Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.79)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn kinh văn thứ 69:

Sính chí tác uy, nhục nhân cầu thắng” (Phô trương oai thế cho thỏa chí. Làm nhục người khác để giành phần thắng).

Câu tiếp theo: “Bại nhân miêu giá.Phá nhân hôn nhân.” (Hủy hoại mùa màng của người khác. Phá hoại hôn nhân của người khác).

Chúng ta xem hai câu này trước. Chú giải của Vựng Biên có nói một đoạn nhỏ như sau: “Bậc quân tử chánh trực, nghiêm khắc với chính mình, đối đãi ôn hòa, gia ân cho người khác; người khác tuy sợ nhưng yêu mến”. Đây là cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta nguyên tắc làm người, cũng là bổn phận làm người.

Nhà Nho chia người đọc sách, người có đức hạnh làm ba cấp độ: Thánh nhân, Hiền nhân và Quân tử. Danh xưng Quân tử chính là nói học vấn của bạn đã có thành tựu, giống như ngày nay học tập tại trường đã được bằng cấp, học vị. Do đó, Quân tử chính là học vị đầu tiên, giống như học vị cử nhân hay đã tốt nghiệp đại học. Người thời xưa gọi đây là Quân tử. Tiêu chuẩn làm người của họ là chánh trực, đoan chánh. Tâm chánh trực, hành vi chánh trực. Hai chữ này trong Phật pháp chúng ta thường nói là: như lý như pháp. Hợp với lý luận, hợp với đạo lý, hợp với phép tắc, hợp với nhân tình. Tình, lý, pháp đều có thể làm được rất viên dung. Đó chính là đối đãi với chính mình thì nghiêm khắc, đối đãi với người khác thì hòa huệ. Hòa là hòa bình, huệ là ân huệ. Chung sống với người khác nhất định phải hòa thuận, nhất định phải bình đẳng, nhất định phải giúp đỡ người khác. Chữ “huệ” ở đây chính là giúp đỡ người khác, có thể thành tựu cho người khác. Đó chính là đức hạnh của Quân tử.

Tiêu chuẩn của nhà Nho là như vậy. Tiêu chuẩn của nhà Phật cũng như vậy. Trong Phật pháp nói càng rõ ràng hơn. Đó là tam phước, lục hòa, tam học, lục độ. Các khoa mục của nhà Phật đều không xa rời bốn chữ này: Chánh, Trực, Hòa, Huệ.

Các bạn đồng tu học Phật chúng ta đặc biệt cần chú ý, nếu như người còn không làm được thì làm sao có thể thành Phật được chứ? Hai câu này của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, ý nghĩa trên thực tế là khuyên chúng ta đối nhân xử thế phải khiêm tốn, cung kính. Mặc dù có tranh chấp, chúng ta có lý và dùng lý lẽ thuyết phục người khác, nhưng e rằng có thể khiến người khác khởi lòng oán hận. Huống hồ nếu như lý do của chúng ta không đầy đủ thì sẽ tạo tội nghiệp. Đó gọi là ỷ thế ức hiếp người khác.

Phạm vi chữ “thế” ở đây rất rộng. Người ngày nay thông thường đa phần đều tự cho rằng mình đúng. Cho nên, họ phô trương thanh thế, thỏa thích làm hùm làm hổ. “Làm nhục người khác để dành phần thắng” thì càng không thể chấp nhận được, đó là cố ý sỉ nhục người khác. Vì sao họ muốn làm như vậy? Là vì họ muốn đề cao bản thân. Chúng ta đã từng nghe nói: có một số người gặp những người có địa vị tương đương họ hoặc là cao hơn họ, họ phê bình, làm nhục những người đó trước đại chúng. Mục đích của họ là gì? Là để cho người khác thấy bản thân họ cao hơn những người đó. Cách làm này trên thực tế chỉ là tự dối mình gạt người. Người chân thật có đức hạnh, có học vấn, có tu dưỡng nhìn thấy, nghe thấy rồi sẽ hiểu rõ ngay. Tiền đồ tương lai của bạn thế nào họ nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhưng thật ra mà nói điều này chính là tự làm nhục bản thân mình. Người khác có bị tổn hại không? Không hề!

Trong chú giải nói tiếp: “Nếu hở ra liền phô trương oai thế, ỷ thế bức hiếp người khác thì dẫu được kẻ khác nín chịu, nhưng người ta chẳng mến mộ đức, làm sao có thể cao hơn kẻ khác cho được”. Đối với hành vi này, người khác tuy bề ngoài có vẻ bị khuất phục bởi uy đức của bạn nhưng kỳ thực tâm họ không phục. Như vậy, bạn làm sao có thể lãnh đạo người khác được? Làm sao có thể lãnh đạo quần chúng được? Một nhà lãnh đạo thành công nhất định sẽ hết sức khiêm tốn, biết nhịn nhường, lấy lễ đối người.

Chú giải chỗ này nói rất hay, “lấy chánh trực đối đãi bản thân, lấy ôn hòa, ân huệ đối đãi người khác”. Người như vậy bất luận trong thế pháp hay Phật pháp nhất định sẽ thành tựu. Nhà Nho nói “chánh tâm, thành ý”, tuân thủ giáo huấn của Thánh hiền. Giáo huấn cơ bản của Thánh Hiền nhân đối với hết thảy chúng sanh hầu như đều tương đồng. Nhà Nho dạy người giữ lễ, nói năm chữ: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Đây chính là nền tảng để làm người, căn bản để làm người. Nếu có thể tuân thủ theo thì chính là chánh trực đối đãi với bản thân mình.

Nhà Phật nói ngũ giới, Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo nói mười điều răn trong kinh Tân Cựu Ước. Trong mười điều răn đó, ba điều răn đầu tiên nói về “phụng thờ đức Chúa Trời”. Tôi đã đọc rồi, nếu so với trong nhà Phật thì chúng ta thường nói là “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” chính là ý này. Chỉ có điều đối tượng họ hướng đến là Thượng Đế. Đối với Thượng Đế không hoài nghi, tâm kính ngưỡng đối với Thượng Đế không xen tạp, không gián đoạn. Điều thứ tư trong mười điều răn là “hiếu thuận cha mẹ”, những điều răn tiếp theo chính là năm giới mà nhà Phật nói đến. Trong năm giới nhà Phật chúng ta nói không sát sinh, bên họ nói không được giết người. Đây là điều khác biệt, phạm vi nói đến của nhà Phật rộng hơn. Phạm vi nói đến của họ nhỏ, chỉ là cấm không được giết người. Những điều răn còn lại như: không tà dâm, không trộm cắp, không uống rượu, bên họ đều có. Bên họ cho phép uống rượu nhưng nhất quyết cấm không được nát rượu, cấm không được say rượu, bạn có thể uống rượu nhưng không được uống say.

Vì vậy, chúng ta thấy trong thế xuất thế gian các vị Thánh Hiền giáo hóa chúng sanh trên tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là tương đồng. Nếu làm trái những nguyên tắc trên thì là đại ác. Phải ôn hòa, ân huệ đối đãi người khác. Phật chế định cho chúng ta, khi đối đãi với hết thảy chúng sanh phải dùng “lục hòa, lục độ” mà đối đãi. Nhà Phật nói rất cụ thể, đặc biệt là lấy “lục hòa” làm cơ bản. Vì sao chúng ta ngày nay không làm được điều này? Nguyên nhân làm không được chính là không làm được “kiến hòa đồng giải”. Do không làm được điều này nên những điều tiếp theo cũng đều không làm được.

Vì sao chư Phật Bồ-tát có thể làm được hoàn thiện như vậy? Đó là vì các Ngài đã làm được điều đầu tiên, điều đầu tiên rất khó làm, đó là kiến giải của bạn, cách nghĩ, cách nhìn của bạn phải tương đồng. Tương đồng với ai? Tương đồng với chư Phật Bồ-tát. Cách nhìn, cách nghĩ của chư Phật Bồ-tát về hết thảy chúng sanh trong vũ trụ là một thể đồng nhất. Người ngày nay thường nói là cùng chung một thể sanh mạng. Do đó, hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới chính là pháp thân thanh tịnh của các Ngài. Chúng ta thì không có quan niệm này, mà mỗi người có cách nghĩ riêng, mỗi người có cách nhìn riêng, luôn không thể nào tương đồng được. Người thực sự giác ngộ thì “kiến” mới có thể đồng giải.

Tuy nhiên, khi dạy Phật pháp sơ học, thì [người học] cần nhận được sự giáo dục tốt. Vậy sơ học là dạy lúc nào? Đó là lúc vẫn còn nhỏ. Sau khi trưởng thành thì không có cách nào dạy được. Người xưa hiểu rõ đạo lý này, cho nên dạy người nhất định là dạy họ khi còn là trẻ nhỏ. Tại thời điểm này cắm gốc cho chúng, chúng hồn nhiên ngây thơ, chúng nghe lời, bạn có thể áp đặt chúng, làm hình mẫu cho chúng rất dễ dàng. Người trưởng thành rồi thì họ có cách nghĩ riêng, có cách nhìn riêng. Họ sẽ không tiếp nhận ý kiến của người khác, nên không có cách gì dạy được nữa.

Trước đây khi chúng tôi theo học với lão sư Lý, thầy thường nói: thời gian chân thật dạy học là khi trẻ còn nhỏ, trước hai mươi tuổi. Đó mới là giáo dục chính quy. Từ hai mươi tuổi đến bốn mươi tuổi, giai đoạn này gọi là giáo dục bổ túc, sau bốn mươi tuổi thì không thể dạy được nữa. Người này đã định hình rồi, bất cứ điều gì cũng tùy thuận họ. Tuy rằng họ có ác nghiệp, ác hạnh, chúng ta cũng đành phải tùy thuận họ, không thể kết oán thù với họ. Trước bốn mươi tuổi chúng ta còn có thể khuyên nhủ họ, sau bốn mươi tuổi thì không thể được, sẽ kết oán thù với họ. Nếu người có thể tiếp thu sự khuyên nhủ của người khác thì đó là người có thiện căn vô cùng sâu dày. Nếu người không có thiện căn sâu dày thì sau bốn mươi tuổi họ còn có thể nghe bạn khuyên hay không? Đó là điều không thể. Những đạo lý này chúng ta cần hiểu rõ. Họ làm việc ác, họ làm việc sai, ta không nói họ, không để ý đến họ, mà ta ở đó tu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật của chính mình. Đây đều là những kinh nghiệm của người xưa.

Do đó khi chúng ta đối xử với người, hãy yêu thương người, đặc biệt là trẻ nhỏ thì cần khuyên dạy chúng cho tốt. Đây mới thực sự là yêu thương, thực sự là từ bi. Nhưng xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, sáu căn của chúng tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều là bất thiện. Cho nên, dạy một người học tốt thực sự còn khó hơn lên trời. Giáo dục của gia đình bạn có tốt thế nào thì trẻ nhỏ của bạn khi vừa ra đường tiếp xúc với xã hội, mà xã hội thì là một lò nhuộm lớn, nếu chúng không bị ô nhiễm thì người đó chính là Phật Bồ-tát tái lai, nhất định không phải là phàm phu. Phàm phu mà không chịu sự ô nhiễm của xã hội thì là điều không thể.

Giáo dục của xã hội đã bị đổ vỡ rồi, hơn nữa giáo dục gia đình ngày nay cũng không còn nữa. Vì vậy từ xưa đến nay, những lời tiên tri của phương Tây và phương Đông đều nói thời đại chúng ta đang sống sẽ gặp kiếp nạn. Tôi tin, tôi hoàn toàn khẳng định. Không phải tôi tin vào những lời tiên tri của họ, mà tôi nhìn vào thực trạng giáo dục của xã hội hiện tại. Bạn hãy xem những người trẻ tuổi hiện nay, những điều họ nghĩ là gì, những điều họ nói là gì, những điều họ biểu hiện là gì? Chúng ta sẽ rất rõ ràng, sẽ hiểu rõ. Đây là điềm báo vô cùng xấu. Người hiện nay không nhìn ra là do không đọc sách xưa. Vì sao nói những người đọc sách xưa có thể nhìn ra điều này? Là vì đọc sách xưa có thể hấp thu những kinh nghiệm quý báu của người xưa. Nói cách khác, kinh nghiệm một đời của người xưa sẽ tăng trưởng kiến thức của chúng ta. Khi bạn nhìn một sự việc thì có thể nhìn thấy xa, nhìn thấy sâu, nhìn thấy rộng. Chúng ta gọi điều này là dựa vào sự thật trong lịch sử.

Đọc sách lịch sử tức là hấp thu kinh nghiệm thường thức của người xưa. Đọc kinh là tăng trưởng học vấn, là trí huệ, là định huệ. Đọc lịch sử là tăng trưởng kiến thức, vậy căn cứ của kiến thức là gì? Căn cứ chính là nhân quả. Vì vậy bộ Nhị Thập Ngũ Sử của Trung Quốc chính là nói về nhân quả báo ứng. Bạn xem ghi chép của mấy ngàn năm lịch sử chính là “gieo nhân thiện được thiện quả, gieo nhân ác gặt ác báo”. Nếu bạn có thể thực sự thông đạt rõ ràng rồi, bạn xem người ngày nay đang tạo những nghiệp gì? Những thứ họ nghĩ là gì? Là ý nghiệp. Những thứ họ nói là gì? Khẩu nghiệp. Nhất cử nhất động là thân nghiệp. Thân ngữ ý, tam nghiệp đều bất thiện vậy mà muốn có quả báo tốt. Điều này trong kinh Phật thường nói là “không thể có chuyện này”. Điều này không mê tín một chút nào.

Những lời tiên tri đó cho chúng ta làm tham khảo, nhắc nhở chúng ta cảnh giác cao độ. Chúng ta dùng nhãn quang bình tĩnh mà quan sát kỹ hiện tượng xã hội này thì sẽ hiểu rõ ngay. Đại kiếp nạn này không thể tránh khỏi. Vậy làm thế nào để tránh khỏi ? Trừ phi tất cả chúng sanh đều có thể giác ngộ, đều có thể quay đầu, đoạn ác tu thiện thì tai nạn này liền được hóa giải. Thế nhưng việc này là điều không thể, làm không được. Vì vậy, Phật Bồ-tát dạy chúng ta phải tự độ. Chúng ta không giúp đỡ được người khác thì phải giúp đỡ cho chính mình. Một người hồi đầu là một người được độ, mười người hồi đầu là mười người được độ. Phật độ người có duyên. Người nào chịu nghe lời giáo huấn của Phật, người nào chịu y giáo phụng hành thì người này được độ rồi. Cho nên chúng ta không nên nhìn thấy xã hội loạn như vậy, xã hội này sẽ gặp đại kiếp nạn, bản thân chúng ta rất bất hạnh khi chịu cộng nghiệp trong đó.

Thế nhưng nếu bạn nhìn từ một khía cạnh khác thì chúng ta đang sống trong thế gian hiện nay cũng không hẳn là việc không tốt, mà việc này khiến chúng ta có tâm cảnh giác cao độ, ép buộc chúng ta không thể không dụng công, không thể không thành tựu. Đây là tăng thượng duyên tốt, là nghịch tăng thượng duyên. Nếu không ở vào trong hoàn cảnh này thì tính cảnh giác của chúng ta sẽ không cao như vậy. Sinh trong hoàn cảnh này mới biết được không thể không thành tựu, nhất định phải nhanh chóng thành tựu. Nếu chậm thì sẽ bị cuốn vào vòng xoáy này, phải nhanh chóng thoát ra ngoài, nhanh chóng rời xa nó. Điều này chính là sự lựa chọn của trí huệ, là lợi ích chân thật, chúng ta mới thể hội được ân đức của Phật Bồ-tát đối với hết thảy chúng sanh.

Nếu không có giáo huấn của Phật Bồ-tát, nói thật ra chúng ta không có năng lực thoát khỏi khổ nạn này. Chúng ta có được giáo huấn của Phật Bồ-tát, giáo huấn của Phật Bồ-tát là bình đẳng. Nếu có người vui vẻ tiếp nhận, họ liền đạt được, nếu có người vẫn chưa chịu tiếp nhận, vẫn còn ở đó suy nghĩ, do dự không quyết, vậy thì họ không được thọ dụng rồi. Cho nên tâm Phật là thanh tịnh, tâm Phật là bình đẳng, còn tùy chúng ta có thiện căn phước đức hay không . Nhân duyên chúng ta ngày nay đã có đủ, đã gặp được rồi, vậy chỉ xem chúng ta có thiện căn, phước đức hay không?

Chính mình có thiện căn chính là có thể tin, có thể giải. Bản thân có phước đức chính là chịu làm, chịu y giáo phụng hành. Đây chính là có phước báo, biết được bản thân làm thế nào tu học, làm thế nào giúp đỡ người khác. Vì vậy cho dù bạn chung sống với bất cứ ai, khi chung sống với hết thảy chúng sanh thì nhất định không được làm trái với lục hòa, lục độ. Lục hòa và lục độ ở đoạn này chính là nói “đối đãi hòa nhã, ân huệ với người khác”.

Chữ “hòa” ở đây nếu dùng nhãn quang của nhà Phật để xem thì chính là lục hòa, chữ “huệ” chính là lục độ. Mọi nơi đều cần học khiêm tốn, học nhẫn nhường, không được tranh giành với người khác. Xã hội ngày nay đề xướng tất cả đều “cạnh tranh”. Hai chữ này thật là đáng sợ. Chúng tôi nghe đến âm thanh này, nhìn thấy hai chữ này cảm thấy rất hoảng sợ. Hai bên cạnh tranh với nhau, không chịu nhẫn nhường thì thế giới này sẽ đi đến hủy diệt. Cho nên trong sách cổ Trung Quốc không tìm thấy hai chữ này.

**********

Các vị đồng tu! Mời xem Cảm Ứng Thiên, đoạn kinh văn thứ 69: “Sính chí tác uy, nhục nhân cầu thắng.” (Phô trương oai thế cho thỏa chí. Làm nhục người khác để giành phần thắng).

Và đoạn thứ 75: “Thừa uy bức hiếp. Túng bạo sát thương.” (Cậy oai bức hiếp, phóng túng hung bạo, giết hại tổn thương kẻ khác). Đoạn này là “cang cường chi ác”.

Phần đầu tiên chúng tôi đã báo cáo qua với các vị rồi. Trong đoạn mở đầu của chú giải đã nêu cho chúng ta bốn chữ: Chánh, Trực, Hòa, Huệ. Bốn chữ này đích thực là căn bản cho chúng ta làm người, lập thân xử thế. Nhà Nho và nhà Phật đều nói đến phát Bồ-đề tâm. Trong Quán Kinh, Thế Tôn nói Bồ-đề tâm là tâm chí thành, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. Trong Khởi Tín Luận thì gọi Bồ-đề tâm là: trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Chúng ta đem kinh luận tổng hợp lại để xem thì thực ra chính là câu mà nhà Nho thường nói đến “thành ý chánh tâm”.

Chánh trực nghiêm khắc với bản thân”, chữ “chánh” ở đây chính là chánh tâm, chánh tâm là trực tâm. “Đối đãi ôn hòa, ân huệ với người khác” chính là đại bi tâm, chính là hồi hướng phát nguyện tâm. Do vậy chúng ta cần cẩn thận đọc tụng, thể hội lời dạy của những vị đại Thánh đại Hiền trong thế xuất thế gian. Tuy những ngôn ngữ các Ngài nói không tương đồng nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn đồng nhất. Cho nên thế pháp và Phật pháp rất dễ dung hòa, thế pháp và Phật pháp cũng không có chướng ngại. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Chân lý đích thực chỉ có một. Trong Phật pháp gọi là Phật, gọi là tâm tánh, các tôn giáo khác gọi là Thiên Chúa, gọi là Thánh. Chân lý như thế có tác dụng rất rộng lớn mà không có bờ mé, do vậy mới có khả năng phổ độ hết thảy chúng sanh. Chữ “độ” có nghĩa là trợ giúp, hướng dẫn, dạy dỗ, giúp đỡ và phục vụ. Chúng ta từ điều này mà xem, mà tu học.

Tổ sư Đại đức của Đại thừa Giáo hạ thường khuyên dạy người phải tu từ căn bản. Căn bản là gì? Căn bản là một khái niệm, là một quan niệm. Các nhà triết học nói khái niệm này là vũ trụ quan, nhân sinh quan. Cách nhìn của chúng ta đối với nhân sinh, đối với vũ trụ nếu tương ưng với chân tướng sự thật thì trong Phật pháp gọi là tương ưng với tánh đức, đó là chánh pháp. Nếu trái nghịch với tánh đức thì pháp này là tà pháp. Nhưng chúng ta nên biết tà pháp và chánh pháp đều không rời tự tánh, thế nên nói “tà chánh không hai”. Điều này không có ở trong các tôn giáo khác, đích thực là cao hơn một tầng.

Tà chánh trên tâm tánh là không hai, trên hiện tượng cũng là không hai. Chỉ là khác biệt về suy nghĩ, khác biệt về cảm thụ. Thế nhưng sự khác biệt này chỉ có ở phàm phu mà thôi, người mê thì có, còn người giác ngộ thì không có. Đạo lý này chúng ta nên hiểu rõ. Hiểu rõ đạo lý này rồi thì căn cứ vào đạo lý này chúng ta mới có chánh giác, rồi tiếp đến nâng cao thành chánh đẳng chánh giác. Tư tưởng của bạn thuần chánh, kiến giải đúng đắn thì hành vi của bạn tự nhiên sẽ giống như chư Phật Bồ-tát.

Tổng kết những cương lĩnh mà Phật Bồ-tát dạy bảo chúng ta, những cương lĩnh mấu chốt đó là: nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Như vậy tự nhiên sẽ tương ưng, sao có ác niệm, ác hạnh được chứ. Thích phô trương sức mạnh, hiếu thắng, làm hùm làm hổ, luôn nghĩ rằng mình ở trên người khác, luôn nghĩ rằng người khác đều không bằng mình. Suy nghĩ này sai rồi, hành vi biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày cũng sai rồi. Trong đoạn này, điều đó chính là “cang cường chi ác”, hai câu này chính là nói tổng quát. Tiếp theo sau là nêu các ví dụ, chúng ta từ những ví dụ này học một biết mười thì sẽ hiểu được trong cuộc sống hằng ngày chúng ta có làm sai việc nào hay không.

Câu “Hủy hoại mùa màng của người ta”, chúng ta cho rằng mình không làm điều này, đó là phá hoại ruộng vườn của nhà nông, thế nhưng từ việc này suy luận thêm thì phàm là phá hoại những gì liên quan đến phương diện cuộc sống và thọ dụng vật chất của người khác thì đều thuộc về ý này. Do vậy bạn cần phải hiểu ý nghĩa sâu rộng của câu này. Trong thành thị, phương thức làm việc rất nhiều, có những người làm công chức cho các cơ quan chính phủ, dựa vào đồng lương để sinh sống. Ngoài những ngành nghề này ra còn có nghề kinh doanh, làm thuê, họ đều có những cách mưu sinh riêng của họ. Nếu bạn làm chướng ngại họ, phá hoại họ, khiến cho họ mất đi cơm áo, mất đi công việc, hoặc là khiến cho đãi ngộ trong công việc của họ bị giảm đi thì tất cả đều là thuộc về lỗi này.

Tiếp đến câu thứ hai là “Phá hoại hôn nhân của kẻ khác”. Ý câu này bao gồm cả việc phá hoại hòa thuận của gia đình người khác. Chư Phật Bồ-tát nhất định ủng hộ sự hòa thuận của gia đình, tương thân tương ái, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu việc tốt của người chứ không thành tựu việc ác của người. Bất luận là tôn giáo nào đều vô cùng xem trọng gia đình. Phật pháp dạy chúng ta khoa mục căn bản để tu hành chính là “hiếu thân tôn sư”. Hầu như tất cả các vị Thánh Hiền trong các tôn giáo khi dạy người đều không ngoại lệ, đều bắt đầu dạy từ hiếu kính. Nhà Phật nói “hiếu thân tôn sư”, đã đưa hiếu thân đặt ở vị trí đầu tiên, đặt tôn sư ở vị trí thứ hai. Các tôn giáo khác đặt phụng thờ Thánh Thần ở vị trí đầu tiên, còn hiếu thân lại đặt ở vị trí thứ hai, không có tôn giáo nào là không coi trọng điều này. Đây chính là điểm khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác.

Phật pháp là sư đạo, sư đạo nhất định phải được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, nếu không có hiếu, không có hiếu thảo cha mẹ thì sẽ không thể có sự tôn kính sư trưởng. Điều này rất hợp logic. Chúng ta thường nói là “hợp với đạo trời, hợp với lòng người”. Thế nhưng trong các tôn giáo khác thường phụng thờ một vị Thánh Thần, khẳng định vạn vật do Thần tạo ra, Thần thống trị tất cả mọi thứ, do vậy họ đặt sự kính ngưỡng Thần Thánh lên vị trí hàng đầu, hết thảy đều nương nhờ vào Thần Thánh. Điều này trong Phật pháp gọi là “pháp môn tha lực”. Sự tu hành chứng quả của Phật pháp là dựa vào tự lực, không dựa vào tha lực, duy chỉ có độc nhất trong Tịnh tông và Mật tông thì có pháp môn nhị lực. Nhị lực tức là dựa vào chính mình và dựa vào tha lực. Tuy gọi là nhị lực nhưng trong nhị lực thì vẫn lấy tự lực làm đầu. Điều này so với các tôn giáo khác thì quan niệm không tương đồng. Đó chính là bản thân phải chăm chỉ nỗ lực tu hành như lý như pháp thì mới được oai thần của Phật Bồ-tát gia trì. Nếu bản thân bạn không chịu dụng công mà muốn được oai thần của Phật Bồ-tát gia trì là không thể có. Điều này chúng ta hiện tại suy nghĩ kỹ càng thấy hợp tình hợp lý.

Bản thân chúng ta có một phần công phu thì Phật sẽ gia trì cho chúng ta một phần, chúng ta có hai phần công phu thì Phật sẽ gia trì hai phần, chúng ta có mười phần công phu thì sự gia trì của Phật sẽ là mười phần. Điều này thực sự là hợp tình, hợp lý, hợp pháp chứ không hoàn toàn dựa dẫm vào Thần Thánh. Ân huệ lớn nhất của Phật Bồ-tát đối với chúng ta chính là giáo huấn, dạy dỗ chúng ta. Ví dụ người thế gian mong cầu tài phú, Đức Phật dạy chúng ta cách thức phát tài, cũng là nói nếu bạn muốn có được tài phú thì Đức Phật dạy cho bạn đạo lý của việc đạt được và đạo lý khiến bạn không thể đạt được, tất cả đều nói rõ cho bạn nghe. Khi thông đạt rõ ràng lý luận này rồi thì trong cuộc sống thường ngày bạn mới chịu chăm chỉ nỗ lực học tập, tu phước và quả báo sẽ hiện tiền. Vì vậy có câu “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, nếu bạn muốn bội thu thì Đức Phật dạy bạn làm thế nào để gieo trồng, bạn sẽ có mùa bội thu.

Đức Phật dạy cho chúng ta chính là như vậy. Trong các tôn giáo thông thường hay nói hoàn toàn dựa vào sự ban tặng của Thánh Thần. Chỉ e là họ hiểu sai ý của Thánh Thần, kỳ thực ý nghĩa việc ban tặng của Thánh Thần cùng với ý nghĩa chân thật mà Phật pháp nói đến là tương đồng. Ở đây chỉ sợ họ hiểu sai ý nghĩa thôi, cho rằng bản thân có thể không cần chăm chỉ, hoàn toàn dựa vào sự ban tặng của Thánh Thần. Tất cả đều nương nhờ vào Thánh Thần, vậy thì đây sẽ là cuộc sống như thế nào? Là sống nhờ vào sự cứu tế qua ngày. Những nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đều nhờ vào sự cứu tế của người khác. Còn Đức Phật dạy chúng ta làm thế nào để sinh sống, để sản xuất. Ý nghĩa lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền đều không sai, chỉ sợ bản thân chúng ta hiểu sai.

Chúng ta thấy rất nhiều tín đồ của nhiều tôn giáo đã hiểu sai ý của Thánh Thần, chúng ta tự quay đầu nhìn lại, trong nhà Phật cũng có rất nhiều người hiểu sai ý của Phật Bồ-tát. Nguyên nhân này ở đâu vậy? Trong đại kinh đại luận nói: “Nếu không có người giảng giải Phật pháp thì tuy có trí nhưng vẫn không thể hiểu.”. Vấn đề là ở chỗ không có người dạy học. Khi chúng ta đọc kinh thường hay dựa vào tri kiến của phàm phu, dựa vào cách nghĩ của bản thân nên thường hiểu sai, hiểu lệch ý nghĩa của kinh điển. Vì vậy Đức Phật mới nói “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải”, đạo lý là ở chỗ này.

Còn đối với sự dạy dỗ trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là những chi tiết trên phương diện sinh hoạt trong cuộc sống thì đích thực một số tôn giáo dạy rất tốt, nói rất kỹ, thí dụ như Hồi giáo. Trong Phật giáo cũng có dạy, nhưng trong Phật giáo thì Thế Tôn chủ yếu dạy giới luật và oai nghi của người xuất gia, dạy cũng rất tường tận. Nhưng hiện nay mọi người đều lơ là phương diện này rồi, không có người học nữa. Không cần nói đến những giới quá phức tạp, ngày nay đơn giản nhất như Sa Di Luật Nghi gồm mười điều giới luật, hai mươi bốn oai nghi. Ngày nay người chịu xem không nhiều, người chịu học cũng không có nữa. Cho nên ngày nay nói trên hành môn thì Phật giáo không bằng các tôn giáo khác, chúng ta không bằng Thiên Chúa giáo, không bằng Hồi giáo. Bên họ vẫn rất coi trọng về chi tiết sinh hoạt trong cuộc sống, điều này vẫn đang được phụng hành. Còn chúng ta thì ngược lại, chỉ là dựa trên kinh luận mà bàn nói đạo lý, không có thực tế.

Lần này khi hội trưởng Lý trở về từ Trung Quốc đã đem về không ít thư tịch của các tôn giáo khác. Hôm qua ông có lấy một vài cuốn đưa cho tôi xem. Tôi xem hai cuốn sách rất dày được đóng bìa cẩn thận. Đó là sách của đạo Hồi, nếu dùng tiếng Trung Quốc để nói thì là sách về “nghi lễ”, nói về quy phạm cuộc sống hằng ngày. Tôi xem thấy đoạn mở đầu là dạy bạn rửa mặt như thế nào, khi tắm thì tắm thế nào. Bạn xem, họ rất xem trọng việc giáo dục cuộc sống. Vậy chúng ta có không? Chúng ta có, không phải là không có, tuy rằng có nhưng ở trong Đại Tạng Kinh, không có người lấy ra nên đã quên hết sạch rồi. Nếu chúng ta không đưa những điều này ra để xem, nghiên cứu và để áp dụng vào cuộc sống thường ngày thì chúng ta sẽ tụt hậu so với các tôn giáo khác. Đương nhiên một số người sẽ nói những điều này là tiểu tiết, là chuyện nhỏ. Thế nhưng tiểu tiết cũng không nên bỏ qua. Nếu bỏ qua tiểu tiết sẽ dễ chướng ngại đến cái đức lớn của chính bạn. Tại sao họ có thể làm được mà chúng ta lại không làm được? Chúng ta ngày nay nên học tập, học sở trường của người khác, khắc phục nhược điểm của chính mình. Điều này nhất định phải được coi trọng.

Nhà xuất bản tôn giáo cục tôn giáo Trung Quốc quả thực những năm gần đây đã xuất bản rất nhiều sách hay, trong đó đều nhắc đến mỗi một tôn giáo. Thế nhưng tôi hiện tại đang suy nghĩ các đồng học có thể xem những tài liệu này được không? Nếu xem thì e rằng làm loạn định huệ của tất cả mọi người. Vậy thì những điều này khi nào nên học? Là học sau khi đã khai ngộ. Do vậy việc tu học của Phật pháp trước tiên yêu cầu thành tựu căn bản trí, trước tiên thành tựu giới định huệ của chính mình. Khi trí huệ đã khai ngộ rồi thì tất cả đều có thể xem, có thể tiếp xúc, thành tựu hậu đắc trí của chúng ta. Hậu đắc trí là không gì mà không biết, đối với việc tự hành hóa tha có lợi ích chân thật. Nói cách khác, hậu đắc trí là trí huệ của cuộc sống, là trí tuệ xử thế đối người tiếp vật, thế nhưng trước tiên nhất định phải có căn bản trí. Căn bản trí là gì? Căn bản trí là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Năm tâm mà chúng ta nói đến là: Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ Bi chính là căn bản trí. Vì vậy chúng ta cần gấp rút bồi dưỡng. Điều này quan trọng hơn bất cứ thứ nào khác.

Tối hôm qua hội trưởng Lý trở về đã kể với tôi về mấy câu nói của lão hòa thượng Minh Sơn. Tôi nghe xong cũng rất buồn vì hiện tại sức khỏe của Phác Lão (lão cư sĩ Triệu Phác Sơ) không được tốt. Kể từ sau khi tôi gặp ông tại Bắc Kinh, cư sỹ Lý nói với tôi, gần đây sức khỏe của Phác Lão không có tiến triển. Chúng tôi rất lo lắng. Lão pháp sư Minh Sơn trụ trì chùa Phật Ngọc ở Thượng Hải, sau khi Giác Tỉnh pháp sư lên thay thì ông nhập viện, tuổi tác của ông đã quá cao, quá vất vả rồi. Trong bệnh viện ông đặc biệt hẹn gặp cư sỹ Lý Mộc Nguyên rồi rất cảm thán nói với ông rằng, nếu như Phác Lão mà vãng sanh thì sẽ không có Phác lão thứ hai nữa. Sau đó ông nói đến chính mình, ông đã nhiều tuổi thế này rồi mà vẫn đi khắp nơi truyền giới, bôn ba khắp nơi. Tuổi cao sinh bệnh thế này rồi thì cần nhập viện để làm gì chứ, niệm Phật cầu vãng sanh có phải tốt hơn không? Nhưng ông nói, tôi hiện giờ vẫn muốn nhập viện, hy vọng thân thể này lưu lại thêm mấy năm tại thế gian này để giúp những người hậu học. Thật là đại từ đại bi! Chúng ta thấy những vị trưởng lão này từ bi đến cực điểm, đối với chúng ta rất mực yêu thương. Chúng ta cần phải thể hội được điều này, cần chăm chỉ nỗ lực học tập, tri ân báo ân. Các vị đó thực sự đều sắp gần đất xa trời, bất cứ lúc nào đều có thể ra đi được. Các vị này trụ thế thì có sự giúp đỡ rất lớn đối với chúng ta, chúng ta đều được nương nhờ hồng phúc của các Ngài. Chúng ta có hoàn cảnh tốt để tu học, nhất định phải chăm chỉ chịu khó, phát nguyện tiếp nối huệ mạng của Phật, đảm nhận trọng trách độ hóa chúng sanh của các Ngài, chúng ta cần phát tâm.

Cảm Ứng Thiên là kinh để thực hành, kinh văn đa phần là nói về nguyên lý nguyên tắc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy không nói cụ thể chi tiết như trong Sa Di Luật Nghi hay về những quy phạm cuộc sống như trong Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, thế nhưng nếu chúng ta nắm vững những nguyên lý nguyên tắc này rồi thì đọc những quy phạm về cuộc sống sẽ rất hoan hỷ. Bạn tự nhiên sẽ ngưỡng mộ, tự nhiên muốn làm theo, không phải người khác bắt bạn làm, không phải người khác khuyên bạn đi làm mà chính bản thân bạn sẽ rất muốn làm theo. Cho nên không thể không hiểu đạo lý.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây. A Di Đà Phật!