Chủ giảng Cảm Ứng Thiên: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Mời xem đoạn thứ 115 của Cảm Ứng Thiên:
“Hựu dĩ táo hoả thiêu hương. Uế sài tác thực. Dạ khởi lõa lộ.” (Lại còn dùng lửa từ bếp lò để châm hương. Nấu thức ăn bằng củi dơ. Ban đêm thức dậy, thân thể lõa lồ. Hành hình nhằm tám ngày Tiết)
Đây là đều nói rõ sự thất lễ đối với thiên địa quỷ thần. Hiện nay thời đại này của chúng ta, có lẽ ở khu vực tương đối lạc hậu thì vẫn sử dụng bếp củi, thế nhưng dùng bếp củi để đốt hương thì có lẽ rất hiếm thấy. Ngày xưa thì có tình hình này, thế nhưng không nhiều. “Nấu thức ăn bằng củi dơ” chính là dùng nguyên liệu không sạch sẽ, trước đây sử dụng vật liệu là củi, củi lửa cũng phải sạch sẽ, bất luận làm việc gì cũng phải giữ một chữ “kính”, có câu “tồn thành, tồn kính”. Nguyên nhân thật sự của việc này là giúp chúng ta minh tâm kiến tánh, đây mới là nguyên nhân chủ yếu. Điều đầu tiên của tánh đức chính là cung kính và thành kính. Điều đầu tiên trong mười nguyện Phổ Hiền Bồ-tát chính là “Lễ kính chư Phật”, do vậy mà toàn bộ những điều này đều nằm trong phạm vi “Lễ kính chư Phật”. Chư Phật không chỉ là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai mà bao gồm hết thảy chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình ở trong đó. Đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật đều phải dùng tâm lễ kính bình đẳng, tâm lễ kính chân thành, tâm lễ kính thanh tịnh thì tánh đức mới có thể lưu lộ ra. Nếu đối với bộ phận này cung kính, bộ phận khác không cung kính vậy thì tánh đức không thể hiển lộ. Nếu các vị muốn chứng đắc pháp thân đại sĩ thì nhất định phải học tập, còn như không muốn xuất tam giới, không muốn xuất ly thập pháp giới là do tâm thành kính chưa đạt đến mức độ này. Nếu thật sự muốn thoát ly thập pháp giới, chứng đắc nhất chân pháp giới thì điều này nhất định phải học tập, nhất định phải rất chăm chỉ nỗ lực học tập.
Trong chú giải nói rất chi tiết, đa phần đều là những sự việc trước kia. Ngày nay khoa học kỹ thuật tiến bộ, ngày nay việc dùng củi lửa đều tương đối ít, củi lửa cũng tương đối sạch sẽ. Trong chú giải trích dẫn một đoạn văn trong Chư Kinh Tập Yếu, đoạn này tôi đọc một chút, rất hay: “Do Sự mà ngộ Lý”. Câu này là nói: thông thường trong quá trình tu học, vì sao tu hành lại phải chú trọng vào mặt sự tướng? Là do sự tướng giúp bạn khai ngộ, giúp bạn minh tâm kiến tánh, vì vậy nhất định phải “nương vào tướng để thấy đạo chân thật”, dụng ý là ở chỗ này, điều này chúng ta nhất định phải hiểu, đây không phải là mê tín. Câu tiếp theo nói: “Chiêm ngưỡng Thánh dung”, đây là nói hình tượng của Phật Bồ-tát, chúng ta phụng thờ hình tượng Phật Bồ-tát dụng ý là gì? Nếu có người đến hỏi thì bạn phải có thể trả lời được. Cúng dường hình tượng Phật Bồ-tát thì “cậy vào hương, hoa để cúng dường, phụng trì”. Hương hoa đại diện cho một phần thành ý của chúng ta. Hương và hoa đều phải sạch sẽ, không thể ô uế, nhất định phải xử lý cho thật sạch sẽ, nhà Phật gọi là rất trang nghiêm, biểu thị tâm cung kính của chúng ta. Câu tiếp theo nói tiếp: “Sau khi Như Lai diệt độ”, đây là Thế Tôn nói với chúng ta, sau khi Thích-ca Mâu-ni Phật diệt độ “nếu lại có người dùng một đóa hoa, một nén hương”. Một đóa hoa một nén hương là số ít, số lượng nhỏ, dùng một bông hoa, dùng một nén hương. Đây là nói dùng số lượng ít nhất “để cúng dường”, “lấy một vốc nước, trừ bỏ những thứ bất tịnh, nhấc chân một bước, đến trước chư Phật, xưng nam-mô Phật một tiếng, nếu người ấy đọa trong ba ác đạo thì chẳng thể có chuyện ấy”. Đây là nói về công đức của việc lễ kính. Câu quan trọng nhất trong những câu này chúng ta nhất định không thể bỏ qua, đó là câu “trừ bỏ thứ bất tịnh”. Bạn xem cách làm như thế này, mượn hình tượng để biểu pháp chính là trừ bỏ tâm không thanh tịnh của chính mình. “Tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, rồi chịu niệm Phật, vừa xưng “nam mô Phật”, đây chính là quy y Tam Bảo. “Nam mô” có nghĩa là quy y, đương nhiên sẽ không đọa ba đường ác mặc dù tạo nghiệp nhân của ba đường ác, thế nhưng nó không có duyên. Duyên hiện tiền thù thắng, tâm duyên Tam Bảo mà không duyên tam ác đạo. Nghiệp nhân của tam ác đạo, các vị nhớ kỹ, chính là tham sân si mạn. Bản thân chúng ta trong cuộc sống hằng ngày phải nuôi dưỡng một thói quen tốt, đó chính là chỉnh tề sạch sẽ. Phải nuôi dưỡng thói quen sạch sẽ và thanh tịnh. Thói quen này hình thành rồi thì quả báo nhất định không đọa ba đường ác.
Các vị biết là ác đạo ô uế, người thông thường chúng ta nói là bẩn thỉu, bừa bộn. Quỷ đói và địa ngục chúng ta chưa nhìn thấy, bạn hãy thử nhìn súc sanh, hoàn cảnh của súc sanh sinh sống bừa bộn. Hành vi của chúng ta nếu cũng giống như súc sanh vậy thì sẽ đọa đường súc sanh, nếu thái quá thì sẽ đọa đường ngã quỷ và địa ngục. Đây là điều không thể không biết, không thể không cẩn thận. Giống như dùng hương cúng Phật, các vị nên nhớ kỹ nhất định phải là hương tốt. Chúng tôi trước đây ở Đài Loan, chúng tôi biết những cơ sở sản xuất hương, buôn bán hương có rất nhiều nơi đã dùng những nguyên liệu rất bẩn để chế biến hương. Loại hương này cháy ra thứ mùi mà người ngày nay gọi là ô nhiễm môi trường. Nếu đối với việc hô hấp của con người và cơ thể đều có tác hại thì làm sao có thể dùng để cúng Phật được chứ? Vì sao người thông thường muốn mua loại hương này? Là vì loại hương này rẻ tiền. Nếu trong chùa cũng mua loại hương này để tín đồ cúng Phật Bồ-tát thì tội lỗi này rất nặng. Chúng tôi trước đây nhìn thấy điều này trong chùa, người xuất gia mua loại hương rất rẻ tiền, biết là thành phần trong hương không tốt, tham lam hàng rẻ tiền, mua hương tốt thì nửa ký hương có giá vài ngàn đồng, thậm chí hiện nay Đài Loan có loại hương có giá mấy vạn đồng mới mua được nửa ký, đó là đàn hương, dùng gỗ lim, đó là chất liệu tốt. Cho nên hương không cần đốt nhiều, một nén là đủ rồi. Đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu được cách lựa chọn. “Nấu thức ăn bằng củi dơ”, ngày nay trong đô thị đã không còn nữa, nhất định phải hiểu khói lửa sẽ bốc lên phía trên, những nguyên liệu này không sạch sẽ thì không những không cung kính đối với quỷ thần mà đối với người cũng không cung kính, điều này chúng ta nhất định phải hiểu. Chúng ta đốt hương là biểu đạt lòng cung kính của chúng ta, nếu dùng hương có sử dụng chất liệu rất kém thì ngược lại trở thành sự đại bất kính của chúng ta, không bằng không đốt hương. Đạo lý này phải hiểu rõ, đặc biệt là sống trong đô thị ngày nay, sống trong căn hộ chung cư. Chung cư hiện nay càng ngày càng nhỏ, nhân khẩu ngày càng đông đúc. Chúng ta đốt hương, hàng xóm không thích ngửi, họ sẽ đến can thiệp, đặc biệt kiến trúc căn hộ hiện nay, do có liên quan đến hệ thống điều hòa nên kiến trúc của căn hộ ngày càng thấp đi. Giống như căn phòng này của chúng tôi, xây dựng rất thấp, người có thân hình cao mà đứng với tay có thể chạm được đến trần nhà. Chúng ta sống trong hoàn cảnh này thì có thể không đốt hương. Chúng ta có tâm chân thành cung kính là được rồi, phải chú ý sức khỏe của mọi người, không nên khiến người khác phản cảm, điều này rất quan trọng. Pháp thế xuất thế gian, bạn nếu muốn thành tựu thì nhất định phải có được tâm hoan hỉ của đại chúng, đại chúng tôn kính bạn thì sự việc của bạn sẽ dễ dàng thành tựu. Hành vi của bạn khiến cho đại chúng phản cảm chán ghét thì bạn sẽ không có được sự giúp đỡ của bất kỳ người nào, bất luận bạn làm sự nghiệp gì đều rất khó thành tựu. Đạo lý này từ xưa đến nay, trong và ngoài nước đều như nhau, không có ngoại lệ. Cho nên Cổ Đức thường nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa.”
Trong chú giải có mấy câu nói, tôi đọc cho mọi người nghe: “Bậc chánh nhân quân tử, ở chỗ sáng thì sợ người, ở chỗ tối tăm thì sợ Thần”. “Sợ” có nghĩa là gì vậy? Là lo sợ người khác chỉ trích chúng ta làm sai việc, người khác chỉ trích chúng ta, ngày nay gọi là dư luận, cho nên họ không dám làm sai việc, làm sai việc thì lo sợ người khác chỉ trích họ, điều này gọi là hiểu rõ. Chỗ tối tăm không có người nhìn thấy, [nhưng có] quỷ thần chỉ trích họ. Con người nếu có thể tin tưởng những đạo lý này, tin tưởng những sự thật này thì bất luận là ở chỗ sáng hay ở chỗ tối tăm nhất định không dám khởi một niệm ác, nhất định không dám làm xằng làm bậy. Ngày nay có không ít người trẻ tuổi nói điều này là mê tín, nói người xưa dùng những điều này để trói buộc con người, khiến cho con người không dám làm xằng làm bậy, chỉ là một phương pháp mà không phải là sự thật. Họ nói điều này là mê tín, người Trung Quốc, người nước ngoài đã mê tín mấy ngàn năm, mấy vạn năm, con người ở thời đại hiện nay thông minh, họ không mê tín nữa rồi. Một học thuyết, một phương pháp tu học mà có thể truyền đến trăm năm ngàn năm, giả như không có sự thật và lý luận chân thật chống đỡ cho điều đó thì đã sớm bị loài người đào thải rồi. Điều này có thể kéo dài trong lịch sử lâu như vậy, trong lịch sử mấy ngàn năm chẳng lẽ không có người thông minh hay sao? Bạn thông minh hơn họ à? Cho nên luận điệu này tôi rất khó tin tưởng, [việc này] đã trải qua sự chứng nghiệm của lịch sử rồi. Những chuyện như thế này về thiên địa quỷ thần tuy rằng người hiện nay nói đó là mê tín, thế nhưng chúng ta thấy trên báo chí, trên truyền thông thường xuyên có tin tức. Gần đây chúng tôi nhận được một thông tin gửi đến từ pháp sư Ngộ Hạnh, lấy từ trên báo chí của nước Mỹ. Một cô bé một tuổi có thể nói tiếng thổ ngữ cổ xưa của người thổ dân da đỏ. Điều này giải thích thế nào đây? Cô bé chưa từng học qua, không những chưa từng học qua mà cô bé chỉ có một tuổi, nói chuyện vẫn còn chưa nói sõi thì làm sao có thể nói lưu loát ngôn ngữ cổ xưa của người thổ dân da đỏ chứ. Ngôn ngữ này ngày nay rất ít người có thể hiểu được. Chúng tôi đọc thấy trên báo toàn nước Mỹ chỉ có mười mấy người có thể hiểu ngôn ngữ này. Tiền kiếp của cô bé này là thổ dân nước Mỹ đầu thai trở lại, đủ để chứng minh là con người có tiền kiếp, có kiếp sau, nói rõ luân hồi là sự thật. Rất nhiều nhà khoa học hiện nay đang thảo luận nghiên cứu, hy vọng có thể chứng minh sự thật này. Trong những năm qua, họ đang nỗ lực thực hiện và cũng có một chút hiệu quả. Trong nhà sách ở Mỹ, những loại sách thế này có rất nhiều, thường có thể nhìn thấy, thật sự là có. Cho nên ở những nơi sáng hay ở chỗ tối tăm, không những không thể làm việc bất thiện mà ý niệm bất thiện cũng không được khởi lên. Chúng ta khởi tâm động niệm tự mình cho rằng người khác không biết, thế nhưng thiên địa quỷ thần biết. Những đạo lý này nói thật ra cũng không khó hiểu, khởi tâm động niệm đều có hình tướng. Trong tâm bạn nghĩ những sự việc gì, bạn nghĩ đến nó thì liền có hình tướng, hình tướng này phàm phu không nhìn thấy nhưng quỷ thần nhìn thấy. Người tu hành chân thật ở trong định có thể nhìn thấy, người công phu cao có được tâm thanh tịnh, gọi là đi đứng nằm ngồi đều trong định, đối với những người này bạn không thể giấu họ. Hình tướng mà bạn khởi tâm động niệm họ đều nhìn thấy, đều hiểu rõ. Đây chính là nói người ở chiều không gian cao hơn có thể nhìn thấy chiều không gian thấp hơn, nhìn thấy rất rõ ràng, khởi tâm động niệm, hết thảy hành vi đâu có thể che giấu người khác được. Quả báo, nói thật ra không phải là do thiên địa quỷ thần chi phối. Trong kinh Phật không có cách nói này, quả báo là do bạn tự chiêu cảm đến. Thiện nhân nhất định có thiện quả, ác nhân nhất định có ác báo.
Đoạn cuối là câu: “Ban đêm thức dậy, thân thể lõa lồ”, đại khái hiện tại tình trạng này cũng rất ít rồi. Người ngày nay ban đêm đi ngủ đều mặc quần áo ngủ rất đẹp. [Việc lõa lồ] là bất kính, bất kính đối với quỷ thần. Ban đêm tuy không có người nhìn thấy nhưng phải biết là quỷ thần đang ở chung với chúng ta, quả thật là ở cùng với chúng ta. “Bát tiết hành hình”, “bát tiết” trong chú giải là Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ Chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, Đông Chí, đây là tám ngày tiết. Tám ngày tiết này, trong Đạo giáo nói là có chư thiên thiên thần đi tuần tra giám sát nhân gian. Vì vậy trong những ngày này nhất định phải lấy tâm từ bi đối đãi với hết thảy chúng sanh, dù là tử tội cũng không nên hành hình vào lúc này, có thể lùi lại thời gian để hành hình. Đây là tâm từ bi. Hay nói cách khác khi thiên địa quỷ thần giáng lâm đi tuần tra, chúng ta hành hình trước mặt họ thì đây là một sự việc rất không lễ phép. Thí dụ nói có khách quý, khách quý đến khu vực của chúng ta, khi họ đến, trước mặt họ chúng ta trừng phạt một số người, bạn nói xem việc này rất khó xem. Đây không phải là việc tốt, nhất định phải dời lại, để họ nhìn thấy xã hội của chúng ta hài hòa tốt lành, mọi người đều hoan hỉ, chúng ta phải nên lấy cảnh tượng tốt đẹp này cúng dường thiên địa quỷ thần, không nên vào thời điểm này hành quyết tử tội, đương nhiên là càng không thể vào lúc này tạo tác hết thảy ác nghiệp. Đoạn này chúng tôi giảng đến đây.
Hôm nay có một vị đồng học hỏi hai vấn đề nên nhân tiện tôi sẽ trả lời luôn, là cư sĩ Phương đến từ Thiên Tân. Câu hỏi thứ nhất là hiện nay ở quê nhà có đoàn trợ niệm, họ nói sau khi con người dứt hơi thở, sau đó mấy tiếng vẫn có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, cách nói này có đúng không? Họ nói đó là trong sách Trung Ấm Tự Cứu nói. Cũng có thể, có thể vãng sanh hay không vẫn ở tại ý niệm của chính người đó, người đó khi lâm chung mê hoặc, quên mất nguyện vãng sanh, thế nhưng sau khi con người dứt hơi thở, trong kinh Phật nói là trong tám giờ đồng hồ thần thức vẫn chưa rời đi, tuy là dứt hơi thở rồi nhưng thần thức vẫn chưa đi, người Trung Quốc chúng ta gọi là linh hồn, hồn chưa rời đi. Vào lúc này người khác trợ niệm cho họ, họ có thể nghe thấy, khi trợ niệm thì nhắc nhở họ, nếu nhắc nhở họ nội trong tám giờ đồng hồ này nếu họ giác ngộ, nếu phát tâm cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có thể được. Cho nên chúng ta đối với người chết, khi trợ niệm giúp họ, tốt nhất là trợ niệm mười hai giờ đồng hồ, đó là an toàn nhất. Sau khi họ dứt hơi thở, trong mười hai giờ đồng hồ chúng ta trợ niệm giúp cho họ, tiếng Phật hiệu không gián đoạn, điều này rất có lợi ích. Mặc dù họ không thể vãng sanh thì sự khổ nạn mà họ chịu ở đường ác sẽ nhẹ đi, nhất định là có lợi ích.
Câu hỏi thứ hai là: Có cư sĩ họ Cao tự mình mở một phòng khám Đông y, khi cho bệnh nhân sử dụng thảo dược, thảo dược có phối thuốc với một số côn trùng, tất nhiên không phải chính anh ấy tự tay sát sinh, hỏi như vậy là có tội hay không? Điều này không có tội lỗi, dùng để làm thuốc thì không có tội lỗi, trong Đông y có rất nhiều loại thuốc phối với côn trùng, con vật, điều này không có tội lỗi, có thể sử dụng. Còn có rất nhiều thuốc phải sử dụng rượu làm chất dẫn thuốc, điều này cũng không có tội lỗi gì. Trong giới luật điều này gọi là khai duyên, bởi vì đây là dùng cho trị bệnh. Chữa bạn khỏi bệnh rồi, bạn tu trì chăm chỉ, lấy công đức của bạn hồi hướng cho hết thảy chúng sanh, vì vậy đây là một việc tốt.
*************
Các vị đồng học!
Mời mở đoạn thứ 116 của Cảm Ứng Thiên:
“Thóa lưu tinh. Chỉ hồng nghê. Triếp chỉ tam quang. Cửu thị nhật nguyệt.” (Hướng về sao băng khạc nhổ, chỉ trỏ cầu vồng, bộp chộp chỉ trỏ tam quang, nhìn mặt trời, mặt trăng thật lâu).
Những việc thế này đều thuộc về bất kính. Nếu nói là thiên địa quỷ thần thì khoa học hiện đại họ không thể tiếp nhận. “Sao băng” thì hầu như mỗi ngày đều có thể nhìn thấy, vào những đêm trời quang đãng, đây là hiện tượng vật lý vũ trụ. “Cầu vồng” là hiện tượng được tạo thành do ánh nắng mặt trời phản chiếu vào hơi nước trong không trung. “Tam quang” là chỉ mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Cho nên tổng kết lại, chúng ta dùng sự giải thích hợp lý là chẳng qua Cổ Đức dạy chúng ta tu tâm cung kính. Đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vạn vật thường giữ tâm cung kính. Đây là nguyên lý dạy học. Có phải là như Đạo giáo nói, đây là do thần Tư Mệnh chi phối, giống như khí của âm dương? Đây cũng là một cách nói. Nếu ưa thích nghiên cứu thì cũng là một học thuyết. Chúng ta nghe họ nói thì cũng có thể nói ra một đạo lý rất là hoàn mỹ, nếu có hứng thú thì có thể đi nghiên cứu. Nếu không hứng thú đối với điều này thì cũng biết được toàn bộ đại tông chỉ của Đạo giáo chỉ là dạy Thành, dạy Kính mà thôi. Thành kính là tánh đức, thành kính có thể khai phát tự tánh, thành kính đến cực điểm chính là nhà Phật nói đến “Giới Định Huệ” tam học, cũng chính là sự lưu lộ của tự tánh.
Đoạn tiếp theo là đoạn thứ 117:
“Xuân nguyệt liệu lạp. Đối bắc ác mạ. Vô cố sát quy đả xà.” (Trong các tháng mùa Xuân, đốt rừng để săn bắn. Hướng về phương Bắc chửi rủa độc địa. Vô duyên vô cớ, đánh giết rắn rùa).
“Liệu liệp”chính là người Indonesia hiện nay gọi là đốt rừng, chính là thuộc về loại này, dùng lửa đốt núi rừng. Sự việc này vô cùng tàn nhẫn, vì sao vậy? Là vì những động vật nhỏ trên núi, một con cũng không chạy thoát, lực sát thương này tàn khốc hơn bất cứ loại chiến tranh nào. Cho nên Phật trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất rõ ràng, quả báo là ở địa ngục. Sau khi thọ mãn tội ở địa ngục, bạn nợ mạng những chúng sanh này thì nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền phải trả tiền. Một ngọn lửa này thiêu chết biết bao nhiêu động vật, sau này đến khi trả mạng sẽ rất phiền phức. Bạn phải trả trong bao lâu mới trả hết số nợ mạng này? Sự việc này không thể làm, tuyệt đối không được làm, cho dù là vô ý cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả. Vì vậy khi dùng lửa trong núi rừng thì nhất định phải cẩn thận. Nếu chúng ta nổi lửa, có rất nhiều nguyên nhân, chúng ta nấu ăn sẽ phải đốt lửa, nếu ban đêm phải ngủ ngoài trời thì nhất định phải đốt lửa. Thú hoang nhìn thấy lửa này chúng sẽ tránh đi, cho nên gọi là lửa trại. Thế nhưng khi rời đi thì phải dập tắt đống lửa này thật sạch sẽ, không được vô ý dẫn đến hỏa hoạn, nên phải đề phòng cẩn thận. Còn có người có thói quen không tốt là hút thuốc, tàn thuốc tùy tiện vứt lung tung. Nếu vào thời tiết khô hạn thì cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn, dẫn đến cháy rừng, những điều này đều phải cẩn thận đề phòng. Trong chú giải nói rất chi tiết.
Hai câu tiếp theo: “Hướng về phương Bắc chửi rủa độc địa”. “Phương Bắc” đại diện cho phía trên. “Vô duyên vô cớ, đánh giết rắn rùa”, trong loài động vật thì thọ mạng rắn và rùa đều rất dài, linh tánh rất cao. Các bạn nghe cư sĩ Tề ở Thiên Mục Sơn đã báo cáo với mọi người. Họ phóng sanh ba ba, ba ba và rùa là cùng một loài, khi phóng sanh những con ba ba này chúng hiểu được. Họ phóng sanh trên thuyền, những con ba ba này bơi một vòng quanh chiếc thuyền, sau đó quay đầu lại nhìn rồi mới rời đi. Chúng có linh tánh, chúng rất cảm ân bạn, chỉ là chúng không biết ngôn ngữ của loài người, không có sự giao tiếp bằng ngôn ngữ. Thế nhưng bạn nhìn thấy biểu cảm của chúng, chúng và con người đâu có khác biệt. Nhất định không nên sát sanh, con người phải thật sự biết yêu người yêu vật, nhất định không được ăn thịt chúng sanh. Tuy nhiên có người cũng hỏi, động vật có sanh mạng, thực vật cũng có sanh mạng, vì sao không ăn động vật nhưng lại ăn thực vật? Đương nhiên một người nhân từ chân thật thì thực vật cũng không ăn. Thế nhưng chúng ta là phàm phu, chúng ta vẫn chưa thể đạt đến cảnh giới này, chưa thể xa lìa việc ăn uống. Trong lục đạo, cõi trời sắc giới đã xa lìa rồi, trời sắc giới không phải ăn uống, thật vậy, ngay đến thực vật họ cũng không ăn. Chất dinh dưỡng của họ từ đâu mà có vậy? Các vị thường xem thấy trong kinh nói là “Thiền duyệt vi thực”, dinh dưỡng mà họ có được là từ trong thiền duyệt, không cần đến vật chất từ bên ngoài. Chúng ta ngày nay chưa đạt đến cảnh giới này, không ăn uống thì không thể duy trì sanh mạng. Cho nên lựa chọn của chúng ta là sự lựa chọn bất đắc dĩ, chúng ta nhất định không làm tổn hại chúng sanh. Phật trong giới kinh nói với người xuất gia: “Thanh tịnh Tỳ-kheo, bất đạp sanh thảo” (Tỳ-kheo thanh tịnh không đạp lên cỏ non). “Thảo” ở đây là thực vật, chúng đang trưởng thành rất sống động, bạn sao có thể nhẫn tâm dẫm đạp lên chúng? Trừ phi bạn nhất định phải đi qua chỗ này, nếu không có đường thì điều này chấp nhận được, có khai duyên. Nếu có đường đi thì bạn nhất định phải đi trên đường, không thể đi dẫm lên cỏ cây. Điều này là sự ái hộ đối với thực vật, ái hộ đối với cây cỏ hoa lá, vạn bất đắc dĩ chứ không được phép làm tổn hại. Trong giới kinh nói với chúng ta, trước đây người xuất gia ở trong núi, ở trong núi thường phải dựng lều tranh, sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất định phải chặt cây. Trước khi chặt cây ba ngày phải tụng kinh, niệm chú, chúc phúc cho cái cây này, mời thần cây dời nhà đi. Điều này người thông thường rất khó hiểu, Phật ở trong kinh nói với chúng ta, khi cây cao hơn đầu người thì sẽ có thần cây. Ngày nay chúng ta nói điều này với những người trẻ tuổi nhưng họ không tin tưởng. Thế nào gọi là thần cây? Thật ra mà nói là có quỷ thần nương dựa vào cây này. Cây này là nhà của họ, họ ở trên cái cây này, nương dựa vào hoa lá cây cỏ thì biến thành thần hoa thần cây. Là loại chúng sanh nào vậy? Là loài đặc biệt thích hoa lá cỏ cây, ưa thích hoa lá cỏ cây, sau khi chết vẫn là ưa thích, vẫn không xa lìa được nên biến thành thần hoa thần cây, linh hồn dựa vào những vật thể này. Chúng ta muốn hủy hoại nơi sinh sống của họ thì họ cũng sanh phiền não, tuy họ sẽ rời đi, thế nhưng họ sẽ sanh phiền não, cho nên trước tiên nhất định phải thông báo cho họ biết. Bố trí việc tế lễ, tụng kinh, siêu độ, kết duyên để họ dời nhà đi nơi khác, họ sẽ tìm chọn một cây khác. Những sự việc thế này nhất định không phải là mê tín. Chư Phật Bồ-tát, tâm địa các Ngài thanh tịnh, tai mắt thông minh, phàm phu chúng ta không nhìn thấy nhưng các Ngài có thể nhìn thấy, chúng ta không thể nghe thấy nhưng các Ngài có thể nghe thấy, các Ngài dạy chúng ta cách làm như vậy nhất định có đạo lý, nhất định là có lợi ích đối với chúng ta. Yêu thương, bảo vệ hết thảy hoa lá cỏ cây thì đâu có đạo lý không yêu thương bảo vệ động vật chứ? Vì vậy bất cứ việc gì chúng ta cũng nên tỉ mỉ tư duy, bình lặng quan sát, tìm hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh, không thể tùy thuận theo tập khí phiền não của chính mình mà lập luận trái lẽ. Nói những loài động vật là dành cho loài người ăn, sanh ra là để cho con người ăn. Con người cũng là động vật thì tại sao không ăn thịt người luôn? Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con gái con trai của bạn đều là động vật thì sao bạn không ăn họ? Nói thế nào cũng nói không thông được. Hoàn toàn là dục vọng thỏa mãn tự tư tự lợi của chính mình, đã tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, lại còn cho rằng điều đó là có lý. Điều này sai rồi! Người hiểu rõ, người có đạo tâm đều sanh tâm hổ thẹn đối với việc ăn uống. Chúng ta ngày nay đang gặp nạn, bất đắc dĩ, không có cách nào khác, cho nên nhu cầu về ẩm thực nên lựa chọn cẩn thận, cố gắng giảm thiểu sự tổn hại đối với con người và loài vật, cố gắng giảm đến mức tối đa. Đây là sự lưu xuất của tâm từ bi. Loài có thọ mạng dài thì càng không thể làm tổn hại chúng, ở đây đặc biệt nói rõ về rùa và rắn, những loài này đều có thọ mạng rất dài.
Bạn xem “đốt rừng để săn bắn”, vì sao lại nói: “Trong các tháng mùa Xuân” mà không nói mùa Hạ, mùa Thu, nhất định lại nói là “trong các tháng mùa Xuân”. Mùa Xuân là thời kỳ sanh trưởng của vạn vật. Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng. Đây là mùa mà hết thảy vạn vật đều sanh trưởng, làm sao có thể nhẫn tâm sát hại? Cái tâm này là tâm rất tàn nhẫn, không có tâm nhân từ, không có tâm yêu thương. Chúng ta đọc giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, từ đó thể hội được tâm từ bi bác ái của các Ngài, cũng phải học tập từ chỗ này để nuôi dưỡng thành thói quen, thói quen thương yêu người và vật. Ở đây nói “Hướng về sao băng khạc nhổ”, đây là sự việc rất nhỏ, sự việc cực kỳ bé nhỏ. Hiện nay là xã hội văn minh, mọi người đều hiểu không nên tùy tiện khạc nhổ. Đây là thói quen tốt, là nuôi dưỡng tâm cung kính của chính mình. Khi thật sự muốn khạc nhổ, chúng ta dùng giấy vệ sinh bọc lại, không nên tùy tiện vứt bừa bãi, ở nơi này không có thùng rác thì gói lại để vào trong túi, đợi đến khi có thùng rác rồi mới có thể vứt đi. Nhất định phải nuôi dưỡng thói quen này. Sự việc tuy rất nhỏ nhưng từ chỗ này có thể quan sát cái tâm ý cung kính của bạn đối với người, đối với vật, đối với việc. Những điều này phải dạy bảo, không những phải dạy bảo mà còn phải biết mở rộng tâm cung kính, từ chỗ cực kỳ nhỏ bé này mở rộng ra để cung kính với hết thảy người, cung kính với hết thảy việc, cung kính với hết thảy vật.
Ngày nay chúng ta ở Singapore, thường xuyên giao lưu với chín tôn giáo lớn, Thánh Thần mà mỗi một tôn giáo phụng thờ đều không giống nhau, chúng ta bình đẳng cung kính, thanh tịnh tán thán, phổ đồng cúng dường. Mục đích của chúng tôi là hy vọng mong cầu những quốc gia khác nhau, những chủng tộc khác nhau, những tôn giáo khác nhau ở trong xã hội này đều có thể chung sống hòa mục, đều có thể tôn trọng lẫn nhau, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, đối đãi bình đẳng. Đây là thiên đường mà tất cả các tôn giáo đang mong cầu. Nhà Phật nói thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng, đạo Hồi gọi là Thiên Quốc, Thiên Đường, tuy cách nói không giống nhau nhưng tình hình xã hội là như nhau, là tốt lành, không một mảy may khiếm khuyết, là mỹ mãn. Vậy làm thế nào mới có thể đạt được mục tiêu lý tưởng như thế? Nhất định phải có hành động, tiếp nhận giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, chúng ta phải làm được. Đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm của nhà Phật, bạn xem trong Kinh Hoa Nghiêm có bao nhiêu chủng tộc khác nhau, chủng loài khác nhau, vạn vật trong trời đất, hết thảy chúng Thần đều bao gồm ở trong đó, mọi người đều có thể chung sống hòa mục, đối đãi bình đẳng. Đây là sự dạy học tốt nhất, là sự thị phạm tốt nhất, chúng ta phải nên học tập, nên thực hiện. Không những chúng ta đối với những tôn giáo khác nhau mà đối với hết thảy vạn vật đều phải lấy tâm đại từ bi, tâm yêu thương chân thành, dùng thân thể này của chúng ta để cống hiến toàn diện, vì hết thảy đại chúng mà phục vụ. Đây là điều mà Phật-đà dạy bảo cho chúng ta.
Quyển sách này đến đây là một phân đoạn lớn, đều đã giới thiệu những nét chính của thiện và ác. Tiếp theo là tổng kết, tổng kết của hai đoạn nói về thiện và ác, ước chừng chiếm bảy phần đến tám phần của cả cuốn sách. Đây là phần kết tội, văn tự cũng có mấy đoạn, không đến nỗi dài, đoạn phía cuối đặc biệt lại mang hai điều Giết và Trộm để cảnh báo cặn kẽ cho chúng ta. Điều này thật là hiếm có!
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!