Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Quý vị đồng học, xin mời xem đoạn thứ 62 trong Cảm Ứng Thiên.
“Nguyện nhân hữu thất. Hủy nhân thành công” (Mong người khác thất bại; Phá hoại sự thành công của người khác)
Từ đây đến tám đoạn sau đều nói về “nhu ác” (điều ác ẩn giấu trong lòng). Ác có hai loại cương và nhu (ác bộc lộ bên ngoài qua hành vi và ác ẩn chứa trong tâm). Trong phần chú giải có nói với chúng ta “nhân chi hữu thất” (người có lỗi lầm, thất bại), đây là chuyện không may mắn. Chữ “thất” này nghĩa là lỗi lầm, cũng có nghĩa là gặp phải tổn thất nào đó.
Khi người gặp phải những chuyện không may, Hiền nhân hay quân tử nhìn thấy, nghe thấy đều luôn có tâm thương xót, nhất định không vui mừng khi người gặp tai họa. Nếu có tâm lý vui mừng thì chính là bất thiện. Thái Thượng ở đây nói với chúng ta đó cũng là điều ác, mặc dù không thể hiện ra hành vi nhưng khởi tâm động niệm này cũng là bất thiện.
Con người trên thế gian không thể tránh khỏi tai họa, là do nguyên nhân gì? Vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh trong lục đạo khởi tâm động niệm, tạo tác hành vi nhất định đều là ác nhiều thiện ít. Trong kinh điển Phật giáo, tôi thường hay đọc nhất là Bách Pháp Minh Môn Luận, trong Bách Pháp Minh Môn Luận nói với chúng ta, tâm phiền não của chúng sanh có 26 loại, tâm thiện chỉ có 11 loại. Có thể thấy phiền não là ác tâm sở nhiều gấp đôi thiện tâm sở. Hơn nữa, tập khí ác lại mạnh hơn tập khí thiện, cho nên nếu không nhận được giáo dục tốt, không có công phu tu trì tốt thì “khởi tâm động niệm, không gì là không tội”, điều trong Kinh Địa Tạng nói là chân thật. Không những Phật pháp nói như vậy, các tôn giáo khác cũng có cách nói này, cũng có cách nhìn giống như vậy.
Thế nên vui mừng khi người gặp họa là một thói quen không tốt. Nhìn thấy người khác gặp nạn, nhìn thấy người khác gặp chuyện không may còn ở đó vỗ tay cười lớn. Những tình cảnh này, từ các em nhỏ chúng ta cũng có thể nhìn thấy, đối với thành tựu và thiện hạnh của người khác, chúng ta ít tán thán; nhìn thấy người khác gặp chuyện không may thể hiện ra tâm thái vui mừng như vậy thì vô cùng nhiều. Chúng ta tự mình suy ngẫm tỉ mỉ lại xem, khi chúng ta còn nhỏ, lúc còn đi học có phải là cũng thường có hiện tượng này không? Khi chúng ta gặp chuyện không may, người khác dùng tâm thái như vậy nhìn chúng ta, chúng ta lúc đó có cảm nhận thế nào? Nếu có thể nghĩ đến mức độ này thì mới biết được sự tổn thương của những trò đùa quái ác đối với tâm linh, tinh thần của con người, chúng ta không nên làm chuyện này.
“Hủy nhân thành công”, “hủy” ở đây có hai ý, thứ nhất là hủy hoại, thứ hai là hủy báng. Thành công, không quan trọng thành công lớn nhỏ. Đối với người đang tổ chức sắp xếp công việc, hết thảy đều mong họ có thành tựu, đặc biệt là công việc vì xã hội, vì chúng sanh, đương nhiên nhân duyên trong công việc này vô cùng phức tạp. Sự nghiệp kinh doanh của một người, có ai mà không hi vọng có thành tựu chứ? Nếu chúng ta hủy hoại [công việc của họ], đó là tạo nghiệp.
Sự nghiệp thành tựu nhất định có nhân đời trước, người hủy hoại chỉ là tăng thượng duyên, giúp đỡ họ cũng là tăng thượng duyên. Thực tình mà nói đối với người kinh doanh sự nghiệp, rốt cuộc [sự hủy hoại đó] có tổn hại lớn bao nhiêu? Chỉ là sự cản trở thôi, còn muốn phá hoại thì trong Phật pháp nói là không thể được. Các vị trì hoãn thành tựu của họ, việc này thì có thể, nhưng thực sự không thể nào cản trở được, vì đó đi ngược lại với định luật nhân quả rồi.
Cho nên nếu chân thật thông đạt đạo lý nhân quả báo ứng và chân tướng sự thật thì con người sẽ bình tâm lại. Nhân tốt mà họ trồng trước đây, đời này nhất định có quả báo thiện, quả báo thiện hiện tiền nếu bị người khác chướng ngại thì có thể là sau năm năm, mười năm, quả báo thiện của họ vẫn sẽ hiện hành, phải biết đạo lý này. Nếu như chúng ta dùng thiện hạnh mà thành tựu điều thiện cho người, thành tựu cái đẹp cho người, đây là tu đức cho chính chúng ta. Hà tất phải tạo nghiệp, thành tựu điều xấu cho người chứ? Chướng ngại chuyện tốt của người, giúp đỡ chuyện xấu của người khác là tạo nghiệp. Như vậy là chúng ta tự mình tạo nghiệp rồi.
Nếu có người tạo phước cho xã hội, làm lợi ích cho chúng sanh, vậy thì các vị phải xem mức độ ảnh hưởng của nó, thời gian ảnh hưởng của nó. Nếu như tầm ảnh hưởng lớn, thời gian dài, vậy thì tội nghiệp [phá hoại] này nặng rồi. Ngàn vạn lần không nên cho rằng, chúng ta hữu ý hay vô ý tạo nghiệp này thì đại khái không quá nghiêm trọng, vậy chúng ta đã nghĩ sai rồi. Nghĩ sai thì thường sẽ làm sai, cho đến khi quả báo hiện tiền, hối hận cũng đã muộn rồi. Cho nên con người nhất định phải có tâm từ bi, phải có tâm đồng cảm. “Điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”, khởi tâm động niệm phải thường xuyên cảnh tỉnh quán sát, chúng ta có nên suy nghĩ như vậy không? Có nên nói những lời này không? Có nên làm những việc này không?
Mời xem câu tiếp theo:
“Nguy nhân tự an. Giảm nhân tự ích” (Làm người khác lâm nguy để cho mình yên ổn; Làm người khác hao tổn để cho mình ích lợi)
Ý nghĩa này rất rõ ràng, không khó hiểu, hơn nữa chúng ta thường phạm phải. Gặp phải chuyện nguy hiểm, thường thì chúng ta bảo người khác đi thay, chuyện có lợi ích thì luôn hi vọng chính mình chiếm thêm được lợi. “Giảm nhân tự ích” tức là tổn hại người, thêm lợi cho mình, đây là quan niệm sai lầm. Câu đầu tiên trong chú giải nói rất hay, “ngàn vạn quyển kinh cũng chỉ nói về một chữ tâm”. Không những là Phật giáo, mà hết thảy tôn giáo, thực tế mà nói đều chỉ nói một chữ tâm. Tôn giáo có thể chung sống hòa bình với nhau không? Dân tộc có thể đoàn kết hay không? Từ lý luận Phật pháp mà nói nhất định là có thể, khẳng định chắc chắn, chỉ cần mọi người giác ngộ, chỉ cần mọi người hiểu được chân tướng vụ trụ nhân sanh. Có thể nói rằng các tôn giáo khác nhau, các học thuyết khác nhau trên thế giới cũng giống như chúng ta đứng ở các vị trí khác nhau để nhìn về một sự việc. Sự việc chỉ có một, do chúng ta đứng ở những vị trí không giống nhau nên mọi người nhìn thấy không như nhau, thực ra chỉ là một sự việc.
Cũng giống như nắp ly trà này, chúng tôi cầm lấy đặt ở đây, mọi người ở hai bên nhìn vào, người ở bên này nhìn thấy nhô ra, người bên kia nhìn thấy lõm vào, sau đó hai bên cãi nhau, tranh luận, vĩnh viễn ai cũng không chịu phục ai, là do không nhìn thấy được hết toàn bộ. Nếu đổi chỗ cho nhau mà nhìn thì vấn đề không phải là giải quyết rồi sao?
Mỗi một tôn giáo nhìn nhận Thần và Thượng Đế của mình cũng là như vậy, thực ra chỉ là một. Phật pháp nói viên mãn, nói thấu triệt, Phật nói với chúng ta một cách rốt ráo nhất: “Mười phương ba đời chư Phật cùng đồng một pháp thân”, đồng một tâm, một trí huệ. Cho nên Phật nói với chúng ta chân tướng sự thực rằng, hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới là chính mình, đó chẳng phải là bao gồm toàn bộ hay sao?
Việc này là thật, Kinh Hoa Nghiêm có nói, hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, tâm là tâm của chính mình, thức là thức của chính mình, lìa khỏi tâm, thức thì không có pháp nào có thể đạt được. Cho nên Phật pháp nói tới chân lý đích thực đều là nói tự tánh: Tam bảo thì nói tự tánh Tam bảo, người niệm Phật thì nói tự tánh Di-đà, tự tánh Tịnh độ. Nếu như các vị hiểu được đạo lý của câu nói này thì thế giới này của chúng ta chẳng phải là tự tánh Ta-bà, tự tánh Thích-ca hay sao? Mở rộng đến các tôn giáo khác, các vị cũng hiểu được tự tánh Thượng Đế, tự tánh Cơ Đốc, các vị liền hoát nhiên đại ngộ, hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều buông xuống.
Vọng tưởng phân biệt chấp trước từ đâu mà có? Từ chỗ chỉ nhìn thấy một phần, không nhìn thấy viên mãn. Việc này hiện tại chúng ta gọi là hiểu lầm, trong Phật pháp gọi là thiên kiến, không nhìn thấy một cách viên mãn. Cho nên giáo dục Phật pháp là viên mãn, không thiên về bên nào, đó mới chân thật có thể giải quyết hết thảy vấn đề. Phật pháp nói tu hành chứng quả, chứng đạo. Quả và đạo là chân tướng sự thật, hiểu chân tướng rồi thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng đoạn trừ.
Nhưng làm thế nào hiểu được chân tướng sự thật? Nhất định phải phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nói cách khác, phải buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước càng tan nhạt thì các vị hiểu được chân tướng sự thật càng nhiều, càng thâm nhập. Nếu chấp trước kiên cố, phân biệt một cách nghiêm trọng thì sẽ chướng ngại trí huệ của chúng ta.
Trí huệ là vốn có, không phải từ bên ngoài mà có. Trí huệ là năng chứng, pháp giới (chính là chân tướng sự thật) là sở chứng, năng sở là một không hai. Cảnh giới này là cảnh giới trên quả địa của chư Phật Như Lai. Phật nói với chúng ta Ngài chứng đắc, khích lệ chúng ta cũng phải chứng đắc, như vậy mới có thể có được lợi ích thực sự, thọ dụng chân thật.
Từ những điểm này chúng ta có thể thực sự thể hội chư Phật Như Lai vì sao phải giúp đỡ hết thảy chúng sanh, hơn nữa còn giúp đỡ không tư lợi, không điều kiện. Đây là điều mà phàm phu chúng ta không cách nào lý giải được. Tại sao các Ngài phải làm như vậy? Vì các Ngài biết tận hư không khắp pháp giới là cùng một thể, kinh Đại Thừa gọi là “pháp thân”, cùng một pháp thân. Cũng giống như cơ thể của chúng ta, nếu trên cơ thể có bộ phận nào bị đau đớn, các bộ phận khác liền đến giúp đỡ. Nếu như tay phải của chúng ta bị tê, tay trái tự nhiên sẽ giúp đỡ, có cần điều kiện hay không? Có cần đòi hỏi thù lao hay không? Phật biết hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới là một thể, cho nên Ngài giúp đỡ không điều kiện, như vậy mới nói “lợi ích chúng sanh chân thật là lợi ích chính mình”.
Thế nhưng hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay đều đọa lạc trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không hiểu được chân tướng sự thật, không biết được pháp giới là một thể, cho nên nhìn thấy tay phải đau đớn, tay trái không chịu giúp đỡ, nếu giúp đỡ thì đòi hỏi, đòi thù lao, rồi còn hỏi vì sao phải giúp đỡ chứ? Không biết đó là một thể.
Nhà Phật nói, “Vô thượng Bồ-đề, cứu cánh viên mãn”, đó là thực sự thấu triệt hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới là một thể. “Mười phương ba đời chư Phật, cùng đồng một pháp thân, một tâm một trí huệ”, [hiểu được như vậy] thì những lỗi lầm trên tự nhiên sẽ không còn nữa. Vì không hiểu chân tướng sự thật mới sanh ra những lỗi lầm này. Cho nên Phật dạy chúng ta nhận thức được chân tướng sự thật thì mới biết được làm thế nào để giúp đỡ chính mình, làm thế nào khiến cho chính mình được lợi ích chân thật. Không còn gì khác, chỉ là toàn tâm toàn ý giúp đỡ xã hội, giúp đỡ hết thảy chúng sanh.
Đích thực là có một số chúng sanh đánh mất tự tánh, không hiểu chân tướng sự thật, thế nên trong tất cả những sự giúp đỡ, quan trọng nhất là Phật Bồ-tát giúp chúng sanh hiểu được chân tướng sự thật. Điều này chúng ta thường nhìn thấy trong kinh điển, [các Ngài] chân thật là từ bi, từ bi vô tận. Chúng ta chính mình tu học, tu dưỡng cũng lấy điều này làm chính, phương hướng mục tiêu đúng đắn rồi, trong đời này mới có thể có được thành tựu. Nếu sai phương hướng mục tiêu, Phật pháp Đại thừa gọi là không tương ưng thì thành tựu không phải là Phật pháp mà là thế gian pháp. Phật pháp là giác, thế gian pháp là mê, khác nhau chính là ở chỗ này.
**********
Chúng ta tiếp tục xem đoạn thứ 64 trong Cảm Ứng Thiên.
“Dĩ ác dịch hảo. Dĩ tư phế công” (Dùng thứ xấu thay cho đồ tốt [trong khi giao dịch], vì việc riêng tư mà phế bỏ việc công).
Và đoạn thứ 65 “Thiết nhân chi năng. Tế nhân chi thiện” (trộm cắp tài năng của người, che lấp việc tốt của người)
Chúng ta xem hai đoạn này, những việc này đều là những việc mà chúng ta rất dễ phạm phải trong cuộc sống hằng ngày, gọi là “kén chọn”. Cho dù là ở hoàn cảnh nào, môi trường nào, người giác ngộ và người chưa giác ngộ khác nhau chính là ở điểm này. Người giác ngộ sống trong thế gian này là vì chúng sanh, người mê hoặc sống ở thế gian này là vì lợi ích của chính mình. Vì lợi ích của chính mình mà sống trên thế gian này, đương nhiên phải chịu luân hồi quả báo, gọi là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, lục đạo luân hồi là nhà của họ. Nếu như sống vì chúng sanh, hết thảy vì chúng sanh thì lục đạo không liên quan đến họ.
Cho nên người mê hoặc cho dù ở trong hoàn cảnh nào, gặp cái gì tốt đều phải chiếm cho riêng mình, cái không tốt thì nhường cho người khác, chúng ta bình lặng mà quan sát thì có thể nhìn thấy. Sau khi nhìn thấy thì quay đầu suy ngẫm lại xem bản thân chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật như thế nào? Có phạm phải cái tội này không? Bình lặng mà suy nghĩ thì sẽ hiểu.
Chúng ta hiện tại là người trong luân hồi, hay chân thật là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc? Nếu như thực sự là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc đến nơi luân hồi này để giúp đỡ người khác thì gọi là cứu độ hết thảy chúng sanh.
Cứu độ hết thảy chúng sanh thì phải thể hiện hành vi cho người khác xem. Người thế gian tham ái còn chúng ta thí xả, người thế gian muốn lấy những món đồ tốt, chúng ta thì lấy những thứ còn lại. Cái gì mà mọi người bỏ đi thì chúng ta lấy, thứ mọi người cần thì chúng ta tận lực cúng dường họ.
Năm xưa khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, quần áo mà người xuất gia mặc trong tăng đoàn gọi là “y phấn tảo”. Thế nào gọi là “y phấn tảo”? Quần áo cũ mà người ta mặc không cần nữa, vứt ra đống rác thì người xuất gia nhặt về, trong đó vẫn còn phần có thể dùng, miếng vải này cắt ra, may ghép lại, cứ như vậy mà may thành một bộ y phục. Cho nên chúng ta nhìn thấy y mà người xuất gia đắp có từng ô từng ô, những ô đó là gì? Là nhặt từ khắp mọi nơi mà ra. Bởi vì chất liệu không như nhau, màu sắc cũng không giống nhau, mặc vào rất khó coi, cho nên phải nhuộm lại, cho nên gọi là “y nhiễm sắc”. Đây là tấm gương mà Thế Tôn, chư Phật Bồ-tát làm cho chúng ta xem, giáo hóa người đời, tập khí ác này mới có thể trừ bỏ đi.
“Dĩ tư phế công” (vì việc riêng phế bỏ việc chung), đây là hiện tượng rất phổ biến. Có một chút địa vị, có một chút quyền thế thì ra sức lợi dụng quyền thế của chính mình để đạt được lợi ích cho riêng mình. Hối lộ tuy là người ta mang tới tặng, nhưng trong Phật pháp gọi nhận hối lộ là trộm cắp. Tuy chúng ta không đi ăn trộm, là người ta đưa tới nhưng họ không phải là cam tâm tình nguyện mang tới, họ đến nhờ vả các vị, bất đắc dĩ phải mang đến, đó là trộm cắp. Thủ đoạn trộm cắp rất nhiều, phương pháp rất nhiều. Nói cách khác, phàm những thứ không nên có được, bất luận là dùng bất kỳ thủ đoạn gì, khi các vị có được rồi đều gọi là trộm cắp.
“Dĩ tư phế công, dĩ ác dịch hảo” (Lấy xấu đổi tốt. Vì chuyện riêng phế bỏ việc chung), phải xem mức độ lớn nhỏ, tầm ảnh hưởng lớn nhỏ, thời gian ảnh hưởng dài hay ngắn của việc này mà kết tội. Trong Phật pháp, trước đây chúng ta từng đọc qua câu “ủng tắc phương thuật” (cản trở tài năng người khác), tôi từng nói qua với mọi người, những câu này gần như đều có quan hệ liên đới với nhau.
Giống như hiện nay chúng ta lưu thông Phật pháp, cho dù là lưu thông kinh điển, lưu thông băng đĩa, chúng ta lấy việc này làm thí dụ. Những việc này mọi người ủy thác các vị đi làm, liên quan đến tiền bạc, nếu các vị cắt giảm tiền, chiếm một phần trong số tiền đó làm của riêng thì tội này vô cùng nặng. Chúng ta in sách, các vị cần nghiêm túc chọn giấy, nghiêm túc mà suy nghĩ, xem xét nhiều mặt, nếu mong muốn quyển kinh này có thể lưu truyền lâu dài thì các vị nhất định phải chọn giấy tốt, mới có thể bảo tồn một thời gian dài. Giấy của người phương Tây, hiện nay cao cấp là giấy in Kinh Thánh, có thể bảo tồn 200 năm. Các loại giấy bình thường, độ bền của nó nhiều nhất là 100 năm, đến lúc đó thì giấy sẽ biến thành bột. Tuy giấy của Trung Quốc nhìn không đẹp bằng giấy của ngoại quốc nhưng lại bền, giấy Mao Biên Trung Quốc có thể bảo tồn 500 năm, giấy Tuyên, giấy Liên Sử, không biết các vị có biết giấy Liên Sử không? Giấy Liên Sử rất mỏng mềm, đều có thể bảo tồn đến 1.000 năm. Cho nên chúng ta muốn in sách, có suy nghĩ đến việc này hay không? Nếu như đây là sách thiện, hi vọng nó có thể được bảo tồn dài lâu, vậy nên giao sách này cho ai? Giao cho các thư viện sách sưu tầm bảo tồn, như vậy có thể truyền được dài lâu. Cho nên chúng ta phải suy nghĩ đến vấn đề này, không thể tính toán quá tiết kiệm. Nếu như để phổ cập, tuyên truyền, hi vọng mọi người hiểu được, càng nhiều người có được sách thì giấy kém hơn một chút cũng không sao, số lượng cần phải lớn. Thế nên trọng điểm xem xét nằm ở chỗ này, chúng ta phải làm như thế nào? Nhất định phải làm được tận thiện tận mỹ, khi người ta cầm sách trên tay thì sanh tâm hoan hỷ. Dùng tiền, một xu một hào cũng không thể lãng phí, lãng phí là tạo tội nghiệp, cho nên công tư phải phân biệt cho rõ ràng.
Phật Tổ không những dạy chúng ta tu phước mà quan trọng nhất là phải tiếc phước (trân quý và tiết kiệm phước báo). Người thế gian biết tu phước, nhưng người biết tiếc phước thật sự quá ít. Có thể nói rằng các nước đang phát triển, người biết tiếc phước càng ngày càng ít, những khu vực chưa phát triển thì người biết tiếc phước nhiều hơn. Vì sao vậy? Vật chất vô cùng thiếu thốn, cho nên đối với vật chất họ vẫn còn quý tiếc, chúng ta phải hiểu những đạo lý này.
Chú giải ở trong Vựng Biên có lấy một ví dụ: “dĩ ác dịch hảo, như thiết dịch kim, thạch dịch ngọc” (lấy xấu đổi tốt, như lấy sắt làm vàng, lấy đá làm ngọc), chuyện này rất nhiều. Đặc biệt trong thương trường, việc này cũng không là gì, họ đem sắt mạ thành vàng, dùng vàng này đi lừa người, đem cục đá biến thành ngọc nhằm lừa người, để người ta thích mua ngọc. Lừa họ cũng không nghiêm trọng, dù sao thì họ cũng là kẻ có tiền. Thế nhưng tạo nghiệp lớn nhất là làm ra thuốc giả, tội này vô cùng lớn, trước mắt có thể đạt được chút lợi ích, nhưng nhất định sẽ đọa A-tỳ địa ngục. Các vị bán thuốc giả, hại mạng người, tội này vô cùng lớn. Phàm là về phương diện mưu sinh của chúng sanh, nếu như các vị “dĩ ác dịch hảo” (lấy xấu đổi tốt) thì tội này nặng vô cùng. Bởi vì đó là những gì cuộc sống cần, sanh mạng nương tựa vào, tu đức cũng phải hạ công phu từ chỗ này.
Ở đây có dẫn một đoạn của Tứ Tổ (Đạo Tín) bên Thiền tông, “Cảnh duyên không tốt xấu, xấu tốt từ nơi tâm, tâm nếu như không tham hư danh thì vọng tưởng tình thức từ đâu mà sanh chứ?”. Phật pháp là tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Trong tâm của các vị vẫn còn xấu tốt, vẫn còn đẹp xấu thì đây là phiền não hiện tiền của các vị. Chính mình nhất định phải giác ngộ rằng đó là đang tạo nghiệp.
Trong đây có một câu chuyện về pháp sư Nguyên Hiểu, một vị cao tăng của Hàn Quốc, người thời Đường, cũng là đại đức của Tịnh độ tông. Ngài đến Trung Quốc tìm thầy tìm bạn, chịu không ít khổ nhọc. Buổi tối phải ngủ ngoài nghĩa địa, nửa đêm khát nước tỉnh dậy không có nước uống, nhìn thấy bên cạnh có nước, ngài liền múc nước đó lên mà uống. Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy mới biết đó là nước do tử thi chảy ra. Lúc đó khi vừa nhìn thấy thì trong lòng Ngài cảm thấy buồn nôn, sau đó Ngài hoát nhiên đại ngộ, nói rằng: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, mỹ ác tự ngã, hà quan thủy hồ” (ba cõi chỉ là tâm, vạn pháp chỉ là thức. Tốt xấu đều do ta, quan hệ gì đến nước?). Khi ngài uống thì không biết, cho rằng đó là đang uống nước suối, uống rất là thoải mái, buổi sáng nhìn lại thì không phải vậy, đó là nước từ tử thi chảy ra ngấm vào trong nước, Ngài từ chỗ này mà giác ngộ, hết thảy đều do tâm tạo, tâm của các vị là bình đẳng thanh tịnh thì nước của tử thi cũng rất ngon.
Cho nên “dĩ tư phế công” (vì việc riêng phế bỏ việc chung) là hoàn toàn chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, thuận tiện cho chính mình, không quan tâm người khác, cho mình dư giả một phần thì người khác phải chịu thiệt hại một phần. Cho nên ở đây rất đơn giản, chúng ta phải xây dựng một khái niệm, chúng ta học Phật, hay là mong muốn tiếp tục làm phàm phu? Nếu như muốn học Phật, muốn thành Phật thì chúng sanh là thứ nhất, hết thảy vì chúng sanh, xả mình vì người, sống trên thế gian này đều là vì chúng sanh. Nhất định phải đọc kinh điển, phải hiểu nghĩa, phải y giáo phụng hành, tu hành phải trong đời sống, lìa xa đời sống thì không có nơi nào mà tu hành.
Chúng ta đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách làm sai lầm của chính mình thì gọi là tu hành. Chư Phật Như Lai biểu hiện ra hoàn toàn đều là sự lưu lộ tự nhiên của tánh đức, là đức hạnh viên mãn nhất, không có chút nào khiếm khuyết. Phàm phu chúng ta vẫn chưa kiến tánh, chưa kiến tánh thì học hành vi của Phật Bồ-tát. Chúng ta phải ghi nhớ, học Phật Bồ-tát không phải là học theo một cá nhân nào đó, mà hành vi của các Ngài là sự lưu lộ tự nhiên của tự tánh, chúng ta học theo các Ngài thì cũng là sự hiển lộ từ tự tánh, cho nên phải hiểu đạo lý này. Phật pháp không phải là xỏ mũi người khác dắt đi, không phải như vậy, đó là sai lầm. Mà do các Ngài đã kiến tánh rồi, chúng ta vẫn chưa kiến tánh, chúng ta học theo tấm gương của các Ngài thì chính mình cũng sẽ kiến tánh.
Cho nên nhất định phải buông bỏ thành kiến của chính mình, buông bỏ kiến giải của chính mình, buông bỏ cách nghĩ cách nhìn của chính mình, nghe theo lời dạy bảo của Phật-đà, đó gọi là quy y. Tự mình phải biết từ đâu mà quy y. Từ phân biệt, vọng tưởng, chấp chước của chính mình, từ cách nghĩ cách nhìn sai lầm của chính mình mà quay đầu trở lại, làm theo lời dạy bảo của chư Phật Bồ-tát. Chúng ta mới học Phật, vẫn chưa kiến tánh, nhất định phải dùng phương pháp này.
Mời xem câu tiếp theo:
“Thiết nhân chi năng. Tế nhân chi thiện” (trộm cắp tài năng của người khác, che lấp việc tốt của người khác)
“Thiết” là trộm cắp. Thí dụ trong đây rất hay: “Trộm cắp văn chương của người khác làm của mình”. Chuyện này từ xưa đến nay rất phổ biến, văn chương người khác viết, chiếm lấy thành của riêng mình, đem tên của người ta xóa đi rồi phát hành bằng tên của chính mình. Người ta vất vả bao nhiêu năm nghiên cứu mới đưa ra được một bài luận văn, kết quả bị người khác cướp đi mất.
Khi tôi ở Los Angeles nước Mỹ từng thấy qua việc này, cư sĩ Triệu Lập Bổn là giáo sư đại học, mất bao nhiêu năm nỗ lực nghiên cứu ông viết ra mấy bài luận văn, kết quả đưa ra lưu hành thì không phải tên ông mà là tên người khác. Cho nên ông rất bất bình, sau đó xin nghỉ việc, đi mở quán ăn, ông đem chuyện đó kể cho tôi. Những chuyện mạo danh công lao của người khác xưa nay trong và ngoài nước, chúng ta cũng thấy trong lịch sử, đó chính là lừa mình dối người. Chúng ta phải tỉ mỉ quan sát, nhìn xem họ có kết quả tốt hay không? Đa phần lúc về già đều gặp phải quả báo. Cho dù đời này không lụn bại nhưng trong Cảm Ứng Thiên nói rất hay, các vị có thể lừa được người khác, nhưng không thể lừa được thiên địa quỷ thần, thiên địa quỷ thần thật sự có, không phải là giả, không phải là dùng để dọa người. Chúng ta phải biết những đạo lý chân thật này.
Đặc biệt là chúng ta sống trong thời hiện nay, các vị chỉ cần bình lặng mà quan sát thông tin báo cáo trên nhiều phương tiện truyền thông thì sẽ hiểu được chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại như thế nào. Tai nạn mỗi năm mỗi nhiều hơn, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước, chúng ta vẫn còn chưa giác ngộ, vẫn còn ở đó mà tạo nghiệp, hậu quả không thể tưởng tượng được, hơn nữa hậu quả này sẽ đến rất nhanh. Chúng ta sanh trong thời đại này là do cộng nghiệp mà cảm ứng, chúng ta có thể tránh được không? Nếu như có cái tâm muốn tránh khỏi, suy nghĩ như vậy cũng là sai lầm. Chúng ta phải rõ ràng, không thể nào may mắn tránh khỏi, vậy chúng ta phải làm sao? Chúng ta nhất định phải nghe theo lời dạy bảo của Phật Bồ-tát, sống một ngày thì ngày đó phải tích lũy công đức, đoạn ác tu thiện, không sợ chết. Con người ai mà không chết? Chết rất bình thường, vấn đề là sau khi chết sẽ đi về đâu? Người thế gian đều không hiểu, chúng ta phải hiểu, phải nắm bắt cơ hội đoạn ác tu thiện, vậy thì các vị nhất định đúng rồi.
Cái gì là thiện, cái gì là ác phải hiểu rõ ràng. Lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh là thiện, lợi ích cho chính mình là ác, nhất định phải hiểu rõ ràng, toàn tâm toàn lực vì xã hội, vì chúng sanh, xả mình vì người, phục vụ mọi người. Các vị thành tâm thành ý phục vụ họ, chưa chắc họ cảm ơn các vị, nhưng chúng ta biết đây là việc nên làm thì nhất định phải làm. Chúng ta không phải mong cầu người ta cảm kích, chỉ là phải làm tốt bổn phận của mình. Bổn phận của chúng ta là xả mình vì người, vì chúng sanh phục vụ. Trong khi phục vụ, việc quan trọng nhất là giúp người khác giác ngộ, giúp người khác đoạn ác tu thiện, giúp đỡ người phá mê khai ngộ. Chúng ta có thể làm như vậy thì mới chân thật là đệ tử Phật, thật sự là hành Bồ-tát đạo. Cho nên không thể không đọc kinh, không thể không lý giải, sau khi hiểu được đạo lý thì nhất định phải y giáo phụng hành.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây. A Di Đà Phật!