Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Ở trong Kinh điển, Phật khuyến khích chúng ta phải “ ra sức thực hành nhân ái, rộng tu điều thiện, tiêu trừ tam chướng phiền não, làm thanh tịnh sáu căn, niệm Phật trì trai, tham thiền học đạo, vượt thoát tam giới xa lìa tứ sanh “. Mấy câu này có thể nói là Phật đã đem mười phương ba đời tất cả chư Phật, tổng cương lĩnh giáo hóa chúng sanh đều nói ra hết. Tiếp theo, Phật lại dạy bảo chúng ta “đừng buông lung theo tham, sân, si, mà hành giết, trộm, dâm”. Chữ “đừng buông lung” này rất là khẳng định, rất là khẩn thiết, nhất định không thể tạo. Tham sân si là ba độc phiền não. Phật Bồ-tát cùng phàm phu khác biệt chính ngay chỗ này. Chư Phật Bồ-tát đã đoạn tham sân si, chắc chắn không có hành vi sát đạo dâm, không chỉ không có hành vi này, mà ý niệm cũng không có, đây chính là Thánh nhân. Phàm phu, ý niệm tham sân si, sát đạo dâm trước giờ chưa từng đoạn, chỉ là không có ngoại duyên nên nó không khởi hiện hành, vừa gặp được ngoại duyên thì nó lập tức hiện hành. Đây là nguyên nhân phàm phu tu hành không thể chứng quả, không thể khai ngộ.
Đồng tu học Phật chúng ta có không ít người thường hay hỏi tôi là làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới của Phật Bồ-tát. Khế nhập là chứng đắc. Làm thế nào mới có thể khế nhập? Cần phải khai giải, giải mới có thể khế nhập. Giải cùng hành là một sự việc, giải ở trong hành, hành ở trong giải, liền khế nhập được. Nếu như chúng ta chỉ đơn thuần chiếu theo lời Phật nói những nghi qui này mà làm thì không thể thâm giải nghĩa thú, vẫn là không thể khế nhập cảnh giới. Việc này nhất định phải hiểu. Đại Sư Thanh Lương đã nói rất hay trong huyền nghĩa của Hoa Nghiêm Sớ Sao: “Có giải không hành thì tăng trưởng tà kiến. Có hành không giải thì tăng trưởng vô minh”, đều không thể thành tựu. Cho nên, người chân thật biết dụng công, người công phu đắc lực nhất định là giải hành đều xem trọng, định huệ đều học. Huệ là giải, định là hành. Hai câu ở chỗ này, “đừng buông lung theo tham, sân, si” là thuộc về giải môn, “ đừng tạo sát đạo dâm “ là thuộc về hành môn. Có hành không giải, cái hành đó là miễn cưỡng, không thể nào đạt đến cảnh giới của pháp nhĩ như thị (pháp là như vậy). Có giải không hành, cái giải đó chắc chắn không thấu triệt, luôn không tránh khỏi sanh ra thiên kiến, lậu chấp lậu là nông cạn, cho nên hai câu nói này quan trọng. Chúng ta xem thấy xã hội hiện tại, không nên nhìn các nơi khác, mà hãy chuyên xem cửa Phật chúng ta, xem đạo tràng của chính chúng ta, vây quanh bốn bề những đồng tham đạo hữu, có mấy người có thể diệt tham sân si, có mấy người có thể không tạo sát đạo dâm? Chỉ là trên trình độ có khác biệt mà thôi. Những tập khí ý niệm sai lầm này của chúng ta vẫn chưa chân thật buông xả, thì đối với giải hành của chúng ta chắc chắn sanh ra chướng ngại.
Trong Kinh Phật nói với chúng ta, căn tánh tất cả chúng sanh có lợi căn, có độn căn, thường gọi là ba căn “thượng trung hạ”. Ba căn từ chỗ nào mà có? Chúng ta thuộc về loại căn tánh nào? Thành thật mà nói, ba căn không phải là nhất định, Phật không có định pháp có thể nói. Bạn chịu buông xả thì bạn thuộc về thượng căn; bạn có thể buông xả một phần, còn có một phần không thể buông xả thì bạn thuộc về trung căn; bạn hoàn toàn không thể buông xả thì bạn thuộc về hạ căn, làm gì có nhất định? Hoàn toàn là ở chính mình. Thân tâm thế giới, thế xuất thế pháp thảy đều buông xả, thì bạn chính là thượng thượng căn. Do đây có thể biết, căn tánh cùng với việc đọc tụng nghe pháp có quan hệ rất mật thiết. Kinh Đại Thừa đọc được nhiều, nghe được nhiều, dễ dàng giác ngộ, hay nói cách khác, nâng chúng ta từ hạ căn đến trung căn, từ trung căn nâng lên đến thượng căn.
Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, đọc tụng thì phải hiểu được “tùng văn nhập quán”. Tùy theo văn tự của Kinh điển, tùy theo tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói, chính mình bất tri bất giác liền vào được cảnh giới, đây là nhập quán. Dùng lời hiện tại mà nói, vô hình trung đã chuyển đổi cách nhìn cách nghĩ của chính mình, đây chính là tùy văn nhập quán. Đọc lâu rồi, đọc nhiều rồi, nghe nhiều rồi, đây chính là nói sức mạnh của huân tu. Huân tu, sức mạnh rõ ràng nhất là “vì người diễn nói”, sức mạnh này rất lớn, hiệu quả rất là thù thắng. Vì người khác giảng qua một lần, so với chính mình đọc mười lần, ấn tượng đều sâu sắc hơn. Cho nên, trong bốn vô ngại biện tài của chư Phật Bồ-tát có “nhạo thuyết vô ngại biện tài”, hoan hỉ giảng. Chư Phật Bồ-tát đều làm ra tấm gương tốt để cho chúng ta tu học. Chúng ta phải học đến hoan hỉ giảng thì mới có thể có tiến bộ. Chúng ta hoan hỉ hỏi. Người khác không hỏi chúng ta, chúng ta hỏi ngược lại họ, thì đối với trí huệ của chính mình, kiến giải của chính mình đều sẽ thêm lớn. Trí huệ chân thật tăng thêm một phần, thì bạn đối với thế duyên, bao gồm Phật duyên, bạn tự nhiên sẽ buông xả một phần. Xin nói với các vị, thế duyên không nên dính nhiễm, Phật duyên cũng không nên dính nhiễm, cho nên các vị cũng đã từng nghe qua Thiền tông đã nói “niệm Phật một câu, súc miệng ba ngày cũng không sạch”. Đó là biểu pháp cho chúng ta xem, nói với chúng ta, Phật pháp cao cấp là cả thế pháp và Phật pháp đều không dính nhiễm. Vậy thì thế pháp và Phật pháp có nên lìa khỏi hay không? Không cần thiết. Vì sao vậy? Vì không có chướng ngại. Bạn lìa khỏi cũng sai, chấp trước cũng sai. Lìa khỏi thì thế nào? Bạn đã khởi tâm động niệm rồi. Chắc chắn phải không khởi tâm không động niệm, tất cả pháp vốn là như vậy. Chúng ta nói buông xả, buông xả là hai bên đều buông xả; bên có phải buông xả, bên không cũng phải buông xả; chấp trước phải buông xả, không chấp trước cũng phải buông xả; phân biệt phải buông xả, không phân biệt vẫn phải buông xả, đó gọi là thật buông xả. Buông xả chấp trước, tất cả đều không chấp trước. Nếu bạn chấp trước vào cái “tất cả đều không chấp trước” thì bạn vẫn là chưa buông xả, có câu là “buông bỏ hai bên, trung đạo không còn”, bạn mới có thể vào được cảnh giới của Phật.
Thiện Tài tham phỏng Ngài Đức Vân, bảy ngày chưa thấy được Ngài. Đại Sư Thanh Lương ở trong chú giải nói với chúng ta bảy ngày chưa thấy được, bảy là biểu thị bảy giác chi, bảy giác chi chưa quên, cho nên bạn không thể thấy được, bảy giác chi buông xả rồi thì mới có thể gặp được. Cách nói của Ngài Thanh Lương không thể nói là không có đạo lý. Chúng ta đổi cách nói khác cũng được, bởi vì Kinh Phật không có nói bảy ngày này nhất định đại biểu cho cái gì, nó là linh hoạt. Tôi cảm thấy con số bảy này ở trong Phật pháp đại biểu cho viên mãn, con số bảy này là nói bốn hướng, cùng với ở trên ở dưới và ở giữa, biểu thị ý này. Tôi cảm thấy chúng ta không dùng cách nói của Ngài Thanh Lương, mà dùng ý nghĩa của bảy này là viên mãn. Thảy đều buông xả, đó chính là ý nghĩa của bảy. Buông xả viên mãn thì bạn mới có thể thấy được. Bởi vì Tỳ-kheo Đức Vân là đại biểu cho địa vị Sơ Trụ, thảy đều buông xả, bạn mới có thể vào Sơ Trụ. Còn có một việc không thể buông xả, cái sau cùng là buông xả cái gì? Là Phật pháp. Phân biệt Phật pháp, chấp trước Phật pháp thì bạn không thể thấy được.
Bồ-tát Mã Minh viết Đại Thừa Khởi Tín Luận, các vị phải nên biết, Đại Thừa Khởi Tín là cảnh giới gì? Chính là cảnh giới của Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát. Thiện Tài bảy ngày không gặp được, sau bảy ngày thì mới gặp được, chính là ở trong Khởi Tín Luận, Bồ-tát Mã Minh nói với chúng ta, tuy là Ngài nói một sự việc, thế nhưng đây là một thí dụ, chúng ta có thể suy một ra ba. Ngài nói, chúng ta thính giáo thì phải lìa tướng ngôn thuyết, phải lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, cái “lìa” này chẳng phải là buông xả hay sao? Nghe Kinh có thể lìa ba cái tướng này, đọc Kinh có thể lìa tướng văn tự, mở quyển Kinh ra không phải không cần văn tự, vẫn là hai mắt nhìn vào văn tự, trong đây có rất nhiều danh từ pháp tướng. Lìa và đến là đồng thời, đây là thật lìa. Không phải cái này không cần thì bỏ đi, vậy thì bạn chưa có lìa, bạn lìa cái có thì dính vào cái không. Lìa tướng ngôn thuyết mà nghe, không phải không nghe Kinh, vẫn nghe được rõ ràng tường tận. Cái lìa đó là không chấp trước, không phân biệt. Ta nghe, nhưng không phân biệt, không chấp trước, ngay nơi tướng mà lìa tướng. Ta xem, nhưng không phân biệt, không chấp trước, đó gọi là diệu quan sát. Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng, phiền phức ở chỗ nào vậy? Chính là có phân biệt, có chấp trước. Khởi vọng tưởng là hỏng rồi, lỗi lầm chính ngay chỗ này. Như vậy thảy đều buông xả thì “thanh tịnh – bình đẳng – giác” hiện tiền rồi. “Thanh tịnh – bình đẳng – giác” chính là Phật thật.
Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát là Phật thật, không phải Phật giả, là phần chứng tức Phật. Do đây có thể biết, Thiện Tài tham phỏng Tỳ-kheo Đức Vân, bảy của bảy ngày chính là đại biểu vọng tưởng vô minh. Sau bảy ngày, ý nghĩa chính là phá một phẩm vô minh. Phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, vào địa vị Viên Sơ Trụ. Cách nói này của chúng tôi dễ hiểu hơn so với chú giải của Ngài Thanh Lương, ý nghĩa cũng rất viên mãn. Cho nên, những gì của người xưa, chúng ta có thể tham khảo, không nên chấp trước nhất định phải tuân theo, vậy thì bạn chính mình không thể khai ngộ. Tuy nhiên khi chúng ta mới học thì nhất định phải tuân theo. Không tuân theo thì sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ nghĩ tưởng xằng bậy, chính mình chưa khai ngộ, ý nghĩa của Kinh đó tùy theo chúng ta giảng, chúng ta giảng không viên mãn, người ta nêu ra vài vấn đề thì chúng ta không thể trả lời, vậy làm sao được? Chính mình chân thật có chỗ ngộ rồi thì phải đem chú giải của người xưa buông xả. Buông xả chú giải của người xưa thì mới có thể nhập vào Kinh giáo. Tiếp theo là buông xả Kinh giáo, bạn mới có thể kiến tánh. Cho nên, Phật ám thị cho chúng ta rất hay, Phật không có pháp có thể nói, không những không có định pháp, mà Phật không có pháp có thể nói, chính là dạy chúng ta không nên chấp trước vào tất cả pháp mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói. Bạn chấp trước Ngài nói ra tất cả pháp, vậy thì bạn chính là bảy ngày không thấy được Tỳ-kheo Đức Vân. Pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật thảy đều xả hết thì pháp của tự tánh hiện tiền, bạn liền kiến tánh, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Thế nhưng, mọi người nghe tôi nói lời này, nhất định không nên hiểu lầm. Hiện tại bạn nhất định phải y theo Phật pháp, không chỉ phải y theo Phật pháp, nhất định phải y theo chú giải của Tổ sư Đại đức xưa nay. Tại vì sao? Hiện tại chúng ta là phàm phu, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, chúng ta làm sao sánh được với Thiện Tài? Thiện Tài tham phỏng Đức Vân, các vị phải ghi nhớ, kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não đoạn rồi, cũng chính là nói phân biệt chấp trước đều đoạn rồi, chỉ là vọng tưởng chưa đoạn, cho nên bảy ngày chưa gặp được. Đoạn một phẩm vọng tưởng, tự tánh hiện tiền rồi, nhập vào pháp giới. Sau khi vào pháp giới thì tu pháp môn niệm Phật.
Từ trên hiện tướng mà nói, Tỳ-kheo Đức Vân thị hiện ở Biệt Phong, Ngài ở trên núi, núi là đại biểu sự cao vút, biểu thị ý nghĩa siêu xuất. Ngài ở một ngọn núi khác, ở nơi đó kinh hành. Một ngọn núi khác là biểu thị ý gì? Biểu thị pháp môn đặc biệt. Pháp môn niệm Phật là pháp môn đặc biệt, người xưa nói “môn dư đại đạo” (đạo lớn nằm ngoài tất cả các pháp môn), ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn, đây là pháp môn đặc biệt. Ngài ở trên núi kinh hành niệm Phật, chính là chúng ta hiện tại gọi là “Bát Chu Tam Muội”, chuyên niệm A Di Đà Phật. Trên Kinh Phật có vô số thị hiện, đều có ý nghĩa rất sâu. Nếu như chúng ta chấp trước vào văn tự, chấp trước vào ngôn thuyết thì bạn không thể hội được ý nghĩa này, cho nên ngay nơi tướng mà lìa tướng, đến đi đồng thời, đến đi không hai, bạn mới có thể có chỗ vào. Hiện tại, đồng tu chúng ta học Kinh giáo nhất định phải biết những đạo lý này, phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập. Không chỉ ở trên Kinh giáo bạn phải biết tùy văn nhập quán, ở ngay trong cuộc sống phải đem cái học được trong Kinh giáo mà tùy việc nhập quán, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, sự sự vật vật, bạn đều có thể dùng trí huệ quán sát. Dùng trí huệ quán sát những hiện tướng này là gì? Tóm lại mà nói, những hiện tướng này chính là “tất cả pháp hữu vi, như mộng ảo bọt bóng”. Phải ở trong đời sống hiện thực mà quán sát, không phải khởi vọng tưởng, không phải ở nơi đó nghĩ tưởng đây là mộng ảo bọt bóng. Quán là không dùng tâm ý thức, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, chính là như vậy mà quán sát, thời thời khắc khắc đều có thể đề khởi được.
Dùng nguyên tắc c bốn câu kệ trong Kinh Kim Cang mà đối chiếu khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, sau đó bạn có được tổng kết luận là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tâm của bạn tự nhiên thanh tịnh, tự nhiên liền buông xả, sẽ không còn nhiễm trước, trí huệ của bạn liền khai. Nếu bạn cho rằng những sự vật này đều là thật, đều là thực sự có thì bạn sai rồi, không những bạn không khai được trí huệ, bạn chắc chắn vẫn là tạo sát đạo dâm, vẫn là khởi tham sân si, vẫn phải tạo những ác nghiệp này. Tạo ác nghiệp thì chắc chắn phải chịu ác báo. Sáu cõi luân hồi là chính mình tạo, ba đường ác cũng là chính mình biến hiện ra. Lìa khỏi tâm thức của chính mình chắc chắn không có một pháp có thể có được. Không lìa tâm thức của chính mình, tuy là hiện tất cả pháp, tất cả pháp này cũng không thể có được, thế pháp không thể có được, Phật pháp cũng không thể có được. Trong Kinh Đại Bát Nhã đã nói ba chữ “bất khả đắc” mấy ngàn lần. Chúng ta phải ở ngay trong cuộc sống, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần mà quán xét, mà chứng thực, đó gọi là chứng quả, gọi là chứng đạo.
***************
Các vị đồng học. Tiếp theo chúng ta xem câu thứ 39 và 40 của Cảm Ứng Thiên:
“Nhẫn tác tàn hại. Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân”. (Nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại, ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ)
Câu thứ ba mươi chín của Cảm Ứng Thiên: “Nhẫn tác tàn hại”. Tiết thứ bốn mươi có hai câu: “khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự, lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học, dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc, ương bướng bất nhân, sử dụng những thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn” là một đoạn lớn. Trong đoạn lớn này gần như mỗi một câu chính là một đoạn nhỏ, đều là nói về việc đại ác, đã nêu ra mấy thí dụ. Câu này trong chú giải nói “Câu này chuyên nói về sanh mạng của muôn vật”. Việc sát sanh hại mạng, hiện tại người thế gian gần như đã không còn nhận được sự giáo huấn của Thánh Hiền, đối với nhân quả ba đời gần như hoàn toàn không thể tiếp nhận, thêm vào đó là phong khí xã hội ngày nay tôn sùng công lợi, chỉ cầu lợi ích cá nhân, không màng sống chết của chúng sanh, còn đối với những động vật thì càng không cần phải nói, có thể nói là tùy ý giết hại ăn nuốt. Đời này thời gian rất ngắn ngủi, thế nhưng ở ngay trong cuộc đời ngắn ngủi này, những ác nghiệp đã tạo, những oán cừu đã kết với chúng sanh kết, nhiều đời nhiều kiếp đều không thể trả hết. Đạo lý cùng chân tướng sự thật này, trong Kinh Phật nói được thấu triệt, trong Cảm Ứng Thiên cũng nói rất tường tận. Những hành vi này, thực tế mà nói đều xuất phát từ tâm tàn nhẫn, không hề có chút lòng trắc ẩn, đến khi chính mình gặp phải tai nạn cũng sẽ không có người khác thương xót bạn. Vì sao vậy? Nghiệp nhân quả báo không mảy may sai chạy. Trong chú giải nói rất hay: “Các điều thiện vốn xuất phát từ lòng nhân”, một niệm từ bi là cội gốc của chúng thiện; “các điều ác vốn do lòng tàn nhẫn”, tàn nhẫn, cho nên họ dám làm tất cả ác mà không hề kiêng dè. “Trừ bỏ lòng tàn nhẫn, thuận theo lòng từ” thì công đức của Phật Bồ-tát, Thánh Hiền ở ngay đó. Chúng ta học Phật, mong được làm Thánh, làm Hiền thì phải bắt đầu làm từ ngay chỗ này.
Như thế nào gọi là từ bi? Như thế nào gọi là tàn nhẫn? Thô tướng thì rõ ràng dễ thấy, tướng vi tế thì không dễ gì thấy được rõ ràng. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất hay, thiện có thật có giả, có tròn có méo. Ngài đã nói rất nhiều, có thể thấy được giống những chỗ vi tế này. Nếu bạn không có trí huệ, không có học vấn thì bạn không thể nhìn ra được. Ở xã hội hiện tiền, việc như đúng mà sai thì quá nhiều, không thể nêu ra hết. Nếu chúng ta tin tưởng vào tầm nhìn của chính mình, tin tưởng cách nhìn của chính mình, tin tưởng cách nghĩ của chính mình thì luôn luôn dẫn đến lỗi lầm lớn, không thể cứu vãn. Chúng ta xem thấy những nhân vật trong lịch sử, họ giết hại ngàn vạn người, ức vạn người, nếu bạn truy tìm nguyên nhân căn bản của họ, chính là họ tin tưởng vào cách nghĩ của chính họ, tin tưởng vào cái thấy của chính họ. Đại chiến thế giới lần thứ nhất, đại chiến thế giới lần thứ hai chính là họ tin tưởng vào cách nhìn cách nghĩ của chính mình, làm cho vô số con người nhận lấy tai họa, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Ngày nay chúng ta không có quyền lực như họ, không có địa vị uy thế giống như họ, thế nhưng ở ngay trong cuộc sống thường ngày, không biết cẩn thận, không biết cầu trí huệ, tùy theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình thì cũng tạo tội nghiệp giống như vậy. Ảnh hưởng của tội nghiệp, chúng ta làm gì biết được? Vì vậy, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm không thể không cẩn trọng.
Ngày trước, người đi học lấy Khổng Phu Tử, lấy Mạnh Phu Tử làm tấm gương, người học Phật thì lấy Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật, lấy mười đệ tử lớn của Phật làm tấm gương cho chúng ta tu hành. Chúng ta có một nơi nương tựa, có chỗ quy về, vậy phải thật học mới được. Học Phật mà chỉ ở trên miệng, chỉ học Phật trên hình thức, không phải chân thật, dùng khuôn mẫu của Phật Bồ-tát để đắp nặn chính mình thì ngay trong một đời này thật không dễ gì thành tựu, nhiều nhất là kết cái duyên với Phật mà thôi, giống như chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp kết duyên với Phật mà không thể có thành tựu. Vậy chúng ta nghĩ xem những người thành tựu, người thành tựu có hai loại. Một loại là Bồ-tát thị hiện, vì tất cả chúng sanh giảng Kinh nói pháp, chúng ta cũng rất quy ngưỡng, nhưng rất khó làm được. Ngoài ra còn có một loại đích thực là chúng sanh đương cơ, sự thành tựu của những người đó luôn không ngoài trầm lặng ít nói, thành thật tu hành. Các vị nếu tỉ mỉ quán sát Niệm Phật Đường của chúng ta, bạn xem người niệm Phật vãng sanh, vãng sanh là thành tựu, thoại tướng hi hữu, sau đó xem lại lúc họ còn sống, nhất là biểu hiện của họ một – hai năm trước khi họ vãng sanh thì chúng ta có thể quán sát ra. Phàm hễ là người tu hành có thành tựu là người ít lo, ít phiền. Chân thật là việc nhiều không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì, tâm của họ mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là niệm Phật Tam-muội, cho nên công phu của họ đắc lực. Vọng tưởng rất nhiều, tạp niệm rất nhiều, lời thừa rất nhiều thì bạn ở trong cửa Phật, bất luận tại gia hay xuất gia cũng chỉ là tu phước mà thôi. Giảng Kinh nói pháp, nếu như vọng niệm vẫn nhiều, vọng tưởng vẫn nhiều, ngoại duyên vẫn nhiều, cũng là phước báo hữu lậu thế gian, không phải công đức. Các vị nhất định phải làm cho rõ ràng. Công đức là tâm thanh tịnh. Vọng tưởng của bạn năm nay ít hơn năm trước, tháng sau giảm ít hơn tháng trước, ngoại duyên cũng ít, đây là hình dáng của công đức. Chúng ta là phàm phu, là sơ học, không phải Bồ-tát ứng thế. Bồ-tát ứng thế thì không sao, tâm địa các Ngài thanh tịnh bình đẳng, không thiên lệch vào bên nào, vậy thì được. Công phu của chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này. Nếu muốn ở ngay đời này thành tựu, nhất định phải dựa vào trí tuệ chọn lựa của chính mình.
Trong Thất Giác Chi, cái thứ nhất là “trạch pháp”. Chọn lựa pháp môn tu học có lợi đối với chính mình, chọn lựa hoàn cảnh đời sống có lợi đối với tu học của chính mình, ngăn ngừa sự dụ hoặc, ngăn ngừa sự nhiễu loạn, hy vọng ngay trong đời này không đến nỗi luống qua vô ích, đó là người có trí huệ chân thật, là người chân thật có thành tựu. Chính mình phải có tâm nguyện này, nhất định phải cầu Phật Bồ-tát gia trì. Không có Phật lực gia trì, phàm phu chúng ta không làm được.
Ngày trước, vào thời kỳ tôi còn đang cầu học, lúc vừa mới ra hoằng pháp, khó khăn trùng trùng. Cả đời tôi đều bị dày vò, thế nhưng tôi bằng lòng nhận chịu. Lão sư nói với tôi, đời này đều là Phật Bồ-tát an bài cho chúng ta, cho nên bất luận hoàn cảnh thế nào, tôi đều vui vẻ tiếp nhận. Tôi ở trong đó tôi luyện chính mình, đem phiền não tập khí của chính mình gọt mài cho hết, vậy mới có thể được chút thành tựu. Không qua được khảo nghiệm thì chắc chắn không thể thành tựu. Chọn lấy hoàn cảnh tu học là then chốt thành bại của chúng ta ngay trong đời này. Tôi ngay trong một đời cũng gặp được rất nhiều người nhiệt tâm, muốn giúp đỡ tôi, nhưng tôi không tiếp nhận. Tôi chỉ tiếp nhận một người chăm sóc là Hàn Quán Trưởng. Người hiểu được đạo lý này không nhiều. Một người chăm sóc, tôi chỉ cảm ân, cảm tạ một người; tám người, mười người chăm sóc, tương lai tôi phải cảm ân tám người, mười người, vậy thì quá mệt. Đạo lý này phải nên biết. Có rất nhiều người có hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với Hàn Quán Trưởng, tôi đều như như bất động. Người ta bố thí ân huệ, không dễ tiếp nhận đâu, tương lai bạn phải báo ân. Một nơi ở không tốt, lại đổi một nơi khác, ở lại thấy không tốt, lại đổi một nơi khác nữa, vậy thì cả đời của bạn xong rồi, ai dám lo cho bạn nữa? Ở đất nước chúng ta vào thời xưa, người xuất gia là ở nhờ các chùa chiền. Cho phép ở nhờ là việc của thầy tri khách. Thầy tri khách nhất định sẽ hỏi “bạn từ nơi đâu đến?”, “bạn ở nơi đây bao lâu?”, “ngày trước đã ở qua những nơi nào?”. Nếu như bạn ở mỗi một nơi trong thời gian rất ngắn, thầy tri khách trong lòng sẽ rất rõ ràng, con người của bạn không dễ ở, cho nên sẽ không níu giữ bạn. Nếu bạn có thể ở một nơi từ ba đến năm năm, thì bạn là một người không tệ, có thể ở chung với mọi người, người ta sẵn lòng lưu giữ bạn. Từ ngay chỗ này liền có thể quan sát được là bạn có thể nhẫn nhục hay không, bạn có lòng nhẫn nại hay không. Bạn nghĩ xem, bạn có tâm nhẫn nại lớn bao nhiêu thì bạn sẽ có thành tựu lớn bấy nhiêu; bạn có sự nhẫn nhục lớn bao nhiêu thì bạn có định huệ lớn bấy nhiêu. Ở chung với người mà không thể nhẫn, hoàn cảnh làm việc không thể nhẫn thì thành tựu của người này chắc chắn có hạn. Trong câu Kinh văn này, không những đối với “người”, “sự việc” phải có thể nhẫn, mà với “vật” cũng phải có thể nhẫn. Vật ở đây thông thường là chỉ động vật nhỏ, nhìn thấy những động vật nhỏ này, chúng ta có khởi một cái ý niệm chăng? Trong đời quá khứ, ta cũng đã từng giống như chúng vậy, có khởi lên cái ý niệm này hay không? Ngay đời này nếu như không thể vãng sanh, đời sau kiếp sau khả năng giống như chúng sẽ rất nhiều. Nếu như cái ý niệm này hiện tiền, đây gọi là “thỉ giác”, bạn bắt đầu giác ngộ. Bạn sẽ khích lệ chính mình, sẽ cảnh giác chính mình, không dám giải đãi.
Chúng ta đời đời kiếp kiếp đã làm thân kiến, làm thân muỗi, cũng đã làm thân ruồi, bất cứ thân gì đều đã nhận qua, nhưng đều quên mất rồi. Chúng ta cũng đã từng đọa địa ngục, cũng đã từng làm ngạ quỷ, cũng đã từng làm Thiên vương, một giấc mộng dài mà còn tiếp tục muốn gặp những ác mộng này nữa hay sao? Cho nên, đối với tất cả động vật, chúng ta phải có tâm từ bi, phải thương yêu chúng, phải chăm sóc chúng. Nghĩ đến ta không khác gì với chúng, chỉ là thân tướng khác nhau, phương thức đời sống không giống nhau mà thôi. Tàn nhẫn là tâm của ba đường ác, là ở cõi thấp trong sáu cõi, trong tâm thường ôm lấy hung ác tàn nhẫn, chớp mắt một cái thì đi vào địa ngục, ngạ quỷ, muốn làm thân súc sanh cũng không dễ gì được, chúng ta làm sao có thể không cảnh giác?
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật.