BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Hiểu rõ hơn về sự gia trì của Phật Bồ Tát: Trong khi cái nguyện của mình, mình chưa có phát ra dũng mãnh. Cho nên cái nguyện của mình mà tương ứng với cái nguyện của các Ngài một phần thì nhất định sẽ nhận được sự gia trì một phần. Gia trì ở đây nói thẳng ra là đã gia trì rồi, và cũng đang gia trì…
Chư Phật Bồ Tát gia trì đó chính là dạy học, là giảng Kinh và thuyết pháp. Chứ Chư Phật, Bồ Tát không làm những chuyện để tăng trưởng sự mê tín, tăng trưởng sự ỷ lại của mình, tăng thêm sự mê muội không nhìn thấu được nhân quả của mình, có làm mà không dám chịu. Cho nên mình phải hiểu rõ được sự gia trì của Phật Bồ Tát cho rõ ràng, để mình tránh rơi vào cái chuyện mong cầu những thứ mà nó thuộc trách nhiệm nhân quả của mình.
Bệnh tật trên thân là do mình tự chuốc lấy, suy nghĩ của mình, hành động của mình là do mình tự làm tự chịu. Rồi bây giờ cái quả nó hiện ra trước mắt của mình, rồi mình cầu xin Phật Bồ Tát cứu mình… Các Ngài cứu mình như thế nào vậy? Các Ngài dạy cho mình phải tiếp nhận nhân quả.
Khi mình thật sự chịu tiếp nhận nhân quả, đó chính là mình nhận sự gia trì của Phật, Bồ Tát. Hoan hỷ tiếp nhận vì hiểu rõ thấu được nhân quả là cái bệnh này từ đâu mà tới, ung thư này từ đâu mà ra, tai nạn này từ đâu mà sanh, mâu thuẫn này từ đâu mà có. Làm sao mình biết được? Thì đều phải do Phật, Bồ Tát dạy mình, mình mới biết.
Cho nên khi nói đến sự gia trì của Phật, Bồ Tát, nói đến Phật pháp, đó chính là giáo dục. Có được cái duyên lành này thật sự là không dễ dàng gì…mình có phước lớn nên mình mới có đủ điều kiện vào một cái trường học, có cái duyên tiếp xúc được với một vị Thầy giỏi có tâm, có tầm, có trí tuệ dạy cho mình phát huy ra được sở trường năng lực của mình, giúp cho mình cải thiện được cách nghĩ, cách nhìn trong cuộc sống, phát huy ra được cái trí tuệ của mình.
Giúp cho mình mỗi ngày sống tốt hơn, thay đổi được bản thân mình bằng chính sự nỗ lực của mình thì đó chính là mình đang nhận sự gia trì của Phật, Bồ Tát. Ở đây nhấn mạnh quan trọng nhất là chính sự nỗ lực của bản thân mình thì cái sự gia trì này mới ra được một cái kết quả tốt đẹp. Còn trong đời quá khứ, Phật, Bồ Tát cũng đã gia trì cho mình rồi, nhưng mà mình có được vãng sanh đâu?
A Mi Đà Phật cũng gia trì cho mình nhưng mà mình đâu có chịu niệm danh hiệu của Ngài, lúc quan trọng nhất đó là lúc lâm chung không niệm ra được A MI ĐÀ PHẬT với đầy đủ Tín Nguyện cầu sanh Cực Lạc. Cho nên khi đó cái nghiệp lực của mình nó thắng cái công phu niệm Phật. Đây là cái chỗ mà mình phải rút kinh nghiệm. Công phu niệm Phật của mình thua sức mạnh của cái nghiệp lực, không vượt lên được. Cái nguyện của mình không có đủ thiết tha.
Người xưa có một câu nói là nuôi quân mười năm dụng trong một giờ. Còn đây mình niệm Phật cả đời mình dùng trong một giây. Đó là giây phút cuối đời của mình để mình chiến thắng được cái phiền não của mình, cái nghiệp của mình nó biến hiện ra vào giây phút đó, mình niệm được câu Phật hiệu thì cái nghiệp kia liền tiêu tan mất.
Thì mình thấy được Đức Phật A Mi Đà là do mình niệm Phật cả đời và chỉ dụng công trong một giây đó thôi. Cho nên cái chuyện mình niệm Phật có được sự gia trì của Phật, Bồ Tát hay không thì các Ngài gia trì mình ở chỗ giảng Kinh, dạy học, nhắc nhở mình phải thường niệm Phật. Còn cái chuyện khi trong đời sống thực tế mình có niệm được hay không là do bản thân mình. Mình không chịu niệm Phật thì không có sự gia trì nào hết.
Cho nên khi mình niệm Phật thì giống như là mình gọi điện thoại. Thí dụ này chúng ta cũng đã chia sẻ rất nhiều, gọi đúng số thì có sự gia trì, có sự liên thông, nên tâm mình nó sáng ra. Còn mình niệm Phật mà tâm mình nó vẫn u tối, là có thể miệng niệm một đằng, tâm lại nghĩ một nẻo. Hoặc niệm trước là Phật, niệm sau là tự tư tự lợi cho nên bị xen tạp, bị gián đoạn.
Giống như mình cũng gọi đúng số nhưng mà cái đường dây của mình giữa đường nó bị cắt. Mình hay nghe mấy câu chuyện trên báo là internet bị cá mập cắn đứt cáp cho nên không vô internet được. Thì bây giờ mình gọi điện cho Đức Phật A Mi Đà bằng câu Phật hiệu giữa chừng bị cá mập cắn đứt cáp, nên cái câu Phật hiệu đi không tới được Đức Phật A MI ĐÀ.
Dạ cá mập đây biểu trưng là lòng tham của mình, là sự si mê của mình, vẫn chưa buông được những cái thứ mình yêu thích! Cho nên tạo thành những chướng ngại to lớn, vì vậy cho dù mình có niệm Phật nhưng mà không có bắt được tín hiệu bên kia vì sóng mình phát ra yếu quá, xen tạp đủ thứ.
Giống như chúng ta cầm cái điện thoại thì chúng ta biết có những vùng sóng sẽ rất là mạnh, cũng cái điện thoại đó mà đi vào trong những vùng sâu vùng xa thì sóng sẽ yếu. Sóng yếu là do mình bị chướng ngại bởi tham sân si phiền não của mình, làm cho cái sóng của mình niệm Phật dẫu có đó, cũng mấy ngàn câu đó, thậm chí mấy chục ngàn câu đó nhưng mà cái sóng phát ra vẫn yếu.
Do cái phương hướng và cái nguyện thúc đẩy mình niệm Phật nó bị chai lỳ. Cho nên mình niệm Phật riết rồi đi theo thành thói quen mà thói quen này nó vô tình tạo ra cái sự vô cảm trong quá trình niệm Phật. Niệm một lúc rồi chán thôi, niệm một lúc rồi mệt. Thậm chí niệm một lúc rồi sẽ phiền não! Và đột nhiên mình sẽ không thích niệm nữa mà thích làm cái khác.
Sau thời gian niệm Phật vất vả mệt đó, thì mình lại hưởng thụ cái khác, rất là vui sướng, mà mình chả thèm nhớ gì đến câu Phật hiệu. Mình niệm Phật hời hợt như vậy thì làm sao mình nhận được sự gia trì của Phật được chứ?
Bằng chứng là khi mà mình buông câu Phật hiệu ra, mình giống kiểu như được giải thoát. Ngồi lâu mỏi lưng, tê chân, cứng đau chỗ này đau chỗ kia, niệm khô cả hơi, mệt hơi quá, đủ rồi, đủ rồi. Nhưng cũng có lúc mình thấy mình niệm tại sao lại hoan hỷ đến như vậy? vui vẻ đến như vậy? hồn nhiên đến như vậy?
Nếu mình không quan sát cẩn thận, thì mình niệm Phật như vậy nhiều lúc mình đi lạc hướng lúc nào không hay. Ân Sư nói hôm nay là các Ngài Phật, Bồ Tát, các Ngài có phương hướng mục tiêu rõ ràng. Cho nên khi các Ngài niệm Phật, các Ngài cũng có một phương hướng mục tiêu rõ ràng.
Thì làm thế nào để mình cũng có cái động lực thúc đẩy mình mỗi lần mình ngồi xuống mình niệm Phật, hay là mình đi kinh hành mình niệm Phật, hay là mình niệm Phật thầm, nó phải có một động lực rõ ràng, phương hướng rõ ràng, mục tiêu rõ ràng.
Trong cuộc sống mình cũng vậy, mình làm cái chuyện gì mà nó có phương hướng mục tiêu rõ ràng thì mình sẽ làm rất là tốt. Giống như mình dắt xe ra đường mình phải biết mình đi đâu. Chứ bây giờ mình dắt xe ra đường mình không biết mình đi đâu hết, thì mình có vấn đề.
Tương tự như vậy khi mình bắt đầu niệm Phật, mình phải biết tại sao mình niệm Phật, niệm Phật để làm cái gì? Niệm để đủ số ba chục ngàn à? Thì đó không phải là phương hướng mục tiêu. Đủ số là cái chuyện phải làm nhưng nó không phải là mục tiêu. Đó chỉ một trong những điều kiện mình đặt ra cho mình trong một ngày mình phải hoàn tất. Nhưng cái mục tiêu lớn hơn hết thì các bạn cũng phải hiểu rồi.
Mỗi một câu Phật hiệu là một bước chân gần hơn về Cực Lạc Thế Giới. Mình niệm danh hiệu Đức Phật A MI ĐÀ là mình để được đi về Cực Lạc Thế Giới. Một câu Phật hiệu có giá trị như vậy, không niệm câu Phật hiệu này thì làm sao mà vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới được chứ?
Mỗi câu Phật hiệu rút ngắn cái con đường vãng sanh của mình lại, rút ngắn thời gian vãng sanh của mình lại, rút ngắn cái khổ ở Ta bà của mình lại. Và sự rút ngắn này tỉ lệ thuận theo thời gian, niệm càng chuyên cần, thiết tha, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn… Đây là niệm Phật đúng như pháp, chân thật là niệm một câu Phật hiệu là tương ứng bước thêm một bước đúng đường về Cực Lạc, niệm 100 câu Phật hiệu như vậy thì tương ứng 100 bước chân đúng đường về quê nhà Cực Lạc…
Chỗ này mình phải tin tưởng tuyệt đối thì mình mới có được lợi ích chân thật trong việc niệm Phật. Mỗi lần niệm Phật là gần với Cực Lạc một chút, buông câu Phật hiệu là xa Thế giới Cực Lạc một chút, buông càng lâu thì đi lạc hướng càng xa. Mình nói vậy cho mình dễ hình dung.
Cho nên Phật, Bồ Tát gia trì cho mình là đã mang đến cho mình cái pháp môn Tịnh độ này rồi. Có lần chúng ta chia sẽ điểm này cũng rất là kỹ: Là mình đừng có tham Phật, Bồ Tát phải gia trì thêm cái gì nữa, vì đã gia trì rất đầy đủ rồi. Mình không có thiếu gì cả, chỉ thiếu sự tự giác hiếu học…Mà cái đó thì Phật, Bồ Tát không có gia trì được.