Nghe Pháp Học Phật Mà Phiền Não Là Do Đâu? Mình không học Phật thì không sao, nhưng học Phật rồi thì phát sinh nhiều vấn đề, làm cho những người xung quanh mình phiền não, cái gì mình học mà thấy hay hay, mình hay kêu người nhà mình phải làm theo, mà mình quên mất là mình cần phải áp dụng trên bản thân mình mà thôi, chứ không nên áp đặt pháp cho người khác
…Thậm chí ngay cả cái ý niệm đó cũng không có, chứ đừng nói chi đến cái chỗ là mở miệng kêu người ta phải làm cái này làm cái kia, học cái này, học cái nọ.
Căn bản nhất mà Ân Sư thường hay nhắc mình đó chính là: Học Phật chính là để sửa lỗi của bản thân mình mà thôi, chứ không phải là học rồi khuyên người này phải thế nọ ,khuyên người kia phải thế kia. Mà khi bạn nhìn ra được cái khuyết điểm này, thì bạn có sự thay đổi, đây chính là tiến bộ, thay đổi được cách suy nghĩ của mình, thì đây mới phát huy tác dụng của việc học Phật. Mà cách thay đổi này cũng rất là tích cực. Chứ bây giờ có lạy Phật để sám hối 1 ngàn lần hay 1 vạn lần mà đối với những sai lầm của mình, mà mình không thay đổi thì cũng chẳng được lợi ích gì.
Cho nên cái báo cáo đoạn đó của bạn con thấy rất là tích cực, chính là mình nhìn ra cái lỗi lầm của mình để mà thay đổi. Mình cũng nên hiểu rõ là: Mình niệm Phật là để cầu sanh Cực Lạc thế giới, chứ không phải niệm Phật để cho người khác xem, hay để cho Phật Bồ Tát chứng minh, hay là để cho oan gia trái chủ niệm Phật theo mình, hay là để bảo vệ bản thân mình khỏi oan gia trái chủ… Mình giật mình xem lại thì thấy, có những lúc mình niệm Phật cái tâm mình nó bị thiên lệch, nó vẫn có những ý niệm tự tư tự lợi.
Niêm Phật là ngồi yên đây rồi, mà vẫn còn có ý niệm điều khiển người và sự vật theo ý của mình, nghĩ là tôi niệm Phật như vầy là mọi người sẽ được lợi ích thế này, thế kia, rồi Ông Bà Cha Mẹ sẽ được thế này thế nọ…đây vẫn là cái chuyện bạn muốn điều khiển người khác theo ý của bạn, vẫn muốn ban phát công đức câu Phật hiệu cho chúng sanh, vừa khởi ý niệm đó thì công đức của câu Phật hiệu đâu có còn đâu? Bị xen tạp mất rồi!
Cho nên mình cần nhớ đến cái bài kệ mà mình thường nhắc nhau, đó chính là khi mình niệm Phật, là ngay lúc này đây, buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Nên thuộc bài kệ này, khi mình chuẩn bị niệm Phật, mình phải nhập vô trong cái cảnh giới thanh tịnh. Không mong, không cầu bất cứ thứ gì, buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Thì cái cầu sanh Cực Lạc đó chính là từng câu Phật hiệu nối tiếp nhau, chứ không cần thiết lúc đó mình phải liên tục đọc là: A Mi Đà Phật con nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc; A Mi Đà Phật con nguyện cầu sanh về thế giới Cực Lạc; không cần lặp lại như vậy. Cái nguyện của mình nằm trọn vẹn trong câu Phật hiệu rồi, chính cái nguyện đó nó mới thúc đẩy mình niệm Phật, thì cái nguyện đó đã nằm trong câu Phật hiệu rồi, không cần phải lập đi lập lại.
Ngoài cái nguyện này ra thì những mong cầu khác, đối với người niệm Phật đều là xen tạp, thậm chí nó chính là sự tham lam, si mê của mình; niệm Phật mà vẫn muốn điều khiển câu Phật hiệu để cho người này, cho người kia, phân phát mọi thứ…Trong Kinh A Mi Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật có dạy mình niệm Phật như vậy không? Hoàn toàn không thấy. Chỉ dạy mình đơn thuần là phát nguyện cầu sanh Cực Lạc, đây chính là cái nguyện duy nhất của người niệm Phật. Những thứ mong cầu khác khi niệm Phật đều là xen tạp, đều là sai lầm.
Trong việc học Phật mình cần biết đặt câu hỏi, thật sự là rất quan trọng, ví dụ: Con niệm Phật, con nghe pháp, con muốn được Vãng Sanh, con muốn thành Phật mà tại sao con vẫn chưa thành được? Tại sao nghe pháp thì con hiểu, nhưng áp dụng thực tế thì lại sai?
Thực chất là không phải ai trên lớp học này, vào lớp học này cũng đạt được cái chỗ là nghe pháp có thể hiểu rõ, có thể thực hành được đúng đắn. Nguyên nhân do đâu? Mình cần nhìn kỹ vào cái tâm của mình, có lẽ mình vẫn thiếu sự cung kính, mà lại dư thừa sự ngạo mạn và hời hợt.
Cái tâm ngạo mạn này, nó biểu hiện ở đâu? Không có thật sự buông bỏ thành kiến của bản thân, cách nghĩ của bản thân, nghe xong rồi tự áp đặt cái suy nghĩ của mình lên trên cái pháp đó…À con nghe rồi, con nghĩ con hiểu rồi..cái này biết rồi, Ân Sư giảng cái này hay quá, con thấy đúng đó, nhất định con phải làm được, hoặc thậm chí con đã làm được cái này rồi! Ân Sư Ngài giảng quá hay, mình nghĩ mình muốn áp dụng vô trong đời sống của mình ngay và luôn. Rồi lập tức thay đổi mọi thứ trong gia đình, thay đổi mọi thứ nề nếp, rồi thay đổi mọi người, khiến mọi người quanh mình phiền não vì mình rất nhiều…
Giống như bạn An báo cáo, là làm cho cái nhà mình loạn hết cả lên, mà lúc đó mà mọi người góp ý cho mình, mình đâu có chịu nghe đâu, mình toàn nghĩ mấy người này không học Phật nên không biết gì, cho nên mình không muốn nghe lời của họ, mình chỉ thấy mình đúng, người khác sai, chứ chưa từng nghĩ là mình sai! Cho nên đặc biệt là chuyện học giáo lí Thánh Hiền, học Phật pháp này, bắt buộc phải buông bỏ cái thành kiến của mình xuống, cái cách nghĩ của mình xuống, hoàn toàn tập trung lắng nghe lời dạy của Ân Sư, nghe tới nghe lui, nghe đi nghe lại, rồi tư duy, rồi hỏi han, con nghe cái chỗ đó con hiểu vậy có đúng không? Kính mong mọi người góp ý cho con, rồi bây giờ con nghe chỗ đó con hiểu như vậy, rồi bây giờ trong hoàn cảnh của con nè, con dự kiến là con sẽ thực hành như thế này, như thế này…
Nhưng mà rất tiếc, mình rất ít hỏi han ai, có lẽ cũng là từ tâm ngạo mạn và sỉ diện, cho nên ngại hỏi, quan trọng mình thấy mình đúng rồi nên đâu có cần hỏi ai đâu? Cho nên con cũng báo cáo nhiều lần, nhấn mạnh là mình cần giữ tâm Khiêm Tốn, cần phải học tập từ những người thành tựu. Học họ ở cái đức tính này, họ thật sự nghe lời làm theo, còn mình mình chưa có được như vậy. Mình phải nhìn rõ cái tập khí này của mình, đó là mình thích làm theo ý của mình, có lúc lại còn bóp méo pháp, bóp méo lời dạy của Ân Sư theo ý của mình. Mình tự nghĩ mình hiểu đúng rồi, mà mình không thật sự buông bỏ cái ý niệm khống chế pháp. Mình điều khiển người khác ở ngoài đời mình thấy chưa đủ, nay vô Phật pháp, là mình điều khiển luôn cả Phật pháp theo ý của mình, đây gọi là bóp méo pháp, thì làm sao mình đạt được lợi ích chân thật khi nghe pháp ạ?
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT 🙏