Học Được Gì Khi Nhìn Thấy Một Con Vật Rất Thông Minh: Thường là mình sẽ khen ngợi sự thông minh của bạn ấy. Nhưng nếu thật sự thông minh thì không nên làm súc sanh, không nên một chút nào…
Chỗ này Ân Sư đã giảng rất là rõ ràng, thông thường mình thấy một bạn nào đó thông minh, bạn chó bạn mèo, có thể hiểu được lời nói của chủ, làm được những điều như ý mình, thì mình khen bạn đó thông minh. Và Ân Sư đã nói rõ cái thông minh này là do Phước trong đời quá khứ có tu, và khi đã hưởng hết phước này rồi thì khổ lại chồng thêm khổ.
Cho nên con đọc đoạn này con có cảm nhận là buồn nhiều hơn là vui. Vì mình thấy rõ con đường luân hồi sanh tử trong cuộc đời của mình đang tạo, nó rõ ràng như lời dạy của Ân Sư, mà mình vẫn chưa chịu giác ngộ, để mình thực sự mình buông xả tham sân si, trong quá trình mình tu tập.
Đó là nói cái mê của mình còn rất là sâu dày, cho nên mình đọc tới đoạn này mà mình cũng không có động tâm, ko có sự nhận thức sâu sắc, để cho mình có cái động lực thay đổi bản thân. Giả như mình xem thấy trên mạng, mình thấy rất là nhiều, thấy động vật quỳ xuống để mà cầu xin tha mạng, khóc lóc thế này, khóc lóc thế kia, cho đến làm được những các trò thông minh.
Nhưng mà mình không nghĩ đến đó là cái hình ảnh của mình, có thể trong đời quá khứ mình cũng đã từng như vậy, và cũng có thể trong tương lai mình có thể như thế, thì đó mới gọi là mình có chút giác ngộ.
Mà khi mình giác ngộ cái khổ này rồi, thì mình mới không tạo ác nghiệp này nữa, không nổi tham sân si nữa, thì như vậy cái lời phát nguyện mới biến thành cái hành động ở trong đời sống của người mình. Đó là thật sự buông bỏ, cho nên người thật sự giác ngộ, họ không cần phước báu của trời người. Họ không mong cầu cái chuyện này, ngay cả họ làm được tới chỗ vô tham, vô sân, vô si nhưng mà họ không mong cầu cái chuyện hưởng phước báu đó ở trong thế giới trời người này.
Vì họ thấy rõ trong lời dạy Ân Sư ở đây, trong quá trình hưởng phước cho dù là một vị vua anh minh, một vị hoàng đế thực sự là có tài có đức, nhưng trong mấy chục năm trị vì, nhất định sẽ có lúc hàm hồ, mê muội, đưa ra những quyết định sai lầm.
Và trong quá trình mình hưởng phước làm vừa như vậy, thì một ngày mình ăn một trăm món ăn. Một ngày chúng ta thử nghĩ xem, ba buổi ăn mỗi buổi là một trăm món và tất nhiên không thể nào lặp lại, lặp lại thì vua đâu có hài lòng, sáng ăn món này rồi, chiều phải ăn món mới đó, đâu phải như ngày nay mình có tủ lạnh mình bỏ vô tủ rồi chiều mình ăn tiếp. Đâu có!
Vua không ăn thôi thì bỏ đi, chiều làm món mới. Mình thấy hoang phí đến cỡ nào, chưa kể là hưởng thụ dục lạc. Tam cung lục viện, hét một tiếng là ra lửa, có thể giết người chỉ bằng cái miệng thôi, không cần động tay động chân, nói trảm là trảm, chín đời cũng trảm hết. Hoặc là tru di tam tộc hoặc là tru di sạch hết, muốn sao là được đó.
Cho nên Ân Sư mới nói là giống như Hitler người ta nên có thể giết chết cả triệu người, người có phước lớn nên có quyết định ghê gớm như vậy mà lại không có bị người khác chống đối, thậm chí là còn được ủng hộ nữa. Còn người phước báu nhỏ, chỉ cần lỡ giết một mạng thôi, là phải đền một mạng, đó là mình nói ngày xưa. Hoặc là phải chịu cảnh tù tội rồi, còn Hitler thì đâu cần, có lập luận, có lý luận để mà giết dân tộc Do Thái, tàn sát dân tộc Do Thái và được dân Đức rất là ủng hộ.
Mà khi các vị vua đã phát tâm muốn thống trị thế giới rồi, thì cái việc chinh phạt thế giới thường đi đôi với một cái lý lẽ là vô cùng hợp tình hợp lý, thì người khác mới nghe theo, quân lính mới nghe theo, thiên hạ mới nghe theo.
Đây là tạo tội nghiệp, cho nên phước báo càng lớn đó, thì mình thấy rõ tạo ác nghiệp càng nặng, không dễ gì mà tránh khỏi, đến lúc làm súc sanh rồi mà vẫn còn phước, vẫn có thể là rất thông minh, vẫn có thể là thống trị cả một vùng, giống như là chúa tể sơn lâm. Đó là mình nói sư tử ở trên thảo nguyên, trong rừng, còn ở dưới biển là những loài cá, những loài thủy tộc mà có sức mạnh, có kích cỡ lớn, vượt trội to lớn, thống trị biển cả.
Và hơn nữa là sống rất thọ, sống càng thọ thì tạo tội nghiệp càng dài, càng nhiều. Cho nên chúng ta đã mở ra một số góc nhìn, về các quả báo trong lục đạo này, phước báo hưởng ra làm sao. Cho nên con cảm nhận là cái đoạn này là Ân Sư đang cảnh báo mình, không khéo là mình sẽ đi vào đường súc sanh, sẽ trở thành một con thú cưng nào đó. Cũng gần gũi được Tam Bảo, mỗi ngày cũng được lạy Phật, giống như là câu chuyện trên….
Vì cái duyên với Tam Bảo đời này vẫn còn, vẫn còn thấy được hình tượng Phật, vẫn còn được ở trong nhà của một Phật Tử nào đó. Thậm chí vẫn có thể được ăn chay. Mấy hôm rồi, cũng có câu chuyện về một bạn thuộc loại ăn thịt nhưng mà lại ăn chay. Đó là một bạn cá sấu, bạn cá sấu này ăn chay đã được 70 năm rồi. Cá sấu mà ăn chay, kiên quyết là không ăn thịt, thì mình thấy là quá khứ bạn ấy đã tu cái bố thí Vô Úy là ăn chay rồi, trong giai đoạn bạn ấy làm còn được thân người.
Nhưng bạn ấy vẫn còn sân hận và si mê lắm. Si mê thì đọa làm súc sanh, sân hận kèm theo thì khiến cho đọa vào cái loài hung dữ, người khác nhìn là sợ rồi. Răng nhọn, tướng thì thô xấu, cá sấu thì không có ai khen cá sấu đẹp cả, mà ai cũng sợ cá sấu hết, sợ nó ăn thịt. Cho nên bạn cá sấu này có cái Phước đã từng bố thí Vô úy. Cho nên bạn mới thọ đến như vậy, ăn chay được 70 năm, sống gần ngôi đền, thường vào trong cái đền này và được quý thầy nuôi và cho ăn 70 năm.
Cho nên qua đoạn này, thì Ân Sư đưa ra cho chúng ta vấn đề nhân quả, vấn đề tu tập của mình thì mình phải nhìn lại, chứ không mình lại hời hợt cho qua thì mình sẽ không có sự giác ngộ. Và mình không có sợ cái ý niệm tham sân si trong mình, nó sẽ đưa mình đến đâu khi kết thúc cái kiếp người này… Mình chết rồi sẽ sanh về cõi nào… Mình phải làm rõ sự việc này ngay từ lúc này, phải thường trăn trở về chuyện tử sanh đại sự của bản thân mình.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT 🙏