Muốn xuất gia, nhất định phải suy nghĩ thật cẩn thận

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Phát nguyện xuất gia, nhất định phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng, thật cẩn thận, vì bạn chỉ có 2 con đường: Một là lên thiên đàng, hai là xuống địa ngục. (Lời khai thị của Ân Sư Tịnh Không)

…Một hạt cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di, đời này không liễu đạo, quyết mang lông đội sừng để trả. Chư Tổ để lại lời này là chân thật. Vì vậy, khi Muội phát tâm xuất gia, Muội phải hiểu được ý nghĩa của việc làm đó, là mình xuất gia vì lý do gì.

Một trong những điều kiện đầu tiên muốn đủ duyên xuất gia, là cần có được sự đồng ý của người thân trong gia đình. Đó là cha mẹ của mình, nếu như mình chưa có gia đình. Nếu mình có gia đình, thì phải là chồng con của mình hoan hỷ cho mình xuất gia, thì mình mới được thuận duyên xuất gia.

Và mình phải hiểu rõ được ý nghĩa xuất gia để làm gì? Còn nếu xuất gia chỉ để: Đời con khổ quá, nên thôi vô chùa sống sướng hơn! Vậy thì vô chùa chỉ tăng thêm tội nghiệp…

Mà Muội chắc có ý riêng của Muội rồi, nên cứ ngồi suy nghĩ thêm về cái vấn đề đó, rồi có thể đọc thêm một số cuốn sách về đức hạnh của người xuất gia. Để tìm hiểu xem, nếu Muội trì giới được giống như người xưa, thì Muội mới nên xuất gia.

Nếu Muội có thể làm rạng danh được Phật pháp, thì Muội mới nên xuất gia. Còn nếu chỉ để tu thành tựu cho chính mình thôi, thì có thể tùy duyên ở nhà niệm Phật cầu sanh Cực Lạc cũng đủ rồi. Còn xuất gia là hai vai phải gánh vác gia nghiệp của Như Lai, trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh, trách nhiệm rất nặng, nặng hơn làm Thủ Tướng.

Nói vậy cho Muội có sự so sánh: Một vị Thủ Tướng chỉ chịu trách nhiệm với dân chúng trong một nước thôi. Còn một người xuất gia phải làm gương mẫu mực, độ chúng sanh cho đến tận hư không khắp pháp giới, không chỉ cho mỗi cõi người không, mà còn Chư Thiên, Chư Thần, vì họ chính là Thầy của Trời người, nối dòng huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh.

Đã gọi là “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh” thì không có phân biệt chúng sanh cho nên mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm cho đến suy nghĩ của một người xuất gia phải làm tấm gương mẫu mực, trong sáng, tốt nhất cho tất cả mọi chúng sanh nhìn vào và học tập theo, kính ngưỡng học tập. Vậy thì bạn có công đức không?

Không! Nhiệm vụ của bạn là như vậy. Nhiệm vụ của người xuất gia là như vậy. Nói nôm na bổn phận nghề nghiệp là như vậy, là làm Thầy giáo mà. Vừa mới xuất gia, cạo cái tóc, đắp y lên, mới thọ giới sa di thôi. Ở trong chùa gọi là thực tập xuất gia thôi, là đã tiếp nhận sự cung kính của mọi người đến chùa rồi, đúng không?

Mình đi chùa mình đâu có biết Thầy nào là thực tập, Thầy nào là đã thọ giới, Thầy nào chưa thọ giới? Mình đâu có quan tâm, mà mình thấy Thầy, Sư Cô là mình: A Mi Đà Phật! Con thưa Thầy! Con thưa Sư Cô! Thậm chí vị Thầy còn rất trẻ, còn người xưng hô dạ thưa, thì đáng tuổi cha mẹ của mình, lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Mình tiếp nhận sự cung kính đó, mình có đủ phước báu không? Nếu mình tu tập không đàng hoàng, thì nhất định mình mang nợ chúng sanh rồi.

Người ta đến chùa người ta cầu gì? Cầu dữ lắm nha! Người ta bỏ vô cái thùng phước sương có 10 ngàn thôi, mà người ta cầu gia đạo bình yên, cầu tiêu tai miễn nạn, cầu làm ăn phát tài…thực sự là mình ăn bữa cơm chùa từ tiền tài cúng dường của thí chủ thập phương, bữa cơm này nặng nợ lắm, chứ không phải tầm thường đâu.

Mình nói vậy để cho tất cả các Huynh Đệ mình rõ chỗ này, chứ không phải có Muội không, mà rất nhiều Huynh Đệ trẻ cũng có cái lý tưởng này, nên mình phải quan sát tường tận tất cả mọi điều kiện, cũng như lường trước được tất cả các khó khăn và những thử thách mình phải vượt qua, để trở thành một vị xuất gia chân chính.

Chứ không thì tương lai mình sẽ là oan gia trong cửa Phật, là phá gia chi tử, gọi là người học Phật phá Phật pháp, trong đó bao gồm cả người học Phật tại gia và xuất gia, nếu không làm đúng theo lời Phật dạy, không làm 1 tấm gương tốt. Chính những người này làm Phật pháp suy bại. Nên mình phải biết rõ: Con đường xuất gia là hy sinh phụng hiến, không dễ dàng, rất không dễ dàng.

Cũng sẵn tiện kể cho Sư Muội nghe, hôm trước cũng gần đây thôi, là chủ nhật, khi Huynh Đệ mình đi thả cá xong, cũng có một bạn tham gia vào buổi sáng, rồi sau đó cũng về, không phải phát nguyện xuất gia, mà phát một cái nguyện là muốn buông xả hết tất cả những ham muốn của bản thân, để tập trung vào trong vấn đề học tập Kinh Vô Lượng Thọ, để sau này hoằng dương Kinh Vô Lượng Thọ, là muốn như vậy.

Đây là phát ra một cái tâm cũng rất lớn, chỉ chuyên dụng công trên bộ Kinh này, để hoằng dương bộ Kinh này. Bạn ấy rất nghiêm túc phát nguyện trước hình tượng Tam Bảo. Sau đó hai tiếng, mẹ bạn ấy gọi điện lên, mẹ bảo không được đâu con!

Vì gia đình cậu này là bên đạo Công Giáo. Mẹ nói Không được! Nếu học Phật như vậy thì mẹ con hai đường khác nhau, từ đây chia đôi. Cậu mới phát nguyện hơn hai tiếng sau thì đã nhận được thử thách. Rồi nói qua nói lại qua điện thoại với mẹ một lúc, thì cậu ấy làm cho mẹ cậu ấy giận, và mẹ cậu ấy cúp máy. Cậu ấy sau đó gọi điện cho chị của mình, thì biết mẹ đang rất giận. Cậu ấy không biết làm sao nên gọi điện cho Huynh.

Lúc đấy Huynh đang ở Chùa Viên Minh không nghe được điện thoại, gọi ba lần, tâm trạng có vẻ hơi căng thẳng, cậu ấy hỏi: Bây giờ đệ phải làm sao? Buổi sáng nghe Huynh chia sẻ: Nếu như hiếu thuận cha mẹ mà không làm được, thì đừng nói gì đến chuyện học Phật. Sau đó Đệ phát nguyện, và sau đó được mẹ thử thách và đang làm cho mẹ giận.

Lúc đó con mới nói: Vậy Đệ nên hằng thuận mẹ. Học Phật, niệm Phật chính là chuyển cái tâm mình. Hoàn cảnh bên ngoài phải tùy duyên. Bạn niệm Phật trong bụng của bạn không ai biết. Bạn niệm Kinh trong bụng của bạn không ai hay. Còn bên ngoài mẹ muốn sao thì nên hằng thuận mẹ, thậm chí phải chủ động dẫn mẹ đi nhà thờ vào những ngày lễ trọng ở trong đạo Công Giáo, phải đi đầy đủ.

Khi gặp mọi người trong gia đình, phải chia sẻ thuần những gì trong giáo lý của Đạo Thiên Chúa, không được nói đến bất kỳ điều gì liên quan đến Phật pháp, không được treo bất kỳ hình tượng gì liên quan đến Phật pháp. để cho mẹ phải thấy, phải phiền não nữa.

Còn chuyện Đệ phát nguyện như vậy rất tốt, nhưng cái duyên của Đệ chí ít phải đợi khoảng 15 đến 20 năm sau…Trong khoảng thời gian trước mắt, tu hành cần ẩn mật, phải hết sức nhẫn nại. Nếu một người chân thật phát nguyện hoằng pháp lợi sanh, vì lợi ích chúng sanh, nhất định phải tiếp nhận thử thách. Muội sẵn sàng chưa?

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *