Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.78)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Xin mời xem đoạn thứ 68 của Cảm Ứng Thiên:

Ly nhân cốt nhục, xâm nhân sở ái, trợ nhân vi phi.” (Gây chuyện thị phi, hại người cốt nhục ly tán, xâm đoạt sở ái của người)

Ba câu nói này phía trước đã nói qua, ý nghĩa của nó rất sâu, rất rộng, hơn nữa cũng rất dễ phạm phải. Nay giảng giải thêm vài lần để chúng ta có thêm ấn tượng, sẽ có ích đối với chúng ta.

Mỗi một người thế gian đều muốn tốt, đều muốn thiện, thế nhưng lại luôn luôn tạo ra một số lỗi lầm, tự mình cũng không biết được. Nguyên nhân của nó thì chúng ta có thể hiểu, nền giáo dục hiện tại và trong quá khứ không như nhau. Người xưa vô cùng xem trọng việc phòng ngừa ngay từ đầu, biết được giáo dục là quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Con người là một loại động vật, có thể được xếp cao hơn những động vật khác chính là vì họ được tiếp nhận giáo dục, họ hiểu chuyện, họ rõ lý. Hầu hết các động vật không thể tiếp nhận nền giáo dục này, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng ta và các loài động vật khác. Nếu như con người không được tiếp nhận giáo dục thì cổ Thánh tiên Hiền đều biết rằng, trong tất cả các loài động vật thì con người là loài đáng sợ nhất.

Chúng ta thường thấy các loài rắn độc, các loài thú dữ, sau khi đã ăn no rồi thì chúng tuyệt đối sẽ không làm hại đến các loài động vật nhỏ khác, nhưng loài động vật là con người thì không như vậy, họ dù đã ăn no, mặc ấm, hết thảy đều rất tự tại rồi nhưng vẫn cứ ăn hiếp kẻ khác, vẫn cứ đi giết hại kẻ khác. Cho nên trong tất cả những loài vật, chúng ta hãy tỉ mỉ mà suy nghĩ lại xem có phải [con người] là tàn nhẫn nhất trong tất cả loài động vật hay không?

Thế nên, cổ Thánh tiên Hiền và chư Phật Bồ-tát đã tái lai để hóa đạo chúng sanh. Chúng sanh chủ yếu nhất chính là con người. Con người nếu như giác ngộ rồi thì thành tựu sẽ vô cùng nhanh, tất cả loài động vật khác không cách gì so bì được. Con người nếu không được giáo dục thì đọa lạc cũng rất nhanh, đọa vào A-tỳ địa ngục, hiện tượng này chúng ta đã nhìn thấy rất rõ ràng rồi.

Phật dạy chúng ta sửa chữa những tư tưởng hành vi sai trái này. Cổ Đại đức bất luận là Tông Môn hay Giáo Hạ đều khuyên chúng ta phải tu từ gốc rễ, gốc rễ là gì? Gốc rễ chính là tâm địa, là ý niệm, phải đem ý niệm chuyển đổi trở lại. Thích-Ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, thực tế mà nói không chỉ là một mình Thế Tôn mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều vì hết thảy chúng sanh mà giảng kinh thuyết pháp. Giảng nói những gì vậy? Trong Kinh Bát Nhã đã nói rằng: “chư pháp thật tướng”, dùng lời hiện nay mà nói là chân tướng sự thật của hết thảy pháp, là giảng nói những điều này.

Ở trong chân tướng sự thật thì quan trọng nhất là vì chúng ta mà nói rõ vũ trụ từ đâu mà có, hết thảy vạn vật từ đâu mà có, sinh mạng từ đâu mà có, đây là chân tướng sự thật. Nếu thông đạt hiểu rõ hết thảy chân tướng sự thật rồi, trong nhà Phật nói là “bạn đã thành Phật rồi”, nếu chân tướng sự thật đã hoàn toàn bị mê hoặc thì gọi là chúng sanh. Phật và chúng sanh khác biệt chính là ở chỗ này.

Hơn nữa, chân tướng sự thật là gì? Phật đã nói rất nhiều lần nhưng chúng ta không tin, chúng ta không thể lý giải được, chúng ta cũng không có cách nào tiếp nhận. Phật nói vũ trụ nhân sanh hết thảy vạn vật đều là chính mình, những lời này chúng ta nghe thì không hiểu được, làm sao lại là chính mình được chứ? Nhưng thật sự là chính mình, khi giác ngộ rồi mới biết là chính mình, khi còn mê thì không biết được. Ví dụ như thân thể của chúng ta, mọi người đều biết nó là do vô số tế bào hợp thành, thân thể của chúng ta cũng giống như hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới này vậy, đó là một chỉnh thể hoàn chỉnh, là một sinh mạng, nhưng mỗi một tế bào trong cơ thể của chúng ta lại không biết [điều này]. Mỗi một tế bào đều độc lập, mỗi một tế bào đều tự cho mình là đúng, không thể hỗ trợ hợp tác với nhau, đôi bên còn làm hại lẫn nhau, vậy thì bộ phận ở chỗ đó bị tê liệt, bị bệnh rồi. Cho nên ngày nay là hiện tượng gì? Không đơn giản là câu mà mọi người hay nói “địa cầu đã bị bệnh rồi”, mà là vũ trụ bị bệnh rồi. May mắn thay, đó là căn bệnh cục bộ, không phải toàn bộ, bởi vì còn có người giác ngộ. Người giác ngộ là những tế bào tốt đi giúp đỡ những tế bào xấu hồi phục khỏe mạnh trở lại. Tế bào tốt chính là chư Phật Bồ-tát, tế bào xấu là lục đạo chúng sanh, đồng là một sanh mạng hoàn chỉnh, nghìn kinh vạn luận đều nói rõ cho chúng ta đạo lý này nhưng chúng ta không biết được.

Phật đã dốc hết tâm sức giảng suốt 49 năm, nhưng người chân thật nghe hiểu thì có mấy người chứ? Thật sự là không nhiều. Người nghe hiểu thì gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, người đó đã thành Phật rồi. Có lẽ cũng có người nghe hiểu, hiểu rồi nhưng tập khí vẫn chưa sửa đổi trở lại được. Có người nghe hiểu nhưng đó nhất định không phải là phàm phu lục đạo chúng ta, là những người nào vậy? Là A-la-hán, Quyền Giáo Bồ-tát, họ đích thực đã siêu vượt tam giới, họ đã hiểu rồi, tâm họ chân thật sửa đổi lại nhưng tập khí thì chưa sửa đổi. Trong Tiểu thừa, người đã sửa đổi tập khí đó là Bích-chi Phật, trong Đại Thừa nếu đã sửa được tập khí thì gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Nếu không phải Pháp Thân Đại Sĩ thì người này chân thật đã quay đầu rồi nhưng tập khí vẫn còn, người Đại Thừa thì được gọi là Quyền Giáo Bồ-tát, khác biệt chính là ở chỗ này.

Nội tâm chuyển trở lại rồi thì hành vi của họ nhất định không như trước nữa. Từ đâu mà nhìn thấy? Từ xử sự đối người tiếp vật. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi mà chúng ta thường nói, đã hoàn toàn hiển lộ ra một cách tự nhiên, không một chút miễn cưỡng. Chúng ta hiện tại đang học, nhưng học vẫn chưa giống, cảm thấy vẫn không giống, đây là miễn cưỡng, không phải là lưu xuất ra một cách tự nhiên. Khế nhập cảnh giới, chân thật hiểu rõ rồi thì sẽ tự nhiên. Tuy là miễn cưỡng nhưng cũng phải học, nếu không miễn cưỡng thì bạn sẽ không đạt được tự nhiên. Ngạn ngữ có câu “quen rồi sẽ trở thành tự nhiên”.

Có thể thấy thói quen này chính là [nhờ] dạy học. Người xưa dạy học, từ nhỏ đã dần dần tập thành thói quen cho trẻ nhỏ, đến khi giác ngộ rồi chúng sẽ thuần thục, tự nhiên. Cho nên từ trên thói quen mà bồi dưỡng cho bạn, khiến bạn khế nhập cảnh giới. Từ đây mà thấy, Phật pháp phải tu hành, những kinh giáo này bạn phải đọc cho thật thuộc lòng. Tuy có thể đã thông hiểu, nhưng bạn không chịu làm thì sự thông hiểu của bạn có giới hạn, rộng hẹp sâu cạn đều có phạm vi, bạn không cách gì siêu vượt qua ranh giới cực hạn của bạn. Thế nên ở trong hành môn của mình bạn nhất định phải đi nghiệm chứng tất cả những điều bạn tin, những điều bạn hiểu, đó gọi là công phu.

Đến khi hoàn toàn khế nhập cảnh giới rồi, thì hai chữ công phu này không cần phải bàn đến nữa, không có nữa, đó gọi là trở về với tự nhiên. Tự nhiên là gì? Là pháp tánh. Tông Môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, Giáo Hạ thì gọi là “đại khai viên giải”. Người này đã thành Phật rồi. Tuy thành Phật nhưng Phật cũng có khác nhau, có Phật viên mãn, có Phật chưa viên mãn. Người xưa có thí dụ, trong kinh Phật cũng có thí dụ, thí dụ rất hay, Phật viên mãn thì tỉ dụ cho trăng đêm rằm, là rốt ráo viên mãn. Còn Phật chưa viên mãn thì ví như trăng của đêm mùng ba, mùng bốn, cho đến trăng của đêm mười bốn. Đó đều là mặt trăng thật, không phải trăng giả. Tuy là Phật thật, nhưng ở trong số Phật thật thì có Phật chưa viên mãn và Phật viên mãn, thế nhưng các Ngài đều là Phật thật, cũng chính là nói các Ngài đã trở về với tự nhiên, đã tương ưng với pháp tánh viên mãn.

Vì sao nói các Ngài vẫn chưa đạt đến viên mãn rốt ráo? Cũng chính là vì vẫn chưa đoạn hết tập khí, thế nên đoạn tập khí không dễ dàng. Nếu là miễn cưỡng tu học thì tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi không hoàn toàn lưu lộ ra từ trong tự tánh. Đó là Quyền Giáo Bồ-tát, còn ở trong thập pháp giới, chưa siêu vượt thập pháp giới. Trong thập pháp giới có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật. Phật Tạng giáo, Phật Thông giáo đều chưa trở về với tự nhiên, các Ngài vẫn đang chân thật dụng công nỗ lực. Cũng như chúng ta ngày nay thường nói là các Ngài đang dụng công phu. Pháp Thân Đại Sĩ thì không bàn đến hai chữ “công phu” này, không có, ý niệm cũng không có, không những nói trên hình thức mà ý niệm cũng không có. Loại cảnh giới này chúng ta có thể đạt được không? Đáp án là khẳng định được, nhất định có thể làm được. Hơn nữa, một phàm phu sát đất như chúng ta lại còn có thể trong một đời chứng được quả vị Phật cứu cánh viên mãn, có thể làm được [điều này].

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đã làm ra tấm gương cho chúng ta xem rồi. Thiện Tài Đồng Tử là những người nào vậy? Là những người tu học Phật pháp Đại Thừa, là những người tu học Phật pháp Viên Giáo Đại Thừa, những người này được gọi là Thiện Tài Đồng Tử. Nói một cách khác khẳng định với chúng ta rằng, nếu như chúng ta tu học Viên Giáo Đại Thừa thì một đời này chúng ta có thể chứng đến Phật quả cứu cánh viên mãn, vấn đề là bạn có chịu làm hay không?

Khi mới bắt đầu học đương nhiên là rất thống khổ, thống khổ ở chỗ nào vậy? Thống khổ ở chỗ sửa đổi tập khí của bạn, tập khí của bạn đã huân tập thành thói quen rồi, đã tập thành thói quen xấu rồi. Bây giờ đem hết thảy tập khí này sửa đổi lại, vậy thì sẽ thấy rất thống khổ. Thí dụ như thích ngủ nướng, mỗi ngày đều muốn ngủ đến mười, mười một giờ trưa, hiện tại bảo thức dậy lúc năm giờ, bốn giờ sáng thì sẽ rất khó chịu. Chúng ta ngày nay tu hành cảm thấy khó khăn, chính là loại tình hình giống như vậy. Kỳ thực trời vừa sáng, bốn-năm giờ thức dậy là bình thường, chúng ta thì lại ngủ đến mười một, mười hai giờ trưa, vậy thì bất thường rồi. Quan niệm của chúng ta hiện nay là xem điều bất thường thành điều bình thường, cho rằng trời vừa sáng mà thức dậy là không bình thường. Thế nên chúng ta thấy Phật Bồ-tát bất bình thường, cảm thấy bản thân chúng ta rất đỗi bình thường, lỗi lầm của chúng ta là ở đây.

Cho nên tu học Phật pháp trước tiên quan trọng nhất là phải sửa đổi quan niệm, sau đó mới có thể biến quan niệm thành hành vi, đó gọi là công phu chân thật, hồi quy về tự tánh, người hiện tại gọi là trở về với đại tự nhiên, trở về với tự tánh, vậy thì thành Phật rồi. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi họ là Pháp Thân Đại Sĩ, trong Kinh Kim Cang cư sĩ Giang Vị Nông nói là bốn mươi mốt vị Phật, bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ là bốn mươi mốt vị Phật, bốn mươi mốt cấp bậc.

Vậy nên chúng ta một đời này khẳng định có thể thành tựu, nhưng hết thảy chúng sanh thành tựu không như nhau. Ngày trước Đại sư Thiện Đạo nói rất hay, “do gặp duyên không đồng”, lời này nói rất có đạo lý. Theo truyền thuyết trong các sách xưa thì nói Ngài Thiện Đạo là A Di Đà Phật tái lai, là A Di Đà Phật thị hiện đến thế gian này của chúng ta. Chúng tôi tin [Ngài đến] rất nhiều lần rồi nhưng Ngài giấu thân phận, còn thân phận bị lộ thì mọi người đều đã biết. Ngài Thiện Đạo ở trong lịch sử Trung Quốc có thể nói là người bị lộ thân phận sớm nhất; vị thứ hai là thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ; vị thứ ba là Hòa thượng Phong Cang ở chùa Quốc Thanh. Đây là ba vị được ghi chép trong lịch sử là A Di Đà Phật thị hiện. Cũng có người nói Trí Giả đại sư là Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện, còn Bồ-tát thị hiện thì nhiều hơn rất nhiều. Như Bố Đại Hòa thượng, chúng ta đều biết đó là Bồ-tát Di Lặc, đó là thị hiện tướng xuất gia. Thị hiện tướng cư sĩ tại gia thì Phó Đại Sĩ thời triều Đường là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc.

Chúng ta hiểu được, Phật Bồ-tát ở thế gian này không bộc lộ thân phận, âm thầm lặng lẽ mà làm, âm thầm mà biến hóa, thật là quá nhiều! Nam nữ già trẻ các ngành các nghề, đều có rất nhiều, đúng như Bố Đại Hòa thượng đã nói: “thời thời thị hiện tại thế gian, người thế gian lại thường không biết”, người thế gian không nhận ra được các Ngài. Từ đây có thể thấy, người thấu suốt thì chăm lo cho người chưa thấu suốt, rất nhiều như vậy.

Chư Phật Bồ-tát là người đã thấu suốt, phàm phu lục đạo là người mê hoặc. Người thấu suốt thì rất nhiều, họ ở xung quanh chúng ta, chúng ta không nhận biết được, đến lúc nào thì bạn mới phát hiện ra được? Bạn chăm chỉ tu hành, bạn tu hành đến một trình độ nhất định, tâm thanh tịnh rồi thì tự mình dần dần giác ngộ được. Sau đó nhìn thấy xung quanh thật sự mới phát hiện ra có không ít người. Đến lúc phát hiện thì ra phàm phu chỉ có mỗi một mình ta, tận hư không khắp pháp giới đều là chư Phật Bồ-tát, vậy bạn đã thâm nhập được cảnh giới rồi. Kinh Hoa Nghiêm nói bạn đã nhập pháp giới, là pháp giới gì? Cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn, đó chính là Hoa Tạng Thế Giới được nói trong Kinh Hoa Nghiêm; trong kinh vãng sanh thì gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Không cần phải đợi đến khi chết rồi mới vãng sanh, hiện tại có thể nhìn thấy được, nhập được vào cảnh giới, người này tương lai đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Hiện tại họ đã chứng được Thật Báo Trang Nghiêm Độ, việc này có chỗ nào là giả chứ? Một sự thật không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta chỉ cần nỗ lực một chút thì có thể làm được. Nỗ lực thay đổi hết tất cả tập khí tật xấu của mình thì khế nhập được cảnh giới rồi. Nhập cảnh giới thì được đại tự tại, trí huệ Bát-nhã vốn có của tự tánh sẽ hiện tiền. Ba đức mật tạng ở trong tự tánh là: Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát hết thảy đều hiện tiền. Tâm lý của bạn, tư tưởng kiến giải của bạn, hành vi của bạn vĩnh viễn không có lỗi lầm, đây là việc mà chúng ta phải nỗ lực [đạt được].

Hết thảy pháp thế xuất thế gian đều là giả, nhập vào cảnh giới này rồi thì bạn làm sao có thể khiêu khích thị phi được chứ? Chia rẽ cốt nhục của người khác cũng là khiêu khích thị phi. Không những bạn không đi giành giật với người khác mà thậm chí bạn còn thành toàn những điều mà người khác yêu thích, bạn sẽ giúp người làm việc thiện.

Hôm qua chúng tôi đi thăm Toowoomba, tìm được một giáo đường, trong lòng tôi rất cảm khái, giá nhà đất ở Úc đã tăng lên rất cao, đạo tràng chúng ta lớn như vậy, lại có kiến trúc đồ sộ, khi mua chỉ có 610.000 tệ. Còn ở Toowoomba, một miếng đất nhỏ mà họ bán đến 550.000 tệ, không tương xứng, mấy năm nay bất động sản tăng giá cao đến như vậy. Chúng tôi chấm nơi này là do địa điểm tốt, giao thông thuận lợi, thế nên hôm qua chúng tôi đã dò hỏi xem có người nào quen biết với chính phủ hay không, mục đích để làm gì? Chúng tôi muốn biết chính phủ địa phương có cần chúng tôi làm việc gì đó hay không? Chúng tôi không phải là muốn các bạn giúp chúng tôi điều gì, không phải vậy, mà là chúng tôi có thể giúp các bạn làm được việc gì hay không? Các bạn là chủ, những điều các bạn muốn và thích thì chúng tôi sẽ làm, vậy thì các bạn sẽ hoan hỷ. Cho nên chúng tôi không phải tìm các bạn đến xây Phật đường, sau đó lại mời gọi bạn đến lạy Phật, thế thì các bạn sẽ không đến, sẽ không thích. Chúng tôi phải đi hỏi thử, đi điều tra địa phương này của các bạn cần những gì? Mong muốn chúng tôi làm những gì? Chúng tôi sẽ phối hợp với các bạn, chúng tôi là vì phục vụ xã hội, vì chúng sanh ở nơi này mà phục vụ, chúng tôi đến là để làm việc này, đó là Phật pháp.

Chư Phật Bồ-tát vì xã hội mà phục vụ, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, hình thức phục vụ không có giới hạn, vô lượng vô biên, nội dung của việc phục vụ cũng có rất nhiều hạng mục. Thế nhưng nó có một trọng tâm không thay đổi, đó là làm ra một tấm gương tốt cho xã hội đại chúng xem. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh. Đó là vĩnh viễn không thay đổi, nhưng phương thức thì có thể thay đổi. Nếu phù hợp với tiêu chuẩn này thì việc này chính là Phật pháp, trái ngược với tiêu chuẩn này thì là thế gian pháp.

Phật pháp và thế gian pháp khác nhau ở một niệm như vậy. Vì lợi ích của bản thân mình mà muốn người khác đến giúp đỡ thì đó là thế gian pháp. Nếu vì lợi ích của người khác mà cần chúng ta đến giúp đỡ thì đây là Phật pháp. Chúng ta phải chuyển lại từ trên quan niệm này. Chúng ta sống ở khu vực này, phải hiểu được nhu cầu ở khu vực này, chúng ta toàn tâm toàn ý đi giúp đỡ họ, vậy thì sao mà làm ác, sao mà có ác niệm được chứ? Đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật, nhất định không trái ngược lại với nguyên lý nguyên tắc này thì chúng ta gọi là học Phật, chúng ta gọi là tu hành, chúng ta gọi là hoằng pháp lợi sanh. Danh từ thuật ngữ của nhà Phật rất hay, đáng tiếc đều bị người ta hiểu sai.

**********

Các vị đồng học, A Di Đà Phật! Tối hôm qua, buổi luận đàm tôn giáo của Queensland đã tổ chức tại địa phương này của chúng ta, chúng ta cũng rất nhiệt tình tiếp đãi họ. Nhìn thấy những vị lãnh tụ các tôn giáo đến tham dự đều rất hoan hỷ. Hơn nữa, khi nhìn thấy những kinh sách, hình tượng Phật mà chúng ta dùng kết duyên thì họ cũng tự động mang về, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, cảm thấy vô cùng hoan hỷ. Nhìn thấy vẻ mặt tươi cười hớn hở của tất cả mọi người, chúng tôi sâu sắc thể hội được việc đoàn kết tôn giáo không phải là một ảo tưởng, đích thực là có thể áp dụng thực tiễn.

Mọi người muốn tôi phát biểu vài lời, cũng vì muốn tiết kiệm thời gian nên tôi chỉ đưa ra một trọng điểm và phương hướng để nỗ lực. Điều mà chúng ta mong muốn là xã hội an định, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc. Đây chính là giáo học mà Phật pháp Đại thừa thực hiện. Phật dạy hết thảy chúng sanh “lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện”, hai câu nói này có thể nói là đặc sắc của Phật giáo. Tất cả tôn giáo trên thế gian này đều dạy người “đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện”, đây là lý niệm chung trong việc dạy học của các tôn giáo. Thế nhưng nhà Phật lại nói “lìa tất cả tướng”, việc này thì các tôn giáo khác không nói.

Nếu như chỉ là đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện mà không lìa hết thảy tướng thì trong Phật pháp gọi việc này là tu phước, quả báo chỉ ở trong tam giới, là phước báo nhân thiên. Nếu lìa tướng thì đó gọi là công đức, không phải là phước đức. Lìa tất cả tướng, thế nào là “tất cả tướng”? Phật ở trong Kinh Kim Cang đã nói rất cụ thể, đó là ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, đây chính là tất cả tướng. Tất cả các tướng quy nạp trở lại cũng không nằm ngoài bốn loại.

“Ngã tướng” chính là có ta, chấp trước có cái ta, chấp trước có cái ta sở hữu, trong Phật pháp thì gọi là “ngã” và “ngã sở”. Người thông thường đều cho rằng thân thể chính là ta, những vật ngoài thân là sở hữu của ta. Quần áo chúng ta mặc trên người là cái của ta, nhà ta ở là của ta, tài vật là cái ta sở hữu, vợ con người thân quyến thuộc đều là của mình, thậm chí cái quê hương này cũng là của ta, đây là thành phố của ta, đây là quốc gia của ta, trái đất thì nói là thế giới của ta, phải luôn có chữ “ta” ở trong đó, đó gọi là “ngã chấp”. Cho nên phạm vi của ngã chấp bao quát rất rộng, nếu không xả bỏ được khái niệm này thì không thể thoát ly được lục đạo luân hồi.

Lục đạo luân hồi là từ đâu mà có? Chính là từ ngã chấp mà có, bởi vì có ngã chấp mới có lục đạo luân hồi. Cho nên Phật nói đoạn ác tu thiện là chính xác, là đúng, nhưng phải buông cái “ta” này xuống, không thể chấp trước có ngã. Có ngã, nói lời thành thật là có lòng riêng tư, chúng ta gọi là “tự tư tự lợi”. Không có ta thì gọi là “đại công vô tư”, phải hiểu đạo lý này. Không có ta thì tâm lượng của bạn sẽ rộng lớn như hư không pháp giới, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Có “ta” thì phạm vi của bạn sẽ có giới hạn, đây là quốc gia của tôi, thế thì tâm yêu thương, tâm đoạn ác tu thiện này của bạn sẽ không vượt qua được cái giới hạn “quốc gia của ta” mà mở rộng đến các quốc gia khác. Thế giới của ta cũng là một phạm vi, bạn không thể siêu vượt địa cầu, bạn có thể yêu thương hết thảy chúng sanh của tất cả quốc gia trên địa cầu này, vậy những tinh cầu khác thì sao? Bạn sẽ không đạt đến được, không thể mở rộng thêm.

Như trong Phật pháp nói là thế giới Ta-bà của ta, vậy cũng không được, ngoài thế giới Ta-bà còn có vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, vậy bạn không thể đi được rồi. Có thể thấy Phật dạy chúng ta buông bỏ ngã chấp là chính xác, sau khi buông bỏ ngã chấp rồi, không gian cuộc sống của chúng ta chính là tận hư không khắp pháp giới. Phá ngã chấp thì luân hồi sẽ không còn nữa, tam giới sẽ không còn, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Ngoài ra, ba loại hiện tướng còn lại là: nhân tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng là thuộc về pháp chấp. Nếu không buông xả pháp chấp thì không gian hoạt động của bạn chỉ giới hạn ở trong thập pháp giới, thập pháp giới này chính là thế giới Ta-bà mà chúng ta hay nói. Khu vực giáo hóa của Thích-Ca Mâu-ni Phật là “tam thiên đại thiên thế giới”. Nếu bạn không buông xả pháp chấp thì phạm vi hoạt động của bạn chỉ ở trong “tam thiên đại thiên thế giới” mà thôi, không ra khỏi “tam thiên đại thiên thế giới” được. Nghĩa là ở trong khu vực giáo hóa của Thích-Ca Mâu-ni Phật thì bạn không có vấn đề gì, bạn có thể tự do hoạt động đi lại, nhưng bên ngoài khu vực của Thích-Ca Mâu-ni Phật là các cõi nước của chư Phật khác thì bạn không ra khỏi được. Nếu bạn buông bỏ pháp chấp vậy thì bạn đột phá được, đột phá được thập Pháp giới rồi thì hết thảy cõi nước chư Phật trong tận hư không khắp pháp giới, bạn đến và đi đều tự do.

Thế nào gọi là “nhân tướng”? Ngược lại đối với ngã tướng thì gọi là nhân tướng. Dùng từ này làm đại biểu, không nhất định “nhân tướng” là hết thảy mọi người, quan niệm này là sai, “nhân” là trái ngược lại với “ngã”. Hễ đối lập với “ta” thì gọi là “nhân tướng”.

Thế nào gọi là “chúng sanh tướng”? Tất cả vạn sự vạn vật đều là các duyên hòa hợp mà sanh, cho nên hết thảy tướng đều là chúng sanh tướng. Đây là nói rõ hết thảy sự vật, hiện tượng ở trong vũ trụ này là do các duyên hòa hợp mà sanh. Chúng ta ngày nay nói đây là không gian, là hiện tượng của không gian.

“Thọ giả tướng” là nói hiện tượng của thời gian, có quá khứ, hiện tại và vị lai. Cho nên chúng sanh là nói không gian, thọ giả là nói thời gian. Gọi “thời không” là hàm chứa hết thảy hiện tượng ở trong thời gian và không gian. Cho nên nếu bạn có phân biệt thì có nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, lìa khỏi phân biệt thì những thứ này sẽ không còn tồn tại nữa.

Pháp giới vốn dĩ là nhất chân, Phật dạy chúng ta lìa tướng mà đoạn ác tu thiện, việc này là hoàn toàn đúng. Đoạn ác là tự hành, chúng ta nói là tự độ, tu thiện là độ người, đoạn ác thì thành tựu đức hạnh của chính mình, đức hạnh thành tựu rồi, trí huệ cũng thành tựu, vì sao vậy? Trí huệ là vốn có, không phải từ bên ngoài vào, bởi vì chúng ta có phiền não, có ác nghiệp nên trí huệ của ta bị chướng ngại, không lưu lộ ra được. Nếu sau khi đoạn ác được rồi, tâm địa chúng ta thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì sanh trí huệ.

Kinh Kim Cang nói rất hay “tín tâm thanh tịnh ắt sanh thực tướng”, thực tướng chính là trí huệ Bát-nhã. Đây gọi là tự độ, sau khi trí huệ sanh ra rồi, trí huệ là báo thân, bạn đã chứng được báo thân; trí huệ hiện tiền rồi thì nơi bạn ở gọi là báo độ, Thật Báo Trang Nghiêm Độ, đương nhiên pháp thân cũng ở trong đó. Điều này gọi là tự mình thành tựu, thành tựu báo thân và pháp thân của chính mình. Tu hết thảy thiện là ứng hóa thân, là lợi tha. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh vẫn chưa khôi phục được tự tánh, vẫn chưa lìa khỏi lục đạo, vẫn chưa lìa khỏi thập pháp giới, chúng ta phải giúp đỡ họ. Cho nên chư Phật Bồ-tát thị hiện vô lượng vô biên thân tướng, giúp đỡ hết thảy chúng sanh.

Chúng ta hiểu được đạo lý này, người khác thì không hiểu. Chúng ta biết các vị thần trong tất cả tôn giáo, kinh Phật gọi họ là “chúng thần”, chúng thần rất nhiều. Rất nhiều các vị thần đều là hóa thân của chư Phật Như Lai. Nên dùng thân gì để độ thì Phật Bồ-tát liền hiện thân đó: nên dùng thân Ki-tô để độ thì họ liền hiện thân Ki –tô; nên dùng thân Đại Phạm Thiên Vương để độ thì họ liền hiện thân Đại Phạm Thiên Vương.

Trong Kinh Hoa Nghiêm cũng nhìn thấy việc này. Chúng tôi giảng Hoa Nghiêm lâu như vậy, các vị nghe rồi đều hiểu rõ, tất cả chúng thần đều là chư Phật Như Lai, cho nên trong lòng chúng ta xem các vị thần chính là chư Phật Như Lai. Chúng ta dùng tâm thái tôn kính đối với A Di Đà Phật, tôn kính đối với Thích-ca Mâu-ni Phật mà tôn kính đối với các vị thần. Người khác không biết nhưng chúng ta biết.

Mấy ngày trước tôi có đi thăm đạo Sikh, giáo đường của đạo Sikh, chúng ta thường nói là bàn thờ, chính là nơi họ lễ bái. Đạo Sikh không có tượng của các vị thần, họ lễ bái kinh điển. Trên bàn thờ của họ cúng dường kinh điển, hai cái hộp lớn bên trong đều là kinh điển, bên ngoài thì dùng vải phủ lên, có hai người cầm phất trần chăm sóc, giữ cho luôn sạch sẽ, không dính một hạt bụi nào. Họ tiếp đãi chúng tôi rất long trọng, mời chúng tôi đến giáo đường của họ, đến nơi đó tôi cũng quỳ lạy giống như họ vậy. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở bên cạnh thì quan sát, quan sát điều gì? Quan sát xem phản ứng của những tín đồ đạo Sikh. Khi tôi đến lễ bái, tín đồ của đạo Sikh rất vui mừng, rất hoan hỷ. Chúng ta bái Tam Bảo, Phật Pháp Tăng, họ thì bái pháp bảo. Trong Tam Bảo họ xem trọng nhất là pháp bảo, vậy là chính xác. Nếu có thể đem hư không pháp giới dung hợp lại thành một nhà thì chúng ta hãy dẫn đầu làm trước, nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm đây? Tôi đến chánh điện của họ, lễ bái tôn thần của họ, lễ bái kinh của họ, họ nhìn thấy rồi tương lai sẽ đến Phật đường của chúng ta. Họ cũng bái Phật, họ cũng sẽ bái Đại Tạng Kinh của chúng ta, đây là đạo lý nhất định.

Họ có phân biệt chấp trước, chúng ta không có phân biệt chấp trước. Dáng vẻ của giác và mê chúng ta phải thật rõ ràng, thật thấu suốt. Thế nào là mê? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, bạn có phân biệt, có chấp trước, đây là mê, bạn khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước thì đây là mê. Nếu như sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây là giác. Kinh giáo Đại thừa thường nói “giác tâm bất động”, giác tâm là chân tâm, giác tâm là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Cho nên chúng ta dùng phương pháp gì để tiếp xúc với hết thảy tôn giáo, hết thảy quần tộc khác? Quần tộc mở rộng ra là tộc loại, tộc loại thì bao gồm hết thảy động vật, hết thảy thực vật, hết thảy chúng sanh trong các không gian không đồng duy thứ, chúng ta cũng chỉ dùng một cái chân tâm này.

Chân tâm thì mọi người đều cùng có, chúng ta phải tìm ra điểm chung, điểm chung chính là “thành”, tâm chân thành. Bất luận bạn học tôn giáo nào, tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, tâm từ bi mọi người cũng đều có như nhau, đây là tinh túy của Phật pháp, ngàn kinh vạn luận cũng chính là nói những sự việc này. Cho nên chúng ta dùng lý niệm này thì có thể dung hòa được tất cả những quần tộc. Đó là Phật tri Phật kiến, áp dụng vào trong cuộc sống của chúng ta là “nhìn thấu”, mọi người sẽ đồng ý, có thể tiếp nhận; “buông xuống” cũng có thể tiếp nhận; “tự tại”, “tùy duyên” đều có thể tiếp nhận; sau đó lại đến “niệm Phật”, “niệm Phật” dường như không thể tiếp nhận, nếu như đem đạo lý giảng giải thì họ sẽ hoan hỷ tiếp nhận.

Thế nào là niệm Phật? Chính là thường niệm trong tâm chín điều trước: niệm chân thành, niệm thanh tịnh, niệm bình đẳng, niệm chánh giác, niệm từ bi, niệm nhìn thấu, niệm buông xuống, niệm tự tại, tùy duyên, vậy thì gọi là niệm Phật. Họ nghe hiểu được rồi, vậy thì hết thảy đều sẽ tiếp nhận. Chúng ta ngày nay hòa hợp tôn giáo, đoàn kết quần tộc, buông bỏ vạn duyên, đề khởi chánh niệm, đây là Phật pháp Đại thừa chân thật, là điều Phật đã nói trên kinh giáo, ngày ngày khuyên chúng ta “phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát đạo”.

Hai mươi chữ này, mười chữ phía trước là “Tâm Bồ-đề”, mười chữ ở phía sau là Bồ-tát đạo. Cho nên giúp đỡ hết thảy những tôn giáo khác mà tuyệt đối không thay đổi tín ngưỡng của họ, chỉ cần dạy họ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi thì họ sẽ thành Phật. Phật là ứng hóa ở bên trong, chúng ta giúp đỡ hết thảy chúng sanh thành Phật, không phải nói là giúp đỡ hết thảy chúng sanh thay đổi thân phận của mình, vậy thì sai rồi. Phật hóa hiện trong mọi tầng lớp nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, đều có cái mà họ cần. Trong Phật pháp, đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm thường hay nói “một tức là nhiều, nhiều tức là một”, một không phá hoại nhiều, nhiều cũng không phá hoại một, nhất định không thể nói là cùng một hình thức, vậy thì sai rồi.

Tôi nghe nói có một số Pháp sư rất từ bi, rất hiếm có, họ muốn độ chúng sanh, muốn tìm cách đem tất cả tín đồ của tôn giáo khác cải đạo lại thành tín đồ Phật giáo, vậy thì sai rồi. Quan niệm này sai ở chỗ nào vậy? Thí dụ như Phật giáo là con mắt, Ki-tô giáo là lỗ tai, Hồi giáo là lỗ mũi, hiện tại biến lỗ mũi lỗ tai thành con mắt hết vậy thì người này không được rồi. Mỗi cái đều có công năng của nó, mỗi cái đều có cơ duyên của nó. Cho nên đây là quan niệm sai lầm, cái này gọi là chấp trước, phân biệt chấp trước.

Trong Phật giáo có Phật, trong Ki-tô giáo cũng có Phật, Phật hiện thân Ki-tô, Phật hiện thân trong các ngành các nghề, chúng ta phải hiểu đạo lý này, hiểu được sự thật này thì mới không đến nỗi phạm lỗi lầm. Sau đó bạn mới hiểu được, bạn thành Phật thì bạn có thể tùy loại mà hóa thân, chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Nếu như bạn không hiểu đạo lý này, tương lai bạn thành Phật, làm Bồ-tát, bạn thành Bồ-tát, vậy tín đồ Ki-tô giáo có cảm mà bạn không đi ứng họ hay sao, như vậy sao được chứ? Người Trung Quốc có cảm thì tôi đi ứng, còn người ngoại quốc không cùng dân tộc, họ có cảm nhưng tôi không đến ứng, vậy thì hành không thông rồi. Tứ hoằng thệ nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” này của bạn sẽ dùng cách nào để độ đây? Có thể thấy rất nhiều người học Phật ngày ngày niệm “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” nhưng họ đều không hiểu, họ độ những chúng sanh nào vậy? Họ độ người giống với mình, không độ những đồng loại khác, vậy thì sao được chứ? Ở trong “chúng sanh vô biên” có các tộc quần khác nhau, dân tộc khác nhau, chỉ cần họ có cảm thì sẽ tùy loại hóa thân, họ muốn hiện thân gì thì Phật Bồ-tát sẽ biến hiện thành thân đó. Phật Bồ-tát không có thân tướng nhất định, không có pháp nhất định để nói.

Thế nên tôi xem tất cả kinh điển của các tôn giáo đều là kinh Phật, xem tất cả những thần minh mà các tôn giáo lễ bái đều là chư Phật Như Lai, tâm của chúng ta sẽ thanh tịnh biết bao, tâm của chúng ta sẽ nhẹ nhàng thư thái biết bao, an lạc biết bao. Giáo học của Phật pháp là sửa đổi quan niệm sai lầm của chúng ta, chúng ta thường nói hành Bồ-tát đạo ngay trong cuộc sống trước mắt của mình, trong công việc thường ngày mà thành tựu viên mãn Bồ-đề.

Thành Phật không phải là thay đổi phương thức cuộc sống của bạn, không phải là thay đổi thân phận của bạn, nếu bạn có cách nghĩ như vậy thì bạn đã hoàn toàn sai rồi, nhất định là hành không thông rồi. Một xã hội cần rất nhiều ngành nghề, rất nhiều công việc khác nhau để hỗ trợ hợp tác lẫn nhau, không thể bảo cả xã hội chỉ được theo một ngành nghề, một loại thân phận vậy thì hành sẽ không thông, xã hội này nhất định sẽ diệt vong. Cho nên xã hội là đa nguyên, Phật pháp là đa nguyên, nhất định không thể là đơn nhất được.

Nhà Phật thường nói “nhất”, “nhất” không phải là “độc nhất”, không phải là “chuyên nhất”, mà nó là “nhiệm nhất”. Nghĩa là bất luận một cái gì, chữ “nhất” ở đây là có nghĩa như vậy. Một tức là nhiều, nhiều tức là một, đây mới là chân bình đẳng. Người thế gian chúng ta luôn nghĩ sai điều này, cho rằng nhất là độc nhất, là chuyên nhất, quan niệm này là sai lầm. Cho nên ở trong Phật pháp thì pháp pháp đều là đệ nhất, cũng như thân thể này của chúng ta đều là do rất nhiều cơ quan, rất nhiều tế bào tổ hợp mà thành. Mỗi một tế bào đều là đệ nhất, đệ nhất thì khỏe mạnh, chỉ cần một tế bào không khỏe mạnh thì cơ thể chúng ta liền có bệnh ngay.

Cho nên theo giáo học của Phật pháp, nếu các quần tộc khác nhau trong xã hội, các dân tộc khác nhau, các tôn giáo khác nhau đều khỏe mạnh, mỗi mỗi đều là đệ nhất, đây là đại vũ trụ của chúng ta, là đại ngã của chúng ta, thì đây mới chân thật là khỏe mạnh, chân thật gọi là “vô lượng thọ”. Nếu không thì mọi người chúng ta hiện nay thường nói là địa cầu đã bệnh rồi, vì sao mà bị bệnh vậy? Bởi vì nó có cái thì đệ nhất, có cái thì đệ nhị, có tốt có xấu, vậy thì bệnh thôi. Nếu mỗi cái đều tốt, mỗi cái đều là đệ nhất thì đây mới thật sự là khỏe mạnh, là mỹ mãn. Cái này gọi là ngộ, bạn chân thật đã hiểu rõ rồi, chân thật giác ngộ rồi.

Thế nên sau khi giác ngộ, Phật Bồ-tát đến thế gian này để làm gì? Hôm qua tôi nói chuyện cùng với lãnh tụ của các tôn giáo, vừa mở đầu tôi liền nói, thế gian hiện tại có tai nạn, hy vọng mọi người chúng ta không phải là đến để chịu tai nạn, chúng ta đến thế gian này là để giúp đỡ mọi người tiêu trừ tai nạn, là đến để cứu hộ tai nạn, chúng ta không phải đến đây để chịu tai nạn. Người giác ngộ thì được tiêu tai miễn nạn, người mê hoặc thì phải thọ nhận tai nạn này, đó là giác và mê.

Cho nên hy vọng mọi người tu hành, thế nào gọi là chân thật tu hành? Thế nào gọi là tu định? Thế nào gọi là tu huệ? Đều là ở trong cuộc sống, lìa hết thảy tướng thì gọi là tu định, tu hết thảy thiện thì chính là tu huệ. Có thể thấy định huệ là ở trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, định huệ ở trong công việc, định huệ ở trong việc tiếp xúc với quần chúng, ngày nay chúng ta nói là xử sự đối người tiếp vật, người thông thường gọi là trong việc ứng xử xã giao. Giới Định Huệ tam học là sống, không phải là chết cứng, trốn tránh thế gian này, đi tìm một thâm sơn cùng cốc nào đó để tu Giới Định Huệ thì có tu như thế nào đi nữa cũng không thành công. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn chưa đoạn, Giới Định Huệ tam học cũng đều không có, đều không phải là thật. Cho nên phải nhận thức rõ ràng, chính xác.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!