Ác Hạnh Của Người Khác Đối Với Mình Cũng Là Sự Yêu Thương

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Tất cả những ác hạnh của người khác đối với bản thân của Chư Phật, Bồ Tát đều là sự yêu thương. Tại sao nói như vậy? Vì chính những cái chướng duyên này, nghiệp duyên này giúp cho Ngài mau thành Phật.

“Thiện danh lưu bố. Tiếng lành đồn xa”. Thì ở ngay chỗ cái câu: “Người ác cũng sẽ không đến xâm phạm bạn. Người ác cũng sẽ yêu thương bạn. Đây là đức hạnh của bạn chiêu cảm”. Chỗ này mình nên hiểu cho rõ ràng là: Nhân quả thông cả 3 đời. Ngay cả Thích Ca Mâu Ni Phật cũng bị rất nhiều người không thích, mắng chửi cho đến Đề Bà Đạt Đa hãm hại. Nếu mình lấy cái tấm gương đó mình đối chiếu với chỗ này, mình sẽ thấy không có đúng. Tại sao Đức Phật đã là Phật rồi mà lại còn bị người ta ghét, người ta mắng chửi rồi người ta hãm hại chứ đâu có yêu thương gì…đúng không ạ? Rồi tiền kiếp của Đức Phật là tiên nhân nhẫn nhục là một vị đại Bồ Tát. Đức hạnh của Ngài vượt xa phàm phu mà gặp vua Ca Lợi thấy Ngài rồi ghét, rồi cắt xẻo thân thể…cũng đâu có yêu thương gì?

Thì mình phải hiểu cho sâu cái vấn đề, đó là nhân quả thông cả 3 đời. Tất cả những ác hạnh của người khác đối với bản thân của Chư Phật, Bồ Tát đều là sự yêu thương. Tại sao nói như vậy? Vì chính những cái chướng duyên này, nghiệp duyên này giúp cho Ngài mau thành Phật. Cho nên mới nói: người ác đến thành tựu cho ta. Đề Bà Đạt Đa là đại thiện tri thức của ta. Tiên nhân nhẫn nhục cũng vậy. Ngài nói: Vua Ca Lợi chính là cái người mà Ngài phải biết ơn vì giúp cho Ngài thành tựu được cái hạnh nhẫn nhục. Ngài đang tu cái hạnh đó mà Ngài tu đến cái chỗ là nhẫn nhục Ba La Mật chứ không phải là nhẫn nhục thông thường. Ở đây chúng ta không có đi giải thích câu chữ để rồi có thể lại dính mắc thêm vì cảnh giới này cho dù giải thích như thế nào thì bản thân mình cũng chưa thể nào khế nhập vô được chỗ “Ba La Mật” này. Cho nên ở trong Phật pháp, mình phải biết rõ có những cảnh giới, mình nghe thì mình có vẻ hiểu vậy thôi. Nhưng mà mình rất là hiểu một cách nông cạn thôi chứ mình không có thực chứng được cho nên mình tránh dùng những cái từ cao siêu ở trong Phật pháp để nói về cái chuyện tu tập của một phàm phu.

Thí dụ mình nói: “Tỷ gắng tu tới bố thí Ba La Mật này đi. Tốt lắm! Phải tu bố thí Ba La Mật nha!”. Mình nói một cách rất là hồn nhiên nhưng mà thật ra mình cũng không biết Ba La Mật là cái gì và mình cũng chưa làm đến được cái chỗ Ba La Mật. Và nếu bạn muốn nói đến cái chỗ thế nào là làm đến bố thí Ba La Mật thì bạn hãy nhìn vào cái tấm gương của các bậc pháp thân Đại Sĩ. Các Ngài tu làm sao? Đó là tiên nhân nhẫn nhục đó: Cắt xẻo thân thể mà vẫn bình thường, không có chi mà khởi tâm trạng, một chút xíu cũng không có. Rồi lại phát nguyện hồi hướng là: Sau này ta thành Phật thì cái người đầu tiên ta sẽ độ đó chính là ông. Không chỉ không có khởi tâm trạng gì oán trách mà còn khởi cái lòng biết ơn đối với cái người mà mình nói theo “từ” thế gian là hãm hại mình…Đó! mình có làm được không?

Chưa đụng chuyện làm sao biết đúng không? Mà thật ra bây giờ người ta mới nói tới mình có mấy câu là mặt mình đã khó coi rồi. Chứ đừng nói chi đụng tới cái thân này. Nói mấy câu thôi là mặt mũi mình cũng đã bắt đầu biến dạng rồi thì nói chi đến cái chỗ Ba La Mật nữa. Nên thôi! Bỏ qua. Đừng dùng những cái từ ngữ cao xa ở trong nhà Phật. Ngộ nhận mình rồi khiến người ngộ nhận. Bởi vậy, Phật pháp không có dễ ăn đâu. 5 giới 10 thiện đây còn tu chưa xong nữa nè. Ngồi đó mà nói bố thí Ba La Mật. Con nghĩ là mình phải tu rất nỗ lực mới đạt đến 5 giới 10 thiện đó. Khổ lắm à! Không phải là dễ dàng đâu. Phải nỗ lực nhiều lắm mới đạt đến tiêu chuẩn trong Thập Thiện Nghiệp đạo. Giữ được 5 giới cả đời không phạm, giờ mình còn làm không nổi nè. Nói gì đến cái chỗ Ba La Mật.

Bố thí mà còn dính tướng thì không còn gì để nói. Ba La Mật là phải phá trừ tất cả sự chấp trước, phân biệt. Rồi trong đó thành tựu công đức viên mãn của mình. Ôi chao! Cái con đường này là con đường của pháp thân Đại Sĩ chứ chẳng phải là một người thông thường có thể lạm dụng từ ngữ mà nói đến cái chuyện phàm phu có thể tu bố thí Ba La Mật.

Nếu mà nói lời nghiêm khắc đó chính là bạn đang nói lời vọng ngữ. Bạn không có năng lực đó mà bạn cứ đi nói suốt à! Cho nên mình phải hiểu được là đối với tâm địa của Chư Phật, Bồ Tát thì các Ngài nhìn cái hành vi của người ác mà xâm phạm mình đó. Mình nói theo cái ngôn ngữ ở đây. Đây chính là cái người đang thành tựu cho mình, người ta yêu thương mình. Đó chính là cái ý nghĩa đoạn cuối ở trong cái chỗ ” Thiện danh lưu bố” này..Người ác cũng sẽ yêu thương bạn, họ yêu thương bạn theo cái cách của họ. Có nghĩa là họ sẽ ác. Họ sẽ ác với bạn nhưng mà bạn sẽ được sự thọ dụng chân thật trên con đường Bồ Đề, trên con đường giác ngộ. Nhờ vào cái ác hạnh đó mà công phu của mình liền thăng tiến.

Ân Sư cũng hay thường nói: giờ người ta lấy mạng của bạn, bạn cũng mừng! Tại vì cái mạng này mà trả xong rồi thì mình vãng sanh về Cực Lạc Thế giới chứ có chi. Đó là mình nói đến cái chỗ là chuyển cái tâm khi mình đối diện với cái hoàn cảnh xấu ác. Chứ không phải tới lúc đó rồi thấy: sao mình cũng tu thiện, nỗ lực các kiểu mà sao người ác đến, người ta cũng xâm phạm mình, người ta cũng làm này làm nọ với mình. Chắc là mình tu không ổn rồi. Thì đúng là không ổn thiệt tại vì bạn thấy người ta còn ác nên bạn không ổn. Đó là điều rõ ràng, không ổn chính là ở chỗ đó. Là do bạn thấy người ta ác với bạn cho nên bạn không ổn. Còn người giác ngộ rồi thì không thấy cái ác này mà chỉ thấy đây là tăng thượng duyên tốt để mà tiêu trừ nghiệp chướng, để mà thành tựu cái con đường giải thoát của mình được nhanh hơn.

Chính vì vậy cho nên là Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài thành Phật trước Di Lặc Bồ Tát là ở cái điểm này. Chúng ta cũng được nghe Ân Sư giảng rồi: Do thành tựu được nhẫn nhục Ba La Mật cho nên là Ngài thành Phật trước. Ngài Bồ Tát Di Lặc phải đợi, lùi lại phía sau. Thì đây cũng là cái chỗ mà thực chứng để cho mình thấy được: có phải là vua Ca Lợi yêu thương Thích Ca Mâu Ni Phật không?
Bây giờ Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật sớm một ngày thì độ được chúng sanh sớm một ngày. Như vậy là công lao của ai? Là của vua Ca Lợi vậy thì quả thật vua Ca Lợi rất là yêu thương Thích Ca Mâu Ni Phật, yêu thương chúng sanh dù Ngài làm ác.

Mà nói như vậy không có nghĩa là mình đi ra ngoài làm ác rồi mình nói là mình yêu thương chúng sanh nha! Chớ có suy nghĩ một cách tà kiến như vậy. Mình làm ác với chúng sanh mà chúng sanh oán mình là mình chết chắc. Còn người ta làm ác đối với Chư Phật Bồ Tát, các Ngài không thấy ác, các Ngài hoan hỷ, các Ngài tiếp nhận, các Ngài mau thành Phật. Còn bây giờ các bạn kết oán với mọi người thử coi…Người ta hận các bạn, người ta ghét các bạn. Vậy thì các bạn làm trật rồi. Không thể áp dụng phương pháp này trên phàm phu được. Cho nên mình phải dĩ hòa vi quý thôi. Vì vậy mình đọc tới đâu thì bắt đầu mình liên kết ra cái thực tế cho đúng đắn để mình biết cái chỗ mình áp dụng chứ còn không là áp dụng trật lất hết.

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *