Phải Cảnh Giác Việc Phóng Sanh Theo Thói Quen

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Phải Cảnh Giác Việc Phóng Sanh Theo Thói Quen: Có lúc mình sẽ được nhắc nhở. Vì sao người ta nhắc nhở? Vì mình có phan duyên.

Đức Phật giảng Kinh thuyết pháp có ai nhắc nhở, cảnh cáo Ngài không ạ? 49 năm, một ngày tám tiếng đồng hồ, các thời thuyết pháp của Ngài đều viên mãn vì Ngài biết tùy duyên. Duyên đầy đủ, chín muồi, thuyết pháp liền viên mãn. Mình phan duyên thì mình phải chịu thôi. Mình phải chịu sự dày vò.

Giả sử buổi sáng mình không đi phóng sanh mà mình tiếp tục ở nhà lạy Phật, niệm Phật, tâm mình được an. Tuy nhiên, mình muốn cứu chúng sanh…Vậy thì tại sao Phật, Bồ Tát không đi vô chợ mua sạch cá để phóng sanh? Hoặc đến cứu chúng ta đưa chúng ta mau mau về Cực Lạc? Sao các Ngài không cứu những chúng sanh khổ nạn bị chết vì Covid? Mà để cho hàng ngàn trẻ phải bơ vơ, mất cha mất mẹ? Tại Sao? Chỗ này mình có thể tự suy nghĩ rồi tự có câu trả lời…

Có một số việc mình yêu thích, rồi mình làm riết thành thói quen. Thói quen có cái dở là nó khiến mình không có suy nghĩ một cách chủ động, khách quan đối với sự việc đó nữa, mà cứ theo thói quen thì làm vậy vậy thôi…Cho nên, khi mình đi vào lối mòn của 1 thói quen, thì mình rất có thể đánh mất sự nhạy bén, khách quan trong khi xử lý công việc. Rồi có lúc mình dần dẫn đến ý niệm khống chế người và sự vật theo ý mình, là phải phóng sanh thế này, phải phóng sanh thế kia theo ý của mình, cho đến ảo tưởng việc phóng sanh này sẽ được công đức này, phước đức nọ…

Rồi 1 ngày, mình sẽ đụng chuyện! Nếu cứ đi phóng sanh theo thói quen…đụng chuyện gì thì các bạn đã trải nghiệm rồi phải không? Ban đầu, phóng sanh rất êm, sau rồi bị người ta nhìn thấy, người ta canh, đến chích điện, người bán cá cho mình thì có thể ngày một tham lam hơn, tích trữ nhiều cá hơn, cho đến khi mình quen phóng sanh số lượng lớn rồi, phóng sanh hàng chục ký, cho đến hàng trăm tấn cá…Giờ bảo mình tự vào chợ mua vài kg cá, hay ốc đi thả…mình đi không? Sao ít vậy? Thôi đợi cuối tuần đi phóng sanh với nhóm ABC cho đông vui! À là do đông vui nên mới đi phóng sanh…

Các bạn nhìn ra vấn đề của phóng sanh theo thói quen chưa? Nó không tương ưng với Từ Bi tâm một cách trong sáng, hồn nhiên đâu…mà theo thói quen thì phát sinh ra đủ thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước…phóng sanh nhiều thế mà sao thân thể vẫn bệnh? Phóng sanh là tu vô úy thí? Là sẽ được khỏe mạnh trường thọ, mà mình vẫn đủ thứ bệnh…Là tại sao? Còn người ta chỉ phóng sanh 1 LẦN, cứu 1 đàn kiến thì kéo dài tuổi thọ, từ đoản mạng thành sống lâu…bạn có thể xem câu chuyện này trong Phật giáo, chú sa di nhờ phóng sanh đàn kiến mà thay đổi vận mệnh của mình.

Cho nên qua những trải nghiệm trong đời sống của mình, mình tự chiêm nghiệm và rút ra cho mình 1 số bài học, gọi là rút kinh nghiệm… Bạn cứ trải nghiệm và học từ những trải nghiệm đó, trong đó có cả sự dày vò, trong đó có cả sự an vui nhưng rút cục mình cũng phải nhận ra được rằng cái điểm mà mình có thể thay đổi duy nhất, cứu được chúng sanh một cách hiệu quả nhất, chính là bản thân mình hết lòng niệm câu A Mi Đà Phật để mà cầu sanh Cực Lạc. Khi thành tựu, mình sẽ cứu được hàng tỷ tỷ tỷ sinh mạng chúng sanh, mà mình biết chắc là mình cứu được luôn.

Còn bây giờ mình cứu chúng sanh lúc này thì chúng sanh lại khổ lúc khác. Mình thả chúng sanh lúc này thì chúng sanh lại bị bắt lúc khác. Và chúng sanh cứ tiếp tục sống trong khổ đau, sống trong cái kiếp của một chúng sanh là cá, là gà, là chó, là mèo. Nhiều khi chúng sanh sống trong đó càng lâu, thì cái chấp trước vào cái thân súc sanh đó càng nặng, thì thời gian ở lại kiếp súc sanh lại càng lâu. Giống như Đức Phật đi ngang qua tổ kiến, Ngài nói tổ kiến này đã bảy vị Phật ra đời rồi mà vẫn làm kiến! Tám vạn kiếp rồi mà chúng sanh này vẫn làm bồ câu, rồi tám vạn kiếp tiếp theo cũng vẫn là bồ câu. Trong Kinh Phật có những câu chuyện như vậy, mình đọc thì phải giật mình!

Cho nên con thấy phóng sanh thì tốt nhất mình phải phóng sanh mình trước, giúp mình ra khỏi cái biển khổ sanh tử. Đó là cái mục tiêu lớn nhất. Còn việc phóng sanh bằng cách mua con này, con kia thả thì hết sức tùy duyên, khi nào gặp dịp thì mình đi, hay mình vô tình đi ngang qua cái chợ nhìn thấy bạn cá chuẩn bị lên thớt thì mình mua mình thả. Chứ còn khi mình cứ khởi lên cố định là mình phải hàng tuần, ngày đó, giờ đó, ra chỗ đó để mình mua cá, thả cá thì sẽ biến thành cái chỗ phan duyên, là có cung có cầu, thì người ta lại tiếp tục bắt cá tiếp, vì người ta biết ngày đó giờ đó có thêm người mua cá, nên họ sẽ đánh bắt cá nhiều hơn so với ngày thường.

Ví dụ ngày thường người ta bán được 50kg cá, bây giờ có thêm cô này tới mua phóng sanh thì ngày đầu tiên mình mua bớt một phần trong đó, nhưng mình mua hoài thì người ta sẽ tích và người ta vẫn bán trên 50 kg cá. Tại vì cộng thêm một khách hàng mới thường mua để phóng sanh nữa, chứ người ta có chịu bỏ bớt nghiệp sát sanh mà bán ít cá đi đâu? Rất hiếm có…

Giống như Sư Huynh Cương nói là người bán thịt gà, mình đến mua gà, đặt hàng thêm 100 con thì người ta phải đặt hàng thêm, chứ người ta đâu có bỏ bớt đâu. Người ta đâu thấy đơn hàng 100 con là đủ rồi, thôi nghỉ bán, mà bán tiếp, giết tiếp, bán tiếp. Cho nên khi mình làm tới chỗ nào đó mà mình cảm thấy có sự dày vò, có sự phiền não thì đó là Chư Phật, Bồ Tát từ bi nhắc nhở cho mình để mình suy nghĩ lại. Chư Phật, Bồ Tát mới mượn cái miệng của cô vệ sinh hay chú bảo vệ để nhắc nhở mình: Là mình chớ đi vào một cái lối mòn để rồi mình bị kẹt ở trong đó mà tạo nghiệp, thậm chí là ác nghiệp nghiêm trọng. Chỗ này, bạn cần suy nghĩ sâu thì mới có thể hiểu được – Đem cái mác người học Phật đi phóng sanh, rồi kiếm chuyện, gây sự phiền não cho mọi người xung quanh, đây chính là tạo nghiệp nghiêm trọng, chỗ này mình phải cẩn thận.

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *