Học tập tấm gương vãng sanh của Ngài Oánh Kha

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Học tập tấm gương vãng sanh của Ngài Oánh Kha: Mình nhìn vào kết quả niệm Phật của Ngài Oánh Kha, mình nhìn thấy được là Ngài đạt đến cái chỗ là tự tại vãng sanh. Đây chính là cái chỗ mà mình hướng đến, mình muốn được như vậy.

Mình là người niệm Phật, mình cần nên suy nghĩ một cách đơn giản, rồi đơn giản đến mức độ giống như là bạn Trung Phước hôm trước có báo cáo, là đơn giản đến mức là chỉ còn có A Mi Đà Phật. Trước tiên muốn đạt được đến chỗ đơn giản đó thì những cái đơn giản trong suy nghĩ thông thường mình cũng nên có, và muốn đơn giản trong suy nghĩ thì nếu có những gút mắc trong quá trình học Pháp mà mình chưa hiểu, thì mình nên đặt câu hỏi, như bạn Hòa Ngọc hỏi là: Tại sao Ngài Oánh Kha niệm Phật có thể nắm được tự tại vãng sanh? Ngài Oánh Kha niệm Phật như vậy có phải là tự tư tự lợi hay không?

Vì sợ mình đọa địa ngục thì cái tự tư tự lợi này nó thúc đẩy Ngài niệm Phật, và nó giúp cho Ngài thành tựu, vì Ngài tin nhân quả mà chúng ta nhìn sâu vào cái cách mà Ngài suy nghĩ, chúng ta mới biết là Ngài vì bản thân Ngài, Ngài sợ đọa địa ngục. Ngài không muốn ở lại thế gian này thêm mười năm nữa để mà lại tạo nghiệp. Nghe qua thì có vẻ là vì bản thân của Ngài, nhưng mà thật ra cũng vì chúng sanh.

Ngài là một người xuất gia cũng giống như mình đây cũng là một cái người gắn cái mác học Phật. Cho nên mọi người đều nhìn vào mình bằng một cái nhìn không giống như là cái nhìn thông thường trước đây. Do mình là người ăn chay niệm Phật, thì cái hành vi của mình nó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến đạo Phật. Đây là cái chỗ mình cần phải hiểu rõ ràng, Ngài đã hiểu rõ ràng chỗ này nên Ngài sợ!

Vì Ngài biết trong quá trình trước đây Ngài đã làm một tấm gương không tốt. Cho nên nếu bây giờ mà Ngài sống tiếp, thì Ngài sợ rằng mình tiếp tục làm tấm gương không tốt ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến tín tâm của họ đối với đạo Phật, đối với Phật pháp, thì như vậy rất là tội nghiệp cho mọi người. Nếu không có Phật Pháp thì đây là một nỗi bất hạnh vô cùng lớn đối với con người chúng ta. Mà khi có Phật pháp thì người thế gian họ thường nhìn vào đâu để họ có ấn tượng về Phật pháp?

Họ nhìn vào những người học Phật. Cho nên, Ngài biết cái định lực của Ngài chưa đủ, tham sân phiền não đều đầy đủ, Ngài sợ Ngài sẽ làm ra một số thứ ảnh hưởng đến Phật Pháp…Vì vậy, Ngài nói: Thôi! Đức Phật cho con về Cực Lạc sớm để con không còn tạo nghiệp nữa. Như vậy mình thấy rõ Ngài cũng vì bản thân Ngài, nhưng cũng là vì người khác, vì nếu mà Ngài đã vãng sanh rồi thì Ngài không có tạo nghiệp ác như trước đây và mọi người không có hủy báng Phật Pháp thông qua hình ảnh của Ngài nữa. Đó là cái điểm thứ nhất là trong cái tự lợi của Ngài cũng có cái lợi ích cho mọi người xung quanh, cho chúng sanh.

Cái điểm thứ hai: Cho dù xuất phát điểm của bạn, động lực của bạn là tự lợi để bạn thành tựu cái chuyện niệm Phật vãng sanh của mình giống như là Ngài Oánh Kha. Nhưng mà khi đã thành tựu rồi thì như vậy nói về cái trước mắt, Ngài Oánh Kha đã làm ra một tấm gương tự tại vãng sanh mang lại niềm tin rất lớn đối với những người học Phật, làm cho họ tăng trưởng thêm niềm tin vào pháp môn Tịnh độ. Đó! Ngài như vậy đó! Trước là một người không tốt, sống buông thả mà bây giờ đã được vãng sanh rồi. Pháp môn này là có thật, Đức Phật A Mi Đà là có thật, Ngài tiếp dẫn là có thật, niệm Phật được vãng sanh là có thật.

Thì những cái thật này bày ra trước mắt qua tấm gương của Ngài Oánh Kha, qua đó không biết là độ được cho biết bao nhiêu người học Phật giác ngộ, cho đến những người chưa học Phật biết được tấm gương của Ngài Oánh Kha cũng đều có cái ấn tượng sâu sắc về Pháp môn niệm Phật, rồi từ từ họ đủ duyên rồi cũng sẽ niệm Phật, phát nguyện vãng sanh giống như chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đang ngồi đây nói về câu chuyện của Ngài Oánh Kha thì mình đang được Ngài ảnh hưởng. Vậy thì Ngài đang làm lợi ích cho chúng sanh một cách rất là rõ ràng.

Còn nói về lâu xa, thì khi Ngài đã vãng sanh rồi, thành Phật rồi, thì Ngài lại còn làm lợi lạc không biết cho bao nhiêu chúng sanh nữa với cái địa vị làm Phật của Ngài. Giống như bây giờ mình ngồi đây, mình nói về Ngài thì Ngài lúc này đã làm một vị Phật rồi. Ngài đều nghe rõ, Ngài đều biết rõ, xem như là có duyên rồi. Nếu mình hướng đến Ngài học tập, nhất định Ngài sẽ ủng hộ mình, giúp đỡ cho mình. Vì bạn nghe mà bạn sanh tâm hoan hỷ, bạn tiếp nhận, bạn muốn học tập theo, thì không có lý gì Phật Bồ Tát lại không đến giúp bạn.

Từ trước đến giờ do mình vẫn thích làm theo ý mình là phần nhiều, cho nên các Ngài không có cơ hội đến giúp mình đâu, giúp được sơ sơ thôi. Nhưng khi một người mà người ta thật sự quay đầu, buông bỏ cái ý niệm của chính mình xuống, buông bỏ cái lợi ích của bản thân xuống, bắt đầu thường nghĩ đến chúng sanh thì tự nhiên Phật, Bồ Tát sẽ đến giúp đỡ. Nghĩ đến chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh bằng một cái tâm vô tư không mong, không cầu, không mình không người, không oán không hận, không đây không kia, hết sức là tùy duyên thì cảm ứng lại càng sâu.

Cho nên phàm phu mình mà đã hiểu rõ được rồi thì mình không cần phải cầu Phật, Bồ Tát gia hộ đâu. Các Ngài sẽ tự nhiên gia hộ cho mình. Không cầu mà được, còn cầu chưa chắc đã được, thậm chí còn cảm ứng qua tà ma ngoại đạo hổng chừng. Cho nên không cầu mà được mới là chân thật. Giờ mình cầu mà được, với cái công phu tu hành của mình chưa đến nơi đến chốn thì mình lại dương dương tự đắc ra. Ừ, hồi trước mình cầu cái chuyện này, cầu mấy lần giờ mới được, Phật, Bồ Tát linh quá. Phật, Bồ Tát thật là từ bi, giúp đỡ cho mình được cái chuyện đó, mà chuyện đó của mình rốt cuộc là chuyện gì? Mình nghĩ kỹ lại đi có tự tư tự lợi trong đó không? Có phan duyên không? Có tham trong đó không? Có si trong đó không?

Nếu mà có thì chẳng lẽ Phật, Bồ Tát nhìn không ra? Rồi Phật, Bồ Tát làm cho cái chuyện tham sân si của bạn tăng trưởng thêm! Các Ngài có lý gì các Ngài đi làm cái chuyện đó? Là giúp cho mình tăng trưởng thêm tham sân si, tăng trưởng thêm sự tự mãn, tự kiêu? Tư hào là mình được Phật, Bồ Tát bảo kê, gia trì… cầu gì được đó, rồi mình tu hành sẽ như thế nào khi mà mình cầu gì được đó? Các bạn nghĩ xem lúc đó mình có chịu niệm Phật hay không? Vì cầu gì được đó rồi thì không muốn niệm Phật đâu!

Niệm Phật chỉ chơi chơi thôi chứ không liên quan gì đến cái chuyện sanh tử đâu! Niệm Phật chỉ là để đáp lễ cho Chư Phật Bồ Tát thôi! Để gia cố cái phước đức của mình thôi, chứ không liên quan một chút xíu gì đến tín nguyện cầu sanh Cực Lạc đâu. Mình nghĩ kỹ xem trong hàng triệu, hàng bao nhiêu lần mình niệm Phật, bao nhiêu lần mình gắn chặt với tín nguyện cầu sanh Cực Lạc? Bao nhiêu lần thật sự buông xả vạn duyên nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc trong câu Phật hiệu? Không có nhiều đâu.

Vì nếu thật sự nhiều thì ba năm mình đã vãng sanh, năm năm mình đã vãng sanh, mười năm đã vãng sanh rồi, chứ không phải là còn ì ạch ở đây đâu. Còn ì ạch ở đây là do mình niệm Phật hời hợt qua loa, bị xen tạp, bị gián đoạn cái tín nguyện của mình, vẫn còn mong, vẫn còn cầu cái này cái kia, thế này thế nọ đối với bản thân mình, đối với đời sống của mình, đối với gia đình của mình, đối với công việc của mình và đối với việc tu hành của mình. Làm sao mà mình đạt đến chỗ mình đã xác định con đường của mình rồi, mình phải đơn giản hóa tất cả những suy nghĩ của mình: Không mong không cầu, không mình không người, oán hận đây kia. Giống như tinh thần lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ mà con vừa mới nói.

Không chỉ không mong không cầu, mà cũng không có cái ý niệm là không mong cầu. Không mong cầu, thôi giờ tôi không có cầu có mong gì hết: Đây là mình đứng qua bên phía bên này không thèm mong cầu thì bạn có cái tướng không mong cầu, cũng không được, vẫn còn phức tạp! Cho nên lại phải đơn giản thêm một tầng nữa, buông bỏ sạch sẽ để mà niệm Phật. Vì vậy, một trăm người niệm Phật được tự tại, họ đều nhập vô cảnh giới này: Không mình không người, họ hòa với lại Đức Phật A Mi Đà là một. Không còn thấy mình là người niệm Phật, cũng chả thấy có đối tượng bên ngoài là Đức Phật A Mi Đà nữa, nhập lại được thành một rồi, thì đây là đơn giản.

Mình chưa nhập lại được thành một, mình đang có đối tượng này đối tượng kia là mình vẫn còn chưa đơn giản. Một là đơn giản, hai là không đơn giản nữa, hai là bắt đầu phức tạp. Mình có hai cái nhà là mình bắt đầu mệt. Mình có hai bà vợ là mình bắt đầu mình khổ, có hai ông chồng là bắt đầu mình thấy nhức đầu. Cái gì mà có nhiều hơn một là thấy mệt rồi, có một đứa con chăm nó vẫn đỡ hơn là hai ba đứa, năm bảy đứa. Đi làm cũng vậy, một việc làm thôi là cũng thấy đỡ hơn là phải làm hai ba việc, đầu tắt mặt tối rồi. Một cái tiệm thôi thì cũng đã khổ rồi, giờ hai ba cái tiệm ngồi đó quản lý cũng mệt.

Cho nên quay về một thôi là mình bắt đầu đơn giản hóa đời sống của mình, đặc biệt là trong cái suy nghĩ. Mình cứ hay nghe Ân Sư giảng là một Pháp môn, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, một vị Thầy, cái gì cũng một thôi, đó là đơn giản rồi. Đơn giản thì dễ thành công. Dạ cho nên qua tấm gương của Ngài Oánh Kha thì mình cũng học được rất là nhiều, để mà mình cùng nhau mình chia sẽ mở rộng ra. Và quan trọng nhất là mình luôn thấy mình ở trong những cái câu chuyện đó. Thấy được cái chỗ mình cần phải nỗ lực để mà mình thay đổi trong cái cách suy nghĩ, để mình làm sao cho đời sống của mình đơn giản hơn, đầu óc đơn giản hơn và giảm đi cái sự mê hoặc.

Trong cái nhóm mê hoặc này thì cái đối tượng mê hoặc lớn nhất, mà bản thân mình dễ bị dính nhất đó chính là cái thân này của mình, cái suy nghĩ này của mình, hai cái này là hai cái mê hoặc mình ghê gớm. Cái thân này bao gồm cảm xúc của mình, suy nghĩ là bao gồm mình thường thấy mình đúng. Vì hai cái này là mình đối diện từng phút từng giây. Con nói dễ mê lắm, mình cứ để ý đi, mỗi lần mình soi gương là mình thấy mình trong đó là mình mê rồi. Cái hình ảnh đó không phải là mình. Mỗi lần bạn selfie, bạn chụp hình, mùa xuân bận áo đẹp thế này, trang điểm đẹp thế kia, rồi bạn hài lòng về cái hình thể của bạn, cái nhan sắc của bạn, chụp hình bạn thấy đẹp là bạn mê rồi, mê 100%, mê trên cái thân này.

Bạn thấy hài lòng vì bạn có một vóc dáng thanh mảnh, có một làn da đẹp, có một khuôn mặt đẹp, có một mái tóc đẹp, đó là bạn đang mê, mê khá sâu. Từ trong cái mê này mà mình đánh mất đi cái chánh niệm, đánh mất đi câu Phật hiệu, là nó liền nảy sinh ra một số cái nhu cầu và một số cái cảm xúc, một số cái tiêu chuẩn dựa trên cái suy nghĩ về bản thân mình. Nó tự nó hình thành ra và bạn bám chặt vô nó là mình phải luôn luôn giữ cơ thể mình phải như thế này thế nọ, thế này thế kia. Nếu được ai đó khen thì rất là thích, rồi chụp hình đưa lên facebook. Mọi người vô like rồi comment các kiểu, mấy trăm like, mấy ngàn comment, ui trời ui khoái lắm…rồi thay đổi hình avatar liên tục. Lúc này thì hình mình thế này, lúc kia thì hình mình thế kia, toàn mê hết, không biết mình có nhận ra không…

Sao mình không để bông sen hay mình không để những bài Pháp về nhân quả, về Đệ Tử Quy, về Cảm Ứng Thiên, về lời dạy của Ân Sư, mà mình cứ thích cho mọi người thấy cái hình của mình quá vậy? Cho nên facebook nó làm cho các bạn mê hoặc và làm cho người khác vô tường nhà mình, người ta cũng bị mê hoặc. Thế thì bạn tạo nghiệp rồi, so với Pháp Sư Oánh Kha cũng không kém, vì mình cũng biết đạo lý, mình cũng biết giáo dục Thánh Hiền, mình cũng biết Phật Pháp, mà mình lại cứ y như là một phàm phu, vẫn tiếp tục tự tôn bản thân, chia sẽ những thứ tăng trưởng tham sân si của người khác…

Để người ta tham đắm vô cái chuyện mình ăn uống chỗ này ngon, ăn uống chỗ kia ngon, chụp hình chỗ này đẹp, chụp hình chỗ kia đẹp và người ta yêu thích cái hình thể của mình, cái vóc dáng của mình. Tham ái, tham sắc, tham dục nó tăng, như vậy là mình thấy mình có tạo nghiệp không…Sao Sư Huynh phức tạp quá, đăng đăng vậy thôi chứ ai muốn vô like gì like, ai muốn comment gì đó là chuyện của người ta đâu có dính dán gì đến Muội? Đâu có dính dán gì đến con? Nếu mà mình không đăng lên thì đâu có chuyện gì đó, người ta đâu có khởi ra những ý niệm kia?

Pháp Sư Oánh Kha là Ngài nghĩ đến chỗ đó, vì Ngài còn ở đây khi tương tác với đại chúng, với mọi người. Ngài làm cho mọi người khởi ra những ý niệm bất thiện, tự tư tự lợi khởi ra, khẩu nghiệp khởi ra. Ngài biết Ngài không làm được tấm gương tốt cho nên Ngài tắt nguồn luôn, đi gấp vì cái đèn nó mà còn tỏa sáng thì thiêu thân vẫn còn tới đâm đầu vào chết. Thì bản thân bây giờ mình làm cái đèn để làm cái gì..tắt luôn, không cần tỏa sáng theo cách đó nữa. Thế gian này không cần cái bóng đèn như mình theo cái cách như vậy đâu…tắt nguồn liền. Còn mình bây giờ mình vẫn cứ nhây nhây, mình còn nghiêm trọng hơn Ngài Oánh Kha.

Trong cái sự giác ngộ của mình, nó vẫn còn lửng lờ, nó vẫn còn nhây, vẫn còn chưa chịu buông những cái sự tham đắm về cái thân này, về cái ý này, cái cảm xúc này, vẫn muốn khao khát cái này, muốn khẳng định cái kia..từ trong đây mà bắt đầu tạo nghiệp. Cho nên trong Kinh Phật, Ngài dạy quá rõ ràng: Chúng sanh cõi Diêm phù đề khởi tâm động đều là tạo nghiệp hết. Mà Ân Sư nói: Bây giờ nếu mình bình lặng quan sát, con người mình nếu mà không được học giáo dục Thánh Hiền, không có sự giác ngộ sâu sắc thì mình cũng không bằng loài súc sanh. Súc sanh tạo nghiệp ít hơn con người, cho nên rất nhiều Chư vị chúng sanh ở trong đường súc sanh chết rồi thì được sanh lên làm người.

Còn con người ta đa phần chết đi đều đi vào trong tam ác đạo, thì mình mới giật mình sợ hãi nếu mà không có thật sự buông bỏ những ý niệm vì bản thân của mình xuống, những thói quen không tốt của mình từ trước đến nay, thì cái cơ hội mình đi vào tam ác đạo vô cùng lớn. Tại vì mình có cơ hội tạo nghiệp quá nhiều, mà mình đâu phải sống thêm mười năm nữa đâu. Bây giờ các bạn trên lớp mình, ai cũng ăn chay niệm Phật thì nó sẽ sanh phước đây, cũng biết làm phước này phước kia, đi phóng sanh các kiểu, làm từ thiện thì cái phước nó sanh ra. Nó sanh ra thì mình cũng có được sức khỏe cũng đỡ đỡ, rồi tuổi thọ cũng không đến nổi.

Thì các bạn và con đây mình sẽ sống được đến năm tám chục tuổi đi. Thí dụ vậy, mình nghĩ xem, mình sống thêm ba chục năm nữa, thì mình tạo nghiệp thêm ba chục năm nữa. Tạo nghiệp gì…tạo nghiệp luân hồi, cho nên sống càng dài tạo nghiệp càng nhiều. Ngài Oánh Kha, Ngài nhìn rất rõ cái chuyện này. Ngài cùng với Đức Phật A Mi Đà diễn cho chúng ta thấy rõ ràng, để cho chúng ta buộc mình phải giác ngộ thông qua cái chuyện Ngài cắt đứt mười năm tuổi thọ để Ngài muốn đi theo Phật A Mi Đà sớm. Đây là lòng từ bi của các Ngài, chứ trên thực tế con nói Ngài Oánh Kha ở lại Ngài không có tạo nghiệp đâu…

Làm gì có cái chuyện niệm Phật mà thấy được Đức Phật A Mi Đà, tiêu trừ nghiệp chướng hết rồi thì tạo nghiệp gì nữa? Bạn vừa thấy Phật A Mi Đà phóng quang, nghiệp chướng liền tiêu trừ! Nhưng mà Ngài vẫn từ bi, Ngài nói cái tập khí của Ngài, là nói cái chuyện tập khí của Ngài trước đây, trước khi Ngài thành tựu chuyện niệm Phật. Bây giờ Ngài ở lại thì Ngài sợ tập khí nó nổi lên, Ngài đang diễn thôi, diễn cho ai xem…Cho chúng ta xem để chúng ta cảnh tỉnh! Cảnh tỉnh chuyện gì?

Niệm Phật chưa thành tựu thì từ đây tới lúc đó mình tạo nghiệp tiếp tục, tiếp tục tạo nghiệp. Chưa thấy được Đức Phật A Mi Đà chắc chắn là bạn tạo nghiệp, vấn đề là ít hay nhiều, nặng hay nhẹ thôi nhưng mà có tạo nghiệp không…Có! bạn còn sống mười năm, công phu của bạn chưa thành tựu bạn tạo nghiệp mười năm. Bạn tiếp tục hai chục năm, ba chục năm công phu bạn chưa thành tựu bạn tạo nghiệp hai ba chục năm, tạo nghiệp gì vậy? Là tạo thiện nghiệp, là tạo ác nghiệp.

Trong thiện chắc chắn có ác, trong ác thì cũng có thiện. Cho nên tu lai rai, tu tà tà là tạo nghiệp. Vì vậy thù thắng nhất là gì…Các bạn trên lớp học này: Một hai ba năm nữa vãng sanh hết thì con phải buộc làm gì? Không còn cái lớp học này nữa thì thôi…Con cũng phải học tập theo các bạn, con cũng phải nỗ lực mà niệm Phật vãng sanh. Còn học trên lớp kiểu lai rai tà tà là còn tạo nghiệp, vì công phu của bạn chưa thành tựu, bạn buông lớp, buông câu Phật hiệu ra, buông thời khóa ra, bạn khởi tâm động niệm là phân biệt, là chấp trước, không dính chỗ này thì dính chỗ kia, tư tưởng của mình nó lại lôi kéo mình đi theo con đường lệch lạc, không thoát được khỏi luân hồi.

Nếu đã nhìn thấu được cái đạo lý này rồi thì cái tâm của mình, cho dù mình là một phàm phu căn tánh hạ liệt. Mình hiểu được chuyện này rồi, mình phát ra một cái tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Cái tâm đó hoàn toàn giống như tâm của Lục Tổ, con muốn thành Phật, con muốn làm Phật. Trong tâm Ngài chỉ có một nguyện đó thôi, tất cả mọi thứ khác rơi rụng hết, không còn cái gì khác ngoài cái này, mà Ngài nhờ tu Thiền thì Ngài thành Phật, mình nhờ niệm Phật thì mình cũng thành Phật. Phương pháp khác nhau nhưng mà cái tâm là giống nhau y chang.

Ngay cả đến Mẹ của Ngài, Ngài cũng không còn phải nghĩ nữa. Không còn nghĩ cái gì khác, sắp xếp cho Mẹ xong xuôi hết rồi thì không nghĩ nữa, là lên đường, đã lên đường thì không nghĩ, đã nghĩ thì không lên đường. Cho nên qua những câu chuyện tấm gương người xưa, mình phải đọc tới đọc lui, đọc đi đọc lại, chiêm nghiệm rất là nhiều lần thì mình mới phát hiện ra, phát giác ra được ẩn ý ở trong đó, là tại sao các Ngài lại làm như vậy, lại biểu diễn như thế… Mình sẽ học được rất nhiều. Sau đó mình mới chịu thay đổi. Vì con người ta chỉ thật sự thay đổi khi nhận thức của mình thay đổi.

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *