham sân si mạn thì bạn thành Phật rồi. Phật và phàm phu khác biệt chính là ở chỗ này, phàm phu vì có những thứ này, những thứ này làm phiền não. Phật Bồ-tát đem những thứ này hết thảy đều buông bỏ rồi. Sau khi buông bỏ thì các Ngài liền sanh trí huệ, trí huệ viên mãn liền hiện tiền, khác biệt chính là ở chỗ này. Những người thiện căn sâu dày sau khi nghe xong liền thành Phật, phàm và Thánh cách nhau chỉ một niệm.
Vì sao không chịu buông xuống? Có một số đồng học nói: “Tôi rất muốn buông xuống, vấn đề là buông không được, rất muốn làm Phật nhưng lại làm không được”. Nguyên nhân gì vậy? Tập khí quá nặng, bạn mê quá lâu, bạn mê quá sâu rồi, trí huệ thì quá cạn, mê thì lại quá sâu, không biết được sự thọ dụng của Phật Bồ-tát, chỗ lợi ích chân thật của Phật Bồ-tát, họ đều không biết. Nếu biết thì một chút danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần ở thế gian này có là gì chứ? Những thứ mà ngày nay bạn đang tham đó cũng giống như đứa trẻ vô tri ôm chặt lấy một gói kẹo, sống chết cũng không cho người khác, giá trị của gói kẹo đó có là cái gì đâu chứ? Nếu chúng hiểu được có những lợi ích khác to lớn hơn thì chúng sẽ buông xả. Cho nên con người nếu có thể buông bỏ được tự tư tự lợi, buông bỏ được tham sân si mạn thì cái họ được là tận hư không khắp pháp giới, trí huệ vô lượng vô biên, tài lực vô lượng vô biên, phước đức vô lượng vô biên, thì ra xả ít mà lại được nhiều. Bạn nghe xong, bạn chịu buông bỏ, trên thực tế thì bạn chưa buông bỏ, vì sao vậy? Vì bạn có tâm tham. Ồ! Tôi xả lợi ích nhỏ vẫn sẽ được lợi ích lớn, có ý niệm như vậy cho nên cũng không đạt được, bạn là giả không phải là thật. Nếu là thật, dù bạn có được hư không pháp giới nhưng trong tâm cũng không động một ý niệm nào, đó mới là thật. Trí huệ chân thật, từ bi chân thật thì đức năng vô tận đều sẽ hiện tiền. Cho nên, vị đồng tu tên Lệ Lữ này, nếu bà không tìm thấy video ở trên mạng thì chúng ta sẽ đem băng ghi hình này gửi đến cho bà. Bà không nên nản lòng, đây là hiện tượng bình thường trong xã hội hiện nay, sự phát sinh của hiện tượng này chính là do không có người chỉ dạy, bản thân của chúng ta cũng là như vậy. Xem như chúng ta trong đời quá khứ vẫn còn một chút thiện căn phước đức nhân duyên, đời này có thể gặp được Phật pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là y giáo phụng hành. Đồng tu xuất gia thì đức hạnh quan trọng, nếu không có đức hạnh thì học vấn chỉ giúp bạn tạo nghiệp mà thôi. Vậy có học vấn chi bằng không có học vấn, quan trọng nhất vẫn là đức hạnh. Từ đâu mà xây dựng đức hạnh? Cổ nhân đã dạy chúng ta, thời kỳ mạt pháp người xuất gia có thể tuân thủ nghiêm ngặt mười giới Sa-di thì bạn chân thật là đệ tử Phật, không nên mơ ước hão huyền. Thực tế mà nói Bồ-tát giới và Tỳ-kheo giới chúng ta làm không được, làm được mười giới Sa-di thì bạn chân thật là người xuất gia rồi. Mười giới, hai mươi bốn oai nghi. Đồng tu tại gia có thể tuân thủ nghiêm ngặt ngũ giới thập thiện thì bạn cũng là học trò tốt, đệ tử tốt của Như Lai, trì giới niệm Phật nhất định được sanh Tịnh Độ. Dùng tâm chân thành để qua lại với người thế gian, y theo giáo huấn trong Kinh Vô Lượng Thọ, hòa nhan ái ngữ. Người khác dùng vẻ mặt nghiêm khắc đối với ta, ta vẫn hòa nhan ái ngữ để đáp lại. Lúc bình thường phải biết tu dưỡng, tu là tu sửa lại những sai lầm của chúng ta. Một số người có tập khí trong nhiều năm, nhìn thấy người khác thì vẻ mặt liền nghiêm nghị, khiến người khác nhìn thấy đều rất khó chịu, có phải là có ý gì hay không? Không phải, là họ quen như vậy rồi, loại người như vậy thì nhân duyên không được tốt. Vì vậy phải tu, phải tu sửa, phải bồi dưỡng cho tốt, mỗi ngày đều phải soi gương. Bạn xem vẻ mặt của bạn như vậy thì chính mình có ưa thích được hay không? Bất luận là đối với người nào đều phải sửa từ chỗ này, chăm chỉ sửa lỗi.
Cho nên nhà Phật chúng ta vì sao lại đem tượng Bồ-tát Di Lặc cúng dường ở cổng lớn? Bạn có hiểu được dụng ý này hay không? Trong các tự viện am đường, kiến trúc đầu tiên là điện Thiên Vương, vừa bước vào cửa thì nhìn thấy tượng của Bồ-tát Di Lặc. Đó chính là dạy bạn phải dùng thái độ như vậy đối với người khác, bất luận là đối với người nào, nam nữ già trẻ các ngành các nghề, phú quý hay bần tiện, vẫn là một vẻ mặt hoan hỉ yêu thương. Bất luận là người khác đối với ta như thế nào, ta cũng phải có lòng độ lượng bao dung đối với họ, không nên so đo tính toán, không nên phân biệt. Tượng Bồ-tát Di Lặc là dạy chúng ta những thứ này, đó là bài đầu tiên, bạn đã học được chưa? Nếu chân thật học được rồi thì cuộc đời này của bạn khi làm người làm việc sẽ thuận buồm xuôi gió, đi đến đâu cũng sẽ được người khác giúp đỡ. Cho nên phải chăm chỉ học tập, sửa đổi lại vẻ mặt của chính mình, không nên để cho người nhìn thấy mặt của bạn thì chán ghét, không muốn gần gũi bạn, vậy thì bạn thất bại rồi.
**********
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 99 và đoạn thứ 100. Đoạn thứ chín mươi chín chỉ có một câu: “Dâm dục quá độ”, trong chú giải ghi chép rất dài, có thể thấy cái ác này tương đối nghiêm trọng.
Đoạn thứ 100 thì có ba câu: “Tâm độc mạo từ. Uế thực ủy nhân. Tả đạo hoặc chúng.” (Lòng dạ thâm độc, ra vẻ hiền lành. Cho người khác ăn thực phẩm dơ bẩn. Bàng môn tả đạo dối đời).
Trước khi tôi giới thiệu qua đoạn này, lúc nãy vừa mới có điện thoại từ Đài Bắc gọi đến, đại khái các vị ở nơi này tu hành cũng không tệ. Đài Bắc có rất nhiều vong linh thỉnh cầu được đến Cư Sĩ Lâm, đến Tịnh Tông Học Hội để nghe kinh, yêu cầu được cúng bài vị. Đại khái có thể là có vài vị chân thật phát tâm tu hành, nên mới có sự cảm ứng như vậy, cũng đáng để động viên khuyến khích mọi người. Nếu không chăm chỉ tu hành thì quỷ thần sẽ mặc kệ bạn, bạn chăm chỉ tu hành thì quỷ thần cũng muốn nhờ cậy, nên họ muốn đến bên này để được nghe kinh, muốn đến Niệm Phật đường để niệm Phật. Tứ chúng đồng tu chúng ta đều phải chăm chỉ nỗ lực, Phật pháp không nằm ngoài việc giải và hành. Một điều vô cùng đáng tiếc là hầu hết những đồng tu học Phật, bao gồm tứ chúng đồng tu trong đó học không đủ sâu, không đủ rộng, chỉ lo cái hạnh của chính mình, không biết hạnh của chư Phật Bồ-tát trùm khắp pháp giới, không phải là chỉ lo cho chính mình, chỉ lo cho chính mình thì Tiểu Thừa bạn cũng không bằng, Tiểu Thừa cũng lo cho hết thảy chúng sanh. Tiểu Thừa và Đại Thừa chẳng qua khác biệt ở chỗ Tiểu Thừa thì không chủ động, người khác đến yêu cầu họ, họ nhất định sẽ lo, không yêu cầu thì có lúc họ cũng không quản đến, không như Bồ-tát Đại Thừa, Bồ-tát Đại Thừa là chủ động. Chúng ta ở trong kinh đã đọc thấy rất nhiều, “làm bạn không mời của hết thảy chúng sanh”, chúng sanh không thỉnh mời, không đến tìm nhưng Bồ-tát vẫn đi chăm lo cho họ, chủ động đến chăm lo hết thảy chúng sanh, đó là Bồ-tát.
Bây giờ chúng ta quay trở lại xem đoạn 99 của Cảm Ứng Thiên: “Dâm dục quá độ”. Chú giải nói: “Các tà duyên kết hợp ở bên ngoài khiến cho đạo đức diệt tuyệt, lương tâm bị chôn vùi. Vì thế, đức Thái Thượng đã buông lời răn dạy trong phần trước”. Những việc này ở phía trước đã nói rất nhiều rồi, tiếp theo nói: “Còn như đối với chánh sắc (chuyện ăn nằm chánh đáng) giữa vợ chồng, càng cần phải có chừng mực. Nếu nói “chánh sắc chẳng phải là dâm”, há có tránh khỏi cái họa sát thân do buông lung tình dục?”
Các vị đồng tu hãy tự mình nghĩ xem, trong Phật pháp thường nói “ái là gốc của lục đạo luân hồi”. “Ái bất trọng bất sanh Ta-bà”, “ái” này chính là “ái dục”. “Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ”. Hai câu này quan trọng. Hai chữ “hân” và “yểm” trong pháp môn Tịnh độ đã bao gồm viên mãn. “Yểm” là gì? Là chán ghét Ta-bà, chán ghét Ta-bà, chán ghét lục đạo luân hồi thì trước tiên phải đoạn trừ ái dục, bạn có những thứ này, trên sự thì không còn nhưng trong ý niệm vẫn còn, vậy cũng không được. Bạn có ý niệm này thì bạn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi. Nếu bạn muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc thì chuyên niệm A Di Đà Phật. Trong Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, cho nên niệm không chuyên nhất thì không được. Làm thế nào mới chuyên nhất được? Trong hai mươi bốn giờ chỉ có một niệm này, ngoài niệm này ra không có niệm thứ hai nào thì cái niệm này mới là nhất, người như vậy nhất định được sanh Tịnh Độ, chân thật gọi là thân tâm thế giới hết thảy đều buông xuống. Chúng ta phải nên biết đạo lý này.
Nếu có duyên nhất định phải quảng độ chúng sanh, vì sao vậy? Vì tương ưng với Bồ-đề tâm, là phát Bồ-đề tâm. Tuy không có duyên phận, không có cơ hội để quảng độ chúng sanh nhưng có thệ nguyện kiên cố. Nhất định là phải có nguyện độ chúng sanh, không có nguyện độ chúng sanh thì niệm Phật, niệm đến nhất tâm bất loạn cũng không thể vãng sanh. Cho nên điều kiện của việc vãng sanh là phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Bạn phát Bồ-đề tâm nhưng lại không thể chuyên niệm thì không thể vãng sanh, chuyên niệm mà không phát Bồ-đề tâm thì cũng không thể vãng sanh, việc này chúng ta phải ghi nhớ. Cho nên nhất định phải đoạn ái dục, phải đoạn từ trên tâm địa, biết được cái họa hoạn này là vô cùng. Vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp tu hành, không thể ra khỏi lục đạo chính là bị cái sự việc này hại. Nếu trong đời này vẫn không chịu buông xuống, vậy thì cũng không khác gì trong quá khứ, chỉ có thể kết duyên với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu bạn hỏi ngày nào bạn có thể vãng sanh? Đến kiếp nào thì có thể vãng sanh? Vậy thì phải hỏi đến khi nào bạn có thể đoạn được ái dục thì đó là lúc bạn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đây là việc mà chúng ta nhất định phải biết. Đoạn chú giải này rất dài, nói cách khác, chính là nói rõ tính quan trọng của câu này.
Lại xem tiếp hai câu phía sau, “Lòng dạ thâm độc, ra vẻ hiền lành. Cho người khác ăn thực phẩm dơ bẩn. Bàng môn tả đạo dối đời”, những sự việc này trong xã hội hiện tại vẫn thường hay nhìn thấy. Bản thân chúng ta phải tỉ mỉ phản tỉnh, chúng ta có phạm lỗi lầm này hay không? Dung mạo bên ngoài thì hòa nhan ái ngữ, loại ngụy trang này thực tế mà nói chỉ có thể lừa gạt người thế gian, người chân thật có học vấn, có đạo hạnh thì không thể nào lừa gạt được. Người thế gian ngu si nên rất nhiều người dễ bị mắc lừa. Thời kỳ mạt pháp, Phật đã nói: “tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”, ma vương ngoại đạo rất giỏi ngụy trang, con người rất dễ bị dụ hoặc. Chúng ta luôn thấy họ có đồ chúng rất nhiều, tài lực vật lực vô cùng hùng hậu, còn tứ chúng đệ tử hoằng dương chánh pháp của chúng ta thì mãi không sao bì nổi. Họ biết ngụy trang, chúng ta không biết ngụy trang, họ dùng thủ đoạn, còn chúng ta không dùng thủ đoạn. Chúng ta tuân theo giáo huấn của Phật, tùy duyên mà không phan duyên, họ là phan duyên, quyết không phải là tùy duyên.
“Cho người khác ăn thực phẩm dơ”, câu nói này suy ra một ý nghĩa rất rộng, phàm là thứ không thể dùng được nữa, không ăn được nữa, lại đem những thứ này đi bố thí cúng dường thì đều là tội này. “Bàng môn tả đạo”, cái ý của nó càng rộng hơn, đặc biệt là trong nhà Phật. Chúng ta làm thế nào để phân biệt, Phật dạy chúng ta một nguyên tắc, phương pháp căn bản, đó là tương ứng với Giới Định Huệ là chánh pháp, trái nghịch với Giới Định Huệ thì là tà Pháp. Phạm vi của Giới Định Huệ cũng rất rộng, kinh luận y cứ của đồng học Tịnh Tông chúng ta là năm kinh một luận. Chúng tôi từ trong kinh luận trích ra năm khoa mục, năm khoa mục này các vị phải có thể khéo léo sử dụng, tà chánh, đúng sai, thiện ác, lợi hại, bạn tự nhiên liền có thể phân biệt được. Bạn dùng Tam Phước Lục Hòa, dùng Tam Học, Lục Độ, thập nguyện Phổ Hiền để làm tiêu chuẩn, tương ứng với những điều này thì là chánh pháp, trái nghịch với những điều này là tả đạo, là bàng môn tả đạo.
Ngày trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường dạy chúng tôi phải đề cao cảnh giác, trong hay ngoài cửa Phật đều rất khó để phân biệt. Những ngoại đạo bên ngoài Phật môn thì bạn sẽ rất dễ dàng biết được, còn ngoại đạo ở bên trong Phật môn thì khó, cho nên cổ đức gọi là “ngoại đạo trong cửa Phật”. Càng là người thân cận với chính mình, mà tư tưởng của họ không thuần chánh thì đều biến thành “ngoại đạo trong cửa Phật”. Thậm chí chúng ta là cùng một Tịnh Độ Tông, cùng một Tịnh Tông Học Hội, vẫn có “ngoại đạo trong cửa Phật”. Vì sao lại biến thành ngoại đạo vậy? Họ cũng ở nơi này tu Tịnh Tông, cũng ở cùng với chúng ta, nhưng tâm của họ muốn làm lãnh đạo, muốn nắm quyền, cái tâm này hỏng rồi, tâm có độc rồi, độc là gì? Là tam độc tham sân si của tâm, không thể nào buông bỏ danh văn lợi dưỡng, tranh quyền đoạt lợi, tạo thành các đảng phái nhỏ trong đạo tràng, hủy nhục những người đối lập với chính mình thì đều phạm cái tội này. Nếu chúng ta đối chiếu với năm khoa mục này thì bạn liền phát hiện, nếu bạn có tiêu chuẩn thì bạn mới có thể phân biệt tà chánh, phân biệt thiện ác, phân biệt đúng sai. Bản thân chúng ta thuần nhất một thiện tâm, tự nhiên sẽ có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, cho dù bị sự tổn hại thì cũng không oán trời, không trách người, tự mình quay đầu phản tỉnh, báo thì nặng mà thọ nhận thì nhẹ. Nếu ta không chăm chỉ tu trì, tu hành thì cái báo đó so với thọ nhận lần này sẽ nặng hơn không biết bao nhiêu lần. Đây là thuộc về tội nặng mà báo nhẹ, từ đó trong tâm mới tự nhiên có thể nhẫn nhục chịu đựng, sự oán giận của chúng ta mới có thể hóa giải, tai nạn có thể tiêu trừ, không thể tiêu trừ thì cũng có thể giảm nhẹ. Tâm thiện, ngôn thiện, hành thiện thì nhất định sẽ có lợi ích. Trong pháp thế xuất thế gian nhất định là không tranh quyền, nhất định là không đoạt lợi, không tranh quyền đoạt lợi với người khác, không tranh danh đoạt vị với người. Chúng ta phải chăm lo đạo nghĩa, bất luận là thân phận gì, bất luận chính mình ở địa vị như thế nào, đều có thể cống hiến tâm sức của chính mình, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Lúc còn đảm đương chức vị thì phải ra sức đề khởi sứ mệnh lao động và phục vụ, khi không còn tại vị nữa thì chúng ta trợ giúp, chúng ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ cho Lý hội trưởng, ông đang là người lãnh đạo, toàn tâm toàn lực mà giúp đỡ ông. Ông có được bao nhiêu công đức thì công đức của chúng ta cũng ngang bằng với ông, không hai không khác, bạn hiểu được chân tướng sự thật này rồi thì còn có gì để tranh nữa chứ.
Phật dạy chúng ta phải nhường, nhẫn nhường, thế nhưng xã hội ngày nay, trẻ con vừa mới ra đời thì đã dạy chúng phải cạnh tranh rồi. Bạn nói xem việc này sao có thể được chứ? Họ cho rằng nếu ra sức cạnh tranh không từ thủ đoạn để có thể tranh được thì sẽ được xã hội đại chúng tán thán. Tiền đồ của xã hội này sẽ rất đáng thương. Trong quá khứ Mạnh phu tử đã từng nói với Lương Huệ Vương là: “Trên dưới mà tranh lợi thì đất nước sẽ nguy nan”, đó là nói một nước nhỏ, trên là Đế Vương dưới là muôn dân, mọi người đều tranh lợi, cạnh tranh danh lợi thì đất nước này nguy rồi. Ngày nay mọi người hãy xem, cả thế giới trên dưới đều tranh lợi, cho nên nhà tiên tri nước ngoài mới nói ngày tàn của thế giới đến rồi, thế giới nguy rồi. Chúng ta đến sống ở thời đại này là để làm gì? Là đến nơi này để chịu khổ, chịu nạn phải không? Vậy thì bạn chính là do ứng kiếp mà đến, nếu không phải là ứng kiếp mà đến thì bạn ở trong thế giới này quyết không bị ảnh hưởng bởi những tai nạn này. Khuyên bảo mọi người quay đầu, khuyên người quay đầu thì trước tiên chính mình phải quay đầu trước, làm tấm gương cho người khác, tự mình không quay đầu thì làm thế nào có thể khuyên bảo được người khác quay đầu chứ? Cho nên tự mình phải quay đầu, phải biểu diễn làm một kẻ không tranh với người, không cầu gì ở đời thì chúng ta đã làm được hai câu: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Đối với chúng sanh mà nói, chúng ta thật sự là có cống hiến, sự hành trì này chính là cống hiến. Bạn đừng cho rằng tôi làm như vậy thì người khác không ai biết. Nếu người khác không biết thì quỷ thần đều biết. Ngày nay số lượng quỷ thần học Phật, số lượng nghe kinh niệm Phật, so với những chúng sanh mà chúng ta có thể nhìn thấy được thì không biết là nhiều hơn bao nhiêu lần. Làm sao mà không có người biết chứ? “Phước bất đường quyên”. (công sức tu trì không hề uổng phí).
Chúng ta đọc đến “Bàng môn tả đạo dối đời” thì liền nghĩ đến vẫn còn có người phê phán bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ. Đây là điều gần với chúng ta nhất, kề cận nhất với câu “Bàng môn tả đạo dối đời”. Trong số đồng tu chúng ta vẫn còn có người do dự không dứt khoát. Mấy ngày trước tôi đã báo cáo qua với mọi người rồi. Các vị có thể tin nghe lời đồn đại thì có thể đi theo họ mà học, tôi thì không thể. Tôi vì sao lại không thể vậy? Vì tôi đã từng bái sư, làm qua thân phận học trò rồi. Các vị thì không. Tôi đã bái sư thì tôi phải nghe lời lão sư. Tôi đối với vị Thầy này không bội phục, không tôn kính thì tôi hà tất phải bái Ngài làm thầy? Tôi đã bái Ngài làm lão sư thì tôi cả đời này đều phải nghe theo Ngài. Mối quan hệ của các vị với tôi không phải là mối quan hệ thầy trò, tôi xin nói rõ ràng chúng ta là mối quan hệ bằng hữu, không phải là quan hệ thầy trò. Các bạn ở nơi đây nghe chúng tôi giảng mà thấy không thích hợp, họ ở bên kia nói có đạo lý hơn thì bạn có thể đi. Tôi thì không được, tôi có lão sư của mình, nếu đi theo họ thì tôi chính là “nghịch thầy phản đạo”. Cái tội này thôi đã đủ đọa A-tỳ điạ ngục rồi. Lão sư nếu chỉ cho tôi con đường này mà sai thì Ngài phải chịu trách nhiệm, tôi không có trách nhiệm, Ngài phải đọa địa ngục, còn tôi thì không chịu trách nhiệm. Cho nên lão sư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với học trò của mình, đây không phải là một sự việc dễ dàng. Tôi có sư thừa, tôi không thể nào vong ân phụ nghĩa, tôi không thể nào nghịch thầy phản đạo được. Tôi có cha mẹ, tôi không thể nào bất hiếu với cha mẹ, các vị có thể nhưng tôi thì không thể. Thế nên các vị hãy tỉ mỉ suy nghĩ một chút, chánh pháp xuất thế thì nhất định sẽ có ma đến nhiễu loạn, ma vì sao đến nhiễu loạn vậy? Khi Thế Tôn còn tại thế, ma Ba-tuần đã nói rất rõ ràng như vậy rồi, ma không muốn những chúng sanh này siêu vượt tam giới, điều ma thích là ma tử ma tôn càng ngày càng nhiều, càng nhiều càng hoan hỉ, nhiều phước nhiều thọ đông con cháu. Đây là quan niệm của ma, không phải là quan niệm của Phật pháp. Phật thì muốn độ chúng sanh xuất Tam Giới. Giống như một người di dân đến nơi khác, rời khỏi quốc gia của chúng ta thì người làm quốc vương sẽ cảm thấy đau lòng, đất nước của ta lại giảm bớt đi một người, cho nên ma rất chấp trước. Họ cũng hộ trì Phật pháp, họ cũng lễ thỉnh Pháp sư, Đại đức, Phật Bồ-tát đến giảng kinh thuyết pháp, nhưng không hy vọng con người xuất ly Tam Giới. Bạn hành thiện tích đức thì ma hoan hỉ, nhưng nếu bạn liễu sanh tử xuất luân hồi thì ma không hoan hỷ, vẫn phải tạo ra vô vàn chướng ngại cho bạn. Vậy thì chúng ta hiểu được Hạ Liên lão cư sĩ làm bản hội tập này không biết đã độ được bao nhiêu chúng sanh. Ma nhìn thấy bổn hội tập này thì chán ghét biết bao, luôn nghĩ ra các phương pháp để làm mọi người mất lòng tin với bản hội tập này, để họ đi đọc tụng bản khác. Nếu quả nhiên chăm chỉ đọc tụng những bản khác thì cũng có thể thành tựu, nhưng chúng tôi nghĩ họ thật sự không dễ vãng sanh. Bởi vì họ không có định công, họ không có trí huệ, họ không có lòng tin. Hôm nay người ta nói cái này tốt, họ liền tin, liền trái nghịch với những điều họ đã tin trước đó, ngày mai lại có người nói vẫn còn có cái tốt hơn cái này, họ lại bỏ cái này. Tâm của họ trôi nổi, họ không làm chủ được, rất dễ dàng bị ma lừa gạt. Ngày nay gặp ma vương, họ nói với bạn cái này không tốt, nói bạn phải nên học bản kia, học được một, hai năm, lại có một ma khác đến nói với bạn bản bạn đang học không được rồi, vẫn còn bản khác tốt hơn, khiến cho bạn cả một đời cứ thay đổi pháp môn, bạn sẽ không có được một thành tựu nào cả, chẳng làm nên được việc gì. Bất luận là pháp môn nào nếu “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” thì họ nhất định có thành tựu, cái nguyên lý nguyên tắc này chúng ta nhất định phải nên biết. Cho nên các vị tự lượng trình độ và hoàn cảnh cuộc sống của mình, trong những pháp môn mà mình yêu thích chọn ra một cái, cả một đời không thay đổi, bạn nhất định có thành tựu. Nếu thường thay đổi pháp môn, người này nhất định sẽ không có thành tựu, chư Phật Như Lai đều không thể độ họ, đều không thể giúp được họ.
Ở trên bàn còn có một câu hỏi khác, nhưng hôm nay thời gian đã hết rồi, ngày mai chúng tôi sẽ trả lời tiếp cho các vị. A Di Đà Phật!