Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Các vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 28:
“Át ác dương thiện” (Ngăn chặn điều ác, tuyên dương điều lành.)
Trong chú giải, vừa mở đầu nói rất hay: “Những điều ác của con người vốn chẳng phải do bản tánh tạo thành. Do vì tập khí nhiễm đắm đã sâu mà [tội ác] mênh mông, không có cách cứu vãn! Hoặc là biết rõ mà cố phạm, hoặc do không biết, trót làm quấy. Xét theo cái đã hình thành thì sẽ tạo ra tội lỗi ngập trời, thế mà cái gốc thoạt đầu, chỉ là vì một niệm sai lạc!”. Mấy câu nói này, chúng ta cần phải bình tĩnh tư duy, thể hội thật kỹ. Trung Quốc vào thời xưa, trẻ con đi học, có lẽ bộ sách học đầu tiên chính là Tam Tự Kinh. Mở đầu Tam Tự Kinh liền nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận, tập tương viễn”, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với đoạn này.
Con người tại sao lại tạo ác vậy? Tánh người vốn dĩ là thiện. Cái thiện này không phải cái thiện của thiện ác. Cái thiện của thiện ác đã là nghĩa thứ hai, không phải nghĩa thứ nhất. Cho nên, đại Thánh Khổng Tử của Nhà Nho nói là “tánh tương cận”, nhưng Tuân Tử, Mạnh Tử thì nói đó chính là “tập tương viễn”. Mạnh Tử chủ trương tánh thiện, Tuân Tử nói tánh ác. Cái “thiện ác” này là đối lập nhau, là tập tánh, không phải bản tánh. Cái mà Khổng Tử nói là bản tánh. Bản tánh của tất cả chúng sanh đều giống nhau. Trong Phật pháp nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm là cùng một tâm tánh. Tạo thiện, tạo ác đều là tập tánh. Cho nên, chỗ này nói “Nhân chi ác nguyên”, đó chính là nguồn gốc của tạo ác, không phải tự tánh.
Chư Phật Bồ-tát minh tâm kiến tánh, không những tuyệt đối không tạo ác mà ý nghĩ ác cũng không có; không những không có ý nghĩ tạo ác, mà ý nghĩ hành thiện cũng không có. Tại sao vậy? Vì tập khí đã đoạn hết rồi. Hành thiện, tạo ác là tập khí, chúng ta nói là “tập tánh”, tập quen thành tự nhiên. Loại tập tánh này không phải một đời bồi dưỡng nên, mà trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp, từ vô thỉ kiếp đến nay đã hình thành nên một thói quen. Người không biết cho rằng là thiên tánh. Chỉ có người triệt để giác ngộ, minh tâm kiến tánh mới biết ở trong thiên tánh không có. Từ đâu mà có vậy? Từ tập tánh đã huân thành, “tập nhiễm ký thâm” (tập nhiễm đã quá sâu nặng) vô lượng kiếp đã khởi huân tập. Phàm phu không thể làm Phật, không thể làm Bồ-tát chính là do tập tánh này làm chướng ngại. Ở đây dùng chữ “tập nhiễm” rất hay. Trong vô lượng kiếp, loại tập khí này đã làm ô nhiễm chân tánh của mình, thế là tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Khi tạo tội, có khi mình biết rõ mà vẫn cố phạm, nhưng có khi mình không biết việc mình tạo tác là tội nghiệp. Cho dù bạn biết hay không biết, ở đây nói, nếu truy cứu nguồn gốc của nó thì đó là do “nhất niệm sai trì” (một niệm sai lầm trì trệ). “Nhất niệm sai trì”, nhà Phật gọi là “một niệm mê hoặc”. Tại sao bị mê vậy? Tập nhiễm quá sâu. Thánh Hiền thế xuất thế gian bảo chúng ta sửa lỗi, bảo chúng ta quay đầu. Quay đầu từ đâu? Quay đầu từ tập nhiễm. Đây mới là quay đầu thật sự, triệt để quay đầu.
Thế nhưng quay đầu cũng phải có chỗ bắt tay làm, Kinh Lăng Nghiêm gọi là “phương tiện tối sơ”. Chúng ta bắt tay làm từ đây. Bốn chữ này chính là dạy chúng ta phương pháp để bắt tay làm. Bốn chữ này sâu cạn đều không có cùng tận. Chúng ta là người sơ học, công phu cạn. Đến Bồ-tát địa thì công phu đó sâu rồi. Ác phải dùng sức ngăn chặn, cũng chính là nói phải khắc phục nó, phải đè nén nó xuống. Đè cái gì xuống? Ác niệm, ác hạnh. Không những là hành vi ác chúng ta phải khống chế, không được tạo tác, mà ý nghĩ ác cũng không được phép có. Ác niệm không phải vô minh thì là vọng tưởng, những thứ này hại chúng ta đời đời kiếp kiếp chịu khổ, chịu nạn ở trong lục đạo. Khổ nạn không phải người khác gây ra cho ta, mà bạn tự làm tự chịu, chính là bạn khởi tâm động niệm không tương ưng với tự tánh.
Trong tự tánh không có thiện – ác, tự tánh là thanh tịnh. Cho nên không những là ác niệm tổn hại chúng ta, mà thiện niệm cũng làm tổn hại. Phật ở trong Kinh nói rất rõ ràng, ác niệm cảm được quả báo ba đường ác, thiện niệm cảm được quả báo ba đường thiện. Ba đường thiện với ba đường ác chính là lục đạo luân hồi. Thiền tông thường dạy người: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”. Câu nói này ý nghĩa là gì vậy? Đem thiện niệm, ác niệm thảy đều đoạn sạch, lúc này bản lai diện mục của bạn liền hiện tiền. Bản lai diện mục là gì? Minh tâm kiến tánh. Bồ-tát thị hiện trong lục đạo độ hóa chúng sanh, quả thật là thiện niệm, ác niệm đều không có, cho nên Bồ-tát “không trụ sanh tử, không trụ Niết Bàn”. Thiện niệm, ác niệm đều không có, đó là không trụ sanh tử. Phương pháp, phương tiện độ hóa chúng sanh của Bồ-tát, việc thiện việc ác đều có, đó là không trụ Niết Bàn, sanh tử – Niết Bàn hai bên đều không trụ. Hai bên đều không trụ chính là hai bên đều trụ. Cho nên, giáo hóa chúng sanh phải xem căn tánh của chúng sanh. Chúng sanh căn tánh lương thiện thì dùng thiện pháp độ họ, chúng sanh căn tánh bất thiện thì dùng ác pháp độ họ. Bồ-tát độ chúng sanh, việc thiện ác thảy đều có, đó chỉ là sự, không có tâm. Sự là phương tiện giáo hóa chúng sanh, không phải mục đích. Đại Thánh đại Hiền tâm địa vĩnh viễn “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, ý nghĩ thị phi, thiện ác đã đoạn sạch rồi, không giống như phàm phu. Phàm phu chúng ta tập nhiễm từ vô thỉ kiếp đến nay nhất thời chắc chắn không đoạn hết. Cổ đức thường nói: “Lý có thể đốn ngộ, sự phải tiệm trừ”. Nếu bạn nghe hiểu đạo lý rồi, bạn có thể giác ngộ rất nhanh. Thế nhưng cái tập khí đó của bạn không phải trong chốc lát có thể đoạn được, mà đoạn từ từ. Phương pháp đoạn, trước tiên phải khống chế được ý nghĩ ác, hành vi ác, không để nó phát sinh, không để nó khởi lên. Người niệm Phật, chúng ta thường hay nói, niệm vừa khởi, lập tức đề khởi câu “A Di Đà Phật” lên. Niệm thứ nhất bất kể là thiện niệm hay là ác niệm, niệm thứ hai liền là A Di Đà Phật. Dùng cái niệm A Di Đà Phật này thay cho ý niệm phía trước của bạn, đây chính là “át ác”. Quí vị phải biết, chữ “át” này chính là chỉ ý niệm, đây là tu từ trên căn bản.
Thế nào là hành vi ác? Phàm là hành vi nào có ảnh hưởng bất lợi cho người, cho xã hội, cho chúng sanh, loại hành vi này đều thuộc về ác. Tuyệt đối không được làm “sai phạm lẽ trời”. Nếu như bạn làm thì tội nghiệp cực nặng. Người tạo ác chẳng qua là muốn mình có được một chút lợi ích. Nói lời thành thật, một chút lợi ích này rất nhỏ bé. Người xưa có một ví dụ, bạn giết chết một người không có tội để bạn có thể lên làm vua, bạn cũng không làm. Thà không làm vua, chứ không chịu giết oan một người. Đây là người có trí huệ. Người có tội thì tự nhiên có người trị tội đến đối phó họ; quốc gia có pháp luật chế tài. Chúng ta không phải là người chấp pháp, không phải là người lập pháp, nhìn thấy người ta tạo tội nghiệp, chúng ta không có quyền chế tài họ. Đạo lý này phải nên biết. Người lập pháp, người chấp pháp chế tài họ, đó không phải tạo tội nghiệp. Chúng ta không phải là người chấp pháp, cho nên họ có tội, chúng ta trừng phạt họ là bản thân chúng ta có sai lầm. Trong tình hình này thì phải làm thế nào? Xem thấy họ tạo tác tội nghiệp, nếu người bị hại là cá nhân họ, là gia đình của họ thì cứ mặc họ. Nếu họ tạo tác tội nghiệp rất lớn, người bị hại là xã hội, người bị hại là rất nhiều chúng sanh thì chúng ta có thể tố giác lên cơ quan chấp pháp, chúng ta không được phép đi trừng phạt họ, vậy thì đúng. Phật pháp dạy bạn dùng trí huệ cao độ, quyết không được làm việc theo cảm tính. Chúng tôi thường nói “hợp tình, hợp lý, hợp pháp”, đây chính là Phật pháp, đây chính là điều mà Phật Bồ-tát chỉ dạy chúng ta.
Một người tu hành, điều chỉnh hành vi sai lầm của mình thì gọi là tu hành. Tu hành không có ngày kết thúc. Tại sao vậy? Hành vi của chúng ta đều có sai lầm, có sai lầm thì phải điều chỉnh. Bồ-tát Đẳng Giác còn phải tu hành. Tại sao vậy? Họ vẫn còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đó chính là sai lầm của họ, cho nên vẫn không lìa khỏi tu hành. Đến quả địa Như Lai thì sai lầm hoàn toàn không còn nữa, công đức tu hành này viên mãn rồi, không có công hạnh gì để tu nữa. Quí vị phải nên biết, Bồ-tát Đẳng Giác vẫn còn phải tu hành, chúng ta có thể không tu hành sao? Từ địa vị Đẳng Giác trở xuống là chúng sanh trong chín pháp giới, chúng ta phải nhận thức rõ ràng.
Ngày nay chúng ta phải tu từ đâu? Chúng ta là phàm phu, ở trong chín pháp giới, địa vị của chúng ta rất thấp, tập khí nghiệp chướng của chúng ta rất nặng, cho nên phải bắt tay làm từ “đoạn ác tu thiện”. Chúng ta vẫn không thể đoạn hết “thiện ác”, nói cách khác là vẫn chưa có cách gì siêu vượt được lục đạo. Ở trong lục đạo, chúng ta đoạn ác thì tuyệt không rơi vào ba đường ác. Tu thiện có thể được phước báo trời người, đây là quả nhỏ, trong Phật pháp nói không còn gì nhỏ hơn quả báo này nữa. Trong chú giải trích dẫn lời của Đạo gia nói, câu nói này là của Đạo gia, Cảm Ứng Thiên là của Đạo gia. Phật nói: “Chỉ ác hành thiện”, nhà Nho nói: “Ẩn ác dương thiện”. Đây là cách nói của Thánh nhân tam giáo, cách nói về vấn đề này hoàn toàn tương đồng. Từ đó cho thấy, chúng ta thấy cái ác của người thì phải biết ẩn ác, không nên nhắc đến. Không những miệng không được nói, tốt nhất không nên để ở trong tâm thì tâm của chúng ta mới được thanh tịnh. Ở trong tâm của bạn có những thứ này thì tâm của bạn sao có thể thanh tịnh được? Tâm không thanh tịnh thì không sanh trí huệ, tâm của bạn sanh phiền não. Dùng tâm phiền não để học Phật thì cho dù học như thế nào cũng không giống, dùng tâm phiền não để nghiên cứu Kinh giáo thì nghiên cứu như thế nào cũng nghiên cứu không thông, vì vậy phải đem nó đoạn sạch từ tận đáy lòng. Thấy cái thiện của người thì phải tán thán, vì sao? Khích lệ đại chúng hành thiện.
Tối hôm qua, tôi gặp được cư sĩ Chung Mao Sâm. Đây là người trẻ tuổi, mới hơn 20 tuổi, rất hiếm có. Chú là người Quảng Châu, đạt được học vị tiến sĩ ở Mỹ. Mấy năm trước khi tôi ở Mỹ, chú nghe tôi giảng Kinh. Sau khi nghe xong chú rất cảm động, đã phát chín điều nguyện lớn “phải hiếu thuận cha mẹ”. Chú viết ra đưa cho tôi xem. Hiện nay chú đã lấy được học vị tiến sĩ rồi, trở về để thăm nhà. Tối hôm qua, khi tôi giảng Kinh, tôi lại gặp được chú ấy. Chú ấy đã đưa cả nhà của chú: Ông nội, bà nội, cha, mẹ, và người cô đến thăm tôi. Ông nội của chú 80 tuổi rồi. Người thanh niên này hiếm có, thật không dễ gặp. Hôm qua chú ấy lại mang chín điều mà chú ấy viết ra, đọc cho tôi nghe. Tôi nói: “Được! Đưa cho tôi. Tôi sẽ cho đăng trên Tạp Chí Giáo Dục Phật Đà của chúng ta để dương thiện, khuyên mọi người noi theo”. Cổ nhân Trung Quốc thường nói: “Trung thần xuất thân từ cửa nhà hiếu tử”. Chú ấy hiện nay giảng dạy tại Đại học Đức Châu, thật không dễ dàng. Tại sao chú ấy có thành tựu lớn như vậy? Từ tâm hiếu này của chú. Chúng ta đã rõ rồi, tiên sinh Liễu Phàm thường xem người công danh phú quý thông qua điều gì vậy? Xem đức hạnh của họ. Đức hạnh thì thật hiếm có; tri thức, kỹ thuật không là gì cả. Đức hạnh mới hiếm có! Người có đức hạnh nhất định được chư Phật hộ niệm, nhất định được thiện thần ủng hộ. Chàng thanh niên này đáng được chúng ta tán thán, đáng được chúng ta biểu dương, là tấm gương tốt của thế hệ trẻ, là mẫu mực của thế hệ trẻ. Tối hôm nay tôi giảng Kinh, cả nhà chú ấy cũng có đến.
Bốn chữ này cả đời chúng ta thọ dụng không hết. Không những là một đời, mà đời đời kiếp kiếp, mãi cho đến Như Lai địa cũng không thể xa lìa. Chúng ta vĩnh viễn nhớ kỹ, từng giây từng phút, mọi lúc mọi nơi phải biết “đoạn ác tu thiện”.
****************
Các vị đồng học. Mời xem Cảm ứng Thiên đoạn thứ 29:
“Thôi đa thủ thiểu”. (Nhường cho người khác phần nhiều giữ cho mình phần ít)
Phía trước dạy chúng ta đoạn ác tu thiện. Đoạn ác tu thiện thực hiện như thế nào? Câu này chính là lời chỉ dạy chân thật. Người nếu không thể nhường nhau thì chắc chắn làm không được đoạn ác tu thiện, cho nên phải biết nhường. Nhường nhau là đức tính tốt. Trong sách xưa có ghi chép, Khổng Dung mới 4 tuổi đã biết khiêm nhường. Đây là thiện căn vô cùng sâu dày. Đương nhiên giáo dục về sau cũng là nhân tố mang tính quyết định.
Con người đều có thiện căn, đây là điều chúng ta không thể phủ định. Thiện căn của họ tiềm ẩn chứ không hiển bày, đời sống không có cơ hội tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền. Cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này, cho nên vô cùng xem trọng giáo dục. Không những giáo dục tuổi thơ quan trọng, trên thực tế, họ đã đem nó mở rộng đến thai giáo. Khi người mẹ mang thai, tâm trạng, cử chỉ của họ đều sẽ tạo ra ảnh hưởng đối với thai nhi. Cho nên, giáo dục của nhà Nho là bắt đầu từ thai giáo. Khi mang thai, tư tưởng của người làm mẹ phải thuần chánh, phải thanh tịnh. Nếu thật sự làm được “không phải lễ thì không nhìn, không phải lễ thì không nghe, không phải lễ thì không nói” thì người mẹ này biết suy nghĩ cho con cái, như vậy mới là quan tâm hết mực. Người hiện nay đâu biết được đạo lý này, cho nên dù có thiện căn sâu dày, nhưng nếu bị phong khí của xã hội này tiêm nhiễm thì thiện căn, phước đức của họ không thể hiện tiền, tập khí ác đều bị khơi ra. Đây mới chân thật là nguồn gốc của động loạn xã hội, là gốc rễ của hết thảy bất ổn.
Nhà Nho, nhà Đạo và nhà Phật có thể nói đều là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Ở trong xã hội, họ có đủ năng lực để cạnh tranh, nhưng từ bỏ cạnh tranh; có bản lĩnh giành được công danh phú quý, họ cũng hoàn toàn xả bỏ điều này; sống đời sống ẩn cư, đời sống thanh bần, vui với việc dấn thân vào giáo dục xã hội vĩ đại, thật sự làm được hiến dâng bản thân, tạo phước cho muôn dân. Tầm nhìn của họ xa rộng, không phải nhìn thấy một đời này, mà nhìn thấy đời đời kiếp kiếp lâu xa về sau, cho nên thành tựu của họ được người đời rất mực sùng kính. Mấy ngàn năm nay, nhắc đến các bậc cổ Thánh tiên Hiền, cho dù ở xã hội hiện tại thì vẫn có rất nhiều người tôn kính, tán thán, ngưỡng mộ, học tập theo họ.
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là nền giáo dục của Đạo gia. Văn tự tuy không nhiều nhưng nghĩa lý vô cùng phong phú, vô cùng viên mãn, từng câu từng chữ nói mãi cũng không hết.
“Thôi đa thủ thiểu” chính là thực hiện đoạn ác tu thiện. Ở trong tiểu chú, câu đầu tiên phần mở đầu đã nói rất hay, những điều được nói trong câu này rất rộng, lý và sự đều là sâu rộng vô tận. Trong đây nêu một ví dụ, anh em phân ra ở riêng, bạn bè qua lại về tiền bạc, về tài chính phải biết khiêm tốn nhường nhịn. Đây là đức tính tốt. Nếu như tranh giành, các bạn phải nên biết, có tham sân si thì phiền não liền hiện tiền. Đây là điều kiêng kỵ lớn nhất của nhà Phật. Nếu không thể ngăn chặn tam độc phiền não thì quả báo là ở tam đồ. Cho nên, trước mắt được một chút lợi nhỏ thì có đáng gì? Lợi bất cập hại. Bạn bè cùng làm ăn thì càng phải nhường nhau.
Có một số đồng tu hỏi tôi: “Bạn bè đến mượn tiền, chúng con có nên giúp họ không?”. Tôi trả lời họ: “Bạn có năng lực thì giúp đỡ họ, nhưng mà phải nhớ kỹ, cho họ mượn thì nhất định không nên nghĩ đến việc họ trả lại, như vậy thì tình bạn này càng giao thiệp càng sâu đậm”. Cho họ mượn còn muốn họ phải trả lại, còn muốn đòi nợ thì bạn tốt hóa thành thù địch, việc gì phải khổ vậy? Cho nên khi cho họ mượn, nhất định không nên nghĩ đến họ sẽ trả lại cho ta. Cho họ mượn tức là biếu tặng cho họ, tâm của bạn sẽ an biết bao, vui sướng biết bao. Tương lai nếu họ trả lại cho bạn thì rất tốt, hoan hỷ; nếu không trả thì bạn nhất định không nên nhắc lại. Cho nên, muốn giúp người thì trước tiên phải nghĩ đến năng lực của mình, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, dưỡng lòng nhân hậu của mình, phước về sau sẽ vô cùng. Bạn có thể thường xuyên làm như vậy thì ở trong xã hội, bạn đã xây dựng được niềm tin nơi công chúng, khi bạn làm việc thì sẽ được rất nhiều người đến ủng hộ, rất nhiều người sẽ giúp đỡ bạn. Bạn vui vẻ giúp đỡ người khác là gieo nhân, người khác giúp đỡ bạn là quả báo. Gieo nhân thiện, được quả thiện, phải biết đạo lý này. Cho nên, chúng ta phải biết nhường nhau.
Chúng ta sống ở thế gian, trên thực tế nhu cầu đời sống của bản thân vô cùng hữu hạn. Đại đức xưa thường nói, sống ở thế gian cũng chẳng qua là “ngày ăn ba bữa, đêm ngủ sáu thước”, vậy là bạn có thể sống một đời rất yên ổn, rất thoải mái rồi, vậy tại sao lại không chịu nhường nhau? Nhân tố quan trọng nhất của khỏe mạnh trường thọ là tâm địa chân thành, thanh tịnh, từ bi, đây là nguyên nhân đích thực của khỏe mạnh trường thọ, không phải ở chỗ ăn ngon, không phải tẩm bổ mỗi ngày. Quí vị hãy quan sát thật kỹ, trong lịch đại đế vương khanh tướng, họ là những người đại phú đại quý, điều kiện sống của họ đầy đủ sung túc, họ chú trọng đối với ăn uống sinh hoạt thì người bình thường ở thế gian không thể so bì, nhưng chúng ta thử xem trong lịch sử, có mấy người được trường thọ? Đại đa số là mới 30, 40, 50 tuổi thì đã chết rồi, người sống đến 70, 80 vô cùng hiếm hoi. Ngược lại không bằng những lão nông dân nhân gian. Người ở nông thôn sống đến 80, 90, hơn 100 tuổi, chúng ta thường xuyên nghe nói. Bạn hãy thử xem, họ sinh hoạt ăn uống cơm nước đều đạm bạc, nhưng tại sao họ sống khỏe mạnh trường thọ như vậy? Có thể thấy khỏe mạnh trường thọ không phải do tẩm bổ mà có được, không phải dùng phương tiện chữa trị mà có thể có được. Tại sao lão nông có thể khỏe mạnh trường thọ? Tâm họ thanh tịnh, họ thành thật, họ từ bi. Biết được đạo lý này, đời sống sinh hoạt tất cả tùy duyên là tốt, vả lại ăn uống sinh hoạt càng ít càng tốt, giữ tâm thanh tịnh, tiết chế dục vọng thì tự nhiên sẽ khỏe mạnh trường thọ. Ông trích dẫn một đoạn trong Kinh Di Giáo: “Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa” (Người nhiều dục vọng, do mong cầu nhiều nên khổ não cũng nhiều). Câu nói này của Phật, chúng ta nghe không khó hiểu. Người dục vọng nhiều, tâm tham nặng, cái chưa đạt được thì muốn đạt được, cái đã đạt được lại sợ mất đi, gánh nặng trong tâm quá nặng, phiền não quá nhiều, lo được lo mất. Tại sao họ đoản mạng vậy? Nguyên nhân là ở chỗ này.
Ngạn ngữ có câu: “Lo có thể khiến người già đi”. Lời này là lời kinh nghiệm của cổ nhân. Một người lo buồn, lo nghĩ quá nhiều thì dễ bị già yếu, nhiều bệnh, tuổi thọ tự nhiên sẽ ngắn. Từ những chân tướng sự thật này, những đạo lý này mà quán sát, chúng ta liền biết được, Nho gia, Đạo gia, nhà Phật, những người thật sự thông minh biết cách dưỡng sinh, hết sức buông sạch những ưu não nên thân tâm tự tại. Giáo hóa chúng sanh là sự nghiệp của họ. Tuy cần mẫn nỗ lực làm sự nghiệp này, nhưng quyết không có mong cầu. Tại sao vậy? Có cầu liền có phiền não, vô cầu thì vô phiền não, cầu nhiều phiền não nhiều; dạy bảo học trò, dạy bảo đệ tử, đối với học trò, đối với đệ tử quyết không có hy vọng. Tại sao vậy? Có hy vọng thì sẽ có thất vọng. Bạn có thể có thành tựu là thiện căn, phước đức, nhân duyên của bạn tốt, chúng tôi nhìn thấy thì hoan hỷ. Bạn không thể y giáo phụng hành, không thể tiếp nhận lời chỉ dạy, vẫn tạo tác tội nghiệp, họ nhìn thấy chỉ gật đầu, “tập khí phiền não quá nặng!”. Cho nên ở trong tâm họ không lưu lại dấu vết, đây mới thật sự là hiểu được đạo dưỡng sinh.
Chúng ta vì xã hội, vì nhân dân, vì chúng sanh mà làm một chút việc tốt, có duyên thì đi làm. Chúng sanh có phước, ta cần nên làm, làm nhiều một chút. Nếu không có duyên phận này, chúng sanh vô phước thì ta trở về thanh nhàn tự tại, nhất định không được phan duyên rằng “ta nhất định phải làm như vậy”, thế là bạn liền có ưu não, bạn đã có dục vọng rồi. Chư Phật Bồ-tát ở trong mười pháp giới, chúng ta đọc thấy ở trong Kinh, là tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp. Có phải họ tự mình muốn đến nơi này để giáo hóa chúng sanh hay không? Không phải. Nếu họ muốn đến thì họ là phàm phu, không phải Thánh nhân. Họ đến như thế nào vậy? Chúng sanh có cảm, các Ngài là ứng mà đến (chúng ta ngày nay nói là nhận lời mời, lời thỉnh cầu). Ứng này là bị động, không phải chủ động. Chúng sanh chúng ta có cảm, có mong cầu thì họ liền đến ngay. Nếu chúng sanh không có cái ý nghĩ này thì họ sẽ không đến. Họ đến làm gì, đến chẳng phải là tìm phiền phức sao? Cho nên chư Phật Bồ-tát, ngay cả Đạo gia, Nho gia dạy học, vì xã hội phục vụ, vì nhân dân phục vụ, vì chúng sanh phục vụ, toàn là bị động, nhất định không có chủ động, “tôi phải như thế này, như thế nọ; tôi vẫn muốn tạo ra một cơ hội như thế này, như thế kia”, đâu có nhiều việc như vậy! Cách làm này, cách nghĩ này đã đi ngược lại quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên chính là tánh đức của tự tánh. Nho, Thích, Đạo tâm địa đều là thanh tịnh vô vi, không làm mà chẳng có việc nào không làm, đó là cảm ứng.
Tôi đến Hồng Kông để giảng Kinh là vì mọi người, không phải tôi muốn đến, mà là các bạn muốn nghe Kinh nên mời tôi đến. Các bạn đã muốn nghe Kinh, mà tôi không đến là có lỗi với các bạn. Các bạn không tìm tôi, tôi tuyệt đối sẽ không đến. Năm xưa, có một bà chủ họ Lôi, mỗi năm đều mời tôi đến đây để giảng kinh một tháng. Sau khi bà qua đời, không có người mời tôi nữa. Cho nên, đã rất nhiều năm tôi không đến Hồng Kông rồi. Đến khi Hồng Kông được trao trả, tôi đến xem thử. Trước đây đã ở đây giảng qua mười năm, cũng có một chút tình cảm như vậy. Cho nên Hồng Kông được trao trả, tôi đến bên này tham quan một chút, lại gặp được một số đồng tu cũ, thính chúng cũ trước đây đến nói với tôi: “Pháp sư! Thầy đã bảy năm không đến rồi”. Tôi nói: “Đâu có lâu như vậy?”. Tính thử, quả nhiên là bảy năm. Tôi nói: “Không phải tôi không đến, mà vì các bạn không tìm tôi”. Bạn không tìm tôi thì tôi làm sao có thể đến được? Thế là có mấy vị đồng tu lại đến tìm tôi. Bạn đến tìm tôi là “cảm”, tôi đến là “ứng”. Chúng ta học tập theo Thích-ca Mâu-ni Phật, vĩnh viễn là bị động, vĩnh viễn không phải chủ động. Người chủ động có phiền não, chủ động thì tâm không thanh tịnh, cho nên phải hoàn toàn là bị động. Phật dạy chúng ta tùy duyên chứ không phan duyên. Tùy duyên là bị động, phan duyên là chủ động. Cho nên, câu nói này ý nghĩa rất sâu xa.
Phật lại nói: “Thiểu dục chi nhân, vô cầu vô dục, tắc vô thử hoạn” (Người ít tham dục, không mong cầu, không tham muốn, ắt không có những mối lo [được mất]). Đây là Phật dạy chúng ta. Chúng ta phải làm thế nào trong một đời này sống thật tự tại, sống thật hạnh phúc. Có câu rất hay rằng: “Lý đắc tâm an”. Hiểu rõ đạo lý rồi, tâm liền an ngay. Sau khi hiểu rõ đạo lý, dục vọng sẽ không còn nữa; chung sống với tất cả chúng sanh, họ cần gì, chúng ta cố hết sức cho họ; họ cần danh thì cho họ danh, họ cần lợi thì cho họ lợi, họ cần tài thì cho họ tài; kết duyên hoan hỷ với chúng sanh. Những cái mà chúng ta cần, họ không cần. Những cái mà họ cần, chúng ta không cần. Cái họ cần là danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, những thứ này chúng ta không cần. Cái chúng ta cần là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì họ lại không cần. Cho nên chúng ta chung sống với mọi người không có xung đột.
Tại sao người thế gian chung sống không tốt vậy? Xung đột lợi hại, đôi bên cạnh tranh lẫn nhau, cho nên không thể chung sống. Chúng ta có thể chung sống tốt với tất cả chúng sanh. Hiện nay các bạn nhìn thấy, tôi chung sống với rất nhiều chủng tộc khác nhau vô cùng tốt, chung sống với tôn giáo khác nhau cũng vô cùng tốt. Nguyên nhân là gì vậy? Các bạn cần gì thì thảy đều cho bạn, cái mà bạn không cần thì tôi cần. Cho nên quyết không có xung đột lợi hại, chúng ta mới có thể chung sống tốt như vậy.
Tôi giúp đỡ mọi người, đó là tôi tiếp nhận lời chỉ dạy của Phật Bồ-tát, cổ Thánh tiên Hiền, nên đời này đã có được lợi ích chân thật. Tôi cống hiến cho mọi người, chia sẻ với mọi người phần lợi ích này. Nếu như bạn giác ngộ, bạn nhất định cũng có thể “thôi đa thủ thiểu”. Nhu cầu đời sống của chúng ta vô cùng có hạn, rất dễ dàng đáp ứng đầy đủ. Khi tôi đi cầu học, vào lúc đó tôi khoảng hơn 30 tuổi (32-33 tuổi), theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lão sư Lý mỗi ngày ăn một bữa vào buổi trưa. Tôi học Phật năm 26 tuổi, kể từ 6 tháng cuối năm đó, tôi nhịn ăn buổi tối, nhà Phật nói là “trì ngọ”. Tôi sống như vậy rất nhiều năm. Khi đến Đài Trung học với lão sư Lý, thấy thầy ăn một bữa, tôi liền nghĩ, việc này đối với tôi mà nói là không khó. Tôi cũng nhịn luôn bữa ăn sáng, tôi cũng một ngày ăn một bữa. Đến tháng thứ tám, tôi mới nói cho thầy biết. Thầy hỏi tôi: “Chú cảm thấy thể lực như thế nào?”. Tôi nói: “Thể lực con rất bình thường, không có tình trạng gì không thoải mái”. Thầy vỗ tay xuống bàn, bảo với tôi: “Cứ giữ mãi như vậy đi. Cả đời không cầu người, đời sống dễ dàng mà. Dục nhiều thì phải cầu người, dục ít thì không cầu người”. Cổ nhân nói rất hay: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”. Cho nên vào lúc đó, mỗi ngày tôi ăn một bữa, ăn được 5 năm. Sau này đến Đài Bắc để giảng Kinh, cư sĩ Hàn Anh mời tôi về sống ở nhà bà. Bà nhìn thấy tôi mỗi ngày ăn một bữa, bà nói: “Pháp sư! Không được, như vậy tương lai sức khỏe thầy nếu như có vấn đề gì thì cả nhà chúng tôi không gánh vác nổi. Nếu như thầy đồng ý ở Đài Bắc hoằng pháp thì thầy nhất định phải ăn ba bữa”. Chúng tôi suy nghĩ, hoằng pháp là quan trọng, tùy duyên vậy, tôi bèn chia một bữa ra làm ba bữa. Trước đây tôi còn trẻ, mỗi bữa cơm, tôi ăn ba chén cơm thông thường, nhưng khi ăn ba bữa thì mỗi bữa ăn là một chén cơm. Tôi chung sống với bà 30 năm, nhờ bà chăm sóc. Hiện nay bà vãng sanh rồi, không còn hạn chế tôi nữa. Cho nên, tôi cần phải khôi phục lại ngày ăn một bữa, bớt việc, bớt đi rất nhiều phiền phức. Nhu cầu đời sống càng ít thì cái mà chúng ta cống hiến cho người khác sẽ càng nhiều. Đây là việc tốt, chắc chắn có lợi đối với mình, cũng có lợi ích đối với người khác, tự lợi lợi tha.
Chúng ta nhất định phải biết khiêm nhường. Trước đây tôi đã nói với mọi người, giao thiệp giữa người với người phải biết lễ nhượng, nhẫn nhượng. Người ở địa vị lãnh đạo phải biết khiêm nhượng, khiêm tốn, mọi thứ nhường cho người. Chúng ta giao thiệp với tất cả chúng sanh không có sự xung đột lợi hại, trong đây sẽ không có bất kỳ mâu thuẫn nào, sẽ không có bất kỳ sự hiểu lầm nào thì có thể thật sự làm được tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, đối với sự an định xã hội, thế giới hòa bình, hạnh phúc của tất cả chúng sanh tự nhiên có thể thành tựu viên mãn.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!